Bản tin ngày 10-6-2021
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Trong buổi họp báo thường kỳ chiều nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc chuẩn bị lắp đặt giàn khoan lớn nhất thế giới, báo Thanh Niên đưa tin. Khi được hỏi về việc TQ lắp đặt xong giàn khoan “Biển sâu số 1” lớn nhất và là giàn khoan nửa chìm nửa nổi đầu tiên trên thế giới, ở mỏ Lăng Thủy, người phát ngôn BNG Lê Thị Thu Hằng khẳng định, “chưa có thông tin cụ thể về việc này”.
Bà Hằng nhắc lại “lập trường rõ ràng và nhất quán của Việt Nam” là “các bên liên quan cần tôn trọng đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, đặc biệt là vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập trên cơ sở UNCLOS 1982 cũng như các điều ước quốc tế song phương có liên quan”.
Ngày 31/5, báo Tuổi Trẻ, là một trong những báo “lề phải” đưa tin sớm nhất vụ TQ kéo giàn khai thác lớn nhất thế giới ra Biển Đông. Thông tin về giàn khoan “Biển sâu số 1” lớn nhất thế giới đã được “bạn vàng” của chế độ tuyên truyền rầm rộ trước đó. Nhưng đến nay bà Hằng nói rằng, bà không có “thông tin cụ thể” về vụ này.
Bà Hằng lâu nay làm nhiệm vụ “bảo vệ chủ quyền” biển đảo. Khi bị TQ lấn chiếm lãnh hải, lãnh thổ, lãnh đạo VN không dám hó hé, mà để một mình bà Hằng ra tuyên bố vài câu “đuổi giặc” là xong. Nhưng bây giờ bà Hằng cũng không biết thông tin cụ thể về chuyện TQ đang kéo giàn khoan ra Biển Đông, biết đâu tới lúc họ khoan vào lãnh hải của Việt Nam, bà cũng không biết luôn.
VOA có clip: Việt Nam đề nghị ‘giải pháp lâu dài’ cho Biển Đông.
Cũng trong buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối hành động xâm phạm chủ quyền tại Trường Sa, theo VietNamNet. Vụ Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines đến thăm đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa, mà cả Việt Nam lẫn Philippines tuyên bố chủ quyền, bà Hằng nói: “Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo này”.
Vụ tàu TQ số hiệu Benhai 09952 và tàu hải cảnh CCG 4301 xuất hiện ở khu vực gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN, hiện bị TQ chiếm đóng phi pháp. Bà Hằng tiếp tục lặp lại thông điệp quen thuộc: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Trang An Ninh Thủ Đô đặt câu hỏi: Việt Nam nói gì về thông tin Trung Quốc hỗ trợ Campuchia nâng cấp căn cứ hải quân? Khi được đề nghị bình luận vụ TQ hỗ trợ Campuchia nâng cấp căn cứ hải quân Ream, bà Hằng nói: “Là quốc gia láng giềng đối với cả Trung Quốc và Campuchia, Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống với cả Trung Quốc và Campuchia, cũng như mong muốn quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như trên thế giới”.
VTC đưa tin: Lầu Năm Góc ban hành chỉ thị đối phó Trung Quốc. Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ban hành chỉ thị, yêu cầu Lầu Năm Góc tiến hành nhiều sáng kiến mới nhằm ứng phó với Trung Quốc. Chỉ thị của Bộ trưởng Austin được đưa ra nhằm ứng phó với thách thức từ TQ, dựa trên sự hợp tác với các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: “Chỉ thị này đảm bảo rằng, Lầu Năm Góc sẽ hoạt động theo các ưu tiên đã được đề ra đối với Trung Quốc”.
Infonet có bài: Mỹ lại hướng ‘mũi giáo’ vào kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Ngày 9/6, một số lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Vũ trang, Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Tình báo của Hạ viện Mỹ, viết thư cho Tổng thống Biden, giục ông xây dựng một “chiến lược toàn diện”, với sự phối hợp của nhiều cơ quan, nhằm ngăn cản TQ phát triển vũ khí hạt nhân. Nhóm quan chức cảnh báo, nếu Mỹ không có hành động nào đối với vấn đề này, thì đến năm 2030, TQ có thể đạt được “một mức độ cân bằng quyền lực hạt nhân nhất định” với Mỹ.
Mời đọc thêm: Trung Quốc kéo giàn khoan lớn nhất thế giới ra Biển Đông, Việt Nam lên tiếng (VTC). – Việt Nam nói về thông tin Trung Quốc lắp đặt xong giàn khoan lớn nhất thế giới (NLĐ). – Việt Nam phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền quần đảo Trường Sa (TTXVN). – Việt Nam phản đối hành động xâm phạm chủ quyền tại Trường Sa (VNN). – Phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa (PLTP).
– ASEAN – Trung Quốc ra tuyên bố chung sau hội nghị đặc biệt (TP). – Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Địa bàn cạnh tranh tàu ngầm chiến lược thế hệ mới giữa Mỹ và Trung Quốc (TG&VN). – 88% người Nhật, 72% người Hàn coi Trung Quốc là mối đe dọa quân sự (GT).
Chiến dịch “đốt lò”
Trong cuộc họp sáng nay, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị kỷ luật 12 quân nhân, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban, Đại tướng Lương Cường, các thành viên UBKT Quân ủy TƯ kết luận về vi phạm của các cá nhân, tập thể trong quân đội. Cơ quan “đốt lò” của quân đội bỏ phiếu, đề nghị thi hành kỷ luật của Đảng đối với 12 quân nhân.
Các báo “lề phải” không được cung cấp danh sách chi tiết 12 trường hợp này, chỉ cho biết, trong nhóm bị kỷ luật đảng, có 2 trường hợp bị cảnh cáo, 2 trường hợp bị cách chức. Trong nhóm bị kỷ luật quân đội, có một trường hợp bị tước quân hàm sỹ quan, 3 trường hợp bị cách chức 3 và 4 trường hợp bị tước danh hiệu quân nhân.
Vụ bê bối của Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam, báo “lề đảng” đưa tin chậm hơn “lề dân” tới 2 ngày. Hôm nay, báo chí trong nước đưa tin: Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam vi phạm những điều đảng viên không được làm. Nhưng vụ này, trang Tiếng Dân đã đưa tin 2 ngày trước, qua bài viết của tác giả Phạm Vũ Hiệp: Đại biểu “nhúng chàm” và Quốc hội khoá 15… bệnh tật. Bài này không chỉ nói về bí thư Trần Văn Nam, mà còn nói về các nhân vật khác nữa.
Báo Thanh Niên dẫn lời bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ QH: ‘Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã xác định Bí thư Bình Dương có vi phạm, khuyết điểm’. Bà Thanh xác nhận, Hội đồng Bầu cử quốc gia có Nghị quyết không xác nhận tư cách ĐBQH đối với ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương: “100% thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia có mặt đã thông qua nghị quyết này”.
Bà Thanh cho biết, Hội đồng Bầu cử quốc gia không tiếp nhận được đơn xin rút, xin thôi không làm ĐBQH của ông Nam vì lý do sức khỏe, mà xem xét và quyết định không công nhận tư cách của ông này vì UBKTTƯ đang kiểm tra dấu hiệu sai phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương. Qua kiểm tra bước đầu, ông Nam có một số vi phạm, khuyết điểm.
Mời đọc thêm: Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật 12 quân nhân (VNN). – 12 quân nhân bị Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị kỷ luật (VNF). – Đề nghị tước quân hàm sĩ quan, cách chức một số quân nhân (TQ). – Vì sao không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương? (BVPL). – Bí thư Bình Dương từng có quyết định về đất đai gây hậu quả nghiêm trọng (GT). – Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV vì có vi phạm (KTĐT).
Lại đường sắt Cát Linh – Hà Đông…
Sau gần 10 năm để người dân thủ đô mòn mỏi chờ đợi, cùng với 11 lần lỡ hẹn, Bộ GTVT thông báo, khai thác thương mại đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào quý III/2021, báo Tiền Phong đưa tin. Từ sau lần lỡ hẹn khai thác thương mại vào cuối tháng 4/2021 đến nay, toàn bộ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chìm trong im lìm, vắng lặng. Gần đây, Thủ tướng ký quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra nhà nước (KTNN) để nghiệm thu công trình này.
Đại diện UBND TP Hà Nội thông báo, dự án đã được Hội đồng KTNN có ý kiến về công tác nghiệm thu. Bộ GTVT đang triển khai công tác bàn giao cho UBND TP Hà Nội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ GTVT cũng đang chỉ đạo Ban Quản lý (BQL) dự án cùng với các đơn vị liên quan hoàn tất các thủ tục, để chuẩn bị đưa dự án vào vận hành khai thác.
Dù Bộ GTVT đã cố chốt thời điểm đưa dự án Cát Linh – Hà Đông vào khai thác thương mại, nhưng tai tiếng xung quanh dự án này vẫn chưa hết. VietNamNet đưa tin: Tư vấn Pháp khuyến cáo những nguy cơ mất an toàn đường sắt Cát Linh- Hà Đông. Báo cáo của tư vấn ACT cảnh báo, phần hệ thống thiết bị của dự án có 16 khuyến nghị cảnh báo nguy cơ mất an toàn gồm các nhóm: Hồ sơ tài liệu; Thiết kế cần khắc phục hiện trường và tiếp tục cải tiến, nâng cao mức độ an toàn trong tương lai; sự sẵn sàng vận hành của các nhân sự.
Tư vấn ACT cũng cảnh báo thêm một số nội dung khác, như hệ thống hút gió riêng biệt sử dụng khi có sự cố cháy nổ; chưa có hệ thống cảnh báo cháy tự động; không có hệ thống tự động mở cửa khoang khách trong tình huống khẩn cấp, một số khuyến cáo cần đầu tư thêm, như hỗ trợ người khuyết tật, lắp thêm rào chắn ke ga…
Facebooker Nguyễn Thiện bình luận: “Tôi đặc biệt lưu ý câu này của tư vấn Pháp được tường thuật trên các báo: Nếu vận hành hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, chủ đầu tư phải chấp nhận các rủi ro và hệ quả tương ứng. Tôi thấy cũng cần nhắc lại: ở Việt Nam thường nói tính mạng con người là quan trọng nhất!”
TS Nguyễn Quang A viết: “Nhắc ông Thể về tiêu chuẩn đường sắt Trung Quốc: 1) Trung Quốc có mạng đường sắt dài nhất và hiện đại nhất thế giới! 2) Kỹ thuật, công nghệ đường sắt TQ thuộc loại nhất thế giới! 3) Hai điểm nêu trên không phải bàn cãi. Vấn đề là TQ không làm như họ làm ở TQ và ở các nước khác với tuyến Hà Đông-Cát Linh mà thôi! Tại anh, tại ả hay tại cả 2 đứa? Hay mua đồ dỏm, từ lão bán đồ dỏm và ăn tiền của dân. Ông đốt lò đâu?”
Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lại luận điểm thanh minh của Bộ GTVT: Tư vấn khó đánh giá toàn diện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Bộ GTVT thừa nhận, Tổng thầu EPC, là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt TQ đến nay vẫn không cung cấp đủ tài liệu liên quan tới an toàn vận hành hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông, dự án bị tư vấn Pháp cảnh báo nguy cơ mất an toàn là do họ đánh giá dựa trên tiêu chuẩn châu Âu, còn dự án được thực hiện theo tiêu chuẩn TQ.
Bộ GTVT giải thích, tiêu chuẩn TQ chỉ yêu cầu đánh giá và cấp chứng nhận an toàn tín hiệu, không yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống điện kéo, phanh điện, còn tiêu chuẩn châu Âu bắt buộc đánh giá an toàn cả 3 hệ thống này. Hệ thống điện kéo, phanh điện của đoàn tàu áp dụng tiêu chuẩn của TQ, cũng không phải thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn.
Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Đường sắt Cát Linh-Hà Đông khó vận hành nếu theo chuẩn an toàn châu Âu? Bộ GTVT khẳng định, các đoàn tàu đã có đầy đủ hồ sơ chứng minh chất lượng theo chỉ dẫn kỹ thuật được duyệt về độ bền, khả năng ứng cứu trong các trường hợp khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn. Dự án được làm theo tiêu chuẩn của giai đoạn 2010 – 2011, còn tư vấn Pháp đánh giá theo tiêu chuẩn gần đây.
Đến đây, cần nhắc lại vụ nhà thầu Trung Quốc cam kết vận hành Đường sắt đô thị Cát linh – Hà Đông cuối năm 2016. Ngày 13/2/2016, Tổng thầu EPC TQ đã ký cam kết vận hành thử, đưa vào vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị Cát linh – Hà Đông vào ngày 31/12/2016. Đến nay đã hơn 5 năm sau khi nhà thầu TQ ký cam kết, tuyến Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa chính thức vận hành. Vụ “ký một đằng, làm một nẻo” này đủ cho thấy “trọng lượng” của lời cam kết về độ an toàn của các phương tiện, thiết bị trong dự án.
Còn với tư vấn Pháp, việc họ đánh giá dự án dựa trên tiêu chuẩn châu Âu gần đây, chứ không dựa trên tiêu chuẩn TQ từ năm 2010 – 2011, cho thấy người Pháp làm việc chuyên nghiệp, tận tâm và lo cho những người dân thủ đô VN sắp bị đem ra làm “dê tế thần” trên tuyến đường sắt dùng toàn hàng Tàu.
RFA đã làm một khảo sát nhỏ về ý kiến của người dân đối với tuyến đường Cát Linh – Hà Đông, bằng hình thức chọn từ các biểu tượng trong danh sách nút “like”. Có 4 lựa chọn là: 1. Đi tàu Cát Linh – Hà Đông mỗi ngày; 2. Thà đi bộ còn hơn, 3. Ưu tiên cho cán bộ, quan chức đi tàu; 4. Ý kiến khác. Đến 6h tối nay, đã có hơn 5.500 người like và gần 800 bình luận, phần lớn lựa chọn ưu tiên cho cán bộ, quan chức đi tàu Cát Linh – Hà Đông.
Nếu lãnh đạo, quan chức của Bộ GTVT hoàn toàn tin tưởng mấy lời “cam kết” của nhà thầu TQ, làm ngơ cảnh báo của tư vấn Pháp, thì chính họ nên ngồi chuyến tàu này để tới cơ quan mỗi ngày. Còn nếu họ không làm được, nghĩa là họ đem tính mạng của người dân ra làm vật thí nghiệm.
Năm 2011, khi ông Đinh La Thăng còn làm Bộ trưởng Bộ GTVT, BQL dự án đã chính thức khởi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, tổng mức đầu tư ban đầu là 8.770 tỉ đồng. Lúc đó, dự án được kỳ vọng sẽ chính thức vận hành vào năm 2015, cùng với hệ thống xe bus nội đô giải quyết triệt để tình hình ách tắc giao thông của thủ đô. Gần 10 năm sau khi khởi công, dự án đã bị đội vốn 200%, mà con tàu Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa sử dụng được.
Mời đọc thêm: Đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chuyên gia Pháp cảnh báo không an toàn (DNVN). – Tư vấn Pháp cảnh báo 16 nguy cơ mất an toàn Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (SGGP). – Sẵn sàng tiếp nhận, khai thác thương mại dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông (ANTĐ). – “Đường sắt Cát Linh – Hà Đông dùng công nghệ Trung Quốc nhưng tiêu chuẩn như châu Âu” (RFA).
– Chốt giá vé tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (ĐĐK). – Hơn 1 thập kỷ chờ đợi, “tấm vé trong mơ” tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sắp được phát hành (VnEconomy). – Hà Nội chuẩn bị khai thác đường sắt Cát Linh – Hà Đông, giá vé thế nào? (GT). Mời đọc lại: Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Đội vốn 200%, trễ hẹn 8 lần chạy tàu và dân gánh chịu? (DV).
***
Thêm một số tin: Nhà sư quốc doanh phản đối việc Nhà Nước quản hòm công đức (RFA). – Vải thiều Việt Nam được khen ‘ngon nhất’ ở Nhật, nay sang Châu Âu (NV). – Thông qua dự luật đầu tư hàng trăm tỷ USD, Mỹ định hình chiến lược ứng phó Trung Quốc (VOV). – Ngược với Trump, Tổng thống Biden đã bỏ lệnh cấm đối với TikTok (BBC). – Tổng thống Mỹ Biden đến châu Âu với lời hứa tặng vac-xin cho thế giới (RFI).
0 comments