Tình hình dịch COVID-19 ở Bắc Giang vẫn rất phức tạp, khó lường - Tin Tức VN
Chủ nhật, 16/05/2021, 19:00 PM
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định tình hình dịch ở Bắc Giang vẫn rất phức tạp, khó lường, còn nguy cơ lây nhiễm trong các khu cách ly.
Bắc Giang sẽ giãn cách xã hội thêm hai huyện
Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 16/5, ông Lê Ánh Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - cho biết ổ dịch tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam trong KCN Quang Châu (huyện Việt Yên) mới phát hiện từ ngày 14/5 đến nay tiếp tục diễn biến phức tạp.
Đến 12h00 ngày 16/5, tại ổ dịch này đã có 150 trường hợp F0, ngoài ra, còn 83 mẫu xét nghiệm gộp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các mẫu này đã được tách mẫu đơn để tiếp tục xét nghiệm. Tất cả các trường hợp F0 tập trung chủ yếu công nhân Xưởng 4.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhận định tốc độ lây nhiễm ở đây rất nhanh, do nhà xưởng xây thấp, khép kín, làm việc phòng lạnh, công nhân ngồi sát nhau, khi có ca bệnh sẽ lây cho cả xưởng. Ngoài ra, các ca bệnh không có triệu chứng. Phân xưởng và doanh nghiệp đo thân nhiệt người ra vào hàng ngày, kiểm soát các bước nhưng không phát hiện ra. Chỉ khi có một trường hợp bên ngoài mắc COVID-19, liên quan công ty thì mới phát hiện ra.
Ông Dương cho hay việc lấy mẫu ở KCN cơ bản đã xong, từ chiều nay 16/5, Bắc Giang sẽ phong toả thêm một số khu vực có nhà trọ công nhân để tiến hành lấy mẫu cộng đồng.
"Tỉnh đã giãn cách xã hội huyện Việt Yên, chiều nay sẽ giãn cách thêm huyện Lạng Giang và Lục Nam, đang xem xét giãn cách thêm huyện Yên Dũng" - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết.
Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương chi viện
Ông Dương cũng bày tỏ "chưa có kinh nghiệm chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp" và rất cần BCĐ Quốc gia, Bộ Y tế hỗ trợ đưa các chuyên gia giỏi về Bắc Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho biết về năng lực xét nghiệm của Bắc Giang đang rất hạn chế. Khi bắt đầu dịch, tỉnh chỉ đạo phải đạt công suất 10.000 mẫu/ngày đêm, sau đó, tỉnh chủ động nâng công suất lên 20.000. Nhưng với yêu cầu xét nghiệm diện rộng cần phải nâng lên 200.000 người thì rất khó khăn.
Hiện nay, với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị công suất có thể lên tối đa 100.000 mẫu/ngày. Hiện Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và các doanh nghiệp hứa sẽ chạy mẫu cho Bắc Giang. "Việc chạy mẫu sẽ nhanh hơn nhưng lực lượng đi lấy mẫu thì khó khăn. Tỉnh đang phải trưng tập, kêu gọi y bác sĩ của tỉnh đã nghỉ, đặc biệt là sinh viên, học sinh trường Y tham gia hỗ trợ lấy mẫu" - ông Dương cho hay.
Ngoài lực lượng 200 cán bộ y tế của tỉnh Quảng Ninh đang hỗ trợ tại tỉnh, Bộ Y tế đã hỗ trợ kit test nhanh; tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương mỗi tỉnh hỗ trợ 200 y bác sĩ đẩy nhanh quá trình lấy mẫu, xét nghiệm. Trưa nay xe xét nghiệm lưu động của quân đội đã về tới KCN Quang Châu, chiều nay bắt đầu tiếp nhận mẫu để chạy xét nghiệm.
Cũng trong ngày, TP Hà Nội đã thống nhất sẽ cử đoàn công tác gồm 16 chuyên gia hỗ trợ tỉnh Bắc Giang điều tra truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại KCN Vân Trung; hỗ trợ xét nghiệm hơn 10.000 mẫu RT-PCR cho tỉnh Bắc Giang. Chiều nay, tỉnh này sẽ gửi mẫu xét nghiệm lên Hà Nội.
Tình hình dịch ở Bắc Giang vẫn rất phức tạp, khó lường, còn nguy cơ lây nhiễm trong các khu cách ly
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định tình hình dịch ở Bắc Giang vẫn rất phức tạp, khó lường, còn nguy cơ lây nhiễm trong các khu cách ly. Hiện tại, Bắc Giang mới bắt đầu tầm soát rộng rãi trong cộng đồng. Các cơ sở y tế số lượng giường bệnh còn ít, gánh nặng tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 còn rất lớn.
Từ hai hôm nay, Bộ Y tế đã thành lập đoàn hỗ trợ Bắc Giang về dịch tễ với Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm trưởng đoàn cùng các chuyên gia về truy vết, phát hiện sớm.
Với xét nghiệm, Thứ trưởng nhận định đây là vấn đề khó, dù đã cố gắng, nhiều đơn vị vào cuộc nhưng chưa làm đầy đủ hết xét nghiệm, đặc biệt là test nhanh thì tỉnh báo cáo đang thiếu.
"Chúng tôi đã liên hệ đơn vị, công suất nhà máy sản xuất test nhanh kháng nguyên có thể lên 50.000 mẫu/ngày. Nếu với nhu cầu của tỉnh báo cáo thì chỉ vài ngày là các nhà máy đáp ứng được. Nhưng Sở Y tế phải thống kê cần bao nhiêu thì để tỉnh tổ chức mua" - Thứ trưởng nhấn mạnh test nhanh kháng nguyên là công cụ xét nghiệm sàng lọc rất cần thiết trong điều kiện hiện nay. "Với công tác truy vết nếu chỉ chờ xét nghiệm khẳng định (Realtime RT-PCR) thì mất nhiều thời gian" - ông nói.
Về lực lượng lấy mẫu, Thứ trưởng cho biết Bộ Y tế đã điều động 200 sinh viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, ngoài ra Trường Đại học Y Hà Nội đã gọi điện sẵn sàng hỗ trợ Bắc Giang. Cùng đó, nếu cần thiết, Bộ Y tế sẽ điều động Đại học Y tế công cộng, các bệnh viện và CDC các tỉnh cũng sẵn sàng lên đường.
0 comments