QH mới của VN 'nợ nhân dân' nhiều bộ luật như luật biểu tình, luật về hội
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự, nguyên Viện trưởng Viện phản biện chính sách độc lập (IDS, tổ chức đã tự giải thể) nói: "Lần này cũng như mọi cuộc Đảng cử dân bầu khác từ trước đến nay; nhưng có hai cái mới: lần này diễn ra trong đợt bùng phát thứ tư của COVID-19, và mọi cử tri đi bầu phải khai báo y tế (chí ít tại Hà Nội); và tuyên truyền ồn ào hơn trước." Từ Hanau, CHLB Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà hoạt động nhân quyền nói: "Tôi đã theo dõi trên truyền thông và gọi điện thoại hỏi trực tiếp những người bạn ở đủ cả bốn khu vực: Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên. Tôi được biết phía chính quyền Cộng sản Việt Nam chuẩn bị khá kỹ cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa này, từ việc trang hoàng pano, áp phích,… của khu vực bỏ phiếu. "Đồng thời nhà cầm quyền tung tất cả mọi lực lượng để tuyên truyền, vận động, thúc ép, có cả ngầm đe dọa để áp lực buộc mọi cử tri phải đi bỏ phiếu." Khi được hỏi có tín hiệu gì mới hay điều gì đáng chú ý qua cuộc bầu cử này, ông Nguyễn Văn Đài đáp: "Tôi cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đã giúp người dân Việt Nam hiểu thế nào là bầu cử tự do." "Vì vậy cho nên cuộc bầu cử Quốc hội khóa 15 là sự sát hạch rất quan trọng sự quan tâm của người dân Việt Nam đối với kỳ bầu cử này nói riêng và cả chế độ CSVN nói chung." Ông Nguyễn Quang A nói thêm: "Nếu đặt câu hỏi về việc liệu xem có sự thống nhất hay tương phản, khác biệt gì không giữa đưa tin của truyền thông, báo chí của nhà nước về cuộc bầu cử, với bên kia là những gì người dân, cộng đồng thực sự nghĩ và làm trong cuộc bầu cử này, rồi người dân thực sự quan tâm điều gì, thì tôi xin nói rằng nó khác một trời một vực, và người dân không quan tâm mấy." Ông Nguyễn Văn Đài nói: "Tôi cho rằng có sự khác biệt cơ bản giữa tuyên truyền của bộ máy truyền thông của chế độ với suy nghĩ của người dân. "Nhà cầm quyền vẫn tuyên truyền rằng cuộc bầu cử Quốc hội là thể hiện quyền tự do, dân chủ của nhân dân, rằng nhân dân thực hiện quyền của mình để bầu ra Quốc hội của dân, do dân và vì dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước. "Nhưng trên thực tế, đa số người Việt Nam vẫn có câu cửa miệng: "Đảng cử, dân bầu", được hiểu là các đại biểu Quốc hội đã được Đảng lựa chọn và quyết định, vậy nên lá phiếu của cử tri không có giá trị gì. Theo tôi, Quốc hội là của Đảng, đại diện cho quyền lực của Đảng chứ không phải là của nhân dân." Khi được hỏi ở địa bàn đang cư trú, cuộc bầu cử diễn ra như thế nào và cá nhân có bị sách nhiễu, cản trở gì hay không trong mấy ngày này, ông Nguyễn Quang A đáp: "Tôi không ra ngoài nên không biết! Chỉ nghe nhạc và lời hô hào liên hồi. Tôi không bị sách nhiễu gì về mặt thân thể cả. Chú cảnh sát khu vực có hỏi vợ tôi, "Cô chú đi bầu nhé". "Một ông an ninh đã làm việc với tôi không dưới chục lần, thì hôm qua và hôm nay có nhắn tin như sau: "Đi bầu cử là thể hiện quyền dân chủ, mai bác đi bầu cử chứ ạ. Bên cháu có một số việc muốn gặp, trao đổi với bác để hiểu rõ hơn về nhiều khía cạnh, bác có thể sắp xếp được không? Tôi trả lời: Hết Covid-19 thì sẽ xem xét. "'Thế hôm nay bác đi bầu cử chưa ạ?', người đó hỏi tiếp và tôi trả lời: 'Bạn nghĩ mình là ai mà lại hỏi mình vậy? Mình nghĩ ông Chủ tịch nước và ông Thủ tướng cũng chẳng được quyền hỏi bất cứ công dân nào như vậy cả,'" ông Nguyễn Quang A từ Hà Nội nói. Ở nhiều nước, công dân tại hải ngoại của các nước này không chỉ được quyền bầu cử từ xa, mà còn có đại biểu có thể được họ bầu ra làm đại diện cho khối cử tri ở nước ngoài. Khi được hỏi có so sánh hay suy nghĩ gì về điều này hay không, từ Hanau, ông Nguyễn Văn Đài đáp: "Nhà cầm quyền CSVN cũng đã từng đưa ra ý tưởng có đại biểu Quốc hội cho người Việt Nam ở hải ngoại và tổ chức bầu cử cho người Việt Nam ở nước ngoài. "Nhưng qua các đợt khảo sát thực tế thì thấy rằng ở người Việt hải ngoại chia làm hai: Phần lớn là chống đối chế độ độc tài CSVN, nên sẽ tẩy chay, phần còn lại thì không quan tâm. Bởi vậy nhà cầm quyền CSVN đã từ bỏ ý tưởng này. "Trong quan điểm của tôi, nếu Đảng CSVN muốn và chấp nhận có đại diện của người Việt Nam ở nước ngoài thì hãy nên chấp nhận đa nguyên, đa đảng trước." Cũng trong dịp này, ông Nguyễn Quang A nói thêm với BBC: "Nếu được hỏi là có thể bình luận gì về những tuyên truyền được báo đài của chính quyền tuyên truyền, loan đi trong dịp bầu cử này, trong đó có luận điệu nói bầu cử là 'nghĩa vụ' của người dân, thì tôi xin hỏi họ là điều nào của Hiến pháp, của Luật Bầu cử tại Việt Nam nói đó là nghĩa vụ của công dân? "Quốc hội Việt Nam chưa sửa Hiến pháp và Luật Bầu cử! Úc và một số nước bắt buộc đi bầu và tôi cũng ủng hộ bắt buộc đi bầu nếu có bầu cử thật sự theo nghĩa dân chủ, công bằng." Ông Nguyễn Văn Đài nói thêm: "Tôi thấy dịp này có những phát biểu rất kệch cỡm như của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ông Huệ được báo nhà nước trích lời nói: 'Sức mạnh trùng trùng, điệp điệp của nhân dân qua bầu cử.' "Theo tôi, nếu như nhà cầm quyền không gây áp lực với người dân phải đi bầu cử thì số cử tri đi bầu chưa chắn đạt 50%. "Còn theo qui định của điều 27 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 thì bầu cử là quyền của công dân từ đủ 18 tuổi trở lên. Không có bất cứ qui định nào của Hiến pháp, pháp luật nói bầu cử là nghĩa vụ cả." Hai nhà hoạt động từ Việt Nam và CHLB Đức nhân dịp này đề cập và bình luận về việc bao giờ Việt Nam mới có bầu cử dân chủ thực sự. Ông Nguyễn Quang A nói: "Tôi xin nói rằng chừng nào Việt Nam sửa Hiến pháp và sửa Luật Bầu cử sao cho các quyền tự do chính trị được đảm bảo (kể cả lập đảng chính trị; tự do ứng cử,…) mà các quyền đó được quy định rõ trong luật quốc tế là Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà chính quyền Việt Nam có nghĩa vụ phải thi hành kể từ 1982 khi Việt Nam gia nhập công ước này, thì chừng đó có thể coi là có bầu cử dân chủ đích thực. "Nhân đây tôi xin nói về tính chính danh, năm năm trước cũng vậy - tức là các chức danh chủ chốt được quyết định trước cuộc bầu cử và đấy không phải là việc mới. "Dân càng hiểu bầu cử theo kiểu hiện nay không mang lại tính chính danh thì đấy là thách thức lớn nhất của họ - nếu mà kinh tế có khó khăn hay dịch bệnh hay bất cứ khủng hoảng nào xảy ra có thể có nhiều thách thức mà khó thể thấy trước), và cách duy nhất để khắc phục thách thức này là đổi mới chính trị thật sự. "Nợ dân nhiều nhất là chính quyền Việt Nam (từ cán bộ bé nhất cho đến ông Chủ tịch nước, ông Thủ tướng chính phủ) thực hiện nghiêm chính luật và hiến pháp mà các vị soạn ra và thông qua và ĐỪNG VI PHẠM CHÚNG ngày càng trầm trọng như ngày nay nữa. Nói chi đến các món "nợ" hàng chục năm như luật lập hội hay luật." Còn ông Nguyễn Văn Đài nêu quan điểm: "Nguyên tắc bầu cử tự do là phải có đa đảng và các ứng cử viên độc lập tham gia tranh cử tự do. Kèm theo đó là phải có tự do báo chí, tức là mọi công dân có quyền tự do thành lập các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình và không bị kiểm duyệt. "Thiếu hai yếu tố trên thì chưa có bầu cử tự do. Còn bao giờ có bầu cử tự do, thì theo tôi phải do nỗ lực đấu tranh của mọi công dân Việt Nam. "Theo tôi, Quốc hội Việt Nam còn nợ người dân quá nhiều, bởi từ xưa tới nay, họ làm việc cho Đảng chứ không phải làm việc cho nhân dân và món nợ lớn nhất là các văn bản luật liên quan trực tiếp tới các quyền con người về chính trị như: Luật biểu tình, luật về hội, luật về đảng phái chính trị bên cạnh nhiều đạo luật về các quyền cơ bản khác của công dân."Có điều gì đáng chú ý?
'Chỉ nghe nhạc và hô hào liên hồi'
Bầu cử là nghĩa vụ của dân?
Bao giờ bầu cử dân chủ thực?
0 comments