Phía sau câu chuyện hạ nhục cờ vàng tại Úc
RFA blog
Thứ Hai, 05/03/2021 - 17:41 — canhco
Vài ngày qua, vụ chà đạp cờ vàng của một du học sinh tại Úc gây xôn xao trong cộng đồng người Việt tại Úc và nhiều nơi khác trên thế giới. Video clip được cho là từ bạn bè của nhân vật đạp cờ tung ra trên mạng cho thấy Dương Đức Thịnh đã tự thân leo lên cột cờ giật lá cờ VNCH xuống rồi cầm lá cờ trong tay phát biểu những lời lẽ thô tục, chà đạp lá cờ mà người Việt trước 1975 từng nghiêm trang chào kính.
Liên tiếp trong ba ngày, nhiều trang mạng xã hội bên ngoài Việt Nam hầu như chỉ chú tâm tìm kiếm cậu du sinh này. Với nhiều tin nhắn, hình ảnh và không lâu sau người ta biết đích xác tên tuổi của cậu đó là Dương Đức Thịnh đang theo học tại tại Trường Trung Học Marrickville bang Sydney của Úc. Sáng ngày 3 tháng 5 Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do New South Wale, ông Paul Huy Nguyễn cho biết BCH CĐNVTD NSW đã gửi thư khẩn đến Hiệu Trưởng trường Trung Học Marrickville yêu cầu trường có biện pháp với những học sinh nhục mạ Cờ Vàng, ông nhấn mạnh "Đây là việc rất nghiêm trọng, nhục mạ lá cờ thiêng có mặt trên nước Úc hơn 40 năm qua, chúng tôi đã liên lạc với trường và Bộ giáo dục để có những biện pháp nghiêm khắc".
Cùng sáng hôm 3 tháng 5, cảnh sát đã bắt giữ Dương Đức Thịnh và nhóm học sinh cùng với Thịnh để điều tra làm rõ hành động được xem là phi pháp này, bởi vi phạm quy định cho du sinh khi vào du học tại Úc ngăn cấm mọi hành vi gây thiệt hại tài sản công cộng, gây phản ứng văn hóa của người dân tại Úc, cả hai điều cấm này có thể gây cho Dương Đức Thịnh bị cáo buộc tội hình sự.
Trong không khí u trầm của người Việt vào ngày 30 tháng 4 trên khắp thế giới, hành vi chà đạp lá cờ của một du sinh Việt Nam như tát nước vào mặt những người ra đi vì lá cờ này. Mọi hàn gắn nếu có của cả hai bên lại một lần nữa rạn nứt. Nó cho thấy phe thắng cuộc chưa bao giờ bỏ ra một chút thời gian nào để suy nghĩ về cái gọi là “giải phóng đất nước” trong bầu khí quyển ngày 30 tháng 4. Hành vi của một cậu bé có thể vì sốc nổi, hợm hĩnh, bị giật giây của bọn thương lái mua bán quá khứ có thể được người Việt hải ngoại sau cơn giận dữ sẽ tha thứ và bỏ qua nếu nhà chức trách Úc, và nhất là Bộ giáo dục Úc hành xử đúng mực.
Nhưng phía sau câu chuyện này người ta nhận ra được điều gì?
Đó là bề dày của một thứ kiến thức mà nhà nước Việt Nam đã bồi đắp, tô vẽ bằng đủ loại media cho một thanh niên 17 tuổi. Nó kéo dài và tồn tại sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trong học đường. Trên những con đường treo đầy bích chương kích động lòng tự hào chiến thắng chính đồng bào mình qua các trang sách giáo khoa. Nó tồn tại trên từng chương trình thời sự của TV đã đành nó còn xuất hiện trong các chương trình giải trí mà điểm nhấn đôi khi kéo lệch sang hai chữ “giải phóng” một cách cố tình bôi bẩn và hạ nhục.
Nó tồn tại trong nhà ngoài ngõ và ngày nay nó được một lực lượng do nhà nước trả lương hoạt động say sưa trên mạng xã hội mà ai cũng biết đó là dư luận viên hay Aka 47.
Ngay sau khi vụ việc Dương Đức Thịnh diễn ra hệ thống dư luận viên được tung tràn ngập trên Facebook để ca tụng kẻ ngu muội. Người ta không ngạc nhiên vì điều này rất dễ liên tưởng, cái ngạc nhiên lớn nhất là chính phủ Việt Nam im lặng cho những kẻ hàm hồ này. Chính phủ không thể im lặng vì hành vi của Dương Đức Thịnh cùng bọn dư luận viên đang trực tiếp phá hoại chiêu bài hòa giải.
Lực lượng người Việt sống trên khắp thế giới đã và đang bị lợi dụng nhưng họ chấp nhận để cho gia đình họ yên thân và ít ra còn có của ăn của để từ sự giúp đỡ của họ. Nhưng bảo họ cúi đầu trước việc nhục mạ một lá cờ mà hầu hết trong họ thương yêu chào kính là hành vi không những phi chính trị mà còn cho thấy sự phá hoại đạo đức sống của lớp trẻ đã lên đến cực đỉnh. Cái đạo đức ấy được huấn luyện, tuyên truyền và xúi giục từ hơn 70 năm qua đến nay đã lan ra tận những xứ sở mà văn minh của nước ngoài không thể nào chấp nhận.
Dương Đức Thịnh có bị trục xuất hay không không phải là việc chính yếu, cái mà người Việt hải ngoại cần là một lời xin lỗi chính thức từ trong nước, từ những cơ quan thẩm quyền cao nhất, nơi từng hô hào, vận động, khẩn khoản đề nghị “hòa giải” với người của phe thua cuộc.
Có như thế mọi vận động sắp tới may ra người ta còn vớt vát, nếu cứ lẳng lặng coi như việc này của riêng nước Úc thì thôi rồi, sẽ không còn gì để mà vơ vét!
0 comments