Hai quốc gia Đông Nam Á đối mặt nguy cơ bùng nổ ca nhiễm Covid-19
24 h
Lệnh cấm đi lại ở Indonesia và Malaysia nhằm ngăn người dân tham gia cuộc hành hương truyền thống trong dịp lễ Eid ul-Fitr có thể là chưa đủ để ngăn chặn những đợt siêu lây nhiễm giống như từng xảy ra ở Ấn Độ, các chuyên gia y tế nhận định.
Một người đàn ông lái xe máy đến điểm tiêm chủng ở Indonesia.
Eid ul-Fitr là lễ hội truyền thống của người Hồi giáo, diễn ra trong hai ngày 13 và 14.5 năm nay.
Hàng triệu người dân Indonesia sẽ tham gia cuộc hành hương quay về quê nhà, đánh dấu sự kết thúc của tháng ăn chay Ramadan. Giới chức Indonesia cố gắng ngăn người dân hành hương bằng cách áp đặt lệnh cấm di chuyển 12 ngày trong và sau dịp lễ hội.
Ở Malaysia, lệnh cấm đi lại giữa các bang sẽ có hiệu lực tới một tháng sau lễ hội Eid. Lệnh phong tỏa một phần thủ đô Kuala Lumpur cũng sẽ có hiệu lực đến ngày 20.5.
Indonesia hiện ghi nhận khoảng 5.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày, trong khi số ca nhiễm ở Malaysia là khoảng một nửa con số này. Giới chức Indonesia bày tỏ sự thận trọng, lo ngại đợt lây nhiễm thứ hai xảy ra vì sự xuất hiện của các biến chủng mới.
Người dân Indonesia bắt đầu hành trình về quê nhà từ ngày 6.5.
Ban hành lệnh cấm đi lại trong giai đoạn lễ hội cũng là điều không hề dễ dàng. Khoảng 87% trong số 270 triệu người Indonesia là người Hồi giáo. Đối với những người sống ở các thành phố lớn, dịp lễ Eid là cơ hội duy nhất để họ quay về thăm nhà. Eid là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm ở Indonesia.
Năm 2019, 18 triệu người Indonesia đã tham gia lễ hành hương. Năm ngoái, lệnh cấm đi lại lần đầu tiên được áp đặt nhưng rất nhiều người đã phớt lờ.
Năm nay, người dân Indonesia được cho là sẽ tiếp tục tìm cách lách luật. Người dân được phép di chuyển hạn chế nếu có kết quả xét nghiệm âm tính và có giấy tờ xác nhận mục đích di chuyển.
Một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội Indonesia gần đây, cho thấy cảnh một phụ nữ bật khóc, xin sĩ quan cảnh sát ở tỉnh Bantan cho phép mình tiếp tục tới tỉnh Lampung trên đảo Sumatra. Người phụ nữ giải thích rằng cô bị mất việc, cũng không có tiền. Cảnh sát sau đó đã để cô qua.
Theo một cuộc khảo sát gần đây, Bộ Giao thông Vận tải Indonesia thông báo có 18 triệu người vẫn muốn hành hương trong dịp lễ Eid. Từ tuần trước, có 642.000 người đã khởi hành sớm bằng mọi phương tiện có thể, từ đường bộ, phà cho đến tàu hỏa, theo số liệu chính thức.
Cảnh sát đã tăng cường tuần tra kiểm soát bằng cách huy động 155.000 người làm việc ở 333 chốt kiểm tra, rải rác từ Sumatra cho đến Bali.
Người Hồi giáo đi lễ nhà thờ ở Jakarta, Indonesia trong tuần đầu tiên của tháng Ramadan.
“Năm ngoái, lễ hội Eid khiến số ca nhiễm Covid-19 ở Indonesia tăng 10-20%. Tụ tập đông người như vậy rõ ràng chỉ càng khiến số ca nhiễm tăng mạnh”, Dicky Budiman, nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith ở Úc, nói.
“Có các biến chủng mới xuất hiện ở Indonesia, cũng như khả năng những người từng bị nhiễm Covid-19 có thể bị tái nhiễm. Đó là lý do cuộc hành hương năm nay tiềm ẩn nhiều nguy hiểm”, Budiman nói.
Các biến chủng Covid-19 có nguồn gốc từ Ấn Độ, Nam Phi và Anh đều đã xuất hiện ở Indonesia và Malaysia.
Hermawan Saputra, thành viên Hiệp hội Y tế công cộng ở Indonesia, cảnh báo số ca nhiễm tăng từ 30-50% sẽ khiến hệ thống y tế ở quốc gia này tê liệt.
Malaysia cũng đang đối mặt với tình cảnh tương tự như Indonesia. Các nhà dịch tễ học cảnh báo số ca nhiễm Covid-19 hiện tại có thể tăng từ 30.000 lên 50.000, sau lễ hội Eid.
“Rất khó giám sát những cuộc tụ tập đông người ở khu vực thuộc sở hữu tư nhân hoặc ở vùng quê hẻo lánh, trừ khi các cộng đồng địa phương chủ động ngăn chặn sự lây truyền của virus”, Nhà dịch tễ học, Tiến sĩ Malina Osman đến từ Đại học Putra Malaysia nói trên tờ The New Straits Times.
Nguồn: http://danviet.vn/hai-quoc-gia-dong-nam-a-doi-mat-nguy-co-bung-no-ca-nhiem-covid-19-502021855584...
Theo Đăng Nguyễn - SCMP (Dân Việt)
0 comments