Biển Đông: Việt Nam không nên xây sân bay ở đảo Lý Sơn?
Mỹ Hằng
- BBC News Tiếng Việt
Dù mạng lưới sân bay đã dày đặc và nhiều hãng hàng không đang khủng hoảng, một số địa phương ở Việt Nam vẫn đề xuất xin xây sân bay.
'Quy hoạch sân bay này nên được xem xét một cách hết sức thận trọng, kỹ càng, bởi vì đó là khoản đầu tư rất lớn,' chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói với BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội.
Trong khi đó, từ TP Hồ Chí Minh, giảng viên luật, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt nói với BBC rằng cần xác định rõ mục đích của việc xây dựng các sân bay này là gì, kinh tế hay chính trị?
Sân bay ở khu vực Biển Đông?
Bản tin ngày 12/5 của tờ Thanh Niên cho hay vào ngày 10/5, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất bổ sung các cảng hàng không tại các huyện đảo quan trọng của quốc gia gồm Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận) và khu vực quần đảo Trường Sa vào một quy hoạch.
Đó là "Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Đáng chú ý, chỉ mới hôm 4/5, các báo còn đưa tin theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, ngoài 28 sân bay có trong quy hoạch hiện nay, đến năm 2050 chỉ bổ sung sân bay Cao Bằng vào quy hoạch.
Theo đó, giai đoạn 2021-2030 giữ nguyên quy hoạch 28 sân bay của cả nước gồm: 14 sân bay quốc tế là Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Cần Thơ, Phú Quốc; 14 sân bay nội địa là Lai Châu (chưa xây dựng), Điện Biên, Sa Pa (chưa xây dựng), Nà Sản (tạm dừng khai thác), Đồng Hới, Quảng Trị (chưa xây dựng), Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết (đang triển khai xây dựng), Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo.
Như vậy, chưa rõ vì sao có thêm đề xuất ngày 10/5 của cơ quan hàng không này bao gồm các sân bay trên đảo Lý Sơn ở Quảng Ngãi và Đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận.
Riêng về sân bay ở đảo Lý Sơn, ông Đặng Văn Minh, chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi nói dự án này không chỉ giúp thúc đẩy kinh tế mà còn 'đảm bảo an ninh, quốc phòng', 'bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam'.
Nhưng chuyên gia về Biển Đông và chuyên gia kinh tế kỳ cựu của Việt Nam lại có những nhận định khác.
'Không nên xây sân bay ở đảo Lý Sơn'
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 15/5, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nói:
"Tôi đã đến đảo Lý Sơn rồi, tôi đồng ý với các ý kiến là cần rất thận trọng với các đề nghị xây sân bay ở đây. Bởi vì đảo Lý Sơn rất nhỏ, nếu xây dựng sân bay sẽ tốn rất nhiều đất trên đảo. Vả lại số người qua lại trên đảo Lý Sơn chỉ là một số lượng nhất định. Hiện nay từ cảng Sa Kỳ sang Lý Sơn có đường biển, đi lại rất thuận tiện.
"Về mặt kinh tế, hiện chúng ta đã có nhiều sân bay như Côn Đảo, là một sân bay có thể mở rộng; sân bay Phú Quốc, nếu cần có thể sử dụng vào mục đích quân sự. Những sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài cũng có hầm trú ẩn cho máy bay quân sự nếu cần.
"Về nguyên tắc, các sân bay ở Việt Nam đều có thể sử dụng cho mục đích quân sự được. Trên quần đảo Trường Sa theo như tôi biết, hiện cũng có đường băng rồi.
"Do đó, tôi nghĩ quy hoạch sân bay cần được xem xét, thảo luận với các cơ quan có trách nhiệm, có chuyên môn. Nên tránh việc đề xuất xây dựng sân bay trong khi mật độ sân bay tại Việt Nam đã khá dày đặc.
"Về mặt kinh tế, theo tôi không nên xây sân bay ở Lý Sơn," chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói với BBC.
Vì kinh tế hay quốc phòng?
Chuyên gia Biển Đông Hoàng Việt không phản đối việc xây sân bay, nhưng ông đưa ra các cảnh báo 'nhãn tiền' từ các sự kiện thực tế trong quá khứ.
Nói với BBC từ TP Hồ Chí Minh, ông Hoàng Việt cho rằng điều quan trọng là phải xác định xem mục đích chính của việc xây dựng các sân bay này là gì.
"Trên thực tế có rất nhiều người dân muốn ra thăm Trường Sa, nhưng phương tiện chủ yếu hiện chỉ có tàu biển, và trực thăng (trong trường hợp khẩn cấp). Đi tàu biển chi phí rất lớn. Năm 2011, tôi đi thăm một cụm đảo ở Trường Sa trong 9 ngày, chi phí bình quân xăng dầu là khoảng 100 triệu/người (chưa tính các chi phí khác).
"Nếu có sân bay người dân sẽ ra thăm đảo nhiều hơn, đáp ứng được mục tiêu du lịch, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Việc xây sân bay cũng giúp Việt Nam đánh giá xem các phản ứng của Trung Quốc ra sao.
"Nhưng lượng khách ra thăm các đảo này không nhiều, đảo nhỏ, trong khi việc xây dựng sân bay chiếm mất một phần đất đáng kể của cư dân trên đảo. Do đó hiệu quả kinh tế đến đâu là điều đáng bàn.
"Nếu là vì mục đích dân sự, thì vì lý do địa hình, chỉ có thể xây được các đường băng nhỏ tại các đảo tương đối lớn tại Trường Sa, trong khi như đã nói, lượng người tới đây không nhiều. Hiện nay trong bối cảnh các hãng hàng không trên thế giới đang khóc ròng vì dịch thì liệu có phát triển được hay không?
"Nếu là vì mục tiêu an ninh quốc phòng, các sân bay này không giải quyết được nhiều, đặc biệt trong tình huống chiến tranh.
"Vì để phòng vệ hay tấn công, cần một cuộc chiến tranh tổng lực. Trong đó có cả tàu ngầm, tàu chiến trên mặt nước và máy bay. Có chăng là các sân bay này chỉ để phục vụ cho việc sơ tán người dân vào đất liền nhanh chóng hơn để tập trung cho chiến sự," ông Hoàng Việt nói.
'Mục tiêu cao cả hay cục nợ'?
Ông Hoàng Việt cho rằng thông thường, các dự án như thế này phải đáp ứng cả hai mục đích: chính trị và kinh tế. Nhưng thực sự muốn tồn tại lâu dài thì phải dựa trên mục đích kinh tế, nếu không sẽ lại nhưng giống như nhiều dự án khác "khi thành lập rất lớn, sau này chìm dần vào dĩ vãng rồi biến thành một của nợ".
Nếu làm vì chính trị là chính, nhưng không dựa trên yếu tố kinh tế thì cũng không tồn tại được lâu.
"Trường Sa lớn đã có đường băng rồi, đã được sửa chữa rồi, vậy khai thác vận hành như thế nào? Xây nhiều những cảng hàng không trên các đảo nhỏ như vậy liệu có lãng phí không? Hay chỉ cần một cảng hàng không như ở Trường Sa lớn là đủ rồi đi tàu từ Trường Sa Lớn tới các đảo khác?
"Ở Việt Nam nhiều khi đặt ra các mục tiêu cao cả nhưng đất nước lại ôm cục nợ rất lớn," ông Hoàng Việt nói và đưa ra hai ví dụ:
"Có thời gian chúng ta cho phép các ngư dân đóng tàu vỏ thép. Chủ trương hay nhưng thực tế không làm được. Vì họ không được đào tạo, trang bị kiến thức và nghiên cứu về tàu vỏ thép như thế nào, do đó họ không đánh cá được vì nó quá cao và cồng kềnh, trong khi phải vay nợ của ngân hàng.
"Một ví dụ nữa là tập đoàn Vinashin, trước đây có mục đích rất cao cả là phát triển kinh tế biển Việt Nam, đóng tàu để tàu đi tới đâu thực hiện chủ quyền của Việt Nam tới đó. Nhưng cuối cùng để lại một đống nợ khổng lồ."
Từ các nhận định này, ông Hoàng Việt cho rằng dự án xây sân bay cần có sự đánh giá lại từ các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực, quân sự, quốc phòng, an ninh, kinh tế.
Hiện trạng sân bay và ngành hàng không Việt Nam
Theo quy hoạch đến năm 2030, Việt Nam có tổng cộng 28 cảng hàng không, trong đó 15 cảng hàng không quốc nội và 13 cảng hàng không quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam có 22 cảng hàng không đang hoạt động.
Năm sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh.
Do đại dịch Covid-19, ngành hàng không Việt Nam đang rơi vào khó khăn trầm trọng.
Sản lượng đặt chỗ trong quý 1/2021 giảm 80% so với 20219, sản lượng vận tải hành khách năm 2021 giảm trên 50%.
Ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.
Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019, vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không và đang đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền hoạt động, theo VOV.
0 comments