Bản tin ngày 21-5-2021
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Tuổi Trẻ có bài: Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập Biển Đông, COVID-19 tại hội nghị ‘Tương lai châu Á. Hôm qua, tại hội nghị quốc tế trực tuyến về Tương lai châu Á lần thứ 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố về vấn đề Biển Đông một cách vô thưởng vô phạt, mơ hồ không khác gì người tiền nhiệm:
“Các nước cần đóng góp có trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, trong đó các tranh chấp và bất đồng liên quan vấn đề Biển Đông cần được giải quyết bằng giải pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, nhất là Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước UNCLOS 1982”.
Hoàn toàn khác với Thủ tướng Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố phản đối việc đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, báo Thế Giới và VN đưa tin. Trong bài phát biểu tại hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 26, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide phát biểu: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông”, đồng thời khẳng định cách tiếp cận dựa trên pháp quyền của Nhật Bản được cộng đồng quốc tế “ủng hộ rộng rãi”.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Philippines ‘không chọn phe’ giữa Mỹ – Trung? Cũng tại hội nghị này, Tổng thống Rodrigo Duterte nói về lựa chọn của Philippines trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung: “Philippines không thấy cần phải đứng về phía nào trong cuộc cạnh tranh địa kinh tế đang diễn ra giữa các cường quốc”. Cách xử lý của ông Duterte về vụ tranh chấp lãnh hải ở đá Ba Đầu, cho thấy lựa chọn thỏa hiệp với TQ và giữ khoảng cách với Mỹ.
VOA có bài: Mỹ – Trung lại đấu khẩu về biển Đông. Vụ tàu khu trục USS Curtis Wilbur đi que eo biển Đài Loan rồi thực hiện tuần tra vì tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa, Chiến khu Nam Bộ của TQ ra tuyên bố, Mỹ xâm phạm lãnh hải nước này, đồng thời khẳng định tàu chiến TQ đã đuổi tàu của Mỹ.
Ngay sau đó, Bộ Chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ lên tiếng phản đối: “Tuyên bố của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa hoàn toàn sai sự thật. USS Curtis Wilbur đã tiến hành FONOP (hoạt động bảo vệ tự do hàng hải) theo đúng luật pháp quốc tế, trong vùng biển quốc tế và không bị ‘trục xuất’ ra khỏi lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào”.
VOA có clip: Bắc Kinh tố chiến hạm Mỹ xâm nhập lãnh hải Trung Quốc ở Biển Đông.
VTC có clip: Mỹ thách thức yêu sách phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.VietNamNet đưa tin: Ông Lý Hiển Long cảnh báo về mối quan hệ Mỹ – Trung. Thủ tướng Singapore cảnh báo, trong các tháng gần đây, cả TQ và Mỹ đều tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và các khu vực xung quanh eo biển Đài Loan, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự trong khu vực. Tình huống như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước Đông Nam Á.
Báo Tiền Phong có bài: Đất hiếm và âm mưu Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Hai học giả Mỹ Mark Crescenzi và Stephen Gent nhận định về vai trò của đất hiếm trong chiến lược “quyền lực mềm” của TQ: “Chúng tôi đã nghiên cứu và nhận thấy rằng, một mục tiêu chiến lược cốt lõi của Trung Quốc là duy trì sức mạnh thị trường của họ trên thị trường đất hiếm. Ba thập kỷ qua, Trung Quốc thống trị thị trường sản xuất và xuất khẩu đất hiếm”.
Hai ông cho biết, trước đây, TQ khai thác đất hiếm từ lòng đất, nhưng để lại hậu quả về môi trường, còn nguồn đất hiếm ở châu Phi thì ngày càng khó tiếp cận, nên TQ chuyển sang nhắm đến nguồn đất hiếm ở đáy Biển Đông: “Trung Quốc đã phát triển công nghệ khai thác biển sâu tân tiến nhất trên thế giới; khả năng thu gom nốt đa kim và đất hiếm trong đó là vô đối”.
Mời đọc thêm: Việt Nam kêu gọi châu Á hỗ trợ để sớm có Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (RFI). – Mỹ bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng tàu Mỹ đã bị ‘đuổi’ ở Biển Đông (TP). – Trung Quốc muốn gì khi cho nhiều tàu đến hoạt động ở vùng biển Hawaii? (VietTimes). – Châu Âu thẳng thừng lắc đầu với Trung Quốc (NLĐ). – Trung Quốc với tham vọng khai thác uranium từ nước biển (Tin Tức). – Shell bán mỏ khí đốt ở Biển Đông (PT).
“Bầu cử” thời dịch bệnh
Còn hơn một ngày nữa là đến ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Lần bầu cử năm nay có điểm khác biệt so với tất cả các kỳ bầu cử trước đó: Đại dịch Covid-19 hoành hành từ Bắc đến Nam, nhưng người dân vẫn phải diễn màn kịch “bầu cử” cùng lãnh đạo đảng và nhà nước, bất chấp rủi ro dịch bệnh khắp nơi.
VnExpress dẫn lời Chủ tịch Quốc hội: ‘Không vì dịch bệnh mà không tổ chức được bầu cử’. Ông Vương Đình Huệ thừa nhận rủi ro của kỳ bầu cử năm nay: “Cuộc bầu cử lần này rất đặc biệt. Lần đầu tiên chúng ta tiến hành một cuộc bầu cử trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19 mạnh nhất, ở mức độ nguy hiểm nhất từ trước tới nay trên địa bàn của gần một nửa số tỉnh, thành phố của cả nước, khiến nhiều nơi phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội”.
Thừa nhận rủi ro, nhưng ông Huệ vẫn tuyên truyền về “show bầu cử”, người dân phải tham gia, dù muốn hay không: “Ngày 23/5 là ngày rất trọng đại của đất nước. Gần 69,2 triệu cử tri sẽ đến hơn 84.700 khu vực bầu cử để thực hiện quyền làm chủ, trực tiếp cầm lá phiếu, tự lựa chọn đại biểu của mình tại Quốc hội và tại Hội đồng nhân dân các cấp”.
Theo Chủ tịch QH, có 69,2 triệu cử tri sẽ đi bầu ở 84.700 khu vực bầu cử, nghĩa là trung bình mỗi khu vực bầu cử sẽ phải tiếp nhận ít nhất 817 cử tri, trong 12 tiếng đồng hồ (từ 7h sáng đến 7h tối ngày 23/5). Tính trung bình mỗi giơ, một khu vực bầu cử phải tiếp nhận 68 cử tri, trong khi dịch Covid-19 ở VN vẫn chưa được kiểm soát.
Miền Bắc hiện đang là vùng dịch “nóng” nhất cả nước, tình hình ở tỉnh Bắc Giang là căng thẳng nhất. Từ 6h sáng đến 6h tối nay, Bắc Giang ghi nhận thêm 99 ca nhiễm cộng đồng mới, trên tổng số 767 ca lây nhiễm cộng đồng ở tỉnh này sau 3 tuần bùng phát dịch bệnh.
Diễn biến lây lan dịch Covid-19 khiến chính quyền tỉnh Bắc Giang phải dừng hoạt động ở 4 khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê – Nội Hoàng, là một trong các vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc. Tỉnh Bắc Ninh với 10 khu công nghiệp, tiếp nhận hơn 400.000 công nhân từ 21 tỉnh, thành đến làm cũng là khu vực nhiều rủi ro.
Ổ dịch ở BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, tuy có quy mô không lớn và đã được kiểm soát từ sớm, là cái tát choáng váng nhắm vào các khẩu hiệu “thắng dịch” ở VN. Trước đợt bùng dịch thứ 4, cơ sở này luôn được tuyên truyền là “tuyến cuối” của hệ thống phòng dịch, nơi điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng nhất, nghĩa là “pháo đài” kiên cố nhất trong “phòng tuyến” chống dịch ở VN. Con số 42 ca nhiễm, trong đó có cả BS và nhân viên y tế, được ghi nhận ở BV Bệnh Nhiệt đới TƯ ngày 8/5 cho thấy, “pháo đài” này không hề “kiên cố” như được tuyên truyền.
Khu vực miền Trung, Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm cộng đồng mới trong hôm nay. Khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam từng là “tâm dịch” của đợt bùng dịch thứ 2, từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9/2020. Đến đợt bùng dịch thứ 4 này, Đà Nẵng tiếp tục xuất hiện một số ca nhiễm không rõ nguồn lây. Chỉ riêng “lỗ thủng” ở Đà Nẵng, chính quyền VN mất gần 10 tháng vẫn không xử lý được, rủi ro dịch bệnh luôn hiện diện ở nơi từng được tuyên truyền là TP “đáng sống”.
Ở miền Nam, trong 3 ngày qua, TP Sài Gòn đã ghi nhận một số ca nhiễm cộng đồng không rõ nguồn lây, bao gồm 3 mẹ con kinh doanh quán bánh canh ở “hẻm ẩm thực” đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Cơ quan chức năng hiện chỉ phỏng đoán nguồn lây và cố gắng liên kết với các ổ dịch ở miền Trung và miền Bắc, bỏ qua khả năng nguồn dịch tiềm ẩn ở ngay miền Nam.
Loạt diễn biến trên cho thấy, VN có thể chưa “toang” trước Covid-19, nghĩa là số ca nhiễm được ghi nhận chưa tới mức khiến hệ thống y tế quá tải, nhưng VN chắc chắn đã “thủng”, do mầm bệnh ẩn nấp trong cộng đồng. Nhưng lãnh đạo chế độ vẫn không thay đổi kế hoạch bầu cử, vẫn muốn toàn bộ cử tri bỏ phiếu xong trong vòng 12 tiếng trong ngày Chủ Nhật 23/5.
VietNamNet đưa tin: Nhà mạng đồng loạt phát âm báo kêu gọi bầu cử. Bắt đầu từ sáng nay, một số người dùng di động cho biết, âm thông báo “Bộ Y tế đề nghị người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và không tụ tập đông người” đã biến mất, thay vào đó là âm báo với nội dung “Hội đồng Bầu cử quốc gia đề nghị cử tri cả nước đi bầu cử vào ngày 23/5/2021”. Với Bộ Y tế, hoạt động chống dịch bây giờ phải xếp sau bầu cử, dù chưa có bất cứ dấu hiệu gì cho thấy đợt bùng dịch thứ 4 đã được kiểm soát ở cả 3 miền.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết, theo chỉ đạo của Chủ tịch QH và Chủ tịch hội đồng bầu cử Quốc gia, Bộ TT&TT đã gửi công văn về việc tuyên truyền cho ngày bầu cử QH khóa 15 và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, tới các doanh nghiệp viễn thông di động mặt đất. Đến lượt các doanh nghiệp này gửi tin nhắn liên tục, làm phiền người dân.
VOA đặt câu hỏi: Truyền thông nước ngoài nói gì về cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Việt Nam? Số ứng cử viên độc lập năm nay tiếp tục giảm so với các kỳ bầu cử trước, đảng CSVN tiếp tục kiểm soát QH, khiến truyền thông quốc tế cho rằng cuộc bầu cử ngày 23/5 sắp tới là vô ích, vì sẽ tạo thêm sự độc quyền của Đảng Cộng sản. Năm nay, chỉ có 9 người tự ứng cử, trong số này lại có đến 6 người là đảng viên, khả năng chỉ là “quân xanh” của chế độ.
Báo Người Việt có bài: Báo Quốc Tế gỡ bài về Lương Thế Huy, người tự ứng cử Quốc Hội. Trong bài báo đã bị gỡ về ông Huy, có dẫn lời ông: “Mong người trẻ sẽ quan tâm hơn với các hoạt động của Quốc Hội… Khi xây dựng chương trình hành động, tôi tự trả lời câu hỏi: Mình đang có, và mình muốn mang tới điều gì mà Quốc Hội đang cần thêm nhiều nữa? Tôi quyết định đó là hình ảnh và tiếng nói của một người trẻ, là kiến thức về mảng chống phân biệt đối xử với các nhóm yếu thế mà tôi đang làm”.
Mời đọc thêm: Cuộc bầu cử đặc biệt (Zing). – Sẵn sàng các phương án bầu cử ở trường Đại học trong bối cảnh dịch COVID-19 (Tin Tức). – Các nhà mạng phát âm thông báo tuyên truyền về bầu cử (HNM). – Nhà mạng bắt đầu phát âm thanh thông báo tuyên truyền về bầu cử (TTXVN).
– Hải Dương: Không để dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kết quả bầu cử (TTXVN). – Bầu cử tại khu cách ly chống dịch Covid-19: “Bệnh viện K sẽ mang hòm phiếu tới tận giường cho bệnh nhân” — Ngày 21/5, cả nước có 132 ca mắc Covid-19 (KTĐT). – Tối 21/5, thêm 57 ca Covid-19 cộng đồng, riêng Bắc Giang 39 ca (VnEconomy). – Việt Nam có người thứ năm tử vong vì COVID-19 trong vòng bảy ngày (RFA).
Tin nhân quyền
Viết bài ‘ảnh hưởng’ đến bầu cử, một blogger Việt Nam bị bắt, VOA đưa tin. Ông Trần Ngọc Sơn, có nick Facebook là Trần Giảm, 56 tuổi, vừa bị công an ở tỉnh Vĩnh Phúc bắt giam vì đăng nhiều bài viết mà phía công an cho rằng “đả kích chính quyền” và làm “ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh liên quan cuộc bầu cử” sắp diễn ra. Ông Sơn bị cáo buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 BLHS.
RFA có bài: Các tổ chức xã hội dân sự chịu tác động bởi đại dịch COVID-19. Ông Trịnh Hội, thành viên HĐQT của tổ chức VOICE nói về quyết định khép lại chương trình đào tạo các nhà hoạt động trong nước: “Vì đại dịch, không một tổ chức nào có thể thực hiện những chương trình khác như gây quỹ, vận động và riêng VOICE thì ngay cả công việc giúp người tị nạn cũng bị gián đoạn, vì tất cả những chương trình tái định cư cũng bị đình chỉ trong thời gian vừa qua. Đại dịch đã mang đến những hệ luỵ mà cho đến giờ phút này cũng không ai có thể xác định rõ nó sẽ làm ảnh hưởng như thế nào đối với từng tổ chức một”.
Bà Tường An, nhà hoạt động chuyên về lĩnh vực nghiệp đoàn độc lập, cho biết: “Phong trào Xã hội dân sự khoảng thời gian sau này bài có phần im ắng đi, và dịch COVID chỉ là một trong những lý do mà thôi. Lý do nhiều hơn cả mà mọi người có thể nhận thấy, đó là sự đàn áp của hệ thống Cộng sản Việt Nam rất mạnh tay đối với những anh em hoạt động, với những bản án rất nặng nề. Với những người còn lại, để bảo toàn lực lượng thì đều phải tạm ngưng hoặc là phải ẩn mặt một thời gian. Đó là cái lý do lớn nhất”.
Mời đọc thêm: Tiếp viên Vietnam Airlines nói ‘bị đối xử như tội phạm’ trong khu cách ly (NV). – Việt Nam cần chấm dứt đàn áp tiếng nói độc lập trước bầu cử (DTD). – Tổng thống Mỹ ký ban hành luật chống bạo lực kỳ thị chủng tộc (RFI).
Tin môi trường
VnExpress có bài: Cần hơn 8.100 tỷ đồng xử lý 76 điểm sạt lở ở miền Tây. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đề xuất Chính phủ hỗ trợ 8.143 tỷ đồng để xây đê, kè tại 76 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 140 km. Cà Mau là địa phương có tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng nhất miền Tây. Khoảng 1.000 ha đất, rừng phòng hộ của tỉnh này đã bị sóng biển cuốn trôi trong 10 năm qua.
Còn ở An Giang, kết quả quan quan trắc mới nhất cho thấy, có 53 đoạn nằm trong cảnh báo sạt lở, tổng chiều dài hơn 170km, nguy cơ ảnh hưởng khoảng 20.000 hộ dân, với hơn 5.380 hộ cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhưng hiện chưa di dời. Đây là địa phương bị sạt lở bờ sông nặng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Tốn tiền tỷ dọn rác, vì sao Âu thuyền Thọ Quang vẫn ô nhiễm môi trường? Trong gần 12 năm qua, từ năm 2009 tới 2021, hoạt động dọn rác thải Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng được nhiều đơn vị thay nhau thực hiện, ngân sách TP Đà Nẵng chi hàng tỷ đồng nhưng vấn đề vẫn không giải quyết triệt để nạn rác thải, trở thành “điểm nóng” ô nhiễm môi trường, khiến người dân bất bình.
Thông Tấn Xã VN có bài: Việt Nam đứng trước nguy cơ an ninh nguồn nước không được đảm bảo. Cục Quản lý tài nguyên nước, thuộc Bộ TN&MT thừa nhận, nguồn nước mặt ở VN còn chịu tác động từ hoạt động khai thác, sử dụng ở thượng nguồn bên ngoài biên giới. Ngoài ra, còn chịu tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng. Nguy cơ không bảo đảm an ninh nguồn nước ngày càng rõ, nếu không thực hiện các biện pháp bảo vệ kịp thời.
Mời đọc thêm: Ô nhiễm môi trường từ xe tập kết rác thải trong khu dân cư (KTĐT). – Lãng phí tài nguyên nhìn từ ‘bức tranh’ xử lý phế thải xây dựng (Người Đô Thị). – Thủy điện làm xáo trộn đời sống người dân (NNVN). – Xử lý vi phạm gây ô nhiễm môi trường, xả thải trực tiếp ra sông Hậu (TTXVN). – Công ty TNHH Chế biến thực phẩm hàng ngày Đà Lạt bị phạt vì xả bẩn ra môi trường (BVPL). – Thủ đô Jakarta của Indonesia đứng đầu thế giới về hiểm họa môi trường (VOV). – Bắc Cực trở thành điểm nóng cả về khí hậu lẫn địa chính trị — Hội Đồng Bắc Cực thống nhất mục tiêu chống hâm nóng khí hậu (RFI).
***
Thêm một số tin: Giá cả leo thang giữa lúc nền kinh tế chưa hồi phục: bất an! (RFA). – Cookie Dương và hành trình dùng ‘real news’ phục vụ cộng đồng (NV). – Nỗi đau Công nương Diana: Hoàng tử William chỉ trích hành vi của BBC (BBC). – WHO: Các loại vac-xin đều hiệu quả đối với mọi biến thể virus Covid-19 (RFI).
0 comments