Bản tin ngày 15-5-2021
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên đưa tin: Chuyên gia thân Trung Quốc liên tục ‘lên gân’ về Biển Đông. Hôm qua, TS Mark J.Valencia, thuộc Viện Nghiên cứu quốc gia của TQ về Biển Đông, công bố hai bài viết trên Asia Times và South China Morning Post, tiếp tục tuyên truyền các quan điểm nhằm về “chủ quyền” phi pháp của Bắc Kinh đối với Biển Đông, như một phần trong “chiến tranh thông tin” của thế lực bành trướng Bắc Kinh.
Cả hai bài viết này của ông Valencia đều có nội dung “gắp lửa bỏ tay người”, tố cáo các nước khác “gây rối” ở Biển Đông, còn TQ đã tỏ ra “cao thượng” khi nhẫn nhịn trước các hành động của Mỹ và đồng minh. Cả VN cũng bị ông Valencia đưa vào nhóm các nước “đe dọa sử dụng vũ lực” ở Biển Đông, buộc TQ phải có các hành động quân sự tương ứng để “phòng thủ”.
Hãng tin WION có clip: Tàu “dân quân biển” của TQ “xâm phạm lãnh hải Philippines”.
Báo Thanh Niên có bài: Đài Loan nâng cấp cơ sở trên đảo bị Trung Quốc lăm le. Hãng tin CNA dẫn nguồn từ giới chức Đài Loan, thông báo, Đài Loan đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở quần đảo Đông Sa, dự kiến hoàn tất trong tháng tới. Giới chức Đài Loan cho biết, nhà máy xử lý nước thải mới “không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn cung cấp thêm nước sạch” cho người dân đang sống trên quần đảo này.
CNA trích dẫn báo cáo của Cơ quan Phòng vệ Đài Loan, thông báo, bất chấp sự đe dọa từ Bắc Kinh, dự án nâng cấp đường băng trên đảo Đông Sa cũng đã được khởi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 2/2022. Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cũng đã triển khai lính thủy quân lục chiến đến đóng trú ở Đông Sa, trong tình hình TQ liên tiếp có các hành động đe dọa vùng trời và vùng biển xung quanh Đông Sa.
Mời đọc thêm: Tổng thống Philippines thách thức Trung Quốc (VNN). – Biển Đông: TT Philippines tuyên bố không rút tàu theo đòi hỏi của Trung Quốc (RFI). – Mỹ, Nhật hướng tới Pháp để xúc tiến liên minh quân sự chống Trung Quốc (Sputnik). – Đài Loan tập trận bắn hỏa tiễn không đối không, với sự đồng ý của Mỹ (RFI). – Đài Loan từ chối bình luận về việc máy bay F-16 của mình xuất hiện ở Hawaii (GT). – Hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển (TTXVN). – Quảng Ninh tăng cường bảo vệ ngư dân trên vịnh Bắc Bộ (DV).
Tin nhân quyền
RFA đưa tin: Có cử tri công khai tẩy chay bầu cử Quốc hội & Hội đồng Nhân dân các cấp. Cựu trung tá quân đội, bác sĩ Đinh Đức Long nói về tẩy chay bầu cử: “Đến giờ phút này họ chỉ dùng ‘bài’ khóa nick hoặc xóa bài chứ họ chưa dám đối đầu với tôi. Tôi đang chờ họ đối đầu. Tôi dám kết luận đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM không hoàn thành nhiệm vụ và vi phạm pháp luật và tôi có tài liệu trong tay. Tôi chỉ cần họ mời tôi lên là tôi cho họ xem. Có lẽ họ ngán tôi chỗ đấy”.
Nhà hoạt động Đinh Quang Tuyến, cho biết: “Đơn giản thôi. Đến tận giờ này tôi vẫn có một lập trường rất rõ ràng là tôi không thừa nhận tên nước CHXHCNVN. Tôi coi mình là một người bị một nhóm cai trị nên tôi tuyệt giao hết mức có thể. Mình là người bị trị thì đương nhiên mình phải ở trong lồng của nó thôi, nhưng mình không thừa nhận tính chính danh của nó. Không thừa nhận chính thể. Không thừa nhận Quốc hội luôn”.
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Nhà báo Đức Hiển nói về việc lợi dụng quyền tự do dân chủ. Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, thể hiện sự cay cú trước việc người dân có thể tham gia vào việc phổ biến tin tức, một “đặc quyền” mà chế độ đảng trị trao cho các thành viên của bộ máy tuyên truyền.
Ông Hiển nói: “Nếu như cách đây 30 năm, việc xuất bản thông tin là đặc quyền của cơ quan báo chí và nhà báo, thì bây giờ với một chiếc điện thoại thông minh và một tài khoản mạng xã hội thì ở bất kì đâu trên thế giới, người ta cũng có quyền xuất bản thông tin”.
Mời đọc thêm: ‘Cử tri do Đảng chọn lên tiếng đòi quyền lợi cho cán bộ Đảng quy hoạch’: chuyện trái khoáy! (RFA). – Mỹ ra báo cáo chỉ trích TQ về tôn giáo, Tân Cương, Tây Tạng (PLTP). – Hồng Kông: Tài sản nhà tỉ phú đấu tranh Lê Trí Anh bị phong tỏa (RFI).
Tin giáo dục
Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Đề xuất Bộ GD&ĐT quản hệ cao đẳng, Bộ LĐ-TB&XH nói gì? Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng VN kiến nghị, đưa quản lý nhà nước hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT, nhưng Bộ LĐ-TB&XH không ý. Hiệp hội giải thích: “Từ đầu năm 2017, công tác quản lý nhà nước đối với hệ cao đẳng không còn do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đảm nhiệm, tạo ‘điểm nghẽn’ cản trở phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước”.
Đáp lại kiến nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng trả lời, đã có quy định rõ Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về GDNN, trừ trung cấp và cao đẳng sư phạm: “Đặc biệt khi xây dựng Luật GDNN, quan điểm đưa trình độ cao đẳng vào GDNN là một vấn đề hệ trọng, nên đã được bàn bạc, xem xét và được Bộ Chính trị nhất trí”.
Vụ nữ sinh lớp 11 ở Đồng Nai xăm mình, Infonet đặt câu hỏi: Đằng sau hình xăm của học sinh là sự thờ ơ của người lớn? Bài báo trích dẫn bản tường trình của nữ sinh này: “Em đã xăm hình này vào năm lớp 9, năm 2019 và xăm tên em. Do lúc đó em suy nghĩ bồng bột không nghĩ đến hậu quả mà nghe theo bạn bè. Em cảm thấy hối hận về việc mình đã làm. Mong nhà trường xem xét cho em học xong lớp 11, em sẽ rút hồ sơ để không làm ảnh hưởng đến danh tiếng của trường”.
ThS Nguyễn Hồ Thuỵ Anh cho biết, có 45 tiểu bang ở Mỹ ban hành luật cấm trẻ dưới 18 xăm mình và 38 tiểu bang chỉ cho phép trẻ em xăm khi bố mẹ trẻ đồng ý, do lo ngại ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em như lây truyền bệnh viêm gan B, HIV…
Báo Tiền Phong đưa tin: ‘Thổi còi’ quyết định bổ nhiệm 2 phó hiệu trưởng trường ĐH Y dược TPHCM. Bài báo cho biết, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã có buổi làm việc với Trường ĐH Y Dược TPHCM về vụ bổ nhiệm không đúng quy định 2 Hiệu phó là PGS.TS Ngô Quốc Đạt và TS Hà Mạnh Tuấn. Bộ Y tế đề nghị trường Đại học Y Dược TP HCM chủ động thu hồi quyết định bổ nhiệm này, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể, báo cáo Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế.
Trước đó, chiều ngày 5/4/2021, ĐH Y Dược TPHCM đã tổ chức công bố Nghị quyết của Hội đồng trường về việc Bổ nhiệm chức vụ phó Hiệu trưởng. Bộ Y tế đã phát hiện vụ bổ nhiệm này không đúng quy định, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng nhà trường đã làm không đúng với Quy chế tổ chức hoạt động do chính trường ban hành.
Mời đọc thêm: Bộ Y tế nói gì vụ thu hồi QĐ bổ nhiệm 2 Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM? (VNN). – Bộ GD&ĐT phản hồi về việc một trường THPT kỷ luật nữ sinh xăm hình (VH). – Nếu phát hiện học sinh xăm mình, nhà trường xử lý thế nào? (GDVN). – Vụ nữ sinh lớp 11 xăm hình: Nhà trường khẳng định học sinh vi phạm sẽ không cho học tiếp (KTĐT). – Đề thi có sẵn đáp án tại Kiên Giang (Zing). – Đề kiểm tra học kỳ II có kèm đáp án: GV quên xóa trước khi sao in (GDTĐ). – Kiên Giang: Vụ ‘chuyện lạ’ đề thi tiếng Anh có đáp án sẵn, xử lý thế nào? (ĐĐK).
Tin Miến Điện
Báo Thế Giới và VN cập nhật tình hình Myanmar: Thái Lan cam kết không đẩy người tị nạn trở lại, Nhật Bản góp 4 triệu USD viện trợ lương thực. Bộ Ngoại giao Nhật thông báo, sẽ đóng góp 4 triệu Mỹ kim trong chương trình viện trợ lương thực khẩn cấp cho Miến Điện để đối phó với tình trạng khủng hoảng nhân đạo do cuộc đảo chính ngày 1/2 gây ra.
Trong cuộc gặp bà Christine Schraner Burgener, Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về vấn đề Miến Điện, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha cam kết, sẽ không buộc người tị nạn chạy trốn bạo lực phải quay trở lại Miến Điện. Đáp lại, bà Burgener bày tỏ hy vọng Bangkok sẽ giúp tìm cách tác động quân đội Miến để làm dịu cuộc khủng hoảng trên đất nước này.
Báo Giao Thông đưa tin: Myanmar thiết quân luật sau khi đồn cảnh sát, ngân hàng bị tấn công. Hội đồng hành chính do quân đội Miến Điện điều hành, vừa tuyên bố thiết quân luật tại thị trấn Mindat, thuộc bang Chin, khu vực sát biên giới với Ấn Độ, vì lý do nơi đây bị những “kẻ khủng bố có vũ trang” tấn công vào trụ sở cảnh sát và ngân hàng, theo các nguồn tin địa phương ở Miến Điện.
Nhóm đối lập phản đối chính quyền quân phiệt Miến tuyên bố, lệnh thiết quân luật này hoàn toàn vô giá trị. Họ cho rằng, mâu thuẫn quân sự nổ ra tại thị trấn này là vì quân đội đã phá vỡ cam kết thả 7 công dân bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình gần đây. Một đại diện của Lực lượng phòng vệ Chinland nói: “Chính quyền quân quản không còn điều hành thành phố trừ một số khu vực mà họ có căn cứ. Họ không có quyền kiểm soát ở những vùng nông thôn”.
VTC đưa tin: Quân đội Myanmar thả và trục xuất nhà báo Nhật Bản. Nhà báo Nhật Bản Yuki Kitazumi, bị chính quyền quân phiệt Miến bắt hồi tháng 4/2021, với cáo buộc “lan truyền thông tin sai”. Ngày 13/5, Quân đội Miến Điện thông báo, đã bỏ các cáo buộc chống lại ông Kitazumi và ông sẽ được thả vì “tình hữu nghị giữa Myanmar và Nhật Bản cũng như sự quan tâm đến các mối quan hệ trong tương lai”.
Trong khi nhà báo Nhật Kitazuminh được thả, thì nhà báo Miến Điện Min Nyo bị kết án 3 năm tù. Ông Min Nyo bị bắt ngày 3/3, trong khi đưa tin về một cuộc biểu tình phản đối vụ đảo chính của quân đội ở khu vực Bago, với cáo buộc “kích động bất ổn xã hội”. Cũng như trường hợp những nhà hoạt động nhân quyền ở VN, nếu không có quốc tịch nước ngoài thì rất khó được thả sớm.
Mời đọc thêm: Thái Lan cam kết với Liên Hiệp Quốc không đóng cửa với dân tị nạn Miến Điện (RFI). – Nhật Bản viện trợ khẩn cấp không hoàn lại 22,5 triệu USD cho Ấn Độ, Myanmar — Chính quyền quân sự Myanmar áp đặt thiết quân luật ở thị trấn Mindat (Tin Tức). – Tình hình Myanmar: Chính quyền quân sự áp đặt thiết quân luật (TG&VN).
– Nhà báo Nhật bị quân đội Myanmar bắt giữ được trả tự do (VNN). – Thủ tướng Thái và thống tướng Myanmar liên lạc qua kênh hậu trường (Zing). – Đại diện Myanmar có hành động bất ngờ tại Miss Universe, fan lo ngại khó có cửa về nước (GĐ).
***
Thêm một số tin: Dịch COVID-19 tiếp tục lây lan trong các khu công nghiệp và bệnh viện tại Việt Nam (RFA). – Một bệnh nhân COVID-19 tử vong, hàng chục người tiên lượng nặng (NV). – Covid-19: WHO cảnh báo đại dịch có thể gây tử vong nhiều hơn trong năm thứ hai (RFI). – Vì sao báo VN ngợi ca ‘thần thái’ của dân giang hồ trước tòa? (BBC). – Tại sao luôn luôn xảy ra xung đột tại Gaza? (VOA).
0 comments