Việt Nam có thật sự hợp tác với các tổ chức nhân quyền quốc tế?
RFA
2021-04-22Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ, Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn mới đây khẳng Việt Nam chủ động hợp tác với các cơ quan, cơ chế nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Theo Bộ Công an, thời gian qua Việt Nam cũng thường tuyên truyền về nhân quyền, đồng thời trên các diễn đàn quốc tế Ha Nội cũng phản bác cáo buộc mà những tổ chức nhân quyền quốc tế hay Bộ ngoại giao nước khác nêu ra.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 22/4, nhận định:
“Họ (chính quyền) nói dối một cách lem lẻm như vậy thì thật sự cũng không có gì là lạ, từ xưa đến nay họ vẫn thế... Họ nói bậy như thế nào... những việc họ làm bậy như thế xong lại chối leo lẻo... nhưng xong lại nói rất là tốt, hợp tác rất ngon lành... Thì tôi nghĩ các tổ chức nhân quyền phải phản bác lại.”
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn nói tuân thủ hợp tác, đối thoại với LHQ, các tổ chức phi chính phủ, nhà nước khác trên thế giới để cải thiện nhân quyền... Nhưng tôi cho rằng chỉ là hình thức thôi.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Đơn cử hôm 11/3/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo xác định các vi phạm của Chính quyền Việt Nam trong các vấn đề bao gồm: bắt cóc, bắt giam người tùy tiện, tra tấn người bị bắt tạm giam, tình trạng đối xử bất công đối với các tù chính trị. Hạn chế nghiêm trọng nhất ở Việt Nam theo báo cáo chính là hạn chế các quyền tự do bao gồm tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet, và tự do tôn giáo. Hoa Kỳ cáo buộc chính quyền Việt Nam đã bắt giữ tùy tiện những người dám lên tiếng chỉ trích Chính phủ.
Khi đó Chính quyền Việt Nam lập tức cho rằng báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sai sự thật, không thực tế...
Theo thống kê của Tổ chức The Project 88, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ và khuyến khích tự do ngôn luận ở Việt Nam, tính đến ngày 22 tháng 4 năm 2021, tại Việt Nam đang có 256 nhà hoạt động có nguy cơ gặp rủi ro từ phía chính quyền.
Ngoài ra, có 239 nhà hoạt động đang bị giam giữ trong tù, trong đó có 83 nhà hoạt động là nữ giới và 64 nhà hoạt động dân tộc thiểu số... Những nhà hoạt động này bị bắt và kết án theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015 với tội danh bị quy là “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc Điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
Trở lại với cam kết hợp tác với các Tổ chức nhân quyền quốc tế của Bộ công an Việt Nam, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, một cựu tù nhân quyền, nhận định với RFA hôm 22/4 từ Sài Gòn:
“Về các cam kết của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì tôi cho rằng nó chỉ có tính hình thức. Còn thực trạng thì quyền con người đã bị hình sự hóa trong Bộ luật hình sự bằng những điều 109, 117, 331... Những điều này dẫn đến mâu thuẫn với những điều trong Bộ Luật Hình sự như điều 160 (tội xâm phạm quyền bầu cử ứng cử của người dân); điều 163 (xâm phạm quyền hội họp, lập hội); điều 167 (xâm phạm quyền tự do ngôn luận, biểu tình)... Đó là thực trạng thứ nhất.”
Thực trạng thứ hai theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già là các tổ chức quốc tế lên tiếng không có sự ảnh hưởng mang tính chi phối, nên không có tính can thiệp vì chỉ là những tổ chức xã hội dân sự. Còn các tổ chức nhà nước Âu Mỹ thì quyền con người xảy ra xung đột với chủ quyền quốc gia, đồng thời nó gây ra bế tắc về đối ngoại. Tức là quốc gia này không được can thiệp nội bộ quốc gia khác. Vì vậy, những báo cáo từ Hoa Kỳ, Châu Âu chỉ có tính chất khuyến cáo, khuyến nghị. Do đó, theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nó không mang tính chi phối hay quyết định để giảm bớt tình hình đàn áp nhân quyền ở Việt Nam hiện nay. Ông nói tiếp:
“Về hình thức thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn nói tuân thủ hợp tác, đối thoại với Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ, nhà nước khác trên thế giới để cải thiện nhân quyền... Nhưng tôi cho rằng chỉ là hình thức thôi, còn thực chất thì họ không muốn tạo tiền lệ cho người dân, dù bất cứ hình thức nào, họ không muốn người dân ‘lờn mặt’. Do đó việc mở rộng hay thu hẹp quyền con người ở Việt Nam thì nó là một ý đồ chính trị theo trào lưu và thời cuộc thôi. Thời cuộc hiện nay thì rõ ràng những ngày qua tình trạng bắt bớ, xâm phạm quyền con người rất nghiêm trọng. Qua thông điệp của nhà cầm quyền, thì tôi cho rằng thời cuộc hiện nay là khá phức tạp về đối nội đối ngoại... và có lẽ Bộ chính trị đang cần tập trung ứng phó, nên việc bắt bớ gia tăng... là dường như họ muốn cho nhẹ đầu hơn, để đối phó với những quốc đề quan trọng khác.”
Qua thời gian, số người dám cất tiếng nói, dám đấu tranh ngày càng nhiều, và hoạt động ngày càng mạnh dạn, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả hơn, dẫn dắt được nhiều người hơn... thì tôi nghĩ đó là chỉ dấu tốt hơn. Kể cả việc số người bị bắt vào tù ngày càng nhiều cũng cho thấy cuộc đấu tranh vì tự do, vì nhân quyền ở Việt Nam đang phát triển.
-Ông Vũ Minh Trí
Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (Human Rights Committee), một cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc, trong báo cáo năm 2020 về việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Việt Nam, đã cáo buộc Hà Nội “vi phạm công ước” khi nói về các đạo luật và thực hành liên quan đến tự do biểu đạt. Ủy ban cũng đã yêu cầu Việt Nam khẩn cấp thực hiện các biện pháp để thay đổi tình trạng này. Tương tự, Việt Nam lại phản bác lại cáo buộc này.
Ông Vũ Minh Trí, cựu quân nhân cấp tá, trước đây từng công tác tại Tổng cục 2, khi trả lời RFA hôm 22/4 từ Việt Nam, cho rằng thực tế đã chứng tỏ tất cả, rất nhiều người hoạt động nhân quyền ở Việt Nam không có vi phạm gì, chỉ đi đòi những quyền lợi chính đáng ví dụ như phản đối thu phí BOT trái quy định, chống tham nhũng... chứ không đòi thay đổi chế độ gì... mà bị bắt đưa vào tù.
Theo ông Trí, tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam tương đối phổ biến và đã kéo dài nhiều năm nay. Thế nên, những ý kiến của các tổ chức quốc tế rất xác đáng. Còn với phản hồi của Bộ Công an thì theo ông Trí, có thể coi là hết sức trơ tráo. Tuy nhiên ông Trí cho rằng cũng có mặt có chuyển biến tốt hơn:
“Tôi nghĩ tình hình đang diễn biến ngày càng tốt hơn, ví dụ như trường hợp của tôi, các vị lão thành nói nếu cách nay 20 năm thì có lẽ tôi đã bị bỏ tù hoặc bị giết... nhưng đến bây giờ tôi vẫn có thể trả lời đài... Như vậy có nghĩa rằng là cách đây 20 năm ở Việt Nam con người luôn bị kềm kẹp trong trạng thái sợ hãi. Như ở cơ quan tôi làm về tình báo, thì các cụ thường nói ‘sợ ta hơn cả sợ địch’.... vì ‘địch’ bắt cùng lắm là chết, còn ‘ta’ mà nghi ngờ thì thật sự cực nhục không chỉ bản thân mà cả gia đình. Thế nhưng qua thời gian, số người dám cất tiếng nói, dám đấu tranh ngày càng nhiều, và hoạt động ngày càng mạnh dạn, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả hơn, dẫn dắt được nhiều người hơn... thì tôi nghĩ đó là chỉ dấu tốt hơn. Kể cả việc số người bị bắt vào tù ngày càng nhiều cũng cho thấy cuộc đấu tranh vì tự do, vì nhân quyền ở Việt Nam đang phát triển.”
Ông Vũ Minh Trí cho biết ông rất nể phục những người dù bị sách nhiễu, đánh đập, nhưng vẫn tiếp tục đứng lên đấu tranh, không chỉ đấu tranh cho bản thân họ mà còn cho mọi người. Theo ông Trí, tự do nhân quyền đã là xu thế chung của thế giới, mọi người đều hướng tới, kẻ nào đi ngược xu thế đấy, thì càng chóng bị đào thải.
0 comments