Ngày 30/04: Nếu còn thiết tha hãy giúp một tay để lịch sử không bị đánh mất
- Alex Thái Đình Võ
- Gửi bài từ Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ
30/4 năm nay bạn nghĩ gì?
Tôi nghĩ nhiều về lịch sử, và trách nhiệm của mỗi người trong việc giữ gìn và làm sáng tỏ lịch sử.
Lịch sử thu nhỏ là hồi ký của từng cá nhân, là gia phả của mỗi gia đình, nhưng gôm chung sẽ là lịch sử của một đất nước, của nhân loại.
Nhà hùng biện Marcus Garvey từng nói "Một người không có kiến thức về lịch sử nguồn gốc và văn hóa của mình [thì cũng] giống như một cây không có rễ."
Lịch sử giải thích quá khứ, định hình hiện tại, và định hướng tương lai nên việc thông hiểu lịch sử luôn là điều tất yếu.
Nhưng đây là điều không dễ, vì lịch sử rất dễ bị ghi lại một cách sai lạc.
Mỗi thể chế chính trị khi lên cầm quyền thường củng cố lịch sử theo định hướng của mình, vì nắm được lịch sử tức nắm được não trạng của dân.
Các cường quốc trong lịch sử được hình thành không chỉ ở sức mạnh kinh tế hoặc quân sự mà còn ở việc tạo dựng một nền tảng lịch sử vững vàng theo định hướng chính trị của thể chế cai trị.
Một lịch sử bị 'định hướng'
Sau năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chính quyền Việt Nam cũng làm điều này, qua việc triệt sản tất cả các nhân vật, sự kiện, và khía cạnh mang dấu ấn của thể chế trước hoặc mang tính trái chiều.
Các nhân vật lịch sử như Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, và Nguyễn Văn Thiệu đều bị xoá mờ trong sách sử. Các tên tuổi trí thức yêu nước như Phan Châu Trinh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, hay Nhất Linh cũng cùng số phận.
Biểu tượng của chính thể VNCH, từ lá cờ cho đến tên đường và tác phẩm nghệ thuật, đều bị xoá hoặc cấm. Thay vào đó là sự độc quyền trong việc trưng bày và phổ biến biểu tượng của chính thể mới.
Đinh Độc Lập trở thành Đinh Thống Nhất, Đường Công Lý đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa, trường trung học Gia Long được thay tên thành Nguyễn Thị Minh Khai, Nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà bị bỏ hoang.
Qua thời gian, mọi ngóc ngách của xã hội đều bị vây phủ bởi những biểu tượng cách mạng, từ hình ảnh Hồ Chí Minh đến màu cờ đỏ, đến sự nở rộ của những tên Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Phạm Văn Đồng trên khắp mọi nẻo đường.
Và qua thời gian, người Việt, nhất là thế hệ trẻ, nghiễm nhiên cho rằng sự tồn tại của Việt Nam là do công của các nhà lãnh đạo cộng sản.
Mặt khác nhiều người Việt không muốn nhắc đến cuộc chiến đã kết thúc ngày 30/4/1975, cơ bản vì sự khốc liệt và gây chia rẽ của nó.
"Đề tài xưa như trái đất không phù hợp cho giới trẻ và thời cuộc hiện nay. Thắng thua cũng đã định thì không còn gì để nói và chỉ nên để cho lịch sử phán xét.'' Họ nói.
Câu nói này thoáng nghe có vẻ bình thường, nhưng cho thấy một vấn đề khá nghiêm trọng trong nhận thức của nhiều người Việt về lịch sử.
Lịch sử không phải là một thực thể tự có thể tìm tòi, so sánh, suy luận thì tự nó làm sao có thể nhận định, phán xét?
Không biết bao nhiêu sách báo đã viết về cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt 46 năm, nhưng chúng ta cần nhìn nhận sự thật là đến nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết về cuộc chiến này.
Nhất là về những khía cạnh xã hội, kinh tế, và văn hóa, từ quan điểm và tầm nhìn của những thường dân, dù bên thắng hay bên thua, hoặc những người vô can, đứng giữa hai lằn đạn.
Thủ Tướng Winston Churchill từng nói "Lịch sử đã và sẽ được viết bởi kẻ thắng."
Nếu lịch sử đã và sẽ được viết bởi phe thắng cuộc, những kẻ nắm quyền, vậy bên thua cuộc, những người ở vị thế không có quyền lực thì sao?
Có phải vô hình trung tiếng nói của họ sẽ tiếp tục bị vùi dập qua các hình thức kiểm duyệt hay bị loại bỏ khỏi sách sử và các cuộc bàn luận?
Hệ quả của những hiểu biết chưa tường tận là những ngộ nhận và cáo trạng đầy phiến diện được nhét vào đầu các thế hệ thanh thiếu niên trong thời gian 40, 50 năm qua.
Điều này sẽ tiếp tục xảy ra với những thế hệ sau nếu không có những nỗ lực hầu quân bình lại cái nhìn về lịch sử chiến tranh Việt Nam cũng như hậu quả của nó.
'Em không biết gì về Tù cải tạo'
Có lần, khi được mời thỉnh giảng cho một lớp sử tại một trường đại học ở Hà Nội với chủ đề người "Việt trên đất Mỹ," tôi ghi hai từ "Vượt Biển" và "Tù Cải Tạo" trên bảng và hỏi sinh viên nghĩ gì về hai từ ấy.
Tôi khá ngạc nhiên khi thấy đa số đều không hiểu biết ý nghĩa lịch sử phía sau hai từ đó trong sự hình thành của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Đa số đều không biết diện HO là gì, hay bao nhiêu phần trăm những người được qua Mỹ sau này là cựu sĩ quan VNCH từng bị giam cầm nhiều năm trong những trại tù cải tạo.
Sau lớp, vài sinh viên lên găp tôi và rưng rưng nước mắt thú nhận: "Em không hề biết gì về Tù cải tạo. Xưa nay em chỉ nghĩ những người ở Mỹ là những người phản quốc. Không biết sự cực khổ họ đã phải trải qua. Em cứ tưởng họ qua đấy là được chu cấp nhà cửa và mọi tiện nghi."
Lần khác, trong năm học lớp 7, sau khi người thầy chiếu bộ phim 'Vietnam: A Television History' (1983), một cậu học sinh người Mỹ hỏi tôi:
"Nhà mày ở bên phe nào (cuộc chiến)?"
Tôi trả lời "Miền Nam," lập tức cậu ấy chỉa tay vào mặt tôi, cười và la lên như vẻ đang đưa ra một phán quyết, "À, vậy gia đình mày thua là đáng!"
Lần khác nữa, trong năm học ở Đại Học Berkeley, trong lớp về "Hoà Bình và Xung Đột", tôi viết một bài luận phản ảnh sự thiên lệch trong cách giảng dạy và tài liệu dùng trong lớp về cuộc chiến Việt Nam.
Thay vì tìm hiểu và trao đổi, vị giáo sư của lớp cho tôi điểm "F-", điểm thấp nhất có thể, cùng với một trang viết, lý giải rằng tôi được điểm ấy vì không theo nguyên tắc của một bài luận, và những phản ảnh của tôi xuất phát từ việc tôi chưa vứt bỏ được cái đắng cay của kẻ thuộc bên thua cuộc.
Trên đây là những họa tiết nhỏ, nhưng phản ảnh những bài học và nhận định về lịch sử chiến tranh Việt Nam mà con cháu của chúng ta đã, đang, và sẽ được dạy ở học đường.
'Bóp méo' chiến tranh Việt Nam
Điển hình và gần đây nhất về sự bóp méo chiến tranh Việt Nam được thể hiện trong hai bộ phim: 'Việt Nam: Thời Đại Hồ Chí Minh' sản xuất ở Việt Nam và 'The Vietnam War' sản xuất ở Hoa Kỳ.
Lấy danh nghĩa công bằng, trung thực, nhằm nói lên tiếng nói của nhiều người, từ nhiều khía cạnh, cả hai bộ phim tạo cho người xem cảm giác mới lạ, nhưng trên thực tế chỉ là một màn ảo, nhai lại những định kiến của 40, 50 năm qua.
Với 'Việt Nam: Thời Đại Hồ Chí Minh,' khi đoàn làm phim liên lạc để nhờ tôi giúp kết nối phỏng vấn một số học giả ở Hoa Kỳ, danh sách họ đưa đa số là các học giả thuộc nhóm phản chiến, ít thiện cảm với VNCH hoặc chính sách của Hoa Kỳ trong cuộc chiến.
Còn với 'The Vietnam War', dù với tiêu chí là sẽ đưa vào nhiều tiếng nói khác nhau, công bằng và quân bình hơn, nhưng thực tế không như vậy.
Trong 79 chứng nhân hai đạo diễn Ken Burns and Lynn Novick chọn để đưa hình ảnh và tiếng nói lên màn hình, thì 50 là người Mỹ và 29 là người Viêt Nam. Nhưng trong 29 người Việt Nam thì 13 người thuộc quân đội và chính quyền miền Bắc, ngoại trừ Huy Đức, 6 thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, tức tổng cộng là 19 người liên quan với miền Bắc, trong khi chỉ có 9 người đại diện cho miền Nam Việt Nam.
Với những con số lệch lạc này thì thời lượng để bày tỏ quan điểm về sự việc cũng theo đó mà sai lệch, trong khi cuộc chiến đa phần xảy ra ở miền Nam Việt Nam.
Kết quả là cả hai bộ phim này góp tay xoá hầu hết những khám phá mới và quân bình hơn mà nhiều nhà nghiên cứu đã dầy công tìm hiểu trong 15-20 năm qua.
Nói cho cùng, nếu lịch sử của chính mình mà chúng ta không quan tâm, không tìm hiểu, không viết xuống, không trân quý giữ gìn, thì đừng trách tại sao lịch sử người khác viết có những sai lệch, phiến diện và đầy định kiến.
Ai có bổn phận 'giữ gìn lịch sử'?
Đã đến lúc người Việt cần góp phần mình trong việc giữ gìn lịch sử.
Lịch sử không thể chỉ là những trang sách về câu chuyện rồng tiên đầy xa lạ, hay dừng lại ở vài bức tranh về những anh hùng chống ngoại xâm được phóng đại bởi dân tộc chủ nghĩa, hoặc ở những cái tên như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, và Lê Duẩn, hay Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu.
Lịch sử công bằng và trung thực là lịch sử ghi nhận tất cả sự phức tạp và những sắc thái cấu tạo nên một con người, một xã hội, một dân tộc, và một đất nước.
Là nhìn nhận rằng Việt Nam không chỉ có những hình ảnh rừng vàng biển bạc, mà phải nói cả về sự nghèo đói bao người Việt phải trải qua bao thế hệ từ xưa đến nay.
Là nhìn nhận rằng song song với những cuộc chiến chống ngoại xâm đầy tự hào là những cuộc huynh đệ tương tàn đầy bi ai.
Lịch sử trung thực phải là bức tranh về con người thật, xã hội thật, cũng những vui buồn đắng cay mà một cuộc đời, một dân tộc phải trải qua.
Bức tranh ấy phải cho ta sự tàn khốc của bom đạn ở Khâm Thiên, thảm sát ở Huế, phải làm rõ những vụ thanh trừng và đàn áp, phải bám theo những gót chân di cư năm 1954, cũng như của những người tập kết ra Bắc, của hệ quả từ các chính sách cải cách ruộng đất, đánh tư sản, và tù cải tạo, hay những diễn biến kinh tế và xã hội đưa đến vấn nạn vượt biên, vượt biển bỏ nước ra đi.
Bức tranh ấy phải vẽ rõ hơn về những con số và bộ mặt của bao thanh niên thanh nữ bỏ xác trên chiến trường, dọc theo con dường mòn có tên Hồ Chí Minh.
Nó phải là bức tranh có những câu chuyện của những người phụ nữ một thân lo gia đình khi chồng bị tù đầy.
Nó phải là bức tranh về cuộc sống thường ngày của con người trong thời cuộc, từ những sinh hoạt ở nông thôn đến thị thành, ở công sở cũng như nhà trường, hoặc những nỗi lo ngại tính toán mỗi khi vật giá leo thang do lạm phát và thất nghiệp.
Nó phải là bức tranh của những cuộc sống trên đất người, từ những khó khăn đến thành công, vì dù muốn hay không, đó cũng là câu chuyện của con người Việt Nam, tức lịch sử Việt Nam.
Bức tranh đa dạng ấy về lịch sử chiến tranh Việt Nam phải bắt đầu từ mỗi chúng ta.
Từ sự mở lòng để kể rõ chuyện của mình với con cháu, từ sự hiếu kỳ với cuộc đời của cha mẹ và anh chị, từ sự khoan dung giữa người với người, dù trước kia từng là người bên kia giới tuyến.
Điều đó tất cả chúng ta đều nên làm và có thể làm, chỉ cần bắt đầu với cây bút, tập vở, hay chiếc iPhone hoặc Samsung.
Làm sao để giữ gìn lịch sử?
Tôi nghĩ, chúng ta hãy bắt đầu với những câu hỏi rất bình thường:
-Bố sinh năm nào? ở đâu? Nhà bố có bao nhiêu anh chị em? Ông, bà tên gì?
-Khi còn nhỏ, giấc mơ của mẹ là gì?
-Bố mẹ gặp nhau trong cơ duyên nào? Cảm giác đầu khi nhìn nhau là gì?
-Ba nhập ngũ năm nào? Tiểu đoàn của ba đóng ở đâu? Ba đã từng đánh bao nhiêu trận?
-Đường Trường Sơn khó nhọc ra sao? Bố mất bao nhiêu đồng đội và xác của họ giờ ở đâu?
-Khi phải đối diện Bác Hai ở chiến trường, suy nghĩ đầu tiên của ba là gì?
-Tết Mậu Thân gia đình mình đang làm gì?
-Khi bom rơi xuống Khâm Thiên thì nhà mình đang ở đâu?
-Chị nhớ gì về ngày Tết? Những ngày học ở Gia Long?
-Người cán bộ cai tù trong trại cải tạo đối xử với ba như thế nào?
-Ngày mẹ đẩy con và em lên thuyền, mẹ có nghĩ sẽ gặp lại chúng con?
-Bao cấp khổ như thế nào mẹ? Anh Hai có gởi tiền về giúp mẹ không?
-Hôm ra khỏi cổng trại, hít hởi thở tự do sau 6 năm tù, ba cảm thế nào?
Vâng. Hãy cứ bắt đầu bằng những câu hỏi và sự tò mò như khi ta đọc một cuốn tiểu thuyết.
Cứ để nhân vật chính dẫn ta vào thế giới của họ. Để họ vẽ bức tranh riêng, đậm nhạt cùng những nụ cười trên vành môi hay những giọt nước bên mí mắt. Hãy để họ tức giận theo cơn phẫn nộ và trầm tư khi cần một phút nghỉ.
Hãy bắt đầu gom nhặt những mảnh đời, rồi ghép lại thành bức tranh lịch sử về anh chị về mẹ cha.
Trước tiên, hãy trao tặng bức tranh ấy cho con cháu, vì một ngày chúng sẽ khát khao được xem, được biết.
Sau đó, hãy trao tặng những câu chuyện này cho các sử gia, các trung tâm nghiên cứu và lưu trữ, hoặc các thư viện, như Thư Viện Quốc Gia Hoa Kỳ, với lòng tin rằng một ngày, một ngày không xa, những câu chuyện ấy sẽ góp phần vẽ nên một bức tranh lịch sử đầy sắc mầu.
Bức tranh ấy sẽ làm sáng tỏ hơn về một giai đoạn lịch sử còn nhiều khúc mắc hầu giúp người sau hiểu rõ chuyện gì đã thực sự xảy ra.
Công việc này đòi hỏi sự góp tay của nhiều người, và bắt đầu với từng mỗi cá nhân ở mỗi gia đình.
Đã 46 năm rồi! Nếu chúng ta thiết tha nghĩ đến một giai đoạn lịch sử thì xin hãy góp tay để lịch sử đừng bị đánh mất.
Bài thể hiện quan điểm riêng của Alex-Thái Đình Võ, tiến sĩ sử học, hiện làm việc và cư ngụ tại Honolulu, Hawaii.
Xem thêm:
0 comments