Myanmar: Thống tướng công du nước ngoài lần đầu kể từ đảo chính
BBC
Các lãnh đạo Đông Nam Á thúc giục người đứng đầu quân đội Myanmar, lực lượng lên nắm quyền sau cuộc đảo chính hồi tháng Hai, chấm dứt đàn áp bạo lực ở nước này.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ cuộc đảo chính, Thống tướng Min Aung Hlaing chứng kiến các nước ASEAN kêu gọi quân đội chấm dứt giết hại người biểu tình và thả các tù nhân chính trị.
Hơn 700 người đã bị giết từ cuộc đảo chính hồi tháng Hai.
Cuộc họp thượng đỉnh ở Indonesia là nỗ lực to lớn đầu tiên nhằm giải quyết khủng hoảng ở Myanmar.
Lãnh đạo và ngoại trưởng từ 10 nước ASEAN tham gia hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại thủ đô Jakarta giữa bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin kêu gọi ngay lập tức chấm dứt bạo lực đối với thường dân và thả các tù nhân chính trị vô điều kiện.
"Tình trạng đau lòng ở Myanmar phải chấm dứt ngay lập tức," ông nói.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng gọi tình hình Myanmar là "không chấp nhận được" và kêu gọi vị tướng quân đội cho phép nguồn viện trợ vào Myanmar.
Sau cuộc họp, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói Tướng Min Aung Hlaing không "phản đối" một chuyến thăm của đoàn đại biểu ASEAN, hay trợ giúp nhân đạo.
Ông nói thêm: "Ông ấy đã nghe ý kiến của chúng ta, ông ấy sẽ ghi nhận những điểm mà ông cho là hữu ích."
Người biểu tình tập trung gần địa điểm cuộc họp thượng đỉnh, gõ nồi xoong và giơ biểu ngữ với các dòng chữ "Khôi phục dân chủ" và "Chúng tôi phản đối đảo chính quân sự".
Các cuộc biểu tình cũng được tổ chức ở các thành phố lớn Myanmar, nhưng không có bạo lực xảy ra.
'Chia rẽ rõ ràng về việc hành động hay không'
Bill Hayton, Chương trình Châu Á - Thái Bình Dương tại Chatham House
Bất chấp nguy cơ về dòng người tị nạn ồ ạt hoặc thậm chí là nội chiến, 10 thành viên của ASEAN đã bị chia rẽ về việc có nên tổ chức một cuộc họp hay không. Có những dấu hiệu rõ ràng về sự chia rẽ giữa các chính phủ muốn hành động và những chính phủ không muốn hành động.
ASEAN dường như bị chia cắt dọc theo các đường địa lý, với các nước "đại lục" - những nước gần Trung Quốc nhất - phản đối việc can thiệp vào Myanmar, trong khi các nước "biển" - những nước xa Trung Quốc nhất - ủng hộ hành động hơn.
Trong số các nước thuộc nhóm thứ hai, nước chủ nhà Indonesia đang nỗ lực nhất để có một phản ứng chung đối với cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, việc thuyết phục chín quốc gia khác có lập trường thống nhất sẽ là một thách thức không kém gì việc thuyết phục chính quyền Myanmar giảm leo thang cuộc khủng hoảng.
Trong khi khối này tự hào về khả năng thuyết phục hơn là ép buộc, khả năng đó sẽ yếu hơn nhiều nếu họ không đoàn kết.
Thủ tướng Thái Lan và Tổng thống Philippines cho biết họ sẽ chỉ cử ngoại trưởng tham dự cuộc họp.
Các thành viên khác của khối bao gồm Malaysia, Singapore, Việt Nam, Brunei, Campuchia, chủ nhà Indonesia và Myanmar.
Đã có những lời kêu gọi trục xuất Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, khỏi ASEAN nhưng các thành viên trong lịch sử không can dự vào công việc nội bộ của nhau.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN để giải quyết cuộc khủng hoảng và ngăn chặn "những tác động nhân đạo nghiêm trọng có thể xảy ra bên ngoài biên giới Myanmar", người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric cho hay.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Myanmar, Christine Schraner Burgener, sẽ có mặt tại Jakarta để tham dự các cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh.
Các cuộc biểu tình lớn đã diễn ra trên khắp Myanmar kể từ khi quân đội giành quyền kiểm soát và ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm.
Các lực lượng vũ trang tuyên bố đã có gian lận trên diện rộng trong cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm ngoái vốn đưa nhà lãnh đạo đắc cử Aung San Suu Kyi và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà lên cầm quyền.
Thay vào đó, quân đội đã hứa rằng họ sẽ tổ chức các cuộc bầu cử "tự do và công bằng" một khi tình trạng khẩn cấp kết thúc.
Trong vài tuần qua, quân đội đã gia tăng sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình - với một vụ đàn áp đẫm máu hồi đầu tháng ở thành phố Bago khiến hơn 80 người thiệt mạng.
Các nhân chứng nói với truyền thông địa phương rằng binh lính đã sử dụng vũ khí hạng nặng và đã bắn vào bất cứ thứ gì di chuyển.
0 comments