Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Biển Đông: Trung Quốc "nắn gân" Biden giống như với Obama

Thursday, April 8, 2021 5:04:00 PM // ,

 RFI

Ảnh minh họa : Tàu Trung Quốc thả neo ở Đá Ba Đầu, Trường Sa. Ảnh chụp ngày 27/03/2021.
Ảnh minh họa : Tàu Trung Quốc thả neo ở Đá Ba Đầu, Trường Sa. Ảnh chụp ngày 27/03/2021. via REUTERS - PHILIPPINE COAST GUARD

Với việc tập trung hàng trăm tàu (nay giảm xuống còn hàng chục tàu) tại khu vực Đá Ba Đầu, Trung Quốc có vẻ như muốn trắc nghiệm quyết tâm của tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc thực hiện cam kết là Hoa Kỳ sẽ cùng với các nước đồng minh trong khu vực ngăn chận mọi hành động của Bắc Kinh nhằm lấn chiếm Biển Đông.

Theo phía Trung Quốc, các chiếc tàu đang neo đậu sát nhau tại khu vực Đá Ba Đầu, trên cụm đảo Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, chỉ là để tránh gió bão, chứ không phải là tàu dân quân biển như tố cáo của Philippines. Nhưng theo lời ông Carl Schuster, một cựu quan chức Trung tâm Tình báo Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, được hãng tin Bloomberg trích dẫn ngày 06/04/2021, không một ai lại đưa tàu đi tránh bão nhiều tuần trước khi bão ập đến. Nếu thật sự đó là những tàu thương mại, một ngày neo đậu, không có hoạt động gì, sẽ tốn mất hàng ngàn đôla.

Cho nên, người ta nghi là Bắc Kinh sẽ dùng chiến thuật giống như đã từng làm trong việc chiếm đóng bãi cạn Scarborough của Philippines vào năm 2012. Trên mạng Twitter vào tháng 1/2021, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã nhắc lại chuyện chính quyền Obama trước đây đã không có hành động gì ngăn chận được Trung Quốc chiếm đóng bãi cạn này, mở màn cho việc thực hiện kế hoạch của ông Tập Cận Bình xây dựng các cơ sở quân sự trên khắp Biển Đông.

Theo lời ông Carl Schuster, việc Trung Quốc tập trung nhiều tàu ở khu vực Đá Ba Đầu là "một cuộc trắc nghiệm để xem chính quyền (Biden) phản ứng đến mức độ nào. Cách phản ứng của Mỹ sẽ quyết định cho cuộc trắc nghiệm kế tiếp".

Vào tháng trước, Washington đã tuyên bố sẽ sát cánh với Philippines, đồng thời tố cáo Bắc Kinh sử dụng lực lượng dân quân biển để "de dọa, khiêu khích các nước khác". Trong một cuộc họp báo vào tháng trước, khi được hỏi về quan hệ với Trung Quốc, tổng thống Biden đã nói là chính quyền của ông sẽ buộc Trung Quốc tuân thủ các luật lệ trên Biển Đông và ở khắp nơi".

Nhưng theo nhận định của hãng tin Bloomberg, vấn đề là Mỹ phải đáp trả như thế nào cho tương xứng. Việc Trung Quốc sử dụng các tàu cá thương mại chẳng khác gì một chiến thuật "vùng xám" để họ có thể bác bỏ mọi cáo buộc "sai lạc". Trong khi việc đưa hàng không mẫu hạm hay các chiến hạm khác đến khu vực Đá Ba Đầu có thể bị xem là một phản ứng thái quá, và khiến Hoa Kỳ có thể bị xem là kẻ gây hấn.

Nhưng nếu không có phản ứng gì thì Mỹ có thể bị trách là quá mềm yếu. Trong những năm qua, Washington đã liên tục thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, gia tăng tần suất của các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải chung quanh các đảo đang tranh chấp ở vùng biển này. Chính quyền Biden cũng đã tái khẳng định là hiệp ước phòng thủ chung với Philippines sẽ được áp dụng trong trường hợp đồng minh châu Á này của Mỹ bị tấn công ở Biển Đông. Đây là điều đã được làm rõ dưới thời tổng thống Donald Trump, sau nhiều thập niên Washington cứ mập mờ về điểm này.

Cũng theo Bloomberg, một khó khăn khác đối với tổng thống Biden, đó là tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, một nhân vật chủ trương thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh, làm suy yếu liên minh truyền thống với Mỹ. Hãng tin này trích lời ông Rommel Ong, cựu thiếu tướng Hải quân Philippines, nay là giáo sư đại học ở Manila: " Khi nào mà tổng thống Duterte còn nắm quyền, các phương án hành động của Hải quân sẽ còn rất hạn chế. Không có một chiến lược nào khác ngoài các công hàm ngoại giao phản đối và những lời lẽ chống Trung Quốc trên các mạng xã hội".

Sau cả tuần im lặng về vụ Trung Quốc tập trung hàng trăm tàu ở khu vực Đá Ba Đầu, tổng thống Duterte hôm qua đã ra tuyên bố nói rằng vụ này nên được giải quyết một cách "hòa bình" và không để nó gây tổn hại cho quan hệ Philippines - Trung Quốc.

Tuy vậy, theo lời Shahriman Lockman, một nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Malaysia, lần này Hoa Kỳ "không còn ngây thơ", như trong vụ bãi cạn Scarborough năm 2012. Vào lúc đó, Washington đã thất bại, không dàn xếp được một thỏa thuận về việc Trung Quốc, Philippines đều rút ra khỏi bãi cạn Scarborough và điều này đã gây tổn hại rất nhiều cho uy tín của Mỹ ở Đông Nam Á. Nhưng ông Lockman cũng lưu ý: "Hoa Kỳ đang rất cảnh giác về việc can thiệp vào vụ này, không biết là họ có sẽ bị chỉ trích là khiến cho tình hình leo thang hay không. Đây là một khả năng rất có thể xảy ra với một giới lãnh đạo thất thường ở Manila.".  

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.