Biden đề xuất chương trình đầu tư 'mỗi thế hệ mới có một lần' trước Quốc hội
BBC
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa đưa ra các đề xuất lớn rộng về việc làm, giáo dục và chăm sóc xã hội, trong bài phát biểu đầu tiên của ông trước một phiên họp chung tại Quốc hội.
Trong bài diễn văn đánh dấu 100 ngày tại chức, vị tổng thống đảng Dân chủ đã đưa ra các kế hoạch chi tiêu khoảng 4 nghìn tỷ đôla - chương trình cải tổ lớn nhất về phúc lợi cho người dân Hoa Kỳ kể từ thập niên 1960, các nhà phân tích nhận định.
Ông gọi đây là khoản đầu tư "mỗi thế hệ mới có một lần vào chính nước Mỹ".
Nhưng các đề xuất này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Cộng hòa.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tim Scott gọi chương trình nghị sự của ông Biden là "những ao ước gây lãng phí lớn cho chính phủ của giới cấp tiến" trong khi quan chức cấp cao của đảng Cộng hòa Ronna McDaniel nói rằng 100 ngày đầu tiên của ông Biden là một "thất bại hoàn toàn".
Bất chấp việc chiếm ghế đa số mỏng manh của đảng Dân chủ ở cả hai viện, chương trình nghị sự của Biden sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tại Quốc hội, trước khi có thể trở thành luật.
Trong một thời khắc lịch sử, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris - người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ này - và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đều ngồi phía sau ông Biden trong bài phát biểu vào giờ cao điểm tối thứ Tư. Đây là lần đầu tiên hai phụ nữ xuất hiện phía sau tổng thống trong bài phát biểu trước Quốc hội.
Sau khi nhắc đến bà Harris với tư cách là Phó Tổng thống trong phần mở đầu bài diễn văn, ông Biden nói thêm, "Chưa bao giờ tổng thống nói những lời đó từ chiếc bục này. Và đã đến lúc."
Sự kiện này nhỏ hơn nhiều so với bài diễn văn tương tự của những đời tổng thống trước đây, vì các hạn chế đang được áp dụng để kiềm chế đại dịch virus corona hiện vẫn đang diễn ra.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia vẫn hoạt động xung quanh Điện Capitol sau khi người biểu tình ủng hộ Trump xông vào tòa nhà vào tháng Giêng.
Tổng thống Biden nói gì?
Biden nói rằng khi lên nắm quyền vào tháng Giêng, ông đã thừa hưởng "một đất nước đang gặp khủng hoảng".
"Đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ. Cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Cuộc tấn công tồi tệ nhất vào nền dân chủ của chúng ta kể từ thời Nội chiến", ông nói.
"Bây giờ, chỉ sau 100 ngày, tôi có thể thưa với toàn dân rằng: Nước Mỹ đang trên đà trở lại."
Ông Biden ca ngợi thành công của việc triển khai vaccine - kêu gọi tất cả những người Mỹ chưa chích ngừa hãy "đi tiêm phòng" - và khoe về nền kinh tế đang phát triển.
Nhưng ông nhấn mạnh rằng còn nhiều việc phải làm. Với tỷ lệ ủng hộ mạnh mẽ và quyền kiểm soát của đảng Dân chủ mỏng manh ở cả hai viện, ông Biden đã trình bày đề xuất của mình - Kế hoạch Việc làm Mỹ và Kế hoạch Gia đình Mỹ - mà Nhà Trắng nói sẽ được tài trợ bằng việc tăng thuế lên các tập đoàn Mỹ và những người Mỹ giàu có nhất.
Ông nói: "Chúng ta phải chứng minh nền dân chủ vẫn hoạt động, rằng chính phủ của chúng ta vẫn hoạt động và có thể mang lại lợi ích cho người dân.
Nói chuyện trực tiếp với những người "cảm thấy bị bỏ lại phía sau và bị lãng quên" trong một nền kinh tế đang thay đổi, ông Biden mô tả Kế hoạch Việc làm Mỹ là "một kế hoạch chi tiết để xây dựng nước Mỹ". Kế hoạch này sẽ đầu tư vào giao thông công cộng, băng thông rộng tốc độ cao và cầu cống.
Ông cũng nhấn mạnh rằng kế hoạch sẽ được dẫn dắt bởi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ông nói: "Khi tôi nghĩ đến biến đổi khí hậu, tôi nghĩ đến việc làm. "Không có lý do gì mà công nhân Mỹ không thể dẫn đầu thế giới về ngành sản xuất xe điện và pin".
Sau đó, ông Biden nói về Kế hoạch Gia đình Hoa Kỳ, nhằm tạo trường mầm non miễn phí cho trẻ em từ ba đến bốn tuổi, cho nhân viên được nghỉ phép vì lý do gia đình và y tế có trả lương, và đại học cộng đồng miễn phí. Kế hoạch Gia đình cũng sẽ kéo dài một khoản tín dụng thuế trẻ em đã được mở rộng trong thời kỳ đại dịch đến năm 2025. Đây là khoản tín dụng mà đảng Dân chủ được cho là hy vọng sẽ thành chương trình lâu dài của chính phủ.
Tổng thống nói khoản tín dụng thuế sẽ "giúp hơn 65 triệu trẻ em và giúp cắt giảm tỷ lệ trẻ em nghèo xuống còn một nửa trong năm nay".
Sau đó, ông chuyển sang các vấn đề xã hội - gồm bạo lực súng đạn, nhập cư và bất bình đẳng chủng tộc.
Ông nói: "Tất cả chúng ta đều đã chứng kiến sự bất công đè lên cổ người Mỹ da đen, liên quan đến vụ sát hại George Floyd, gây ra các cuộc biểu tình toàn cầu chống sự tàn bạo của cảnh sát và phân biệt chủng tộc. "Bây giờ là cơ hội để chúng ta đạt được một số tiến bộ thực sự."
Và ông đóng khung những đề xuất và thay đổi này khi thảo luận về chính sách đối ngoại, nói rằng Mỹ đang "cạnh tranh với Trung Quốc và các nước khác để giành chiến thắng trong thế kỷ 21," đồng thời kêu gọi các chính trị gia của cả hai bên ủng hộ kế hoạch của ông và "chữa lành cho linh hồn của đất nước ".
"Chúng ta đã nhìn thẳng vào vực thẳm của sự nổi loạn và chế độ chuyên quyền - của đại dịch và nỗi đau - và 'Người dân Chúng ta' không hề nao núng", tổng thống nói.
"Chống lại nước Mỹ chưa bao giờ là một đánh cá tốt. Và bây giờ vẫn vậy."
Bài phát biểu của Joe Biden trước Quốc hội mở đầu như một ca ngợi chiến thắng và kết thúc bằng lời cảnh báo.
Ông mở đầu bằng cách ngợi ca việc triển khai chủng ngừa ở Mỹ, được cho là rất thành công về nhiều mặt, mở đường cho việc sinh hoạt bình thường trở lại trong những tháng tới. Ông tự hào về hàng trăm nghìn việc làm mới được tạo ra trong 100 ngày đầu tiên tại chức, và nền kinh tế đang phát triển. Ông quảng bá việc gần đây đã thông qua khoản tài trợ sẽ giúp cắt giảm 50% tình trạng trẻ em nghèo ở Mỹ.
Tuy nhiên, việc nêu lên những thành quả này chỉ là bước để tổng thống đề nghị một ngân khoản lớn hơn - Quốc hội chi tiêu nhiều hơn và hành động nhiều hơn. Ông đề xuất một ngân sách hàng nghìn tỷ đôla cho nhà trẻ miễn phí, chương trình đại học hai năm miễn phí, cho nhân viên nghỉ phép vì lý do gia đình và tài trợ chăm sóc trẻ em. Ông kêu gọi ban hành luật kiểm soát súng, nhập cư, cải cách tư pháp hình sự và quyền bỏ phiếu.
Tuy nhiên, ông kết luận bài diễn văn bằng cách chuyển hướng sang cuộc tấn công ngày 6 tháng 1 vào Điện Capitol của Mỹ, và mối đe dọa với nền dân chủ của các quốc gia chuyên quyền trên thế giới.
Ông đảm bảo với đất nước rằng Mỹ sẽ thắng thế. Tuy nhiên, phần kết bài diễn văn của ông dường như được viết để tạo ra một cảm giác cấp bách - một điều mà có lẽ ông có thể khai thác để đạt được chương trình nghị sự đầy tham vọng mà ông đã đưa ra vào tối thứ Tư.
Đảng Cộng hòa phản ứng như thế nào?
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC), bà Ronna McDaniel, đã đưa ra một văn bản ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Biden. Bà nói 100 ngày đầu tiên tại vị của ông là "một thất bại hoàn toàn", cáo buộc ông và đảng Dân chủ là "siêu đảng phái".
"Trong bài phát biểu nhậm chức, Biden đã kêu gọi đoàn kết. Đó là một lời dối trá, và đất nước của chúng ta đang tồi tệ hơn và chia rẽ hơn vì Joe Biden," văn bản này viết.
Đảng viên Cộng hòa hàng đầu tại Hạ viện, Kevin McCarthy, súc tích hơn. Ông viết trên Twitter: "Toàn bộ điều này có thể chỉ vỏn vẹn là một email".
Sau đó, Thượng nghị sĩ Tim Scott - người có thể là một ứng cử viên vào Nhà Trắng năm 2024 và là thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa da đen duy nhất - tiếp nối bài phát biểu của ông Biden với sự bác bỏ thường thấy từ đảng đối lập.
Ông nói các đề xuất của ông Biden sẽ "hạ thấp mức lương của người lao động Mỹ bình thường" và bác bỏ nó như "những ao ước gây lãng phí lớn cho chính phủ của giới cấp tiến".
Ông Scott sau đó đưa ra vấn đề phân biệt chủng tộc ở Mỹ, cáo buộc đảng Dân chủ muốn "tạo vấn đề hơn là muốn có giải pháp".
"Mỹ không phải là một quốc gia phân biệt chủng tộc. Chống lại sự phân biệt đối xử với kiểu phân biệt đối xử khác là ngược đời và thật sai lầm khi họ tìm cách dùng quá khứ đau buồn của chúng ta để dẹp các cuộc tranh luận hiện tại một cách không thành tâm."
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tim Scott phản bác bài phát biểu của ông Biden
0 comments