Bản tin ngày 12-4-2021
BTV Tiếng Dân
Tin đại án
TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử sơ thẩm vụ án tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, báo Hà Nội Mới đưa tin. Có 19 bị can bị đưa ra xét xử trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và Tổng công ty Thép VN (VNS). Phiên tòa dự kiến kéo dài từ hôm nay đến hết ngày 22/4.
VOV có bài: Vụ Gang thép Thái Nguyên đã làm thất thoát của Nhà nước 830 tỷ đồng. Vụ án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 là một trong 5 vụ trọng án, được Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng yêu cầu khẩn trương xét xử sơ thẩm trong năm 2021. Theo cáo trạng, dự án TISCO làm chủ đầu tư, còn HĐQT của VNS là cấp quyết định đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng, đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim TQ (MCC).
Tháng 7/2007, cựu Tổng GĐ TISCO Trần Trọng Mừng ký hợp đồng với MCC, trị giá 160 triệu Mỹ kim, tương đương hơn 3.680 tỉ đồng. Sau hơn 11 tháng khởi công, MCC chưa triển khai thi công được bất kỳ hạng mục nào của gói thầu. Nhưng MCC vẫn đề nghị TISCO kéo dài thời gian làm dự án, đặt ra yêu sách để nâng giá trị hợp đồng thêm 138 triệu Mỹ kim. Cáo trạng nhận định, nhà nước thất thoát hơn 830 tỉ đồng.
Diễn biến gây chú ý trong ngày đầu tiên của phiên tòa xử vụ thất thoát 830 tỷ: Luật sư đề nghị triệu tập một cựu Bộ trưởng, VietNamNet đưa tin. Một số LS đề nghị triệu tập cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và cựu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, là nhân vật nặng ký hơn cả ông Hoàng, được cho là kẻ “cầm trịch” thật sự trong vụ sai phạm của dự án Gang thép Thái Nguyên.
VTC đặt câu hỏi về vụ Gang thép Thái Nguyên: Vì sao đề nghị triệu tập nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải?
Quyết định của HĐXX phiên tòa xử đại án gang thép Thái Nguyên: Tòa bác đề nghị triệu tập ông Hoàng Trung Hải, báo Giao Thông đưa tin. LS bào chữa cho bị cáo Trịnh Khôi Nguyên, cựu quan chức VNS, đưa ra lý do triệu tập ông Hoàng Trung Hải: Đây là nhân chứng liên quan đến dự án, ký duyệt những văn bản rất quan trọng, nhưng đã bị HĐXX bác đề nghị này, vì cho rằng họ đã có đầy đủ tài liệu, hồ sơ cần thiết.
Trước đó, ngày 9/12/2019, Ủy ban Kiểm tra TƯ ra thông báo về việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong dự án gang thép Thái Nguyên. Thời điểm làm dự án, Văn phòng Chính phủ có 2 văn bản trình Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và thông báo ý kiến của ông Hải, “đồng ý TISCO thanh toán các khoản chi phí trả cho MCC”. Đề nghị của LS trong phiên tòa hôm nay chỉ lặp lại kết luận của UBKTTƯ về vai trò của ông Hải đối với một trong các “quả đấm thép” tai tiếng nhất của chế độ.
Gần một năm rưỡi sau thông báo trên, HĐXX phiên tòa lại từ chối đề nghị triệu tập ông Hoàng Trung Hải, không khác gì hành động phủ nhận vai trò của ông Hải trong vụ án, cũng chính là phủ nhận thông báo của UBKTTƯ, công bố ngày 9/12. Chiến dịch “đốt lò” nếu có tiếp diễn thì cũng chỉ để “đốt” những kẻ thừa hành, không thể chạm đến người đã được bảo kê, là những người ký duyệt, ra chủ trương.
“Kim bài miễn tử” của ông Hải đã được công khai ngày 25/1/2021, ngày làm việc thứ nhất của Đại hội 13. Đó là ngày công bố danh sách Đoàn Chủ tịch Đại hội 13 với 16 Ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có ông Hải. Dù bị hăm he cho vào lò trước đó, nhưng Hoàng Trung Hải được giữ lại để ủng hộ nhân vật nào đó, qua màn “bỏ phiếu” trong đợt chia ghế vừa qua; đổi lại, ông ta không phải lăn vào lò.
VTC dẫn lời cựu Tổng giám đốc TISCO: Lựa chọn nhà thầu vì Thứ trưởng Công Thương giới thiệu. Chiều nay, bị cáo Trần Trọng Mừng, cựu Tổng GĐ TISCO, là người đầu tiên bước lên bục khai báo. Bị cáo Mừng khai rằng, TISCO nhận văn bản giới thiệu VINAINCON (Công ty CP Xây Dựng Công Nghiệp Việt Nam) từ Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, giới thiệu, doanh nghiệp của Bộ, có kinh nghiệm và đã xây lắp nhiều công trình quan trọng, chứ không phải ông Mừng giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Sáng nay, TAND cấp cao tại TP HCM đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ sai phạm dự án cao tốc Trung Lương – TP HCM, nhưng bị cáo Đinh Ngọc Hệ lâm bệnh, không thể hầu tòa, VietNamNet đưa tin. HĐXX thông báo, trại giam T17 không trích xuất được bị cáo Hệ, tức Út “trọc”, cựu Phó Tổng GĐ Tổng công ty Thái Sơn – Bộ Quốc phòng, do đang nằm viện. Trại giam T17 đã có đơn cho bị cáo Hệ xuất viện để tới tòa nhưng phía BV không đồng ý, “vì sức khỏe của bị cáo đang yếu nếu xuất viện sẽ ảnh hưởng tới tính mạng”. HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa.
Báo Người Lao Động đưa tin: Bộ Công an xác minh việc mua sắm thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Đại diện của Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã đến làm việc với BV Tim Hà Nội, yêu cầu cung cấp một số tài liệu để phục vụ quá trình điều tra, xác minh công tác thực hiện các gói thầu mua sắm thiệt bị y tế, vật tư y tế, tại các BV công lập, liên quan tới nghi vấn về một số gói thầu vật tư y tế được “thổi” giá cao hơn nhiều lần so với giá trị thật.
Mời đọc thêm: Hôm nay xét xử vụ thất thoát hơn 830 tỷ đồng tại Gang thép Thái Nguyên (VNN). – 19 người ra tòa trong đại án ở Gang thép Thái Nguyên (VNE). – Xét xử vụ án gang thép Thái Nguyên: Đại diện nhiều bộ, ngành được triệu tập (KT). – Phiên sơ thẩm “đại án” Gang thép Thái Nguyên có 1 bị cáo vắng mặt do đang bị bệnh trụy tim và mất trí nhớ (TĐ). – Xét xử đại án gang thép Thái Nguyên: Bác đề nghị triệu tập ông Hoàng Trung Hải (TN).
– Tòa hoãn xử vụ sai phạm ở dự án cao tốc TPHCM-Trung Lương vì “Út trọc” bị bệnh nặng” (VOV). – “Út trọc” bị bệnh nặng, Tòa hoãn phiên phúc thẩm vụ cao tốc Trung Lương (PLVN). – Bộ Công an xác minh việc mua thiết bị, vật tư ở Bệnh viện Tim Hà Nội (Zing). – Công an đề nghị Bệnh viện Tim Hà Nội cung cấp tài liệu về các gói thầu mua sắm thiết bị (PNVN). – Công an xác minh các gói thầu mua sắm thiết bị: Giám đốc BV Tim Hà Nội nói gì? (VTC).
Tin nhân quyền
RFA đưa tin: Công an Bình Thuận thả nhà thơ Đồng Chuông Tử, đồng thời câu lưu thêm hai người bạn. Ngày 10/4, công an tỉnh Bình Thuận đã trả tự do cho Đồng Chuông Tử, nhà thơ người Chăm, tên thật là Nguyễn Quốc Huy, sau khoảng 4 ngày giam giữ để thẩm vấn. Ông Huy đã tuyên bố tự ứng cử ĐBQH khóa 15 đại diện cho người Chăm.
Trước đó, ngày 9/4, hai người bạn của ông Huy là Nguyễn Văn Sơn Trung và Trần Đức Tín cũng bị công an tỉnh Bình Thuận bắt giữ. Đến chiều nay, ông Tín đã được trả tự do. Còn ông Trung đến nay vẫn chưa được thả, gia đình không được biết tung tích của ông. Vợ ông Trung kể, ngay sau vụ bắt bớ, công an tới đề nghị mẹ ông lên trụ sở thuyết phục con trai, nhưng bà không đồng ý.
Báo Người Việt có bài: CSVN sắp xử giới chức ‘xúc phạm Trần Đại Quang và Nguyễn Tấn Dũng’. Đó là ông Quách Duy, cựu chuyên viên văn phòng UBND TP HCM, sẽ bị xét xử ngày 15/4, với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Ông Duy bị bắt vào ngày 18/9/2020, sau khi đăng một số bài viết trên trang Facebook cá nhân, liên quan đến giới lãnh đạo chế độ.
Trước khi bị bắt, ông Duy bày tỏ trên mạng xã hội rằng, ông noi gương ông Hồ, viết về các lãnh đạo cấp cao là để “chống giặc nội xâm”. Chỉ vài ngày trước khi bị bắt, ông Duy có bài viết “đốt củi”, nhắm đến một số cựu lãnh đạo thành Hồ liên quan đến các vụ trọng án kinh tế – chính trị mà ông Duy cho rằng họ sẽ vào “lò” của Tổng Trọng.
Đến tối nay, trên Facebook của ông Quách Duy vẫn còn dòng giới thiệu: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, Bác Trọng kính yêu!” Một cán bộ nhà nước muốn đóng góp ý kiến phản biện cho hệ thống mà ông ta đang phục vụ, cũng trở thành kẻ thù của hệ thống đó.
Chỉ còn 2 ngày nữa sẽ diễn ra phiên xử ông Duy, cơ quan chức năng quận Tân Phú tiếp tục điều tra nhiều tài liệu thu giữ của Quách Duy, theo báo Người Lao Động. VKSND quận Tân Phú ra cáo trạng, trong đó kết luận ông Duy có hành vi “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, viết và đăng tải lên mạng xã hội 3 bài viết thể hiện “thông tin xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm một số nguyên lãnh đạo. Hành vi trên còn gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Mời đọc thêm: Giáo sư Nguyễn Đình Cống, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, bị loại sau một cuộc họp cử tri kín (RFA). – Đại sứ Mỹ khen ngợi Giám Mục Nguyễn Thái Hợp về ‘tự do tôn giáo và nhân quyền’ (NV). – Sắp xét xử Quách Duy, cựu chuyên viên Văn phòng UBND TP HCM (NLĐ). – Sắp xử bị cáo Quách Duy xúc phạm lãnh đạo trên facebook (PLTP).
Cập nhật tình hình Miến Điện
Diễn biến mới của khủng hoảng Miến Điện: Liên Âu lên án Nga và Trung Quốc ngăn chặn giải pháp ngoại giao, RFI đưa tin. Lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell nêu đích danh Nga và TQ là “những trở lực” ngăn cản cộng đồng quốc tế giải quyết khủng hoảng chính trị Miến Điện bằng giải pháp ngoại giao, khiến cho mọi nỗ lực kiềm chế bạo lực đều không mang lại kết quả.
Ông Borrell chỉ ra, Moscow và Bắc Kinh đã “ngăn chặn những nỗ lực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban hành lệnh cấm vận vũ khí” nhắm vào chế độ quân phiệt Naypyidaw. Nhưng ông Borrell cho rằng, Liên Hiệp Châu Âu vẫn phải cố gắng để “còn nước, còn tát”. Ông Borrell đề nghị Bruxelles nên dùng lá bài kinh tế và đầu tư để khuyến khích Naypyidaw quay trở lại con đường dân chủ.
VTC đặt câu hỏi: Quân đội Myanmar tính phí ‘tìm thi thể’ cho gia đình người chết trong biểu tình? CNN đã dẫn nguồn tin từ Facebook của Hội SV ĐH Bago, vụ chính quyền quân phiệt Miến Điện tính phí 120.000 kyat, tương đương 85 USD, cho các gia đình muốn tìm thi thể của người thân chết trong cuộc biểu tình ngày 9/4. Chính quân đội Miến phải chịu trách nhiệm về cái chết của những người biểu tình chống đảo chính bị giết, nhưng giờ họ đòi thu phí từ gia đình các nạn nhân.
Zing đưa tin: Bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc thêm tội danh. Hãng tin AFP dẫn lời LS Min Min Soe của bà Aung San Suu Kyi cho biết: “Bà ấy đã bị cáo buộc tổng cộng 6 tội danh, bao gồm 5 tội danh ở Naypyidaw và một ở Yangon”, cáo buộc mới nhất liên quan đến tội hình sự theo Luật Quản lý thiên tai của Miến Điện. LS Min Min Soe bình luận, các cáo buộc nhắm vào bà Suu Kyi đều sai sự thật hoặc là bị phóng đại.
Trước đó, báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Lực lượng an ninh Myanmar bắn súng phóng lựu làm hơn 80 người chết? Nguồn tin từ phe đối lập Miến cho biết, lực lượng an ninh đã dùng súng phóng lựu đạn bắn thẳng vào những người biểu tình ở TP Bago, khiến hơn 80 người thiệt mạng vào ngày 10/4. Dùng súng liên thanh xả đạn vào người dân đã là hành vi dã man, nhưng lấy súng có nòng phóng lựu đạn, nhắm vào người dân không có khả năng chống trả, quả là man rợ.
Hãng tin AFP dẫn lời một người dân địa phương cho biết, chính quyền quân phiệt thậm chí còn không cho phép nhân viên cứu hộ tiếp cận thi thể của những người biểu tình thiệt mạng ở TP Bago. Nguồn tin này nói: “Lực lượng quân đội chất đống các thi thể lên xe quân sự rồi chở đi”.
Mời đọc thêm: Bạo lực Myanmar leo thang, dùng tới bom khiến hơn 700 dân thường thiệt mạng (DNVN). – Chính quyền Miến Điện giết 82 người biểu tình tại 1 thành phố, trong 1 ngày (NV). – Quân đội Myanmar bị tố dùng súng phóng lựu khiến hơn 80 người thiệt mạng (KTĐT). – Myanmar: Kêu gọi người dân tụ tập đọc kinh, thách thức quân đội dịp nghỉ năm mới (TP). – Ngân hàng và nhà máy đóng cửa, kinh tế Myanmar lao đao (Zing). – Bất ổn chính trị có thể khiến kinh tế Myanmar giảm 20% (VnEconomy). – EU cáo buộc Nga – Trung Quốc ngăn cản nỗ lực quốc tế lên án chính biến Myanmar (ANTĐ).
***
Thêm một số tin: Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính và “Lằn ranh đỏ mong manh” (RFA). – Bộ Quốc phòng tập huấn quân sự toàn quân tại Miếu Môn (PLTP). – Bạo loạn sau vụ cảnh sát bắn chết một người da đen gần Minneapolis, Mỹ (BBC). – Trung Quốc – Hoa Kỳ: Cuộc chia ly sẽ đi đến đâu? — Covid-19 tái bùng phát ở nhiều nước châu Á, Cam Bốt lo ngại dịch lan rộng — Trung Quốc thừa nhận vac-xin bào chế trong nước kém hiệu quả hơn vac-xin công nghệ ARN (RFI).
0 comments