Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Vì sao bác sĩ Nguyễn Duy Hướng bị bắt?

Tuesday, March 23, 2021 5:10:00 PM // ,

  BTV Tiếng Dân

23-3-2021

Bác sĩ Nguyễn Duy Hướng. Nguồn: FB nhân vật

Ngày 22/3/2021, truyền thông trong nước đưa tin, bác sĩ Nguyễn Duy Hướng, 34 tuổi, ở Nghệ An, bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ vì vi phạm điều 117 Bộ luật hình sự, “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Cũng theo báo “lề đảng”, từ năm 2018 đến nay, bác sĩ Nguyễn Duy Hướng đã sử dụng tài khoản “Bảo kiếm”, trên Facebook, đăng tải nhiều nội dung mà họ cho là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”; đăng các bài viết và hình ảnh “có nội dung nói xấu chính quyền, bôi nhọ, xúc phạm hoạt động của cơ quan công quyền, xúc phạm người thực thi nhiệm vụ“.

Theo sự chỉ dẫn của báo Công an Nhân dân, chúng tôi vào xem Facebook “Bảo Kiếm” của bác sĩ Hướng, thấy có nhiều bài viết phản ánh đúng sự thật, chứ không phải “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” như báo này viết.

Trong status cuối cùng, ngày 16/3/2021, bác sĩ Hướng dẫn lời Thạc sĩ Lê Thẩm Dương: “Hãy quý trọng người thường xuyên chửi bạn” và hỏi rằng “Không biết bên Đảng có ai quý mình không?” Chưa đầy một tuần sau, BS Hướng đã nhận được câu trả lời bằng cái còng số 8 khi bị “bắt khẩn cấp” với cáo buộc, “xâm hại đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ XHCN“.

***

Hơn một năm trước, ngay sau sự kiện Đồng Tâm xảy ra, ngày 14/1/2021, BS Hướng có đăng một bài viết với tựa đề “Phê Bình Đảng!” Bài có nội dung như sau:

“Mấy hôm nay xem tình hình sự việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Tôi thật sự rất buồn! Buồn bởi máu đã đổ; quân, dân ta đã phải nằm xuống mà không hề có một bóng dáng tên địch nào! Nhưng cũng có thể là “giặc dốt” vẫn hoành hành sau những ngày tháng yên ả, ngủ quên. Tôi cố gắng tìm hiểu về Đồng Tâm xem những gì đang thật sự xảy ra ở đó, rồi tôi thấy Đảng sai rất nhiều.

Xét về các bằng chứng, chứng cứ thì đất đai ở cánh đồng Sênh, thôn Hoành là đất quốc phòng, đã được thể hiện thông qua các văn bản, quyết định của Thủ Tướng Chính Phủ năm 1980, 1981. Cụ thể hoá trong bản đồ lập năm 1992 do UBND TP. Hà Nội công bố. Số đất này đã được bàn giao cho Bộ Tư Lệnh Công Binh (1980-1989)-> Lữ Đoàn 28 (Binh Chủng Phòng Quân-Không Quân) từ 1989-> nay, và đã được triển khai cắm mốc giới theo bản đồ đầy đủ.

Trong đó có 64,66ha đất thuộc địa giới xã Đồng Tâm do 3 đơn vị bàn giao (Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm 47,36 ha, Xí nghiệp vôi đá Miếu Môn 3ha, Nông trường quốc doanh Lương Mỹ 14,3ha). Với các chứng cứ này thì ông Lê Đình Kình và người dân của thôn Hoành, xã Đồng Tâm hoàn toàn sai, vì họ đang lấn chiếm đất Quốc Phòng. Song đây chỉ là cái nhìn của Chính Quyền và về mặt Chính Quyền, có các giấy tờ và bằng chứng xác thực.

Còn nhìn về phương diện lịch sử, về góc nhìn của người dân thì trước khi có dự án sân bay Miếu Môn, số đất này là đất của 3 đơn vị trên (có văn bản công nhận?) và của người dân (không có văn bản công nhận) được thừa kế theo kiểu cha để lại cho con. Đất của 3 đơn vị kia đã được giao cho bộ Quốc Phòng quản lý, còn đất của người dân là đất hiện đang tranh chấp, tranh cãi. Đất này qua thời gian được mua, bán, chuyển nhượng, thừa kế, có các văn bản xác thực của UBND xã Đồng Tâm (được xác định là sai quy định, vượt thẩm quyền, liên quan tới vụ này có các đồng chí bị kỷ luật gồm: Bí thư xã Đồng Tâm bị khai trừ Đảng, 3 lãnh đạo khác bị cảnh cáo và một bị khiển trách).

BÀN LUẬN:

Xét vụ việc từ gốc đến ngọn ta thấy nổi cộm lên mấy vấn đề như sau:

Trước hết, đất nước ta là một nước phong kiến nửa thuộc địa, trải qua hai cuộc chiến tranh trường kỳ là kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ ác liệt, phải tới năm 1975 nước ta mới hoàn toàn được giải phóng. Ở thời điểm đó dân ta còn nghèo, đất nước còn lạc hậu, vết thương của chiến tranh để lại hết sức nặng nề. So với thời nay thì ở thời điểm đó đất đai khá rộng rãi còn người thì thưa ít. Do chiến tranh, phương thức sản xuất thô sơ lạc hậu mà đất hoang hoá khá nhiều, ranh giới giữa công và tư chưa hoàn toàn rạch ròi như bây giờ.

Trong thời điểm đó (tức là năm 1981) Cố Thủ Tướng Đỗ Mười ký quyết định thành lập sân bay Miếu Môn (đây là sân bay quân sự chiến lược,rất quan trọng cho việc phòng thủ của Thủ Đô và cả Nước ), song thời điểm đó Cố Thủ Tướng Đỗ Mười chỉ ký quyết định thành lập với diện tích kèm theo mà không có bản đồ quy hoạch rõ ràng, rành mạch (hiện tại không thấy công bố). Đây là một thiếu sót trong việc ra chỉ thị, quyết định, góp phần vào hậu quả xảy ra sau này.

Sau quyết định của Cố Thủ Tướng Đỗ Mười (1981) Bộ Tư Lệnh Công Binh đã được 3 đơn vị quản lý đất thời đó giao đất đầy đủ. Sau khi nhận và sử dụng đất từ 1981-1989 Bộ Tư Lệnh Công Binh vẫn không lập bản đồ, chưa có cắm mốc (hiện tại chưa thấy công bố). Sau năm 1989 chuyển sang cho Lữ Đoàn 28 (Binh Chủng Phòng Không- Không Quân) đến năm 1991 bắt đầu cắm mốc, sau đó năm 1992 mới có bản đồ và chữ ký của các UBND các xã liên quan nhưng vẫn không thấy có con dấu của Chính Phủ.

Đây là bản đồ tự ban quản lý đất Quốc Phòng và chính quyền các xã có liên quan lập với nhau, chắc hẳn Chính Phủ và người dân không biết (bản đồ này đã được TP. Hà Nội công bố). Trong khi đó ban quản lý đất thuộc Lữ Đoàn 28 lại phát ngôn là sân bay Miếu Môn chỉ có 208ha, khác với con số 239,2ha (phát ngôn này sau đó được thanh tra TP Hà Nội công bố là sai với quy hoạch).

Về phía chính quyền địa phương, đặc biệt là Chính Quyền xã Đồng Tâm lại xác nhận hồ sơ thừa kế, cho tặng, chuyển nhượng của các hộ dân (trong các năm 2003 – 2010). Đây là bằng chứng cho thấy việc xây dựng, sử dụng đất là hợp pháp. Tuy nhiên việc làm này sau đó được cấp Chính Quyền cao hơn xác nhận là trái thẩm quyền, vi phạm pháp luật về quản lý đất đai.

Liên quan đến vụ việc này có 5 đồng chí bị kỷ luật, trong đó có: Bí thư xã Đồng Tâm bị khai trừ Đảng, 3 lãnh đạo khác bị cảnh cáo và một bị khiển trách. Từ điểm này cho thấy có sự hoạt động bất nhất giữa Chính Quyền các cấp, dưới nói xuôi, trên lại nói ngược. Cán bộ cấp dưới làm trái thẩm quyền, xác định là vi phạm pháp luật lại không đưa ra xét xử, mà kỷ luật theo kiểu khiển trách, cảnh cáo, khai trừ ra khỏi Đảng. Những hình thức kỷ luật này chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống cơm ăn, áo mặc của họ cả. Trong khi đó họ đẩy người dân vào chỗ vi phạm pháp luật thụ động. Không biết tin tưởng, bám víu vào ai, phải tự mình vùng lên đấu tranh.

Như vậy, với một cách khách quan thì đây là một mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền. Mâu thuẫn này bắt đầu hình thành từ năm 1981 sau khi có quyết định thành lập sân bay Miếu Môn của Chính Phủ thời điểm đó, nhưng không có bản đồ, qui hoạch rõ ràng, cho nên diện tích, hình dạng chỉ được áng theo cảm tính, không chính xác, không định lượng rõ ràng được.

Việc cắm mốc năm 1991 và lập bản đồ năm 1992 là việc làm tự phát của cơ quan quản lý và các chính quyền địa phương xung quanh, việc làm này không được Chính Phủ thời điểm đó công nhận. UBND xã Đồng Tâm các năm 2003 – 2010 đã làm sai, vi phạm pháp luật thì Chính Quyền địa phương ở thời điểm năm 1992 cũng có thể làm sai, ký sai, vi phạm pháp luật. Bởi thứ chúng ta căn cứ, làm mốc chính là quyết định của Chính Phủ năm 1981 do Cố Thủ Tướng Đỗ Mười ký. Vậy bản đồ, bản quy hoạch, quyết định thời đó đâu mà các anh ký, các anh ký xong sao không được Chính Phủ chứng thực công nhận. Do đó việc cắm mốc năm 1991 và lập bản đồ năm 1992 là không đủ căn cứ pháp lý, không thể lấy đó làm mốc để cưỡng chế dân.

Việc tiếp nhận quản lý đất của Bộ Tư Lệnh Công Binh năm 1981 là sơ sài, cẩu thả. Đất thời đó không quý nên coi thường. Việc tiếp nhận và quản lý đất của Lữ Đoàn 28- Binh Chủng Phòng Không Không Quân có chỉnh chu hơn nhưng vẫn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, sơ hở. Biết cắm mốc mà không biết đòi hỏi bản đồ, biết lập bản đồ cho các chính quyền địa phương ký mà lại không xin chứng nhận của Chính Phủ để làm bằng. Ai cho biết là mốc các đồng chí cắm đó là đúng? Lỡ các đồng chí cắm láo rồi thông đồng với Chính Quyền địa phương đó thì sao?

Khi đã xác định được mốc rồi thì quản lý không sát để dân vô tư lấn chiếm, canh tác, cắm cọc làm nhà, sinh con đẻ cái, thành làng, thành xã. Cái các đồng chí quăng đi lúc đầu chỉ là đất vô giá trị hoặc giá trị nhỏ, nhưng bây giờ đất đó là nhà, là làng, là quê hương của dân. Tấc đất tấc vàng, đối với họ còn quí hơn cả vàng. Song cũng khá khen cho các đồng chí vì biết ứng dụng lời dạy “quân dân như cá với nước” của Bác Hồ, biết tạo điều kiện cho dân canh tác, tạo điều kiện cho dân sinh sống trên diện tích đất bỏ hoang, chưa dùng đến. Nếu đúng được như vậy thì thật đáng khen lắm, nhưng hiện tại bằng chứng đến lúc này cũng chưa rõ ràng, nên chưa thể khen các đồng chí được.

Về hoạt động của Chính Quyền ta thấy có sự bất nhất giữa trên và dưới, giữa trước và sau, bộc lộ nhiều sở hở yếu kém, có xu hướng bạo lực, coi thường dân, vượt quyền lạm quyền. Vẫn biết việc các đồng chí làm là có ý tốt cho an ninh quốc phòng của đất nước. Nhưng các đồng chí phải hiểu rằng: “Chỉ có dân mới giữ được nước, còn sân bay chẳng là cái Lờ gì cả, hiểu không?”.

Trước đây chỉ có vũ khí thô sơ, điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn, thua thiệt quân thù về mọi mặt, ấy vậy mà đất nước, Bác Hồ vẫn an toàn giữa lòng dân, vẫn diệt Pháp, diệt Mỹ như thường. Bây giờ điều kiện kinh tế khá giả, các anh nắm được đồng tiền trong tay nên các anh coi thường, khinh dân ngu yếu hay sao?

Bằng chứng nào mà các anh bảo đó là đất quốc phòng hả? Quyết định của Cố Thủ Tướng Đỗ Mười năm 1981 đâu? Bản đồ qui hoạch được phê duyệt thời đó đâu? Các anh phải công bố đầy đủ xác thực trước khi hành động chứ?

Phải nên nhớ là hệ thống Chính Quyền trên dưới, trước sau phải nhất quán, hoạt động phải nhịp nhàng, uyển chuyển, linh hoạt. Trước khi đưa ra quyết định, việc làm phải làm cho dân phục, phải vừa ngăn chặn được thói xấu của dân mà vẫn giữ được thể diện, quyền tự quyết cho dân.

Việc sử dụng đất đó có thể dân sai nhưng đã được Chính Quyền địa phương xác nhận thì đó đâu còn sai nữa! Các anh bảo, các quyết định của UBND xã Đồng Tâm các năm 2003 – 2010 cấp cho dân là sai, nhưng lại công nhận bản đồ giữa ban quản lý đất quốc phòng và UBND xã Đồng Tâm năm 1992 là đúng. Thời điểm này là 2019-2020, như vậy các anh có thấy các anh mâu thuẫn không?

Cùng là chính quyền xã, cùng hoạt động ở các thời điểm trước các anh, vậy mà cái thì bác bỏ, cái thì công nhận, văn bản gốc năm 1981 thì không thấy đưa ra, báo cáo đến. Các anh làm việc kiểu gì vậy hả? …

Còn nữa cán bộ vi phạm pháp luật, vượt quyền mà các anh chỉ xử lý về mặt Đảng, 1 đồng chí bị khai trừ ra khỏi Đảng, 3 đồng chí bị cảnh cáo, 1 đồng chí bị khiển trách. Sao không truy tố? Hay là Đảng viên được đặc cách trong việc vi phạm pháp luật? Mà Chính Quyền sai thì phải dùng luật trị Chính Quyền chứ? Sai về mặt chính quyền mà lại quay sang trị Đảng là sao? Vai trò lãnh đạo của Đảng đâu? Từ lúc nào mà Chính Quyền được phép trị Đảng vậy? Quái lạ thật đấy, các đồng chí nhỉ?

Chưa hết, vì Chính Quyền làm sai nên dân vô tình bị vi phạm pháp luật thụ động, để trị hành vi này, các anh quyết định đánh úp dân vào lúc 3-4 giờ sáng. Vào giờ đó ai cho phép các anh quấy phá người ta vậy, đêm hôm khua khoắt biết ai là địch, biết ai là thù, biết ai giả dạng, biết ai không?

Nếu các anh chết ở ngoài đường thì tôi sẽ suy xét sau, nhưng nếu các anh chết trong nhà của dân thì các anh chết là xứng đáng. Đây là tự vệ chính đáng trước các hành vi phá hoại chứ không phải chống đối giết người.

Các anh đại diện cho Chính Quyền sao lại chọn hành vi hèn nhát vậy? Bỉ ổi vậy? Lý không thắng nổi thì dùng sức mạnh để đàn áp sao? Các anh coi dân là giặc từ bao giờ vậy? Các anh lo cho an ninh quốc phòng của đất nước mà lại đi dùng triết lý của kẻ vũ phu, ỷ mạnh hiếp yếu của “giặc khoẻ”? Coi chừng gậy ông đập lưng ông nha.

Đất đó có thể không phải là của dân nhưng nhà đó, tài sản ở trên đó là của dân, muốn phá muốn dỡ phải được sự đồng ý chấp thuận của dân, phải đền bù cho dân thật thoả đáng, phải nói lý cho dân thông, dân không thông thì ra phương án cho dân mua lại đất đó.

Núi không chuyển thì nước chuyển, nước không chuyển thì người chuyển. Phải uyển chuyển. Đường này lại lật lựa, trước thì ký vào biên bản viết tay không tri cứu dân, sau đạt được mục đích rồi thì lôi dân ra xử. Dân mất niềm tin không chịu hợp tác mà chọn con đường chống đối là do các anh mà ra cả.

Cuối cùng phê bình Đảng! Dân mâu thuẫn với Chính Quyền mà tuyệt nhiên không thấy tiếng nói của Đảng. “Ý Đảng lòng dân” mà lòng dân lại chống Chính Quyền thì ý Đảng trong trường hợp này là như thế nào? Dân và quân đổ máu, kẻ chết, kẻ đi viện, vậy trách nhiệm của cơ quan Đảng trong trường hợp này là như thế nào? Trách nhiệm của người đứng đầu đâu? Đề nghị Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho ý kiến.

Chính Quyền hoàn toàn không nghe dân, Chính Quyền chỉ tin các bằng chứng do mình đưa ra mà không tin vào lời nói, vào người làm chứng của chính dân để bảo đảm quyền lợi của chính mình. Trước giờ cơ quan Đảng luôn lu mờ trước các quyết định của Chính Quyền, Chính Quyền làm sai thì Đảng viên bị đưa kỷ luật (như vụ UBND xã Đồng Tâm năm 2003 -2010 làm sai thì 1 bị khai trừ Đảng, 3 bị cảnh cáo,1 bị khiển trách). Vậy trong trường hợp này nếu Chính Quyền làm sai thì cơ quan tổ chức Đảng sẽ làm gì?

Về mặt hành chính trong vụ Đồng Tâm thì thanh tra TP Hà Nội đã vào cuộc, thanh tra Chính Phủ cũng đã vào cuộc, cho nên cơ quan pháp luật, lãnh đạo cao nhất bây giờ chỉ còn có Đảng. Vụ việc xảy ra nghiêm trọng, mâu thuẫn liên quan đến mạng người, thậm chí còn nguy hiểm tới tình hình an ninh trật tự của Quốc Gia. Ngay lúc này thật sự rất cần tiếng nói của Đảng, vụ này không thể để cho Chính Quyền tự giải quyết được, bởi Chính Quyền là một thực thể của mâu thuẫn. Bây giờ rất cần một tổ chức trung gian ngoài cuộc, ngó đi nhìn lại thì chỉ có Đảng mà thôi.

Mẫu thuẫn này cũng không chỉ đơn thuần giữa dân và Chính Quyền mà trong đó còn có một lão thành cách mạng 60 năm tuổi Đảng là ông Lê Đình Kình, đồng thời có một thực thể liên quan nữa là Lữ Đoàn 28 thuộc Quân Đội. Vậy tập hợp trong vụ này có dân, có Chính Quyền, có Quân Đội và có cả lão thành cách mạng 60 năm tuổi Đảng, xử vụ này tôi thấy không ai phù hợp hơn là Tổng Bí Thư – Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, bác là người đứng đầu, cao nhất, vừa có Đảng vừa có Chính Quyền, vừa là đại biểu Quốc Hội và là người có trách nhiệm cao nhất đảm bảo quyền lợi cho dân. Xin Bác hãy đứng ra giải quyết, chủ trì công đạo cho dân, cho nước, phân xử đúng sai. Nếu không dân lại xì xào là: Chính Quyền được phép diệt Đảng, thậm chí cả lão thành cách mạng 60 năm tuổi Đảng và Đảng chỉ là cơ quan bù nhìn mà thôi.

Với tư cách là một người dân, một thực thể làm chủ đất nước, chúng ta có quền tự do ngôn luận, có quyền phê bình Đảng, phê bình Chính Quyền. Qua tìm hiểu vụ việc ở Đồng Tâm, tôi thấy việc làm của Chính Quyền rất mất dạy, dưới thì nói xuôi, trên thì nói ngược, trước sau không thấy sự rõ ràng nhất quán. Hành xử thì vô văn hoá, lật lọng, lén lút.

Chúng ta phải lên tiếng để phê bình những hành động này của Chính Quyền, phê bình sự chỉ đạo không sát sao của cơ quan Đảng, quân dân giết nhau mà Đảng vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt, không có một tiếng nói, một động thái nào là không được. Việc Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ra nghị quyết nêu gương của lãnh đạo, người đứng đầu là rất đúng đắn. Sự việc xảy ra nghiêm trọng ở Đồng Tâm rất cần sự đúng đắn đó, nói được là phải làm được.

Đề nghị Tổng Bí Thư- Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng thể hiện vai trò lãnh đạo sáng suốt của mình, làm gương cho toàn Đảng và toàn dân xem, đồng thời để học hỏi noi theo. Không thể để cho dân tình xì xào to nhỏ, bạn bè quốc tế chê cười rằng “làm nhiều chức, vơ nhiều quyền, ăn tốn cơm tốn gạo của đất nước chứ chả làm được cái gì”, đó là một hình ảnh xấu của đất nước.

Việc ở Đồng Tâm nếu không khéo léo sẽ còn thêm những hậu quả nghiêm trọng nữa, hiện giờ tuy có muộn nhưng vẫn còn sớm nếu biết xử lý đúng đắn, phù hợp. Xin chân thành cảm ơn các đồng chí đã lắng nghe, tiếp thu.

Rất mong chờ hành động tiếp theo của các đồng chí. Thân ái chào quyết thắng!”

***

Sau đó, BS Hướng đã gửi thư “Phê Bình Đảng” này, kèm theo thư ngỏ, tới ông Nguyễn Phú Trọng, tại địa chỉ Văn phòng Trung ương Đảng. Ngày 17/1/2020, BS Hướng đăng nội dung bức thư gửi cho ông Nguyễn Phú Trọng, cùng ảnh chụp chứng minh, thư đã được gửi tới Văn phòng Trung ương Đảng:

Vẫn không rõ Văn phòng Trung ương Đảng có chuyển thư này tới ông Nguyễn Phú Trọng hay không, cũng không biết ông Trọng có đọc được bức thư này hay không, nhưng sau hơn một năm, thì đảng của ông cho công an tới bắt bác sĩ Nguyễn Duy Hướng, một người chân thành góp ý cho ông Trọng và cái đảng của ông.

https://baotiengdan.com/2021/03/23/vi-sao-bac-si-nguyen-duy-huong-bi-bat

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.