Phụ nữ Việt Nam: Vượt qua sự kiềm hãm của truyền thống
BBC
- Amber Gaskill
- Viết từ Vancouver, Canada
Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển nhanh nhất thế giới nhờ toàn cầu hóa, đầu tư kinh tế và hiện đại hóa đang gia tăng.
Ngày 8 tháng 3: Cần thương thêm cả đàn ông
Tuy nhiên, có vẻ như phụ nữ vẫn còn thiếu đại diện và tách biệt khỏi các cấp cao nhất của văn hóa chính trị và xã hội.
Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá cho đến nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng ngày nay, Việt Nam đã trở thành một biểu tượng của sự tái thiết và đầu tư quốc tế.
Phụ nữ và quyền của họ đang phát triển tương tự cùng với đất nước, nhưng họ vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong việc phát triển hết khả năng của mình.
Bất kể những diễn biến phức tạp này, một số phụ nữ đang nhanh chóng vươn lên nhờ tăng trưởng kinh tế quốc gia và khu vực. Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, điều hành một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam và Đông Nam Á, trong khi bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam khi thành lập Hãng hàng không VietJet Air trong lĩnh vực kinh doanh hàng không do nam giới thống trị.
Điều đó thể hiện tham vọng ngày càng tăng của phụ nữ trong việc phá vỡ truyền thống lãnh đạo nam giới lâu đời - và có lẽ trong một nền kinh tế mở rộng mạnh mẽ như vậy, nơi thành công thương mại thường dẫn đến lợi ích chính trị, điều tốt nhất cách tạo đà cho sự tiến bộ là nắm bắt và khai thác các cơ hội của thế giới kinh doanh.
Về mặt chính trị và xã hội, còn nhiều điều cần đạt được đối với việc tự do hóa vai trò giới.
Một người phụ nữ vẫn được kỳ vọng và khuyến khích đặt việc chăm sóc gia đình lên hàng đầu trong danh sách ưu tiên của mình, ở trên cơ hội làm việc hoặc tham vọng nghề nghiệp.
Nhưng với những thành tựu và đột phá của các cá nhân trong các lĩnh vực phi truyền thống, những cái nhìn về tương lai bình đẳng hơn giữa các giới trở nên hiển hiện và trong tầm tay.
Thay đổi trong cấu trúc quyền lực
Nghiên cứu về văn hóa Việt Nam thời kỳ cổ đại cho thấy rằng theo truyền thống, chế độ mẫu hệ trong đó phụ nữ giữ vai trò chủ gia đình, với các dòng họ mẫu hệ và phụ hệ được coi là có giá trị ngang nhau.
Bước ngoặt trong việc Việt Nam chuyển sang chế độ phụ hệ dường như bắt đầu vào năm 111 trước Công nguyên, khi nhà Hán đánh chiếm Nam Việt, chia lãnh thổ Nam Việt làm sáu quận là Nam Hải, Hợp Phố (Quảng Đông), Thương Ngô, Uất Lâm (Quảng Tây), Giao Chỉ, Cửu Chân (miền Bắc Việt Nam).
Một quá trình Hán hóa bắt đầu: các nhà lãnh đạo địa phương bị thay thế bởi những người cai trị bù nhìn của nhà Hán, phong tục và ngôn ngữ Trung Quốc được thực thi, và những người tị nạn, thương nhân và quan chức người Hán tràn vào lãnh thổ.
Sự cai trị và chính sách áp bức đồng hóa của Trung Quốc đã làm dấy lên một cuộc nổi dậy vào năm 40 sau Công nguyên do hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị lãnh đạo.
Sau ba năm họ cai trị, nhà Hán đã tấn công và đánh bại họ, bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc lần hai.
Mặc dù cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng cuối cùng bị đánh bại, nó cho thấy người Việt Nam sớm tôn trọng khả năng và năng lực lãnh đạo của phụ nữ, và sự tôn kính đối với sức mạnh quân sự của họ vẫn tồn tại cho đến ngày nay, với các địa điểm được đặt theo tên của họ và các kỷ niệm lan rộng khắp Việt Nam ngày nay.
Một trăm năm mươi năm sau, một nữ tướng khác xuất hiện để thách thức sự thống trị của Trung Quốc.
Bà Triệu, mà có người ví như Lady Trieu, được gọi là Jeanne d'Arc của Việt Nam, đã lãnh đạo một chiến dịch kháng chiến chống lại quân Đông Ngô. Như giai thoại kể, bà có câu nói nổi tiếng tới ngày nay: "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người."
Bà nổi tiếng với hình ảnh "vú dài ba thước, áo ngắn màu vàng, ngồi đầu voi mà chiến đấu". Cuộc nổi dậy của bà chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì quân tiếp viện được gửi đến để đánh bại cuộc nổi dậy của bà, dẫn đến số phận tương tự như Hai Bà Trưng khi lực lượng quân đội của bà suy yếu.
Dù sao, những chiến công của các nữ anh hùng đó vẫn là một phần nổi bật của truyền thuyết Việt Nam và là cái nhìn về quá khứ của xã hội một thời do phụ nữ thống trị ở Việt Nam.
Sau khi Ngô Quyền giành lại độc lập năm 938, Việt Nam cuối cùng lần lượt có các triều đại của riêng mình, xóa bỏ các thể chế xã hội do người Trung Quốc thiết lập vốn gây bất lợi cho phụ nữ. Nhưng các triều đại Việt Nam cũng áp đặt vĩnh viễn hệ thống phân cấp xã hội khiến nam giới trở thành lực lượng thống trị xã hội.
Hơn một nghìn năm sau, thực dân Pháp rời khỏi Việt Nam sau trăm năm cai trị. Việt Nam lúc đó đã bị khai thác và điều chỉnh theo các tiêu chuẩn của một quốc gia khác thay vì những gì người dân mong muốn.
Mong muốn độc lập khỏi Pháp và sự phổ biến ngày càng tăng hệ tư tưởng Mác xít đã giúp phát triển Đảng Cộng sản. Đảng thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 1946, mà tiền thân vốn là Tổ chức Phụ nữ Giải phóng thu hút đông đảo phụ nữ tham gia vào cao trào đấu tranh cách mạng.
Dưới sự cai trị của người Pháp, xã hội Việt Nam làm suy giảm nghiêm trọng giá trị của người phụ nữ. Nơi nào có chỗ để lợi dụng người dân, thì dân số nữ sẽ bị thiệt hại tương ứng.
Trong chiến tranh Việt Nam, vấn đề trẻ lai Đại Hàn sinh ra từ lính Hàn Quốc và phụ nữ Việt Nam và cáo buộc hãm hiếp phụ nữ Việt Nam vẫn là một mảng tối của nạn tấn công tình dục.
Chủ nghĩa cộng sản
Phong trào độc lập và cộng sản đã tạo ra xung lực cho sự đổi mới của chủ nghĩa nữ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, nó cũng phải trả giá bằng việc thích ứng với các tiêu chuẩn và quy chuẩn do các phe phái chính trị đặt ra.
Là một tầng lớp công dân bị bóc lột từ lâu và tự nhiên là không bình đẳng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã kêu gọi thay đổi để phù hợp với sự bình đẳng giới mà tổ chức này thúc đẩy.
Làn sóng đầu tiên của phong trào nữ quyền này là trong cuộc chiến đấu giành độc lập khỏi thực dân Pháp. Tại thời điểm này, quyền đại diện chính trị do chính phủ Việt Nam thành lập vẫn còn thấp đối với phụ nữ; họ chiếm 10 trong số 403 ghế có trong Quốc hội khóa 1 năm 1946 tại Hà Nội.
Lao động nữ được công nhận và coi là hữu ích nhưng phần lớn chỉ giới hạn ở những công việc phù hợp với vai trò xã hội truyền thống của họ.
Các cuộc đấu tranh trong Chiến tranh chống Mỹ khiến cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam đều có sự gia tăng tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong các vai trò quân sự và chính trị.
Cả hai bên đều có phụ nữ làm lính, tuần tiễu, mật vụ, tân binh, v.v ...
Trong chính quyền cộng sản Bắc Việt, một nghị quyết đã được thông qua yêu cầu hạn ngạch tỷ lệ phần trăm phụ nữ trong một số cấp chính quyền trong trường hợp không có nam phục vụ trong chiến tranh.
Tuy nhiên, khi chiến tranh kết thúc, sự tham gia của phụ nữ giảm xuống dưới tỷ lệ tham gia trước chiến tranh khi nam giới giành lại và duy trì vị trí lãnh đạo của họ.
Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội miền Bắc tăng qua các khóa: khóa III (1964 - 1971) đạt 16,7%; khóa IV (1971- 1975) là 29,7; khóa V (1975- 1976) đạt 32%. Nhưng đến gần đây, tỉ lệ này cũng chỉ ở mức như vậy. Cụ thể, tỉ lệ nữ trong Quốc hội khóa X: 26,2%; khóa XI: 27,3%; khóa XII: 25,8%; khóa XIII: 24,4%.
Bất chấp sự thay đổi mới về việc làm của phụ nữ trong quân đội và chính phủ trong Chiến tranh, một lỗ hổng vẫn còn trong Đảng Cộng sản và Hội phụ nữ.
Ý tưởng về "xã hội chủ nghĩa nữ quyền" vẫn sẽ hạn chế một người phụ nữ với những gì được mong đợi ở cô ấy trong xã hội hàng ngày, phục vụ vai trò của người vợ và người giữ gia đình khi cần thiết.
Tuy nhiên, ý kiến của Đảng về vai trò của cô ấy trong các công việc quyền lực hơn được tóm tắt trong phong trào Ba đảm đang được phát động trong Chiến tranh. Nội dung của nó là: Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; Đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.
Dù sao, phong trào thi đua này cũng bắt đầu sự tự do hóa đối với vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực công việc và bắt đầu mở ra khả năng về các vai trò chính trị và kinh tế vốn bị hạn chế trước khi họ có thể vượt qua nam giới ở những vị trí này.
Hiện nay
Các yếu tố tồn tại lớn nhất trong việc cân bằng sự rạn nứt giữa Nam và Nữ là những yếu tố ràng buộc chặt chẽ với chính phủ.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, với tư cách là một tổ chức trực thuộc Đảng, có lẽ là tiếng nói mạnh mẽ nhất của phụ nữ Việt Nam với tư cách là một tổ chức thường xuyên được tham vấn trong các chính sách của chính phủ.
Với ảnh hưởng chính trị của mình và việc tăng cường tài trợ cho các dự án xây dựng cộng đồng và giáo dục, họ có thể cải thiện hơn nữa điều kiện của phụ nữ ở các khu vực ít tiếp cận.
Thay đổi kinh tế và xã hội là một quá trình dài không kém nhưng đan xen với việc mang lại nhiều cơ hội giáo dục và nghề nghiệp cho phụ nữ. Những hình mẫu như các nữ CEO đang lên của Vinamilk và Vietjet cho thấy bằng chứng về khả năng phụ nữ trẻ có thể nhìn về phía trước.
Thay đổi phải được xem xét trong các yếu tố kìm hãm của truyền thống tại Việt Nam.
Tư duy về sự cần thiết của phụ nữ hơn là công lao của họ, còn sót lại sau Chiến tranh chống Mỹ, đã khiến sự tham gia chính trị và xã hội của phụ nữ vẫn còn thiếu mặc dù có tiến bộ.
Tôi cho rằng cần thay đổi để khuyến khích phụ nữ tham gia vào xã hội thông qua sáng kiến, trình độ và tài năng của họ. Đừng để họ bị hạn chế bởi niềm tin của nam giới rằng đàn ông được ưu tiên cho những vai trò này.
Thay đổi cơ bản, dù có thể là khó khăn và khó chịu, phải được mang đến cho người dân Việt Nam, và cùng với nó cho phụ nữ Việt Nam.
Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả.
0 comments