Nhân ngày 8/3 cần thương thêm cả đàn ông Việt Nam
- Cẩm Hà
- Gửi bài cho Diễn đàn BBC nhân ngày 8/3 từ Sài Gòn
Nhiều năm gần đây, các cuộc tranh luận về vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam luôn diễn ra sôi nổi vào dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Nhiều nỗi khổ của phụ nữ được viện dẫn trên mạng xã hội và cả tại các diễn đàn chính thức.
Ở thành thị là nỗi khổ vì gánh nặng nội trợ, vì bệnh trầm cảm sau sinh. Ở thôn quê thêm tình trạng chồng đánh vợ, bạo hành gia đình.
Trong khi đó, những người quan tâm tới chính trị thắc mắc vì sao bộ máy chính phủ vắng những gương mặt nữ và mơ một ngày Việt Nam có nữ Thủ tướng như Đức và New Zealand.
Tất nhiên một vài hình thức mang hơi hướm phân biệt đối xử vẫn còn. Khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ tuyển ứng viên nữ độc thân, hoặc khắt khe hơn, yêu cầu lao động nữ không được sinh con trong vòng hai năm sau khi tuyển dụng.
Ở thôn quê, có nơi đàn ông vẫn được xếp ngồi mâm trên vào dịp giỗ chạp. Cũng không thiếu những phát biểu kiểu "người phụ nữ, có hai việc quan trọng nhất là lấy chồng và sinh con".
Nhưng khách quan nhìn nhận, cả chính sách lẫn thực tế đời sống, nữ giới Việt Nam không hẳn quá thua thiệt so với nam giới, hoặc thậm chí so với nữ giới các nước khác.
Nam - nữ qua những con số
Về cơ hội học hành, theo điều tra dân số của Tổng cục Thống kê năm 2019, không có nhiều sự khác biệt về cơ hội đi học giữa trẻ em trai và trẻ em gái tại Việt Nam. Ở bậc tiểu học, tỷ lệ đi học của trẻ em trai là 101,1%, của trẻ em gái là 100,8%. Bậc trung học cơ sở tỉ lệ tương ứng là 92,2% và 93,5%. Thậm chí, tại bậc trung học phổ thông, tỷ lệ đi học của trẻ em trai còn thấp hơn trẻ em gái 7,1 điểm %.
Chế độ nghỉ thai sản 6 tháng của Việt Nam cũng khá ưu việt. Ở Thái Lan và Trung Quốc, phụ nữ được phép nghỉ tối đa là 98 ngày, bằng một nửa Việt Nam. Theo báo cáo năm 2019 của UNICEF, các nước Estonia, Czech, Slovakia, Ba Lan, Romania, Bulgaria, Croatia có số tuần nghỉ thai sản được trả lương cao nhất trong khối OECD. Trong khi đó, Mỹ xếp cuối bảng, là quốc gia duy nhất hoàn toàn không có chương trình phụ nữ nghỉ sinh con được hưởng lương.
Những nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa cũ có lẽ còn giữ được nhiều nét nhân văn trong các chính sách liên quan tới gia đình và giới.
Về việc nhiếp chính, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ trong quốc hội. Hôm 5/3, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới Martin Chungong vui mừng loan báo "lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ chiếm hơn 1/4 số đại biểu quốc hội trên toàn thế giới".
Nhiệm kỳ 2016 - 2021 là nhiệm kỳ đầu tiên Việt Nam có nữ chủ tịch Quốc hội và có 26,7% đại biểu là nữ, cao hơn mức trung bình của thế giới.
Về kinh doanh, Việt Nam cũng có một gương mặt nữ là bà Nguyễn Thị Phương Thảo trong danh sách 4 tỉ phú giàu nhất nước theo xếp hạng của Forbes. Bà Thảo là người sáng lập Sovico Holding và đang điều hành Vietjet Air với trị giá tài sản 2,1 tỷ USD.
Trong gia đình, dù chưa có điều tra chính thức nào nhưng việc người phụ nữ giữ tay hòm chìa khóa khá phổ biến.
Có một thông tin bên lề thú vị liên quan tới việc bán quảng cáo cho các chương trình thể thao trên truyền hình. Các nhãn hàng đồ gia dụng không mấy mặn mà mua quảng cáo các kỳ World Cup. Nguyên nhân là vì ở Việt Nam, khán giả xem bóng đá đa phần là các đức ông chồng trong khi người vợ mới là người quyết định mua sắm.
Hiện tượng này không có gì khó hiểu, bởi từ xa xưa, dân gian Việt Nam vẫn luôn đề cao vai trò của các bà vợ, thể hiện ở các câu tục ngữ "nhất vợ nhì giời", "lệnh ông không bằng cồng bà", "thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn".
Trong khi đó, đàn ông nói chung, và đàn ông Việt Nam nói riêng, không phải là không có nỗi khổ.
Tháp dân số 10 năm qua cho thấy, dù đo ở bất kỳ thời điểm nào, tổng dân số là nữ luôn nhỉnh hơn đàn ông. Tuổi thọ trung bình của nam giới ở Việt Nam là 71,0 tuổi và của nữ giới là 76,3 tuổi. Chênh lệch về tuổi thọ trung bình qua hai cuộc tổng điều tra dân số gần nhất đều duy trì ở mức 5,4 năm.
Bên cạnh yếu tố sinh học, đàn ông "yểu mệnh" hơn bởi thường "được phân công" làm các việc nguy hiểm và tham gia vào các hoạt động rủi ro cao.
Đàn ông còn phải âm thầm đương đầu với các vấn đề tâm lý do bản tính ngại sẻ chia hơn phụ nữ.
Còn ở Việt Nam, ngoài yếu tố bệnh tật, tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong, trong đó, tỷ lệ chết vì tai nạn giao thông ở nam giới cao gấp hơn ba lần ở nữ giới (5,9% so với 1,8%). Rốt cuộc, dù được mang tiếng là phái mạnh, khả năng sinh tồn của đàn ông kém hơn phụ nữ rất nhiều.
Áp lực 'con trai' và 'bí quyết giữ chồng'
Riêng xã hội Việt Nam với kỳ vọng về "con trai trưởng", với sự phân chia "bên nội bên ngoại" rơi rớt từ thời phong kiến vô hình trung tạo áp lực rất lớn cho người đàn ông.
Thật khó phân biệt giữa một người phụ nữ được hỏi "bí quyết giữ chồng của chị là gì", với một người đàn ông bị cười nhạo "chó chui gầm chạn", "bám váy phụ nữ", ai cảm thấy tổn thương hơn.
Nhìn lại thời kỳ chiến tranh, nữ giới Việt Nam chưa khi nào mất đi vai trò của họ.
Từ năm 1965, phong trào "Ba đảm đang" đã động viên phụ nữ phát huy mọi năng lực của mình. Đó là một tư tưởng rất tân tiến, khi cổ vũ người phụ nữ, trong điều kiện của mình, đảm nhiệm tốt công tác cá nhân, việc nhà và việc nước.
Không có chuyện bắt người phụ nữ đặt lên bàn cân, đảm đang nào hơn đảm đang nào và cái gì phải triệt tiêu cái gì. So với thời nay, đàn ông làm việc nhà bị gán cho là "nữ tính", phụ nữ làm việc nhà bị nâng lên thành "mất bình đẳng", tình hình đỡ rối ren hơn nhiều.
Sự rối ren ấy có lẽ một phần xuất phát từ các sản phẩm văn hóa, trong đó nữ quyền trở thành một sự cuốn hút đậm chất "ngọt ngào và man trá". Từ lời hát "không cần biết em là ai, yêu em vì chỉ biết đó là em" tới những truyện ngôn tình mà nhân vật nam chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là sản xuất những lời có cánh.
Trong giới showbiz, các cô gái thành đạt tuyên bố làm mẹ đơn thân dường như trở thành một nguồn cảm hứng cho nhiều cô gái trẻ. Phim ảnh ngày càng xuất hiện nhiều hơn những nữ cường nhân như Ngô Thanh Vân với Hai Phượng, Trương Ngọc Ánh với Hương Ga, chưa kể có cả một vũ trụ phim "gái già" - những cô gái độc lập, năng nổ, sành điệu và sẵn sàng sử dụng dịch vụ tình một đêm.
So với sự lúng túng và ấp úng của các ông khi đề cập tới các vấn đề nam khoa, quả thật nữ quyền ở Việt Nam đã có những bước đi thần tốc.
Xem xét các khía cạnh trên, liệu có quá lời không khi nhận định những kêu gào đòi bảo vệ phụ nữ, đòi thêm quyền cho phụ nữ hơi mang tính phong trào.
Cách kỷ niệm ngày 8/3 tuyệt vời nhất có lẽ là trả vinh quang của ngày này về đúng nghĩa của nó.
Ngày để tôn vinh phái đẹp, để thể hiện sự quan tâm tới những người phụ nữ.
Ngày của hoa và những cử chỉ yêu thương tinh tế.
Và nếu bạn đủ trưởng thành, ngày để thương hơn những người đàn ông của mình.
Bài thể hiện quan điểm riêng của Cẩm Hà, cây bút hiện sống tại TPHCM.
0 comments