Điểm tin thế giới 12/3
DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Bà Suu Kyi bị cáo buộc nhận hối lộ. Phát ngôn viên quân đội Myanmar, Chuẩn tướng Zaw Min Tun, nói rằng bà Suu Kyi đã nhận các khoản tiền bất hợp pháp trị giá 600.000 USD, cùng với vàng khi còn tại vị. Người tố cáo bà Suu Kyi việc này là Phyo Mien Thein, cựu lãnh đạo thành phố Yangon. “Ông ấy chắc chắn có điều đó”, ông Tun nói về việc ông Thein cáo buộc bà Suu Kyi. “Chúng tôi đã xác minh những sự thật đó nhiều lần. Hiện ủy ban chống tham nhũng đang tiếp tục điều tra”. Trước đó bà Suu Kyi đã bị cáo buộc sai phạm trong nhập khẩu và quản lý chống dịch Covid [Reuters].
Trung Quốc: 2 người Canada sắp bị xét xử. Một tờ báo được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn đưa tin rằng ông Michael Kovrig và Michael Spavor có khả năng bị xét xử trong tuần tới. Việc này làm lu mờ hi vọng rằng một thỏa thuận ngoại giao có thể đảm bảo họ được phóng thích. Michael Kovrig và Michael Spavor đã bị giam giữ mà không được tại ngoại trong hơn 820 ngày, kể từ khi họ bị tạm giữ ngay sau khi giám đốc điều hành Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Vancouver theo đề nghị của phía Mỹ [The Guardian].
Ngoại trưởng Mỹ thảo luận cách đối phó Bắc Kinh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm thứ Năm (11/3), cho biết ông Antony Blinken sẽ thảo luận về các biện pháp để cùng đối phó với Trung Quốc khi ông thăm Hàn Quốc và Nhật Bản vào tuần tới. Phát ngôn viên Ned Price gọi đây là một trong những mục tiêu chuyến đi sắp tới của ông Blinken. Ngoại trưởng Blinken, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, sẽ có chuyến công du Nhật Bản và Hàn Quốc kéo dài từ thứ Hai đến thứ Năm tuần sau [Yonhap].
Bắc Kinh siết chặt thêm kiểm soát với Hồng Kông. Hôm thứ Năm (11/3), Quốc hội Trung Quốc đã chính thức thông qua một nghị quyết bật đèn xanh cho hành động thao túng lớn nhất đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Hồng Kông bằng việc cho “đại tu” ủy ban bầu ra lãnh đạo thành phố, nhằm ngăn chặn một cách hiệu quả các thành viên đối lập bị coi là “không yêu nước” và trao quyền cho ủy ban này đề cử các ứng viên cho cơ quan lập pháp. Nghị quyết này được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ca ngợi là chìa khóa để cải thiện chính sách điều hành “một quốc gia, hai hệ thống” sau các cuộc biểu tình lớn và bất ổn chính trị năm 2019 ở Hồng Kông. [SCMP].
Mỹ mời Đài tham gia hội nghị dân chủ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuyên bố hôm thứ Tư (10/3) rằng ông sẽ mời Đài Loan tham dự hội nghị thượng đỉnh về dân chủ do Tổng thống Joe Biden chủ trì. Phát biểu trong phiêu điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, ông Blinken ca ngợi nền dân chủ của Đài Loan và vị thế của hòn đảo trong vai trò là một trung tâm công nghệ quan trọng. Ông nói thêm: “Đây cũng là một quốc gia có thể đóng góp cho thế giới, không chỉ cho người dân của mình. COVID-19 là một ví dụ điển hình cho điều này” [Taiwan News].
Ấn Độ dự kiến chặn Huawei vì lo ngại an ninh. Hai nguồn thạo tin của Reuters đã tiết lộ điều này. Cơ quan viễn thông của Ấn Độ cho biết, sau ngày 15/6, các nhà mạng chỉ có thể mua một số loại thiết bị nhất định từ “các nguồn đáng tin cậy” được chính phủ phê duyệt. Đồng thời, New Delhi cũng có thể lập danh sách đen “không mua sắm”. Nguồn tin cho biết, Huawei có thể sẽ nằm trong danh sách bị cấm này. Một quan chức Chính phủ Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi không thể ưu tiên các lợi ích kinh tế nếu một khoản đầu tư gây ra rủi ro về an ninh quốc gia” [Reuters].
EU được kêu gọi không ký thỏa thuận với Trung Quốc. 24 nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông đã viết thư cho các nhà lãnh đạo và các nhà lập pháp EU kêu gọi họ chặn thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc trừ khi Bắc Kinh bãi bỏ Luật An ninh Quốc gia mới đối với hòn đảo. 13 trong số những người cùng ký tên trong bức thư hiện đang sống lưu vong sau khi chạy trốn cuộc đàn áp ngày càng tàn bạo của chính quyền Trung Quốc kể từ khi Luật An ninh Quốc gia được áp dụng vào tháng 6 năm ngoái. Bức thư được công bố hôm thứ Năm (11/3), ngay sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua một dự thảo thay đổi hệ thống bầu cử của Hồng Kông [Epoch Times].
Nhiều quốc gia đình chỉ vắc xin AstraZeneca. Đan Mạch, Iceland và Na Uy nằm trong số những quốc gia thực hiện việc này. Sự kiện xuất hiện kế sau những báo cáo rằng một số người phát triển cục máu đông sau khi tiêm loại vắc xin ngừa Covid này. Một người ở Đan Mạch đã chết do cục máu đông, và một số người sau tiêm cũng xuất hiện cục máu đông. Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke cho biết đó chỉ là một “biện pháp phòng ngừa” và nói trong một tweet: “Chúng tôi hành động sớm, nó cần được điều tra kỹ lưỡng” [The BL].
Cựu quyền Bộ trưởng ‘tấn công’ ông Trump.
Xuất hiện hôm thứ Năm (11/3) trên VICE on Showtime, cựu quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller đã cáo buộc cựu Tổng thống Donald Trump chịu trách nhiệm cho vụ tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1. Ông Miller đưa ra cáo buộc khoảng một tháng sau khi Quốc hội tuyên trắng án cho ông Trump về tội kích động bạo loạn trong vụ việc tại đồi Capitol [Breitbart].
Cựu quyền Bộ trưởng Quốc phòng Chris Miller (ảnh: Từ video của Senator Marco Rubio)
0 comments