Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Hội nghị TW 2: Đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự 'chủ chốt'

Tuesday, March 9, 2021 12:43:00 PM // ,

BBC

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng sau khi ông được tái đắc cử Đại hội 13 tại Hà Nội vào ngày 31 tháng 1 năm 2021
Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng sau khi ông được tái đắc cử Đại hội 13 tại Hà Nội vào ngày 31 tháng 1 năm 2021

Báo chí Việt Nam đưa tin Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

Sáng 9/3, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bế mạc. Theo đó, hội nghị đã đạt được mục tiêu, chương trình đề ra. Trong đó, có vấn đề về việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước.

Cụ thể, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, lựa chọn phương án hợp lý nhất trong điều kiện có thể và đạt được sự nhất trí rất cao.

Các chức danh được Bộ Chính trị trình Trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử là những 'chiếc ghế chủ chốt', là lãnh đạo cao nhất của nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự cho các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu, hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói vấn đề nhân sự mà hội nghị Trung ương quyết định và tham gia ý kiến lần này "cần quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác nhân sự do Đại hội XIII đã thông qua, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, hài hoà của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung".

Trước đó tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 23/2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14 dự kiến từ ngày 24/3 đến 7/4, sẽ dành thời gian để kiện toàn một số chức danh bộ máy Nhà nước.

Báo Vnexpress trích lời Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, công tác nhân sự thực hiện theo chủ trương Bộ Chính trị là lần này sẽ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước của nhiệm kỳ 2016-2021, chứ không phải thay đổi bộ máy nhà nước.

Như vậy bộ máy Chính phủ và Quốc hội khóa mới sớm được định hình và sẽ được bầu, phê chuẩn lại vào kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV dự kiến tháng 7 tới.

Giới quan sát nói gì?

Trước vấn đề nhân sự chính phủ, quốc hội, một nhà báo tại Sài Gòn, không muốn nêu tên, nói với BBC ngày 9/3:

"Ở Việt Nam, do đặc thù của hệ thống chính trị, người dân hầu như không có tiếng nói gì trong việc sắp xếp nhân sự các cấp và các nhánh (ngoại trừ một vài kênh góp ý đầy hình thức và các kỳ bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, quốc hội vốn cũng không có giám sát độc lập), nên việc ai lên, ai xuống là quyết định thuần túy theo tính toán của đảng, theo sự phân chia quyền lực, thỏa hiệp, nhượng bộ... mà ít người dân nào biết được."

"Đảng lãnh đạo toàn diện, nên nhân sự từ tư pháp cho đến hành pháp, lập pháp họ cũng quyết định bằng cách này hay cách kia. Nhưng từ sự sắp xếp đó, qua việc cơ cấu cho ai làm gì, thì chúng ta cũng có thể đoán được một số đường hướng của đảng. Ví dụ đảng đợt này có sử dụng người kỹ trị hay không, có thực sự loại bỏ những người có vấn đề hay không... Biết để chiêm nghiệm, để có một cái nhìn rõ hơn về không gian, về thực tại mình đang sống. Bởi vì nếu muốn tạo ra đổi thay gì, trước hết phải hiểu hiện mình đang có gì, hệ thống bổ nhiệm nhân sự hiện tại có điểm mạnh yếu thế nào, thì mới suy nghĩ về giải pháp được."

Ông nói thêm: "Mặt khác, dù người dân không có tiếng nói trong việc sắp xếp quyền lực, nhưng dư luận quần chúng cũng tạo ra áp lực nhất định với chính quyền. Nếu như việc lên tiếng đó được thực hiện đủ mạnh, đủ đông người tham gia và đủ lý (tức là thuyết phục bằng lý), thì ít nhiều cũng có tác động. Mà muốn ý kiến mình thuyết phục, thì phải hiểu vấn đề. Muốn hiểu vấn đề thì phải quan tâm tìm hiểu: Ví dụ quy trình bổ nhiệm đúng hay sai…"

NHAC NGUYEN

Từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nói với BBC hôm 8/3:

"Tôi thấy rằng trước đây, khi mà Đại hội đảng và bầu cử Quốc hội còn khác năm với nhau, thì người ta vẫn giữ các chức vụ nhà nước đối với những người không tái cử đại hội đảng cho đến khi có bầu cử Quốc hội, hoặc chỉ thay thế một phần (gọi là kiện toàn một phần)."

"Từ khi đại hội đảng cùng năm với bầu cử Quốc hội, thì có kiện toàn như bây giờ - từ các chức vụ cao nhất của nhà nước, đến các thành viên chính phủ, tư pháp, hệ thống chính trị. Làm như thế, Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện đối với nhà nước.", ông Hợp nói.

Baáo chí Việt Nam đưa tin, cơ cấu chính phủ dự kiến vẫn giữ nguyên với thủ tướng, 5 phó thủ tướng và 22 bộ, cơ quan ngang bộ với 28 thành viên.

Trong số 17 thành viên Chính phủ đương nhiệm đã trúng cử tại Đại hội XIII, có những nhân vật quen thuộc như:

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
  • Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh
  • Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
  • Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
  • Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
  • Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
  • Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh
  • Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung
  • Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
  • Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Trong đó, có 4 nhân vật nhận trọng trách mới gồm trường hợp đặc biệt tái cử ủy viên Bộ Chính trị bao gồm ông Nguyễn Xuân Phúc. Hoặc có trường hợp được bầu vào Bộ Chính trị như các ông Đinh Tiến Dũng, Trần Tuấn Anh - trưởng Ban Kinh tế trung ương và vào Ban Bí thư như ông Đỗ Văn Chiến.

Như vậy, chính phủ hiện tại có 13 người ở lại và sẽ được bổ sung 15 người mới gồm có vị trí bộ trưởng Bộ GD-ĐT vì ông Phùng Xuân Nhạ không trúng cử dù được giới thiệu tái cử vào Trung ương khóa XIII.  

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.