Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Bản tin ngày 13-3-2021

Saturday, March 13, 2021 3:31:00 PM // ,

 BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên có bài: Chuyên gia thân Trung Quốc lại đe dọa nước khác về Biển Đông. Đó là vụ TS Mark J. Valencia của Viện Nghiên cứu quốc gia TQ về Biển Đông, có bài viết đe dọa nước Pháp, liên quan đến sự kiện nước này triển khai tàu chiến thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, ông ta cho rằng, Pháp đang “đùa với lửa” ở Biển Đông. Ông ta sử dụng hình “đường lưỡi bò” để minh họa trong bài.

Bài viết của TS Valencia, chuyên gia “thân TQ” trên báo South China Morning Post hôm 12/3. Ảnh chụp màn hình SCMP

Đáp lại tham vọng bá quyền của TQ, Tàu chiến châu Âu dồn dập vào Biển Đông, theo báo Tuổi Trẻ. Hôm qua, tàu hộ vệ trinh sát Prairial của hải quân Pháp đã rời cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, kết thúc chuyến thăm 4 ngày ở VN. Ông Nicolas Warnery, đại sứ Pháp tại VN cho biết, chuyến thăm chính là thông điệp ủng hộ tự do hàng hải và hàng không của Pháp ở Biển Đông cũng như khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

TS Lê Hồng Hiệp phân tích về xu hướng châu Âu ngày càng tham gia tích cực vào vấn đề Biển Đông, khiến các tranh chấp lãnh hải ở vùng biển này trở thành một vấn đề an ninh quốc tế, nơi các nước bên ngoài đều có lợi ích: “Đang có sự phối hợp ngày càng tăng giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu trong việc kiềm chế tham vọng địa chính trị của Trung Quốc, bao gồm cả trên Biển Đông”.

Báo Thế Giới và VN đặt câu hỏi về vụ Tàu chiến Đức đi qua Biển Đông: “Đòn gió” hay chiến lược? Theo dự định, tàu chiến Đức sẽ không đi qua khu vực 12 hải lý của bất cứ thực thể nào trên Biển Đôn, mà chỉ thực hiện quyền tự do hàng hải trong hải phận quốc tế. Mục tiêu của chuyến đi là củng cố tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Tàu chiến Đức cũng sẽ không dự bất kỳ cuộc tập trận nào, mà chỉ đi qua Biển Đông sau khi thăm Úc, tuần tra bán đảo Triều Tiên, thăm Nhật Bản, Singapore.

Cuộc họp giữa “Bộ Tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc diễn ra hôm qua, ông Biden nói ‘Bộ Tứ’ coi trọng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở, VietNamNet đưa tin. Đây là thông điệp của Tổng thống Biden khi lần đầu chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các lãnh đạo Nhật, Ấn và Úc, trong một nỗ lực nhằm ứng phó với sự trỗi dậy cả về kinh tế và quân sự của TQ.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, trong cuộc họp, Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo ba nước thành viên Bộ Tứ đã thảo luận về một loạt vấn đề khu vực then chốt, bao gồm quyền tự do hàng hải và chống cưỡng ép ở Biển Đông và Hoa Đông, vấn đề hạt nhân Triều Tiên và chính biến ở Myanmar.

RFI bàn về kết quả hội nghị thượng đỉnh Quad: TT Mỹ hứa hẹn một liên minh chống Covid-19 và Bắc Kinh. Theo thông cáo chung, cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của nhóm “Bộ Tứ” không nêu đích danh TQ, nhưng đưa ra thông điệp kềm hãm ảnh hưởng của TQ trong khu vực. Văn bản do Tòa Bạch Ốc công bố, đề cập đến việc tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và tự do hàng hải, đồng thời nhắc đến các tranh chấp chủ quyền ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, những khu vực mà Bắc Kinh thường xuyên tiến hành các hành động quấy nhiễu.

Zing dẫn lời Thủ tướng Úc Scott Morrison, nói về hội nghị “Bộ Tứ” đầu tiên: ‘Một bình minh mới trên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương’. Trong tuyên bố chung sau hội nghị có đoạn: “Chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc trong hàng hải, đặc biệt là tham chiếu với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), tăng cường hợp tác để đáp ứng các thách thức đối với trật tự dựa trên luật lệ, tại Biển Đông và biển Hoa Đông”.

VTC có bài: Nhật Bản chỉ rõ bản chất Luật Hải cảnh Trung Quốc ‘có vấn đề’. Kishi Nobuo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, cho rằng, những quyền hạn được sử dụng vũ khí, hay khu vực được áp dụng trong Luật hải cảnh của TQ rất chung chung, có vấn đề nếu xét trên quan điểm về tính hợp pháp hóa trong Luật quốc tế. Đó là luật cho phép tàu hải cảnh TQ sử dụng vũ lực với tàu nước ngoài trong các khu vực TQ tranh chấp lãnh hải, chứ không chỉ trong lãnh hải TQ. 

RFA bàn về căn cước thể hiện chủ quyền biển đảo Việt Nam: hợp lòng dân Việt! BS Đinh Đức Long nói về mẫu căn cước mới có in hình bản đồ VN đầy đủ: “Khi đối chiếu căn cước của người đến khám bệnh thì tôi thấy ngay bản đồ trên căn cước vì vấn đề này trong đầu tôi mấy năm nay rồi. Về mặt pháp lý thì rõ ràng rồi, tất nhiên chỉ là hình nền nhưng đó là việc Nhà nước phải làm. Nhà nước đã làm việc đắc nhân tâm trong trường hợp này. Nó hợp với lòng dân. Bây giờ việc tranh chấp ngày càng hiển nhiên và minh bạch nên Nhà nước phải theo xu hướng đó thôi”.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nhận định: “Đó là một chỉ dấu cho thấy rằng cái âm mưu xâm lược của Trung Quốc đối với Biển Đông không bao giờ thay đổi và sức chịu đựng của Việt Nam đã đạt ngưỡng. Chính vì vậy Việt Nam bắt đầu mạnh mẽ trong thái độ của mình”.

Mời đọc thêm: Nhóm Bộ Tứ cam kết thúc đẩy trật tự tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ — Thủ tướng Australia: Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ định hình vận mệnh thế giới trong thế kỷ 21 (Tin Tức). – Hội nghị Thượng đỉnh Bộ tứ: Trung Quốc cảnh báo, tuyên bố chung ‘Tinh thần Bộ tứ’ có gì? (TG&VN). – Bộ Tứ tìm giải pháp đối phó sự gia tăng sức mạnh quân sự, kinh tế từ Trung Quốc (GDTĐ). – Hội nghị Bộ Tứ gia tăng cạnh tranh sức mạnh mềm với Trung Quốc (VOV). – Báo Trung Quốc: Mỹ hoạt động quân sự ở Biển Đông ‘nhiều chưa từng thấy’ (TT).

Tưởng niệm trận Gạc Ma

Ngày mai, Chủ Nhật 14/3/2021, tròn 33 năm sự kiện Trung Quốc cướp Gạc Ma, các hoạt động tưởng niệm tử sĩ Gạc Ma đã diễn ra từ hôm nay. Báo Tuổi Trẻ có bài về lễ tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma: ‘Các anh như mãi còn đây’. Buổi lễ diễn ra tại khu tưởng niệm tử sĩ Gạc Ma ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, với sự tham gia của lãnh đạo địa phương và một số người dân quan tâm đến sự kiện 64 lính công binh VN của tàu HQ-604 đã bị lính TQ tàn sát ở đảo Gạc Ma cách đây 33 năm.  

Người dân, cán bộ đoàn thể bày tỏ lòng thành kính của mình trước sự hi sinh của những người lính biển. Ảnh: Minh Chiến/TT

Báo Tiền Phong có bài dẫn lời người trong cuộc tham gia sự kiện Gạc Ma (Trường Sa), 33 năm: Những nụ cười binh nhì. Bài báo nhắc đến cựu chiến binh Nguyễn Văn Lanh, là một trong 12 người lính được lệnh bơi vào đảo từ tàu HQ – 604, khi lính TQ đã bắt đầu cuộc tàn sát 64 người lính Gạc Ma, nên ông Lanh đã không phải bỏ mạng trong sự kiện đó, nhưng phải mang thương tật trên người.

Một cựu binh khác là Phạm Văn Nhân, kể chuyện ông và một số người lính Gạc Ma tuy thoát khỏi cuộc tàn sát, nhưng bị bắt giam trong nhà tù ở bán đảo Lôi Châu ở tỉnh Quảng Đông: “Ngày nào cũng như ngày nào, chẳng như ngày nào. À… à, lính tráng khổ nhất là đếch biết ngày nào về, nó căng thẳng đầu óc. Ha… ha, thế nên phải vượt ngục mà về, đi hết 13 ngày rồi lại bị bắt”.  

Thông Tấn Xã VN có bài báo ảnh: 33 năm cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở Gạc Ma. Trong bài có ảnh chụp tàu HQ-505, là con tàu duy nhất không bị chìm trong sự kiện Gạc Ma năm 1988. Tàu này đã “ủi bãi” thành công lên đảo Cô Lin sau khi bị tàu TQ bắn cháy, trở thành cột mốc chủ quyền sống của VN, nên đảo Cô Lin là một trong số ít các thực thể ở quần đảo Trường Sa chưa bị TQ chiếm. Còn đảo Gạc Ma thì đã bị TQ chiếm từ ngày 16/3/1988 đến nay, sau khi lính TQ tàn sát gần hết lính VN trên tàu HQ-604 và đưa số bị bắt đi giam giữ, trong khi phía đất liền VN không tăng viện. 

Tàu HQ-505, tàu duy nhất không bị chìm trong sự kiện hải chiến Trường Sa 1988. Ảnh: TTXVN

VTC có bài: Tri ân những liệt sỹ anh hùng trong trận chiến Gạc Ma 1988. Đại tá Vũ Huy Lễ, cựu thuyền trưởng tàu HQ-505 kể về cuộc chiến bảo vệ cụm đảo Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao: “Trước sự tấn công dùng sức mạnh quân sự áp đảo nhằm uy hiếp tinh thần nhưng các cán bộ chiến sĩ của chúng ta rất gan dạ, kiên cường, dũng cảm, kiên quyết bám tàu, bám đảo để bảo vệ cờ, bảo vệ đảo”.

Một trong các lý do dẫn đến con số thương vong lớn ở trận Gạc Ma, ngoài sự thiếu hụt khí tài, còn có lý do quan trọng là, những người lính bị trói tay, được lệnh không nổ súng. Ai đã ra lệnh không nổ súng, tướng Lê Mã Lương đã tiết lộ vài năm trước. Mời xem lại clip của RFA:

Báo Pháp Luật TP HCM viết về sự kiện tưởng niệm 33 năm sự kiện Gạc Ma: Không bao giờ quên! Cựu binh Trần Xuân Bình kể, trước khi diễn ra cuộc tàn sát, lính công binh của tàu HQ-604 đã cắm cờ trên đảo Gạc Ma. Phía TQ đã điều hàng chục lính từ tàu chiến tiến lên đảo, áp sát lính VN: “Trong vòng vây quân Trung Quốc với hỏa lực cực mạnh, bên ta đa phần chỉ có cuốc xẻng, vài người có mang AK nhưng Trung úy Trần Văn Phương vẫn bình tĩnh trấn an anh em. Quân Trung Quốc sau đó đã xả súng vào lính công binh của ta khiến nhiều người hy sinh”.

Mời đọc thêm: Dâng hương tưởng nhớ 64 chiến sĩ Gạc Ma (VNE). – Người thân, đồng đội cũ xúc động tới thăm Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (VOV). – 33 năm Trung Quốc tàn sát 64 chiến sỹ ta ở Gạc Ma: Nhói lòng nhắc đến các anh (VTC). – Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo: Gạc Ma 33 mùa xuân (NLĐ). – Người dầu khí và hành trình tri ân những liệt sĩ Gạc Ma – Petrotimes (PT). – Nhớ mãi Gạc Ma… (KH). – Dũng Gạc Ma và nghĩa tình đồng đội (TN). Mời đọc lại: Gạc Ma 1988: Ta chỉ bảo vệ đảo, còn lính Trung Quốc tàn sát cán bộ, chiến sĩ ta (VTC). 

“Lực lượng nòng cốt” của đảng

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Hàng trăm công nhân may ngừng việc tập thể đòi quyền lợi. Từ sáng, hàng trăm công nhân đã tập trung trước cổng chi nhánh Công ty TNHH Seidensticker ở tổ dân phố Kha Lâm 3, TP Hải Phòng, căng băng rôn, yêu cầu công ty giải quyết quyền lợi của mình như, tăng đơn giá khoán sản phẩm, vì thu nhập của người lao động theo đơn giá khoán chưa tới mức lương tối thiểu vùng, lại phải làm thêm giờ, thêm ngày nhưng không được hưởng lương đúng quy định.

Công nhân chi nhánh Công ty TNHH Seidensticker ở TP Hải Phòng ngừng việc tập thể yêu cầu tăng lương. Ảnh: PLTP

Các công nhân đình công cho biết, trước đó, người lao động đã kiến nghị lên lãnh đạo công ty nhưng không được giải quyết. Tới sáng nay, hàng trăm công nhân đã phải đình công để phản đối. Đến chiều, người lao động vẫn tiếp tục tập trung trước trụ sở chi nhánh công ty đòi quyền lợi.

Báo Tuổi Trẻ có bài về người miền Tây làm công nhân ở Bình Dương: ‘Đời ly hương buồn trăm chiều buồn’. Một người dân quê ở Cà Mau kể: “Ở gần dưới (TP Cà Mau) cũng có nhà máy nhưng toàn nhà máy tôm, cua, thủy sản không à. Lạnh, hôi tanh mà lương thấp nên không làm được. Tôi chưa làm nhưng có mấy đứa em làm ở đó mấy năm, rồi tụi nó cũng bỏ lên đây hết rồi”.

Mời đọc thêm: Hơn 200 công nhân ngừng việc liên quan tiền làm thêm giờ, suất ăn ca — COVID-19: Công nhân phải chi tiêu dè sẻn vì không thể tăng ca (LĐ).  

Bạo lực vẫn tiếp diễn ở Miến Điện

RFI cập nhật tình hình Miến Điện: Thêm ít nhất 6 người thiệt mạng do đàn áp biểu tình. Một nhân chứng nói với Reuters, có 3 người biểu tình đã bị bắn chết và nhiều người bị thương khi cảnh sát nổ súng vào một cuộc biểu tình tọa kháng tại TP Mandalay. Một nguồn tin khác từ truyền thông Miến Điện, cho biết, một người nữa bị bắn chết ở TP Pyay, miền trung Miến Điện và thêm 2 người khác thiệt mạng ở TP Yangon.

Đêm tưởng niệm người biểu tình bị sát hại ở TP Yangon, Miến Điện hôm 12/3/2021. Ảnh chụp màn hình video của Reuters

Hôm qua, Bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ thông báo, những người Miến Điện hiện cư trú tại Mỹ có thể được hưởng quy chế bảo vệ tạm thời sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2 vừa qua, nếu họ chứng minh đã cư trú liên tục ở Mỹ cho tới ngày 11/3 và một số điều kiện khác. Theo bộ An Ninh Nội Địa, quy chế này sẽ được cấp trong thời hạn 18 tháng cho khoảng 1.600 người Miến Điện tại Mỹ.

BBC đặt câu hỏi về làn sóng biểu tình hậu đảo chính Myanmar: ‘Chiến thuật’ dùng trong đàn áp biểu tình thế nào? “Chiến thuật” chính là thẳng tay sử dụng vũ khí sát thương nhắm vào dân thường, thậm chí nhiều trường hợp người dân Miến Điện bị binh sĩ hoặc cảnh sát bắt, giơ tay chịu trói nhưng vẫn bị hành quyết không qua xét xử. Quân đội Miến Điện sử dụng đủ loại súng, từ tầm gần đến tầm xa, để nhắm vào các đám đông biểu tình.

Lực lượng quân sự với súng ống đầy mình bao vây những người phản đối đảo chính trong một cuộc biểu tình. Ảnh: EPA/BBC

Bà Joanne Mariner, GĐ ứng phó khủng hoảng của tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: “Đây là những binh sỹ và chỉ huy quân sự có thành tích nhân quyền cực kỳ tệ hại, đáng lo ngại. Việc triển khai họ tới các chiến dịch trị an này là điều hoàn toàn sai lầm. Rõ ràng quân đội không quan tâm đến những gì người biểu tình lên tiếng, nhưng theo luật pháp quốc tế, người biểu tình có quyền bày tỏ quan điểm của mình một cách hòa bình”.

VTC có clip cập nhật chính biến Myanmar: Sau tuyên bố của Hội đồng Bảo an, biểu tình vẫn tiếp diễn

Mời đọc thêm: Cảnh sát Myanmar tiếp tục nổ súng, thêm người biểu tình chết trong đêm (VTC). – Nữ tu quỳ gối ngăn cảnh sát và ‘‘cuộc chiến bất bạo động’’ ở Miến Điện (RFI). – Thế khó của quân đội Myanmar ngày càng lớn (PLTP). – 1.600 người Myanmar được Mỹ cấp quyền cư trú tạm thời (TĐ). – Reuters: Chuyên gia Nhật Bản đang giữ vệ tinh Myanmar vì đảo chính (TP). – Điện Kremlin nói gì khi căng thẳng chính trị tại Myanmar tiếp tục leo thang? (KTĐT). 

***

Thêm một số tin: Phán quyết của tòa Hoa Kỳ có thể gia tăng thuế trên hàng may mặc nhập khẩu từ Việt Nam (RFA). – Nghị sĩ Đức từ chức sau cáo buộc nhận tiền lobby từ chính phủ Việt Nam và một vài nước khác (VOA). – Điều tra nguyên nhân 12 người phản ứng nặng sau tiêm vaccine Covid-19 (VNE). – Philippines phát hiện biến thể đặc biệt trong ngày có số ca mắc COVID-19 kỉ lục (Tin Tức). – Australia ghi nhận ca Covid-19 trong cộng đồng, Brazil phát hiện biến thể SARS-CoV-2 mới (VOV). – G7 kêu gọi Trung Quốc chấm dứt “áp bức” Hồng Kông (RFI).

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.