Vụ Đồng Tâm: Sáu bị cáo 'nhóm tội nặng' sắp ra tòa phúc thẩm
BBC
Một nhóm sáu bị cáo trong vụ án Đồng Tâm kháng cáo kêu oan bản án sơ thẩm sắp ra tòa trong phiên phúc thẩm được dự kiến bắt đầu vào ngày 08/3/2021, theo truyền thông chính thống Việt Nam.
Hôm 24/2, báo Pháp luật TPHCM đưa tin về tiến triển mới của vụ án, cho hay:
"Theo dự kiến, ngày 8-3 tới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội).
"Trước đó, tháng 9-2020, TAND TP Hà Nội xét xử 29 bị cáo về hai tội danh đã nêu. Cùng về tội giết người, bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức bị tuyên tử hình, Lê Đình Doanh chung thân, Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù, Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù."
Cùng ngày, báo Sài Gòn Giải phóng cho biết:
"Các bị cáo Lê Đình Công (sinh năm 1964), Lê Đình Chức (sinh năm 1980), Lê Đình Doanh (sinh năm 1988), Bùi Viết Hiểu (sinh năm 1943), Nguyễn Quốc Tiến (sinh năm 1980) và Bùi Thị Nối (sinh năm 1958) chuẩn bị hầu tòa phúc thẩm trong vụ án "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ" xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.
"Ngày 24-2, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội thông tin, dự kiến ngày 8-3 tới, đơn vị sẽ mở phiên xét xử cấp phúc thẩm đối với 6 bị cáo trên trong vụ án nghiêm trọng xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.
"Trước đó, sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, lần lượt có 6 bị cáo trên kháng cáo. Trong đơn kháng cáo, hầu hết các bị cáo đều cho rằng mức hình phạt mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên đối với mình là nặng, đồng thời đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét các tình tiết trong vụ án để giảm nhẹ hình phạt. Riêng Bùi Thị Nối không đồng tình với bản án sơ thẩm nên đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại."
Vẫn theo báo Sài Gòn Giải phóng, theo bản án sơ thẩm, 5 trong số 6 bị cáo nêu trên bị tuyên cùng về tội "Giết người". Trong đó, Lê Đình Công, Lê Đình Chức đều bị áp dụng mức án tử hình; Lê Đình Doanh bị phạt tù chung thân; Bùi Viết Hiểu bị phạt 16 năm tù và Nguyễn Quốc Tiến bị phạt 13 năm tù.
"Hiện, đã có 12 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên phúc thẩm. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày liên tiếp," tờ báo này cho biết thêm.
Mong muốn của luật sư?
Hôm thứ Tư, Luật sư Đặng Đình Mạnh, trưởng Văn phòng Luật cùng tên, một trong các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo ở phiên phúc thẩm bình luận với BBC News Tiếng Việt:
"Nếu nói về mong muốn, chúng tôi mong có sự xoay chuyển về kết luận với vụ án và các bản án với các bị cáo.
"Chúng tôi chưa dám khẳng định liệu có sự xoay chuyển là bởi vì còn cần kết luận là các bị cáo này oan hay không oan, nhưng chúng tôi mong có sự thay đổi rằng Tòa án sẽ chấp nhận đề nghị của các luật sư chúng tôi là cho hủy bản án sơ thẩm và trả hồ sơ về để điều tra lại.
"Lý do là vì trong quá trình điều tra vụ án, chúng tôi cho rằng có khá nhiều những sai sót và nhiều thiếu sót về phương diện tố tụng. Và những sai sót, thiếu sót này rất nghiêm trọng đến mức độ có thể dẫn tới những oan sai trong kết luận và xét xử vụ án.
"Chủ trương chung của chúng tôi như vậy là đề nghị hoàn trả vụ án lại cho cơ quan điều tra để điều tra lại từ đầu, trong đó bổ sung và điều chỉnh lại những gì là thiếu sót và sai sót, chúng tôi chỉ hy vọng là đề nghị này sẽ được Tòa án chấp nhận."
Bình luận về việc vì sao chỉ có 6 bị cáo kháng cáo trong vụ án có hàng chục bị cáo đã hầu tòa ở phiên sơ thẩm, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói:
"Phải nói thật đây là sáu bị cáo trong nhóm tội bị tuyên với tội danh là 'giết người', do vậy hình phạt đối với họ là rất nặng, còn những bị cáo còn lại, trong đó có một số ban đầu bị buộc tội danh 'giết người' đã được chuyển sang tội danh 'chống người thi hành công vụ', do đó hình phạt với nhóm được chuyển tội danh đó là khá nhẹ, đồng thời một số người trong số đó đã được trả tự do luôn tại tòa.
"Có thể trong thâm tâm, nhóm được chuyển tội danh đó cho rằng họ bị oan, nhưng với việc bị 'cọ xát' trong trong quá trình điều tra vụ án, chúng tôi nghĩ rằng họ đã quá hoảng sợ, và họ e sợ với những việc có thể gặp phải nếu tiếp tục theo đuổi quá trình tố tụng và kêu oan.
"Do vậy, họ chấp nhận bản án mà theo họ khi đã có sự gia giảm hình phạt như vậy đã là may mắn cho họ rồi; cho nên họ chấp nhận là họ không kháng cáo đối với hình phạt của họ, so với 6 bị cáo kháng án kia."
Sức khỏe, tâm tư của 6 bị cáo?
Về tình hình sức khỏe, cũng như tâm tư, nguyện vọng của sáu bị cáo kháng án từ sau phiên tòa sơ thẩm vụ Đồng Tâm đến nay, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói:
"Sau khi tòa án sơ thẩm tuyên bản án, trong thời hạn 15 ngày, một số luật sư trong nhóm chúng tôi đã tranh thủ vào gặp các bị cáo trong nhóm bị xử tội 'giết người' để có sự giải thích và tư vấn cho họ về việc có nên kháng cáo hay không và nếu kháng cáo thì nội dung như thế nào.
"Sau 15 ngày đó, chúng tôi biết là có 6 người kháng cáo và từ thời điểm đó đến nay, các luật sư không được vào gặp lại họ nữa.
"Bởi vì tiến trình tố tụng của Tòa án không cho phép luật sư tiếp cận các bị cáo cho đến khi nào mà các luật sư được cấp chứng nhận bào chữa, mãi mới đây chúng tôi mới được cấp chứng nhận đó.
"Hiện nay, chúng tôi phải dành thời gian để kiểm tra lại hồ sơ và kiểm tra lại một số thông tin, sự việc và trước ngày xét xử, chúng tôi sẽ tranh thủ gặp lại các bị cáo, khi ấy chúng tôi hy vọng sẽ biết được tâm tư, nguyện vọng, cũng như sức khỏe của các thân chủ.
"Nhưng từ lần gặp gỡ cuối cùng, về tâm tư của họ, chúng tôi thấy là về bản án, đương nhiên các bị cáo này rất bức xúc, họ vẫn cho rằng họ bị oan và sự thể hiện của họ chứng tỏ là họ bị oan chính là việc họ đã kháng cáo.
"Các kháng cáo của họ ở đây đều là kháng cáo kêu oan, chứ không có kháng cáo nào mang tính chất là nhận tội đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt.
"Và với tất cả những gì mà luật pháp cho phép về kháng cáo phúc thẩm, họ đều vận dụng cả, mặc dù trong thâm tâm họ và ngay cả các luật sư chúng tôi cũng không nghĩ rằng có thể có sự thay đổi gì lớn cả, nhưng làm thì chúng tôi vẫn hy vọng vì mọi việc vẫn còn ở phía trước."
Thời điểm xử phúc thẩm?
Về thời điểm của phiên phúc thẩm vụ án Đồng Tâm được Tòa án dự kiến khai mạc vào ngày 08/3, Luật sư Đặng Đình Mạnh, người tham gia bào chữa cho các bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh và Bùi Viết Hiểu, nói với BBC:
"So với phiên phúc thẩm từ tháng Chín năm ngoái, thực ra thời điểm đó là chậm so với quy định, nhưng chúng tôi cũng dự kiến là ngày 08/3 cũng chưa dứt khoát, chắc chắn là có thể xét xử được.
"Lý do là bởi vì cũng có khá nhiều những sai sót, thiếu sót trong quá trình tiếp nhận các luật sư đăng ký, có một số luật sư bị 'loại' ra khỏi bản quyết định công bố việc xét xử phúc thẩm.
"Tôi nghĩ điều này có thể là do sai sót thôi, ví dụ như Luật sư Hà Huy Sơn vẫn tiếp tục tham gia bào chữa, nhưng trong quyết định lại không có tên.
"Trước mắt cũng thấy trong quyết định này thiếu luật sư khác như Luật sư Nguyễn Văn Hòa. Còn Luật sư Ngô Văn Tuấn, người tham gia bào chữa cho 3-4 người, nhưng trong quyết định thiếu ghi chú thân chủ được luật sư bào chữa.
"Đồng thời với vấn đề này, sắp tới chúng tôi sẽ có kiến nghị bổ sung thêm để đưa thêm một số người cùng ra để tham gia tố tụng mà trong quyết định lại không ghi tên họ, hoặc không đưa vào.
"Thí dụ như chúng tôi sẽ yêu cầu triệu tập Công an thành phố Hà Nội ra tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan; bởi lẽ có khá nhiều vấn đề mà chúng tôi rất cần cơ quan là Công an Hà Nội ra tòa, để chúng tôi có dịp để hỏi.
"Mặc dù phiên sơ thẩm đã không chấp nhận đề nghị này, nhưng tại phiên phúc thẩm chúng tôi vẫn tiếp tục đề nghị, những vấn đề này chưa được giải quyết gì cả.
"Và mới tới ngày hôm nay một số luật sư trong nhóm chúng tôi nhận được quyết định, nhưng trong vòng một vài ngày tới chúng tôi sẽ lập tức có sự phản ứng để xem Tòa án sẽ hồi đáp sự phản ứng của chúng tôi như thế nào, đến khi ấy chúng tôi sẽ tính tiếp," Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với BBC.
Cũng hôm 24/2, báo Hà Nội mới cho hay Hội đồng xét xử phúc thẩm trong vụ án Đồng Tâm (từ 08-10/3) sẽ do Thẩm phán Ngô Tự Học làm chủ tọa và tính đến thời điểm hiện nay, sẽ có 12 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa.
0 comments