Covid-19 tại Việt Nam : Tết cổ truyền không còn là Tết đoàn viên, sum họp của nhiều gia đình
RFI
Đăng ngày:
Khi những ngày Tết Tân Sửu 2021 cận kề, Việt Nam bất ngờ phải đối phó với đợt dịch Covid-19 mới, bắt nguồn từ 2 ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, 1 ca ở Hải Dương và 1 ca ở Quảng Ninh, được phát hiện hôm 28/01/2021.
Kèm theo nỗi lo dịch bệnh lây lan, bà con trong nước cũng phải thay đổi kế hoạch chuẩn bị đón Tết cho phù hợp với các quy định phòng chống dịch, phong tỏa cục bộ … Trao đổi với nhiều người, RFI Việt ngữ ghi nhận thái độ chung là dù lo lắng, buồn, thất vọng vì kế hoạch ăn Tết không được như ý, nhất là nhiều người sống xa quê không được về sum họp với gia đình, nhưng họ vẫn rất ý thức trong việc phòng tránh dịch bệnh và yên tâm tuân thủ các biện pháp vệ sinh dịch tễ, đặc biệt là ở những tỉnh thành có nhiều ca nhiễm.
Nhà nào ăn Tết nhà nấy
Trả lời phỏng vấn của RFI tối 07/02/2021 (26 Tết), Anh Hưng, 45 tuổi, làm nghề kinh doanh ở tỉnh Hải Dương, cho biết :
« Gia đình tôi ở huyện Thanh Hà, cách thành phố Chí Linh khoảng 35-40km, nơi đó được coi như là một trong những nơi phát hiện ra những ca dương tính Covid đầu tiên trong đợt dịch này. Tất nhiên cũng hơi bất ngờ nhưng thực ra người ta cũng ý thức rất tốt, nơi đó đang được phong tỏa và kiểm soát rất tốt. Nhưng trên địa bàn tỉnh Hải Dương thì cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì đợt dịch này. Người dân nói chung mong chờ rất nhiều vào dịp Tết. Đáng lẽ ra là rất tấp nập, sôi động nhưng năm nay lại rất khác. Đường sá rất vắng vẻ, mọi hoạt động thương mại diễn ra một cách trầm lắng, lặng lẽ hơn.
Người dân huyện Thanh Hà hoặc một số nhà vườn ở Chí Linh trồng đào, quất, hoa, rau để phục vụ Tết lại thất vọng. Bây giờ đào, quất, hoa rau bán ra với giá rất rẻ, nhiều nơi còn không bán được, bởi vì thương lái không đến mua được. Mặc dù đã đặt hàng rồi, nhưng họ lại không đến được vì mỗi địa phương đều có những trạm kiểm soát dịch bệnh và hạn chế việc đi lại. Mọi phương tiện công cộng như xe bus, xe liên tỉnh đều phải dừng hoạt động, nên việc đi lại của dân gặp khó khăn, họ chỉ biết sinh hoạt, đi lại trong địa phương mình đang sinh sống thôi.
Tất nhiên là những hoạt động mang tính chất tôn giáo, lễ hội, những thói quen sinh hoạt như tất niên, liên hoan cuối năm, tập trung ăn uống thì bị cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ. Họ khuyến cáo không đi chúc Tết, không đi lễ hội và sẽ không có bắn pháo hoa hay các hoạt động như mọi năm.
Mọi năm gia đình tôi đều có kế hoạch đi chơi xa nhưng năm nay thì mọi kế hoạch như thế không còn được nữa và dự định chỉ ăn Tết ở nhà, nhà nào biết nhà nấy ».
Nhiều người không thể về quê ăn Tết
Là chủ một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm và một trung tâm làm đẹp tại Hà Nội, chị Mai Ly năm nay quan sát thấy khách hành chi tiêu có vẻ hạn chế hơn mọi năm. Với cá nhân chị, kế hoạch Tết không bị xáo trộn vì gia đình nội ngoại đều ở gần, cùng tại Hà Nội, chị cũng không có thói quen đi du lịch vào dịp Tết. Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như chị Mai Ly. Chị cho biết nhiều nhân viên, người quen, bạn bè đã phải hủy kế hoạch về quê ăn Tết :
« Do bị 3 mùa dịch nên ít nhiều kinh tế cũng bị ảnh hưởng. Mọi người cũng không biết là dịch sẽ đi đâu về đâu nên cũng có tâm lý thủ thân, không chi tiêu nhiều. Gia đình mình bao nhiêu năm nay cũng không có thói quen đi du lịch vào dịp Tết mà mình vẫn ở nhà vào Giao Thừa để thắp hương, vẫn đi chúc Tết hai bên nội ngoại thành ra với gia đình mình ở Hà Nội thì mình không có thay đổi gì nhiều lắm.
Tuy nhiên, bạn bè thì mình cũng thấy có một số người phải hủy tour đi du lịch. Rất nhiều bạn, chứ không phải chỉ vài người, thay vì về quê thì năm nay đã ở lại Hà Nội ăn Tết, vì một số địa phương không có dịch bệnh nhưng một số địa phương lại đang là vùng bị cách ly nên không thể về được. Ngược lại, một số địa phương không có dịch thì lại sợ người ở Hà Nội về thì sẽ đem dịch bệnh về. Thế nên nhiều gia đình ở lại Hà Nội ăn Tết.
Chính quyền tuyên truyền rất mạnh, rõ rệt nhất là về các lễ hội. Lễ hội chùa Hương thuộc diện lớn nhất Việt Nam về mặt tâm linh, thường khai xuân vào ngày 06 Tết, nhưng năm nay thì bỏ khai hội, tức là chỉ khai hội ở mức rất đơn giản là tổ chức ở quy mô rất nhỏ và chỉ có nhà chùa thôi chứ không có mở khai hội rộng rãi cho du khách thập phương cả nước đến ».
Du lịch Tết là điều không thể
Vài năm nay, nhiều người dân trong nước cũng có xu hướng đi du lịch vào dịp Tết. Chị Nguyễn Thị Nhạn, chủ một công ty du lịch tại Hà Nội, cho biết từ tháng 10/2020 đến trước khi dịch bệnh bùng lên vào ngày 28/01/2021, công ty có vài trăm khách đăng ký du lịch trong nước, nhưng từ đó đến nay, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn :
« Bình thường mọi năm không có dịch bệnh thì mọi người đi du lịch rất đông. Nhiều người đi du lịch nước ngoài, còn những người ít điều kiện hơn thì vẫn đi du lịch trong nước. Còn như năm nay khách hoàn toàn đăng ký du lịch nội địa, đông nhất là Phú Quốc, Nha Trang, rồi đến Vũng Tàu, Mũi Né, Côn Đảo, sau đó là Đà Nẵng, Quy Nhơn. Theo thống kê sơ bộ của kế toán thì đến ngày 07/02, công ty tôi có tổng cộng 252 khách hàng đăng ký đi du lịch trong dịp Tết, từ ngày 28 Tết đến ngày 10 Tết.
Mà giờ dịch bệnh thì không ai dám đi nữa, gần như ai cũng muốn hoàn, hủy. Kể từ ngày 28/01 - hôm bùng dịch - khách bắt đầu lo lắng, yêu đầu hoàn, đổi vé. Đến ngày 08/02 chúng tôi đã xử lý để 212 khách hoàn, hủy. Còn khoảng 40 khách đăng ký đi ngày 05-06 Tết thì họ vẫn muốn chờ và nghe ngóng xem tình hình dịch bệnh thế nào và hãng có hỗ trợ gì không. »
Truyền thống đi chúc Tết bị ảnh hưởng
Không chỉ việc về quê, đi chơi xa, đi lễ hội đầu xuân bị ảnh hưởng mà cả truyền thống đi chúc Tết, gặp gỡ đầu xuân với nhiều người cũng là điều nên hạn chế. Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Văn, Hà Nội. Theo chị, nét đẹp văn hóa truyền thống đi chúc Tết của người Việt có lẽ cần thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh. Chị Văn chia sẻ cảm nhận với đài RFI tiếng Việt :
« Tết nay nay cũng bị xáo trộn do dịch Covid bùng lên gần Tết nên tâm trạng của mọi người năm nay không được vui lắm, có nhiều lo lắng. Tuần trước thì có vẻ ảm đạm hơn, nhưng từ hôm qua, hôm nay (25-26 Tết) thì cũng đỡ hơn. Ngoài đường, người ta cũng bán hoa, hoa đào, cây quất, hoa lan, các loại hoa cũng được bày bán rất nhiều ngoài đường nhưng người mua thì không đông đúc như mọi năm.
Tết là dịp mọi người thích đi thăm hỏi bà con họ hàng, đi chơi. Nhưng năm nay mọi người đều nói là ai ăn Tết ở nhà nấy thôi. Việc đi chúc Tết, thăm hỏi họ hàng, người thân, bạn bè là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam, nhưng năm nay có lẽ việc đấy sẽ phải hạn chế.
Nhà tôi năm nay thì có một niềm vui là có thêm cháu ngoại thứ hai. Tôi cũng dự tính là đón cháu về chơi. Tôi cũng còn mẹ già nữa, cũng muốn cho cháu về thăm cụ, nhưng bây giờ thì sẽ phải thay đổi. Có thể là các cháu thì vẫn ở nhà các cháu và không đi thăm cụ nữa.
Còn tôi thì mọi năm cũng có những buổi gặp gỡ bạn bè, chúc tết, uống trà, ngồi nói với nhau câu chuyện đầu xuân. Nhưng có lẽ năm nay không đi đâu nữa, vì các bạn ai cũng nói thôi ai ở nhà nấy. Bản thân mình bây giờ Covid thế này cũng ngại đi, vì không biết bệnh tật thế nào. Đến nhà ai thì người ta cũng ngại tiếp khách nữa, nên có lẽ cũng phải thay đổi cách đón Tết.
Còn các đồ ăn uống thì tôi sắm sửa ít hơn : năm nay con cháu không đến ở nhà mình được nhiều, và mình cũng không có khách thì mình cũng không sắm sửa nhiều nữa. Nhưng mà có những cái cũng không hạn chế được. Ví dụ như hoa thì vẫn phải mua. Tôi đã mua một cành đào phai rất đẹp, bây giờ đang cắm ở nhà. 29-30 Tết thì tôi đi mua hoa tươi, những loài hoa truyền thống của miền bắc, như violet, thược dược … để cắm một lọ hoa tươi. Dù thế nào thì mùa xuân vẫn đến, Tết vẫn đến với tất cả mọi người. Mình cũng không thể giản tiện quá. »
Tết không sum vầy
Buồn, thất vọng hơn cả là những gia đình xa nhau lâu ngày, biết bao cái Tết người ở trong nước, người ở nước ngoài. Bao ngày ngóng chờ, chuẩn bị tỉ mỉ cho một cái Tết đoàn viên, nhưng đến cận Tết thì mọi kế hoạch bị đảo lộn hết. Đó là nỗi niễm của bà Thúy Hằng, sống ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, người đã lỡ một mùa Tết sum vầy với con cháu từ Paris về nước định cư sau gần chục năm học tập và làm việc tại Pháp. Hiện giờ con gái bà đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Tối 26 Tết (âm lịch), qua điện thoại, bà Thúy Hằng chia sẻ với RFI Việt ngữ kế hoạch ăn Tết của gia đình và cho biết thêm về không khí bà con chuẩn bị đón Tết ở Hạ Long :
« Năm nay thì có rất nhiều thay đổi. Hoàn cảnh bây giờ, ngay thời điểm này, rất nhiều gia đình, nhiều khu dân cư vẫn đang trong tình trạng phong tỏa, chưa được về sinh hoạt với gia đình. Chợ thì được kiểm soát khá là chặt chẽ nên lưu thông hàng hóa bị chậm lại rất nhiều. Bà con tiểu thương thấy cũng buồn vì lẽ ra dịp Tết là dịp buôn bán sầm uất, có thể có thêm thu nhập nhưng năm nay thì khá là ảm đạm. Chợ hoa, cây cảnh mọi năm bà con bán được nhiều lắm, nhưng năm nay thì tiểu thương ngồi buồn ủ rũ, thấy thương cảnh buôn bán của bà con.
Hầu như mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn, các kế hoạch về quê đón Tết, sum họp gia đình bị xáo trộn rất nhiều. Tôi có vợ chồng con gái sống ở Pháp gần chục năm rồi, đợt vừa rồi cháu trở về Việt Nam và rất mong muốn được sum họp gia đình, ăn Tết với bố mẹ ở miền bắc. Vé máy bay đã được đặt xong xuôi rồi, nhưng vì dịch nên cháu phải hủy vé, không bay ra được. Hủy vé thì các hãng hàng không có hỗ trợ, chỉ mất một phần nào đó chi phí hủy vé nên cũng đỡ thiệt hại cho các cháu.
Về chương trình, gia đình cũng đã lên rất nhiều kế hoạch đi du lịch khi ra Tết, chúng tôi cũng đã đặt vé cho các cháu bay thủy phi cơ ở vịnh Hạ Long, nhưng giờ tình hình thế này thì dịch vụ của họ không thực hiện được, phải hủy hết. Họ cũng hoàn trả lại số tiền đó. Nhìn chung là các cơ sở dịch vụ và các công ty lữ hành rất nhiệt tình trong việc hỗ trợ mọi người hoàn, hủy chuyến du lịch và nếu sau này mình có nhu cầu thì người ta lại đáp ứng trở lại.
Nói chung tinh thần Tết năm nay là buồn vì dịch bệnh, tiếc cho một cái Tết sum họp … »
Vậy là Tết đã về ! Một năm mới lại đến, nhưng với một bầu không khí khác thường do dịch bệnh Covid-19. Nhưng dẫu có phải thay đổi thói quen lễ Tết, nhiều gia đình lỡ cơ hội đoàn tụ vào thời khắc được coi là thiêng liêng nhất trong năm, thì dẫu sao một mùa xuân mới vẫn về với niềm hy vọng cho một năm mới đủ đầy, ấm êm, vạn sự như ý !
0 comments