Bản tin ngày 22-2-2021
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên đưa tin: Chính quyền ông Biden công nhận phán quyết bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Bài dẫn tin từ báo Philippines Star cho biết, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan có cuộc điện đàm với ông Hermogenes Esperon, là người đồng cấp Philippines. Phía Mỹ thông báo, chính quyền Biden công nhận phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài quốc tế, bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của TQ ở Biển Đông là “cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý đối với tất cả các bên”.
Cũng liên quan đến chuyện Mỹ – Trung về Biển Đông, VietNamNet có bài: Chính quyền Biden phác họa chiến lược kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Trong thông cáo báo chí ngày 19/2 của Bộ Ngoại giao Mỹ có điểm mới: “Mỹ sẽ bảo vệ các cam kết đồng minh với Nhật Bản và Philippines khi các nước này bị tấn công. Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc cần tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo Hiến chương LHQ kiềm chế đe dọa hay sử dụng vũ lực và các yêu sách biển phải phù hợp với luật biển, đặc biệt là UNCLOS”.
Báo Thế Giới và VN dẫn lời TS Jeff Smith, học giả Mỹ: Tổng thống Joe Biden sẽ gây áp lực tối đa với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. TS Smith, thuộc Viện nghiên cứu chính sách Heritage của Mỹ, nói: “Tuần tra thường xuyên, rõ ràng và dứt khoát ở Biển Đông là cách tốt nhất để kìm hãm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này. Bắc Kinh chắc chắn sẽ tìm lý do để đẩy ông Biden đi theo con đường tránh xung đột như đã làm với ông Obama”.
Báo Người Việt có bài: Biển Đông sẽ ‘dậy sóng’ trong năm 2021 vì Trung Quốc. Một số dấu hiệu căng thẳng ở Biển Đông: Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price thông báo, Mỹ quan ngại vụ TQ ra luật hải cảnh mới “để khẳng định chủ quyền bất hợp pháp của họ trên Biển Đông”; Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng lưu ý vụ tàu khảo sát Tan Suo 2 (Thám Tác 2) của TQ ngang nhiên đi vào vùng đặc quyền kinh tế của VN để “nghiên cứu”.
Viet Times đặt câu hỏi về vụ Philippines trở chứng yêu cầu “phí đóng quân” như muốn “tống tiền” Mỹ 16 tỉ USD: Philippines đang nghiêng về Trung Quốc? Vụ Chính phủ Philippines yêu cầu Washington tăng gấp 4 lần tiền viện trợ cho Manila để đổi lấy việc cho phép binh sĩ Mỹ hoạt động ở nước này đã gây ra tranh cãi.
Ông Gregory Poling, chuyên gia từ Trung tâm CSIS của Mỹ bình luận: “Ông Roque đang mô tả khối đồng minh này như thể nó là một vấn đề phiến diện, trong đó Mỹ phải chi tiền để được làm một đồng minh của Philippines. Đây là cách nguy hiểm để mô tả mối quan hệ này, may mắn rằng tôi không nghĩ đây là quan điểm được chia sẻ rộng rãi”.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ dẫn tin từ cơ quan phụ trách vấn đề không quân của Đài Loan: Trong 2 ngày, 20 máy bay Trung Quốc quần thảo trên Biển Đông. Cơ quan này cho biết, họ đã phát hiện 9 máy bay của không quân TQ bay gần quần đảo Đông Sa vào ngày 19/2, đúng thời điểm Mỹ công bố chiến lược đối phó với TQ ở Biển Đông nói trên. Ngày 20/2, Đài Bắc phát hiện thêm 11 máy bay của TQ, trong đó có 8 máy bay chiến đấu, 2 máy bay ném bom H-6 và 1 máy bay chống ngầm.
Về tin TC Doanh & nghiệp Tiếp thị đưa hôm 19/2: Đảo quốc nhỏ bé “tóm gọn” tàu cá TQ: Đòi bỏ tù 2 thuyền trưởng, án phạt gần 10 triệu USD, Facebooker Thiện Nguyễn bình luận: “Cộng hòa Vanuatu với diện tích 12.189 km² và dân số 243.304 người. Tức là đảo quốc này có diện tích nhỏ hơn VN hơn 27 lần và dân số ít hơn Việt Nam khoảng 400 lần.
Vậy mà 2 tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển Vanuatu đang bị bắt giữ hiện phải đối mặt với 5 năm tù giam và hàng triệu USD tiền phạt lãnh thổ Vanuatu. Nhìn người mà nhục ta khi tàu cá Trung Quốc liên tục đâm chìm tàu cá Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam nhiều năm nay, Việt Nam chỉ dám gọi là Tàu lạ”.
Mời đọc thêm: Chiến đấu cơ, oanh tạc cơ Trung Quốc tập trận gần Đông Sa ở Biển Đông (TN). – Trung Quốc đưa tin, ảnh về tình hình một số đảo của ta ở Trường Sa (TD). – Việt Nam trước lời hứa của Trung Quốc không áp dụng Luật Hải Cảnh đối với Philippines? (RFA). – Pháp điều 2 tàu chiến tới Biển Đông (VOV). – Uy lực tàu đổ bộ tấn công Pháp điều đến Biển Đông (VNN). – Hải quân ba nước Mỹ, Pháp, Nhật phối hợp tiếp tế trên biển Hoa Đông, cùng kiềm chế Trung Quốc (Viet Times). – Mỹ cảnh báo Bắc Kinh về việc sử dụng vũ lực ở Biển Đông (BBC).
Tin chính trường
Cựu Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng qua đời hôm 19/2/2021. Chủ đề nổi bật trên mạng xã hội VN hôm nay là vụ ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa – giáo dục – thanh niên thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, khi ghi sổ tang cho ông Trương Vĩnh Trọng đã để lại đoạn văn vừa khó đọc, vừa nhiều lỗi diễn đạt, đã bị cộng đồng “bắt lỗi”.
PGS. TS Mạc Văn Trang bình luận: “Thật khó tưởng tượng, ông PGS TS Chủ nhiệm UBVH – GD – TTNNĐ (Ủy ban văn hóa – giáo dục – thanh niên thiếu niên nhi đồng) của Quốc hội một nước 100 triệu dân mà viết mấy câu không xong! Chữ nghĩa hình thức thì xiên xẹo, nội dung thì lởm khởm. VH với chả GD!”
Từ “cõi bác Hồ” được “soi” nhiều nhất trong đoạn văn của ông Bình, nhà hoạt động Hoàng Dũng giải thích khái niệm này: “Bác Hồ của nhân dân (em mình) đã chết năm 1969 nhưng không được đầu thai. Bộ lòng và khu vui chơi bị cắt bỏ, cơ thể phơi khô trưng cho nhân dân mua vé vào xem từ bấy đến nay. Do vậy linh hồn không được siêu thoát, vất vưởng ở cõi đệm giữa trần gian và cõi âm. Đây là nơi chứa chấp những linh hồn vô thừa nhận. Nôm na như người không có hộ khẩu hoặc còn gọi là tù mồ côi”.
Facebooker Nguyễn Thùy Dương phân tích: “Đọc cái này sẽ thấy có tới hai người chết. Người thứ nhất là ông Trương Vĩnh Trọng, người thứ hai là ông Hai Nghĩa. Hai lần kính viếng thay vì gạch nối. Trong đó, ông hai Nghĩa lại tận trung, tận hiếu với Đảng, với Nhà Nước rồi mới tới Nhân Dân. Khúc gần cuối là chia buồn với chị Hai Nghĩa sao không chia buồn với Trương phu nhân?”
Liên quan đến đám tang ông Trương Vĩnh Trọng, trước đó, VnExpress đưa tin: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Mấy vụ lãnh đạo đương nhiệm hoặc về hưu thăm viếng cựu lãnh đạo vừa qua đời không có gì lạ, điều đáng lưu ý là sự vắng mặt của người lãnh đạo cao nhất của chế độ, trong khi cựu thù của người này là “đồng chí X” thì lại có mặt.
Tin cho biết, lễ viếng ông Trương Vĩnh Trọng đã diễn ra tại hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre và Nhà tang lễ quốc gia ở Hà Nội vào sáng hôm qua. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại làm thay việc lẽ ra là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao đến viếng cựu lãnh đạo vừa qua đời.
Hôm qua, Tổng Trọng vắng mặt trong lễ viếng, hôm nay ông tiếp tục vắng mặt trong lễ an táng: Lễ an táng nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, theo VnExpress. Dĩ nhiên, ông Phúc tiếp tục dẫn đoàn. Không biết đoàn lãnh đạo có “ẩn ý” gì mà 2 hôm liền để cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm “gạch nối” giữa 2 đời Thủ tướng.
Báo Người Việt đưa tin: Dù có lệnh cấm, giới chức CSVN dự ‘lễ tâm linh’. Hôm 21/2 là mùng 10 Tết Tân Sửu 2021, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã dự “lễ tâm linh” tổ chức tại chùa Hoa Yên và vườn tháp Huệ Quang, Yên Tử, bất chấp các thông báo hạn chế tụ tập đông người của chính quyền, trong tình hình đại dịch Covid-19 ở VN chỉ vừa “hạ nhiệt”.
Tin cho biết: “Bà Hạnh cũng là giới chức CSVN hiếm hoi có hình ảnh tham dự một sự kiện tâm linh trong lúc hầu hết lãnh đạo các địa phương đều đang bận tâm chống dịch COVID-19. Sự kiện nêu trên diễn ra trong bối cảnh các địa phương đều phải tuân thủ lệnh dừng hoạt động tôn giáo, tâm linh, để tránh tụ tập đông người trong bối cảnh có thêm nhiều ca lây nhiễm cộng đồng”.
Mời đọc thêm: Phan Văn Giang ‘lấn lướt’ đương kim Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch (NV). – Việt Nam: ‘Hiếm có’ khi hai tướng quân đội cùng trong Bộ Chính trị (BBC). – Lễ truy điệu nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (Zing). – Lễ truy điệu và an táng nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (Tin Tức). – Hơn 300 đoàn đến viếng nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (VOV).
Tin môi trường
Tình hình ở Bạc Liêu: 100 tấn rác/ngày khiến bãi rác Tân Tạo quá tải nghiêm trọng, báo Lao Động đưa tin. Từ lúc tái lập tỉnh Bạc Liêu vào ngày 1/1/1997 đến nay, đã hơn 24 năm trôi qua, tỉnh này vẫn chưa có nhà máy xử lý rác cho đô thị TP Bạc Liêu và các huyện lân cận. Mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 100 tấn rác, dẫn đến tình trạng quá tải rác.
Bà Lê Thị Ngọc Trâm, Quản lý khu xử lý rác, cho biết: “Rác được tập kết về bãi được đưa lên cao rồi dùng hóa chất khử mùi. Tuy nhiên, do thường xuyên quá tải nên khó tránh khỏi mùi hôi bay xung quanh, lan đến các khu dân cư”. Lễ khởi công nhà máy xử lý rác tập trung tỉnh Bạc Liêu đã được tổ chức vào ngày 31/5/2019, đến nay “nhà máy” vẫn… nằm trên giấy.
Báo Văn Hóa có bài: Đừng thờ ơ với môi trường sống của người dân. Tin cho biết, một diện tích rừng lớn thuộc tiểu khu 231, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đã bị “triệt hạ” không thương tiếc, khiến nhiều người bàng hoàng và bất bình. “Hàng loạt cây gỗ quý có đường kính từ 20 – 40 cm bị cưa hạ ngổn ngang. Nhiều cây gỗ nhỏ vừa bị chặt phá chất thành đống chuẩn bị được cho vào lò đốt than. Ngay giữa những cánh rừng vừa bị phá là những lò than được các đối tượng phá rừng dựng lên ngang nhiên”.
RFA dẫn tin từ AFP: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp bàn tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình thế giới. Ngày mai 23/2, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo thế giới để thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình thế giới. Hội nghị được tiến hành theo yêu cầu của Thủ tướng Anh Boris Johnson và sẽ diễn ra trực tuyến.
VnExpress đưa tin: Người chết vì giá rét ở Mỹ tăng lên 58. Dữ liệu của báo Washington Post cho biết, “đợt lạnh kỷ lục đã khiến phần lớn nước Mỹ rơi vào tình trạng giá rét ngay cả ở những khu vực vốn ấm áp và khiến ít nhất 58 người thiệt mạng. Hơn một nửa trong số đó, gồm 32 người, là cư dân ở bang Texas, nơi người dân phải trải qua tình trạng mất điện và thiếu nước liên tục giữa thời tiết khắc nghiệt”.
Mời đọc thêm: Thái Nguyên: Xi măng Quang Sơn ngang nhiên gây ô nhiễm (GT). – Ô nhiễm sông Cầu gia tăng, Bắc Giang cầu cứu lên 2 Bộ (NNVN). – Chất lượng môi trường không khí tại các đô thị phía Bắc vẫn còn ở mức xấu (TBTC). – Đà Nẵng: Sống giữa điểm đen ô nhiễm, dân kêu trời, chính quyền loay hoay (LĐ). – Bạc Liêu: Đau đầu với… “núi rác” (NLĐ). – Cát bụi Sahara ‘nhuộm cam’ nhiều nơi của châu Âu (TT). – Rất ít con sông trên thế giới không bị tàn phá (TNMT). – Texas hứng chịu thêm thảm họa giữa giá rét kỷ lục (VNN). – 4 bà cháu gốc Việt chết thảm vì đốt lửa sưởi ấm ở Texas (PLTP).
Chính biến ở Myanmar
Ngày thứ 22 sau vụ đảo chính quân sự ở Myanmar, tình hình ngày càng căng thẳng khi đã có 4 người biểu tình chết, quân đội Myanmar dọa ‘còn thêm nhiều người chết nữa’, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Cụ thể, “hàng ngàn người theo kế hoạch sẽ tiếp tục đổ ra đường biểu tình, bất chấp thực tế tới nay đã có 4 người thiệt mạng trong các tình huống xung đột căng thẳng với lực lượng an ninh”. Một tổ chức tên là Ủy ban tổng đình công được thành lập, quy tụ các hội nhóm sinh viên, nghiệp đoàn lao động và tổ chức chính trị.
Đáp lại tiếng nói của người dân là lời cảnh báo sắt máu mà chính quyền quân phiệt đã phát đi thông báo trên Đài Phát thanh và truyền hình Myanmar ngày 21/2: “Những người biểu tình lúc này đang kích động người dân, nhất là các thanh thiếu niên bồng bột, tham gia theo cách đối đầu và có thể thiệt mạng”, theo tin từ hãng AFP.
Trường hợp thiệt mạng đầu tiên là cô gái trúng đạn khi biểu tình tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar. Cô Mya Thwate Thwate Khaing, 20 tuổi, đã bị cảnh sát bắn trúng vào đầu và đã nhập viện ngày 9/2, nhưng đã qua đời sau 10 ngày cầm cự. BBC cho biết, đông đảo người dự tang lễ cô gái bị bắn. “Hàng ngàn người đứng trên đường phố để tiễn biệt cô, trong đó có một số người làm động tác chào bằng ba ngón tay mà người biểu tình thường dùng”.
Sau cái chết của cô Khaing, đã có thêm 2 người chết trong phong trào biểu tình ở Myanmar, báo Thanh Niên đưa tin. Ông Ko Aung, lãnh đạo của tổ chức ứng phó khẩn cấp tự nguyện Parahita Darhi ở TP Mandalay xác nhận, đã có thêm hai người thiệt mạng và 20 người bị thương ngày 20/2 khi cảnh sát nổ súng để giải tán đoàn biểu tình phản đối cuộc chính biến. Người thứ tư thiệt mạng là một người biểu tình “bị bắn chết tại Yangon”, theo báo Tuổi Trẻ, nhưng chưa có nhiều thông tin về trường hợp này.
Vụ đàn áp người biểu tình ở TP Mandalay dẫn đến cái chết của 2 người dân cũng là sự kiện đẫm máu nhất kể từ khi phong trào biểu tình phản đối chính biến nổ ra: Nhân chứng kể lại khoảnh khắc người biểu tình bị bắn chết ở Myanmar, VTC đưa tin.
Một nhân chứng là nữ nhân viên y tế kể: “Tôi đã cầu xin (cảnh sát) thả anh ấy, hoặc ít nhất cũng cho tôi 15 phút để khâu vết thương trên đầu anh… Tôi chẳng thể làm gì… ngoại trừ khóc than”. Cuộc đàn áp có sự tham gia của các binh sĩ thuộc sư đoàn bộ binh hạng nhẹ 33 của Myanmar, chính là đơn vị từng tham gia vào các vụ diệt chủng người Rohingya năm 2017.
Thêm thông tin từ phía người dân về vụ đàn áp ở TP Mandalay: Nhân chứng tố cảnh sát Myanmar bắn vào người biểu tình, theo VnExpress. Một nhân chứng giấu tên kể lại vụ đàn áp đoàn biểu tình ở TP Mandalay, một người dân đã bị trúng đạn ở bụng và đầu gối: “Viên đạn xuyên thẳng qua và tôi có thể thấy bắp thịt ông ấy lộ ra. Có rất nhiều máu, mọi người giơ tay để kêu gọi cảnh sát ngừng bắn nhưng không có tác dụng. Tôi phải trốn chạy để bảo toàn tính mạng”.
Thêm dấu hiệu cho thấy chính quyền quân phiệt Myanmar sẽ không nhượng bộ: Nguy cơ nổ ra cuộc tổng đình công tại Myanmar, quân đội lên phương án ứng phó, theo VOV. Chính quyền quân phiệt thông báo “sẽ cắt Internet và đường dây điện thoại trong ngày hôm nay. Nhiều rào chắn và lô cốt đã được quân đội dựng trên đường phố thủ đô Naypyidaw, để chuẩn bị ứng phó đợt tổng đình công”.
Tại TP Yangon, đã xuất hiện những chiếc xe tải chạy trên đường phố phát đi thông báo rằng, mọi người không nên tham gia các cuộc biểu tình hôm nay và phải tuân theo lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên.
VOA dẫn lời Tổng thư lý LHQ kêu gọi quân đội Myanmar: ‘Hãy ngừng đàn áp’ . Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lên án hành vi đàn áp người dân: “Chúng tôi thấy sự phá hoại nền dân chủ, sử dụng vũ lực tàn bạo, bắt bớ tùy tiện, đàn áp trong tất cả các biểu hiện của nó. Hạn chế của không gian công dân. Tấn công xã hội dân sự. Vi phạm nghiêm trọng đối với các nhóm thiểu số mà không có trách nhiệm giải trình, bao gồm cả những gì đã được gọi là thanh lọc sắc tộc người Rohingya. Và còn biết bao nhiêu các vấn đề khác nữa”.
Mời đọc thêm: Biểu tình tưởng niệm cô gái tử vong ở Myanmar (VNE). – Người dân Myanmar đưa tiễn ‘nữ anh hùng tuổi 20’ (TT). – Chính quyền quân sự Myanmar doạ sẽ có “hậu quả nặng nề” nếu nổ ra tổng đình công (TĐ). – Quân đội Myanmar càng ‘rắn’, người biểu tình càng nóng (VTC). – Hàng loạt công ty ở Myanmar phải đóng cửa (DNVN). – Ngoại trưởng Mỹ cảnh cáo quân đội Myanmar (Zing). – Ngoại trưởng Anh: Quân đội Myanmar phải trả tự do cho Suu Kyi (BBC). – Việt Nam kêu gọi quốc tế ủng hộ tiến trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar (VOA).
***
Thêm một số tin: Đình chỉ công tác Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội để điều tra (VOV). – Gần 90 ngàn tấn nông sản ở Hải Dương “tắc đường” vì COVID-19 (RFA). – Để phát triển nhanh VN cần nêu cao Chủ nghĩa Thực dụng? (BBC). – Hoa Kỳ: Số người tử vong vì COVID-19 sắp lên tới 500 nghìn (VOA). – Mỹ: Truyền thông Việt Ngữ Quận Cam trong cơn bão tin giả (RFI).
0 comments