Quốc hội Mỹ bác quyền phủ quyết dự luật chi tiêu quốc phòng của Trump
BBC
Quốc hội Mỹ đã bác quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump đối với dự luật chi tiêu quốc phòng, lần đầu tiên điều này xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã tổ chức một phiên họp hiếm hoi trong ngày đầu năm mới để tranh luận về dự luật, vốn đã được Hạ viện bỏ phiếu thông qua.
Dự luật trị giá 740 tỷ đô la sẽ tài trợ cho chính sách quốc phòng trong năm tới.
TT Trump phủ quyết dự luật quốc phòng 'vi hiến'
Ông Trump, người sẽ rời nhiệm sở trong vài tuần tới, đã phản đối một số điều khoản trong dự luật.
Thượng viện đã bỏ phiếu 81-13 cho Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) - đa số hai phần ba được yêu cầu để bác quyền phủ quyết của tổng thống ở cả hai viện.
Động thái này diễn ra chỉ hai ngày trước khi một Quốc hội mới của Hoa Kỳ tuyên thệ nhậm chức.
Ông Trump đã phản đối các chính sách hạn chế việc rút quân khỏi Afghanistan và châu Âu, đồng thời phản đối việc đổi tên các căn cứ quân sự hiện được đặt theo tên các lãnh đạo Liên minh miền Nam thời nội chiến Mỹ.
Ông cũng muốn dự luật bãi bỏ các biện pháp bảo vệ đối với các công ty truyền thông xã hội.
Trước khi cuộc tranh luận bắt đầu, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết ông quyết tâm thông qua dự luật.
"Đây là những gì Thượng viện đang tập trung vào - hoàn thành luật quốc phòng hàng năm để chăm sóc những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm của chúng ta, những người tình nguyện mặc đồng phục.
"Chúng tôi đã thông qua đạo luật này 59 năm liên tiếp. Và bằng cách này hay cách khác, chúng tôi sẽ hoàn thành NDAA hàng năm lần thứ 60 và thông qua luật này trước khi Quốc hội này kết thúc vào Chủ nhật", ông nói thêm.
Sau đó, ông Trump đã phản ứng về cuộc bỏ phiếu, cụ thể nhắm vào vấn đề bảo vệ các công ty truyền thông xã hội.
"Thượng viện đảng Cộng hòa của chúng ta vừa bỏ lỡ cơ hội loại bỏ Mục 230, trao quyền lực vô hạn cho các công ty công nghệ lớn. Thật thảm hại !!!" ông Trump viết trên Twitter.
Tại sao Quốc hội phải thực hiện động thái này?
Các dự luật được Quốc hội thông qua cần có chữ ký của tổng thống để trở thành luật. Trong những trường hợp hiếm hoi, một tổng thống có thể chọn phủ quyết - hoặc bác bỏ - luật vì một số bất đồng chính sách.
Các nhà lập pháp có thể bác quyền phủ quyết của tổng thống và ban hành các dự luật thành luật bằng cách tập hợp đủ hai phần ba số phiếu trong cả hai viện của Quốc hội.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng quyền phủ quyết của ông Trump là "một hành động liều lĩnh đáng kinh ngạc gây tổn hại cho quân đội, gây nguy hiểm cho an ninh và làm suy yếu ý chí của Quốc hội lưỡng đảng".
Bà nói trong một tuyên bố: "Trong thời điểm đất nước chúng ta là mục tiêu của một cuộc tấn công mạng quy mô lớn, thật khó hiểu lý do đằng sau sự vô trách nhiệm của tổng thống."
Ông Trump trước đó đã phủ quyết tám dự luật, và đều được thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội ủng hộ.
Ông sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20/1, và được thay thế bởi đảng viên Dân chủ Joe Biden.
Ông Trump phản đối điều gì?
Ông Trump gọi dự luật dài 4.500 trang, kéo dài gần một năm để thực hiện, là một "món quà cho Trung Quốc và Nga".
"Thật không may, Đạo luật không bao gồm các biện pháp an ninh quốc gia quan trọng, nhưng lại bao gồm các điều khoản không tôn trọng các cựu chiến binh và lịch sử quân đội, và mâu thuẫn với nỗ lực của chính quyền của tôi nhằm đặt nước Mỹ trên hết trong các hành động chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia," ông Trump nói trong một tuyên bố .
Ông Trump cũng cho rằng các biện pháp hạn chế đưa quân về nước của dự luật là "chính sách tồi" và "vi hiến".
0 comments