Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Bầu Thượng Viện Mỹ: ‘‘Yếu tố Trump’’ góp phần làm hai ứng viên Cộng Hòa tại Georgia thất cử

Thursday, January 7, 2021 4:57:00 PM // ,

 RFI

Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump đến vận động tranh cử cùng với ứng viên thượng nghị sĩ Cộng Hòa Kelly Loeffler (P), trước cuộc bỏ phiếu quan trọng ngày 05/01/2021.
Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump đến vận động tranh cử cùng với ứng viên thượng nghị sĩ Cộng Hòa Kelly Loeffler (P), trước cuộc bỏ phiếu quan trọng ngày 05/01/2021. SANDY HUFFAKER AFP
Phạm Trần|Trọng Thành
24 phút

Ngày 05/01/2021, tại bang Georgia, Hoa Kỳ, đã diễn ra cuộc bầu cử bổ sung hai thượng nghị sĩ. Trước thềm bầu cử, thăm dò dư luận cho thấy khoảng cách giữa các ứng viên phe Dân Chủ và Cộng Hòa tại đây rất sít sao.

Theo kết quả bỏ phiếu chính thức vào hôm qua, 06/01, hai ứng cử viên Dân Chủ, ông Jon Ossoff, 33 tuổi, nhà báo điều tra, và ông Raphael Warnock, 51 tuổi, mục sư người da màu, đã đắc cử.

Trả lời RFI Việt ngữ, nhà báo Phạm Trần (Washington) nhận định là các can dự của tổng thống mãn nhiệm Donald Trump vào cuộc tranh cử tại Georgia, thay vì đem lại lợi thế cho hai ứng viên Cộng Hòa, Kelly Loeffler và David Perdue, đã góp phần quyết định vào thất bại của họ.

Nhà báo Phạm Trần (Washington)

RFI: Xin ông cho biết đánh giá sơ bộ của ông về kết quả bầu cử này.

Nhà báo Phạm Trần: Bang Georgia có truyền thống, từ hàng chục năm qua, luôn thuộc về đảng Cộng Hòa. Các thượng nghị sĩ, chính quyền địa phương, các chức vụ dân cử phần lớn đều do đảng Cộng Hòa kiểm soát. Lần này, việc hai ứng cử viên của đảng Dân Chủ đã thắng cử có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Mười năm trước đây, đảng Dân chủ chiếm đa số tại Thượng Viện, nhưng sau đó đã mất Thượng Viện vào tay đảng Cộng Hòa. Việc đảng Cộng Hòa kiểm soát Thượng Viện từ 2010 đã gây rất nhiều khó khăn cho chính quyền của tổng thống đảng Dân Chủ Barack Obama. Kỳ này, khi đảng Dân Chủ thắng được hai ghế ở Georgia, khiến cho đảng Dân Chủ có được 50 phiếu, tức ngang với 50 phiếu của Cộng Hòa. Nhưng theo Hiến pháp Hoa Kỳ, phó tổng thống đảng cầm quyền, bà Kamala Harris, khi có những quyết định bỏ phiếu quan trọng (mà hai bên ngang bằng phiếu nhau), thì với một một phiếu của phó tổng thống, kiêm chủ tịch Thượng Viện, bên Dân Chủ sẽ có 51 phiếu. Thành ra, mọi việc mà tổng thống đắc cử Joe Biden dự trù làm trong vòng bốn năm tới sẽ dễ dàng được thông qua.

Vì sao hai ứng viên Dân Chủ giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu được đánh giá là rất khó này, tại một bang căn cứ địa của đảng Cộng Hòa ?

Có một vài yếu tố. Thứ nhất là, trong cuộc bầu cử Quốc Hội nói chung và riêng kỳ bầu cử bổ sung tại tiểu bang Georgia này, số cử tri da màu, tức người Mỹ da đen gốc Phi châu, đông chưa từng có. Điều thứ hai là những thành phần thiểu số, trong đó có người gốc Việt, người gốc Nam Mỹ, cũng đã dồn phiếu cho phía Dân Chủ. Yếu tố thứ ba, là những thành phần cử tri Cộng Hòa, được gọi là Cộng Hòa « độc lập », hay « ôn hòa », sống ở các vùng ngoại ô của các thành phố bang Georgia, có những suy nghĩ khác với các cử tri gọi là « cực đoan », hay người ủng hộ lập trường cứng rắn của đảng Cộng Hòa ở thành phố.

Theo những thống kê mới nhất, tôi nhận được, thì hoặc họ không đi bỏ phiếu kỳ này, vì không hài lòng với các ứng cử viên Cộng Hòa cũng như với ứng viên Dân Chủ, hoặc có một thiểu số đã bỏ phiếu cho ứng viên Dân Chủ. Việc này có đóng góp nhiều vào thắng lợi của hai ứng viên Dân Chủ. Trong chuyện này, có yếu tố đóng góp của ông Donald Trum.

Ông Donald Trump thuộc đảng Cộng Hòa. Các viên chức, thống đốc, phó thống đốc, các viên chức cao cấp ở Georgia đều thuộc đảng Cộng Hòa. Tuy nhiên, ông Donald Trump đã có những hành động, cũng như những lời nói không được thuận lòng đối với các vị dân cử ở bang này.

Cuối tuần vừa rồi, ông Donald Trump đã có cuộc điện thoại trong một tiếng đồng hồ với ông tổng thư ký của bang này, khiển trách, thúc dục, cũng như dụ dỗ ông ấy làm sao để lấy lại được trên 11 ngàn lá phiếu chênh lệch, để tổng thống mãn nhiệm có thể đảo ngược kết quả ở Georgia. Nhưng các viên chức ở Georgia đã bác bỏ, dù họ là người Cộng Hòa. Họ nói thẳng với ông Trump là những con số, hoặc những tin tức đưa ra, để kết luận bầu cử có gian lận là không đúng sự thật.

Chính vì tin đó lọt ra trước bầu cử Thượng Viện diễn ra ngày thứ Ba, thành ra dân chúng ở tiểu bang có vẻ như bực tức, cho rằng ông Trump coi thường quyết định của cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống 03/11/2020, và hạ thấp giá trị của lá phiếu của họ. Một số lớn đã bực mình và dồn phiếu cho đảng Dân Chủ.

Về cá nhân hai ứng cử viên thượng nghị sĩ Dân Chủ đắc cử, có những điểm gì thu hút cử tri ạ ?

Trước hết, tôi phải nói về ông Raphael Warnock. Ông ấy là một mục sư da đen nổi tiếng. Và ông ấy coi như là mục sư chính của nhà thờ Tin Lành Ebenezer Baptist Church, nơi ngày xưa mục sư Martin Luther King (*) là mục sư chính và người thuyết giảng hàng tuần ở đó. Riêng gốc gác đó thôi, ở thủ phủ Atlanta của Georgia, khiến ông Warnock có được cảm tình đặc biệt ở người da màu. Điều đó là không thể phủ nhận được. Tuy nhiên, những người da trắng ôn hòa cũng đến dự lễ ở nhà thờ này, cũng đều thích ông Warnock, vì ông được người địa phương kính trọng, được cảm tình với đông đảo mọi người, không riêng gì người da màu.

Về phần ông Jon Ossoff, có hai yếu tố. Thứ nhất, ông ấy chỉ có 33 tuổi. Ông ấy sẽ là nghị sĩ trẻ nhất của Thượng Viện. Điều thứ hai là ông ấy là người gốc Do Thái. Và người Do Thái ở nước Mỹ này, cũng như người của các dân tộc thiểu số, thường bỏ phiếu cho người của mình. Hơn nữa, ông Ossoff có một ưu điểm là một nhà báo chuyên về điều tra. Ông ấy đã đưa phanh phui ra nhiều vụ án mà nhà cầm quyền không thể phát giác được, trong thời gian ông ấy là ký giả chuyên nghiệp về điều tra. Ông ấy là người nổi tiếng ở bang Georgia, người trẻ nên được các cử tri trẻ dồn phiếu cho.

Như ông nói, với ứng cử viên da mầu, hay ứng viên thuộc các nhóm xã hội thiểu số nói chung, tuy là « thiểu số », nhưng việc là thành viên của nhóm thiểu số có thể trở thành một thế mạnh trong tranh cử, có thể dễ được sự ủng hộ của đa số hơn. Làm thế nào giải thích được hiện tượng bề ngoài có vẻ nghịch lý này ?

Vì trong tâm lý của nhiều người Mỹ (da trắng đa số), cũng như tâm lý của các nhóm dân tộc thiểu số, thì thường thường thấy một người « thiểu số » tài giỏi mà ăn nói hoạt bát, có một thành tích trong sáng, thì họ thường dồn phiếu ngay cho người đó. Một bằng chứng cụ thể là tại sao ông Barack Obama, một ứng viên da màu, mà đắc cử tổng thống đến hai nhiệm kỳ, làm 8 năm.

Nói đến vấn đề màu da ở nước Mỹ, đối với nhiều người không quan trọng, nhưng thực sự trong thâm tâm, người Mỹ vẫn coi « màu da » là một yếu tố kích thích cho tinh thần yêu người đồng loại của mình, khi có các hành động và quyết định về chính trị.

Ở nước Mỹ (gần đây), chỉ có dưới thời ông Donald Trump mới có hiện tượng « da trắng thượng đẳng », những da trắng người tự coi đất nước Hoa Kỳ này là của họ, là thuộc về họ, chứ không phải của những người có màu sắc da khác. « Tâm lý màu da » (kỳ thị màu da, đồng cảm màu da hay chống lại kỳ thị màu da…) vẫn hiển hiện trong đời sống của người dân Mỹ. Tôi nhìn thấy rất rõ như thế. Tỉ dụ như bà thượng nghị sĩ da màu Kamala Harris (phó tổng thống đắc cử) đến vận động cho hai ứng viên thượng nghị sĩ, trong đó có một ứng viên da màu, tại bang Georgia. Một chính trị gia người da màu khi đến nói chuyện với cử tri người da màu, thì có vẻ như gần gũi hơn. Trên màn ảnh truyền hình, có thể thấy những phản ứng của cử tri da màu với các diễn giả người da màu bao giờ cũng có vẻ mạnh mẽ hơn, hào hứng hơn, liên tục hơn là khi đối diện với các diễn giả khác màu da.

Nước Mỹ này là một nước tự do. Về nguyên tắc, ai cũng có quyền như nhau. Ai cũng có cơ hội làm tổng thống. Nếu cố gắng, ai cũng có cơ hội làm thượng nghị sĩ, làm dân biểu, chứ không phải chỉ có một tầng lớp người dân nào đó. Tỉ như ở nước Mỹ thiếu gì các vị dân cử địa phương là người Việt Nam, ở nhiều thành phố, đô trưởng là người Việt Nam. Ở nước Mỹ này rất là công bằng, nếu anh tài giỏi, anh có khả năng, thì mọi người kính trọng và ủng hộ anh. Thành ra nhiều cử tri Mỹ đã ủng hộ ứng cử viên gốc Việt vào dân biểu tiểu bang, thượng nghị sĩ tiểu bang, hoặc đô trưởng, hoặc cảnh sát trưởng, giám sát địa phương, hay chánh án. Phải có bầu cử, phải có bầu phiếu, phải được đa số ủng hộ, chứ có phải chỗ nào cũng có cử tri gốc Việt đâu. Ở nước Mỹ có một sự công bằng. Anh tài giỏi, bất cứ anh là người gốc ở đâu, nếu anh giải quyết được vấn đề theo ý muốn của cử tri, người ta bỏ phiếu cho anh.

Trở lại chủ đề cuộc tranh cử tại Georgia, xin ông giải thích thêm về tác động của « yếu tố Donald Trump » đã góp phần quyết định như thế nào vào thất bại của hai ứng viên Cộng Hòa ?

Yếu tố Donald Trump đã đóng một vai trò hết sức lớn trong việc làm hai ứng viên Cộng Hòa thất cử. Chính cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa, thượng nghị sĩ Mitt Romney, nói hôm nay (06/01/2021), rằng theo ông, ông Trump đã có những hành động khiến hai ứng viên Cộng Hòa thất bại. Một số chính trị gia Cộng Hòa khác cũng có quan điểm tương tự. « Yếu tố Donald Trump » trong cuộc bầu cử Georgia là không thể phủ nhận được. Yếu tố đó khiến đảng Cộng Hòa bị phân hóa càng ngày càng rõ rệt.

Có nhiều nghị sĩ, dân biểu Cộng Hòa không muốn liên hệ với ông Trump trong cuộc bầu cử năm ngoái. Khi tranh cử, họ đi vận động độc lập, không muốn dính đến ông Trump, mặc dù họ muốn đảng Cộng Hòa, đảng của họ ủng hộ họ, nhưng họ không muốn có mặt ông Trump trong các vận động tranh cử. Nhiều ứng viên Cộng Hòa đắc cử không cần sự có mặt của ông Trump, ngược lại hai ứng viên Cộng Hòa ở Georgia săn đón kỹ lưỡng, xuất hiện thường xuyên trong các cuộc vận động tranh cử của họ.

Chính vì sự xuất hiện thường xuyên của ông Trump, cùng với những lời chê tránh cử tri ở các địa phương của họ là « bầu cử gian lận », đã làm cho các viên chức Cộng Hòa ở các địa phương cũng bất bình. Huống chi là các cử tri ! Mặc dù họ trung thành với đảng của họ, nhưng họ rất lấy làm khó chịu, khi một ông tổng thống, người lãnh đạo đảng của mình mà cứ chỉ trích mình, mà không có bất cứ bằng chứng nào cả. 

Xin cảm ơn nhà báo Phạm Trần.

Ghi chú

* Lãnh tụ nhân quyền người Mỹ da đen Martin Luther King (1929 - 1968) được coi là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Mỹ, được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1964, do phương châm dùng phương thức đấu tranh bất bạo động chống lại nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Martin Luther Kinh bị ám sát năm 1968. 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.