Covid-19: Vaccine TQ có bao nhiêu loại, hiệu quả và giá cả?
BBC
Trong lúc đang có cuộc đua toàn cầu trong việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19, Trung Quốc dường như đạt bước tiến to lớn khi hai loại vaccine đi đầu của nước này - của các công ty Sinovac và Sinopharm - đã được phân phối ra nước ngoài.
Nhưng chúng ta đã biết những gì về các loại vaccine khác nhau Trung Quốc, và vaccine Trung Quốc hiệu quả tới đâu so với các loại vaccine khác?
CoronaVac của Sinovac hoạt động như thế nào?
Công ty dược phẩm sinh học có trụ sở tại Bắc Kinh Sinovac là hãng phát triển ra CoronaVac, một loại vaccine bất hoạt (tức là vaccine có chứa cấu trúc nguyên vẹn của virus đã chết).
Vaccine này hoạt động bằng cách đưa các cấu trúc virus đã bị làm chết vào cơ thể, để hệ thống miễn dịch của cơ thể tiếp xúc với virus mà không tạo nguy cơ gây ra những phản ứng ốm bệnh nghiêm trọng.
Để so sánh thì vaccine Moderna và Pfizer do các hãng phương Tây phát triển là loại vaccine mRNA, theo đó một phần của mã gene virus corona được tiêm vào để cơ thể bắt đầu sản xuất ra protein của virus nhưng không phải là toàn bộ con virus, và do đó vừa đủ để huấn luyện hệ miễn dịch của cơ thể biết cách phòng thủ khi có virus xâm nhập.
"CoronaVac là dạng vaccine truyền thống hơn, đã được sử dụng thành công ở nhiều loại vaccine nổi tiếng, chẳng hạn như vaccine chống bệnh dại do chó mèo gây ra," Phó Giáo sư Luo Dahai từ Đại học Công nghệ Nam Dương nói với BBC.
"mRNA là một dạng vaccine mới, và [hiện] chưa có ví dụ nào cho thấy sự thành công [của chúng] khi được sử dụng rộng rãi," Phó Giáo sư Luo nói thêm.
Một trong những lợi thế chính của vaccine do Sinovac phát triển, là nó có thể được lưu trữ trong tủ lạnh bình thường ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C, giống như vaccine của Oxford, là loại được làm từ virus gây cúm mùa ở tinh tinh, đã được biến cải gene.
Vaccine của Moderna cần phải được lưu trữ ở mức - 20 độ C, còn vaccine Pfizer, -70 độ C.
Điều đó có nghĩa là cả vaccine của Sinovac lẫn của Oxford-AstraZeneca đều hữu hiệu hơn nhiều đối với các nước đang phát triển, vốn không có khả năng lưu trữ lượng lớn vaccine ở nhiệt độ thấp như vậy.
Mức hiệu quả của vaccine CoronaVac
Khó có thể nói về điều này vào thời điểm này. Theo tạp chí y khoa The Lancet, chúng ta hiện nay mới chỉ có thông tin về các giai đoạn thử nghiệm thứ nhất và thứ hai của vaccine CoronaVac.
Zhue Fengcai, một trong các tác giả của bài viết, nói rằng những kết quả trên, vốn được dựa trên dữ liệu từ 144 người tham gia thực hiện trong giai đoạn 1 và 600 người trong giai đoạn 2, cho thấy vaccine này thích hợp để dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Vaccine CoronaVac đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ ba tại Brazil, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, hồi tuần trước, các dữ liệu tạm thời từ cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy vaccine này đạt hiệu quả 91,25%.
Tuy nhiên, các nghiên cứu ở Brazil nói vaccine này đạt hiệu quả trên 50%, nhưng không công bố kết quả đầy đủ, khiến người ta đặt câu hỏi về độ minh bạch.
Vaccine này đã được tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối tại Brazil - nơi có số lượng tử vong cao thứ nhì thế giới - trong tháng 10.
Việc thử nghiệm nhanh chóng bị tạm ngừng trong tháng 11 khi có tin về cái chết của một tình nguyện viên, nhưng đã được nối lại sau khi cái chết được xác định là không có liên quan tới việc tiêm vaccine.
Sinovac đã được chuẩn thuận để sử dụng khẩn cấp cho các nhóm có nguy cơ cao ở Trung Quốc kể từ tháng 7.
Trong tháng 9, ông Yin từ Sinovac nói rằng các cuộc thử nghiệm đã được thực hiện với trên 1.000 tình nguyện viên, trong đó "một số người chỉ có những dấu hiệu mệt mỏi nhẹ hoặc chút ít thấy không thoải mái... chiếm không quá 5%."
Phó Giáo sư Luo nói rằng trước khi kết quả thử nghiệm giai đoạn ba được công bố, rất khó để đưa ra nhận xét về tính hiệu quả của vaccine vào thời điểm này, "do chỉ có một lượng thông tin có giới hạn được biết đến".
"Dựa trên dữ liệu sơ bộ... CoronaVac nhiều khả năng sẽ là một loại vaccine hiệu quả, nhưng chúng ta cần phải chờ đợi cho tới khi có kết quả của giai đoạn thử nghiệm ba," ông nói.
"Đây là các thử nghiệm được thực hiện một cách ngẫu nhiên, giấu kín thông tin và có pha trộn với việc dùng giả dược... với hàng ngàn người tham dự. Đây là cách duy nhất để chứng minh một loại vaccine nào đó là an toàn và hiệu quả để sử dụng rộng rãi."
Vaccine của Sinopharm thì sao?
Sinopharm, công ty quốc doanh, hiện đang phát triển hai loại vaccine Covid-19, và giống như Sinovac, chúng đều là các loại vaccine bất hoạt, hoạt động theo cách thức tương tự.
Sinopharm công bố hôm 30/12 rằng giai đoạn thử nghiệm ba với vaccine này cho thấy đạt hiệu quả 79%, thấp hơn so với vaccine của Pfizer và Moderna.
Tuy nhiên, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, vốn đã chuẩn thuận một loại vaccine của Sinopharm từ hồi đầu tháng, nói rằng nó đạt hiệu quả 86%, theo các kết quả tạm thời có được từ giai đoạn thử nghiệm thứ ba thực hiện tại nước này.
Phát ngôn viên của công ty từ chối giải thích sự khác biệt trên, và nói các kết quả chi tiết sẽ được công bố sau, theo tường thuật của Reuters.
Tuy nhiên, ngay trước khi có kết quả thử nghiệm giai đoạn 3, vaccine này đã được phân phối và sử dụng trên gần một triệu người tại Trung Quốc theo chương trình khẩn cấp ở nước này.
Giáo sư Dale Fisher từ Đại học Quốc gia Singapore nói việc đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine trước khi có các thử nghiệm giai đoạn cuối là điều 'phi truyền thống'.
"Lẽ thường là cần phải chờ cho tới khi có phân tích về kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 rồi mới đẩy mạnh việc triển khai chương trình tiêm chủng được phê chuẩn cho sử dụng khẩn cấp," ông nói với trang tin CNBC.
Trước đó, trong tháng 12, Peru ngưng thử nghiệm vaccine của Sinopharm do có phát sinh một "sự kiện bất lợi nghiêm trọng", ảnh hưởng tới một tình nguyện viên. Nước này sau đó đã dỡ bỏ việc tạm ngừng.
Việc tạm ngưng đối với một cuộc thử nghiệm lâm sàng không phải là điều bất thường.
Hồi tháng 9, Anh ngưng các thử nghiệm đối với một loại vaccine Covid-19 sau khi một người tham dự có phản ứng bất lợi không rõ nguyên nhân, và quá trình thử nghiệm được nối lại sau khi vaccine được xác định không phải là nguyên nhân gây ra phản ứng trên.
Tình trạng lây lan virus corona ở Trung Quốc đã được kiểm soát ở hầu hết các địa phương, và cuộc sống đang dần trở lại với tình trạng "bình thường mới".
Trung Quốc còn có loại vaccine tiềm năng nào khác không?
Có ít nhất hai loại vaccine Covid-19 khác nữa đang được phát triển tại Trung Quốc, theo một bài báo mới đây đăng trên trang The Conversation.
Một trong đó là CanSino Biologics, hiện có tin nói đang trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại các nước, trong đó có Ả-rập Saudi.
Loại kia đang được phát triển bởi công ty Anhui Zhifei Longcom. Vaccine của hãng này dùng phần cấu trúc virus đã được làm tinh sạch để tạo phản ứng miễn dịch trong cơ thể, và gần đây nó đã bắt đầu đi vào giai đoạn thử nghiệm thứ ba, theo tường thuật trên.
Những nước nào đang đăng ký dùng vaccine Trung Quốc?
Hồi đầu tháng 12, lô vaccine SinoVac đầu tiên đã tới Indonesia, chuẩn bị cho chiến dịch chủng ngừa hàng loạt ở nước này. 1,8 triệu liều nữa sẽ được đưa tới nơi trong tháng Giêng.
Vài ngày sau đó, hai quốc gia thuộc khối Ả-rập, trong đó có Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất đã chuẩn thuận một loại vaccine của Sinopharm.
Bahrain cũng đã chuẩn thuận vaccine Covid-19 của Sinopharm, và nói người trưởng thành ở nước này có thể đăng ký trực tuyến để được tiêm miễn phí.
Singapore nói đã ký với các hãng sản xuất vaccine, trong đó có Sinovac, Moderna và Pfizer-BioNTech.
Sinovac được biết cũng đã ký các thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Chile.
Việc triển khai tiêm vaccine Trung Quốc sẽ diễn ra thế nào?
Sinovac có năng lực sản xuất 300 triệu liều một năm tại nhà máy sản xuất mới được xây dựng, rộng 20.000 mét vuông, chủ tịch hãng nói với kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc CGTN.
Giống như các loại vaccine khác, vaccine của Sinovac sẽ cần tiêm hai liều, tức là năng lực sản xuất của hãng sẽ chỉ đủ đáp ứng cho 150 triệu người một năm, tương đương với một phần mười dân số Trung Quốc.
Hiện chưa rõ giá thành, nhưng hồi đầu năm, một nhóm phóng viên BBC tại thành phố Nghĩa Ô (Yiwu) của Trung Quốc nói rằng các nhân viên y tá sắp xếp việc trực tiếp chủng với mức phí khoảng 400 nhân dân tệ, tương đương 60 đô la Mỹ.
Bio Pharma, một công ty quốc doanh tại Indonesia, nói rằng mức chi phí tiêm chủng ở địa phương tốn khoảng 200.000 rupiah, tương đương 13,6 đô la Mỹ.
Giá này cao hơn nhiều so với vaccine của Oxford, hiện có giá 4 đôla một liều, nhưng thấp hơn so với vaccine Modena, 33 đôla một liều.
Moderna nói họ sẽ phân phối 500 triệu liều trong năm 2021, còn AstraZeneca nói sẽ sản xuất được 700 triệu liều, tính đến cuối quý 1 năm 2021.
0 comments