Công luận Việt: Nữ sinh An Giang tự tử cho thấy nền giáo dục mục ruỗng
Trong khi đó, chị gái của nữ sinh này nói với VOA rằng gia đình tin tưởng là các cơ quan chức năng sẽ lấy lại công bằng cho em, đồng thời cho biết rằng gia đình không phán xét ngành giáo dục Việt Nam.
Vào sáng thứ Hai 7/12, từ bệnh viện, chị Lê Thị Ngọc Mai, chị của nữ sinh lớp 10 có tên viết tắt là Y., cho VOA biết về tình trạng sức khỏe của em:
“Hiện tại bé vẫn còn uống thuốc kháng sinh. Còn sức khỏe tâm lý của bé thì chưa được ổn định lại”.
Nữ sinh Y. thuộc trường trung học phổ thông Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang, đã cố tự tử hôm 30/11 vì uất ức về các biện pháp kỷ luật của nhà trường, nhưng em được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Theo lời chị Mai, 23 tuổi, chị của Y., các nguyên nhân làm em uất ức bao gồm: Thứ nhất, nhà trường làm trái quy định của sở giáo dục khi ép buộc nữ sinh phải học thêm 5 môn; thứ hai, nhà trường vu oan rằng Y. “gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình” cũng như “gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo”; và thứ ba là áp dụng các hình thức kỷ luật quá đáng.
Chị Mai khẳng định Y. là học sinh giỏi và ngoan từ lớp 6 đến lớp 9 nên không cần học thêm, song cô giáo ép buộc Y. phải học thêm 5 môn với lý do “bạn nào cũng như vậy hết”.
Bên phía cô chủ nhiệm vẫn dằn vặt bé, vẫn tra tấn tinh thần bé, kêu bé ra để nói chuyện lớn tiếng, bắt làm tờ tự kiểm để đọc trước toàn trường, như vậy là tra tấn tinh thần bé nữa. Rồi các cô nói sẽ đưa bé ra hội đồng kỷ luật ... làm bé hoang mang lo sợ, bé khóc rất là nhiềuChị Lê Thị Ngọc Mai
Về việc Y. bị kỷ luật, chị Mai nói gia đình “không biết như thế nào, bé Y. vi phạm những lỗi gì” mà nhà trường bắt nữ sinh phải đi lao động vào sáng sớm từ 6h30 đến 6h50 trong 1 tháng, mặc dù gia đình đã đề nghị nhà trường thông cảm vì Y. bị hen suyễn và từng bị gãy tay.
Hơn nữa, chị Mai cho rằng nhà trường càng quá quắt hơn khi đọc thông báo kỷ luật nêu tên Y. trước toàn trường, gây áp lực tinh thần rất lớn cho nữ sinh. Sự việc chưa dừng lại khi các cô giáo còn tìm cách bắt Y. phải viết 1 bản tự kiểm và đọc trước toàn trường. Chị Mai cho biết thêm:
“Bên phía cô chủ nhiệm vẫn dằn vặt bé, vẫn tra tấn tinh thần bé, kêu bé ra để nói chuyện lớn tiếng, bắt làm tờ tự kiểm để đọc trước toàn trường, như vậy là tra tấn tinh thần bé nữa. Rồi các cô nói sẽ đưa bé ra hội đồng kỷ luật. Một học sinh mà nghe nói đến hội đồng kỷ luật thì rất là sợ. Cái đó ảnh hưởng tâm lý của bé rất là nhiều, làm bé hoang mang lo sợ, bé khóc rất là nhiều”.
Bất bình về việc nhà trường đẩy em gái mình đến chỗ phải tự tử, hôm 5/12, chị Mai làm đơn tố cáo các lãnh đạo nhà trường gửi đến Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh An Giang, Công an và Viện Kiểm sát thị xã Tân Châu.
Trong đơn, chị Mai cáo buộc ông Nguyễn Việt Hùm, hiệu trưởng; bà Nguyễn Ngọc Hạnh, hiệu phó; và bà Huỳnh Thị Thu Huệ, chủ nhiệm lớp của nữ sinh Y. là những người đã kỷ luật oan em, cũng như xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của em, dẫn đến việc em quẫn trí và suýt mất mạng.
Vào ngày 6/12, giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo An Giang ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Hùm, hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương, và bà Hạnh, phó hiệu trưởng, trong thời gian 15 ngày, kể từ 7/12, các báo trong nước như Lao Động, Zing News đưa tin.
Tất cả đều xuất phát từ việc ép buộc học sinh học thêm để kiếm tiền. Đây là lòng tham của các nhà giáo, là một thứ tội lỗi của những người mặc áo nhà giáo ... Tất cả đều là bệnh tham lam của những người đã hoặc đang còn mặc áo nhà giáoThầy giáo Đỗ Việt Khoa
Quyết định của sở viết rằng nhà trường có các sai sót gồm: Tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng quy định khi dạy thêm, học thêm đại trà cho tất cả học sinh theo lớp chính khóa; và nhà trường có hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành giáo dục, vẫn theo các báo trong nước.
Không lâu sau khi sự việc em Y. tự tử và được đưa đi cấp cứu, cộng đồng mạng phát hiện thấy một chủ tài khoản có tên “Yêu Màu Tím”, được cho là của bà Huệ, chủ nhiệm lớp của nữ sinh Y., đăng lên mạng xã hội Zalo những lời lẽ bị xem là “mỉa mai”, “châm chọc”, “hèn hạ” về em Y.
Quyết định về kỷ luật của Sở Giáo dục-Đào tạo An Giang giao trách nhiệm cho lãnh đạo tạm quyền của trường Vĩnh Xương xác minh xem bài viết trên Zalo có đúng của bà Huệ không, và từ đó có hình thức xử lý phù hợp.
Chị Mai cho VOA biết về phản ứng của gia đình đối với các động thái của cơ quan chức năng:
“Hiện tại gia đình tôi dồn hết tất cả thời gian, tâm trí cho sức khỏe của bé là đầu tiên. Còn việc xử lý các thầy cô như thế nào, thì gia đình tôi tin tưởng các cơ quan chức năng sẽ lấy lại công bằng cho bé. Gia đình rất tin tưởng vì các cơ quan chức năng sẽ rất công bằng”.
Mặc dù chị Mai suýt mất đi người em gái song chị nói với VOA rằng chị không muốn phán xét ngành giáo dục vì tuy có những giáo viên xấu song vẫn còn nhiều giáo viên rất tốt, được học sinh tôn trọng.
Trong khi đó, qua quan sát dư luận Việt Nam thể hiện trong các diễn đàn trên Facebook có tổng cộng hàng trăm ngàn thành viên, gồm Nhật Ký Yêu Nước, Báo Sạch, Góc Nhìn Báo Chí-Công Dân, VOA nhận thấy nhiều người coi vụ tự tử hụt của nữ sinh Y. là một chỉ dấu nữa cho thấy nền giáo dục Việt Nam ngày càng mục ruỗng.
Rất nhiều người dẫn ra kinh nghiệm bản thân là học sinh hoặc phụ huynh khẳng định rằng bản chất của vụ việc là nhà trường bắt ép học sinh học thêm để kiếm tiền, và khi học sinh chống đối, nhà trường dùng mọi thủ đoạn để trấn áp.
Thầy Đỗ Việt Khoa, nhà giáo từng nổi tiếng về chống tiêu cực trong ngành giáo dục, xác nhận rằng tình trạng đó xảy ra ở nhiều trường học. Ông nói với VOA:
“Tất cả đều xuất phát từ việc ép buộc học sinh học thêm để kiếm tiền. Đây là lòng tham của các nhà giáo, là một thứ tội lỗi của những người mặc áo nhà giáo. Họ biến nghề dạy học thành một nơi để kiếm tiền. Bên cạnh học thêm, nhiều trường còn vẽ ra các khoản tiền thu trái phép, ngoài quy định. Hiện tượng này cực kỳ phổ biến. Tất cả đều là bệnh tham lam của những người đã hoặc đang còn mặc áo nhà giáo”.
Đặc tính chung của các quan chức bây giờ là tham nhũng các kiểu, bao che cho nhau sai phạm. Do đó, họ không bao giờ xử lý sai phạm đó. Cho nên, tôi nói thật, chấm dứt tình trạng đó gần như là bất lực trong chế độ hiện nay.Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Theo thầy Khoa, tình trạng này đã kéo dài ít nhất 15 năm và càng trở nên trầm trọng hơn do các cấp quản lý ở Việt Nam “cũng tham lam” và “làm ngơ”.
Với hiểu biết về chính ngành của mình và về cơ cấu quyền lực ở Việt Nam, thầy Khoa nhận định rằng hầu như không có hy vọng sửa chữa nạn ép học sinh học thêm nói riêng và các vấn đề khác trong ngành giáo dục nói chung.
Giải thích về quan điểm của mình, thầy Khoa nói:
“Đặc tính chung của các quan chức bây giờ là tham nhũng các kiểu, bao che cho nhau sai phạm. Do đó, họ không bao giờ xử lý sai phạm đó. Cho nên, tôi nói thật, chấm dứt tình trạng đó gần như là bất lực trong chế độ hiện nay. Không thể chấm dứt được, bởi vì chúng ta đang thiếu những người có tư cách để làm lãnh đạo. Đấy là cái khó nhất của Việt Nam hiện nay. Mục ruỗng không thể tưởng tượng nổi cái sự trơ trẽn của cả một bộ máy”.
Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ đau xót rằng so với khi thống nhất đất nước vào năm 1975, ngành giáo dục Việt Nam hiện tại, đặc biệt là ở miền nam, đã xuống cấp nghiêm trọng dường như đến mức không thể cứu vãn nổi.