Liệu có nguy cơ án chồng án trong vụ Phạm Đoan Trang?
Luật sư Đặng Đình Mạnh vừa làm thủ tục đăng ký bào chữa cho bà Phạm Đoan Trang tại Cơ quan An ninh Điều tra TP Hà Nội cùng với bản kiến nghị về thẩm quyền vụ án.
Theo thông tin của Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra TP Hà Nội khởi tố bà Trang tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 1999 và tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt" theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Theo đánh giá của luật sư bào chữa cho bà Phạm Đoan Trang, đây là tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia thường có chế tài rất nặng, mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù giam kèm theo hình phạt bổ sung là chịu quản chế từ 1 - 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt chính.
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 12/10, luật sư Đặng Đình Mạnh nói:
"Thông thường, theo quy định, trong vòng 24 giờ, luật sư sẽ được cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Nhưng những vụ án như của Trang thuộc vào nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, cơ quan tiến hành tố tụng có thể căn cứ vào việc giữ bí mật công tác, chỉ chấp thuận để luật sư tham gia vụ án, tiếp xúc với thân chủ và tiếp cận hồ sơ khi đã kết thúc giai đoạn điều tra vụ án."
Sáng 12/10, Facebook của Phạm Đoan Trang, được cho là do một người được bà ủy quyền quản lý, thông báo gia đình đã gửi được quà (đồ dùng cá nhân, quần áo và tiền) vào trại tạm giam số 1 ở Hà Nội cho bà Trang nhưng vẫn chưa được gặp mặt.
Bà Phạm Đoan Trang ký nhận gì trong hình?
Vài ngày sau khi bà Phạm Đoan Trang bị bắt, trên một số trang thông tin xuất hiện hình ảnh bà làm việc tại cơ quan điều tra. Một vài người phỏng đoán rằng đây là hình ảnh chứng minh bà Trang đã ký nhận tội. Một luồng ý kiến khác nói rằng việc công bố hình ảnh bà Trang bị còng tay là sự răn đe đối với những người bất đồng chính kiến.
Về những bức hình được lan truyên trên mạng, ông Mạnh cho rằng đây có thể chỉ là ảnh bà Trang đang ký xác nhận biên bản niêm phong/hoặc mở niêm phong vật dụng bị thu giữ trong quá trình bắt giữ.
Lý giải thêm, luật sư Đặng Đình Mạnh nói:
"Lúc này chưa thể biết nhiều về nội dung bức ảnh về cô Đoan Trang. Trong trường hợp cô ấy đã thừa nhận tội tại cơ quan điều tra, thì chúng ta tin rằng clip nhận tội sẽ sớm xuất hiện trên đài truyền hình chính thức của nhà nước. Nhưng đến nay đã là một tuần lễ sau ngày bị bắt giữ, vẫn chưa xuất hiện thông tin dạng đó, thì có lẽ cô Đoan Trang đã không cho rằng mình có hành vi phạm pháp để nhận tội."
Trong lá thư để lại trước lúc bị bắt, bà Trang nói rằng mình sẽ không nhận tội mà chỉ thừa nhận hành vi, cụ thể là việc viết sách và việc muốn xóa bỏ chế độ độc tài tại Việt Nam.
Luật sư Mạnh phân tích với BBC:
"Về việc thừa nhận hành vi chứ không nhận tội trong lá thư để lại, Trang không nghĩ những hành vi đó là phạm pháp. Trong chừng mực nào đó, cô ấy nghĩ mình đang thực hiện quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp quy định. Vì vậy, lá thư Trang để lại đó không gây trở ngại hay khó khăn gì cho luật sư cả."
Luật sư lý giải: "Cần phân biệt việc thừa nhận tội và thừa nhận hành vi. Cùng với việc thừa nhận hành vi, nhiều người cho rằng đã nhận tội. Trường hợp của Trang, cô ấy thừa nhận mình là tác giả của những cuốn sách như Phản kháng phi bạo lực, Chính trị bình dân hay mới đây là Báo cáo Đồng Tâm. Nhưng cô ấy cho đó là những quyền mà công dân được làm theo hiến pháp. Trong chừng mực đó, cô ấy cho rằng mình không vi phạm pháp luật mà Cơ quan điều tra đang truy tố."
Bên cạnh đó, ông Mạnh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận tội trong những vụ án liên quan đến tội danh xâm phạm an ninh quốc gia.
"Vụ án có sự quan tâm rộng rãi của công chúng thì việc nhận tội của những người bị bắt giữ, nhất là ở giai đoạn của những ngày đầu bị bắt giữ là hết sức quan trọng và có ý nghĩa. Vì lẽ, điều đó giúp cơ quan điều tra chứng minh việc bắt giữ và khởi tố vụ án là hoàn toàn đúng đắn. Thậm chí, chính bị can cũng đã phải tâm phục, khẩu phục qua việc thừa nhận tội", ông Mạnh viết trên Facebook cá nhân.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền nói với BBC News Tiếng Việt hôm 15/1 rằng, chính quyền Việt Nam có thể đã học từ Trung Quốc hình thức thú tội trên truyền hình, và thời gian gần đây đã sử dụng chiêu thức này ngày càng nhiều hơn.
Với kịch bản này, trong vụ án Đồng Tâm, ngày 13/1, ba người dân thôn Hoành đã nhận tội sau biến cố cảnh sát đem quân vào làng Hoành hôm 9/1.
Năm 2018, Will Nguyễn - một nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt - cũng 'thú tội trên truyền hình' sau khi bị bắt trong thời điểm nổ ra cuộc biểu tình phản đối dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng TP HCM.
Năm 2017, ông Trịnh Xuân Thanh bỗng xuất hiện 'thú tội' trên truyền hình, liên quan tới vụ tham nhũng trong ngành dầu khí, sau khi có tin ông đang trốn ở Đức. Những nhà bất đồng chính kiến như luật sư Lê Văn Đài và luật sư Lê Công Định trước đó cũng nhận tội trên truyền hình.
Nguy cơ hai bản án cho cùng hành vi?
Cơ quan An ninh điều tra TP Hà Nội khởi tố về tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự năm 1999 và tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt" theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Trước hai tội danh này, không ít người băn khoăn, quan ngại vì tính chất phạm tội là một nhưng bà Trang có thể đối mặt nguy cơ lãnh án từ cả hai tội danh.
Về điều này, luật sư Đặng Đình Mạnh nói với BBC News Tiếng Việt:
"Điều 88 BLHS 1999 và Điều 117 BLHS 2015 là hai điều luật của hai văn bản luật có trước và có sau. Nhưng thực ra nội dung của cả hai chỉ là một tội danh. Tuy khác nhau về tên gọi và một số điều nhưng nó vẫn là một. Hình phạt ở điều 117 BLHS năm 2015 có một khoản nặng hơn."
"Về lý thuyết thì sẽ cộng từ hai tội. Thực tế sẽ không rõ vì tội danh này mơ hồ, chỉ có định tính mà không có định lượng. Các hành vi của Trang kéo dài từ trước ngày này cho đến nay. Trong khi đó, ngày 1/1/2018 thì luật mới mới có hiệu lực. Theo đó, những hành vi trước ngày 1/1/2018 phải áp dụng luật cũ. Những hành vi sau ngày 1/1/2018 phải áp dụng luật mới. Nếu luật mới và luật cũ hình phạt không thay đổi, thì áp dụng luật mới. Nhưng luật mới có khoản có hình phạt cao hơn luật cũ thì áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can", ông Mạnh giải thích.
Hồi tháng 6, gia đình nhà hoạt động Trịnh Bá Phương gồm ông và em trai là Trịnh Bá Tư cùng mẹ là Cấn Thị Thêu cũng bị bắt tạm giam để điều tra theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Ông Mạnh nói thêm, luật sư bào chữa cho các vụ án thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia thường không tán thành điều luật này.
"Phạm vi của việc thực hiện quyền tự do ngôn luận với việc vi phạm Điều 88 BLHS 1999 và Điều 117 BLHS 2015 hết sức mù mờ. Cơ quan điều tra chỉ ra đâu là ranh giới thì có thể nói đó là đánh giá hoàn toàn chủ quan. Ranh giới mù mờ này cũng là điều gây khó khăn trong quá trình bào chữa."
"Tuy không tán thành và chúng tôi vẫn có kiến nghị nên sửa đổi hoặc hủy bỏ nó đi, nhưng trong trường hợp điều luật vẫn đang có hiệu lực pháp luật, trong chừng mực nào đó, điều luật này đi ngược lại quyền tự do ngôn luật của Hiến pháp. Cái lý của các luật sư trong trường hợp này là hành vi của những người như cô Trang là không vi phạm điều luật khi căn cứ vào Hiến pháp. Hiệu lực pháp lý của Hiến pháp cao hơn BLHS. Văn bản có hiệu lực pháp lý thấp hơn thì phải nhường quyền ưu tiên cho Hiến pháp", ông Mạnh lý luận.
Cũng là luật sư bào chữa trong vụ án Đồng Tâm, luật sư Mạnh chia sẻ:
"Phiên tòa Đồng Tâm có rất nhiều vấn đề về thủ tục tố tụng thì các luật sư chúng tôi chưa tán thành. Tuy vậy, đối với từng vụ án chúng tôi nhận, vẫn phải làm hết sức mình theo những tiêu chuẩn do luật pháp quy định. Dựa trên cơ sở mình đánh giá thế nào thì mình đặt ra yêu cầu, kiến nghị để nó vừa phù hợp với những quy định của pháp luật và bảo vệ được thân chủ của mình."
"Không phải vì một vài vụ án mình chưa hài lòng mà mình buông xuôi hay thỏa hiệp với những điều chưa đúng. Chúng tôi không có quan điểm như vậy trong việc bào chữa, và trường hợp cô Trang cũng như vậy", ông Mạnh nói.
0 comments