Sự thật về hồ sơ thuế của Donald Trump
Minh Pham
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã bước vào chặng nước rút cuối cùng. Như thông lệ, “Bất ngờ tháng 10” (October Surprise) - thành ngữ chỉ những sự kiện đột phá có khả năng tác động mạnh tới kết quả bầu cử - đã được cả 2 phe Cộng Hòa và Dân chủ tung ra ngay từ cuối tháng 9, và hứa hẹn sẽ còn gay cấn cho tới sát ngày bầu cử 3/11.
Phe Cộng hòa "nổ súng" trước với việc 2 Thượng nghị sỹ Cộng hòa tung ra hồ sơ 87 trang về những phi vụ làm ăn mờ ám ở Ukraine của Hunter Biden, quý tử của Joe Biden, trong thời gian ông cha làm Phó Tổng thống Mỹ dưới thời chánh quyền Obama. Scandal này vốn không có gì mới, thậm chí nó từng là cái cớ để Hạ viện (kiểm soát bởi Đảng Dân chủ) khởi động tiến trình đàn hặc Tổng thống hồi tháng 1, với lý do ông Trump đã sử dụng lá bài viện trợ để thúc ép chánh phủ Ukraine phải công bố thông tin làm ăn của nhà Biden ở công ty Burisma (Ukraine). Sau đàn hặc thất bại, scandal này cũng chìm xuồng rồi được "hâm nóng" lại khi ngày bầu cử đã cận kề, chỉ có điều, truyền thông thiên tả không mấy mặn mà với nó, dù lẽ ra đây phải là tin tức chiếm trọn trang bìa của mấy tờ nhựt trình.
Phe Dân chủ bắt đầu "phản công", với việc khui lại hồ sơ thuế của ông Trump, một chuyện cũ rích! The New York Times (NYT) lãnh ấn tiên phong với bài viết "Các hồ sơ che đậy lâu dài cho thấy các khoản lỗ kinh niên và việc tránh thuế của Trump", trong đó chỉ ra chiến lược "tránh thuế" bằng cách khai báo lỗ, khai phá sản trong suốt 2 thập niên qua của tập đoàn Trump. Bài viết cáo buộc Donald Trump chỉ phải đóng 750 USD tiền thuế thu nhập liên bang vào năm ông đắc cử tổng thống (2016), rồi trong năm đầu tiên ở Tòa Bạch Ốc (2017), ông cũng chỉ đóng thêm 750 USD. Trước đó, Trump đã không phải trả bất kỳ khoản thuế thu nhập nào trong 10/15 năm, phần lớn nhờ khai báo lỗ trong hoạt động kinh doanh.
Có 4 điều cần phải nói về bài viết này.
Thứ nhứt, như thường lệ, NYT lấy thông tin "nóng hổi" này từ nguồn tin mật/ẩn danh "đáng tin cậy". Trong khi hồ sơ thuế của Trump vẫn đang được kiểm toán, và không có ai liên lạc với Trump hay luật sư của ông trước khi công khai thông tin này.
Thứ hai, một điều đáng khen, là ngay ở tiêu đề bài viết, NYT đã sử dụng chánh xác thuật ngữ "tránh thuế" (tax avoidance), đủ để nói lên tất cả. Cần phải phân biệt giữa hai hành vi "tránh thuế" (tax avoidance) và "trốn thuế" (tax evasion). Cùng hướng tới mục tiêu đóng thuế ít nhứt có thể/giữ lại tiền kiếm được nhiều nhứt có thể, nhưng một bên (tránh thuế) lợi dụng kẻ hở pháp luật một cách hợp pháp, còn một bên (trốn thuế) thì lừa dối hệ thống pháp luật một cách bất hợp pháp. Trốn thuế là hành vi của bọn tội phạm, và dễ dàng để thực hiện. Còn tránh thuế là hành vi của người am hiểu pháp luật, và đòi hỏi sự tinh vi.
Thật vậy, Điều 26 của Bộ luật Hoa Kỳ (hay còn gọi là 'luật thuế') gồm 3,4 triệu từ với hơn 7.500 trang cỡ vừa. Một lần, khi được hỏi cảm nhận của mình về luật thuế thu nhập, khoa học gia lỗi lạc Albert Einstein đã trả lời: “Đây là một câu hỏi quá khó đối với một nhà toán học. Nó nên được đặt cho một triết gia.” Sau đó ông đã phải thuê kế toán riêng Leo Mattersdorf để khai thuế cho mình.
Phân biệt giữa tránh thuế và trốn thuế thì dân kinh doanh, làm ăn khắp nơi trên thế giới đều rành 6 câu, nếu không tin hãy hỏi Bill Gates (Microsoft), Warren Buffet (Berkshire Hathaway), Jeff Bezos (Amazon), Sergey Brin (Google) và vô số CEO/nhà sáng lập của các tập đoàn/công ty lớn nhỏ khác.
Thứ ba, dù đã dùng đúng từ "tránh thuế", nhưng NYT vẫn cố tình lập lờ nội dung để định hướng độc giả, nhiều người trong số này chỉ biết thù ghét Trump là chính chứ hoàn toàn không hiểu cách thức hệ thống thuế vận hành. Mọi tập đoàn lớn, bao gồm The Trump Organization, đều có nhân viên kế toán công chứng (CPA), và ký hợp đồng với các công ty kiểm toán độc lập cỡ Big Four (Deloitte, Ernst & Young, KPMG, PwC) hay các công ty kiểm toán uy tín tương tự để kiểm tra báo cáo tài chánh/kế toán hàng năm, đó là chưa kể Sở thuế vụ (IRS) sẽ ngẫu nhiên kiểm tra các báo cáo định kỳ hàng quý mà không cần phải thông báo trước. Nếu có gì mờ ám, bất thường hay bất hợp pháp thì Donald Trump đã bị IRS "sờ gáy" từ lâu, chứ dễ gì để yên suốt gần 2 thập niên qua để cho NYT & co. ngồi đó "suy luận", "phỏng đoán" đủ kiểu. Bản thân NYT hiểu rõ điều đó hơn ai hết khi đã từng tránh thuế thành công năm 2014 với việc không phải đóng 1 đồng thuế liên bang nào!
Donald Trump là một doanh nhân giàu có. Và những doanh nhân thường không trở nên giàu có bằng cách sẵn lòng trả nhiều tiền thuế hơn con số mà họ nghĩ rằng họ nợ. Ông ấy đã khấu trừ thuế hợp pháp, sử dụng những khoản lỗ và công việc kinh doanh sòng bạc để bù đắp thuế thu nhập liên bang của mình. Một cách hoàn toàn hợp pháp!
4. Cuối cùng, ai đó làm ơn hãy thôi đạo đức giả giùm đi! Bạn là kiểu người gì khi tìm mọi cách để tránh thuế trong khi ủng hộ việc đánh thuế lên người khác và lên án họ làm điều tương tự như bạn? Ai mà không muốn giữ lại càng nhiều càng tốt số tiền mà mình khó nhọc kiếm được, một cách hợp pháp và chánh đáng?
Nói về tránh thuế thì The Trump Organization phải kêu các Big Tech như Microsoft, Amazon, Google, Facebook là sư phụ. Những gã khổng lồ này đã sử dụng các hệ thống phức tạp để chuyển lợi nhuận trên giấy tới các thiên đường thuế thấp như Ireland, Luxembourg, Singapore, Puerto Rico. Bằng cách này, chỉ riêng Microsoft đã có thể tiết kiệm 3 tỷ USD tiền thuế mỗi năm, nó lộ liễu tới mức, một giáo sư luật Harvard đã chỉ ra rằng, lợi nhuận trước thuế năm 2011 của các chi nhánh Microsoft tại 3 quốc gia thuế thấp, với ít hơn 2.000 nhân viên, đã vào khoảng 9,4 tỷ bảng Anh, cao hơn nhiều so với mức tổng lợi nhuận của các chi nhánh toàn cầu khác của hãng, với hơn 88.000 nhân viên.
Warren Buffett, 1 trong số 10 người giàu nhứt thế giới, đã làm cách nào để đóng mức thuế thu nhập còn thấp hơn thư ký của mình? Công ty Berkshire Hathaway của ông có chiến lược hoãn thuế khôn ngoan khi hầu như không bao giờ đóng đủ thuế vào đúng kỳ hạn.
Không những vậy, Warren Buffett và người bạn chí thân Bill Gates còn chuyển tiền vào các quỹ từ thiện, các tổ chức phi chánh phủ để vừa tránh thuế tài sản, vừa được mang danh "nhà từ thiện", "nhà hảo tâm". Rồi cả hai lên báo "than vãn" là mình đang đóng thuế quá ít, rằng phải đánh thuế giới siêu giàu nhiều hơn nữa mới công bằng. Trong khi đâu có ai cấm hai ông tự nguyện cống hiến thêm tiền cho chánh phủ? Vậy thì kêu gọi đánh thuế người khác để làm gì trong khi thừa biết bản thân sẽ không mấy bị ảnh hưởng nhờ tài tránh thuế tài tình của mình? Đây mới gọi là vừa gian manh vừa đạo đức giả.
Nói tóm lại, như lời của cựu Thẩm phán nổi tiếng Billings Learned Hand: "Bất kỳ ai cũng có thể sắp xếp các thương vụ của mình sao cho thuế phải đóng càng thấp càng tốt; người đó không bị ràng buộc phải chọn hình thức trả tiền tốt nhất cho Ngân khố. Thậm chí không có cái gọi là nghĩa vụ yêu nước để tăng thuế của một người."
0 comments