Quan hệ Mỹ - Nga - Trung và vấn đề Biển Đông
Ngày đăng 14-09-2020
Phần lớn thời gian của thế kỷ XX là sự đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô, đại diện cho 2 phe Tư bản và Xã hội chủ nghĩa, thường được gọi là cuộc Chiến tranh Lạnh.
Cuộc chiến tranh Việt Nam là nơi đối đầu trực diện của hai phe. Mỹ ủng hộ Việt Nam Cộng hòa để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản có thể lan ra toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Trong cuộc chiến tranh này, Liên Xô ủng hộ Việt Nam với tinh thần quốc tế vô sản và là nước đứng đầu phe Xã hội chủ nghĩa, đồng thời đối kháng trực tiếp với Mỹ. Trung Quốc ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cũng tuyên bố là với tinh thần quốc tế vô sản nhưng với những mưu đồ riêng. Thứ nhất là thông qua cuộc chiến tranh ở Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ và ảnh hưởng của Mỹ đến Trung Quốc mà trực tiếp là ảnh hưởng đến Đài Loan.
Thứ hai, Trung Quốc muốn lợi dụng cuộc chiến tranh này coi Việt Nam như quân bài để mặc cả với Mỹ vừa để tiến tới bình thường hóa quan hệ Mỹ -Trung, chống lại Liên Xô. Trong thực tế mối bất hòa Xô-Trung đã diễn ra trong nhiều năm dù kinh tế quân sự đều kém hơn Liên Xô nhưng là nước đông dân hơn Liên Xô nhiều lần, Trung Quốc không muốn đứng ở vị trí thứ hai trong phe Xã hội chủ nghĩa.
Năm 1972, khi cuộc kháng chiến của Việt Nam ở vào thời điểm ác liệt nhất thì Trung Quốc công khai thỏa hiệp với Mỹ, mời Tổng thống Nixon sang thăm Trung Quốc để thực hiện âm mưu xâm chiến Biển Đông. Năm 1974, Trung Quốc bắt đầu việc đánh chiếm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng hòa quản lý. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam của Trung Quốc thất bại thì năm 1979 Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam.
Hành động xâm lược Việt Nam của Trung Quốc khiến cả thế giới ngỡ ngàng, các nước xã hội chủ nghĩa phẫn nộ. Nhân dân nhiều nước biểu tình phản đối Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam. Hành động xâm lược Việt Nam đã chứng tỏ Trung Quốc không còn tinh thần quốc tế vô sản đồng thời mở đầu cho sự rạn nứt và tư tưởng ly khai của một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Trước thực tế đó, Liên Xô và Việt nam đã ký hiệp ước hợp tác toàn diện để ngăn chặn các âm mưu tiếp theo của Trung Quốc.
Mỹ bắt đầu coi Trung Quốc là mắt xích quan trọng để làm suy yếu Liên Xô và tiến tới làm tan rã phe Xã hội chủ nghĩa. Ngược lại Trung Quốc lại mưu toan làm cho cả Liên Xô và Mỹ suy yếu, tiếp tục đẩy hai quốc gia này vào thế đối đầu.
Trung Quốc mặc cho Liên Xô và Mỹ can thiệp vào các cuộc xung đột ở một số nước, còn họ không tham gia. Điển hình như xung đột tại Afghanistan, hết Liên Xô rồi Mỹ bị sa lầy, thiệt hại nặng cả về người và của cải. Đến các cuộc xung đột vũ trang tại Iraq, Syria, Trung Quốc đều đứng ngoài.
Liên Xô tan ra, Mỹ không còn đối thủ và trở thành cường quốc số 1 thế giới. Trung Quốc càng ve vãn để Mỹ và các nước tư bản đầu tư tiền bạc và công nghệ vào Trung Quốc. Mỹ tưởng rằng không còn Liên Xô thì vị trí số 1 thế giới là vĩnh viễn đồng thời tưởng rằng lôi kéo và cảm hóa được Trung Quốc.
Mỹ không hề biết rằng với chiến lược “ẩn mình chờ thời” đợi khi đủ mạnh, Trung Quốc mới là thế lực đánh đổ Mỹ để giành lại vị trí cường quốc số 1 thế giới.
Trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới và đã đủ tiềm lực, Trung Quốc bắt đầu thách thức Mỹ. Trung Quốc chọn Biển Đông là nơi đối đầu trực diện với Mỹ. Năm 1984, Trung Quốc bắt đầu đánh chiếm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Nếu như ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc chỉ gây sự với Nhật Bản bằng việc tuyên bố chủ quyền ở đảo Điếu Ngư của Nhật Bản thì với các đảo của quần đảo Trường Sa, Trung Quốc thực hiện bằng quân sự, tấn công tiêu diệt và chiếm các đảo.
Liên Xô, sau này là Nga, lúc đó không đủ mạnh và cũng không muốn mất lòng Trung Quốc nên làm ngơ. Mỹ vì mối hận với Việt Nam và cũng muốn lôi kéo Trung Quốc nên không có phản ứng gì.
Trung Quốc ngày càng thách thức Mỹ bằng việc bồi đắp các đảo, biến thành các căn cứ quân sự án ngữ trực tiếp con đường từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương. Mỹ bắt đầu tỉnh ngộ nhưng dưới thời Cựu Tổng thống Obama cũng chỉ tuyên bố chuyển trục về châu Á – Thái Bình Dương.
Chỉ đến thời gian gần đây khi nguy cơ bị tuột mất vị trí số một thế giới và âm mưu thâm độc của Trung Quốc đã lộ rõ hoàn toàn, Tổng thống Trump mới chính thức tuyên bố phủ nhận tuyên bố chủ quyền 80% Biển Đông của Trung Quốc và đòi không được thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Biển Đông thực sự đã là nơi Trung Quốc chọn để thách đầu với Mỹ và cả nhiều nước khác như Nhật, Australia, Anh, Pháp…
Sau Pháp, Đức cũng đã bắt đầu tuyên bố về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để cùng với Mỹ ngăn chặn âm mưu điên cuồng của Trung Quốc.
Thế giới chắc chắn sẽ chứng kiến cuộc xung đột quyết liệt giữa Trung Quốc và các nước trên Biển Đông.
0 comments