Philippines lại lục đục
Trung Quốc là một tác nhân ảnh hưởng rõ nét đến chính quyền Philippines từ khi ông Duterte ngồi vào ghế tổng thống. Điều cụ thể, ai cũng thấy: tận tới thời điểm này, Trung Nam Hải vẫn đang khiến nội bộ Manila phân tán về quan điểm, chủ trương đối ngoại.
Trung Quốc khiến Philippines lục đục
Người Philippines hẳn không muốn thế, vì họ hiểu quá rõ, trước một Trung Quốc như một gã đô vật hung hãn, Philippines thực sự nhỏ bé và yếu ớt. Vậy nên, một khi thiếu đồng thuận giữa người dân và chính quyền, Philippines sẽ càng yếu hơn. Ông Duterte hẳn cũng chỉ muốn chính quyền trong nhiệm kỳ 6 năm của mình như “ba cây chụm lại”, để giữ được sự yên ổn và thống nhất.
Nhưng sự đời thật khó: Được cái này thì mất cái kia. Ngồi vào ghế tổng thống đúng vào thời điểm Tòa trọng tài PCA ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông với phần thắng thuộc về Philippines, cho dù Trung Quốc không công nhận phán quyết, ông Duterte vẫn có cơ phát huy lợi thế, nói chuyện đàng hoàng, sòng phẳng với Bắc Kinh. Vậy mà ông lại làm lờ đi chiến thắng có được sau 3 năm theo đuổi kiện cáo của chính quyền tiền nhiệm, để hy vọng đổi lại sự hữu hảo, hữu nghị, viện trợ kinh tế, hợp tác làm ăn với Trung Quốc.
Nhưng Manila đã nhầm: Nhỡn tiền, cái họ có được hóa ra chỉ là một thứ tựa như ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam đã tỉnh táo cảnh giác và kiên quyết lắc đầu: “Tình hữu nghị viển vông”. Trung Quốc, một mặt vừa ve vãn Philippines, mặt khác, vẫn giữ thói trịnh thượng nước lớn. Ngư dân Philippines vẫn bị tàu Trung Quốc đâm chìm; chiến hạm Philippines vẫn bị tàu Trung Quốc chĩa pháo đe dọa...
Trước thực tế phũ phàng của “tình hữu nghị viển vông” đó, Philippines không phân tán mới là lạ. Thậm chí, hơn cả sự phân tán, Trung Quốc còn đẩy chính giới Philippines đến chỗ lục đục, chỉ trích nhau.
Sự lục đục nội bộ chính quyền Philippines nóng lên từ giữa năm 2016; lên đỉnh điểm sau chuyến đi Bắc Kinh hồi cuối tháng 8/2019 của ông Duterte với thỏa thuận gác lại phán quyết của PCA để hợp tác khai thác dầu khí chung với Trung Quốc, sau khi ông Tập Cận Bình đánh tiếng dành cho Manila cổ phần kiểm soát liên doanh năng lượng ở Biển Đông.
Chưa nguôi vụ “Cỏ Rong” từng dẫn đến việc hàng trăm lá cờ Trung Quốc bị giẫm đạp, đốt cháy ở Manila, thỏa hiệp của Duterte với ông Tập Cận Bình một lần nữa khiến người Philippines phẫn nộ.
Về phía chính giới, gần như đồng thời, những nhân vật vai vế trong chính quyền, như Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr, Phó Tổng thống Leni Robredo Robredo, Phó Chánh án Tòa án Tối cao Antonio Carpio...cùng lên tiếng phản đối và cáo buộc ông Duterte đã có những hành vi ứng xử “đáng xấu hổ”, “cực kỳ vô trách nhiệm”; khẳng định rằng, dù là tổng thống, ông Duterte cũng “không có thẩm quyền đưa ra một tuyên bố bỏ qua phán quyết như vậy”...
Tưởng cùng với thời gian, mọi chuyện sẽ mờ dần, nội bộ sẽ bớt cãi cọ, căng thẳng. Nhưng không, Sau đúng một năm, tháng 9/2020 này, câu chuyện ứng xử thế nào với Trung Quốc lại quay trở lại, chi phối tác động vào hai nhân vật máu mặt trong chính quyền và cơ quan lập pháp.
Cụ thể, nhà lập pháp Philippines, Nghị sỹ Arlene Brosas, đã khó chịu ra mặt về “sự im lặng” của Philippines trước sự hiện diện và quân sự hóa liên tục của Trung Quốc ở Biển Đông, khi phàn nàn rằng: “Vẫn có những hoạt động quân sự hóa, vẫn có những đảo nhân tạo. Chúng tôi rất quan ngại về những gì Trung Quốc đang làm”.
Ông Arlene Brosas, cũng đưa ra lời cảnh báo về các trạm nghiên cứu mà Bắc Kinh xây dựng tại Quần đảo Trường Sa; khẳng định, điều đó không chỉ phá hoại hệ sinh thái biển, mà còn gạt ngư dân Philippines khỏi các ngư trường truyền thống của họ.
Liên quan điều này, thiết tưởng cũng nên nhớ lại, vào tháng 6/ 2020, ông Albert del Rosario, cựu ngoại trưởng nổi tiếng “rắn với Trung Quốc” thời chính quyền tiền nhiệm của ông Duterte, đã đề nghị tịch thu các tài sản của Nhà nước Trung Quốc tại Philippines để bồi thường cho việc đã ngang nhiên xây đảo nhân tạo khiến Biển Đông bị tàn phá với số tiền "nợ" có thể lên trên 10 tỉ USD.
Vậy nên, sự trở lại câu chuyện Trung Quốc xây đảo nhân tạo của nghị sĩ Brosas có ý nghĩa như hâm nóng dư luận. Thậm chí, ông nghị này còn trách rằng: “Nếu những điều này ngày càng gia tăng và các ông nói rằng chúng ta đang phòng vệ nhưng trên thực tế mọi thứ vẫn đang được tiếp diễn – xây dựng đảo nhân tạo, các cơ sở nghiên cứu hàng hải…, thì có vẻ như chúng ta chẳng làm được gì để đối phó với Trung Quốc dù chúng ta tuyên bố đó là Biển Tây Philippines”.
“Các ông” trong trường hợp này là ai? Còn là ai nữa ngoài các quan chức Bộ Quốc phòng.
Thế nên, sau ý kiến của ông Arlene Brosas, ông Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, đã phải hối hả lên tiếng, vừa có ý thanh minh, đồng thời, lại cũng như kêu gọi mọi người thể tất cho cái sự “lực bất tòng tâm” nên lực lượng vũ trang Philippines chẳng thể làm gì hơn trước Trung Quốc rằng: “quân đội Philippines không thể đi đến những hòn đảo này (các đảo nhân tạo Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép), bởi những năm gần đây chúng đã được trang bị các tên lửa hành trình chống hạm, hệ thống tên lửa đất đối không và các thiết bị làm nhiễu sóng radar”.
Mới thấy, ông tổng thống Philippines Duterte thật khổ sở, vì suốt 4 năm qua, gần như lúc nào cũng đau đầu vì cái sự “lục đục” của những chính khách trong chính quyền, cũng như trong hệ thống chính trị do những bất đồng thật khó hòa giải trong quan điểm, chủ trương về quan hệ với Trung Quốc.
0 comments