Đọc báo Pháp – 17/09/2020
Mỹ muốn quốc tế hóa mối đe dọa từ Hoa Vi – Anh Vũ
Trong các báo Pháp ra hôm nay, nhật báo kinh tế Les Echos tiếp tục chú ý đến quan hệ Mỹ – Trung nhưng trên một góc độ rộng hơn nhìn từ vụ Hoa Vi.
Trong bài phân tích có tựa đề « Hoa Vi : Tại sao Hoa Kỳ đã đi quá xa » tác giả Dani Rodrik, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế của trường John F. Kennedy School of Government thuộc Đại học Harvard, cho thấy, dù việc bảo vệ lợi ích của mình là chính đáng, nhất là trong lĩnh vực an ninh quốc gia, nhưng trong vụ Hoa Vi, người Mỹ đã lạm dụng áp đặt các chuẩn mực của mình đối với toàn thể các nước khác.
Tác giả nhận định : « Chế độ thương mại quốc tế hiện nay, được điều chỉnh bởi những luật lệ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và các thỏa thuận khác, không còn phù hợp nữa. Đó là các quy định được xây dựng chủ yếu cho một thế giới xe hơi, sắt thép, hàng dệt may chứ không phải cho một thế giới của dữ liệu thông tin, phần mềm và trí thông minh nhân tạo. Các quy định cũ không đủ để đối mặt với những thách thức mới của thời đại công nghệ ».
Tác giả nêu ra 3 thách thức chính : Thứ nhất về địa chính trị và an ninh quốc gia. Công nghệ số ngày nay cho phép các cường quốc xâm nhập mạng lưới công nghiệp, làm gián điệp mạng, thao túng truyền thông xã hội. Chính phủ Mỹ nhắm vào Hoa Vi vì sợ mối liên hệ của doanh nghiệp này với chính phủ Trung Quốc sẽ làm cho các thiết bị viễn thông của họ trở thành mối đe dọa an ninh. Thách thức thứ hai là về bảo vệ các dữ liệu cá nhân. Thứ ba là khía cạnh kinh tế. Các công nghệ mới tạo ưu thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp lớn chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Thêm vào đó một số chính sách của các chính phủ lại tạo cho các công ty những ưu đãi. Chẳng hạn như chủ trương giám sát dân của chế độ Bắc Kinh đã giúp cho các công ty Trung Quốc thu thập một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Việc này giúp họ có nhiều thuận lợi trong chinh phục thị trường thế giới về công nghệ nhận diện.
Trong bối cảnh đó, chính phủ Mỹ đã ngăn chặn Hoa Vi thôn tính các công ty Mỹ, hạn chế các hoạt động của công ty này tại Hoa Kỳ, truy cứu pháp lý đối với lãnh đạo cao cấp của Hoa Vi, gây áp lực với chính phủ nước ngoài để họ không hợp tác với công ty Trung Quốc. Gần đây chính quyền Mỹ cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho chuỗi cung ứng của Hoa Vi trên toàn thế giới.
Tác giả cho rằng dù hiện « có ít bằng chứng cho thấy Hoa Vi làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ không làm trong tương lai ».
Giáo sư Dani Rodrik khẳng định Mỹ có lý do an ninh quốc gia để cấm Hoa Vi, nhưng lệnh cấm của Mỹ gây tác hại kinh tế đến các nước khác. Bài viết khẳng định : « Hoa Kỳ có quyền tự do đóng cửa thị trường của mình với Hoa Vi, nhưng nỗ lực của họ nhằm quốc tế hóa các áp lực trong nước mình là không chính đáng. Vụ Hoa Vi là dấu hiệu báo trước một thế giới mà ở đó an ninh quốc gia, tôn trọng đời tư và các vấn đề kinh tế tác động lẫn nhau một cách phức tạp. Điều tốt nhất mà chúng ta mong đợi là chắp vá những quy định, dựa trên các luật lệ cơ sở rõ ràng giúp các nước vẫn theo đuổi lợi ích quốc gia căn bản mà không phải xuất khẩu vấn đề của mình sang nước khác ».
Cuba chống virus corona bằng bàn tay sắt
Về chủ đề dịch Covid-19. Le Figaro có bài phóng sự đáng chú ý về cách phòng chống dịch của Cuba, hòn đảo Cộng Sản nằm sát cạnh nước Mỹ, đang là tâm dịch thế giới.
Bài phóng sự mang tựa đề « Cuba thời virus corona » cho thấy chế độ xã hội chủ nghĩa Cuba đã huy động quân đội, cảnh sát cùng hợp lực với các nhân viên y tế để chống dịch thế nào. Đó là các biện pháp cứng rắn, bắt buộc toàn dân đeo khẩu trang, theo dõi chặt chẽ du khách nước ngoài. Thế nên, từ đầu mùa xuân đến nay, cuộc chiến chống dịch của Cuba đã thu được thành công rõ rệt.
Bài báo cho biết, ngay từ đầu đại dịch, chính quyền Cuba đã tuyên truyền cho dân chúng nhất quán về nguyên nhân khủng hoảng dịch này. Virus Corona không phải đến từ Trung Quốc mà là từ các du khách nước ngoài đến thăm hòn đảo. Người ta quên rằng mỗi năm có tới 600 nghìn người Cuba tới Panama, Haiti hay Guyana để mua hàng về bán lại trong nước. Người nước ngoài làm lây truyền Covid trên hòn đảo đã in sâu vào ý nghĩ người Cuba. Một cựu binh từng chiến đấu ở Angola còn quả quyết với phóng viên của Le Figaro rằng « virus đến từ Hoa Kỳ ».
Về cách quản lý khủng hoảng dịch, theo tác giả, từ 6 tháng nay, Cuba dựa vào Lực lượng vũ trang Cách mạng để kiểm soát dịch. Binh sĩ quân đội, cảnh sát được huy động tổng lực.
Quân đội tham gia tẩy trùng đường phố. Cảnh sát theo dõi giãn cách xã hội, đeo khẩu trang. Từ giữa tháng Tư chính quyền thủ đô La Habana đã cho ngừng hoạt động giao thông công cộng, ban hành giới nghiêm. Đeo khẩu trang là bắt buộc ở khắp nơi, từ trong không gian khép kín đến ngoài khu công cộng, thậm chí cả trong những chiếc xe Lada cũ rích.
Cảnh sát có mặt ở khắp nơi để buộc người dân tôn trọng quy định, nếu không sẽ bị phạt với mức tiền tương đương với nhiều tháng lương trung bình. Ngay từ tháng 3, chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã đeo khẩu trang đọc diễn văn trên truyền hình, cũng như các phát thanh viên người dẫn chương trình truyền hình.
Các nhân viên y tế được huy động tổng lực hàng ngày đến các khu phố để truy tìm các ca nghi nhiễm. Sau khi đạt không còn ca nhiễm hồi giữa tháng 7, các biện pháp hạn chế được nới lỏng ở La Habana, nhưng đến tháng 8 Covid-19 trở lại thủ đô và thế là thành phố lại bị giới nghiêm cho đến 30/09. Tất cả các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm đều được đưa thẳng đi cách ly tập trung.
Bài phóng sự cho biết, do kinh tế kiệt quệ, hệ thống hạ tầng cơ sở y tế bị xuống cấp, tình trạng quá tải đã xảy ra ngay từ khi số ca nhiễm chưa phải là nhiều. Tuy nhiên chính quyền vẫn tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ của hòn đảo khá hùng hậu, vốn vẫn là lực lượng lao động xuất khẩu chủ yếu của Cuba trong nhiều năm qua.
Bài phóng sự cho biết, về kinh tế, Cuba trong tình trạng thảm họa, nhưng tình hình y tế lại khá hài lòng. Cuba ghi nhận 4700 ca nhiễm và 108 trường hợp tử vong. Hòn đảo hy vọng chế được riêng cho mình vac-xin phòng virus corona mang tên Soberana 1 mà kết quả thử nghiệm lâm sàng sẽ được công bố vào tháng 2 năm tới.
Pháp chấp nhận sống chung với Covid
Vẫn liên quan đến Covid 19, nhưng tại Pháp, nơi tình trạng lây lan của virus đang trở lại đáng báo động trong nhiều ngày qua, với mỗi ngày lên tới trên dưới 10 nghìn ca nhiễm. Trước nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ 2 đang đến gần, chính phủ Pháp đã thay đổi cách phòng chống dịch một cách căn bản.
Chủ đề được Le Monde chạy tựa trên trang nhất: « Covid 19: Tại sao Macron thay đổi chiến lược ». Le Monde cho biết sau cuộc họp kín của Hội đồng Quốc phòng y tế hôm 11/09 chính phủ Pháp đã có thay đổi lớn trong cách quản lý dịch virus corona. Để đối phó với làn sóng dịch quay trở lại, tổng thống Pháp từ chối đưa ra những biện pháp ràng buộc hạn chế như Hội đồng Khoa học đã khuyến cáo, trong đó có khả năng phải trở lại phong tỏa dân cư, đóng cửa một số hoạt động kinh tế. Ông Emmanuel Macron cũng dập tắt ngay các đề xuất của bộ trưởng Y Tế manh nha định cho đóng cửa các quán bar nhà hàng ở hai thành phố lớn Marseille và Bordeaux, hai điểm nóng virus lây lan hiện nay của Pháp. Chiến lược của chính phủ giờ đây là « sống cùng virus », trao quyền cho từng địa phương quyết định tùy theo tình hình thay vì phải phong tỏa toàn quốc trở lại.
Le Monde ghi nhận, sự quay ngoắt trong sách lược phòng chống dịch này gây khó hiểu trong dư luận và không ít người trong giới chính trị. Theo Le Monde, ngoài áp lực về kinh tế, sự lựa chọn của ông Macron chứa đựng lo lắng đông đảo người dân Pháp sẽ không chấp nhận lại bị đảo lộn cuộc sống vì các biện pháp phòng dịch hà khắc, làm bùng lên làn sóng chống đối chính phủ trong xã hội. Cũng cần biết thêm, theo các cuộc thăm dò dự luận gần đây, 62% dân Pháp không tin vào chính phủ trong cuộc chiến chống dịch.
Tin tổng hợp
(AFP) – Ngoại trưởng Hàn Quốc công du Việt Nam.
Hôm nay, 17/09/2020, ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đến Việt Nam trong chuyến công du hai ngày. Mục tiêu chính là thảo luận với Việt Nam tìm kiếm một thỏa thuận với Hà Nội, về việc giảm nhẹ các quy định, cho phép lao động nhập cư vào quốc gia đối tác dễ dàng hơn. Đây là lần thứ hai ngoại trưởng Hàn Quốc công du nước ngoài kể từ đại dịch, lần đầu tiên là tới Đức.
(Yonhap) – ASEAN kêu gọi hai miền Triều Tiên và Mỹ nối lại đàm phán.
Hôm nay, 17/09/2020, bốn ngày sau hội nghị các ngoại trưởng ASEAN mở rộng (từ 09 đến 12/09/2020), qua cầu truyền hình, với sự tham gia của ngoại trưởng Hàn Quốc, khối ASEAN đã ra một tuyên bố chung kêu gọi Seoul, Bình Nhưỡng và Mỹ nhanh chóng nối lại đối thoại, về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Bắc Triều Tiên cử đại sứ tại Indonesia tham gia vào đợt hội nghị của ASEAN lần này. Điểm đáng chú ý năm nay là Bình Nhưỡng đã không nhắc đến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cũng không đả kích Mỹ. Theo giới quan sát, đây là điều hiếm khi xảy ra.
(ABC news) – Việt Nam mở lại một số các chuyến bay sang nhiều nước Á châu .
Sau nhiều tháng bị gián đoạn vì dịch Covid-19, các chuyến bay của hãng Vietnam Airlines đến Nhật Bản sẽ hoạt động lại kể từ ngày mai 18/09/2020. Cuối tháng 9, đến lượt tập đoàn hàng không giá rẻ VietJet lại có các chuyến bay sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Cam Bốt và Lào. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, vé ưu tiên dành cho các người mang hộ chiếu Việt Nam, cho các quan chức ngoại giao, chuyên gia, doanh nhân …
(RFI) – OCDE : Kinh tế thế giới sẽ không suy thoái nặng nề như dự kiến trước đây.
Trong dự báo công bố hôm qua, 16/09/2020, Tổ Chức Hơp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE, ước tính là mức suy thoái kinh tế thế giới chỉ là 4,5% của GDP toàn cầu vào năm nay, thay vì 6% như dự báo trước đây. Trung Quốc và Hoa Kỳ chống chọi tốt hơn những nước khác, với Trung Quốc là nước duy nhất trong nhóm G20 có được tăng trưởng là 1, 8%.
(AFP) – Mỹ công bố kế hoạch phát triển Hải Quân để đối phó với đe dọa Trung Quốc.
Hôm qua, 16/09/2020, trong một phát biểu tại California, lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ Mark Esper đã công bố kế hoạch đầy tham vọng, sẽ chi thêm hàng chục tỉ đô la, từ đây đến năm 2045, nâng số lượng tàu chiến, tàu ngầm, chiến đấu cơ trong lực lượng hải quân, sẵn sàng đáp trả các thách thức gia tăng và duy trì ưu thế quân sự với Trung Quốc. Hải Quân Mỹ sẽ có nhiều chiến hạm, nhưng với kích thước nhỏ hơn, nhiều tầu ngầm hơn. Phương thức tác chiến cũng sẽ có nhiều thay đổi. Một trong các ưu tiên của Hải Quân Mỹ là tiến hành tấn công từ khoảng cách xa với độ chính xác cao.
(AFP) – Boeing và Cục Hàng Không Liên Bang Hoa Kỳ đã có những “thiếu sót nghiêm trọng về mặt kỹ thuật và trách nhiệm”,
trong hai tai nạn máy bay 737 MAX hồi năm 2018 và 2019. Sau 18 tháng điều tra, Quốc Hội Mỹ trong báo cáo được công bố hôm 16/09/2020, nghiêm khắc quy trách nhiệm cho tập đoàn sản xuất máy bay Hoa Kỳ và cơ quan FAA về hai vụ tai nạn của hãng hàng không Lion Air hồi tháng 10/2018 và của tập đoàn hàng không Ethiopia hồi tháng 3/2019. Thêm vào đó Boeing bị cáo buộc trong cuộc chạy đua kiếm lời đã xem nhẹ yếu tố an toàn, che giấu một số thông tin quan trọng với cơ quan chức năng để những chiếc Boeing 737 Max được phép bay. Từ sau tai nạn của hãng hàng không Ethiopia, toàn bộ những chiếc Boeing 737 Max bị chôn chân trên mặt đất.
(AFP) – Tị nạn : Ý hoan nghênh Liên Âu hủy bỏ quy chế Dublin.
Hôm nay, 17/09/2020, thủ tướng Ý Giusepp Conte cho biết ông « rất hài lòng » với quyết định mà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu thông báo hôm qua. Theo Ý, đây là một « bước ngoặt » trong chính sách tiếp nhận người tị nạn tại châu Âu. Thỏa thuận Dublin được coi là rất bất lợi cho các quốc gia « tuyến đầu », như Ý, trong việc tiếp nhận người tị nạn, chủ yếu đến từ các quốc gia bờ nam Địa Trung Hải hoặc Trung Cận Đông.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200917-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 17/9:
Ông Esper: Mỹ có nhiều liên minh,
Trung Quốc thì không
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (17/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ông Esper: Mỹ có nhiều liên minh, Trung Quốc thì không
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper hôm thứ Tư (16/9) đã nhắc lại sự cần thiết phải xây dựng một liên minh an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh đất nước của ông phải tập trung nhiều hơn vào hợp tác đa phương hơn là liên minh song phương, theo Yonhap.
Phát biểu trong một cuộc hội thảo do Tập đoàn RAND của Mỹ tổ chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết các liên minh song phương của nước này với các quốc gia ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tạo ra một tài sản có giá trị, không mất nhiều chi phí để ngăn chặn xung đột với Trung Quốc hoặc Nga.
“Tôi nghĩ rằng một trong những lợi thế lớn nhất mà chúng ta có khiến các quốc gia như Nga và Trung Quốc phải trả giá là mạng lưới liên minh và đối tác mạnh mẽ của chúng ta. Họ gần như không có và chúng ta thì có rất nhiều”, ông Esper nói trong buổi hội thảo được phát trực tuyến.
“Khi Trung Quốc phải nghĩ về một cuộc xung đột tiềm tàng với Hoa Kỳ, nó không thể chỉ nghĩ về Hoa Kỳ. Nó phải nghĩ về Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng với Úc và Hàn Quốc, Singapore và bất cứ quốc giao nào khác”, ông Esper nói thêm.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thăm Đài Loan
Hôm thứ Tư (16/9), Hoa Kỳ thông báo rằng họ sẽ cử thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Keith Krach, đến dự lễ tưởng niệm cựu tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy, người mới qua đời và được tôn vinh là “cha đẻ của nền dân chủ” Đài Loan, theo SCMP.
Lễ tưởng niệm ông Lý dự kiến diễn ra vào thứ Bảy (19/9). Bộ Ngoại giao Đài Loan thông báo rằng ông Krach sẽ đến Đài Bắc vào thứ Năm.
SCMP đánh giá, chuyến thăm của ông Keith Krach tới Đài Loan chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh khó chịu. Vào tháng trước Bộ trưởng Y tế và Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar cũng đã có chuyến thăm Đài Loan.
Mỹ lên án ĐCSTQ bao che tin tặc
Hôm thứ Tư (16/9), Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã công bố cáo buộc chống lại 5 tin tặc Trung Quốc và 2 tin tặc Malaysia vì những tin tặc này đã thực hiện hơn 100 vụ tấn công mạng ở Mỹ và các nơi khác, bao gồm các công ty viễn thông, trường đại học, tài khoản của các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và các chính trị gia Hồng Kông, SCMP đưa tin.
Những tin tặc người Malaysia đã bị chính quyền Malaysia bắt giữ hôm thứ Hai (14/9). Bộ Tư pháp cho biết những tin tặc Trung Quốc hiện đang ở Trung Quốc.
“Bộ Tư pháp đã sử dụng mọi công cụ có sẵn để ngăn chặn các cuộc xâm nhập máy tính bất hợp pháp và các cuộc tấn công mạng của những công dân Trung Quốc này”, Phó Tổng chưởng lý Jeffrey A. Rosen cho biết trong một tuyên bố.
Chuyên gia: Tới 2022 thế giới mới trở lại thời trước Covid
Một nhà khoa học hàng đầu tại Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng có ít khả năng cho phép thế giới trở lại với cuộc sống không có virus Vũ Hán vào thời gian trước năm 2022, theo bản tin hôm thứ Tư (16/9) của Fox News.
“Cách mà mọi người đang hình dung là vào tháng 1/2021, bạn có vắc xin cho toàn thế giới và mọi thứ sẽ bắt đầu trở lại bình thường”, nhưng đó chỉ là tưởng tượng, Giám đốc khoa học của WHO, bà Soumya Swaminathan, nói với SCMP.
Bà Swaminathan chỉ ra rằng mốc thời gian thực tế nhất cho phép triển khai vắc-xin COVID-19 là vào giữa năm 2021 và việc tiêm chủng sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều và việc đeo khẩu trang và cách ly xã hội sẽ vẫn cần thiết trong một thời gian sau đó.
“Chúng ta cần 60% đến 70% người dân có khả năng miễn dịch trước khi bạn bắt đầu thấy tình trạng lây nhiễm của loại vi-rút này giảm đáng kể”, bà Swaminathan nói. “Chúng tôi cũng không biết những loại vắc xin này sẽ có tác dụng trong bao lâu – đó là một dấu hỏi lớn khác: Khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu? Và, có thể bạn sẽ cần đến những liều thuốc tăng cường”.
Belarus: Một lãnh đạo phe đối lập bị buộc tội
Giới chức Belarus đã buộc tội bà Maria Kolesnikova, một lãnh đạo phe đối lập, với tội danh có “các hành động nhằm phá hoại an ninh quốc gia”, và theo đó nữ chính trị gia này sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 5 năm tù, theo The Guardian.
Cáo buộc này là động thái mới nhất trong chiến dịch trấn áp các nhà lãnh đạo đối lập của tổng thống Alexander Lukashenko, người đã bị người dân Belarus phản đối trong nhiều tuần qua vì cho rằng ông đã gian lận để tiếp tục giữ ghế sau 26 năm làm tổng thống.
Bà Kolesnikova, 38 tuổi, đã xé hộ chiếu ở biên giới với Ukraine nhằm không để lực lượng an ninh Belarus cưỡng buộc bà rời đất nước. Sau đó, bà nói trong một tuyên bố rằng các quan chức an ninh đã nói với bà rằng bà sẽ bị trục xuất khỏi đất nước “dù còn sống hay chết”. Hiện tại bà Kolesnikova đang bị cảnh sát giam giữ.
Điểm tin thế giới tối 17/9:
Người gốc Việt ở Mỹ ủng hộ Trump hơn Biden;
Bắc Kinh phản ứng việc quan chức Mỹ tới Đài Loan
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (17/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Người gốc Việt ở Mỹ ủng hộ ông Trump hơn ông Biden
Theo kết quả khảo sát do trang APIA vote công bố hôm 15/9, đa số người gốc Việt ở Mỹ muốn Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới.
Khảo sát được tiến hành từ ngày 4/7 đến 10/9, với 1.569 cử tri, bằng tiếng Anh, Trung, Hàn và Việt, với những người gốc Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Philippines.
Trong số những cử tri gốc Việt đã đăng ký đi bầu, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump là 48%, trong khi cho ông Biden là 36%.
Đa số cử tri gốc Á cho biết sẽ ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ ở các cuộc chạy đua vào Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Tuy nhiên, một lần nữa nhóm người gốc Việt lại nằm ngoài xu hướng này. 38% cử tri gốc Việt ủng hộ đảng Cộng hòa, trong khi 23% ủng hộ đảng Dân chủ và 34% là những người trung lập về đảng phái.
Bắc Kinh phản ứng việc quan chức Mỹ tới Đài Loan
Hoa Kỳ hôm 16/9 thông báo cử Thứ trưởng Ngoại giao Keith Krach đến hòn đảo dự tang lễ của cựu tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy.
Theo Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm nay tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết phản đối chuyến đi của Thứ tưởng Krach, cũng như bất kỳ trao đổi chính thức nào giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
“Trung Quốc sẽ đưa ra phản ứng cần thiết tùy thuộc vào diễn biến tình hình”, ông Uông tuyên bố, song không nêu chi tiết.
Chi tiết mới về vụ đầu độc ông Navalny
Reuters đưa tin, đội ngũ của Navalny hôm nay cho biết chất độc thần kinh Novichok được sử dụng để đầu độc nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny được phát hiện trong một chai nước ở phòng khách sạn của ông ở thành phố Tomsk, Siberia, trái với nghi ngờ ban đầu là ông bị đầu độc trong quán cà phê ở sân bay.
Một video được đăng trên tài khoản Instagram của ông Navalny hôm nay cho thấy các thành viên trong đội ngũ của ông đang kiểm tra căn phòng ông vừa rời khỏi ở khách sạn Xander, thành phố Tomsk, Siberia, Nga ngày 20/8, một giờ sau khi họ phát hiện Navalny đổ bệnh một cách đáng ngờ.
“Chúng tôi quyết định thu thập mọi thứ được cho là hữu ích và sẽ giao chúng cho các bác sĩ Đức”, đội ngũ viết trên Instagram của Navalny, cho rằng việc Nga “sẽ không điều tra sự việc” là rõ ràng.
“Hai tuần sau, một phòng thí nghiệm của Đức phát hiện dấu vết của chất độc thần kinh Novichok chính trên chai nước thu từ phòng khách sạn ở Tomsk”, theo bài đăng.
Hoa Mộc Lan ‘bị lạnh nhạt’ trong ngày đầu công chiếu ở Hồng Kông
Bộ phim Hoa Mộc Lan của Walt Disney đã công chiếu hôm nay tại Hồng Kông, tuy nhiên không dành được ủng hộ của người dân, theo Reuters.
Các nhà hoạt động dân chủ đã kêu gọi tẩy chay bộ phim này do nữ diễn viên chính Lưu Diệc Phi đóng vai Hoa Mộc Lan ủng hộ cảnh sát Hồng Kông trấn áp người biểu tình. Ngoài ra, bộ phim xuất hiện những cảnh quay tại Tân Cương, nơi Bắc Kinh bị tố cáo vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Hầu hết các rạp ở Hồng Kông đã có buổi chiếu phim Hoa Mộc Lan đầu tiên vào sáng nay. Nhà hát Mong Kok Broadway chỉ bán được một phần ba số vé, ít hơn khoảng 20% so với bộ phim địa phương được ra mắt cùng lúc.
Tại rạp chiếu phim Festival Grand ở một quận khác, số người mua vé xem Hoa Mộc Lan cũng ít hơn so với bộ phim khác.
Lính cứu hỏa Mỹ ca hát sau 14 tiếng chiến đấu với cháy rừng
Nhóm lính cứu hỏa ở bang Oregon, Mỹ nằm bệt trên con phố đầy khói bụi, cùng nhau ca hát sau một ngày dài kiệt sức đương đầu với cháy rừng, theo CNN.
Đội trưởng Theodore Hiner cho biết đội cứu hỏa của anh có 20 thành viên, đến từ thành phố The Dalles, hạt Wasco, bang Oregon, đã kết thúc ngày dài mệt mỏi hôm 14/9 sau 14 tiếng liên tiếp chiến đấu với cháy rừng.
Hiner nói thêm dù cả đội đã thấm mệt, những người lính cứu hỏa vẫn lạc quan “chế” lời bài hát “Đưa tôi đi xem bóng chày” thành những câu từ dành cho chữa cháy: “Đưa tôi tới đám cháy. Đưa tôi ra tiền tuyến. Đem tới cho tôi những người thợ cưa và cuốc. Tôi chẳng quan tâm liệu mình có trở về nhà được hay không”.
0 comments