Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 12/08/2020

Wednesday, August 12, 2020 7:05:00 PM // ,

 Đọc báo Pháp – 12/08/2020

Cuộc đua vaccin chống Covid: Nga đốt cháy giai đoạn để về đầu – Thụy My

Nếu những tiếng «bip bip» của vệ tinh đầu tiên trong lịch sử từng là cơn ác mộng cho Washington, cuộc chạy đua tìm kiếm vaccin chống virus corona lại không như thế. Ông Putin cần nhớ lại rằng tuy Sputnik đã mang lại cho Matxcơva chiến thắng đầu tiên, nhưng rốt cuộc Liên Xô đã thua trong chinh phục không gian, và người Nga chưa bao giờ đặt chân lên được Mặt Trăng.

Le Monde hôm nay quan tâm đến « Các tập đoàn dầu khí trước những lỗ lã khổng lồ », La Croix chạy tựa « Hạn hán, thích ứng hay chịu đựng ». « Covid : Tranh cãi xung quanh loan báo của ông Vladimir Putin về vaccin » là tít trang nhất của Le Figaro. Libération đăng ảnh tổng thống Nga tay cầm ống chích với tựa lớn « Vaccin chống Covid : Ngày mai không chết bao giờ » (theo tên tập 18 phim điệp viên James Bond). Đây cũng là chủ đề được tất cả các báo đề cập ở trang trong, bên cạnh vụ chạy trốn bất thường của ứng cử viên đối lập Belarus.

Một sự đốt giai đoạn nguy hiểm

Libération cho biết tổng thống Putin trong cuộc họp nội các hôm qua đã bất ngờ loan báo vaccin do Nga bào chế vừa được cơ quan dược phẩm quốc gia cho lưu hành. Chính con gái ông đã được thử, hai ngày đầu cô bị sốt, nhưng sau đó rất khỏe, có được nhiều kháng thể. Tất cả mọi người đều ngỡ ngàng.

Trước hết, đó là người con gái nào của ông, trong khi lâu nay tổng thống Nga luôn giữ bí mật về con cái ? Rất có thể đó là Maria Vorontsova, con gái lớn của Putin là bác sĩ, có tham gia chương trình vaccin. Việc tổng thống nhanh chóng thông báo cũng gây ngạc nhiên. Mới hôm thứ Hai, Nga chừng như còn lẹt đẹt theo sau các nước khác trong chương trình vaccin.

Từ tháng Ba, Matxcơva đã công khai tham vọng, đầu tư nhiều tỉ rúp và huy động cả các quân nhân để thử nghiệm trên người, từ chối tham gia cuộc chạy đua tìm vaccin chung với thế giới. Vaccin do viện nghiên cứu Gamaleia của Nga chế ra đã được cấy vào 38 người tình nguyện. Do kết quả không được công bố cụ thể, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ coi đó là giai đoạn 1 nhằm thử nghiệm liều lượng và tính an toàn.

Đúng ra theo quy trình, tiếp đến là giai đoạn 2, xem xét hiệu quả trên hàng trăm người : có gây phản ứng miễn dịch nơi người trẻ cũng như người già, nam cũng như nữ ? Và giai đoạn 3 sẽ mở rộng cho hàng ngàn người tình nguyện, xem vaccin có bảo vệ được lâu dài hay không, so với nhóm đối chứng dùng giả dược. Để có hiệu quả, vaccin của nhiều nước hiện đang được thử nghiệm lâm sàng tại các nước mà virus corona đang hoạt động mạnh như Brazil, Hoa Kỳ, Nam Phi.

Trả lời phỏng vấn của Libération, nhà nghiên cứu Thụy Sĩ François Balloux cho rằng đó là một hành động « hoàn toàn vô trách nhiệm, thậm chí nguy hiểm ». Vaccin không phải là chiếc đũa thần cho tất cả mọi người. Bỏ qua giai đoạn 3 sẽ không thể biết được các chống chỉ định và tác dụng phụ trầm trọng, có thể là thảm họa cho người dùng. Trong lịch sử đã từng có những thất bại, tạo ra tâm lý chống vaccin trên thế giới.

Với Sputnik V, Putin muốn tìm lại vinh quang thời Liên Xô cũ

Trong bài xã luận mang tên « Vaccin Nga : Một sự lăng-xê đầy rủi ro »Le Figaro nhận xét, với 20 triệu người bị nhiễm virus, trên 700.000 người chết và các nền kinh tế trên thế giới suy sụp vì đại dịch, ông Vladimir Putin đã gây ấn tượng khi loan báo vaccin « đầu tiên » chống Covid-19. Vaccin được đặt tên là « Sputnik V » (V như Vaccin), nhắc nhở lại những giờ phút vinh quang của khoa học Liên Xô thời chiến tranh lạnh.

Nhưng nếu những tiếng « bip bip » của vệ tinh đầu tiên trong lịch sử từng là cơn ác mộng cho Washington, thì cuộc chạy đua tìm kiếm vaccin chống virus corona lại không như thế. Trên thế giới hiện có ít nhất 6 loại vaccin (của Anh, Mỹ, Đức, Trung Quốc) đang bước vào giai đoạn cuối.

Khi cho phép đưa ra thị trường  trong lúc giai đoạn thử nghiệm cần thiết cuối cùng vẫn chưa thực hiện, ông Putin khiến dân Nga phải dùng một sản phẩm mà rốt cuộc có thể không hiệu quả, mang lại hy vọng giả tạo cho thế giới. Không đưa ra những dữ liệu khoa học khả tín, Putin chỉ cho biết đã sử dụng cho con gái. Một sự kiện độc đáo, nhưng không thể so sánh với một thử nghiệm lâm sàng nghiêm túc trong nhiều tháng, trên hàng trăm người tình nguyện.

May thay, theo như tình hình hiện nay, thì có thể trong những tháng tới sẽ có được vaccin hiệu quả, và ứng viên vaccin của Nga cũng có thể nằm trong số được chấp nhận. Nhưng ông Putin cần nhớ lại rằng nếu Sputnik đã mang lại cho Matxcơva chiến thắng đầu tiên về chinh phục không gian, nhưng rốt cuộc Liên Xô đã thua trong cuộc chạy đua, và chưa bao giờ đặt chân lên được Mặt Trăng.

Nhật báo La Croix nói thêm, ngoài vấn đề chính trị, còn là lợi ích kinh tế khổng lồ : Nga loan báo có 20 nước đã đặt hàng « trên 1 tỉ liều vaccin ». Tuy vậy Tổ chức Y tế Thế giới nhắc nhở cần phải tôn trọng nghiêm ngặt quy trình. Tuy tình hình là khẩn cấp, nhưng không thể « đi tắt đón đầu ».

Putin, cứu tinh của thế giới chăng ? Libération đặt câu hỏi. Bất chấp sự nghi hoặc của cộng đồng khoa học, ông Putin muốn là người đầu tiên cắm lá cờ lên lãnh địa còn hoang vắng là vaccin chống Covid, một động thái quảng bá tầm cỡ về mặt địa chính trị. Trong lúc cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội khiến vô số công dân thế giới lâm vào cảnh tuyệt vọng, theo tờ báo, nguyên thủ các cường quốc chẳng nên diễn lại cuộc chiến tranh giữa các vì sao.

Belarus : Truyền thông mạng sát cánh với người dân tiếp tục đấu tranh

Liên quan đến tình hình Belarus, bài viết của Le Figaro và Libération hầu như có cùng một tựa đề « Cuộc chạy trốn kỳ lạ của nhà đối lập Svetlana Tsikhanovskaia ». Tuy nhiên theo tờ báo thiên tả, « Người dân Belarus sẵn sàng xuống đường lâu dài », còn La Croix nhận định « Phong trào phản kháng Belarus không có lãnh đạo nhưng không phải là không mạng lưới ».

Trong phát biểu đầu tiên sau loan báo đang ở Litva, nữ ứng cử viên đối lập với khuôn mặt mệt mỏi, run giọng nói rằng đã tự quyết định ra đi, và trong video hôm qua, bà kêu gọi « đừng xuống đường », « đừng đối đầu với cảnh sát ». Le Figaro dẫn lời thành viên thứ ba của nhóm ba phụ nữ đấu tranh này cho biết, video trên được ghi hình tại Minsk, trong văn phòng ủy ban bầu cử trung ương. Bà Tsikhanovskaia đến đây với ý định khiếu nại việc tổ chức bầu cử, nhưng đã bị giữ lại ba tiếng đồng hồ mà không có luật sư bên cạnh, với sự hiện diện của các quan chức cảnh sát cao cấp. Rõ ràng nhà đối lập đã chịu áp lực lớn.

« Tiếp tục phản kháng, xin đừng đi làm việc ». Mệnh lệnh đưa ra hôm qua không phải từ ban lãnh đạo đối lập, mà từ Nexta, một trang mạng được phổ biến qua ứng dụng Telegram, trụ sở tại Ba Lan. Cả ngày lẫn đêm, ê-kíp các nhà báo, blogger liên tục đưa lên các video, hình ảnh biểu tình, bạo lực cảnh sát, truyền đơn kêu gọi đình công, lời khuyên làm thế nào để đối phó với lực lượng cảnh sát chống bạo động…

Tờ báo đấu tranh này xuất hiện ngay ngày bầu cử 09/08, là một trong những vũ khí để chống lại các kênh tuyên truyền của Nhà nước, và việc các mạng xã hội bị chặn. Chỉ sau vài ngày, đã có hơn 1 triệu người đăng ký đọc. Tổng biên tập tuy mới 22 tuổi đã có kinh nghiệm làm báo đối lập, và có nhiều liên lạc ngay trong lực lượng an ninh, nên có được những tiết lộ độc đáo.

Mỹ lôi kéo các nước Đông Âu chống Trung Quốc

Về quan hệ Âu-Mỹ, Les Echos cho rằng « Trong vòng công du, ngoại trưởng Mike Pompeo muốn chia rẽ châu Âu ». Hồi đầu năm 2018, ông Pompeo đã đi thăm các nước Visegrad và trong tháng Tám này, từ hôm qua 11/09 ông lại « come back » Cộng hòa Sec, Áo, Slovenia và Ba Lan, làm ngơ với Tây Âu.

Thay vì đối đầu với Đức, Pháp, Washington tỏ ra thân thiết hơn với các chính phủ cũng cảnh giác với Nga và chống Trung Quốc. Tại Slovenia và Ba Lan, ngoại trưởng Mỹ có dịp cổ vũ các nước giữ lời hứa dành 2% GDP cho chi phí quốc phòng – một cách để phê phán những nước như Đức. Trong số 12.000 quân nhân Mỹ sẽ bị rút khỏi Đức, Ba Lan sẽ tiếp đón khoảng 1.000. Vacsava sẵn sàng chi 2 tỉ euro cho một căn cứ Mỹ đóng trên lãnh thổ mình, nhưng Washington chưa bật đèn xanh, và chắc chắn sẽ là một chủ đề thảo luận lần này.

Bên cạnh đường ống dẫn khí Nord Stream 2 là công nghệ 5G : tại tất cả các nước đến thăm, ông Pompeo sẽ nhấn mạnh đến mối đe dọa an ninh từ Hoa Vi (Huawei). Ngoại trưởng Mỹ ngày mai sẽ ký với Slovenia thỏa thuận hợp tác như đã ký với Ba Lan, Cộng hòa Sec và Estonia, theo đó các chính phủ cam kết rằng các nhà cung cấp 5G phải không nằm dưới sự kiểm soát của một thế lực nước ngoài không có bộ máy tư pháp độc lập. Như vậy các công ty Trung Quốc sẽ bị loại trên thực tế.

Vì một châu Âu thực sự có tiếng nói về chính trị

Cũng trên Les Echos, tác giả Laurence Daziano, trường đại học Science Po Paris cổ vũ « Vì một châu Âu thực chất về chính trị» : cần đẩy mạnh bước tiến khổng lồ mới đây về một cơ chế tài chính chung châu Âu, không để cho các nước từng chống đối cản trở.

Ngày 21/07 vừa qua, việc Liên Hiệp Châu Âu (EU) đứng ra vay 750 tỉ euro để đối phó với đại dịch corona, là phôi thai cho một cơ quan tài chính châu Âu tương lai. Thành công này đã bị mờ đi phần nào do thái độ của năm nước « khó chịu » là Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Áo và Estonia. Các nước này không có cùng xu hướng chính trị (đa số nắm quyền thuộc các phe dân chủ xã hội, tự do, bảo thủ, sinh thái) nhưng đều muốn siết chặt ngân sách và tự do về kinh tế

Tác giả nhắc nhở, đừng quên rằng ba nước sáng lập Đức, Pháp, Ý đã nỗ lực suốt phân nửa thế kỷ 20 để có được EU ngày nay. Trừ Hà Lan, bốn nước trên đây gia nhập EU rất trễ : Đan Mạch năm 1973, Thụy Điển và Áo năm 1995, còn Estonia mãi đến 2004 mới trở thành thành viên. Họ không muốn một liên minh chính trị, không hỗ trợ Ý đối phó khủng hoảng nhập cư, mà chỉ chăm chăm vào điều kiện ngân sách.

Tuy nhiên quản lý một đất nước 82,5 triệu dân như Đức, hay một nước Ý 60,5 triệu dân với miền bắc kỹ nghệ và miền nam kém phát triển, phức tạp hơn rất nhiều so với những nước nhỏ tương đối đồng nhất. Riêng thành phố Milano của Ý đã đông dân hơn cả nước Estonia, Paris và vùng phụ cận đông đảo hơn cả nước Thụy Điển, và dân số cả năm nước « cứng đầu » trên cộng lại vẫn còn ít hơn dân Ý.

Tuy yếu tố dân số không phải là tất cả, nhưng cũng không thể để chế độ phủ quyết khiến một Nhà nước có thể ngáng chân toàn khối. Trong khi đó EU đang trong thời kỳ khó khăn. Từ 2016 phải lo Brexit – một trong những thành viên giàu mạnh nhất ra khỏi Liên hiệp. Hoa Kỳ có chính sách ngày càng khiến các nước châu Âu cách biệt về lợi ích. Ở sát cạnh, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trở nên độc đoán hơn, và nhất là từ nay còn có cuộc đối đầu chiến lược công khai giữa EU với Trung Quốc. Trong bối cảnh xung đột Mỹ-Trung, để xây dựng một Liên hiệp vững mạnh về chính trị, giữa ba nước sáng lập Đức, Pháp, Ý cần có cùng một tiếng nói.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200812-cu%E1%BB%99c-%C4%91ua-vaccin-ch%E1%BB%91ng-covid-nga-%C4%91%E1%BB%91t-ch%C3%A1y-giai-%C4%91o%E1%BA%A1n-%C4%91%E1%BB%83-v%E1%BB%81-%C4%91%E1%BA%A7u

 

Tin tổng hợp

(Truyền thông Việt Nam) – Chủ tịch Hà Nội bị đình chỉ công việc.

Báo chí Việt Nam chiều qua 11/08/2020 đồng loạt đưa tin, ủy viên trung ương đảng, chủ tịch Ủy ban Nhân thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung, bị tạm đình chỉ công việc, vì liên quan đến 3 vụ án lớn đang bị khởi tố. Quyết định đầu tiên là của Bộ Chính Trị, theo đó ông Nguyễn Đức Chung bị đình chỉ các chức vụ và sinh hoạt đảng, “để điều tra trách nhiệm có liên quan của ông Chung trong một số vụ án”. Cùng ngày thủ tướng cũng quyết định đình chỉ chức vụ 90 ngày với ông Chung.

(AFP) – Quan chức Mỹ thăm Đài Loan : Bắc Kinh cảnh cáo Washington. 

Ngay sau khi bộ trưởng y tế Mỹ Alex Azar kết thúc chuyến thăm Đài Loan 3 ngày, hôm qua 11/08/2020, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo Mỹ “đừng đùa với lửa” trong vấn đề Đài Loan. Phát ngôn viên Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nhắc lại Trung Quốc phản đối mọi cuộc tiếp xúc chính thức giữa Hoa Kỳ và Đài Loan “dưới bất kỳ nguyên cớ nào”. Trong chuyến thăm với lý do trao đổi hợp tác y tế và kinh nghiệm chống dịch virus corona, bộ trưởng Y Tế Mỹ đã tới viếng mộ cựu tổng thống Đài Loan vừa qua đời Lý Đăng Huy, nhà cải cách đã đưa Đài Loan ra khỏi thể chế độc tài để trở thành một chế độ dân chủ hiện đại. Lý Đăng Huy tích cực đấu tranh để Đài Loan được độc lập, ông là kẻ thù không đội trời chung của Bắc Kinh.

(AFP) – Mỹ buộc hàng nhập từ Hồng Kông phải ghi “Made in China”. 

Một dự thảo văn kiện của cơ quan thuế vụ Hoa Kỳ công bố hôm 11/08/2020, cho biết là hàng hóa sản xuất tại Hồng Kông và nhập khẩu vào Mỹ phải được dán nhãn “chế tạo tại Trung Quốc” mới có thể được bán trên thị trường Hoa Kỳ. Biện pháp này cụ thể hóa quyết định được tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo ngày 14/07 vừa qua, đình chỉ chế độ ưu đãi dành cho Hồng Kông.

(AFP) – Trừng phạt thương mại của EU với Cam Bốt bắt đầu có hiệu lực.

Được thông báo từ hồi tháng Hai 2020, các biện pháp trừng phạt thương mại của Liên Hiệp Châu Âu đối với Cam Bốt vì các vi phạm nhân quyền bắt đầu có hiệu lực từ ngày  12/08/2020. Bruxelles rút một phần các ưu đãi thuế đối với hàng hóa của Cam Bốt nhập vào châu Âu. Từ giờ, các hàng may mặc, giầy dép và phụ kiện du lịch sản xuất tại Cam Bốt sẽ phải chịu thuế. Lượng hàng hóa bị trừng phạt ước tính chiếm 20% xuất khẩu của Cam Bốt sang EU. Mỗi năm Cam Bốt vẫn xuất sang châu Âu 5,4 tỷ euros hàng hoá.

(AFP) – Hồng Kông ngừng hiệp định dẫn độ với Pháp và Đức. 

Ít ngày sau khi hai quốc gia chủ chốt của Liên Hiệp Châu Âu ra quyết định ngừng thực thi hiệp định dẫn độ với Hồng Kông để phản đối luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt, chính quyền Hồng Kông hôm qua 11/08 thông báo đáp trả. Chính quyền Hồng Kông nêu lý do là vì hai nước châu Âu này đã “chính trị hóa hợp tác tư pháp với Hồng Kông”, nên chính quyền đặc khu cũng không có lý do gì để duy trì các hợp tác tư pháp.

(AFP) – Quốc Hội Trung Quốc triển hạn 1 năm nhiệm kỳ nghị sĩ ở Hồng Kông. 

Trả lời AFP ngày 12/08/2020, ông Tam Yiu-chung, đại diện duy nhất của Hồng Kông trong Ủy ban thường trực Quốc Hội Trung Quốc, cho biết tin trên. Cuộc bầu cử lập pháp ở Hồng Kông (LegCo), theo dự kiến được tổ chức vào ngày 06/09, đã bị hoãn một năm với lý do đại dịch Covid-19.

(Reuters) – Mỹ -  Hàn thu hẹp quy mô tập trận thường niên vì Covid-19. 

Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 16 đến 28/08/2020 sẽ không huy động lực lượng đồn trú ở Mỹ như dự kiến, mà chú trọng đến các tình huống giả định tin học, hơn là các cuộc thao dượt trực tiếp trên thực địa. Thời gian tập trận cũng được kéo dài hơn để tránh tập trung nhiều người cùng một lúc và hạn chế hoạt động về đêm. Tuy nhiên, phát ngôn viên của bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết kế hoạch vẫn chưa được đúc kết và từ chối bình luận về thông tin của Yonhap.

(AFP) – Nga tưởng niệm thủy thủ tầu ngầm hạt nhân Kursk tử nạn cách đây 20 năm. 

Ngày 12/08/2000, tầu ngầm Kursk dài 154 mét, thành tựu công nghệ của Hải Quân Nga, tham gia cuộc tập trận quy mô lớn của Hạm đội Bắc ở biển Barents. Sau đó xảy ra hai vụ nổ trên tầu và con tầu mất tín hiệu liên lạc. Theo Hải Quân Nga, 118 thủy thủ đoàn có đủ dưỡng khí đến ngày 18/08/2000. Không có bất kỳ vụ rò rỉ hạt nhân nào được ghi nhận, vì theo giới quân sự Nga, động cơ hạt nhân của tầu đã ngừng hoạt động và nằm trong vòng kiểm soát, 24 tên lửa có trên tầu không mang đầu đạn hạt nhân.

(RFI/AFP) – Ba Lan đề xuất làm trung gian sau cuộc bầu cử tổng thống Belarus. 

Đề xuất của chính quyền Vacxava vừa nhằm tìm cách làm dịu cuộc xung đột ở Belarus, nhưng cũng cố thể hiện vai trò của Ba Lan trong khu vực. Ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Belarus, thủ tướng Ba Lan đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh bất thường. Trong khi đó, tối 11/008/2020, người dân Balarus tiếp tục biểu tình, cảnh sát tiếp tục trấn áp. Hàng chục người biểu tình ở Minsk đã bị bắt giữ.

(AFP) – Hai người Iran bị kết án 10 năm tù vì làm gián điệp cho Đức và Anh. 

Bản án được một tòa án ở Teheran công bố ngày 11/08/2020. Người thứ nhất, Massoud Mossaheb, bị kết án vì cung cấp thông tin trong « lĩnh vực tên lửa, hạt nhân, công nghệ nano và y tế » ở Iran. Người thứ hai, Shahram Shirkhani, bị kết án vì làm việc cho tình báo Anh và tìm cách « hối lộ chính quyền và tuyển dụng » nhân sự, cung cấp thông tin về « các hợp đồng liên quan đến ngân hàng trung ương, ngân hàng Belli và bộ Quốc Phòng ».

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200812-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 12/8:

Ông Azar ý tứ không có Covid nếu Đài Loan

là Trung Quốc; Ông Biden ‘chọn xong’ phó tổng thống

Lục Du

Sáng nay, thứ Tư (12/8), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin sau:

Ông Azar ý tứ không có Covid nếu Đài Loan là Trung Quốc

Trong một bài phát biểu đầy nhiệt huyết tại Đại học Quốc gia Đài Loan vào chiều thứ Ba, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, Alex Azar, đã lên án Bắc Kinh vì che đậy sự xuất hiện của virus Vũ Hán khiến nó lây lan ra thành đại dịch toàn cầu, theo Taiwan News.

Ông Azar nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có cơ hội để cảnh báo thế giới và phối hợp với thế giới để chiến đấu với vi rút. Nhưng họ đã chọn không làm như vậy, và chi phí của sự lựa chọn đó ngày càng cao hơn”.

“Bắc Kinh dường như đã chống lại việc chia sẻ thông tin, đe dọa những bác sĩ đưa ra cảnh báo [về sự xuất hiện của nCoV], và cản trở thế giới phản ứng với dịch bệnh”, ông Azar nói.

Bộ trưởng y tế Hoa Kỳ cũng nêu giả định rằng nếu nCoV phát sinh ở Đài Loan hoặc Hoa Kỳ, thì “nó có thể đã bị loại bỏ một cách dễ dàng”.

Ông Biden ‘chọn xong’ phó tổng thống

Hôm thứ Ba, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đã chọn nữ Thượng nghị sĩ Kamala Harris làm phó tổng thống nếu ông thắng cử vào cuối năm nay, theo Agencies.

“Tôi rất vinh dự được thông báo rằng tôi đã chọn @KamalaHarris – một chiến binh không biết sợ hãi và là một trong những công chức giỏi nhất của đất nước – làm bạn điều hành của tôi”, ông Biden thông báo trên Twitter.

Thượng nghị sĩ California Harris, 55 tuổi, là phụ nữ da đen đầu tiên sẽ có cơ hội trở thành Phó Tổng thống Hoa Kỳ. Ông Biden trước đó đã nói rõ rằng ông sẽ chọn một phụ nữ cho vị trí này. Người ta đã đoán rằng bà Harris và Susan Rice, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Barack Obama, là những ứng cử viên hàng đầu.

Ông Trump: Kim từng dự trù một cuộc chiến với Mỹ

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Ba nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã dự kiến một cuộc chiến với Hoa Kỳ trước khi hai bên tiến hành các đàm phán về vấn đề hạt nhân, theo Yonhap.

Khi đang nói chuyện với người dẫn chương trình radio Hugh Hewitt về Trung Quốc thì ông Trump đột ngột quay sang nói về Iran và Triều Tiên, và nhắc lại điều mà ông từng nói rằng Mỹ-Triều sẽ có chiến tranh nếu ông không là tổng thống.

“Hàng triệu người có thể đã chết”, ông Trump nói. “Bạn sẽ có một cuộc chiến tranh với Triều Tiên. Ông ấy [Kim Jong Un] đã tính tới một cuộc chiến tranh”.

Anh-Pháp thống nhất chặn làn sóng nhập cư trái phép

Bộ trưởng Bộ Nhập cư Anh, ông Chris Philp, hôm thứ Ba nói rằng Anh và Pháp đã thống nhất kế hoạch ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp khi trong tháng này đã có hàng trăm người di cư vượt qua eo biển Manche để vào Anh, theo Fox news..

Theo ông Philp. Vương quốc Anh và Pháp đã “tái khẳng định cam kết chung không thể lay chuyển của chúng tôi” để đảm bảo người nhập cư trái phép không thể sử dụng tuyến đường này.

“Tuyến đường [nhập cư] này được mở ra bởi các băng nhóm tội phạm tàn nhẫn, nó gây nguy hiểm cho tính mạng người nhập cư và điều đó là hoàn toàn không nên xảy ra”, ông Philp nói với Sky News sau cuộc họp với các quan chức Pháp tại Paris.

Lebanon: Người biểu tình yêu cầu cách chức tổng thống

Những người biểu tình Lebanon hôm thứ Ba đã đọc to tên của ít nhất 171 nạn nhân trong vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut trong tuần trước, đồng thời kêu gọi cách chức tổng thống và các quan chức khác mà họ cho rằng phải chịu trách nhiệm đối với thảm kịch, theo Reuters.Người biểu tình giương băng rôn biểu tình có hình ảnh Tổng thống Lebanon, Michel Aoun, kèm dòng chữ “Ông ấy biết” để ám chỉ rằng

ông Aoun biết về nguy cơ xảy ra vụ nổ những đã không có phản ứng gì. Reuters đã đưa tin rằng quan chức an ninh Lebanon đã gửi một báo cáo cho Tổng thống Aoun nói về nguy cơ gây cháy nổ của đống ammonium nitrate lưu tại cảng Beirut từ trước khi xảy ra vụ nổ nhiều tuần.

Bên dưới tấm băng rôn có hình ảnh ông Aoun là dòng chữ “Một chính phủ ra đi, thì có một chính phủ thay thế, chúng tôi sẽ tiếp tục cho tới khi tổng thống và người phát ngôn của quốc hội bị loại bỏ”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-12-8.html

 

Điểm tin thế giới tối 12/8:

Ông Pompeo thăm Châu Âu bàn kế

chống Trung-Nga;

Ấn Độ bắt đầu ‘sờ gáy’ các viện Khổng Tử

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Tư (12/8) của DKN xin gửi tới quý bạn đọc những tin sau:

Ông Pompeo thăm Châu Âu bàn kế chống Trung-Nga

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã đến Cộng hòa Séc hôm thứ Ba (11/8), đây là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Âu của vị Ngoại trưởng dự kiến diễn ra từ ngày 11/8 đến 15/8. Hãng tin AP cho biết Ngoại trưởng Mỹ dự kiến sẽ tập trung thảo luận với các đối tác châu Âu về mối đe dọa mà Nga và Trung Quốc gây ra cho khu vực.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin rằng Ngoại trưởng Pompeo sẽ gặp Tổng thống Séc Milos Zeman và Thủ tướng Andrej Babis tại Prague hôm nay để thảo luận về hợp tác năng lượng hạt nhân và các cuộc “tấn công chống lại Nga và chủ nghĩa cộng sản”, cũng như hóa giải các kế hoạch “ác ý” của chính quyền Trung Quốc.

Hôm thứ Ba, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ viết trên Twitter cá nhân rằng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Séc sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Ông nói rằng mối quan hệ này là “may mắn của chúng ta”.

Ấn Độ bắt đầu ‘sờ gáy’ các viện Khổng Tử

Sau khi cấm một số lượng lớn ứng dụng Trung Quốc, Ấn Độ đã chuyển hướng chú ý sang các Viện Khổng Tử, vốn đã gây ra nhiều tai tiếng ở nhiều nước trên thế giới, theo bản tin hôm thứ Tư của Epoch Times.

Bộ Giáo dục Ấn Độ đã quyết định rà soát hoạt động của các Viện Khổng Tử ở 7 trường đại học nước này cùng 54 biên bản ghi nhớ hợp tác liên trường mà các trường đại học Ấn Độ đã ký kết với các trường đại học Trung Quốc.

Thời báo Hindustan đưa tin, nhiều cơ quan an ninh Ấn Độ đã cảnh báo chính phủ nước này rằng ĐCSTQ đang ngày càng gây được ảnh hưởng trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Ấn Độ.

Ngày 15/7, một số nhân viên an ninh tại Ấn Độ đã báo cáo với Bộ trưởng Nội các Rajiv Gauba về sự “thâm nhập” của Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông và giáo dục đại học ở Ấn Độ. Bộ Giáo dục Ấn Độ đã ngay lập tức kêu gọi điều tra lại việc này và gửi thông báo phối hợp để xử lý vấn đề tới Bộ Ngoại giao và Ủy ban Tài trợ Giáo dục Đại học.

Hai quan chức cấp cao của Séc sắp thăm Đài Loan

Thị trưởng Thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, Zdenek Hrib hôm thứ Ba thông báo qua Facebook rằng ông sẽ tháp tùng Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil thăm Đài Loan vào cuối tháng, theo Taiwan News.

Đây sẽ là lần thứ hai Hrib, người tự nhận mình là “một fan hâm mộ Đài Loan”, đến thăm chính thức đất nước này. Ông đã đến thăm hòn đảo lần đầu vào tháng 3/2019, gặp gỡ người đồng cấp Đài Loan, Thị trưởng Đài Bắc, Kha Văn Triết, và Tổng thống Thái Anh Văn.

Ông Hrib và Vystrcil được biết đến là những chính trị gia châu Âu dám đứng lên chống lại áp lực từ chính quyền Trung Quốc. Năm ngoái, Praha đã kết thúc mối quan hệ kết nghĩa với thành phố Bắc Kinh sau khi ông Hrib từ chối thêm điều khoản “nguyên tắc một Trung Quốc” vào thỏa thuận với thủ đô Trung Quốc.

Quan chức Trung Quốc tiếp tục ‘hạ giọng’ với Mỹ

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) đã lên tiếng kêu gọi ngăn chặn mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ khi nó đang cho thấy nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát “trong vài tháng tới”, và cho biết ông sẵn sàng đối thoại với Washington “bất cứ lúc nào”, theo SCMP.

Trả lời phỏng vấn trang tin Trung Quốc Guancha, ông Lạc nói rằng đã “sẵn sàng cho các cuộc đàm phán” với những người đồng cấp Mỹ, theo bản tin hôm thứ Tư của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Phát biểu của ông Lạc nối tiếp sau phát biểu hòa giải của một loạt quan chức cấp cao Trung Quốc về mối quan hệ với Hoa Kỳ. Tuần trước, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ Dương Khiết Trì, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã bày tỏ mong muốn hàn gắn quan hệ với Mỹ.

Biển Đông: Bắc Kinh ra lệnh không nổ súng trước Mỹ

SCMP đưa tin hôm thứ Ba, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu quân đội nước này không được nổ súng trước trong các cuộc tranh chấp với Hoa Kỳ tại Biển Đông.

Theo SCMP, Trung Quốc không muốn leo thang căng thẳng với Mỹ ở Biển Đông tới mức mất kiểm soát. Tuy nhiên, ở trong nước, Bắc Kinh đã sử dụng những ngôn từ rất gay gắt để chỉ trích sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ tại Biển Đông.

SCMP cho biết thêm, các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc đã bắt đầu dịu giọng với Hoa Kỳ nhằm tránh tạo thêm căng thẳng trong quan hệ song phương. Việc Bắc Kinh đưa ra yêu cầu này cho quân đội là một động thái tiếp theo trong xu hướng muốn hòa giải với Washington của chính quyền Trung Quốc.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-12-8-ong-pompeo-tham-chau-au-ban-ke-chong-trung-nga-an-do-bat-dau-so-gay-cac-vien-khong-tu.html

 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.