Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 28/06/2020

Sunday, June 28, 2020 6:36:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 28/06/2020

Không Quân Hoa Kỳ tiếp tục tìm kiếm tàu ngầm Trung Cộng

Vào thứ Sáu tuần này, Không quân Hoa Kỳ đã gửi phi cơ quân sự tới Bashi Channel trên đường đến Biển Đông trong ngày thứ sáu liên tiếp, theo các nhà quan sát cho biết đây là một nhiệm vụ theo dõi tàu ngầm Trung Cộng.
Theo South China Morning Post đưa tin, sáng kiến Đánh giá tình hình chiến lược Biển Đông, một việc nghiên cứu của Trung Cộng thuộc Đại học Peking University, cho biết ba phi cơ chiến đấu của Hoa Kỳ đã xuất hiện tại Bashi Channel từ 10 giờ sáng đến trưa, bao gồm một phi cơ trinh sát EP-3, phi cơ chống tàu ngầm P-8A và phi cơ tiếp nhiên liệu trên không KC-135.
Trong các biểu đồ được đăng trực tuyến, viện nghiên cứu này cho biết, ba chiếc phi cơ trên đã bay nhanh vào khu vực phía tây nam của khu vực nhận dạng phòng không Đài Loan hướng về Bashi Channel và sau đó tiến ra Biển Đông. Bộ quốc phòng Đài Loan cho biết rằng vào đầu giờ chiều thứ Sáu, một chiếc phi cơ chiến đấu của Quân đội Trung Cộng đã nhanh chóng tiếp cận phía tây nam vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, và đã bị không quân Đài Loan khuyến cáo.
Một nguồn tin an ninh Đài Loan cho biết, Không quân Hoa Kỳ rõ ràng đang thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chống tàu ngầm. Theo nguồn tin trên, các phi cơ chiến đấu của Hoa Kỳ đã hoạt động ồ ạt giữa Bashi Channel và Biển Đông, cho thấy Không quân Hoa Kỳ phải có thông tin tình báo về các tàu ngầm của Hải quân Trung Cộng trong khu vực này. (BBT)
https://www.sbtn.tv/khong-quan-hoa-ky-tiep-tuc-tim-kiem-tau-ngam-trung-cong/

Ông Pompeo nói bớt quân ở châu Âu

để chống mối đe dọa TQ ở Đông Nam Á

Trong một tuyên bố ngày 25-6 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết sự đe dọa của Trung Quốc với Ấn Độ, các nước Đông Nam Á và Biển Đông là một trong những lý do chính khiến Mỹ giảm số lượng binh sĩ ở châu Âu.
“Quyết định giảm quân số ở Đức của Mỹ là một phần của chiến lược đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Các quân nhân này (đồn trú ở Đức) sẽ được chuyển đến những nơi khác” – báo Times of India ngày 26-6 dẫn tuyên bố của ông Pompeo.
Theo ngoại trưởng Mỹ, các hành động của Trung Quốc thực sự là mối đe doạ với Ấn Độ và các nước như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và khu vực Biển Đông.
Ông Pompeo khẳng định Mỹ xem mối đe dọa của Trung Quốc với các nước láng giềng là ưu tiên khi xem xét các chính sách và lập trường an ninh quan trọng của Washington.
Trong tuyên bố, ông Pompeo cũng liệt kê một loạt những hành động hung hăng của Trung Quốc như vụ đối đầu tại biên giới với Ấn Độ, các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông và các chính sách kinh tế “trấn lột” (nguyên văn: predatory economic policies) của Trung Quốc.
Ông cũng cho biết Mỹ và liên minh châu Âu (EU) sẽ có trao đổi về Trung Quốc và những thách thức mà nước này đặt ra. Việc này sẽ giúp liên minh xuyên Đại Tây Dương có hiểu biết chung về sự đe dọa của Trung Quốc.
Theo ngoại trưởng Mỹ, hai bên cần có một bộ dữ liệu chung về hành động của Trung Quốc để có thể phối hợp hành động.
Theo báo Times of India, châu Âu bị cho là ngây thơ về Trung Quốc và khối này có thái độ hiền lành hơn nhiều đối với những hành động của Trung Quốc.
Trước đó, đầu tháng 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo về việc Mỹ sẽ giảm quân số ở Đức. Ông Trump muốn giảm số lượng binh lính Mỹ từ 52.000 quân hiện nay, chủ yếu nằm trong các lực lượng của NATO xuống còn 25.000. Quyết định này khiến Đức và nhiều nước EU không hài lòng.
http://biendong.net/bien-dong/35498-ong-pompeo-noi-bot-quan-o-chau-au-de-chong-moi-de-doa-tq-o-dong-nam-a.html

Giáo sư Trung Cộng tại Hoa Kỳ bị cáo buộc

đánh cắp bí mật kỹ thuật và làm gián điệp kinh tế

Một giáo sư Trung Cộng tại Hoa Kỳ bị một thẩm phán kết tội ăn cắp bí mật thương mại và một tội danh gián điệp kinh tế thậm chí còn nghiêm trọng và hiếm thấy hơn, đánh dấu bản án mới nhất trong cuộc truy lùng các nhà khoa học và kỹ sư Trung Cộng của chính quyền tổng thống Trump.
Tại phiên điều trần trực tiếp bất thường trong đại dịch coronavirus vào hôm thứ Sáu (26/6), một thẩm phán liên bang ở San Jose, California tuyên bố bản án chống lại Zhang Hao. Bị bắt vào năm 2015 khi bay đến Los Angeles để dự hội nghị, ông Zhang bị cáo buộc âm mưu với một đồng nghiệp từ Đại học USC để đánh cắp và bán bí mật của Hoa Kỳ cho chính phủ và quân đội Trung Cộng thông qua một công ty vỏ bọc ở Quần đảo Cayman.
Ông Zhang bị cáo buộc trong một cuộc truy lùng mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Cộng, bắt đầu dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và vẫn tiếp tục dưới thời chính quyền tổng thống Trump. Cuộc truy lùng này giám sát chặt chẽ các nhà khoa học Trung Cộng đang nghiên cứu tại Hoa Kỳ.
Theo hồ sơ tòa án, ông phải đối mặt với 15 năm tù vì tội gián điệp kinh tế và 10 năm tù vì tội trộm cắp bí mật thương mại. Phán quyết vào hôm thứ Sáu được đưa ra khi mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng suy thoái. (BBT)
https://www.sbtn.tv/giao-su-trung-cong-tai-hoa-ky-bi-cao-buoc-danh-cap-bi-mat-ky-thuat-va-lam-gian-diep-kinh-te/

Mỹ: Số ca nhiễm lên quá 2,5 triệu –

Florida và Texas đảo ngược quyết định mở cửa

Số người nhiễm virus corona trên khắp Hoa Kỳ đã vượt qua con số 2,5 triệu, với ca nhiễm kỷ lục ở các tiểu bang Florida và Texas.
Số người bị nhiễm gia tăng tại các tiểu bang miền Nam sau khi các doanh nghiệp được phép mở cửa lại trong những tuần gần đây.
Hôm thứ Bảy, Florida báo cáo hơn 9.500 ca nhiễm mới, tăng từ gần 9.000 hôm thứ Sáu, con số kỷ lục trước đó.
Sự gia tăng đột biến đã khiến các quan chức tiểu bang này thắt chặt biện pháp giãn cách xã hội với các cơ sở kinh doanh một lần nữa – như tiểu bang Texas cũng đã làm hôm thứ Sáu.
Cố vấn hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ về virus corona, Tiến sĩ Anthony Fauci, cho biết tuần trước rằng nước này có một “vấn đề nghiêm trọng”.
Hơn 125.000 người Mỹ đã chết vì Covid-19 trên toàn quốc – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên của lực lượng đặc nhiệm virus coronavirus Nhà Trắng trong hai tháng, Tiến sĩ Fauci hôm thứ Sáu cho biết sự gia tăng hiện tại là do một số nơi “có thể đã mở cửa hơi sớm” và vì mọi người không tuân theo hướng dẫn giãn cách xã hội.
“Mọi người đang làm cho người khác bị lây lan, và cuối cùng bạn sẽ lây nhiễm cho người dễ bị tổn thương”, ông nói.
Hoa Kỳ có số ca nhiễm Covid-19 trong ngày cao kỷ lục
Hoa Kỳ gặp ‘vấn đề nghiêm trọng’ với virus corona
Trump nói cảnh báo của bác sĩ Fauci ‘không thể chấp nhận được’
Điều gì đang xảy ra ở Florida và Texas?
Sáng thứ Bảy, tiểu bang Florida báo cáo đã có thêm 9.585 ca nhiễm virus corona trong 24 giờ qua. Tiểu bang này dường như mỗi ngày đã lập con số cao kỷ lục mới về người bị nhiễm kể từ giữa tháng Sáu.
Tiểu bang Florida hiện có hơn 132.000 người nhiễm, và hơn 3.300 người chết vì Covid-19.
Nhiều tiểu bang miền nam và miền tây khác đã báo cáo những đột biến kỷ lục khi họ bắt đầu cho mở cửa lại và người dân từ các khu vực khác đổ về trong những tuần gần đây.
Tuần trước, Texas, Florida và Arizona đã tạm dừng kế hoạch mở cửa lại trong nỗ lực khắc phục ổ dịch.
Nhưng hôm thứ Sáu, Thống đốc tiểu bang Florida, ông Ron DeSantis đã áp đặt các hạn chế mới, yêu cầu các quán bar trong tiểu bang ngừng bán rượu – mặc dù không rõ các biện pháp mới sẽ ảnh hưởng đến các nhà hàng như thế nào, Miami Herald đưa tin.
Thị trưởng Miami, ông Francis Suarez, nói với BBC hôm thứ Bảy rằng “số lượng quá cao” đến nỗi người bị nhiễm đang gây áp lực lớn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của thành phố.
“Hiện tại chúng tôi đang xử phạt những người ra đường không đeo khẩu trang”, ông Suarez nói và cho biết thêm rằng ông đang xem xét các biện pháp mới khác: “Tại một số điểm, chúng tôi có thể phải áp dụng lệnh bắt dân ở nhà.”
Và tại Texas, nơi cũng có số lượng ca nhiễm mới kỷ lục trong tuần này, Thống đốc Greg Abbott ra lệnh cho các quán bar phải đóng cửa và giới hạn 50% chỗ ngồi của các nhà hàng.
Tại thị trấn Galena Park của Texas, phía đông Houston, thị trưởng đã áp dụng lệnh giới nghiêm qua đêm vào thứ Bảy và cảnh báo rằng các bệnh viện có thể sớm bị quá tải.
Tình hình chung ở Mỹ ra sao?
Hôm thứ Bảy, Đại học Johns Hopkins cho biết tổng số trường hợp bị nhiễm tại nước này đã tăng lên tới 2.505.593.
Trong khi một số ca nhiễm gia tăng là do kết quả của việc xét nghiệm rộng rãi hơn, tỷ lệ người xét nghiệm bị dương tính với virus corona ở một số khu vực cũng đang tăng lên.
Các quan chức y tế ước tính số trường hợp bị nhiễm thực sự có khả năng cao hơn 10 lần so với tổng số được xác nhận. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết có tới 20 triệu người Mỹ có thể đã bị nhiễm bệnh.
Người đứng đầu CDC, Tiến sĩ Robert Redfield cho biết, số ca nhiễm gia tăng phần lớn là từ những người trẻ tuổi – những người trong độ tuổi từ 18 đến 34 – có kết quả dương tính khi xét nghiệm, đặc biệt là ở phía nam và phía tây nước Mỹ.
Nhà Trắng nhấn mạnh rằng tình hình đang ổn định ở phần lớn nước Mỹ.
Trong cuộc họp báo về virus corona hôm thứ Sáu, Phó Tổng thống Mike Pence ca ngợi “sự tiến bộ thực sự đáng chú ý của chính quyền Trump trong việc đưa đất nước chúng ta tiến lên”, nêu bật những cải tiến về số liệu công ăn việc làm và doanh số bán lẻ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53146466

Thành phố San Francisco tạm ngừng tái mở cửa

sau khi có 103 ca nhiễm COVID-19 mới trong 1 ngày

Tin từ San Francisco – Hôm thứ Sáu (26 tháng 6), thị trưởng thành phố San Francisco thông báo quyết định trì hoãn việc mở lại một số công ty vì lo lắng về số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến. Thành phố đã có 103 ca nhiễm COVID-19 mới chỉ trong 24 giờ.
Giám đốc Y tế Công cộng, bác sĩ Grant Colfax nói mức tăng này cao gần gấp đôi so với khả năng xét nghiệm của cơ quan y tế. Quyết định mới được thông báo sau khi hồi đầu tuần này, thị trưởng London Breed thông báo rằng thành phố đang đẩy nhanh tốc độ mở cửa lại các công ty.
Các công ty ban đầu dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào thứ Hai (29/06/2020) gồm có tiệm làm tóc, làm móng tay, quán bar ngoài trời, viện bảo tàng trong nhà, cửa hàng xăm hình, tiệm massage, sở thú và hồ bơi công cộng ngoài trời, nay sẽ không còn được phép mở lại.
Theo kế hoạch ban đầu, các tiệm làm tóc, cắt tóc dự kiến mở cửa trở lại vào ngày 13/07/2020. Trong khi quán bar, tiệm làm móng, tiệm xăm, tiệm massage, hồ bơi và bảo tàng trong nhà đã được lên kế hoạch mở cửa trở lại vào giữa tháng 08/2020. Để giảm thiểu mức độ thiệt hại kinh tế, nên thị trưởng London Breed quyết định dời lên ngày thứ Hai 29 tháng 06.  Thế nhưng, nay do lo lắng về sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19, mốc thời gian được dời lại vào tháng giữa tháng 7 và giữa tháng 8 như đã lên kế hoạch từ đầu.
Dịch vụ ăn uống ngoài trời, mua sắm tại cửa hàng, các sự kiện thể thao và địa điểm giải trí không có khán giả, trại hè, tụ họp tôn giáo, lớp tập thể dục ngoài trời và các cuộc hẹn y tế không khẩn cấp đều được chính quyền San Francisco cho phép hoạt động trở lại vào ngày 15/06/2020.(BBT)
https://www.sbtn.tv/thanh-pho-san-francisco-tam-ngung-tai-mo-cua-sau-khi-co-103-ca-nhiem-covid-19-moi-trong-1-ngay/

Thống Đốc Gavin Newsom yêu cầu

quận Imperial tái thiết lập lệnh “phải ở nhà”

do tỷ lệ dương tính coronavirus tăng 23%

Vào thứ sáu (ngày 26 tháng 6), Thống đốc Gavin Newsom cho biết ông đã yêu cầu Quận Imperial County tái thiết lập các lệnh ở nhà trong bối cảnh số người nhiễm coronavirus mới tăng đột biến tại Quận này cũng như trên toàn tiểu bang. Quận Imperial, với dân số 175,000 người và tọa lạc tại biên giới California với Mexico, là nơi chậm nhất trong tiểu bang tiến hành mở cửa nền kinh tế trở lại do tỷ lệ dương tính với coronavirus cao.
Trên toàn tiểu bang, tỷ lệ dương tính với coronavirus trung bình chỉ ở mức 5.7%, trong khi quận này lên đến 23%. Trong cuộc họp báo vào thứ sáu, thống đốc Newsom cho biết ông tin rằng Quận Imperial có thể tự quyết định khi nào sẽ tái thiết lập lệnh ở nhà, nhưng nếu họ không thể quyết định, ông sẽ buộc phải can thiệp. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh về quyền yêu cầu các quận tạm dừng các nỗ lực mở cửa trở lại nền kinh tế của họ nếu tỷ lệ lây truyền và nhập viện tiếp tục tăng.
Nguy cơ lây nhiễm cao tại khu vực biên giới có thể là do công dân Hoa Kỳ tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Mexico và tình trạng thiếu nhân lực tại các bệnh viện địa phương. 15 quận trong tiểu bang đang được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo rằng nhu cầu của họ đang được đáp ứng trong bối cảnh đại dịch.
Trong ngày thứ sáu, có 4,890 ca nhiễm coronavirus mới được báo cáo tại tiểu bang và 79 người tử vong. Tổng cộng, có 201,289 ca coronavirus trên toàn tiểu bang, với 5,807 trường hợp tử vong.
San Francisco cũng thông báo rằng họ sẽ tạm thời trì hoãn kế hoạch mở lại các tiệm cắt tóc, tiệm xăm, quán bar và tiệm làm móng đầu tuần sau. (BBT)
https://www.sbtn.tv/thong-doc-gavin-newsom-yeu-cau-quan-imperial-tai-thiet-lap-lenh-phai-o-nha-do-ty-le-duong-tinh-coronavirus-tang-23/

Hãng hàng không Delta thông báo các phi công

về việc cho nghỉ không lương,

đồng thời đưa ra đề nghị cho nghỉ hưu sớm

Hôm thứ Sáu (26 tháng 6), hãng hàng không Delta Air Lines cho biết họ sẽ sớm gửi thông báo khuyến cáo cho khoảng 2,500 phi công về việc hãng hàng không có thể cho họ nghỉ không lương, vì ngành công nghiệp đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi đại dịch coronavirus khiến nhu cầu đi lại bằng máy bay giảm mạnh.
Hàng Delta cũng đạt được thỏa thuận với liên đoàn lao động của Hiệp hội Phi công Hàng không (ALPA) về lựa chọn cho phép phi công tự nguyện xin nghỉ hưu sớm. Kế hoạch được thông báo sớm là một nước đi có ý nghĩa khi hãng tim cách giải quyết tác động xấu của đại dịch, và sắp xếp lại nhân sự sao cho phù hợp với nhu cầu bay.
Hôm thứ Năm (25 tháng 6), giám đốc điều hành hãng hàng không Delta, Ed Bastian đã gửi thông báo nội bộ cho các nhân viên rằng công ty đang lên kế hoạch bổ sung khoảng 1,000 chuyến bay trong tháng 08/2020, nhưng sẽ không có thêm nhiều chuyến nữa trong phần còn lại của năm 2020. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hang-hang-khong-delta-thong-bao-cac-phi-cong-ve-viec-cho-nghi-khong-luong-dong-thoi-dua-ra-de-nghi-cho-nghi-huu-som/

Tòa kháng án liên bang phán quyết

việc Tổng Thống Trump sử dụng 2.5 tỷ Mỹ kim

từ ngân quỹ bộ Quốc Phòng

để xây tường biên giới là trái phép

Vào thứ sáu (ngày 26 tháng 6), tòa kháng án liên bang Hoa Kỳ đã phán quyết rằng khoản tiền 2.5 tỷ mỹ kim mà Tổng thống Trump đã lấy từ ngân sách quân đội để xây tường biên giới là trái phép.
Tòa Kháng Án Hoa Kỳ số 9 đã phán quyết rằng Tòa Bạch Ôc thiếu thẩm quyền lập hiến để tiến hành chuyển tiền, đồng thời nhắc đến việc Quốc hội đã từ chối tài trợ cho dự án này và không tìm thấy bằng chứng nào về những “yêu cầu liên quan đến quân sự” mà chính quyền Tổng thống Trump nhắc đến. Tòa án này cũng cho biết California và New Mexico có quyền kiện chính phủ về hành động chuyển số tiền nói trên.
Chánh án Sidney Thomas cho biết chính quyền Tổng thống Trump đã không thể chứng mình rằng một bức tường biên giới sẽ có lợi đối với người dân. Trước đó vào tháng 2 năm 2019, Tổng thống Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới để lấy khoản tiền 2.5 tỷ mỹ kim từ bộ quốc phòng.
Bộ Trưởng Tư Pháp California Xavier Becerra đã hoan nghênh tòa án vì đã ngăn chặn Tổng thống Trump sử dụng tiền bất hợp pháp, nói rằng người dân Hoa Kỳ có quyền được biết tiền thuế của họ được chuyển đến đúng nơi mà Quốc hội chỉ định.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, đã gọi phán quyết của tòa án là “sự chiến thắng của pháp luật,” nhận định rằng hành động của Tổng thống Trump là “làm suy yếu quân đội chỉ để thực hiện lời hứa tranh cử.” (BBT)
https://www.sbtn.tv/toa-khang-an-lien-bang-phan-quyet-viec-tong-thong-trump-su-dung-2-5-ty-my-kim-tu-ngan-quy-bo-quoc-phong-de-xay-tuong-bien-gioi-la-trai-phep/

Mỹ : Chính quyền Trump đệ đơn lên Tòa Tối Cao

nhằm « khai tử » Obamacare

Thùy Dương
Trong khi nước Mỹ đang chật vật chống dịch Covid-19, với số ca tử vong cao nhất thế giới, với hơn 120.000 người chết, tổng thống Donald Trump phát động một cuộc tấn công mới nhắm vào Obamacare – chương trình bảo hiểm y tế bắt buộc của chính phủ liên bang dành cho những người có thu nhập thấp.
Chính quyền Trump đêm thứ Năm 25/06/2020 đã đệ đơn lên Tòa Tối Cao nhằm « khai tử » chương trình bảo hiểm y tế, mà nhờ đó hiện giờ gần 20 triệu người Mỹ có điều kiện được hưởng bảo hiểm về y tế. Có đến 130 triệu người Mỹ, có thu nhập thấp, tương đương gần một nửa cư dân Hoa Kỳ ở độ tuổi trưởng thành, bị ảnh hưởng, nếu Đạo luật Obamacare bị huỷ bỏ. Obamacare là một trong những biểu tượng của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama.
Từ New York, thông tín viên RFI Loubna Anaki cho biết thêm chi tiết :
« Tổng thống Mỹ đã coi  đây là một cam kết trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Gặp khó khăn trong những tuần qua, Donald Trump dường như muốn trở lại với các chủ đề đặc biệt ưa thích của ông. Cho đến nay, tất cả những nỗ lực của ông để hủy bỏ Obamacare đều thất bại. Nếu Tòa Tối Cao ra phán quyết ủng hộ tổng thống Trump, thì cuộc cải cách hệ thống y tế sẽ chấm dứt.
Đối với đảng Dân Chủ, đây là một thủ đoạn đáng hổ thẹn. Hôm thứ Sáu, chủ tịch Hạ Viện, Nancy Pelosi, đã gọi đó là « một hành vi tàn nhẫn trong thời kỳ đang xảy ra đại dịch ». Bà phát biểu : « Trong tâm đại dịch, Nhà Trắng, vào giữa đêm, đã đệ hồ sơ lên Tòa Tối Cao để hủy bỏ Obamacare. Bằng cách này, họ nói với người Mỹ là quý vị sẽ không còn được hưởng một hệ thống chăm sóc y tế chất lượng nữa ».
Đọc thêm : Mỹ : Do đâu chính quyền Trump không khai tử được Obamacare ?
Yêu cầu của Nhà Trắng được đệ trình lên Tòa hôm thứ Năm vừa qua, chỉ một vài phút trước 12h đêm. Đây là giờ chót các thẩm phán tiếp nhận hồ sơ cho phiên tiếp theo của Tòa. Phải đợi đến mùa thu thì mới có các cuộc tranh luận đầu tiên về hồ sơ này, và rất có thể phải đến sau cuộc bầu cử tổng thống, Tòa mới ra phán quyết.
Do đó, chủ đề về chăm sóc y tế, vốn là một trong những nội dung quan trọng của chiến dịch vận động tranh cử, có thể sẽ là một phần quan trọng trong các cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden. Cho đến hôm qua, trên Twitter, tổng thống Mỹ vẫn chỉ trích là chương trình Obamacare quá tốn kém ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200628-m%E1%BB%B9-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-trump-%C4%91%E1%BB%87-%C4%91%C6%A1n-l%C3%AAn-t%C3%B2a-t%E1%BB%91i-cao-nh%E1%BA%B1m-khai-t%E1%BB%AD-obamacare

Justin Bieber nộp đơn kiện phỉ báng danh dự

20 triệu Mỹ kim về các cáo buộc tấn công tình dục

Ca sĩ Justin Bieber đệ đơn kiện phỉ báng danh dự đòi bồi thường 20 triệu mỹ kim đối với hai người phụ nữ cáo buộc anh có hành vi sai trái tình dục.
Vào hôm thứ Năm (25 tháng 6), ngôi sao nhạc pop người Canada đệ đơn kiện lên Tối thượng thẩm Los Angeles sau khi tuyên bố trên Twitter hồi đầu tuần rằng việc anh tấn công tình dục một phụ nữ vào năm 2014 là “bất khả thi về mặt thực tế”. Người phụ nữ tự nhận là Danielle dù đăng bài dưới dạng ẩn danh và tuyên bố trên Twitter rằng nam ca sĩ Justin Bieber tấn công tình dục cô tại một khách sạn ở Austin, Texas, vào ngày 9 tháng 3 năm 2014.
Người phụ nữ khác, người tự nhận là Kadi, tuyên bố trên Twitter rằng cô bị anh Bieber tấn công tình dục trong phòng khách sạn ở New York vào tháng 5/2015. Đáp lại, nam ca sĩ đệ đơn kiện hai người phụ nữ và tuyên bố những cáo buộc của hai người phụ nữ là “những lời dối trá thái quá, bịa đặt”, đồng thời yêu cầu một phiên tòa xét xử và 20 triệu mỹ kim tiền bồi thường thiệt hại. (BBT)
https://www.sbtn.tv/justin-bieber-nop-don-kien-phi-bang-danh-du-20-trieu-my-kim-ve-cac-cao-buoc-tan-cong-tinh-duc/

Các bộ phim mùa hè bị trì hoãn một lần nữa

khi Disney dời “Mulan” sang tháng 8

Tin từ LOS ANGELES, California – Trong một tuyên bố vào hôm thứ Sáu (26/6), Walt Disney cho biết họ sẽ hoãn buổi ra mắt bộ phim “Mulan” phiên bản người đóng cho đến ngày 21 tháng 8 năm nay. Quyết định của Disney như một đòn giáng mạnh vào các nhà điều hành rạp phim vốn mong muốn các bộ phim lớn sẽ thu hút khán giả giữa đại dịch.
“Mulan” dự kiến ra mắt vào tháng 3, nhưng bị hoãn lại cho đến ngày 24 tháng 7 khi đại dịch coronavirus buộc các rạp chiếu phim trên toàn thế giới phải đóng cửa. “Mulan” là một phiên bản người đóng trị giá 200 triệu mỹ kim được làm lại từ bộ phim hoạt hình kinh điển của Disney, với ngôi sao Yifei Liu trong vai chính.
Vào tháng 7, các chủ sở hữu rạp chiếu phim hy vọng sẽ dùng “Mulan” và bộ phim hành động “Tenet” của đạo diễn Christopher Nolan để thu hút khán giả quay trở lại rạp chiếu phim. Hiện cả hai bộ phim này đều bị dời sang tháng 8, với “Tenet”, từ Warner Bros, được dự kiến vào ngày 12 tháng 8.
Ngành kinh doanh rạp chiếu phim chịu thiệt hại nặng nề bởi các lệnh phong tỏa coronavirus bắt đầu vào giữa tháng 3, khiến họ sa thải hàng chục ngàn nhân viên và vay tiền để duy trì hoạt động. Theo thống kê của công ty nghiên cứu Comscore, khoảng 780 rạp hiện đang mở cửa tại Hoa Kỳ. (BBT)
https://www.sbtn.tv/cac-bo-phim-mua-he-bi-tri-hoan-mot-lan-nua-khi-disney-doi-mulan-sang-thang-8/

Zuckerberg mất 7,2 tỷ USD sau khi nhiều công ty

đồng loạt tẩy chay quảng cáo trên Facebook

Bình luậnVăn Thiện
Mark Zuckerberg vừa mất 7,2 tỷ USD sau khi một loạt các công ty tẩy chay quảng cáo trên nền tảng Facebook, theo Bloomberg.
Vào thứ Sáu (26/6), cổ phiếu của công ty truyền thông xã hội Facebook đã giảm 8,3%, nhiều nhất trong vòng 3 tháng qua, sau khi Unilever, một trong những nhà quảng cáo lớn nhất thế giới, cùng các thương hiệu khác tẩy chay quảng cáo trên nền tảng của công ty này. Unilever cho biết họ sẽ ngừng chi tiền cho các tính năng của Facebook trong năm nay.
Theo Bloomberg Billionaires Index, việc cổ phiếu giảm giá đã làm giá trị thị trường của Facebook mất 56 tỷ USD và khiến giá trị tài sản ròng của Zuckerberg giảm xuống còn 82,3 tỷ USD. Điều này cũng khiến xếp hạng trong danh sách những người giàu nhất thế giới của giám đốc điều hành của Facebook xuống một bậc, xuống vị trí thứ tư, dưới ông chủ Louis Vuitton, Bernard Arnault. Trong khi đó, 2 vị tỷ phú Jeff Bezos và Bill Gates vẫn đứng đầu bảng.
Các công ty từ Verizon đến Hershey cũng đã ngừng quảng cáo trên mạng xã hội Facebook sau khi các nhà phê bình nói rằng công ty đã thất bại trong việc giám sát một cách thích hợp các phát ngôn thù hận (hate speech) và thông tin sai lệch. Công ty Coca-Cola cũng cho biết họ sẽ tạm dừng tất cả quảng cáo trả tiền trên tất cả các nền tảng truyền thông xã hội trong ít nhất 30 ngày.
Hôm thứ Sáu (26/6), để phản ứng những chỉ trích ngày càng tăng về thông tin sai lệch trên nền tảng Facebook, Zuckerberg thông báo rằng công ty sẽ dán nhãn tất cả các bài đăng liên quan đến bỏ phiếu với một liên kết khuyến khích người dùng vào xem trung tâm thông tin cử tri mới của mình.
Ngoài ra, Facebook cũng mở rộng định nghĩa về phát ngôn thù hân bị cấm bằng cách thêm một điều khoản nói rằng sẽ không được phép quảng cáo nếu phát ngôn đó gắn nhãn nhóm nhân khẩu học khác là nguy hiểm. Định nghĩa mới sẽ được áp dụng cho tất cả mọi người.
Zuckerberg nói: “Không có ngoại lệ cho các chính trị gia trong bất kỳ chính sách nào mà tôi đã công bố ở đây ngày hôm nay”.
Facebook Inc là một công ty truyền thông xã hội và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến thành lập vào năm 2004 của Mỹ có trụ sở tại Menlo Park, California. Nó được Mark Zuckerberg, cùng với các sinh viên Đại học Harvard và bạn cùng phòng là Eduardo Saverin, Andrew McCollum, Dustin Moskovitz, Chris Hughes sáng lập. Đây được coi là một trong những công ty công nghệ Big Four cùng với Amazon, Apple và Google.
Tính đến tháng 12 năm 2018, Facebook tuyên bố rằng công ty có hơn 2,3 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Công ty này được nói đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, với nhiều tranh cãi. Những điều này thường liên quan đến quyền riêng tư của người dùng (như vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica), thao túng chính trị (như cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016), các tác động tâm lý như nghiện Facebook và lòng tự trọng thấp, và nội dung mà một số người dùng thấy phản cảm, bao gồm cả tin tức giả mạo, thuyết âm mưu, và vi phạm bản quyền.
Văn Thiện
Theo Bloomberg
https://www.ntdvn.com/khoa-hoc/zuckerberg-mat-72-ty-usd-sau-khi-nhieu-cong-ty-dong-loat-tay-chay-quang-cao-tren-facebook-48802.html

‘Hoàng đế nước Mỹ’ xuất hiện ở San Francisco

Laura KiniryBBC Travel
Mặc áo choàng dài của lính miền bắc thời Nội Chiến với cầu vai và chiếc mũ nỉ màu tím trưng ra những chiếc lông vũ dài đỏ, xanh lá cây, vàng và xanh lam, Joseph Amster dẫn đầu một nhóm gồm tám người – đàn ông, phụ nữ và thiếu niên – băng qua đường Powell gần Quảng trường Union ở San Francisco.
Với mái tóc hoa râm và bộ râu quai nón, Amster thu hút sự chú ý của người khác do dáng vẻ đặc biệt của ông, mặc dù chính phong thái tự tin của ông – ưỡn ngực, cằm hất lên và vẫy cây gậy dài cỡ cánh tay – mới là điều dẫn ánh nhìn.
Cuộc chiến gà rán ở Mỹ
Cuộc chiến đường biên Mỹ-Canada ít ai biết
Fidel Castro và duyên nợ với New York
Một số người dường như cảm thấy cuốn hút với sự có mặt của ông; những người khác ngơ ngẩn đứng nhìn.
Nhưng chính những người qua đường thậm chí không thèm liếc nhìn Amster lần thứ hai mới thật sự gói gọn tinh thần khoan dung nổi tiếng của thành phố này đối với những điều kỳ quặc và ngớ ngẩn.
Luôn thay đổi
Đầu não văn hóa của miền Bắc California, San Francisco luôn được biết đến là một thành phố không tuân theo lề thói.
Đó là một nơi mà cư dân sơn những ngôi nhà theo phong cách Victoria với màu nhạt hoặc toàn bộ các màu bảy sắc cầu vồng; tranh tài trong cuộc đua Bay to Breakers vào tháng Năm hàng năm trong trang phục hóa trang thành lát thịt xông khói hoặc thành con kỳ lân, hoặc, đôi khi, chạy khỏa thân hoàn toàn; và mặc quần bó, áo dạ mỏng đi ăn ngoài cũng cảm thấy thoải mái như khi họ mang những đôi giày bốt cao đến đùi và khoác áo len.
Nhưng trong những thập niên gần đây, các nhân viên công nghệ bị cám dỗ trước những hứa hẹn hái ra tiền ở Thung lũng Silicon cạnh bên đã đổ xô đến và họ thách thức tinh thần tự do vốn là bản chất của San Francisco, khiến giá thuê nhà ở San Francisco và giá cả hàng ngày vốn đã khó tưởng càng bị đội lên và đẩy chi phí sinh hoạt ở đây lên cao hơn 25% so với mức trung bình cả nước.
New York thừa hưởng gì từ di dân Hà Lan
Nơi phải dựa vào đoàn la thồ hàng giữa lòng nước Mỹ
Đâu là nơi phát minh ra đồng đô la?
Chi phí cuộc sống cao đang đẩy nhiều nghệ sĩ, nhà văn và cư dân lâu năm ra khỏi thành phố; trong khi tình trạng thiếu nhà ở cũng là một phần nguyên nhân khiến số người vô gia cư ngày càng tăng.
Nhiều người trong số họ có đi làm bình thường nhưng vẫn không thể nào tiến thân ở thành phố này, vốn ngày càng đáp ứng nhu cầu của giới thượng lưu.
Với sự chênh lệch quá lớn như vậy, nhiều người tự hỏi liệu tinh thần tiến bộ, cởi mở của San Francisco có thể nào không bị mai một hay không.
“San Francisco đã là thành phố của sự thay đổi kể từ ngày đầu tiên,” Amster, hướng dẫn viên đi tour thành phố và là một nhà sử học nghiệp dư về San Francisco, nói với tôi.
“Tôi chắc rằng khi cuộc đào vàng ở California xảy ra, tất cả những người đã có mặt ở đây từ lúc đầu có thể đã nói là: ‘Hãy nhìn tất cả những người này đến và phá hủy thành phố chúng ta. Chúng ta không còn chỗ để ở nữa… giá cả đang tăng lên…’ Họ đã nói như thế kể từ năm 1849.”
Amster cũng có lý.
Vào năm 1848, khi James W Marshall tìm thấy vàng dọc theo Xa lộ 49 ngày nay (cách San Francisco chừng 210 km về phía đông bắc), dân số vốn ít ỏi của thành phố lúc đó đã bùng nổ.
Hàng chục ngàn người từ trên khắp nước Mỹ và cả ở các nước khác đã đổ về vùng Vịnh San Francisco chỉ trong năm đầu tiên, và tất cả đều đi tìm vận may.
Nhiều người trong số họ là những kẻ đánh liều vốn từ bỏ cuộc sống cũ của họ để chạy theo hứa hẹn về một cuộc sống tốt hơn, và cơ hội hồi sinh lại bản thân họ một cách hoàn toàn mới mẻ.
‘Hoàng đế Hoa Kỳ’
San Francisco đã trở thành một thành phố bùng nổ chỉ sau một đêm – một nơi vô thiên vô pháp với các tụ điểm đánh bạc và nhà thổ hoạt động tràn lan và số lượng đàn ông vượt xa phụ nữ.
Basel, thành phố Thuỵ Sĩ giàu có và ‘quậy ngầm’
Bethlehem linh thiêng: Phục hưng giữa vùng chiến sự
Lễ Quốc khánh của một quốc gia không tồn tại
Bản chất thô ráp và nổi loạn này đã thu hút một số những người gàn dở và những kẻ đánh liều: những người như nhà văn và là cây bút châm biếm Mark Twain; vũ công ‘Tây Ban Nha’ gốc Ailen Lola Montez; và Domenico Ghirardelli, một người nhập cư Ý vốn là doanh nhân đi tiên phong sáng lập Công ty Chocolate Ghirardelli ở thành phố này.
Thái độ ‘sao cũng được’ vẫn là bản sắc của thành phố trong suốt lịch sử hơn 170 năm của nó.
Từ những người bohemia có xu hướng văn học vốn đã thâm nhập vào các câu lạc bộ nhạc jazz và quán cà phê của thành phố trong những năm 1950 đến phong trào phản văn hóa Haight-Ashbury trong những năm 1960 vốn dẫn đến phong trào hippie, và phong trào đòi quyền cho người đồng tính vào những năm 1970, cảm giác mạnh mẽ về tư tưởng tự do và suy nghĩ tiến bộ đã hòa vào máu thịt của San Francisco ngày nay.
Nhưng có một nhân vật trong lịch sử của San Francisco có lẽ đại diện cho hình ảnh của thành phố và tinh thần khoan dung của nó hơn bất kỳ ai: Joshua Abraham Norton, người tự xưng là ‘Tôi là Norton, Hoàng đế Hoa Kỳ’, và sau đó là ‘Người bảo vệ Mexico’.
“Hoàng đế Norton vượt qua những cái thông thường của đời thực, ông là người lập dị thực sự,” Amster nói.
Ông ấy hẳn biết rõ; từ suốt gần một thập niên nay ông đã làm hướng dẫn viên du lịch cho tour tham quan Cỗ máy Thời gian San Francisco Tuyệt diệu của Hoàng đế Norton dọc theo các đường phố ở trung tâm thành phố – và gần đây là bến cảng Embarcadero.
Ăn vận quần áo giống như kiểu của ‘hoàng đế’ trong những lần vi hành, Amster dẫn dắt khách trong một hành trình đi bộ dài khoảng ba giờ xuyên qua lịch sử San Francisco và cuộc đời của chính Norton. Chắc chắn đây là một tour rất thú vị.
Joshua Abraham Norton, người sinh ra ở Anh, lần đầu tiên đến San Francisco vào thời thập niên 1850 và nhanh chóng tạo dựng được cuộc sống thoải mái nhờ vào thị trường hàng hóa cơ bản và bất động sản. Tuy nhiên, ông sớm mất hết tất cả với khoản đầu tư định mệnh vào gạo Peru.
Phá sản và không một xu dính túi, Norton mất hút trong một vài năm mà không ai biết ông ở đâu.
Sau đó, vào ngày 17/9/1859, ông tái xuất (mặc dù trong một phiên bản điên rồ hơn), bước vào tòa soạn báo Daily Evening Bulletin của San Francisco và trao cho biên tập viên George Fitch bản tuyên ngôn tự tuyên bố mình là ‘Hoàng đế của Hoa Kỳ’ theo ‘yêu cầu và mong muốn’, ông nói, ‘của đại đa số các tiểu bang nước Mỹ’.
Fitch đã cho đăng tuyên ngôn đó trên báo vào tối hôm đó, và chẳng mấy chốc, một huyền thoại San Francisco mới đã ra đời.
Hoàng đế công minh?
“Trong 21 năm, tôi ‘trị vì’ trên đường phố San Francisco,” Amster nói với du khách trong khi đóng vai nhân vật xuyên suốt tour.
“Các nhà hàng luôn xếp cho tôi chỗ ngồi tốt nhất. Tôi đi giao thông công cộng miễn phí và mọi người sẽ đứng lên và cúi đầu bất cứ khi nào tôi vào rạp, mà tôi rất thường xuyên đến rạp hát.”
Amster sau đó kể lại câu chuyện vị hoàng đế này đã in trái phiếu kho bạc của mình, vốn không có tài sản bảo đảm nhưng được các quán bar và cơ sở ăn uống trên toàn thành phố chấp nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp, như thế nào; và giải thích rằng chính Norton là người đầu tiên tuyên bố bất kỳ ai ‘thốt ra từ ghê tởm Frisco’ để nói tắt cho San Francisco sẽ đối mặt với mức phạt 20 bảng.
Trong hành trình chuyến tham quan, du khách bắt đầu hiểu được vị hoàng đế này tài tình đến mức nào, và ông ấy sớm trở nên được yêu quý ra sao.
Họ biết được rằng ông là một nhân vật xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống thường nhật của thành phố: xuất hiện tại các cuộc tranh luận công khai để đòi hỏi sự bình đẳng; sâu sát với cư dân địa phương; và liên tục viết các tuyên bố khá tiến bộ vào thời điểm đó, bao gồm cả việc đứng lên tranh đấu cho người Mỹ gốc Phi và quyền đi xe điện của họ, và chống lại các luận điệu bài Trung Quốc.
Ông ấy rất công bằng, Amster cho biết và nói với chúng tôi rằng vốn theo Do Thái giáo từ khi sinh ra, Norton đã đến sinh hoạt ở giáo đường Emanu-El vốn vẫn còn hoạt động vào thứ Bảy hàng tuần.
“Nhưng sau đó ông ấy cũng đến nhà thờ vào mỗi Chủ Nhật,” Amster cười nói thêm. “Ông ấy không muốn tôn giáo này phải ghen tị với tôn giáo kia.”
Với thái độ bất thiên vị, bao gồm bảo vệ người Mỹ bản địa và phụ nữ và tính cách có thể dễ dàng được gọi là có cá tính và không rập khuôn, Hoàng đế Norton đại diện cho những gì luôn là tinh thần của San Francisco.
“Một người đàn ông như ông ấy có thể đến đây,” Amster giải thích, “và tự làm mới mình, và mọi người nói, ‘Tốt thôi. Nếu anh là như thế, thì anh sẽ như thế’ – Tôi không biết có bất kỳ thành phố nào khác giống như vậy.”
Những phẩm chất khoan dung và chấp nhận – cùng với xu hướng khuyến khích người dân đi con đường của riêng họ – được tạo dựng trong cả giai đoạn bùng nổ của thành phố và qua các nhân vật huyền thoại như Hoàng đế Norton, và chúng vẫn là một trong những đặc điểm lạ thường nhất của San Francisco, bất chấp thành phần dân cư và chính sách công của thành phố thay đổi liên tục.
‘Cảm giác lẫn lộn’
Những phẩm chất đó có thể được thấy trong hoạt động của các tổ chức địa phương như SF Cacophony Society, một nhóm ngẫu nhiên những người nổi loạn chịu trách nhiệm tổ chức các sự kiện như Đại chiến Gối vào ngày Valentine hàng năm và lễ hội Burning Man độc đáo (lễ hội cao nhất của những người tư duy tự do); trong các nhóm kể chuyện như nhóm ‘Nhật ký Muni’ vốn chia sẻ những câu chuyện đang xảy ra và câu chuyện trực tuyến về những việc ngẫu nhiên – từ những hành động tử tế đến vận động xã hội – diễn ra trên hệ thống giao thông công cộng khét tiếng của San Francisco và nhận được hàng trăm bài dự thi; và trong những nhân vật được trân quý của San Francisco như Peaches Christ, một tay giả gái địa phương có những hành động nhại phim như Femlins (Gremlins) và Drag Becomes Her (Death Becomes Her) nằm trong số những chương trình được săn đón nhất ở San Francisco.
Đối với Hoàng đế Norton, người vốn là hiện thân của các đặc điểm tiến bộ của San Francisco như thế sẽ nhìn thành phố như thế nào – với Tòa tháp Salesforce đồ sộ sừng sững trên bầu trời và những chiếc xe buýt cho những hãng công nghệ khổng lồ như Google nằm xếp hàng tại những trạm xe buýt vốn trước đây chỉ dành cho giao thông công cộng như hiện nay?
“Tôi nghĩ ông ấy sẽ có cảm giác lẫn lộn,” Amster nói. “Tận sâu thẳm, nên nhớ Hoàng đế là doanh nhân. Có lẽ ông ấy sẽ trân trọng các quán bar và nhà hát không đụng hàng của thành phố, bên cạnh những thành công tài chính của chúng, nhưng hơn bất cứ điều gì hết ông ấy muốn mọi thứ công bằng và hoạt động trơn tru. Tôi thật sự tin rằng ngày nay ông ấy sẽ rất phẫn nộ trước cách đối xử với những người có hoàn cảnh kém may mắn trong thành phố. Nhưng nếu biết Hoàng đế là người thế nào, có lẽ ông ấy sẽ nghĩ ra giải pháp.”
May mắn là, nhiều cư dân và tổ chức ở San Francisco đang tìm cách giải quyết những vấn đề này, cũng như tiếp tục tìm ra những phương cách mới để đến với nhau một cách hòa bình và cởi mở.
Điều này có thể có nghĩa là một ‘người anh em’ công nghệ và một nhân viên vệ sinh ngồi bên nhau nhấm nháp ly cà phê latte đắt đỏ trong một quán cà phê cấm sử dụng máy tính vào cuối tuần để khuyến khích giao tiếp; hoặc họ xếp hàng sát nhau để lấy gà quay tại một trong những quán ăn nhanh bình dân của thành phố, một sự thỏa hiệp giữa ẩm thực cao cấp với giá cả tương đối phải chăng vốn cũng là phản ứng trước giá cả gia tăng ở San Francisco.
“Thay đổi trong thành phố là không thể tránh khỏi,” Amster nói, “nhưng đó cũng có thể là điều tốt, miễn là chúng ta không xóa đi những thứ mà chúng ta cảm thấy thân thuộc của bản sắc San Francisco: sự bất vâng phục; sự đa dạng; tinh thần hồi sinh. Có rất nhiều người trong chúng ta làm việc ngoài giờ để giữ cho những truyền thống này sống mãi.”
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-tra-53137012

Cảnh sát Vancouver đề nghị truy tốmột người

đàn ông da trắng tấn công một cụ già gốc Châu Á

Phó cảnh sát trưởng Vancouver nói rằng cảnh sát đang đề nghị buộc tội người đàn ông da trắng ném một cụ già gốc Hoa Lục ra khỏi cửa hàng vào khoảng ba tháng trước. Cuộc chạm trán tại tiệm 7-Eleven ở East Vancouver vào ngày 13 tháng 3 đã khiến một cụ già mắc chứng mất trí nhớ nằm dài trên vỉa hè, gây ra sự phẫn nộ khắp Canada.
Đó là một phần của sự gia tăng đột biến trong các cuộc điều tra tội phạm kỳ thị người châu Á ở Vancouver kể từ khi bắt đầu đại dịch coronavirus. Mặc dù nghi can đã được xác định trong vòng 24 giờ
sau khi sở cảnh sát Vancouver phát ra một video về sự việc vào ngày 22 tháng 4, nhưng người thân của nghi can nói với các cơ quan báo chí rằng cảnh sát đã thông báo cho họ rằng nghi can sẽ không bị buộc tội. Tuy nhiên, phó cảnh sát trưởng Constable Howard Chow đã phủ nhận điều đó và nói với tờ South China Morning Post trong tuần này rằng nghi can sẽ sớm bị buộc tội.
Vào ngày 22 tháng 5, ông Chow cho biết, có 29 tội ác chống người châu Á được báo cáo vào năm 2020, so với bốn vụ cùng thời kỳ năm ngoái. Vào thứ hai vừa qua, ông cho hay, con số này của năm nay vẫn đang tiếp tục tăng.
Gần đây, có xảy ra vụ một phụ nữ châu Á bị một người đàn ông đi xe đạp đâm vào. Trong sự việc khác xảy ra vào ngày 23 tháng 5, hai phụ nữ châu Á đang ở trong một chiếc xe hơi ở khu phố Tàu thì một người đàn ông bắt đầu la hét với những từ kỳ thị, sau đó đập vỡ một cửa sổ bằng một cái đục. (BBT)
https://www.sbtn.tv/canh-sat-vancouver-de-nghi-truy-to-mot-nguoi-dan-ong-da-trang-tan-cong-mot-cu-gia-goc-chau-a/

Mêhicô : Covid-19 có nguy cơ vượt tầm kiểm soát

Thùy Dương
Mêhicô hiện giờ là nước mà dịch Covid-19 lây lan mạnh thứ hai châu Mỹ Latinh, chỉ sau Brazil. Trong tuần qua, Mêhicô chính thức vượt ngưỡng 25.000 ca tử vong vì virus corona và 200.000 ca nhiễm… Tình hình dịch bệnh đang có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, khiến người dân ngày càng lo lắng.
Từ thủ đô Mêhicô, thông tín viên RFI Alix Hardy cho biết thêm chi tiết :
“Tại thủ đô, quá trình mở cửa trở lại đầy lạc quan, bắt đầu vào giữa tháng 6, nay đã bị hãm lại. Các nhà hàng và các cửa hàng khác vẫn phải đóng cửa thêm một tuần nữa. Nhưng đối với cô Andrea Vélasquez, 28 tuổi, biện pháp này là quá ít ỏi. Cô nói : « Có rất nhiều người chết, điều này thật đáng lo ngại, thậm chí là khiến chúng tôi phẫn nộ, bởi vì cũng vào lúc này, mọi nơi lại đang được mở cửa trở lại ! Chính quyền phải bắt đầu cho thấy họ thực sự khắt khe hơn ».
Mêhicô đã đặt cược tất cả vào một chỉ số : sự bão hòa của các bệnh viện. Mặc dù hệ thống y tế bấp bênh, nhưng tốc độ lây lan đã được kìm hãm đủ để ngăn chặn sự quá tải của các bệnh. Tuy nhiên, hãm được dịch không có nghĩa là kiểm soát được nó, theo như lời cảnh báo nhà sinh học Laurie-Ann Ximénez Fyvie. Bà phát biểu: « Cách duy nhất để kiểm soát dịch bệnh này là phá vỡ chuỗi lây lan của virus. Do đó, chúng ta phải tăng số xét nghiệm tầm soát. Điều này sẽ tạo ra một sự khác biệt rất lớn, hơn nữa, đây cũng là cách tiếp cận mà tất cả các quốc gia khác đã thực hiện. Không có giải pháp nào là dễ dàng, trừ khi chính quyền có ý định để dịch bệnh lây lan theo đà tự nhiên, nhưng điều đó cũng có nghĩa là để cho hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người chết ».
Mêhicô vẫn là một trong những quốc gia tiến hành ít xét nghiệm tầm soát nhất trên thế giới, ngang với Nhật Bản, nước không tin vào biện pháp xét nghiệm tầm soát, và sau Pakistan cùng Bangladesh ».
Nhìn sang nước láng giềng Brazil, hôm qua 27/06/2020, bộ Y Tế ghi nhận có thêm 1.109 người chết vì virus corona trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong từ đầu mùa dịch đến nay lên thành 57.070 người.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200628-m%C3%AAhic%C3%B4-covid-19-c%C3%B3-nguy-c%C6%A1-v%C6%B0%E1%BB%A3t-t%E1%BA%A7m-ki%E1%BB%83m-so%C3%A1t

Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu vượt mốc 10 triệu

Số ca nhiễm virus Corona trên thế giới hôm 28/6 đã vượt mức 10 triệu người, trong khi gần nửa triệu người tử vong kể từ tháng Một, theo Reuters.
Con số trên gần gấp đôi số người lâm bệnh nặng vì nhiễm cúm hàng năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Tỷ lệ nhiễm COVID-19 tăng cao trong bối cảnh nhiều nước bị ảnh hưởng nặng nới lỏng các biện pháp cách ly, trong khi một số nước khác chứng kiến các ca nhiễm Corona tăng trở lại.
XEM THÊM:
COVID-19: Mỹ đào tạo ‘thám tử dịch bệnh’ cho Việt Nam
Theo Reuters, mỗi khu vực Bắc Mỹ, Mỹ Latin và châu Âu chiếm khoảng 25% các ca.
Trong khi đó, châu Á và Trung Đông mỗi khu vực chiếm tỷ lệ tương ứng là 11% và 9%.
Tới nay, có hơn 497 nghìn ca tử vong vì COVID-19, tương đương số người chết vì cúm mùa hàng năm.
Các ca nhiễm COVID-19 ghi nhận đầu tiên hôm 10/1 ở Vũ Hán, Trung Quốc, trước khi các ca nhiễm và tử vong tăng mạnh ở châu Âu, rồi ở Mỹ và Nga.
https://www.voatiengviet.com/a/s%E1%BB%91-ca-nhi%E1%BB%85m-covid-19-tr%C3%AAn-to%C3%A0n-c%E1%BA%A7u-v%C6%B0%E1%BB%A3t-m%E1%BB%91c-10-tri%E1%BB%87u/5480625.html

Covid-19: ‘Tôi mắc kẹt giữa vòng xoáy dịch bệnh ở Chile’

Khải ĐơnGửi tới BBC News Tiếng Việt từ Santiago, Chile
Tin nhắn từ hãng hàng không rung lên trên điện thoại, thông báo Chile sẽ tiếp tục đóng cửa đến ngày 2/7, và các biện pháp cách ly sẽ tăng cường nghiêm khắc hơn, đến mức có thể phạt tù nếu người dân vi phạm.
Tôi nhận ra mình đã rơi vào tình cảnh của một du khách mắc kẹt tại Nam Mỹ, khi thế giới rơi vào vòng xoáy đại dịch và không một hành trình nào có thể tiếp tục.
Hoa Kỳ gặp ‘vấn đề nghiêm trọng’ với virus corona
Người Việt và virus corona tại Nga
Virus corona: Tôi bỏ lại gia đình ở Trung Quốc
Hai tháng trước, khi vừa tới Chile, báo chí còn ca ngợi nơi đây là điển hình của Châu Mỹ Latin trong phản ứng nhanh trước dịch bệnh.
Giờ, quốc gia này rơi vào chính cái bẫy của những mâu thuẫn xã hội sâu sắc tồn tại từ lâu trong thời dịch bệnh.
“Phong tỏa linh hoạt”
Ban đầu, người dân Chile mà tôi trò chuyện không cảm nhận được sự nghiêm trọng của dịch bệnh.
Họ có thể bị cảnh sát chặn và hỏi giấy tờ, nhưng vẫn có thể ra vào gần giới hạn các khu cách ly.
Dù cách ly từ sớm, nhưng quá trình thực thi lại vô cùng lỏng lẻo và phiền toái. Khi tôi cần đi một chuyến xe bus từ tỉnh ngoài vào thủ đô, chỉ cần lên website Comisar Virtual để xin giấy phép đi lại bằng cách điền thông tin cá nhân và nhận một barcode để cảnh sát kiểm tra trên đường.
Trên hành trình, xe bus phải dừng đến sáu lần kiểm tra.
Là người nước ngoài, tôi bị cảnh sát tra hỏi rất nhiều về chuyện đi đâu, làm gì, giấy tờ ra sao. Nhưng trong sự phiền toái, việc kiểm tra sức khỏe lại qua loa và nhân viên y tế thậm chí ghi sai số hộ chiếu của tôi cũng chẳng buồn sửa lại.
Các bạn dường như sợ hãi phải làm công việc tiếp xúc nhiều nguy cơ, nên thường cho người đi qua thật nhanh để không phải giao tiếp.
Người Việt ở Ba Lan ‘giữ lửa tình làng nghĩa xóm’ chống Covid-19
Người Việt ở Berlin: ‘Tôi mong sớm hết đại dịch Covid-19 vì…’
Mô hình “cách ly linh hoạt” (đóng cửa quận này thì mở cửa quận kia) không làm giảm số người mắc bệnh.
Biểu tình vì đói
Trong một ngày tháng Năm, chiếc taxi đưa tôi vào nội thành Santiago bị kẹt lại ở ngã ba đường.
Sáng hôm ấy, hàng trăm xe taxi xếp hàng san sát trên đại lộ lớn giữa thành phố, đồng loạt bấm còi. Cờ Chile được một nhóm người vẫy và xe bọc thép chống bạo động của quân đội đã chặn giữa ngã tư đường.
Ông tài xế taxi chở tôi giải thích ông may mắn vì lái cho công ty taxi lớn nhất ở Santiago, vẫn được phép hoạt động, nhưng tất cả các công ty nhỏ và dịch vụ lái xe chia sẻ đều bị tạm dừng.
Các ứng dụng như Uber, Cabify không được phép hoạt động nữa và nhiều gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào nghề lái Uber rơi vào cảnh đói kém. Họ xuống đường biểu tình – giữa mùa dịch.
Hình ảnh đó làm tôi nhớ lại phát biểu của Bộ trưởng Y tế Chile Jaime Mañalich trên truyền hình: “Có những khu vực ở Santiago nơi tôi không hề biết được mức độ của sự nghèo khó và đông đúc ra sao.”
Khi ấy, tôi và vài người bạn Chile đang ngồi ăn tối ở trại lướt sóng. Bạn tôi phản ứng: “Bạn thấy không? Mấy ông đánh cá ngoài cảng chỗ mình, có ông nào nghỉ làm được ba tháng mà còn có ăn không? Vậy mà họ bắt mọi ngành nghề ngừng hoạt động!”
Suy nghĩ của người giàu
Covid-19 lan đến Chile khi những gia đình đại gia đi nghỉ hè từ Ý, Anh hay Mỹ trở về nhà hồi cuối tháng Hai, đầu tháng Ba. Khi chính quyền ra lệnh cách ly, những người giàu có này chỉ đơn giản là ở yên trong những biệt thự giàu có hay khu nghỉ dưỡng, với người hầu hạ chăm sóc vây quanh.
Cuối tháng Tư, vừa khi chính quyền Chile cảm thấy đại dịch đã có thể được kiểm soát, cũng là lúc những người giúp việc, người dọn dẹp, nhân viên từ những biệt thự, nhà nghỉ dưỡng giàu có bị nhiễm bệnh từ chủ nhân của mình.
Đến lượt họ, vốn sống trong những chung cư chật hẹp và đông đúc ở ngoại thành Santiago, đã bắt đầu làm bệnh dịch lan ra. Những chung cư cao tầng chật hẹp, tăm tối đầy người lao động nhập cư đến từ Haiti, Venezuela, Colombia nhanh chóng trở thành ổ dịch – thứ mà những quan chức ở tầng lớp cao không hề biết đến, như Bộ trưởng Y tế thừa nhận.
“Chính quyền nghĩ về cách ly như cách nghĩ về những người giống họ, như thể toàn bộ Chile là tầng lớp trung lưu lớp trên, họ có thể ở nhà và làm việc từ nhà,” nhà nghiên cứu chính trị Claudio Fuentes từ Đại học Universidad Diego Portales được tờ Buenos Aires Times của Argentina dẫn lời. “Họ không đảm bảo được việc cách ly cho người nhiễm bệnh ở khu vực nghèo khổ hơn.”
Đi cùng với lỗ hổng về kiểm soát dịch bệnh là sự phẫn nộ của người dân nghèo về cách họ buộc phải trải qua đại dịch. Họ không thể kiếm sống, không được xét nghiệm, và không tin vào sự minh bạch trong dịch bệnh [Chile bị cộng đồng quốc tế phê phán vì lợi dụng dịch bệnh để đàn áp các nhóm hoạt động dân sự].
Có đêm tôi đứng trên sân thượng khách sạn, thấy cảnh sát dùng dùi cui đánh và bắt những nhóm thanh niên trẻ đi biểu tình đi trong đêm. Sự chia rẽ trong xã hội càng ngột ngạt hơn vì bệnh dịch.
Người dân tiếp tục đổ ra đường biểu tình ngay giữa thời cách ly. Biểu tình vì không thể lái taxi. Biểu tình vì không có thực phẩm. Biểu tình vì không được đi làm. Biểu tình càng làm tâm dịch ở Santiago ngày một mất kiểm soát.
Không có lối về
Đầu năm 2020, tôi đến Chile vì hành trình lướt sóng dọc bờ biển miền trung và miền nam Chile, dự kiến kéo dài hai tháng.
Là người Việt, tôi được miễn visa 90 ngày để du lịch ở đất nước có thiên nhiên cực kỳ hùng vĩ kéo dài xuống tận gần Nam Cực.
Càng đi về miền nam Chile, các thị trấn càng bé, nằm hút giữa núi hoặc chỉ là làng chài nhỏ ven biển. Có nơi là “thị trấn” chỉ có khoảng bốn con đường và vài chục mái nhà.
Thiên nhiên nguyên sơ và yên tĩnh đã làm tôi quên mất cuộc vật lộn với dịch bệnh ngoài kia, điều đã khiến tất cả các đại sứ quán và hãng hàng không ở thủ đô Santiago ngừng hoạt động.
Khi thời hạn visa gần hết, tôi phải đi về một thành phố lớn để gia hạn.
Mọi cơ quan ở thành phố Talca (thành phố lớn nhất ở vùng Maule) đóng cửa và làm việc từ nhà, khiến du khách không biết làm sao có thể gia hạn visa.
Tôi được hướng dẫn lên website, khai thông tin nhập cảnh cũ, và nhận một phiếu gia hạn visa, ra ngân hàng đóng tiền với giá 100USD/90 ngày. Tôi may mắn sống ở khu vực mà thủ tục hành chính khá tiến bộ và nhận ngay được giấy gia hạn chỉ trong vài ngày.
Tuy nhiên, nhiều du khách khác trên các diễn đàn du lịch xuyên Châu Mỹ PanAm Travel Association cho biết họ gặp rắc rối.
Marion, một người Đức trên diễn đàn viết bức thư và tập hợp vài chục chữ ký của du khách trong cùng hoàn cảnh, gửi đến Bộ Du lịch khi ông đã nộp tiền gia hạn visa nhưng không hề… nhận được phản hồi của Phòng Xuất Nhập cảnh:
“Cách đưa thông tin và hỗ trợ dành cho du khách nước ngoài là không thỏa đáng. Các quốc gia Nam Mỹ khác như Argentina, Brazil, Peru, Paraquay đã có giải pháp rất đơn giản cho du khách. Từ ngày biên giới đóng cửa, visa sẽ tạm ngừng và chỉ có hiệu lực trở lại khi biên giới mở cửa. Nhưng với những người như chúng tôi, đã phải trả tiền gia hạn visa thêm ba tháng ở Chile, chúng tôi sẽ phải làm gì khi visa tiếp tục hết hạn?”
Những quốc gia có hộ chiếu “cao cấp” như Châu Âu thì đơn giản hơn, du khách quá hạn visa có thể ra thẳng sân bay, nộp tiền phạt tại khu vực xuất cảnh và rời khỏi Chile đúng giờ bay.
Chile dần dần mở cửa các chuyến bay trong lặng lẽ, nhưng với tần suất bất thường.
Có hôm tôi ngồi đợi ở sân bay, nhìn lên bản điện tử, thấy ba chuyến bay cùng đến Miami (Mỹ), nhưng chỉ trong một tiếng, hai chuyến bị hủy.
Hành khách bị hủy chuyến vạ vật nằm trong sảnh sân bay lập tức buộc phải quay về, không tụ tập đông người trong nhà ga. Nhà hàng, cửa hàng cafe trong sân bay đóng cửa.
Người bạn ở Mỹ của tôi đã phải mua vé máy bay ba lần để tìm cách bay về Mỹ, cứ mỗi chuyến bị hủy lại là vài trăm đô la hóa thành… voucher, không biết bao giờ mới dùng lại.
Với nhiều du khách muốn ở lại tiếp tục du lịch quốc gia này thì việc tìm cơ sở xét nghiệm Covid-19 (nếu họ nghi ngờ bản thân bị nhiễm bệnh) gần như là bất khả thi.
Ngoại trừ ba thành phố lớn là Santiago, Concepcion và Valparaiso, du khách khó có thể tìm thấy bệnh viện nào nhận xét nghiệm Covid-19 ở các vùng khác.
Đặc điểm địa lý Chile là quốc gia có khoảng cách chiều dài rất lớn (hơn 4.300km) và dân số thấp khoảng 18 triệu dân cũng làm việc bố trí dịch vụ xét nghiệm Covid-19 ở khắp quốc gia là không thể thực hiện được.
Giờ đã là cuối tháng Sáu, chính quyền Chile đã dựng thêm 130 “khu dân cư đảm bảo vệ sinh” để người dân nghèo nhiễm bệnh được sắp đặt cách ly ở đây, thay vì buộc phải nằm nhà chữa bệnh, trong những khu chung cư chật người và đông đúc.
Tôi vẫn tiếp tục nhận được email từ Đại sứ quán Costa Rica, Đại sứ quán Mexico, Đại sứ quán Mỹ hứa hẹn họ “sẽ mở cửa” nhưng không thể cho biết cụ thể ngày nào.
Mùa đông ở miền Trung Chile đã về. Nhiệt độ xuống cực kỳ thấp với những đợt mưa kéo dài đến 15 ngày.
Tôi lên lộ trình chuẩn bị đi về miền Bắc Chile, nơi khí hậu ấm hơn, trong một hành trình mới ở mùa dịch bệnh.
Ta có thể làm gì hơn khi đợi một chuyến bay trở về không biết bao giờ mới mở lại? Đành phải tiếp tục khám phá và tận hưởng thiên nhiên tuyệt đẹp và hoang sơ ở đất nước này – khi vắng bóng người qua lại.
Khải Đơn là một cây viết tự do, tác giả các cuốn ‘Đừng tháo xuống nụ cười’, ‘Mekong, phù sa phiêu bạt’, ‘Đi thật xa trên một chiếc camper’ và một số tác phẩm khác.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-53210674

Hãy loại Trung Quốc khỏi các định chế quốc tế

Đạo Nhất
Tổng thống Mỹ Donald J. Trump, ngồi cạnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại sự kiện đặc biệt của các nhà lãnh đạo G20 về Kinh tế kỹ thuật số tại Hội nghị thượng đỉnh G20 Nhật Bản, ngày 28/6/2019, tại Osaka , Nhật Bản (ảnh chính thức của Nhà Trắng).
Trung Quốc đã đầu tư vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhưng lại thường xuyên vi phạm những quy định của các tổ chức này. Đại dịch viêm phổi Vũ Hán gây họa loạn cho nhân loại, sự kiện nóng năm nay là khủng hoảng về dịch tễ và ngoại giao, những quan ngại sẵn có về nguy cơ một Trung Quốc thù nghịch và hiếu chiến sẽ thống trị thế giới, lấn lướt các nền dân chủ và tự do đã trở nên ngày càng rõ nét hơn.
Trung Quốc và sự lũng loạn trong các tổ chức quốc tế
ĐCSTQ xây dựng trên nền tảng triết học đấu tranh, đã thành công trong việc lợi dụng sự ngây thơ của xã hội phương Tây mà vươn lên trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trung Quốc là một nền kinh tế có sự chỉ đạo chứ không phải là một kinh tế thị trường đơn thuần, là thành viên của tổ chức thương mại thế giới kể từ năm 2001, Trung Quốc không còn là quốc gia đang phát triển nhưng luôn lợi dụng những ưu đãi liên quan đến quy chế này.
Đầu thập niên 70 thế kỷ trước Bắc Kinh đã dùng các mưu kế để được Hoa Kỳ bật đèn xanh, giành một chiếc ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chiếc ghế này giúp Trung Quốc có rất nhiều đặc quyền, vị thế này khiến Trung Quốc có thể ngăn chặn đề xuất đưa các lãnh đạo của Trung Quốc ra tòa án hình sự quốc tế về các vụ việc nghiêm trọng, ví dụ như đại dịch viêm phổi Vũ Hán hiện nay.
Việc Trung Quốc lũng đoạn Tổ chức Y tế Thế giới là lời cảnh báo rõ ràng vì với ảnh hưởng này Bắc Kinh đã trì hoãn được việc công bố đại dịch. Sự hiện diện và quyền lực trong các định chế thế giới của một thể chế có mục đích thống trị thế giới về kinh tế và quân sự rõ ràng là một điều nguy hiểm.
ĐCSTQ là mối nguy hại cho tự do dân chủ và hòa bình của nhân loại
Sự coi thường mạng sống con người, chối từ trách nhiệm trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán vừa qua đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người khiến mọi người đều lo lắng đến điều tệ hại hơn. Một thể chế nghĩ rằng đe dọa quân sự sẽ giúp họ thống trị hoàn toàn các bên hay thế thượng phong trong kinh tế giúp họ đặt nền móng vững chắc cho tham vọng của họ.
Quân đội Trung Quốc ngày nay đã trở thành một lực lượng đi chinh phục thế giới. Căn cứ hải quân ở Djibouti, tại vùng Sừng châu Phi và một pháo đài thống trị Ấn Độ Dương có thể tiếp nhận nhiều chiến hạm lớn, thậm chí hàng không mẫu hạm, đã khẳng định tham vọng muốn thống trị của họ.
Với bản chất như vậy, ĐCSTQ đã khéo che giấu việc chinh phục châu Phi, sự xâm lược trên phương diện kinh tế xuyên suốt châu Âu bằng dự án có cái tên thơ mộng “một vành đai, một con đường”.
Hai tàu sân bay và những chiếc khác đang được đóng, một tổ ngầm được xuất xưởng mỗi quý và một khu trục hạm mới hàng tháng, hợp thành một hạm đội hiện đại với hơn 700 chiến hạm có thể hoạt động tại tất cả các vùng biển. Bắc Kinh có thể tự hào mà khoe khoang chỉ trong vòng 1, 2 thập niên tới sẽ là cường quốc hải quân hàng đầu thế giới.
Mới đây truyền thông Trung Quốc rầm rộ tuyên truyền thử nghiệm thành công hỏa tiễn nguyên tử tầm xa JL3, 12.000 km có thể từ vùng duyên hải Trung Quốc phóng tới tận Hoa Kỳ. Những hỏa tiễn này sẽ được trang bị cho các thế hệ tàu ngầm mới kể từ năm 2025.
Bắc Kinh tuyên bố các vụ thử hoả tiễn là sự đáp lại chiến lược răn đe Trung Quốc của tổng thống Mỹ Donald Trump. Đương nhiên chẳng ai tin rằng Trung Quốc sản xuất hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân chỉ vì mấy lời đe dọa của tổng thống Mỹ. Các vụ bắn thử được tuyên truyền rầm rộ và các nhà nghiên cứu được trao các giải thưởng khoa học thuộc loại danh giá nhất của Trung Quốc chỉ là một hình thức khoe khoang sức mạnh quân sự trước thế giới.
Ngân sách của quân đội Trung Quốc là 250 tỷ đô la trong năm 2018 và được tăng lên hàng năm khoảng 7,5%. Nhưng trên thực tế ngân sách quân sự Trung Quốc với giá nhân công rẻ mạt nên có thể sản xuất ra một lượng lớn trang thiết bị so với các quốc gia khác. Rõ ràng nỗ lực vũ trang này là hiếm thấy hoặc chưa từng thấy trong thời bình.
Trong khi đó cách biệt giàu nghèo rất lớn và 22% dân số đang độ tuổi lao động Trung Quốc bị thất nghiệp trước khi xảy ra đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Sự chuẩn bị ồ ạt như thế cho quân đội khiến chúng ta không thể không nhớ lại thời kỳ tái vũ trang của Đức Quốc xã kể từ năm 1933 trước Đệ Nhị Thế Chiến.
Hãy loại Trung Quốc khỏi các định chế quốc tế
Nhân loại toàn thế giới cần phải phân biệt giữa ngoại giao và phục tùng, không thể làm ngơ trước tham vọng Trung Quốc và coi đó chỉ là sự đối đầu Mỹ-Trung, không nên cho rằng đó là một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa hai cường quốc, không liên quan đến mình. Bởi vì xin đừng nhầm lẫn nếu như ĐCSTQ có thể mổ cướp nội tạng chính người dân của mình thì ai sẽ là đối tượng tiếp theo?
Cuộc chiến đã bắt đầu trong im lặng với những mối đe dọa đối với EU và các nước thành viên lẽ ra đã phải khiến thế giới phải rất cảnh giác. Chẳng hạn Bắc Kinh phủ nhận trách nhiệm của Trung Quốc trong bản cáo trạng về việc xử lý dịch viêm phổi Vũ Hán, mới đây còn định ngăn cản một hợp đồng hiện đại hóa các chiến hạm Đài Loan ký với một công ty Pháp. Bắc Kinh cảnh báo Pháp rằng cần tôn trọng nguyên tắc chỉ có một nước Trung Quốc, yêu cầu Pháp huỷ bỏ dự định bán vũ khí cho Đài Loan để tránh thiệt hại cho quan hệ Pháp-Trung.
Sẽ là hợp lý nếu Trung Quốc tham gia tài trợ việc tái thiết nền kinh tế thế giới. Có lẽ điều tối thiểu mà các nguyên thủ quốc gia trên thế giới có thể làm, đó là cùng với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đòi hỏi Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại cho các nước khác.
Việc loại Trung Quốc ra khỏi tổ chức thương mại thế giới và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể sẽ làm cho Trung Quốc trở nên ôn hòa hơn, giúp thế giới trong thời gian dài tránh được nguy cơ một cuộc tấn công quân sự từ Trung Quốc, như lời kêu gọi của Thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực châu Âu, ông Philip T.Reeker vào hồi cuối tháng tư vừa qua: “Chúng ta phải đoàn kết lại trước Trung Quốc”. Đây chính là cơ hội cho mỗi nước.
https://www.dkn.tv/the-gioi/hay-loai-trung-quoc-khoi-cac-dinh-che-quoc-te.html

GMO đang dần ‘khống chế’ thế giới –

Ai chống lưng cho GMO? (Phần 2)

Bình luậnThủy Tiên
Có một sự thật là chính các tập đoàn cung ứng thuốc trừ sâu lại là các công ty có tỷ trọng doanh thu hạt giống biến đổi gen (GMO) lớn nhất – họ đã thúc đẩy nền nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào thuốc
trừ sâu và GMO. Đứng sau các tập đoàn này là các tỷ phú hàng đầu thế giới, những người đang ngày càng có ảnh hưởng sâu sắc tới địa chính trị và chính sách lương thực, nông nghiệp toàn cầu…
Phần 1
Các tập đoàn công nghệ hóa sinh học lớn nhất thế giới như Monsanto và Bayer, Dow và Dupont, và Syngenta và ChemChina kiểm soát hơn 65% doanh số bán thuốc trừ sâu trên thế giới và cũng đồng thời chiếm tới 61% doanh thu từ hạt giống GMO. Giới chuyên gia cho rằng các con số này đã cho thấy lỗ hổng nghiêm trọng của ngành nông nghiệp và sinh thái toàn cầu. Sức mạnh tài chính và các thế lực đứng sau của các công ty này cho phép họ gây ảnh hưởng đến các quyết định chính trị với sự giúp đỡ của truyền thông “hung hăng và phi đạo đức” như báo cáo đặc biệt của Liên Hợp Quốc đã từng nhấn mạnh, đồng thời, chúng ngăn chặn các kết quả, hoạt động, thậm chí là ý định nghiên cứu khoa học độc lập về tác hại của GMO và thuốc trừ sâu lên sức khỏe con người và khả năng chịu đựng của hệ sinh thái tự nhiên.
Các nghiên cứu như vậy, đương nhiên bị các tập đoàn này ngăn chặn, gỡ bỏ việc công bố kết quả nghiên cứu thông qua vận động hành lang, thúc đẩy tham nhũng từ các chương trình tài trợ nghiên cứu khoa học, quỹ từ thiện… Kết quả là, chúng ta đang có một nền nông nghiệp ngày một phụ thuộc vào GMO và thuốc trừ sâu, nói cách khác an ninh lương thực, công việc của nông dân và sức khỏe của người dân ngày một phụ thuộc và bị khống chế bởi các tập đoàn kinh tế hóa sinh đã đề cập ở trên.
Sinh vật biến đổi gen (GMO) là gì ?
Một sinh vật biến đổi gen (GMO) là một sinh vật (thực vật, động vật, vi khuẩn, virus) mà một hoặc nhiều gen đã được cấy vào một cách nhân tạo, không biết sinh vật này thuộc về loài nào hoặc biết thuộc về loài nào nhưng đã trải qua một số thao tác di truyền. Sự ra đời của các gen này dẫn đến việc sản xuất protein tạo ra các đặc tính mới cho sinh vật biến đổi gen. Một sinh vật biến đổi gen là một sinh vật không tồn tại như vậy trong tự nhiên, nó là một sinh vật hoàn toàn nhân tạo.
Chuyển gen (đưa vào bộ gen của một hoặc nhiều gen từ bộ gen của một loài sống khác, bằng cách chuyển một phần DNA) cho đến nay là kỹ thuật chính được sử dụng để thu được GMO. Nhưng từ giữa những năm 2000, các kỹ thuật chỉnh sửa bộ gen đã đa dạng đáng kể. Chúng ta đang nói về các kỹ thuật chọn lọc mới hoặc Kỹ thuật Nhân giống Mới (NBT), về chỉnh sửa bộ gen, về đột biến gen mới, chẳng hạn như hệ thống Crispr-Cas9 hoặc các nucleases ngón tay kẽm hoặc Talen.
Những kỹ thuật này thực hiện các quá trình như đột biến, sao chép, kích hoạt hoặc tuyệt chủng gen, bằng cách sửa đổi mục tiêu của một chuỗi di truyền.
Sự phát triển của các kỹ thuật này thoạt nhìn dường như tiềm năng mới nhưng cũng tồn tại rất nhiều câu hỏi đằng sau đó chưa hề có câu trả lời thích đáng. Sự dễ dàng thực hiện của kỹ thuật này có thể làm tăng sự can thiệp của con người vào bộ gen? Những tác động của nó rất khó lường. Hơn nữa, chúng thường không thể được phát hiện trong sản phẩm cuối cùng thu được, điều này gây ra những khó khăn liên quan đến truy xuất nguồn gốc và kiểm soát việc sử dụng chúng, đặc biệt là việc phổ biến chúng trong môi trường. Cuối cùng, các kỹ thuật này thường được bảo vệ bởi các bằng sáng chế, điều này có thể dẫn đến việc chiếm đoạt và ngăn chặn quyền truy cập vào các nguồn gen khác nhau.
GMO ra đời khi nào và mục tiêu “phủ mật” được tuyên truyền của nó là gì?
Lịch sử của GMO bắt đầu cách đây chưa đầy ba mươi năm với những vi khuẩn đầu tiên được biến đổi vào năm 1973. Đầu những năm 1980, lần đầu tiên người ta đã thành công trong việc biến đổi gen một loài thực vật và động vật. Năm 1994, cây biến đổi gen đầu tiên (PGM) đã được bán ra thị trường. Năm 1996 là sự khởi đầu của việc trồng GMO đại trà. Kể từ đó, hàng chục giống cây trồng khác nhau (bông, ngô, củ cải đường, khoai tây, đậu nành, gạo, lúa mì, cà chua, v.v.) và các giống động vật (cá hồi, thịt lợn, thỏ, v.v.) đã xuất hiện.
Mục tiêu mà các công ty nghiên cứu và cung cấp giống GMO tuyên bố là: cải thiện số lượng thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp khác, giảm lượng thuốc trừ sâu phải sử dụng, cải thiện chất lượng dinh dưỡng nhất định của cây (trường hợp lúa vàng biến đổi gen để giàu carotene hơn,… nhưng đột nhiên lại nghèo vitamin E và các chất dinh dưỡng khác). Mục tiêu cuối cùng là giảm đói cho thế giới.
Nhưng sự thật về GMO không đơn giản như thế khi ngày càng có nhiều nông dân phải tự tử vì phá sản do trồng hạt giống GMO, lượng thuốc trừ sâu khi trồng GMO thực tế tăng lên trong khi lượng dinh dưỡng của cây, củ quả thực sự không được cải thiện… GMO lan rộng đến đâu, quyền lực của các tập đoàn lớn như Monsanto được gia tăng đến đó, sự bất ổn của sức khỏe và mất cân bằng sinh thái gia tăng cùng với quyền lực chống lưng cho GMO (!)
Kể từ khi bắt đầu thương mại hóa GMO năm 1996, diện tích được phân bổ cho việc trồng loại cây này tại các nước sản xuất chính ngày càng tăng. Năm 2018, số quốc gia trồng cây trồng biến đổi gen là 26
(21 quốc gia đang phát triển và 5 quốc gia công nghiệp hóa). Năm 2018, 90,5% diện tích thế giới được trồng bằng GMO (191,7 triệu ha) ở 5 quốc gia: Hoa Kỳ, 39% diện tích; Brazil, 26% diện tích; Argentina, 12,5% diện tích; Canada, 7% diện tích; Ấn Độ, 6% diện tích.
Ai đứng đằng sau GMO?
GMO được coi là chỉ được kiểm soát bởi các nhóm công nghiệp lớn như Monsanto hoặc Bayer Cropscience. Là công ty Mỹ có trụ sở tại Saint Louis, Missouri, Monsanto là một trong những người khổng lồ toàn cầu về công nghệ sinh học nông nghiệp. Tuy nhiên, công ty này vừa được một người khổng lồ khác của Đức cùng ngành, Bayer mua lại ngày 7/6/2018 với giá 63 tỷ USD (54 tỷ euro). Do đó, cổ đông hoàn toàn mới của nó là Bayer.
Theo trang web chuyên ngành Investopedia, cho đến nay, Monsanto đã được một nghìn nhà đầu tư tổ chức sở hữu chiếm 76%, chủ yếu là người Mỹ. Trong số đó, năm cổ đông lớn nhất – Tập đoàn Vanguard, State Street Corporation, Blackrock Financial Advisors, MFS Investment Management KK và Công ty nghiên cứu và quản lý Fidelity – nắm giữ 92 triệu cổ phần với tổng giá trị 10,7 tỷ USD, hay chiếm 20% vốn của công ty vào tháng 5/2017.
Theo báo cáo chính thức năm 2017 do Monsanto gửi tới Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) – cảnh sát của thị trường chứng khoán Mỹ – cổ đông chính trong số 5 công ty này là “tập đoàn Vanguard” với 7,27% vốn. Tập đoàn Vanguard có trụ sở tại Pennsylvania là một quỹ đầu tư rộng lớn, quản lý hơn 5 nghìn tỷ USD tài sản trên toàn thế giới. Đây là cổ đông lớn nhất của ngân hàng Goldman Sachs hoặc của hãng Apple.
Xếp sau với 5,8% vốn của Monsanto, quỹ Blackrock của Mỹ chính là quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới với hơn 6 nghìn tỷ USD tài sản trong danh mục đầu tư.
Liệu việc Bayer tiếp quản có thay đổi điều đó? Đúng là Monsanto có thể vượt Đại Tây Dương, nhưng nó thực sự vẫn nằm trong tay … của cùng các cổ đông lớn. Thật vậy, công ty Đức này đã được 30% các cổ đông Bắc Mỹ sở hữu. Và trong số đó, theo trang web zonebference.com, vị trí đầu tiên là BlackRock (gần 3%, thông qua Blackrock fund advisors và Blackrock asset management deutschland AG), theo sau ở vị trí thứ hai là Tập đoàn Vanguard (2,63%) và ở vị trí thứ mười là Công ty nghiên cứu và quản lý Fidelity (1,19%). Vẫn là 3 trong số 5 cổ đông chính của Monsanto. Đây chẳng qua là tài chính trong một gia đình có lớn có nhỏ mà thôi.
Sức mạnh tài chính mua cả luật pháp và nghiền nát nông dân lên tiếng
Hầu hết các nhà máy GMO được sản xuất và tiêu thụ ở Mỹ ngày nay đều là những nhà máy phát triển hạt giống kháng thuốc diệt cỏ cụ thể – Roundanto Monsanto. Đậu nành Roundup Ready, ngô và củ cải phát triển từ hạt giống đã được biến đổi gen để phát triển ngay cả khi tưới thuốc diệt cỏ glyphosate (tên khoa học của Roundup) cho chúng. Điều này cho phép Monsanto vừa bán hạt giống GMO vừa bán thuốc diệt cỏ.
Theo Forbes, mặc dù các hạt giống Roundup chưa được thử nghiệm là độc hại đối với con người và các động vật có vú khác, nhưng nó xuất hiện trên thị trường càng lâu, thì tác động lâu dài của nó đối với sức khỏe của đất và sự phát triển của cây xuất hiện càng rõ nét. Ngoài ra, thực vật Roundup Ready có thể không cho phép động vật ăn phải hấp thụ các các vi chất dinh dưỡng cần thiết, và tác giả của bài báo này cho rằng ông không nói quá khi khẳng định đây có thể là một trong các nguyên nhân gây nên sự diệt chủng loài ong trong hơn một thập kỷ gần đây.
Cũng theo Forbes, Monsanto đã được biết là sử dụng sức mạnh tài chính khổng lồ của mình để thuê luật sư “nghiền nát” các nông dân nhỏ trong các vụ kiện có liên quan tới sản phẩm của họ và thậm chí thuê kiểm duyệt internet để đe dọa những người tiêu dùng cuối cùng lên tiếng nghi ngờ về ảnh hưởng sức khỏe của Roundup. Tác giả bài báo thậm chí còn sử dụng cụm từ “đế chế tà ác” khi nói về Monsanto. Cho tới nay, Monsanto sử dụng hàng chục tỷ đô-la Mỹ để dàn xếp vụ kiện và vướng vào hàng nghìn vụ kiện tụng như thế trên khắp thế giới với cáo buộc thuốc diệt cỏ gây ung thư, tác hại tiêu cực lên đất đai, sinh vật và hệ sinh thái…
Vận động hành lang: sự tấn công chống lại hành tinh
Các công ty như Monsanto có nguồn lực không giới hạn để có được ảnh hưởng chính trị thông qua vận động hành lang. Họ không chỉ được đại diện bởi nhiều hiệp hội vận động hành lang, cả địa phương và toàn cầu, mà họ cũng có một loạt các nhà vận động hành lang được thuê, họ trả thù lao một cách kín đáo cho các nhà khoa học đóng vai trò là người phát ngôn của họ và các công ty này tham gia vào các dự án quảng cáo xanh.
Chính các tổ chức của Liên minh châu Âu và chính phủ Hoa Kỳ cũng thường xin xỏ sự vận động hành lang của các công ty này và do vậy đã trao cho họ đặc quyền can dự vào việc ra quyết định. Sự cộng sinh không tự nhiên này cho phép các công ty nắm bắt việc ra quyết định, điều này có hậu quả không chỉ dẫn chúng ta đi thẳng đến một nền dân chủ bị cạn sạch tính căn bản, mà còn dẫn đến thảm họa môi trường và những bất công xã hội nghiêm trọng.
Các hiệp hội vận động hành lang: bạn hay thù ?
Tại cấp độ toàn cầu, khu vực và địa phương, các công ty làm việc trong cùng lĩnh vực phối hợp với các công ty vận động hành lang vì lợi ích chung của họ. Đối với Monsanto, sự phối hợp này chủ yếu là giữa các nhóm vận động hành lang cho hóa chất và thuốc trừ sâu, công nghệ sinh học và hạt giống. Các nhóm này phối hợp nhiều chiến lược truyền thông và các hoạt động vận động hành lang trực tiếp với những người ra quyết định.
Hiệp hội vận động hành lang toàn cầu CropLife International tập hợp các công ty trong lĩnh vực công nghệ sinh học và thuốc trừ sâu – về cơ bản là cùng những công ty giống nhau. Trong số đó có các công ty kinh doanh nông nghiệp lớn (Monsanto, Bayer, BASF, Dow / Dupont, Syngenta, v.v.) và các hiệp hội vùng về công nghệ sinh học và thuốc trừ sâu (bao gồm BIO, EuropaBio và AfricaBio, nhưng cũng có Hiệp hội Bảo vệ Cây trồng châu Âu ECPA, CropLife America, CropLife Trung Đông Châu Phi và CropLife Châu Á, v.v.).
Trong Liên minh châu Âu, các hiệp hội vận động hành lang của Monsanto bao gồm Hiệp hội Hạt giống châu Âu (ESA) vận động hành lang hạt giống, Hiệp hội Bảo vệ Cây trồng châu Âu (ECPA) vận động hành lang thuốc trừ sâu và EuropaBio vận động hành lang công nghệ sinh học. Những thành viên của các nhóm vận động hành lang này bao gồm các công ty nhưng cũng có sự vận động hành lang tầm cỡ quốc gia nhằm tạo áp lực đồng thời ở cả cấp độ châu Âu và cấp độ quốc gia. Các tổ chức tương đương ở Hoa Kỳ là Hiệp hội Thương mại Hạt giống Hoa Kỳ (ASTA), CropLife America và Tổ chức Công nghiệp Công nghệ Sinh học (BIO).
Các công ty công nghệ sinh học như Monsanto đang mua ngày càng nhiều công ty hạt giống địa phương và do đó ngày càng có ảnh hưởng trong các hiệp hội hạt giống quốc gia. Hiệp hội Thương mại Hạt giống châu Phi (AFSTA) bao gồm nhiều chi nhánh quốc gia khác nhau của Monsanto, Syngenta và Bayer, vận động hành lang hạt giống ASTA của Bắc Mỹ cũng là thành viên của họ. Năm 2015, trong suốt các cuộc đàm phán về Nghị định thư Arusha về hạt giống, AFSTA đã dùng thủ đoạn ủng hộ các luật mới để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty gây thiệt hại cho các quyền của người nông dân trong việc giữ hạt giống của họ. Ở Hà Lan, Monsanto đã mua lại các công ty hạt giống rau như De Ruiter Seeds và Seminis, nơi cung cấp hạt giống cho người làm vườn. Do đó, Monsanto có một thẻ tham dự trong hiệp hội các nhà sản xuất hạt giống Plantum của Hà Lan và cáo buộc bất kỳ sự phản đối nào đối với các bằng sáng chế ở đó.
Ngân sách lớn để có được tiếng nói
Số liệu về chi phí vận động hành lang có thể tìm thấy được trong sổ đăng ký vận động hành lang của Liên minh châu Âu và Mỹ rất hạn chế và chỉ chiếm một phần của chi phí thực tế đối với vận động hành lang để gây ảnh hưởng đến luật pháp. Các số liệu trình bày dưới đây không tính đến chi phí cho các cuộc khảo sát được ủy thác cho “các nhà khoa học độc lập”, các chiến dịch truyền thông hoặc lương cho các luật sư kinh doanh được thuê để bảo vệ lợi ích của họ trên vũ đài chính trị.
Brussels là thủ đô vận động hành lang thế giới đứng thứ hai sau Washington. Liên minh châu Âu không yêu cầu minh bạch về vận động hành lang đối với khoảng từ 20 đến 30.000 người vận động hành lang mà người ta ước tính đang sải bước mỗi ngày ở khu phố châu Âu của Brussels. Đối với những người vận động hành lang, việc đăng ký vào Sổ đăng ký minh bạch của Liên minh châu Âu là không bắt buộc, vả lại, thông tin ở đây không chính xác và sai lệch vì chưa được xác minh. Nhiều công ty thậm chí không tuyên bố, chẳng hạn như Viện Khoa học Đời sống Quốc tế (ILSI) là thành viên của Monsanto, Lực lượng đặc nhiệm Glyphosate (GTF) do Monsanto điều hành hoặc công ty vận động hành lang Genius của Đức đang điều hành trang web GTF. Theo ước tính của Monsanto, công ty này đã chi khoảng 400.000 euro trực tiếp cho việc vận động hành lang ở Brussels (từ giữa năm 2014 đến giữa năm 2015).
Nhưng con số thực tế cao hơn nhiều. Tại Hoa Kỳ, Monsanto đã chi 4,33 triệu USD cho việc vận động hành lang của riêng mình vào năm 2015. Ngoài ra, Monsanto tiết lộ trên trang web của mình rằng họ đã trả tổng cộng 2 triệu USD cho nhiều hiệp hội vận động hành lang mà công ty thuộc về như Tổ chức Công nghiệp Công nghệ Sinh học (BIO) và CropLife America. Nhưng danh sách vẫn chưa đầy đủ vì vắng mặt ILSI. Tổng quan về hỗ trợ tài chính của ILSI năm 2012 mà US Right To Know thu được cho thấy có không ít hơn 43% ngân sách của họ trong năm đó đến từ Monsanto (500.000 USD) và từ cơ sở vận động hành lang của CropLife International (528.000 USD). Khoản tiền này không bao gồm các chiến dịch của Monsanto ở cấp quốc gia (8,1 triệu USD để phản đối việc dán nhãn “biến đổi gen” ở
California) cũng như không bao gồm việc tài trợ cho các chiến dịch tranh cử. Monsanto quyên góp cho rất nhiều chiến dịch, chủ yếu cho các ứng cử viên Đảng Cộng hòa từ các bang trồng ngô và đậu nành biến đổi gen.
Các công cụ vận động hành lang
Ở Mỹ: vận động hành lang bằng các cửa quay
Hệ thống “cửa quay” là một chiến lược vận động hành lang cổ điển: một doanh nghiệp hoặc một công ty vận động hành lang tuyển dụng một cựu công chức hoặc người đại diện chính trị cấp cao biết các bánh răng của hệ thống quan chức, nhiệm vụ của người này sẽ là vận động hành lang với các đồng nghiệp cũ. Các cửa quay này cũng hoạt động theo nghĩa khác, nghĩa là khi một người trong ngành công nghiệp đó có được một vị trí quan trọng trong một cơ quan công quyền.
Các cửa quay có ở mọi quốc gia trên thế giới, nhưng không nhiều như ở Mỹ: theo Centre for Responsive Politics, hơn một nửa số người vận động hành lang từ CropLife America trong giai đoạn 2013-2014 trước đây đã làm việc cho chính phủ. Tương tự, tại Hoa Kỳ, 37 trong số 48 nhà vận động hành lang của Monsanto trong năm 2015-2016 tuyên bố đã qua thời kỳ làm việc cho chính quyền Washington.
Trường hợp tiêu biểu nhất là ông Michael Taylor, người đã được hưởng lợi từ các cửa quay 4 lần trong sự nghiệp của mình. Đầu tiên, ông Taylor gia nhập Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) trước khi trở thành luật sư cho Monsanto. Tiếp theo, ông Taylor trở lại FDA vào năm 1991 và sau đó đến Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA, 1994-1996). Trong cả hai lần, ông đều phụ trách chính sách của Mỹ về quy định thực phẩm biến đổi gen. Năm 1996, ông Taylor trở lại làm việc cho Monsanto với tư cách là Phó chủ tịch chính sách công cho đến năm 2000. Nhưng năm 2009, chính quyền Tổng thống Obama đã tái bổ nhiệm ông làm Cố vấn cao cấp cho FDA.
Ông Taylor là một trong những kiến ​​trúc sư của nguyên tắc “vật chất tương đương” của Mỹ. Nguyên tắc này xác lập rằng các loại thực phẩm biến đổi gen và không biến đổi gen là tương đương nếu chúng thể hiện chất lượng gen có thể so sánh được dựa trên các yếu tố hạn chế (kiểu hình, thành phần phân tử). Sau đó không còn cần thiết phải kiểm tra xem có sự khác biệt về độc tính hay không. Nguyên tắc này đã được áp dụng tại Hoa Kỳ và Canada để đánh giá GMO.
Lời hứa dán nhãn
Năm 2007, ông Obama đã hứa với các công dân Mỹ sẽ dán nhãn thực phẩm biến đổi gen với tên “quyền được biết bạn đang mua gì”. Ở nhiều tiểu bang, các chiến dịch của công dân đã được triển khai để thực phẩm được dán nhãn “biến đổi gen” khi nó chứa những GMO. Monsanto, giống như nơi vận động hành lang của Hiệp hội các Nhà sản xuất Thực phẩm (GMA) cho ngành công nghiệp nông sản, đã đề xuất ở cấp liên bang tại Washington một luật dán nhãn GMO giả tạo – được các nhóm công dân đặt tên là luật DARK (Denying Americans Right to Know hay Từ chối người Mỹ quyền được biết). Luật này cho phép che giấu đằng sau mã vạch các thông tin liên quan đến các thành phần biến đổi gen. Luật cũng nghiêm cấm thiết lập ở cấp tiểu bang bất kỳ nhãn nào ghi “có chứa GMO”. Luật DARK được tổng thống Obama ban hành mùa hè năm 2016.
Trong Liên minh châu Âu: Monsanto ẩn mình đằng sau các hiệp hội vận động hành lang
Monsanto đã giữ một thái độ rất kín đáo trong Liên minh châu Âu, thường ẩn đằng sau các hiệp hội hoặc các nhóm vận động hành lang với những cái tên ít được công chúng biết đến như Viện Khoa học Đời sống Quốc tế (ILSI) để tác động đến các quy định khoa học hoặc như Lực lượng Đặc nhiệm Glyphosate để bảo vệ thuốc trừ sâu Roundup.
Với các văn phòng đặt tại Mỹ, châu Á, Nam Mỹ và châu Âu, ILSI chủ yếu được tài trợ bởi các công ty thành viên trong đó có Monsanto, Coca-Cola, McDonald và nhiều công ty khác. ILSI tổ chức các hội thảo và các hoạt động quy tụ các nhà khoa học trong ngành và các chuyên gia chính phủ. Những hoạt động này trên thực tế dùng để thúc đẩy các khái niệm “khoa học” và các phương pháp có lợi cho các sự vụ nhắm vào các quy định về thực phẩm và về y tế.
Tác động của ILSI đối với các quy định châu Âu về biến đổi gen
Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) đóng vai trò quan trọng trong việc xác định cấp phép cho hàng ngàn sản phẩm sẽ tham gia vào chuỗi thức ăn (GMO, thuốc trừ sâu, phụ gia thực phẩm, sản phẩm có chứa công nghệ nano). Các liên kết chặt chẽ giữa EFSA và ILSI đã có tác động đáng kể đến việc đánh giá rủi ro của GMO tại Liên minh châu Âu trong hơn một thập kỷ qua. Harry Kuiper là chủ tịch người Hà Lan của nhóm chuyên gia về GMO (2003-2012), đồng thời là thành viên của nhóm làm việc của ILSI về các tiêu chuẩn đánh giá rủi ro mà GMO gây ra. Người đứng đầu của nhóm làm việc này là Kevin Glenn, một nhân viên của Monsanto. Nhóm làm việc này bảo vệ việc sử dụng một khái niệm gọi là “đánh giá so sánh” – phiên bản châu Âu của lập luận của Mỹ về “vật chất tương đương” của GMO và
phản đối việc cần thiết phải xét nghiệm thức ăn của động vật . Như ILSI đã tự hào thông báo với các thành viên của mình, các khuyến nghị của ILSI đã được triển khai một phần bởi văn phòng EFSA. Đảm nhận vai trò thứ ba, H. Kuiper đã điều phối một dự án nghiên cứu công-tư do Liên minh châu Âu tài trợ về đánh giá rủi ro GMO, ENTRANSFOOD, mà Monsanto cũng tham gia vào đó. Dự án này tiếp tục bảo vệ việc giới thiệu khái niệm “đánh giá so sánh”.
Gijs Kleter, chuyên gia tại EFSA từ đầu những năm 2000 và là phó chủ tịch hội đồng GMO năm 2012 và 2015, cũng đã làm việc từ năm 2002 đến 2007 về các tài liệu chiến lược của ILSI đối với GMO dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ Bruce Chassy, ​​một nhà khoa học được Monsanto trả tiền. Ông này cũng làm việc như một chuyên gia cho chính phủ Hà Lan tại OECD trong nhóm làm việc về thực phẩm và thành phần thực phẩm mới.
Bà Suzy Renckens, từng là chủ tịch hội đồng GMO tại EFSA cùng với Kuiper, đã được hưởng lợi từ các cửa quay và được tiến cử vào năm 2008 khi bà này trở thành người vận động hành lang cho Syngenta, lãnh đạo châu Âu về GMO.
Thuê vận động hành lang
Schuttelaar and Partners không phải là công ty mới về các chiến dịch vận động hành lang kín đáo cho các khách hàng công nghệ sinh học. Năm 1995, công ty này đã được Monsanto thuê để đảm bảo việc giới thiệu suôn sẻ việc nhập khẩu GMO đầu tiên của châu Âu – đậu nành Roundup Ready kháng thuốc diệt cỏ của Monsanto.
Schuttelaar & Partners được lập nên bởi Marcel Schuttelaar, một nhà hoạt động môi trường trước đây. Dựa trên lời hứa sai lầm rằng vụ mùa Roundup Ready sẽ dẫn đến việc sử dụng ít thuốc trừ sâu, công ty này đã góp phần mở rộng độc canh đậu tương ở Nam Mỹ.
Thúc đẩy GMO tại Nam bán cầu
Các trường đại học và chính phủ châu Phi đã là mục tiêu của việc vận động hành lang rất mạnh mẽ cho ngành công nghiệp này để thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen trên lục địa này. Mục tiêu đồng thời là để chinh phục một thị trường mới khi dựa trên sự bảo vệ bằng sáng chế và để thúc đẩy các lập luận về khả năng được cho là để “nuôi sống hành tinh” bằng GMO.
Châu Phi: thành lập các nhóm vận động ủng hộ GMO
Cùng với các công ty khác, Monsanto đã tài trợ và ủng hộ nhiều liên minh vận động hành lang để thúc đẩy GMO ở châu Phi. Trong số đó có Dịch vụ Quốc tế đối với việc Mua lại các Ứng dụng Công nghệ sinh học nông nghiệp (ISAAA), Quỹ công nghệ nông nghiệp châu Phi (AATF) và Liên minh cho một cuộc cách mạng xanh ở châu Phi (AGRA).
Liên kết chặt chẽ với quỹ Gates
Hầu hết các dự án này và nhiều hoạt động khác ủng hộ hạt giống được cấp bằng sáng chế đều được hỗ trợ tài chính bởi Quỹ Bill và Melinda Gates. Điều quan trọng cần nhớ là Quỹ Gates cũng đã đầu tư 23 triệu USD vào các hoạt động của Monsanto năm 2010. Cùng với đó, Quỹ Gates đang tài trợ cho dự án hợp tác công tư Water Efficient Maize for Africa (WEMA) của Kenya, trong đó Monsanto cũng có liên quan. Một số cựu nhân viên của Monsanto làm việc cho quỹ Gates, như Robert Horsch, người chỉ đạo bộ phận nông nghiệp của quỹ và đã giúp khởi động AGRA, hay Lawrence Kent, phó chủ tịch bộ phận. Việc hỗ trợ tài chính của Quỹ Gates tại AATF đặc biệt dành để nâng cao “nhận thức để hiểu rõ hơn và đánh giá cao hơn về công nghệ sinh học nông nghiệp” ở châu Phi.
Lần theo dấu vết tiền, các nhà tài trợ quá khứ và hiện tại của ISAAA, nơi hàng năm cho ra một báo cáo về tiến trình của cây trồng biến đổi gen trên toàn thế giới, là Bayer, Monsanto, Syngenta và Dupont.
Châu Á: gạo vàng, giải pháp thần kỳ
“Gạo vàng” GMO, được cho là làm giàu beta-caroten, là trung tâm của truyền thông “nhân đạo” của ngành công nghiệp công nghệ sinh học khi giới thiệu loại gạo biến đổi này như là một giải pháp cho sự thiếu hụt vitamin A trong các cộng đồng và trẻ em suy dinh dưỡng. Được tài trợ bởi các quỹ Gates và Rockefeller, cũng như Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), gạo biến đổi gen được phát triển bởi Syngenta và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) ở Philippines. Tuy nhiên, Monsanto và Bayer cũng đã cung cấp miễn phí các công nghệ được cấp bằng sáng chế “vì mục đích nhân đạo”. Monsanto cũng hỗ trợ dự án này khi trả hơn 13 triệu USD học bổng cho các sinh viên làm việc trong các phòng thí nghiệm của IRRI (Chương trình Học giả Quốc tế Beachell-Borlaug của Monsanto). Ngoài những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ này, ngoài sự không chắc chắn về an toàn sức khỏe và sản lượng bấp bênh, các nhà phê bình cũng cho rằng việc gạo vàng thay thế các giống lúa địa phương có thể gây bất ổn cho nông dân.
Cuối cùng, các giải pháp khác đơn giản hơn luôn là: bổ sung vitamin A (trong ngắn hạn) và tiếp cận chế độ ăn uống đa dạng (trong dài hạn).
Phỉ báng các tổ chức phi chính phủ chống GMO
Gạo biến đổi gen đã được nghiên cứu trong hơn 20 năm, nhưng các nhà nghiên cứu này cho biết gạo vẫn chưa sẵn sàng được thương mại hóa trên thị trường. Họ cũng thừa nhận rằng hiệu quả của gạo vàng trong việc tăng mức vitamin A ở trẻ em suy dinh dưỡng vẫn còn phải được kiểm chứng. Tuy nhiên, việc không thương mại hóa này được quy cho những tổ chức “chống GMO” trong đó có tổ chức phi chính phủ Greenpeace. Những tổ chức này bị các ngành công nghiệp tuyên truyền phỉ báng, buộc tội họ phải chịu trách nhiệm về việc suy dinh dưỡng trên toàn thế giới.
Thật bất ngờ là những người chống GMO này hiện giờ đang “ăn năn”. Ở Anh, Mark Lynas đã khiến mình nổi tiếng trên phương tiện truyền thông khi giới thiệu mình là một “nhà hoạt động chống GMO” trước đây và xin lỗi về hành động của mình trong quá khứ vì đã phóng đại vai trò của mình trong phong trào chống GMO. Tuy nhiên, ngay cả Lynas cũng phải thừa nhận rằng việc đổ trách nhiệm cho Greenpeace làm chậm trễ trong vụ “gạo vàng” là hơi “sớm”. Năm 2014, Quỹ Gates đã tài trợ cho Lynas một vị trí tại “Liên minh Khoa học” tại Đại học Cornell để góp phần “tạo phân cực cho cuộc tranh luận về GMO” cùng với các vận động hành lang về công nghệ sinh học châu Phi.
Một người mới là Richard Roberts đã tham gia năm 2016. Ông đã được trao Giải Nobel về y học (1993), nhưng hiện đang làm việc cho một công ty về công nghệ sinh học. Ông đã dàn dựng tập phim mới nhất về cuộc chiến chống lại các tổ chức phi chính phủ, thu thập 107 chữ ký của những người đoạt giải thưởng Nobel để buộc tội Greenpeace vì “tội ác chống lại loài người” và tuyên bố rằng tổ chức phi chính phủ này nên chấm dứt chống lại “gạo vàng” – trong khi bỏ qua thực tế là sự chống đối này không tạo ra một trách nhiệm nào đối với sự không sẵn dùng của “gạo vàng”. Nhân viên hợp đồng chiến lược truyền thông virus cũ của Monsanto, Jay Byrne, người điều hành V-Fluence, đã tham gia vào sự kiện truyền thông xung quanh thông báo này của “những người đoạt giải Nobel”. Các khách hàng của Byrne bao gồm Monsanto và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI).
Tổ chức phi chính phủ US Right To Know đã tung ra những email chứng minh Tiến sĩ Kevin Folta, Đại học Florida, người viết Blog Biofortified.org và GMOanswers.com, đã trở thành người phát ngôn không chính thức cho Monsanto như thế nào. Ông này đã ký hợp đồng với Monsanto năm 2013. Qua một trong những email được công bố, Monsanto có kế hoạch trả một khoản trợ cấp không giới hạn 25.000 USD cho Folta, email viết: “Việc sử dụng người thứ ba là cách tiếp cận lý tưởng để phát triển lời xin lỗi công khai về GMO mà chúng ta mong muốn”. Folta đã hứa với Monsanto một “lợi tức đầu tư vững chắc” và ngay lập tức bắt đầu công việc của mình như một phát ngôn viên không chính thức. Gần một năm sau khi nhận được tiền của Monsanto, ông này tiếp tục tuyên bố trước công chúng “Tôi không liên quan gì đến Monsanto”.
Folta cũng đã nhiều lần góp bài cho trang web GMOanswers.com, được điều hành bởi Hội đồng Thông tin Công nghệ sinh học (CBI), một trang giả danh bổ sung của ngành công nghiệp này được tài trợ bởi Monsanto, BASF, Bayer, Dow, DuPont và Syngenta.
Đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai
Cornell Alliance for Science là một dự án đào tạo và truyền thông được ra mắt năm 2014 nhờ khoản tài trợ trị giá 5,6 triệu USD từ Quỹ Bill & Melinda Gates nằm trong trường đại học uy tín Cornell. Đáng chú ý là chương trình này sử dụng Mark Lynas hoặc Kevin Folta trong số các giảng viên của họ. Cornell Alliance for Science có những đối tác là ISAAA, do Monsanto và Diễn đàn Mở về Công nghệ sinh học Nông nghiệp ở Châu Phi (OFAB) hỗ trợ.
Giống như các dự án khác, dự án này nhằm mục đích tài trợ cho các chương trình đào tạo “các nhà lãnh đạo trẻ” từ các nước phía nam để nâng cao nhận thức về công nghệ sinh học, về “truyền thông khoa học” và “ra quyết định dựa trên các chứng cứ khoa học”.
Vào năm 2014, Jon Entine – nhà sáng lập ESG MediaMetrics, một công ty truyền thông “dài hạn” có các khách hàng bao gồm Monsanto – và Dự án Xóa mù về Gen di truyền đã hợp tác với Academics Review để hỗ trợ tài chính cho một “trại tập huấn” nhằm dạy các nhà khoa học cách “bắt đầu tốt nhất cho cuộc tranh luận về GMO với một đối tượng hoài nghi”.
Vấn đề xung quanh các sinh vật biến đổi gen rất phức tạp và ít được minh bạch. Sau hơn 20 năm, các công ty này, rất tự hào về sản phẩm của họ, vẫn từ chối xác định rõ ràng GMO cho người tiêu dùng. Và vì sự phức tạp này, các chính phủ vẫn chưa thực hiện được việc dán nhãn GMO bắt buộc. Monsanto – Bayer, những gã khổng lồ có phương tiện tài chính vô hạn để vận động các chính phủ. GMO đang và sẽ
mang lại mối lợi cho ai? Thật không may là cả người tiêu dùng hay nông dân đều không được tư vấn khi hạt giống biến đổi gen được đưa ra thị trường và những người này ngày càng ít quyền tự chủ.
Thủy Tiên
Tài liệu tham khảo:
https://www.liberation.fr/checknews/2018/08/21/quels-sont-les-actionnaires-de-monsanto_1672639
http://www.ogm.gouv.qc.ca/ogm_chiffres/principaux_producteurs.html
https://www.vigilanceogm.org/les-impacts/impacts-sur-la-politique#tab_lobbyisme
https://www.ntdvn.com/kinh-te/gmo-dang-dan-khong-che-the-gioi-ai-chong-lung-cho-gmo-phan-2-48887.html

E.U trì hoãn quyết định về du lịch xuyên biên giới.

công dân Hoa Kỳ không nằm trong danh sách

được du lịch đến Châu Âu

Tin từ BRUSSELS/CHICAGO – Vào hôm thứ Sáu (26/6), các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu không thể thống nhất “danh sách an toàn” cuối cùng gồm các quốc gia có cư dân có thể du lịch đến E.U từ tháng 7, với Hoa Kỳ, Brazil và Nga sẽ bị loại trừ.
Các đại sứ từ 27 thành viên EU hội họp từ chiều thứ Sáu để thiết lập các yêu cầu cấp quyền truy cập miễn cách ly. Các nhà ngoại giao cho biết một danh sách tái soạn thảo gồm 10 đến 20 quốc gia được gửi cho họ, nhưng nhiều người cho biết rằng họ cần tham khảo ý kiến với chính phủ của họ trước.
Một nhà ngoại giao cho biết danh sách này không bao gồm Hoa Kỳ, Brazil hay Nga. Các cuộc thảo luận được tiếp tục qua đêm, với các quốc gia trong khối EU dự kiến sẽ đưa ra câu trả lời không chính thức vào tối hôm thứ Bảy. Hai viên chức Hoa Kỳ cho biết hành khách Hoa Kỳ có thể được phép đi du lịch nếu họ đáp ứng một số điều kiện nhất định như thông qua kiểm tra nhiệt độ. Ủy ban châu Âu khuyên rằng khối này dỡ bỏ kiểm soát biên giới nội bộ trước và sau đó dần dần mở cửa cho người ngoài. Tuy nhiên, bước đầu tiên không tiến triển theo kế hoạch.
Hy Lạp đang bắt buộc áp dụng các xét nghiệm COVID-19 cho những người đến từ một loạt các quốc gia EU, bao gồm Pháp, Ý, Hòa Lan và Tây Ban Nha, với biện pháp tự cách ly cho đến khi biết kết quả. Cộng hòa Czech cho biết họ sẽ không cho phép khách du lịch từ Bồ Đào Nha, Thụy Điển và một phần của Ba Lan vào quốc gia họ (BBT)
https://www.sbtn.tv/e-u-tri-hoan-quyet-dinh-ve-du-lich-xuyen-bien-gioi-cong-dan-hoa-ky-khong-nam-trong-danh-sach-duoc-du-lich-den-chau-au/

Dấu ấn tuần qua:

EU ngày càng ‘tỉnh ngộ’ về Trung Quốc

Lục Du
Hôm thứ Hai (22/6), các quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã tổ chức một hội nghị trực tuyến nhằm hâm nóng mối quan hệ bị đóng băng thời gian qua. Tuy nhiên, cuộc họp không mang lại kết quả gì khi EU dường như ngày càng nhận ra niềm tin không thể đặt nơi chính quyền Trung Quốc.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã và đang gây ra thiệt hại nặng nề cho EU, trong khi chính quyền Trung Quốc bị chỉ trích gay gắt vì che giấu thông tin dịch bệnh, đàn áp những người đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm của virus Vũ Hán, cho phép hàng triệu người dân của họ mang theo mầm bệnh đi lại khắp nơi, khiến dịch bệnh lây lan ra toàn cầu. Bên cạnh đó, EU cũng đang lên án mạnh mẽ việc Bắc Kinh thúc đẩy dự luật an ninh Hồng Kông và không có dấu hiệu muốn cải thiện hồ sơ nhân quyền.
Kết thúc nhưng không kết luận
Tham gia cuộc họp trực tuyến, về phía EU có Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, về phía Trung Quốc có sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình, và Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Đúng như dự đoán của Reuters, cuộc họp này không mang lại kết quả gì đáng kể. Hai bên không đưa ra được tuyên bố chung. Đồng nghĩa với hàng loạt vấn đề tồn tại giữa họ vẫn còn nguyên trạng, cả hai không thống nhất được những vấn đề cơ bản trong chính sách thương mại và đầu tư, EU cũng không có hứa hẹn gì với Bắc Kinh về việc sẽ xem xét điều chỉnh chính sách thuế nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc.
Thậm chí, ngay sau cuộc họp này, bà Leyen còn truyền đi một thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh rằng, nếu lực lượng cầm quyền tại Trung Quốc cố tình áp đặt luật an ninh cho Hồng Kông, thì sẽ phải đối mặt với “hậu quả rất xấu”. Trong khi đó, ông Charles Michel nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm với ông Lý Khắc Cường rằng: “Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về luật an ninh quốc gia áp dụng cho Hồng Kông”.
Phản ứng của hai lãnh đạo hàng đầu Liên minh châu Âu đã minh chứng cho sự thất bại hoàn toàn của cuộc họp vốn đã bị trì hoãn từ tháng Ba, cũng như phản ánh mối rạn nứt sâu sắc trong quan hệ giữa EU và Trung Quốc.
Phía sau những lời hoa mỹ
Theo Reuters, trong cuộc họp, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng ông nhìn nhận mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU thiên về đối tác hơn là đối thủ. Truyền thông Trung Quốc đưa tin, lãnh đạo của họ bằng lòng hợp tác chặt chẽ với EU trong việc nghiên cứu để tìm ra vắc xin phòng chống Covid-19. Còn chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ sự lạc quan về mối quan hệ với EU.
Nhưng phía sau những lời nói “êm tai” của lãnh đạo Trung Quốc là một tư tưởng chỉ muốn được chứ không muốn mất của Bắc Kinh, bất chấp việc đối phương đưa ra những đòi hỏi chính đáng. “Chúng ta tiếp tục có một mối quan hệ thương mại và đầu tư không cân bằng”, bà Leyen nói với ông Tập. Phát biểu này của bà Leyen trong cuộc họp, được New York Times dẫn lời, đã cho thấy điều đó.
Theo New York Times, đã có rất ít tiến triển trong thực hiện các cam kết vào năm ngoái của Bắc Kinh về việc mở rộng thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp EU.
EU cho rằng Bắc Kinh luôn cố gắng đòi hỏi nhiều hơn ở họ nhưng lại luôn tìm cách bảo trợ thái quá cho các nhà sản xuất Trung Quốc, trong khi hạn chế nước ngoài tiếp cận thị trường Đại lục, cũng như đưa ra những yêu cầu phải chuyển giao công nghệ đối với những công ty nước ngoài đầu tư ở Trung Quốc.
Theo AFP, hiện EU quan ngại sâu sắc về việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tranh thủ thâu tóm những công ty châu Âu gặp khó khăn vì bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Nói về thái độ của Trung Quốc đối với việc đàm phán thỏa thuận thương mại với EU, bà Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga – Châu Á – Châu Âu, có trụ sở ở Brussels, cho biết, châu Âu luôn mong đợi mọi thứ sẽ khác đi, nhưng người Trung Quốc “kéo dài thỏa thuận đầu tư này trong 7 năm và họ sẽ không đi đến một thỏa thuận. Bắc Kinh đang tập trung vào việc chia rẽ châu Âu, và ve vãn Đức”.
Âm mưu chia rẽ để thao túng EU của Bắc Kinh đã được nhiều chuyên gia cảnh báo, Giáo sư Steve Tsang của Trường Nghiên cứu phương Đông và Châu Phi, nhận định: “Trung Quốc về cơ bản đang cố gắng tiếp cận theo kiểu ‘chia để trị’ đối với EU. Một số quốc gia EU đang bị dụ dỗ xích lại gần với Trung Quốc và tách ra khỏi các quy tắc thường lệ của Liên minh châu Âu”.
Chiến thuật “chia để trị” của Bắc Kinh đã mang tới những kết quả bước đầu cho họ. Nhiều nước trong khối này hiện cho thấy xu hướng thân Trung Quốc. Theo Daily Express, 52% người Ý được hỏi cho rằng Trung Quốc là đối tác lớn, còn theo SCMP, Hungary và Hy Lạp đã ca ngợi Bắc Kinh vì hỗ trợ họ trong đại dịch Covid.
Dịch chuyển về phía Hoa Kỳ
Mặc dù Bắc Kinh đã “lừa” được nhiều quốc gia thành viên EU, nhưng vẫn có những thành viên khác của khối này nhìn ra bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Cộng hòa Séc là một ví dụ. Theo SCMP, Séc đã vỡ mộng với những lời hứa ngọt ngào trong đầu tư từ Bắc Kinh, và là nước đầu tiên thuộc EU đưa ra cảnh báo về rủi ro an ninh khi cho Huawei đấu thầu mạng 5G.
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán ập tới cũng là lúc nhiều nước EU “tỉnh ngộ” về mối quan hệ với Trung Quốc, nhận ra rằng Bắc Kinh là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan, sau đó lại đóng vai người hùng chuyển giao công nghệ và tài trợ đồ bảo hộ phòng chống dịch cho họ.
Đặc biệt khi họ phát hiện ra đồ bảo hộ phòng Covid mà Hội chữ thập đỏ Trung Quốc mang tới “cứu trợ” châu Âu đều là các sản phẩm hạ cấp, không thể dùng, thì hình ảnh “bóng bẩy” mà Bắc Kinh nỗ lực tạo ra để lừa phỉnh EU đã không còn chỗ đứng. Nhìn lại, EU đã thấy rõ hơn một Trung Quốc đang đe dọa không chỉ bản thân họ, mà còn với phần còn lại của thế giới, và vì thế họ đã quyết định hành động.
Hôm 15/6, sau cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, nói rằng EU có kế hoạch liên kết với Hoa Kỳ để đối phó với tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Nghị viện châu Âu hôm 19/6 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu EU đưa chính quyền Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế, nếu Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông.
Ngoại trưởng Pompeo trong một hội nghị trực tuyến hôm thứ Năm (25/6) cho hay, chính quyền Trump đã nhận lời mời của EU tham gia một cuộc đối thoại mới giữa Hoa Kỳ với khối này về vấn đề Trung Quốc.
Điều này cho thấy EU đang chủ động hơn trong các hành động kiềm chế Trung Quốc, vì có thể giờ đây họ đã tiến gần hơn với nhận thức của Hoa Kỳ về mối đe dọa tới từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, điều được thể hiện qua phát biểu của ông Pompeo.
“Chúng ta phải hợp tác cùng nhau để tiếp tục tăng cường nhận thức đối với thách thức từ Trung Quốc, [vì nó] liên quan đến lợi ích của việc duy trì các xã hội tự do, sự thịnh vượng và tương lai của chúng ta”, Ngoại trưởng Mỹ nói. “Tôi không muốn một tương lai bị Đảng Cộng sản Trung Quốc định hình”, ông Pompeo nói thêm.
https://www.dkn.tv/the-gioi/dau-an-tuan-qua-eu-ngay-cang-tinh-ngo-ve-trung-quoc.html

Một nghi can buôn người 27 tuổi thừa nhận

đã giúp đưa 39 người Việt Nam vượt biên vào Anh Quốc

Một nghi can buôn người đã thừa nhận việc giúp đưa 39 người Việt Nam vượt biên vào Anh Quốc, trước khi họ thiệt mạng trong một chiếc xe vận tải đông lạnh. Hôm thứ Sáu 26 tháng 06, Alexandru Hanga, 27 tuổi, đến từ Hobart Road, Tilbury, thừa nhận anh là một phần của một băng đảng quốc tế chở người di dân vào Anh Quốc bằng phà.
Tại Old Bailey, Alexandru Hanga đã thừa nhận một số âm mưu thực hiện di dân bất hợp pháp và hiện đang chờ tuyên án. Một người buôn người khác là Gazmir Nuzi, 43 tuổi, đến từ Tottenham, thừa nhận tạo điều kiện cho việc di dân bất hợp pháp.
Christopher Kennedy, 23 tuổi, phủ nhận âm mưu phạm tội buôn người và hỗ trợ di dân bất hợp pháp từ ngày 1 tháng 5 năm 2018 đến ngày 24 tháng 10 năm 2019. Thi thể của 8 phụ nữ và 31 người đàn ông được phát hiện ở phía sau một chiếc xe vận tải tại một khu công nghiệp ở Essex vào ngày 23/10.
Vào tháng Tư năm nay, tài xế xe vận tải Maurice Robinson, 25 tuổi, đã nhận tội với 39 tội ngộ sát. Một cuộc điều tra của Cảnh sát Essex về đường dây buôn lậu người được cho là có liên quan đến 39 cái chết trên đã dẫn đến cáo buộc chống lại năm người đàn ông, bao gồm cả Robinson.
Hôm thứ Sáu 26 tháng 06, công tố viên Jonathan Polnay, cho biết có đến ba chuyến đi riêng biệt trong kế hoạch di dân bất hợp pháp này. Đáng buồn là trong đó có một chuyến mà tất cả những người di dân trên xe đều thiệt mạng; hai chuyến còn lại do Kennedy làm tài xế và có cả sự tham gia của Nuzi. (BBT)
https://www.sbtn.tv/mot-nghi-can-buon-nguoi-27-tuoi-thua-nhan-da-giup-dua-39-nguoi-viet-nam-vuot-bien-vao-anh-quoc/

Pháp: Bầu cử địa phương vòng 2,

sau 3 tháng đình hoãn do dịch

Thùy Dương
Sau hơn 3 tháng bị đình hoãn vì dịch bệnh, vòng 2 bầu cử địa phương tai Pháp được tổ chức trong ngày hôm nay 28/06/2020 để bầu thị trưởng các thành phố, trị trấn, xã, trừ vùng hải ngoại Guyanne, nơi dịch bệnh vẫn đang hoành hành.
Phòng phiếu ở 4.820 đơn vị bầu cử chính thức mở cửa vào 8h sáng hôm nay. Các biện pháp vệ sinh dịch tễ được tăng cường : khoảng cách an toàn, khẩu trang, dung dịch rửa tay tiệt trùng…. để phòng chống nguy cơ cử tri bị lây nhiễm virus corona khi đi bỏ phiếu. Hơn 16,5 triệu cử tri sẽ bầu chọn các thị trưởng thành phố, trị trấn, xã … trong tổng số 157.000 ứng viên.
Tuy nhiên, theo AFP, vòng 2 bầu cử hôm nay chủ yếu liên quan đến các thành phố, nhất là các đô thị lớn như thủ đô Paris, Lyon, Marseilles, Lilles… bởi tại đa phần các xã nhỏ ở vùng nông thôn, miền núi, nơi có ít ứng viên tranh cử, kết quả bầu cử đã có ngay từ vòng 1 hôm 15/03, chỉ 48 tiếng trước khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron ban hành lệnh phong tỏa đất nước để chống dịch Covid-19.
Theo nhiều cuộc khảo sát, có đến 6/10 cử tri cho biết sẽ không đi bầu. Công luận Pháp đặc biệt chú ý đến kết quả bầu cử tại thành phố cảng miền bắc, Le Havre. Đây là nơi ông Edouard Philippe, thủ tướng đương nhiệm, làm thị trưởng trước khi được tổng thổng Macron chỉ định làm người đứng đầu nội các. Thủ tướng Edouard Philippe cũng ra tranh cử thị trưởng thành phố trong kỳ bầu cử năm nay. Giới quan sát cho rằng kết quả bầu cử hôm nay có thể tác động đến việc ông Edouard Philippe có tiếp tục giữ ghế thủ tướng nữa hay không.
Kỳ bầu cử địa phương 2020 cũng là dịp trắc nghiệm uy tín của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, mà tiền thân là phong trào Tiến Bước do ông Macron sáng lập khi ra tranh cử tổng thống Pháp. Reuters hôm nay cho biết các cố vấn của nguyên thủ Macron đã nói với ông là có thể, thậm chí là có rất nhiều khả năng đảng Cộng Hòa Tiến Bước sẽ không giành được chiến thắng quan trọng nào trong vòng 2 bầu cử địa phương.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200628-ph%C3%A1p-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-%C4%91%E1%BB%8Ba-ph%C6%B0%C6%A1ng-v%C3%B2ng-2-sau-3-th%C3%A1ng-%C4%91%C3%ACnh-ho%C3%A3n-do-d%E1%BB%8Bch

Ba Lan bầu tổng thống vòng 1:

Cử tri đi bỏ phiếu có thể phá kỷ lục cách nay 25 năm

Trọng Thành
Ba Lan hôm nay, Chủ Nhật, 28/06/2020, bỏ phiếu bầu tổng thống vòng một. Theo tất cả các thăm dò dư luận, không ứng cử viên nào giành được chiến thắng ngay trong vòng một. Hai đối thủ dự kiến vào chung kết, sẽ gặp nhau trong vòng 2, diễn ra trong 15 ngày nữa. Đó là tổng thống mãn nhiệm thuộc phe bảo thủ triệt để, ông Andrzej Duda, và thị trưởng Varsava, theo quan điểm tự do, ông Rafal Trzaskowski.
Tại Ba Lan, tổng thống tương đối có ít quyền lực. Tuy nhiên, nguyên thủ Ba Lan có khả năng phủ quyết toàn bộ các luật do Quốc Hội thông qua. Nếu một ứng cử viên đối lập đắc cử tổng thống Ba Lan, phe cầm quyền hiện nay sẽ không thể mặc sức làm mưa làm gió. Cả hai bên, cử tri ủng hộ chính quyền và cử tri đối lập đều hiểu rõ tầm quan trọng của cuộc bỏ phiếu này. Dự kiến số người đi bỏ phiếu sẽ phá vỡ kỷ lục cách nay 25 năm.
Phóng sự của thông tín viên Thomas Giraudeau từ Varsava :
« Ít nhất 70% cử tri Ba Lan dự kiến đi bỏ phiếu, theo một số thăm dò dư luận. Như thế kỷ lục cách nay 25 năm sẽ bị phá. Ông Krzysztof Jurek cho biết sẽ bầu cho tổng thống Duda, nhằm duy trì điều mà ông gọi là « một đất nước Ba Lan truyền thống ». Cử tri này cho biết: « Tổng thống của chúng tôi là người ủng hộ Công giáo, còn tôi, tôi là tín đồ Công giáo. Ông ấy bảo vệ chúng tôi trước các tổ chức, những con người, mà theo tôi sẽ làm hại dân tộc Ba Lan chúng tôi, như việc những người thuộc cộng đồng LGBT (người đồng tính, chuyển giới) đang đe dọa con cái chúng tôi ở trường học ». 
Lập luận trên chính là điều mà tổng thống Andrzej Duda và những người ủng hộ ông thường xuyên nhắc lại. Đối thủ của họ, ông Rafal Trzaskowski, đã ký tại Varsava, một hiến chương đề xuất tổ chức các khoá học về giáo dục tính dục, nơi mọi định hướng tính dục sẽ đều được đề cập đến. Những người có lập trường bảo thủ triệt để tố cáo đây là một dự án nhằm « làm hư hỏng trẻ em với tư tưởng của những người đồng tính, chuyển giới ». 
Một cử tri khác, bà Barbara Milan, muốn bỏ phiếu chống tổng thống. Bà nói : « Ông ta nói về các tư tưởng LGBT, cứ như thể họ không phải là những con người. Chính trị gia này dù sao cũng là một người có học thức, ông ta không thể nói với người ta như vậy. Tôi buộc sẽ phải bầu cho giải pháp ít xấu hơn cả, có nghĩa là bầu cho Trzaskowski. Người Ba Lan cần phải thức tỉnh thôi, để thấy rằng chính  chúng ta đã bị lầm. Hoặc là chúng ta sẽ đi đến một chế độ như ở Hungary hiện nay. 
Đối lập Ba Lan lo ngại chính quyền hiện nay sẽ ngày càng độc đoán hơn. Hiện tại tổng thống Duda và đảng của ông kiểm soát toàn bộ các phương tiện truyền thông, thâu tóm tư pháp. Néu như ứng cử viên Trzaskowski đắc cử tổng thống, ông sẽ có thể phủ quyết các luật do Quốc Hội đưa ra, chấm dứt tình trạng độc quyền chính trị hiện nay ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200628-ba-lan-b%E1%BA%A7u-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-v%C3%B2ng-1-c%E1%BB%AD-tri-%C4%91i-b%E1%BB%8F-phi%E1%BA%BFu-c%C3%B3-th%E1%BB%83-ph%C3%A1-k%E1%BB%B7-l%E1%BB%A5c-c%C3%A1ch-nay-25-n%C4%83m

Nga phủ nhận việc trả tiền

các chiến binh Taliban giết binh lính Mỹ

Nga bác bỏ những cáo buộc “vô căn cứ” rằng họ đã thưởng tiền cho các chiến binh có liên quan đến Taliban tiêu diệt quân đội Mỹ và quân đội đồng minh NATO khác ở Afghanistan.
Tờ New York Times và Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết một đơn vị tình báo quân đội Nga có liên quan đến các vụ ám sát ở châu Âu đã đưa ra các khoản tiền thưởng bị cáo buộc vào năm ngoái.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho biết các cáo buộc này đã dẫn đến các mối đe dọa đối với các nhà ngoại giao.
Taliban cũng phủ nhận có bất kỳ thỏa thuận nào như vậy với tình báo Nga.
Các báo cáo được đưa ra khi Mỹ cố gắng đàm phán một thỏa thuận hòa bình để chấm dứt cuộc chiến 19 năm ở Afghanistan.
Theo tờ New York Times, Tổng thống Donald Trump đã được thông báo về các báo cáo hồi tháng Ba, nhưng Nhà Trắng bác bỏ điều này.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết: “Cả tổng thống và phó tổng thống đều không được thông báo về tin tình báo liên quan đến việc Nga bị cáo buộc thưởng tiền để giết lính Mỹ.”
Tuy nhiên, Kayleigh McEnany nói thêm, “điều này không nói về giá trị của tin tình báo về việc bị cáo buộc, mà là sự không chính xác của New York Times khi tường trình sai lầm rằng Tổng thống Trump đã được thông báo về vấn đề này.”
Taliban sẽ làm gì sau khi ký thỏa thuận với Mỹ?
Thỏa thuận Mỹ – Taliban: Mỹ có thể rút dần quân khỏi Afghanistan
Thủ lĩnh phiến quân bị tiêu diệt khi Mỹ và Taliban tìm kiếm thỏa thuận chung
Các quan chức giấu tên được New York Times trích dẫn cho biết các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã kết luận nhiều tháng trước rằng một đơn vị của cơ quan tình báo quân sự GRU của Nga đã tìm cách gây bất ổn cho kẻ thù bằng cách âm thầm cấp tiền thưởng cho các cuộc tấn công thành công vào lực lượng liên minh.
Các chiến binh Hồi giáo, hoặc các thành phần tội phạm có vũ trang liên quan chặt chẽ với chúng, được cho là đã thu được một số tiền, tờ báo cho biết.
Trong một loạt các bài đăng trên Twitter, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cáo buộc tờ New York Times quảng bá tin tức giả mạo.
Hai mươi lính Mỹ đã chết ở Afghanistan vào năm 2019, nhưng New York Times cho biết vẫn chưa rõ những cái chết nào đang bị nghi ngờ.
Các quan chức được trích dẫn bởi New York Times cho biết Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng đã xem xét cách đối phó, bao gồm việc áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt leo thang đối với Nga.
Đơn vị GRU bị cáo buộc có liên quan đến vụ này cũng dính díu đến vụ mưu sát cựu điệp viên kép người Nga Sergei Skripal và con gái của ông Yulia bằng việc dùng chất độc thần kinh ở Salisbury, Anh, vào tháng Ba năm 2018.
Một phát ngôn viên của Taliban cũng nói những lời buộc tội trên vô căn cứ.
“Các vụ giết người và ám sát của chúng tôi đã diễn ra trong nhiều năm trước đó và chúng tôi đã thực hiện nó bằng chính nguồn lực của mình”, Zabihullah Mujahid nói với tờ New York Times.
Ông nói thêm rằng Taliban đã ngừng tấn công lực lượng Hoa Kỳ và NATO sau khi họ đồng ý rút quân theo giai đoạn và dỡ bỏ lệnh trừng phạt vào tháng Hai. Đổi lại, Taliban cho biết họ sẽ không cho phép các nhóm cực đoan hoạt động trong các khu vực mà họ kiểm soát.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53209915

Chiến đấu cơ Nga cản trở hoạt động

của phi cơ trinh sát Hoa Kỳ ở Hắc Hải

Vào hôm thứ Sáu (26 tháng 6), một lần nữa chiến đấu cơ Nga lại cản trở hoạt động phi cơ Hoa Kỳ trên không phận quốc tế, lần này là phi cơ trinh sát của Hải quân Hoa Kỳ và Không quân Hoa Kỳ (USAF) cùng với một máy bay chở dầu tiếp nhiên liệu đang hoạt động ở Hắc Hải. Sự việc lần này đánh dấu ít nhất là lần tương tác thứ tám giữa phi cơ Hoa Kỳ và Nga trên toàn cầu trong tháng vừa qua.
Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một đoạn video cho thấy một chiếc P-8 của Hải quân Hoa Kỳ, cùng với một chiếc KC-135 của không quân Hoa Kỳ USAF tiếp nhiên liệu cho một phi cơ trinh sát RC-135 trên vùng biển quốc tế. Bộ Quốc phòng Nga nói một chiến đấu cơ SU-30 từ Quân khu miền Nam của Nga đã bay lên, và đã tiếp cận từ một khoảng cách an toàn để xác định các phi cơ của Hoa Kỳ.
Đây là lần thứ hai phi cơ Nga ngăn chận phi cơ Hoa Kỳ ở khu vực Hắc Hải trong khoảng một tháng nay. Hôm 29/05/2020, các chiến đấu cơ SU-27 và SU-30SM của Nga đã ngăn chận phi cơ B-1 của Hoa Kỳ đang bay cùng với các phi cơ SU-27 và MiG-29 của Ukraine trong khu vực.
Các phi cơ Hoa Kỳ và Nga thường xuyên ngăn chận nhau trên toàn cầu trong vài tháng qua, trong có có cả vùng biển Baltic của Đông Âu nơi các phi cơ SU-27 của Nga đã ngăn chận một chiếc B-52 vào ngày 15/06/2020.
Các chiến cơ của Bộ Chủ huy Phòng không Bắc Mỹ cũng đã ngăn chận phi cơ Nga 5 lần trong tháng trước, trong đó có một cuộc ngăn chận các phi cơ trinh sát Nga ở ngoài khơi bờ biển Alaska hôm 24/06/2020. (BBT)
https://www.sbtn.tv/chien-dau-co-nga-can-tro-hoat-dong-cua-phi-co-trinh-sat-hoa-ky-o-hac-hai/

Chủ mỏ Trung Quốc bắn 2 công nhân Zimbabwe

gây phẫn nộ công chúng

Minh Hòa
Một chủ doanh nghiệp khai thác mỏ người Trung Quốc đã bắn liên tiếp 2 công nhân người Zimbabwe mới đây đã gây chấn động dư luận, khiến Bắc Kinh một lần nữa bị lên án về tình trạng ngược đãi người châu Phi.
Hãng tin CNN trích dẫn các nguồn tin địa phương cho biết, ông Zhang Xuen, một chủ mỏ Trung Quốc, đã bắn một nhân viên 5 lần và làm bị thương một người khác tại khu mỏ mà ông ta vận hành ở tỉnh Gweru thuộc miền trung Zimbabwe, một quốc gia ở Nam Phi.
Hồ sơ vụ án cho biết cuộc nổ súng xảy ra vào sáng ngày 23/6 trong khi ông Zhang tranh cãi với các công nhân về việc trả tiền lương. Khi đó, hai công nhân có tên Wendy Chikwaira và Kennedy Tachiona đã đề nghị ông Zhang tăng lương bằng đôla như đã thoả thuận, nhưng ông này từ chối trả, nên dẫn đến tranh cãi và nổ súng. Tachiona lao về phía Zhang và bị ông này rút súng ra bắn ba phát vào đùi phải và hai phát vào đùi trái. Ông ta cũng bắn Chikwaira làm người này bị thương.
Cảnh sát Zimbabwe cho biết ông Zhang bị truy tố về “tội giết người bất thành”.
Video về vụ nổ súng đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội ở Zimbabwe, gây phẫn nộ trong công chúng. Một cơ quan giám sát địa phương đã kêu gọi phải đánh giá lại hoạt động khai thác của Trung Quốc tại nước này.
CNN cho biết Hiệp hội Luật Môi trường Zimbabwe (ZELA) tuyên bố sự việc ông chủ Trung Quốc bắn 2 công nhân cho thấy tình trạng lạm dụng “có hệ thống và phổ biến” mà người dân địa phương phải đối mặt khi làm việc tại các mỏ thuộc quản lý của người Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Zimbabwe đưa ra tuyên bố rằng vụ nổ súng là “sự cố cá biệt” và cam kết sẽ hỗ trợ cuộc điều tra của chính quyền địa phương.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Zimbabwe và có lợi ích đáng kể trong lĩnh vực khai thác tài nguyên ở nước này. Một báo cáo của Viện Brookings 2016 cho biết có ít nhất 10.000 người Trung Quốc đang trú tại tại Zimbabwe, nhiều người đang làm việc trong lĩnh vực khai thác, viễn thông và xây dựng.
Sự hiện diện của người Trung Quốc tại quốc gia Nam Phi này đôi khi đã gây ra tranh cãi. Các nhà phê bình chỉ tra tình trạng vi phạm nhân quyền và điều kiện bảo hộ nghèo nàn cho công nhân địa phương tại các cơ sở khai thác mỏ mà Trung Quốc quản lý.
Ông Shamiso Mutisi, phó chủ tịch ZELA nói với CNN: “Điều đó đã trở thành hệ thống. Chúng tôi có những trường hợp công nhân bị lạm dụng, đánh đập và phân biệt đối xử bởi các ông chủ mỏ người Trung Quốc”.
Ông cũng cho biết ZELA hiện đang điều tra một số vụ việc chủ mỏ Trung Quốc từ chối trả lương hoặc cung cấp quần áo bảo hộ cho công nhân, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19.
https://www.dkn.tv/the-gioi/chu-mo-trung-quoc-ban-2-cong-nhan-zimbabwe-gay-phan-no-cong-chung.html

Hội Nghị Sỹ Nhân Quyền Asean

chỉ trích CSVN đàn áp giới bất đồng chính kiến

Tin từ Jakarta: Nhóm Nghị sĩ khối ASEAN về Nhân quyền (APHR) đã chỉ trích nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong việc gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến trong khi cả thế giới tập trung vào đối phó với đại dịch Covid-19.
Ông Charles Santiago, nghị sĩ Quốc hội Malaysia, Chủ tịch APHR, nhấn mạnh rằng cộng đồng ASEAN cần thiết phải lên tiếng với giới lãnh đạo Việt Nam để nhà cầm quyền nước này, trên cương vị chủ tịch ASEAN, phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ quyền con người.
Trước đó một ngày, Nghị sĩ Santiago đã gửi thư ngỏ cho Thủ tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN, và đồng thời kêu gọi lãnh đạo các quốc gia trong khối gồm 10 thành viên hãy “đặt nhân quyền làm trọng tâm” trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19.  Bức thư của APHR gửi đi một ngày trước khi ông Phúc trủ chì Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 trực tuyến tại Hà Nội, và chỉ một ngày sau khi cộng sản Việt Nam bắt giữ 6 người hoạt động cùng với cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ.”
Kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào đầu năm nay, chế độ cộng sản Việt Nam đã bắt giữ hơn 50 người hoạt động với nhiều cáo buộc mơ hồ, và kết án 6 người với tổng mức án 18 năm tù giam. Sau khi tấn công vào xã Đồng Tâm và bắn chết cụ Lê Đình Kình, nhà cầm quyền Việt Nam chuẩn bị đem 29 người dân ở xã này ra xử với tội danh giết người và chống người thi hành công vụ, vu cho họ đổ xăng giết chết 3 sỹ quan công an trong vụ tấn công này.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/hoi-nghi-sy-nhan-quyen-asean-chi-trich-csvn-dan-ap-gioi-bat-dong-chinh-kien/

Người Hồng Kônglặng lẽ diễu hành phản đối luật an ninh

Hải Lam
Hàng trăm người Hồng Kông hôm nay (28/6) đã lặng lẽ diễu hành qua các đường phố để phản đối luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh muốn áp cho thành phố, theo Reuters.
Người biểu tình tuần hành từ Jordan đến Mong Kok ở quận Cửu Long, nhưng không hô vang những khẩu hiệu kêu gọi dân chủ như mọi khi. Họ nhắc nhở nhau rằng đây là một sự kiện yên lặng. Một số người làm cử chỉ tay thể hiện khẩu hiệu: “Năm yêu cầu, không thể thiếu một”.
Cảnh sát Hồng Kông được trang bị khiên cũng xuất hiện trong khu vực tuần hành. Theo tờ RTHK, cảnh sát đã dùng loa phóng thanh yêu cầu mọi người dừng việc tuần hành và không được tụ tập, nếu không sẽ bị coi là tham gia biểu tình trái phép.
Sự kiện diễu hành trong yên lặng diễn ra một ngày sau khi cảnh sát Hồng Kông không cho phép Mặt trận Nhân quyền Dân sự Hồng Kông tổ chức biểu tình ủng hộ dân chủ vào ngày 1/7 tới, nhân kỷ niệm 23 năm ngày hòn đảo được trao trả về Trung Quốc. Lực lượng cảnh sát viện cớ có nguy cơ xảy ra bạo lực và vi phạm lệnh giãn cách xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã bắt đầu kỳ họp 3 ngày (28/6 – 30/6) tại Bắc Kinh. Tờ Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tin, các quan chức nước này đã thảo luận về dự thảo luật an ninh quốc gia Hồng Kông trong cuộc họp ngày hôm nay. Tân Hoa Xã cho biết thêm rằng Ủy ban dự kiến ​​sẽ thông qua thành luật trước khi phiên họp kết thúc vào thứ Ba tới.
Nhiều lãnh đạo trên thế giới chỉ trích luật an ninh mà chính quyền Trung Quốc muốn áp cho Hồng Kông, cho rằng động thái này sẽ bọp nghẹt các quyền tự do của thành phố.
Phản ứng trước kế hoạch áp luật an ninh của Bắc Kinh, Thượng viện Mỹ hôm thứ Năm (25/6) đã phê chuẩn một dự luật cho phép chính quyền Mỹ tăng cường xử phạt các cá nhân xâm phạm nền tự trị và dân chủ của đặc khu Hồng Kông.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nguoi-hong-kong-lang-le-dieu-hanh-phan-doi-luat-an-ninh.html

Cảnh sát Hong Kong không cho phép

tuần hành kỷ niệm ngày bàn giao cho TQ

Sở cảnh sát Hong Kong ngày thứ Bảy từ chối cấp phép cho một cuộc tuần hành hàng năm ở cựu thuộc địa của Anh đánh dấu kỉ niệm ngày thành phố này được trao trả lại cho Trung Quốc cai trị vào ngày 1 tháng 7 năm 1997, ban tổ chức và cảnh sát cho biết trong các phát biểu riêng rẽ.
Trong một thông báo gửi đến ban tổ chức, Mặt trận Nhân quyền Dân sự, cảnh sát dẫn ra các quy tắc hiện hành của thành phố giới hạn các cuộc tụ tập không quá 50 người do đại dịch virus corona, nói rằng các cuộc tập hợp và biểu tình ở nơi công cộng không được miễn.
Thông báo, được đăng trên trang Facebook của nhóm này, cũng dẫn ra các sự cố bạo động xảy ra sau các tụ tập biểu tình công cộng do nhóm này tổ chức trong 12 tháng qua.
“Sau khi đánh giá rủi ro, cảnh sát xem các cuộc tụ họp và tuần hành công cộng là những hoạt động rủi ro cao,” sở cảnh sát địa phương nói trong một thông báo đăng trên trang Facebook của sở.
Hành động này diễn ra trước một hội nghị kéo dài ba ngày từ Chủ nhật của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc, dự kiến sẽ ban hành luật an ninh quốc gia mới trước dịp kỉ niệm 23 năm Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc.
Trung Quốc cho biết luật an ninh quốc gia, vốn đã khơi lên lo ngại từ chính phủ nước ngoài và các nhà hoạt động dân chủ, sẽ chỉ nhắm vào một nhóm nhỏ những kẻ gây rối và những người tuân thủ luật pháp không có lí do gì để lo lắng.
Trung Quốc giành lại quyền cai trị Hong Kong vào ngày 1 tháng 7 năm 1997 dưới công thức một quốc gia hai chế độ, cho phép các quyền tự do không được hưởng ở Trung Quốc đại lục, bao gồm tự do biểu tình và nhánh tư pháp độc lập.
https://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-hong-kong-khong-cho-phep-tuan-hanh-ki-niem-ngay-ban-giao-cho-trung-quoc/5480115.html

Lý Chấn Thịnh:

Nhiếp ảnh gia của cuộc cách mạng Văn hóa Trung Quốc

Yvette TanBBC News
Nhiếp ảnh gia Lý Chấn Thịnh (Li Zhensheng) đã liều mạng trong quyết tâm ghi lại cuộc Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc trên phim ảnh.
Là nhiếp ảnh gia làm việc cho một tờ báo nhà nước, Lý Chấn Thịnh có cơ hôi truy cập và giao tiếp hiếm hoi với những nhân vật và địa điểm của một trong những thời kỳ hỗn loạn nhất của Thế kỷ 20.
Ông đã chụp hàng chục ngàn bức ảnh, một số đã được xuất bản, một số khác được lưu trữ dưới sàn nhà căn hộ của ông vì sợ bị trừng phạt.
Điều ông không biết là sau đó, những hình ảnh bị dấu kín này một ngày nào đó sẽ tìm đường ra thế giới.
Nhiếp ảnh gia 79 tuổi qua đời đầu tuần này vì xuất huyết não ở Mỹ, Nhà xuất bản ở Hong Kong của ông, Hong Kong University Press, cho biết.
“Tôi đã theo đuổi việc chứng kiến và ghi lại lịch sử suốt đời mình”, nhà xuất bản của Lý Chấn Thịnh ghi lại lời ông nói trước khi chết. “Bây giờ tôi nghỉ ngơi trong lịch sử.”
Hồng Vệ binh đưa tin
Sinh năm 1940 trong một gia đình nghèo ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, Lý Chấn Thịnh lớn lên trong một hoàn cảnh khó khăn.
Mẹ mất khi ông mới ba tuổi và khi lớn lên, ông phải giúp cha trên các cánh đồng cho đến khi lên 10. Chỉ sau đó ông mới bắt đầu đi học, nhưng nhanh chóng vươn lên đứng đầu lớp.
Ông lọt được vào Trường Điện ảnh Trường Xuân và cuối cùng trở thành một nhiếp ảnh gia làm việc cho nhật báo Hắc Long Giang ở phía đông bắc Trung Quốc.
Công việc này đến với ông vào một trong những thời kỳ tàn bạo nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cuộc Cách mạng Văn hóa bắt đầu vào năm 1966, khi nhà lãnh đạo Cộng sản Mao Trạch Đông bắt đầu chiến dịch loại bỏ các đối thủ.
Mao Trạch Đông đã huy động hàng ngàn thanh niên Trung Quốc tiêu diệt “bốn cái cũ” trong văn hóa Trung Quốc – phong tục, tập quán, văn hóa và tư duy cũ.
Các trường đại học đã đóng cửa để sinh viên có thể tập trung vào “cách mạng”, và khi phong trào lan rộng, họ bắt đầu tấn công hầu hết mọi thứ và bất kỳ ai cho thấy biểu hiệu có thẩm quyền.
Trẻ em theo dõi và tố cáo cha mẹ và học sinh tố cáo giáo viên, trí thức bị lưu đày. Hàng ngàn người bị đánh đến chết hoặc dồn đến chỗ phải tự sát.
Công việc mới của Lý Chấn Thịnh khiến ông ở vào hoàn cảnh hiếm hoi có thể ghi lại những cảnh bạo lực và sự tàn bạo đang xảy ra xung quanh mình.
TQ: Hồng Vệ Binh kiểu mới – SV yêu nước
Nhìn lại cách mạng văn hóa Trung Quốc
Hồng Vệ Binh TQ nhớ về Cách mạng Văn hóa
Nhận thấy rằng Hồng vệ binh – những chiến binh học sinh – được cho chụp hình bất cứ thứ gì họ muốn, Lý Chấn Thịnh quyết định làm một chiếc băng tay có in dòng chữ “Hồng vệ binh đưa tin”.
“Công việc của tôi cho phép tôi chụp hình những người bị bức hại mà không bị quấy rối”, ông nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn trước đó.
“Tôi thấy rằng kỷ nguyên hỗn loạn này phải được ghi lại. Tôi thực sự không biết liệu tôi đang làm điều đó cho cách mạng, cho bản thân mình hay cho tương lai.”
Nhưng ông nhận ra rằng bản chất nhạy cảm của những hình ảnh mình chụp có thể khiến ông trở thành mục tiêu, vì vậy ông đã giấu nhiều phim dưới sàn nhà căn hộ của mình – khoảng 20.000 tấm.
Cuối cùng khi Lý Chấn Thịnh bị buộc tội phản cách mạng vào năm 1968, căn hộ của ông bị chính quyền lục soát, nhưng những khúc phim vẫn chưa bị khám phá.
Nếu bị phát hiện, Lý Chấn Thịnh chắc chắn đã bị trừng phạt nặng nề và những phim này chắc chắn đã bị tiêu diệt.
“Điều đó hết sức nguy hiểm”, Lý Chấn Thịnh thừa nhận. “Khi tôi chụp những bức ảnh này, tôi không chắc chúng sẽ trở nên hữu ích ra sao.”
Những khúc phim của Lý Chấn Thịnh vẫn an toàn nhưng ông thì không – ông bị buộc tội cùng với vợ, và buộc phải trải qua quá trình lao động khổ sai trong hai năm.
Khi được thả ra, ông trở về căn hộ của mình và tìm thấy những hình ảnh an toàn và được bảo tồn.
Cuối cùng, Lý Chấn Thịnh trở thành giáo sư tại một trường đại học ở Bắc Kinh và vào thập niên 1980 – khoảng thời gian Trung Quốc có một chút tự do báo chí – các tác phẩm của ông đã được trưng bày tại một sự kiện nhiếp ảnh ở Bắc Kinh.
Cũng nhờ sự kiện đó mà những bức ảnh của ông đã được Robert Pledge của Contact Press Images (CPI) khám phá ra. Robert Pledge sau đó đã xuất bản một cuốn sách với hình chụp của Lý Chấn Thịnh.
Tên cuốn sách? Hồng Vệ binh đưa tin.
“Chúng tôi sẽ mãi biết ơn Lý Chấn Thịnh vì ông đã hết sức mạo hiểm để cố gắng giữ gìn hình ông chụp vào thời điểm mà hầu hết các đồng nghiệp của ông đồng ý cho phép những khúc phim “chính trị của họ bị phá hủy,” Pledge nói.
Ông tiết lộ rằng Lý Chấn Thịnh giữ tất cả các bức ảnh của mình trong những phong bì giấy nhỏ màu nâu. Trên mỗi phong bì, ông chú thích chi tiết bằng thư pháp tinh tế của Trung Quốc. Các xã và quận, tên người dân, chức danh chính thức và các sự kiện cụ thể đều được ghi chú cẩn thận.
Những bức ảnh ông chụp cuối cùng đã được triển lãm ở hàng chục quốc gia.
Năm 2013, ông được trao giải Lucie Award – được gọi là giải Oscar của thế giới nhiếp ảnh.
Và vào năm 2018, các tác phẩm của ông đã được in bằng văn bản Trung Quốc lần đầu tiên và được xuất bản tại Hong Kong.
“Không một nhiếp ảnh gia nào ghi lại cuộc cách mạng kỹ lưỡng và trọn vẹn hơn Lý Chấn Thịnh”, Contact Press Images nói trong một tuyên bố sau khi ông qua đời.
“Lý Chấn Thịnh để lại một di sản nhiếp ảnh không thể đo đếm được. Ông sẽ được mọi người vô cùng thương tiếc.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53208946

Nhân viên chính phủ

phá hủy nhà thờ Trung Quốc, đánh đập giáo dân

Lục Du
Khoảng 200 nhân viên chính phủ Trung Quốc đã đột nhập vào một nhà thờ Cơ đốc giáo ở tỉnh Hà Nam vào đầu tháng này, sau đó phá hủy nhà thờ và đánh đập những tín hữu Ki tô cố gắng ngăn cản họ, tờ Christian Post đưa tin hôm Chủ nhật (28/6).
Sáng 12/6, một nhóm lớn nhân viên công lực ở huyện Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, đã xuất hiện trước nhà thờ Sunzhuang cùng cần cẩu và máy ủi. Họ không trình lệnh khám xét nhưng vẫn tự ý yêu cầu mọi người ra ngoài, sau đó dọn dẹp đồ đạc bên trong trước khi san phẳng nhà thờ thành bình địa.
Hai thành viên nữ trong nhà thờ đã phải nhập viện sau khi cố gắng ngăn cản nhóm người đang “thi hành công vụ”, một trong hai người đã bất tỉnh sau khi bị ném xuống đất. Các nhân viên chính phủ cũng bắt giữ một thành viên nam trong nhà thờ.
Đây là lần thứ hai chính quyền Trịnh Châu đưa người tới nhà thờ Sunzhuang nhằm phá hủy nó. Lần đầu là vào năm 2013 nhưng họ đã không thể thực hiện được ý đồ. Các giáo dân đã ngăn cản quyết liệt và nhóm người của chính quyền đã phải rút lui.
Năm 2012, nhà thờ Sunzhuang đã yêu cầu chính quyền cho xây mới. Sau khi dự án nhà thờ mới hoàn thành vào năm 2013, Sunzhuang nhận được thông báo của chính quyền nói rằng nhà thờ đã không tuân thủ đầy đủ các thủ tục cần thiết để thực hiện dự án.
Chuyên gia về Trung Quốc Massimo Introvigne lưu ý rằng một trong những lý do chính khiến thể chế cộng sản tan rã ở Đông Âu là vì cho phép tôn giáo tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Vì thế để tránh vết xe đổ tương tự, chính quyền Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã thực hiện một chiến dịch đàn áp tôn giáo khủng khiếp nhất kể từ thời Cách mạng văn hóa. Họ đã phá hủy hàng chục ngàn nhà thờ và đền thờ thuộc các tôn giáo khác nhau.
Ông Introvigne còn cho hay, chính quyền Trung Quốc dưới thời Tập đã cho lắp khoảng 300 triệu camera, cùng lúc yêu cầu tất cả người dân Trung Quốc phải cài các ứng dụng nhận diện khuôn mặt và phần mềm gián điệp trên điện thoại để tiện giám sát người dân.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nhan-vien-chinh-phu-pha-huy-nha-tho-trung-quoc-danh-dap-giao-dan.html

Trung Quốc đe doạ:

 ‘Nhật tiếp nhận tên lửa Mỹ là không yên với Bắc Kinh’

Tâm Tuệ
Quân đội Trung Quốc tuyên bố sẽ không ngồi yên nếu các tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ xuất hiện trên đất Nhật, đồng thời cảnh báo sẽ tiến hành “tất cả các biện pháp đáp trả cần thiết”, theo SCMP.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói hôm 24/6 rằng không chỉ Nhật mà các nước khác cũng nên nói “KHÔNG” với Mỹ và hành động thận trọng, tính đến hòa bình và ổn định chung.
Ngô Khiêm cho rằng nếu làm được như vậy, các nước sẽ không trở thành nạn nhân trong âm mưu địa chính trị của Mỹ ở khu vực. Ngô Khiêm cũng cảnh báo Tokyo nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định, bởi Trung Quốc sẽ không ngồi yên và tiến hành “tất cả các biện pháp đáp trả cần thiết”.
“Trung Quốc hy vọng Nhật Bản và các quốc gia khác cân nhắc sự ổn định và hòa bình ở khu vực, hành động cẩn trọng và nói không với Mỹ – quốc gia muốn triển khai tên lửa tầm trung trên lãnh thổ các nước – nhằm tránh trở thành nạn nhân của kế hoạch địa chính trị của Washington”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Trong một cuộc họp báo khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách định hướng phòng vệ của họ đã được quy định trong Hiến pháp nước này. “Nhật Bản nên tiếp tục theo đuổi con đường phát triển hòa bình với những hành động cụ thể”, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.
Bình luận của Bắc Kinh được đưa ra sau khi có thông tin nói rằng Mỹ dường như đang cân nhắc triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á sau khi rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga hồi năm ngoái.
Các tên lửa tầm trung được xem là vũ khí nguy hiểm vì bay trong khoảng thời gian ngắn – khiến nó khó bị phát hiện và phòng thủ kịp thời. Ngoài ra, một số tên lửa loại này còn có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang có dấu hiệu leo thang trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang đối đầu trên hàng loạt mặt trận từ thương mại, công nghệ tới quân sự.
Các quan chức cấp cao Mỹ – Trung trong tháng qua đã gặp nhau ở Hawaii nhưng không đạt được bất cứ sự đồng thuận nào liên quan tới việc giải quyết mâu thuẫn, dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ ngày càng rõ rệt giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chuyên gia Lian Degui từ đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải nhận định rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận tên lửa tầm trung được đặt gần họ và quan hệ Trung – Nhật có thể sụp đổ nếu Tokyo cho phép các vũ khí trên trên lãnh thổ.
Phía Trung Quốc cảnh báo sẽ triển khai vũ khí để ngăn mối đe dọa, đồng thời sẽ có các biện pháp trả đũa nền kinh tế Nhật Bản nếu kịch bản trên xảy ra.
Năm 2017, Trung Quốc từng trừng phạt kinh tế Hàn Quốc sau khi Seoul cho Mỹ đặt hệ thống Phòng thủ tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-de-doa-nhat-tiep-nhan-ten-lua-my-la-khong-yen-voi-bac-kinh.html

Xuất hiện ổ dịch mới,

nửa triệu dân gần Bắc Kinh bị phong toả

Bình luậnNguyễn Sơn
Trung Quốc phong tỏa huyện An Tân với nửa triệu dân, cách Bắc Kinh 150 km, nơi cung cấp cá cho chợ Tân Phát Địa.
Ngày 28/6, giới chức y tế Trung Quốc cho biết, huyện An Tân nằm cách Bắc Kinh khoảng 150 km sẽ được “hoàn toàn khép kín và kiểm soát” với các biện pháp nghiêm ngặt từng được áp đặt ở tâm dịch Vũ Hán hồi đầu năm, theo hãng tin AFP.
Cụ thể, mỗi gia đình sẽ chỉ có một người được phép ra ngoài mỗi ngày một lần để mua các nhu yếu phẩm gồm thực phẩm và thuốc men.
Trước đó, huyện An Tân đã bị áp đặt một số hạn chế đi lại, nhưng thời điểm hiện tại các cá nhân chỉ được phép rời khỏi nhà trong trường hợp cần điều trị y tế, thông báo cho biết.
Các doanh nghiệp ở huyện An Tân thường cung cấp cá nước ngọt cho chợ đầu mối Tân Phát Địa ở Bắc Kinh. Huyện An Tân ghi nhận 12 ca nhiễm virus corona, trong đó 11 ca liên quan đến chợ Tân Phát Địa.
Quyết định phong toả được đưa ra sau khi Bắc Kinh ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới và tỉnh Hà Bắc lân cận phát hiện nhiều người dương tính với Covid-19.
Đợt bùng phát này xuất hiện tại cụm dịch chợ Tân Phát Địa, nơi cung cấp phần lớn thực phẩm tươi sống cho Bắc Kinh, khiến dư luận lo ngại về độ an toàn trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
“Không có thời gian cho chúng ta ngơi nghỉ”, quan chức Bắc Kinh Từ Hạc Kiện nói trong cuộc họp báo ngày 27/6. Giới chức Bắc Kinh kêu gọi dân chúng không rời thành phố, tiếp tục đóng cửa các trường học và phong tỏa hàng chục khu dân cư để ngăn dịch Covid-19 lây lan.
Xét nghiệm cả trăm trường đại học ở Bắc Kinh
Ngày 27/6, hơn 100.000 sinh viên và giáo viên của gần 100 trường đại học ở Bắc Kinh xếp hàng để được xét nghiệm COVID-19. Chương trình xét nghiệm hàng loạt nâng tổng số người dân ở Bắc Kinh phải kiểm tra y tế lên hơn 7 triệu, giới chức thành phố cho biết.
Sau khi xét nghiệm hàng loạt tại các trường đại học, giới chức Bắc Kinh sẽ xét nghiệm cho 3 triệu người nữa trong ngành giáo dục, đài truyền hình CCTV cho biết.
Kỳ thi đại học hằng năm thường diễn ra vào đầu tháng 6, nhưng năm nay phải hoãn sau hơn 1 tháng. Nhiều thành phố của Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm khi bắt đầu tiến hành kỳ thi vào ngày 7/7.
https://www.ntdvn.com/trung-quoc/xuat-hien-o-dich-moi-nua-trieu-dan-gan-bac-kinh-bi-phong-toa-48886.html

Trung Quốc công bố thiệt hại vì mưa lũ:

14 triệu người bị ảnh hưởng

Bình luậnNguyễn Sơn
Mưa lũ liên tục ở miền nam Trung Quốc gây ảnh hưởng cho 14 triệu người và thiệt hại kinh tế khoảng 3,8 tỉ USD, trong khi có tin mực nước đập Tam Hiệp vượt mức kiểm soát.
Bộ Quản lý khẩn cấp Trung Quốc cho biết thêm mưa lũ khiến khoảng 774.000 người ở khắp 26 tỉnh phải sơ tán, với 81 người mất tích hoặc chết, và 10.000 ngôi nhà sụp đổ, theo tờ South China Morning Post đưa tin hôm 27/6.
Ngoài ra, giới chức tỉnh Tứ Xuyên thuộc tây nam Trung Quốc cùng ngày ghi nhận 3 người chết và 12 người mất tích sau đợt mưa bão từ khuya 26/6 ở huyện Miện Ninh.
Trong khi đó, báo Le Monde của Pháp cho biết, có hơn 60 người đã thiệt mạng hoặc bị báo mất tích do mưa lũ ở Trung Quốc, khoảng nửa triệu người đã phải sơ tán, 8 triệu người đã bị ảnh hưởng do mưa lũ và thiệt hại vật chất có thể lên đến 3 tỉ USD.
Trung Quốc đang trải qua mùa lũ bất thường, với cảnh báo mưa bão được ban hành liên tục 26 ngày trong tháng 6, theo Tân Hoa xã.
“Trong hơn 20 ngày kể từ tháng 6, mực nước của 197 con sông đã vượt mức cảnh báo, trong đó mực nước của 10 con sông ở mức cao lịch sử”, ông Lưu Chí Dư, phó giám đốc Trung tâm dự báo thủy văn thuộc Bộ Thủy Lợi Trung Quốc nói hôm 25/6.
Trước đó, Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc cho biết khu vực sông Dương Tử đang bước vào mùa lũ và kêu gọi sự phối hợp điều tiết tại các dự án đập ngăn lũ lớn như đập Tam Hiệp.
Khu vực sông Dương Tử đoạn chảy qua thành phố Trùng Khánh, thượng nguồn của đập Tam Hiệp đang trải qua đợt lũ lụt lớn nhất trong 80 năm qua.
Hôm 21/6, mực nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp chạm tới 147 m, cao hơn mức cảnh báo lũ tới 2 m. Tình trạng này dẫn tới tin đồn rằng đập Tam Hiệp đang biến dạng và người dân nên sơ tán. Một số báo đưa tin rằng đập có nguy cơ bị vỡ.
Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc dự báo mưa to và bão sẽ tiếp tục quét qua các tỉnh Tứ Xuyên, Quý Châu, Hà Nam, Thiểm Tây và Hồ Bắc trong 24 giờ tới, bắt đầu từ 8 giờ ngày 27/6, theo Tân Hoa xã.
Báo Le Monde cho biết một số địa phương Trung Quốc đã có cảnh báo mạnh về việc đăng thông tin tình hình thời tiết. Chẳng hạn cảnh sát thành phố Trùng Khánh nói sẽ bắt giữ bất kỳ người nào đưa lên thông tin “thiếu trách nhiệm” về tình hình mưa lũ.
Còn tại Thành Đô, cảnh sát đã cấm nhà địa chất học Fan Xiao của Trung Quốc tiếp một đoàn nhà báo truyền hình Pháp. Ông Fan Xiao là một trong những nhà khoa học của Trung Quốc đã chỉ trích việc xây dựng đập thủy điện khổng lồ Tam Hiệp trên sông Dương Tử.
https://www.ntdvn.com/trung-quoc/trung-quoc-cong-bo-thiet-hai-vi-mua-lu-14-trieu-nguoi-bi-anh-huong-48834.html

Quốc Hội Trung Quốc

chuẩn bị thông qua luật an ninh Hồng Kông

Trọng Nghĩa
Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc họp tại Bắc Kinh trong ba ngày, kể từ hôm nay, 28/06/2020, để xem xét lần cuối dự thảo chi tiết luật về an ninh Hồng Kông trước khi thông qua. Theo Tân Hoa Xã, được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, thì văn bản dự luật đã được ông Trầm Xuân Diệu (Shen Chunyao), lãnh đạo tiểu ban luật pháp, của Quốc Hội trình ra trước cơ quan lập pháp tối cao Trung Quốc.
Theo thông tín viên RFI Liu Zhifan tại Bắc Kinh, luật an ninh liên quan đến Hồng Kông sẽ cho pháp chế độ Bắc Kinh siết chặt hơn nữa quyền kiểm soát đối với đặc khu hành chính, mà trên nguyên tắc, phải được hưởng những quyền tự do tương đối.
“Văn bản chính thức của luật an ninh quốc gia áp đặt trên Hồng Kông chỉ được tiết lộ một khi Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc thông qua và được chủ tịch Tập Cận Bình ban hành.
Sau đó thì lãnh đạo Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga – người từng cho rằng bản thân không biết chi tiết đạo luật này – sẽ có trách nhiệm ban bố, có lẽ ngay vào ngày 01 tháng 07, tức ngày Anh Quốc trao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc cách nay 23 năm.
Theo thông lệ, nhân ngày này, sẽ có những cuộc biểu tình đông đảo do phe dân chủ tổ chức, nhưng vào thời điểm dịch Covid-19, các cuộc xuống đường đã bị chính quyền đặc khu nghiêm cấm.
Cuộc biểu tình vào năm ngoái đã tập hợp được hàng trăm ngàn người trong bối cảnh người dân Hồng Kông phản đối ảnh hưởng của Bắc Kinh tại thành phố của mình.
Đối với nhiều người, luật an ninh sắp ban hành sẽ xóa bỏ trên thực tế nguyên tắc một  quốc gia, hai chế độ, cho Hồng Kông được hưởng quyền tự do ngôn luận không hề có ở Hoa Lục, cũng như một hệ thống tư pháp và chính trị độc lập.
Với luật an ninh này, Bắc Kinh có thể bố trí ở Hồng Kông những cơ quan được dùng để truy bắt những ai bị tình nghi là thành phần ly khai, khủng bố, cấu kết với các thế lực nước ngoài và muốn lật đổ chính quyền”.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200628-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-trung-qu%E1%BB%91c-chu%E1%BA%A9n-b%E1%BB%8B-th%C3%B4ng-qua-lu%E1%BA%ADt-an-ninh-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng

Lính TQ bị thương nhẹ trong vụ ẩu đả với lính Ấn Độ

Chỉ một lượng nhỏ binh sĩ Trung Quốc bị thương trong vụ ẩu đả biên giới với phía Ấn Độ đêm 15-6.
Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn các nguồn tin cho biết các binh sĩ Trung Quốc chỉ bị thương nhẹ trong vụ ẩu đả với binh sĩ Ấn Độ tại khu vực biên giới tranh chấp ở phía Tây dãy Himalaya đêm 15-6.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 24-6 cho hay vụ đụng độ hôm 15-6 ở thung lũng Galvan thuộc vùng Ladakh khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và ít nhất 76 người bị thương hoàn toàn là trách nhiệm của Ấn Độ.
Bắc Kinh từ chối tiết lộ về thương vong bên mình trong vụ ẩu đả. Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ cho biết 40 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng. Hôm 23-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói đây là tin giả.
Chỉ có lượng nhỏ binh sĩ Trung Quốc bị thương nhẹ
Ba nguồn tin tiết lộ với SCMP rằng chỉ có một lượng nhỏ binh sĩ của quân đội Trung Quốc bị thương trong vụ ẩu đả. Các nguồn tin không nêu con số cụ thể, song số thương vong của phía Trung Quốc thấp hơn nhiều so với phía Ấn Độ.
Bắc Kinh cho đến nay vẫn không lên tiếng việc này nhằm tránh khiêu khích New Delhi và làm leo thang căng thẳng.
Ông Ngô Khiêm, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 24-6 nói rằng vụ đụng độ là do sự khiêu khích của Ấn Độ.
“Vụ việc xảy ra chỉ vì Ấn Độ phá vỡ sự đồng thuận giữa hai bên và do sự khiêu khích đơn phương của nước này. Sự việc xảy ra tại Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở phía Trung Quốc. Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Ấn Độ”, ông Ngô nói, nhắc tới ranh giới phân định tại biên giới Trung Quốc – Ấn Độ.
Theo ông Ngô, vụ ẩu đả xảy ra hôm 15-6 sau khi binh sĩ Ấn Độ xâm nhập LAC  phía Trung Quốc.
“Vào đêm 15-6, một đơn vị lính biên phòng của Ấn Độ vi phạm trắng trợn sự đồng thuận giữa hai bên, và vượt qua LAC để khiêu khích phía Trung Quốc, phá vỡ lời hứa trước đó của họ”, ông Ngô nói.
“Trong khi binh sĩ Trung Quốc tính đến chuyện thương lượng, họ đột nhiên bị các binh sĩ Ấn Độ tấn công một cách bạo lực. Điều này đã dẫn tới các vụ ẩu đả giữa binh sĩ hai bên và dẫn tới thương vong”, ông Ngô cho biết.
Những phát ngôn của ông Ngô khác với những gì ông Anurag Srivastava, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay.
Ông Srivastava trước đó nói rằng Ấn Độ quy trách nhiệm vụ đụng độ cho phía Trung Quốc. Theo lời ông, các hoạt động của Ấn Độ luôn diễn ra tại LAC ở phía Ấn Độ.
Hai bên đồng ý hạ nhiệt căng thẳng
Trong khi đổ lỗi cho Ấn Độ, ông Ngô cho biết quân đội hai nước đang sắp xếp một cuộc điện đàm giữa bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ và Trung Quốc nhằm thảo luận tình hình. Ông Ngô còn nói quân đội hai nướchôm 22-6 đã tổ chức đối thoại cấp chỉ huy nhằm kiểm soát tình hình.
“Trung Quốc và Ấn Độ là những nước láng giềng quan trọng của nhau, việc duy trì hòa bình, yên tĩnh tại khu vực biên giới là mối quan tâm chung của hai bên và đòi hỏi những nỗ lực chung của cả hai bên”, ông Ngô nói.
“Chúng tôi hy vọng phía Ấn Độ có thể thỏa hiệp với Trung Quốc để giải quyết những vấn đề liên quan thông qua đối thoại, đàm phán ở nhiều cấp độ khác nhau, đồng thời làm việc cùng nhau nhằm xoa dịu căng thẳng biên giới và duy trì hòa bình, yên tĩnh tại khu vực biên giới”, ông Ngô nhấn mạnh.
Theo các báo cáo chính thức từ cả hai nước, giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý hạ nhiệt căng thẳng.
Ông Triệu cho hay hai bên đã nhất trí thực hiện các biện pháp cần thiết để hạ nhiệt tình hình.
Các nhà lãnh đạo quân sự và ngoại giao của Trung Quốc và Ấn Độ thường xuyên gặp nhau nhưng Bắc Kinh công bố rất ít thông tin về các cuộc gặp này.
Truyền thông Ấn Độ cho hay Trung tướng Ấn Độ Harinder Singh và Thiếu tướng Trung Quốc Liu Lin đã gặp nhau ở Moldo, nằm trên LAC ở phía Trung Quốc hôm 22-6. Cuộc gặp kéo dài 11 giờ.
Cũng theo truyền thông Ấn Độ, cuộc đối thoại gần như hoàn toàn tập trung vào việc xuống thang căng thẳng ở thung lũng Galvan. Truyền thông Ấn Độ cho biết vụ ẩu đả chết người xảy ra tại Điểm tuần tra 15 tại thung lũng Galvan.
http://biendong.net/bien-dong/35502-linh-tq-bi-thuong-nhe-trong-vu-au-da-voi-linh-an-do.html

Trung Quốc điều trực thăng,

Ấn Độ đưa tên lửa đến biên giới

Bình luậnNguyễn Sơn
Ấn Độ triển khai tên lửa phòng không tầm ngắn lên vùng Ladakh, sau khi phát hiện Trung Quốc đưa nhiều trực thăng tới biên giới.
“Là một phần tiến trình tăng viện cho khu vực, lục quân và không quân Ấn Độ đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không phản ứng nhanh trong khu vực Ladakh để ngăn chặn bất cứ chuyến bay liều lĩnh nào của tiêm kích hay trực thăng của quân đội Trung Quốc (PLA)”, hãng tin ANI của Ấn Độ ngày 27/6 dẫn các nguồn tin chính phủ.
Động thái này xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc được cho là đang xây dựng một bãi đáp trực thăng mới ở mũi đất số 4 trên hồ Pangong Tso, gần một tiền đồn quân sự Ấn Độ.
Ảnh vệ tinh ngày 22/6 cho thấy quân đội Trung Quốc thiết lập ít nhất 16 tiền đồn trong bán kính 9 km từ LAC, gần thung lũng Galwan, nơi xảy ra vụ ẩu đả chết người hồi tuần trước.
“Trong bối cảnh các hoạt động xây dựng vẫn đang diễn ra trong khu vực, các hệ thống phòng không mà quân đội và không quân Ấn Độ triển khai tại đây nhằm ngăn chặn các máy bay chiến đấu, trực thăng của không quân Trung Quốc gây ra sự bất ổn trong khu vực”, nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ nói với hãng ANI.
Quân đội Ấn Độ đang sử dụng một số loại tên lửa phòng không tầm ngắn phản ứng nhanh, trong đó có mẫu Akash có thể tiêu diệt các máy bay chiến đấu và máy bay không người lái chỉ sau vài giây. Ấn Độ đã tiến hành một số cải tiến, nâng cấp để tăng khả năng thích ứng của tổ hợp tên lửa này với địa hình núi cao, theo Sputnik.
Giới chức Ấn Độ hồi tuần trước cho biết đang hối thúc Nga đẩy nhanh tiến độ chế tạo và chuyển giao các hệ thống phòng không tầm xa S-400.
Một số nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết phía Trung quốc tiếp tục triển khai khí tài, trong đó có tiêm kích Su-30 và oanh tạc cơ chiến lược tới gần biên giới.
Hệ thống radar Ấn Độ phát hiện tiêm kích và trực thăng tấn công của Trung Quốc bay gần khu vực bờ hồ do Ấn Độ kiểm soát.
Hàng loạt động thái triển khai quân đội và khí tài diễn ra trong bối cảnh quan hệ Ấn Độ và Trung Quốc căng thẳng vì vụ đụng độ hôm 15/6 giữa binh sĩ hai bên ở thung lũng Galwan, khu vực Ladakh.
Trung Quốc đưa 20 võ sư đến huấn luyện binh sĩ
Báo South China Morning Post dẫn thông tin từ CCTV cho biết Trung Quốc vừa tuyển 20 võ sĩ môn võ tự do để huấn luyện chiến đấu tay không cho lực lượng lính biên phòng tại biên giới Tây Tạng.
20 võ sĩ này thuộc câu lạc bộ võ thuật Enbo Fight Club ở tỉnh Tứ Xuyên (tây nam Trung Quốc). Câu lạc bộ này được biết nhiều đến với việc đào tạo các võ sĩ đi dự các giải đấu quốc tế về võ thuật.
Nhiệm vụ chính của đội này là huấn luyện chiến đấu tay không cho lính biên phòng, lực lượng đặc nhiệm, theo trang Tencent News (Trung Quốc).
Động thái trên diễn ra sau khi ít nhất 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với quân Trung Quốc tại biên giới. Bắc Kinh không công khai số thương vong bên mình, dù truyền thông Ấn Độ nói mất mát binh sĩ của Trung Quốc nhiều gấp đôi.
Theo một thỏa thuận được ký kết từ năm 1996, cả 2 nước không được phép dùng súng hay thuốc nổ trong khu vực.
Ngoài tuyển mộ lực lượng võ sĩ này, Trung Quốc cũng tuyển thêm một số lượng dân quân mới ở Tây Tạng, trong đó có nhiều người có chuyên môn về công nghệ thông tin, về leo núi, đặt mìn, tờ The PLA Daily cho biết.
https://www.ntdvn.com/the-gioi/trung-quoc-dieu-truc-thang-an-do-dua-ten-lua-den-bien-gioi-48868.html

Thung lũng Galwan:

TQ dạy võ cho lính sau vụ va chạm với Ấn Độ

Trung Quốc nói đang đưa 20 huấn luyện viên võ thuật tới cao nguyên Tây Tạng để đào tạo quân lính ở đây.
Bắc Kinh không đưa ra lý do chính thức để giải thích về quyết định này, nhưng việc gửi người diễn ra sau khi có ít nhất 20 lính Ấn Độ bị giết chết trong các cuộc va chạm với lực lượng biên phòng Trung Quốc.
Trung Quốc ‘xây tiền đồn’ ở biên giới với Ấn Độ?
Trung Quốc bác bỏ chuyện bắt giữ binh sỹ Ấn Độ
Đụng độ đường biên Trung-Ấn, ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ bị giết
Theo một thỏa thuận ký từ 1996, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không được mang súng hoặc chất nổ vào khu vực biên giới.
Trung Quốc vẫn chưa công bố số liệu thương vong của mình sau vụ đụng độ mới nhất, trong lúc Ấn Độ nói có ít nhất 76 quân nhân của họ đã bị thương.
Tin tức về việc gửi huấn luyện viên võ thuật của quân đội lên vùng núi Tây Tạng được báo chí chính thức của Trung Quốc loan tải hôm 20/6, theo truyền thông Hong Kong.
Kênh truyền hình quốc gia CCTV nói 20 người từ Câu lạc bộ Võ thuật Chiến đấu Enbo sẽ đóng tại thủ phủ Lhasa của Tây Tạng, tuy truyền thông nhà nước Trung Quốc không xác nhận liệu họ có huấn luyện cho các binh lính ở khu vực biên giới với Ấn Độ hay không.
Trung Quốc và Ấn Độ – đều là các cường quốc hạt nhân – đã đổ trách nhiệm cho nhau về vụ ẩu đả ở thung lũng sông Galwan tại Ladakhon hôm 15/6.
Vị trí này có điều kiện khí hậu khắc nghiệt và nằm ở rất cao trên núi, gần với Aksai Chin, nơi đang có tranh chấp, theo đó Ấn Độ nói thuộc lãnh thổ Ấn Độ nhưng Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát thực tế.
Vụ 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng mới đây là vụ chết người đầu tiên trong các vụ đụng độ giữa hai bên kể từ gần nửa thế kỷ qua.
Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài giữa Ấn Độ và Trung Quốc quanh Đường Kiểm soát Thực tế (Line of Actual Control- LAC), tức khu vực đường biên được phân định sơ sài giữa hai cường quốc hạt nhân, đã lại gia tăng trong những tuần trước khi xảy ra vụ ẩu đả.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53210678

TQ thi công công trình gần nơi giao tranh với Ấn Độ

Ảnh vệ tinh mới cho thấy Trung Quốc đang thi công thêm công trình mới gần địa điểm xảy ra giao tranh gây thương vong ở biên giới với Ấn Độ.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết ngày 22/6, chỉ huy quân đội Ấn Độ và Trung Quốc thống nhất dừng giao tranh dọc biên giới sau vụ đối đầu ở Thung lũng Galwan ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Qua hình ảnh vệ tinh, các chuyên gia nhận định Trung Quốc đã dựng lều ngụy trang bao phủ lên công trình. Cách đó không xa có khả năng là một căn cứ mới đang được thi công với tường hoặc hàng rào.
Chuyên gia Nathan Ruser tại Viện Chính sách Chiến lược Australia nhận định rằng quá trình thi công này cho thấy dấu hiệu căng thẳng chưa hạ nhiệt.
Bên phía Ấn Độ, hình ảnh rào chắn phòng thủ đã xuất hiện rõ. Nhiều vị trí đóng quân đã giảm quy mô so với một tháng trước.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phản hồi câu hỏi về hoạt động xây dựng này. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng chưa đưa ra bình luận nào.
Trung Quốc tự nhận rằng toàn bộ thung lũng Galwan nằm trên lãnh thổ nước này. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đổ trách nhiệm cho nhau trong cuộc xung đột ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Phía Trung Quốc chưa công bố thương vong trong lực lượng quân đội nước này.
Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung dài 3.862km. Cả hai bên đều cáo buộc nhau từng xâm phạm lãnh thổ.
http://biendong.net/bien-dong/35500-tq-thi-cong-cong-trinh-gan-noi-giao-tranh-voi-an-do.html

75.000 phòng khách sạn ở thủ đô Ấn Độ

cấm cửa khách TQ

Làn sóng tẩy chay Trung Quốc tiếp tục lan rộng ở Ấn Độ khi một chuỗi nhà hàng và khách sạn nổi tiếng ở thủ đô Delhi thông báo sẽ không tiếp nhận du khách Trung Quốc.
Theo AFP, sau vụ đụng độ của binh sĩ 2 nước ở khu vực biên giới khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng, làn sóng tẩy chay Trung Quốc đã lan rộng ở nước này.
Mới đây nhất, Hiệp hội Chủ nhà hàng và Khách sạn Delhi, tổ chức gồm các ông chủ và người kinh doanh nhà hàng khách sạn tại thủ đô Ấn Độ, đã quyết định sẽ không cung cấp dịch vụ cho du khách Trung Quốc.
Ông Sandeep Khandelwal, chủ tịch hiệp hội, cho biết quyết định này sẽ có hiệu lực với 75.000 phòng khách sạn tại thủ đô Delhi, và cho biết đây là động thái thể hiện “sự ủng hộ tới chính phủ trong tình huống hiện tại với Trung Quốc”.
“Tại sao chúng ta cho phép họ kiếm tiền từ Ấn Độ chứ?”, ông Khandelwal chia sẻ với AFP.
Hiệp hội đại diện cho rất nhiều khách sạn 3 sao và 4 sao ở thủ đô New Delhi, và họ cũng khuyến cáo các thành viên ngừng sử dụng sản phẩm và hàng hoá Trung Quốc.
Theo số liệu, chỉ có 300.000 du khách Trung Quốc đến Ấn Độ trong năm 2018, và động thái của hiệp hội được cho là chủ yếu mang tính tượng trưng, vì tình hình đại dịch Covid-19 hiện tại khiến cho hoạt động du lịch gần như không còn diễn ra.
Tại thủ đô Delhi, nhiều khách sạn tiếp tục đóng cửa bất chấp chính quyền đã nới lỏng lệnh phong toả vì Covid-19.
Tuy nhiên động thái của hiệp hội khách sạn Delhi cho thấy không khí bài Trung Quốc tại Ấn Độ – vốn chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội, đã bắt đầu chuyển hoá thành các hành động cụ thể, trong đó có việc tẩy chay hàng hoá và dịch vụ của Trung Quốc.
Các trang web thương mại điện tử tại Ấn Độ, trong đó có cả người khổng lồ Amazon, đã đồng ý ghi xuất xứ các sản phẩm trên nền tảng của họ.
Hồi đầu tuần này, chính phủ Thủ tướng Narenda Modi cũng yêu cầu tất cả người bán phải ghi rõ xuất xứ sản phẩm trên cổng trực tuyến GeM – vốn được các cơ quan nhà nước sử dụng để mua sắm hàng tỷ USD hàng hoá.
Xiaomi – thương hiệu điện thoại Trung Quốc rất phổ biến ở Ấn Độ – đã quyết định che đi thương hiệu của họ tại các cửa hàng trên khắp đất nước, thay vào đó treo lên băng-rôn “Made in India” vì hãng có nhà máy lắp ráp ở đây.
“Công ty nói với chúng tôi rằng phải làm thế để bảo vệ mình trước người biểu tình hoặc chính trị gia, những người có thể phá huỷ tài sản trong bối cảnh cảm xúc bài Trung Quốc gia tăng”, ông Jignesh, chủ một cửa hàng Xiaomi ở Mumbai, cho biết.
“Nhưng nhu cầu với điện thoại thông minh vẫn không giảm, và mọi người vẫn tới mua những thiết bị này”, ông Jignesh nói thêm
Các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc, trong đó có những nguyên liệu thô mang tính sống còn đối với ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm của Ấn Độ, cũng đang bị ùn ứ tại các cảng và sân bay do hải quan nước này siết chặt kiểm tra.
Cuộc đụng độ hôm 15/6 là vụ việc tồi tệ nhất trên khu vực biên giới 2 nước tại dãy Himalaya trong vòng 45 năm qua. Bất chấp căng thẳng kéo dài ở khu vực này, Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục xây dựng quan hệ thương mại chặt chẽ hơn.
Kim ngạch thương mại hàng năm giữa 2 nước vào khoảng 90 tỷ USD, với cán cân nghiêng hẳn về phía Trung Quốc (50 tỷ USD).
http://biendong.net/bien-dong/35499-75000-phong-khach-san-o-thu-do-an-do-cam-cua-khach-tq.html

Làn sóng tích trữ giấy vệ sinh lần 2 tại Úc tiếp tục

 khi số ca nhiễm coronavirus tăng đột biến

Tin từ Sydney, Úc – Vào hôm thứ Sáu (26 tháng 6), các chuỗi siêu thị của Úc đã ra giới hạn mua hàng đối với giấy vệ sinh và các mặt hàng gia dụng khác, sau khi tiểu bang Victoria có số ca nhiễm tăng đột biến khiến nhiều người đổ xô mua hàng tích trữ do lo lắng về lệnh mới bắt buộc ở nhà.
Woolworths Group và Coles Group thông báo đặt giới hạn mua giấy vệ sinh và khăn giấy là 1 đến 2 gói/người sau khi mạng xã hội lan truyền hình ảnh các kệ hàng trống trơn. Các giới hạn mua hàng và hình ảnh các kệ hàng trống trơn gợi nhớ về phản ứng ban đầu của nước Úc đối trước sự xuất hiện của Covid-19, khi đó nhiều người đổ xô mua dự trữ hàng gia dụng đề phòng khả năng chính phủ ra lệnh phong tỏa kéo dài.
Với 7,500 ca nhiễm và 104 ca tử vong, Úc đã nới lỏng các hạn chế về đi lại, nhưng sau khi tiểu bang đông dân thứ hai Úc, Victoria có hàng chục ca nhiễm mới đã khiến tiểu bang này tạm dừng việc tái mở cửa, dẫn đến việc nhiều người tiếp tục đổ xô đi mua hàng tích trữ.
Một phát ngôn viên của Coles cho biết họ đã đặt giới hạn áp dụng trên toàn quốc cho mặt hàng giấy vệ sinh và khăn giấy, mỗi người chỉ được mua tối đa 1 đến 2 gói giấy, riêng tiểu bang Victoria có giới hạn mỗi khách chỉ được mua một mặt hàng dung dịch khử trùng tay, mì ống, trứng, gạo và các mặt hàng chủ lực khác.
Mặc dù tiểu bang Victoria có số ca nhiễm tăng đột biến, thủ tướng và giám đốc y tế đã nói rằng Úc vẫn kiểm soát được virus, và nước này vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế. (BBT)
https://www.sbtn.tv/lan-song-tich-tru-giay-ve-sinh-lan-2-tai-uc-tiep-tuc-khi-so-ca-nhiem-coronavirus-tang-dot-bien/

Tổng lãnh sự TQ gặp rắc rối

vì bình luận về sinh viên Úc ủng hộ Hong Kong

Cảnh sát bang Queensland xác nhận đang điều tra ông Xu Jie, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại thành phố Brisbane. Ông bị cáo buộc đã kích động bạo lực nhắm vào một sinh viên Úc ủng hộ biểu tình Hong Kong.
Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Brisbane, ông Xu Jie
Theo News.com.au, phát ngôn viên của cảnh sát Queensland cho biết các khiếu nại được trình lên trong tuần này nhưng không nói thêm chi tiết về cuộc điều tra.
Hồi năm ngoái, Drew Pavlou – một sinh viên tại Đại học Queensland – đã gây chú ý sau một cuộc biểu tình ủng hộ Hong Kong trong khuôn viên trường. Sự việc bất ngờ trở nên tồi tệ khi các sinh viên Trung Quốc đang theo học tại trường tiến đến khu vực Pavlou và các sinh viên Hong Kong đang đứng.
Theo mô tả của truyền thông địa phương, nhóm sinh viên đại lục đã lao vào giật và xé các biểu ngữ trên tay các sinh viên ủng hộ biểu tình Hong Kong. Xô xát xảy ra khiến một số người bị thương nhẹ, trong đó có Pavlou.
Tổng lãnh sự Trung Quốc Xu Jie, người được phong giáo sư danh dự của trường, sau đó đã gọi Pavlou cùng những người tổ chức biểu tình ủng hộ Hong Kong là “phần tử ly khai”.
Pavlou cho biết anh đã nhận được vô số lời đe dọa và miệt thị, bao gồm cả chuyện sẽ lấy mạng anh từ sau bình luận của nhà ngoại giao Trung Quốc.
“Có kẻ đã nhắn sẽ cưỡng hiếp mẹ tôi ngay trước mặt tôi rồi giết cả nhà tôi. Đây thật sự là chuyện quá đê tiện”, Pavlou nói với trang News.com.au.
Hiện Pavlou đang bị đình chỉ học, điều mà anh này cho rằng có bàn tay của Trung Quốc hòng buộc anh phải im lặng. Đại học Queensland là một trong số ít các trường đại học ở Úc mở Viện Khổng Tử và nhận tiền hỗ trợ từ Bắc Kinh.
Hãng thông tấn AFP ước tính có khoảng 181.000 du học sinh Trung Quốc tại Úc, đem về mỗi năm khoảng 6,8 tỉ USD cho xứ sở chuột túi.
Chính quyền Bắc Kinh đã sử dụng lực lượng du học sinh như một cách để gây áp lực khi quan hệ với Canberra trở nên căng thẳng dưới thời Thủ tướng Scott Morrison.
Hồi tháng trước, khi ông Morrison thúc đẩy một cuộc điều tra về nguồn gốc virus corona ở Trung Quốc, Bắc Kinh đã cảnh báo sinh viên Trung Quốc nên nghĩ lại việc đến Úc du học với lý do tâm lý “bài Hoa” đang tăng mạnh.
Trung Quốc chưa lên tiếng bình luận về thông tin ông Xu Jie bị điều tra.
http://biendong.net/bien-dong/35497-tong-lanh-su-tq-gap-rac-roi-vi-binh-luan-ve-sinh-vien-uc-ung-ho-hong-kong.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.