Tin Biển Đông – 27/06/2020
Biển Đông: TQ lại nạo vét tại đảo Phú Lâm
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang nạo vét tại một vịnh ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, có vẻ như để mở rộng góc phía tây bắc của hòn đảo nhân tạo này, theo Benarnews.
Ảnh vệ tinh cho thấy việc nạo vét dường như đã được tiến hành trong vài tuần nay tại đảo Phú Lâm, nơi Trung Quốc xây dựng thành phố Tam Sa.
Hình ảnh vệ tinh thương mại từ ngày 17/4 đến ngày 25/6 cho thấy rạn san hô ở bờ biển phía tây bắc đảo Phú Lâm đã bị nạo vét một đoạn ở trung tâm. Cũng có thể nhìn thấy các dải đất mới có thể là nền móng cho việc bồi đắp, mở rộng hòn đảo.
Có thể thấy các cẩu hoặc máy móc hạng nặng đang làm việc tại cùng địa điểm nói trên hôm 8/5. Dựa trên đánh giá của BenarNews, hình ảnh vệ tinh cho thấy cát được nạo vét ra khỏi đảo Phú Lâm để tạo ra cấu trúc mới này. Đường bờ biển gần khu vực này đã được gia cố bằng thứ trông giống như một bức
tường biển. Một số cấu trúc giống như cầu tàu nhân tạo được xây dựng tại các điểm dọc theo bờ biển về phía đông.
Đảo Phú Lâm là nơi Trung Quốc thường tập hợp các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển (CCG) và lực lượng dân quân hàng hải trước khi điều động đến nơi khác, quấy rối hoạt động của tàu các quốc gia khác cũng có yêu sách về chủ quyền trên Biển Đông, theo Benarnews.
Hình ảnh vệ tinh chụp vào thứ Sáu cho thấy ba tàu CCG đang đậu ở cảng của đảo này, cùng với những vật trông giống như một chiếc xà lan chở vật liệu.
Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch bồi đắp đảo nhân tạo rộng lớn từ năm 2014 đến năm 2016 ở Biển Đông, phá hủy môi trường tự nhiên và quân sự hóa các bãi đá và rạn san hô nơi nước này chiếm đóng.
Bốn căn cứ lớn nhất mà Trung Quốc duy trì ở Biển Đông – Đá Subi, Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, và Đảo Phú Lâm – hầu như không thể nhận ra kể từ khi việc bồi đắp kết thúc vào năm 2017, tạo ra các bến cảng nước sâu, đường băng, và nơi sinh hoạt. Nhưng việc nạo vét quy mô nhỏ vẫn tiếp tục, như hình ảnh vệ tinh mới nhất này cho thấy.
Các mối quan ngại về tình trạng nạo vét
Việc nạo vét mới trên đảo Phú Lâm được Trung Quốc thực hiện vào thời điểm nhạy cảm, theo Benarnews.
Tháng trước, Indonesia đã cùng với Việt Nam, Philippines và Malaysia tố cáo Trung Quốc về việc khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông trong một loạt các công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc.
Indonesia viện dẫn phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực, bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển tranh chấp, khẳng định không một ‘hòn đảo’ nào của Trung Quốc có thể tạo ra các vùng đặc quyền kinh tế và chúng chỉ là các bãi đá.
Gần đây, Trung Quốc đã cố gắng đe dọa Việt Nam về việc hợp tác khai thác dầu trên Biển Đông với một đối tác quốc tế bằng cách đưa một tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 17/6.
Việt Nam đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo ASEAN hôm 26/6. Tất cả các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông đều tham gia, không bao gồm Trung Quốc và Đài Loan.
“Trong khi thế giới đang đấu tranh chống lại đại dịch COVID-19, thì lại có những hành động vô trách nhiệm, vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến môi trường an ninh và ổn định ở một số khu vực, bao gồm khu vực ASEAN,” Benarnews dẫn lời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu khai mạc.
Mười nước thành viên ASEAN đã vật lộn để đạt được sự đồng thuận về các vấn đề liên quan đến Biển Đông, do đó, tuyên bố chung hôm Thứ Sáu ngầm chỉ trích kế hoạch thành lập Vùng Nhận diện phòng không trên Biển Đông của Bắc Kinh là một biểu hiện lo ngại bất thường về căng thẳng đang gia tăng.
Tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc
Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và vào năm 1982 đã thành lập đơn vị hành chính để quản lý các quần đảo này.
Nhắc về Hoàng Sa, Trung Quốc nói công hàm Việt Nam ‘phi pháp, vô hiệu’
TQ tăng hoạt động tại vùng tranh chấp ở Biển Đông
Bãi Tư Chính và lô 06-01: Rõ hơn về tàu Trung Quốc ‘quấy nhiễu’ Việt Nam
Huyện đảo Hoàng Sa hiện trực thuộc thành phố Đà Nẵng, còn huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Tuy nhiên, kể từ năm 1974, Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa (Bắc Kinh gọi là Tây Sa), trong đó bao gồm đảo Phú Lâm, nơi nay đặt trụ sở của huyện đảo Tây Sa.
Trung Quốc giành quyền kiểm soát đảo Phú Lâm từ năm 1956. Năm 2012, Trung Quốc thành lập ‘thành phố Tam Sa’ đặt thủ phủ ở đảo này và điều quân tới đóng trên đảo.
Đảo Phú Lâm hiện là nơi mà cả Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.
Biển Đông: Bàn về lựa chọn ‘chiến tranh kinh tế,
và cùng khai thác’
Tiếp tục bàn về giải pháp nào trong vấn đề Hoàng Sa, BBC hỏi hai chuyên gia từ Ireland và Ấn Độ.
Trong bài trước, ba chuyên gia từ Úc, Mỹ và Nga đã nêu quan điểm của họ.
Tiến sĩ Clive Symmons, Visiting Research Fellow, Trường Luật, Trinity College Dublin
Do Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực, rõ ràng nước này đóng ở đó bất hợp pháp. Vì thế Trung Quốc không có quyền về pháp lý để đòi vùng biển tính từ đảo, mặc dù gần đây họ củng cố đòi hỏi chủ quyền bằng cách công bố đường cơ sở thẳng quanh Hoàng Sa.
Ngay cả nếu Việt Nam có bằng chứng tốt hơn Trung Quốc, trong tương lai gần, điều này cũng không an ủi gì Việt Nam.
Một giải pháp có thể xảy ra, là hai nước đồng ý đóng băng tranh chấp tại đó.
Nếu hai nước không chịu cùng nộp đơn cho bên thứ ba giải quyết, thì hai nước có thể đồng ý về mặt ngoạI giao để có hiệp ước về “khu vực khai thác chung”. Trên thế giới đã có nhiều ví dụ.
Trong trường hợp này, hai nước có thể đồng ý thành lập cơ chế đánh bắt, khai thác, chia sẻ lợi nhuận trong khu vực.
Trung Quốc, ở Biển Đông, cũng đã có một số đề nghị về khai thác chung hạn chế, tuy chỉ mang tính đa phương, ví dụ trước đây với Brunei.
Tiến sĩ Subhash Kapila, South Asia Analysis Group, Ấn Độ
Trong các bài thuyết trình của tôi ở Moscow và Việt Nam, trọng điểm tôi nói là Trung Quốc, khi theo đuổi Đại Mộng Trung Hoa, không chấp nhận hòa giải hay giải quyết xung đột liên quan việc chiếm Biển Đông bất hợp pháp.
Lựa chọn duy nhất cho Hoa Kỳ và Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc) là đầu tiên phải khiến cái giá quá cao nếu Trung Quốc lấn chiếm ở Biển Đông. Sau đó là trừng phạt kinh tế để Trung Quốc ngừng lại việc lấn chiếm.
Loại bỏ khả năng chiến tranh, thì chiến tranh kinh tế là điều duy nhất mà Trung Quốc hiểu.
Asean phải có mặt trận thống nhất chống sự xâm lấn của Trung Quốc. Trước tiên, họ cần chứng tỏ quyết tâm bằng việc tổ chức tuần tra hải quân chung ở Biển Đông.
Biển Đông: ASEAN ra thông cáo khẳng định
UNCLOS là cơ sở giải quyết bất đồng
Trọng Thành
Thượng đỉnh khối ASEAN lần thứ 36 kết thúc hôm qua, 26/06/2020. Báo chí quốc tế chú ý đến việc thông cáo chung ASEAN nhấn mạnh đến các tranh chấp, bất đồng phải được giải quyết cơ sở Công Ước Quốc Tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một bước tiến cho thấy ASEAN đã bước đầu thống nhất được lập trường, để chống lại các tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Các lãnh đạo ASEAN nhất trí tái khẳng định Công Ước UNCLOS năm 1982 là cơ sở cho việc xác định các quyền trên biển, khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương. Tuyên bố chung của thượng đỉnh ASEAN, do nước chủ nhà Việt Nam, chủ tịch luân phiên của khối, chủ trì soạn thảo, khẳng định các lãnh đạo ASEAN « nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Lo ngại về việc cải tạo, những diễn biến gần đây và những sự cố nghiêm trọng xảy ra gần đây tại Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, các lãnh đạo khẳng định sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế trong các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 ».
Hãng tin Mỹ AP cho hay, hiện chưa có phản ứng nào từ phía Trung Quốc về tuyên bố nói trên. Trong lúc đó, ba nhà ngoại giao ASEAN, xin không nêu danh tính, mà hãng tin tiếp xúc được, nhận định : bản thông cáo nói trên « đánh dấu một bước tiến quan trọng » trên con đường khẳng định giá trị nền tảng của luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông, nơi vốn được coi mà một trong những địa điểm xung đột dễ dàng bùng phát thành chiến tranh, trong bối cảnh các tham vọng chủ quyền trên biển của Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Theo báo Philippines, cũng trong thượng đỉnh nói trên, tổng thống Philippines đã báo động về căng thẳng gia tăng tại nhiều khu vực tranh chấp. Với tư cách quốc gia phụ trách điều phối đối thoại giữa
ASEAN và Bắc Kinh, tổng thống Rodrigo Duterte kêu gọi các bên tìm kiếm các biện pháp mới, có thái độ mềm dẻo để đạt được mục tiêu giữ hoà bình và ổn định.
Theo ông Duterte, Manila đang nỗ lực thúc đẩy các bên đi đến được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong thời gian sớm nhất. Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp cũng tiếp tục căng thẳng. Trong thời gian gần đây, Manila đã phải hai lần gửi công hàm phản đối Bắc Kinh về các hành động gây hấn.
Bắc Kinh nạo vét lớn ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa
Truyền thông Hoa Kỳ hôm nay 27/06 loan tải thông tin về việc chính quyền Trung Quốc tiến hành nạo vét quy mô lớn tại đảo Phú Lâm, được Trung Quốc bố trí làm thủ phủ của quần đảo Hoàng Sa, phía bắc Biển Đông, quần đảo mà Việt Nam đòi hỏi chủ quyền. Các hình ảnh vệ tinh, từ ngày 17/04 đến ngày 25/06, cho thấy việc nạo vét diễn ra tại khu vực phía tây bắc hòn đảo. Mục tiêu của hoạt động này có thể là để mở rộng diện tích đảo. Đảo Phú Lâm là nơi Trung Quốc bố trí một căn cứ quân sự chủ yếu ở Biển Đông.
0 comments