Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 24/06/2020

Wednesday, June 24, 2020 7:50:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 24/06/2020

Dưới gọng kìm của Bắc Kinh, giới trẻ Hồng Kông tìm đường tị nạn – Thùy Dương

Nhìn về châu Á, báo Le Monde quan tâm đến số phận người dân Hồng Kông trước gọng kìm của Bắc Kinh. Nỗi sợ mất tự do và bị chính quyền Bắc Kinh đàn áp đang thúc đẩy giới trẻ Hồng Kông tìm cách ra nước ngoài tị nạn.
Thông tín viên báo Le Monde, Florence de Changy, cho biết hiện giờ di cư ra nước ngoài đang là đề tài được ưa chuộng ở nhiều công sở và thu hút nhiều người dân Hồng Kông, mặc dù chuyện ra đi không đơn giản và chi phí cũng rất tốn kém. Nhiều thanh niên Hồng Kông lấy làm tiếc là vào năm 1997 khi nhượng địa được trả về cho Trung Quốc, cha mẹ họ đã không xin hộ chiếu hải ngoại Anh. Thời đó 3,4
triệu người Hồng Kông đã được Anh cấp hộ chiếu và nay điều này tạo thuận lợi cho họ xin quốc tịch Anh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 03/06 thông báo quyền cư trú 6 tháng của những người Hồng Kông có hộ chiếu hải ngoại của Anh được chuyển thành quyền lao động tại Anh trong vòng 12 tháng, mở đường cho họ xin quốc tịch Anh. Từ phong trào biểu tình mùa xuân 2019 chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, nhiều thanh niên Hồng Kông đã lên kế hoạch ra đi, nhưng thông báo của Bắc Kinh về việc thông qua dự luật an ninh hồi cuối tháng 05 là một bước ngoặt càng thúc đẩy người dân đặc khu hành chính rời Hồng Kông. Theo một thăm dò ý kiến, tỉ lệ người muốn đi tị nạn hồi cuối tháng 05 là 37%, so với con số 24% trước đó 2 tháng.
Từ hồi nhượng địa, những người Hồng Kông có điều kiện đã cảm thấy cần chuẩn bị sẵn « phương án B», phương án dự phòng. Canada đã đón 600.000 người Hồng Kông, Mỹ và Anh lần lượt tiếp nhận 330.000 và 150.000 người, nhất là những người có trình độ cao và thuộc tầng lớp thượng lưu. Những người giàu có đã chuẩn bị để có hộ chiếu của nhiều nước, để có thể đáp xuống bất cứ nơi nào trên thế giới khi cần, còn với những người khác, phương án đi tị nạn là để tránh bị Bắc Kinh bắt bớ tù đày.
Đối với những thanh niên tham gia phong trào biểu tình đòi dân chủ, Đài Loan là nơi họ muốn đến vì những nét tương đồng về văn hóa, và nhất là vì người dân Đài Loan cũng có ý thức về mối đe dọa từ chế độ Tập Cận Bình đối với nền tự do. Theo báo chí Đài Loan, có ít nhất 200 người thuộc phong trào đối lập Hồng Kông đang tị nạn tại Đài Loan. Hôm 18/06/2020, Đài Bắc loan báo kế hoạch hành động nhân đạo để tiếp đón những người Hồng Kông phải trốn chạy vì lý do chính trị, với sự thành lập vào ngày 01/07/2020 một văn phòng chuyên trách hỗ trợ người Hồng Kông khi họ đến Đài Loan. Những người này sẽ được nhận trợ cấp từ chính quyền Đài Bắc.
Đa số những người chọn giải pháp ra đi cho rằng đó không phải là từ bỏ mà là mở rộng trận chiến. Sau Đài Loan, Mỹ, Canada, Úc, Anh, người dân Hồng Kông giờ đây ngày càng hướng tới Thụy Điển, Ailen, Slovakia và Tây Ban Nha. Tại Bồ Đào Nha, một hãng tin cho biết hàng ngày họ nhận được hàng chục, hàng trăm cuộc gọi điện thoại từ Hồng Kông để hỏi về việc tị nạn.
TT Putin tố cáo phương Tây bài Nga
Liên quan đến châu Âu, nhìn qua nước Nga, báo kinh tế Les Echos quan tâm đến sự kiện Matxcơva tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít Đức và « tổng thống Nga Putin tố cáo chủ nghĩa xét lại bài Nga của phương Tây ». Theo Les Echos, lễ kỷ niệm là dịp để chủ nhân điện Kremlin lên giọng chỉ trích Tây phương và thể hiện quan điểm là Nga đang giữ vị trí trung tâm tại châu Âu và Cận Đông.
Điện Kremlin hiểu rằng mọi thỏa thuận với Liên Âu phải thông qua một thỏa thuận trực tiếp với Đức. Vấn đề là quan hệ Nga-Đức đang căng thẳng, nhất là từ sau vụ một nhà đối lập với chính quyền Matxcơva, người Tchetchenia, bị ám sát tại thủ đô Berlin và các cơ quan mật vụ Nga bị Berlin tố cáo có dính líu đến vụ việc, dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước.
Còn tại Cận Đông, Nga tự coi mình là một nhân tố mấu chốt, nhất là từ khi Mỹ có ý định rút lui hỏi khu vực này. Đúng là Nga đã thiết lập được quan hệ tốt với Iran, Syria, Ả Rập Xê Út và thậm chí là cả Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với Nga, Cận Đông có vai trò sống còn vì khu vực này tập trung trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, mà dầu lửa là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Nga. Thế nhưng, theo Les Echos, Nga không còn khả năng can dự vào châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh, trừ Venezuela.
Liên minh Iran – Venezuela : Thất bại của Hoa Kỳ
Libération hôm nay quan tâm đến quan hệ giữa Iran và Venezuela, hai quốc gia có hệ tư tưởng khác nhau, nhưng có một điểm chung là đều bị Mỹ cấm vận kinh tế. Hai chế độ đã xích lại gần nhau, Teheran trong thời gian qua đã cho 5 chuyến tầu chở dầu lửa và 1 chuyến tàu chở thực phẩm sang tiếp tế cho Venezuela. Trong bài viết « Iran – Venezuela, mối liên minh của các Nhà nước bị khinh miệt », Libération gọi những hành động của Teheran là sự chế giễu và thách thức nhắm vào Washington, là một sự thất bại lớn của Mỹ.
Về phía Venezuela, không chỉ để đối đầu với kẻ thù Hoa Kỳ, việc trao đổi hàng hóa với Iran còn mang lại cho chế độ Caracas một luồng sinh khí, trong bối cảnh Venezuela gần như đã chạm đáy sau 7 năm khủng hoảng kinh tế – chính trị và nay là khủng hoảng Covid-19. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố sẽ sớm đến Iran để cảm ơn người dân và tổng thống nước này. Dường như sẽ có nhiều thỏa thuận thương mại song phương được ký kết. Hiện giờ, Iran đang chuẩn bị đưa một chuyến tàu chở thiết bị y tế sang Venezuela để giúp Caracas chiến đấu chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, đối với kinh tế gia Henkel Garcia, thuộc văn phòng nghiên cứu Econometrica, tất cả những điều trên chỉ mang tính biểu tượng. Về mặt kinh tế, Iran không thu được gì nhiều và hàng hóa của Teheran cũng không đủ để có thể giúp Venezuela ra khỏi khủng hoảng.
Còn nhà nghiên cứu Christophe Ventura, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS) nhận định sự hợp tác này là nhằm phát đi một thông điệp chính trị, để được nhắc đến, để đáp ứng một số nhu cầu khẩn cấp của Venezuela chứ không thể đáp ứng nhu cầu dài hạn của nước này. Mức độ quan hệ của hai nước sẽ phụ thuộc vào cách xử sự của Washington. Bởi vì ngoài việc đều bị Mỹ trừng phạt, không có gì có thể kéo Iran và Venezuela lại gần nhau vì hai chế độ quá nhiều điểm khác biệt về mô hình và các dự án xã hội. Libération kết luận nếu Donald Trump tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống thì quan hệ gắn kết giữa Teheran và Caracas sẽ còn được duy trì.
Điện ảnh đối mặt với thách thức hậu Covid-19
Khác với thường lệ, Le Monde hôm nay không dành bài xã luận để nói về các đề tài địa chính trị, chính trị thế giới hay trong nước mà quan tâm đến đời sống văn hóa, cụ thể là về « Điện ảnh đối mặt với thách thức hậu Covid-19 ». Việc các rạp phim phải đóng cửa nhiều tháng và công tác sản xuất của các hãng phim bị đình lại khiến ngành điện ảnh thiệt hại tới nhiều triệu euro. Năm 2019 là một trong những năm các rạp phim thu hút được nhiều khán giả nhất, còn năm nay lượng khách giảm khoảng 1/3.
Nhưng đối với Le Monde, điều nghiêm trọng hơn cả là sự cân bằng của ngành điện ảnh đang bị đe dọa. Cần thêm nhiều tháng nữa để đánh giá chính xác về các thói quen mới của khán giả, nhưng trong những tháng phong tỏa vừa qua, giới điện ảnh ghi nhận công chúng đã chuyển hướng sang xem phim qua ti vi, máy tính, nhất là thuê phim trực tuyến VoD. Trong giai đoạn phong tỏa, nhiều phim dự kiến được trình chiếu tại rạp, cuối cùng lại được phát hành trực tuyến qua hệ thống VoD.
Trước khi xảy ra dịch bệnh, các phương thức tiếp cận phim ảnh như trên chủ yếu thu hút giới trẻ, nhưng theo dự báo tại Mỹ, thuê phim trực tuyến VoD sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2024. Xu hướng trên sẽ có lợi cho các hãng Netflix, Amazon và Apple, nhưng có hại cho điện ảnh truyền thống.
Trang nhất các báo Pháp
Trên trang nhất, các báo Pháp hôm nay quan tâm nhiều đến tình hình trong nước. Le Monde đặc biệt chú ý đến ngân sách đất nước qua hàng tựa « Làm thế nào nước Pháp sống với khối nợ ? » Nợ công của Pháp sẽ tăng lên đến 120,9% GDP 2020. Trong khi khoản thu từ thuế giảm, Nhà nước lại phải chi trả trợ cấp thất nghiệp bán phần và hỗ trợ các doanh nghiệp, điều này đã làm bùng nổ thiếu hụt ngân sách và làm tăng khối nợ công của Pháp. Nhà nước đang đi vay tiền trên các thị trường tài chính với lãi suất rất thấp. Hiện giờ, chính phủ từ chối tăng thuế và đặt cược vào sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế.
Trong khi đó, nổi bật trên trang nhất báo công giáo La Croix là câu hỏi in cỡ lớn : « Chúng ta có ổn không ? ». La Croix tóm lược tình tình : Giữa nỗi lo lắng và mong muốn có những sáng chế trở lại được, nước Pháp thoát khỏi khủng hoảng y tế nhưng bị mất thăng bằng. Vẫn về thời sự Pháp, báo Le Figaro hướng đến cuộc bầu cử địa phương vòng 2 ngày 28/06 qua hàng tựa : « Bầu cử địa phương : Liệu làn sóng xanh có xảy ra ? » ý nói tới khả năng chiến thắng của các đảng Xanh – đảng sinh thái.
Còn báo Libération nhìn lại hồ sơ đấu tranh chống phân biệt sắc tộc tại Pháp qua hàng tít : « Chống kỳ thị sắc tộc : Một nguyên nhân, hai trận chiến ». Từ « SOS Racisme » trong những năm 1980 cho đến « Adama Comité » ngày nay, phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc tại Pháp đã có những thay đổi sâu sắc, cả về lý tưởng và thế hệ.
Nhìn rộng ra Liên Âu, báo kinh tế Les Echos chạy tựa « Tăng trưởng : Bước phục hồi đầy hy vọng cho châu Âu ». Kinh tế Liên Hiệp trong tháng 6, thời hậu phong tỏa, tái khởi động nhanh hơn dự báo, nhất là tại Pháp, quốc gia vốn có nền kinh tế bị đình đốn nghiêm trọng nhất vì dịch bệnh.
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200624-d%C6%B0%E1%BB%9Bi-g%E1%BB%8Dng-k%C3%ACm-c%E1%BB%A7a-b%E1%BA%AFc-kinh-gi%E1%BB%9Bi-tr%E1%BA%BB-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-t%C3%ACm-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-t%E1%BB%8B-n%E1%BA%A1n

Tin tổng hợp
(Reuteurs) – Đánh cá lậu: Malaysia sẽ nghiêm khắc với ngư dân Việt Nam.
Trong cuộc họp báo sáng 24/06/2020 tại Kuala Lumpur, tư lệnh lực lượng tuần duyên Malaysia cho biết, ngư dân Việt Nam xâm nhập vùng biển Malaysia sẽ bị bắt, bị kết án về tội đánh cá bất hợp pháp. Trong thời gian gần đây, do nhu cầu ngăn chận siêu vi corona chủng mới lây nhiễm, Malaysia chỉ tống xuất tàu cá Việt Nam về nước. Từ nay, ngư dân bị bắt quả tang sẽ bị truy tố với nguy cơ lãnh án tù. Trong cuộc họp báo, tướng Mohd Zubil Mat Som than phiền ngư dân Việt Nam thường xuyên xâm nhập vùng biển Malaysia.
(Reuters) - Đài Loan : 200 tượng Tưởng Giới Thạch bị dời khỏi nơi công cộng. 
Khoảng 200 bức tượng của nhà lãnh đạo độc đoán Tưởng Giới Thạch đã được tập trung về công viên bao quanh khu lăng mộ của ông ở phía bắc Đài Loan. Tưởng Giới Thạch vốn được ca ngợi là người hùng chống cộng, đặc biệt tại Hoa Kỳ. Hiện có khoảng 1.000 bức tượng của ông  đặt rải rác tại Đài Loan. Tuy nhiên, ngày càng hãnh diện vì chế độ dân chủ hiện nay, nhiều người dân Đài Loan chỉ trích việc ông đã bỏ tù và sát hại các đối thủ.
(AFP) - Bầu cử Quốc Hội Mông Cổ. 
Ngày 24/06/2020 cử tri Mông Cổ đi bỏ phiếu để bầu lại 72 dân biểu Quốc Hội trong só 600 ứng viên. Vì tình hình dịch Covid-19 các điều kiện vệ sinh được tăng cường đáng kể tại các phòng phiếu. Cử tri phải đứng cách nhau ít nhất 2 mét. Do có hệ thống y tế và bệnh viện yếu kém, Mông Cổ đã sớm đóng cửa biên giới với Trung Quốc và ban hành những biện pháp triệt để, như ngừng các đường bay quốc tế. Quốc gia này tới nay ghi nhận 200 ca dương tính với virus corona, nhưng không một ai tử vong.
(AFP) – Điểm tín nhiệm Trung Quốc sụp đổ trong mắt công luận Úc. 
Theo thăm dò của viện Lowy Institut ngày 24/06/2020, chỉ có 23 % những người được hỏi còn “tin tưởng” vào Bắc Kinh. Cách nay hai năm, tỷ lệ này là 52 %. Ngoài ra có tới 94 % mong muốn Úc giảm mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và thương mại.
(Reuters) - Singapore giải tán Quốc Hội. 
Thủ tướng Lý Hiển Long ngày 23/06/2020 cố vấn tổng thống Singapore giải tán Quốc Hội, chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 10 tháng 7 tới đây. Đảng đối lập PSP cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để tổ chức bầu cử. Điều trớ trêu là em trai thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Dương, cho biết sẽ đại diện cho đảng đối lập PSP ra tranh cử lần này.
(Nikkei) - Bộ trưởng Thương Mại Hàn Quốc ra tranh chức tổng giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. 
Nếu đắc cử, bà Yoo Myung Hee sẽ là phụ nữ đầu tiên điều hành định chế đa quốc gia này. Mỹ dọa rút lui khỏi Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Washington chỉ trích WTO luôn nương nhẹ Trung Quốc.
(AFP) - Twitter ẩn tin Donald Trump đe dọa sử dụng « vũ lực » với người biểu tình. 
Như đã cảnh báo hồi cuối tháng Năm, ngày 23/06/2020, mạng xã hội Twitter đã cho ẩn một trong các tweet của ông Donald Trump, trong đó tổng thống Mỹ đe dọa sẽ « sử dụng vũ lực cần thiết » nếu người biểu tình mưu toan thiết lập một « khu tự trị » ở Washington. Mô hình khu vực « không cảnh sát » này đã được lập ra ở Seattle cách đây hai tuần, và những người biểu tình đã vẽ những chữ « BHAZ » (Black House Autonomous Zone – Khu tự trị Nhà Trắng) lên tường nhà thờ Saint John đối diện, nhưng cảnh sát đã nhanh chóng giải tán.
(AFP) - Tennis: Novak Djokovic bị nhiễm virus corona.
Ngày 23/06/2020 cây vợt số 1 thế giới Djokovic cho biết dương tính với siêu vi corona chủng mới và vận động viên khác từng tham gia giải Adria Tour cũng đã bị nhiễm. Vào lúc các cuộc tranh tài đều phải hủy bỏ hay dời lại, Djokovic đã tổ chức cuộc tranh tài ở hai thành phố Beograd và Zadar hồi đầu tháng.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200624-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 24/6:

Tỷ lệ người Úc không tin Trung Quốc tăng cao;

Vụ án bà Mạnh Vãn Châu kéo dài sang năm sau

Lục Du
Sáng nay, thứ Tư (24/6), mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Tỷ lệ người Úc không tin Trung Quốc tăng cao
Hôm thứ Tư, viện Lowy cho cho công bố một khảo sát thường kỳ về thái độ của người Úc đối với thế giới, kết quả cho thấy, không còn nhiều người Úc tin tưởng chính quyền Trung Quốc, theo SBS News.
Chỉ có 23% người Úc được khảo sát tin vào việc “ở mức độ nào đó” chính quyền Trung Quốc hành động có trách nhiệm với thế giới, giảm 52% so với cuộc khảo sát năm 2018.
Trong khi đó, tỷ lệ người được hỏi còn tin tưởng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cư xử đúng đắn với thế giới đã giảm gần một nửa, từ mức 43% vào năm 2018 xuống còn 22% trong cuộc khảo sát lần này.
Cuộc thăm dò của Lowry lấy ý kiến của 2.448 người, được tiến hành vào nửa cuối tháng Ba, có tính đến một số tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán, nhưng khi đó quan hệ thương mại Úc-Trung chưa trở nên căng thẳng như hiện tại. Ngoài ra, khi đó hính quyền Trung Quốc chưa cảnh báo người dân của họ rằng không nên tới Úc vì có thể bị phân biệt đối xử.
Vụ án bà Mạnh Vãn Châu kéo dài sang năm sau
Vụ án dẫn độ Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei, Mạnh Vãn Châu, sẽ kéo dài cho tới ít nhất ngày 30/4 năm sau. Theo SCMP, quyết định này của một tòa án Canada nhiều khả năng sẽ khiến Bắc Kinh tức giận.
Theo lịch biểu cũ, các phiên điều trần đối với trường hợp của bà Châu sẽ kết thúc vào tháng Mười năm nay. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, các tòa án ở Vancouver đã phải đình chỉ hoạt động và khiến vụ án của con gái người sáng lập Huawei kéo dài thêm thời gian.
Vào ngày 1/12/2018, khi đang nối chuyến bay tại Sân bay Quốc tế Vancouver để đến Mexico từ Hồng Kông, bà Châu đã bị chính quyền Canada bắt giữ theo yêu cầu dẫn độ của chính phủ Hoa Kỳ. CFO của Huawei bị Mỹ cáo buộc thực hiện các hành vi sai trái, vi phạm lệnh cấm vận của Washington đối với Iran.
Mỹ đề nghị Bắc Hàn tuân thủ hiệp ước đã ký
Hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Triều Tiên “quay trở lại với hiệp ước” đã ký trong bối cảnh Bắc Hàn tiếp tục có những hành động đe dọa Hàn Quốc, theo Yonhap.
“Chúng tôi vẫn phối hợp chặt chẽ với đồng minh Hàn Quốc và kêu gọi Triều Tiên quay trở lại [tuân thủ] hiệp ước”, một phát ngôn viên giấu tên của Bộ Ngoại giao nói với hãng thông tấn Yonhap.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã kêu gọi Triều Tiên kiềm chế “các hành động phản tác dụng tiếp theo” sau khi Bình Nhưỡng cho phá hủy một văn phòng liên lạc liên Triều vào tuần trước.
Tàu Mỹ áp sát bờ biển Venezuela
Một tàu Hải quân Hoa Kỳ đã áp sát bờ biển Venezuela hôm thứ Ba, một chỉ huy lực lượng Nam Mỹ của Lầu Năm Góc nói rằng đây là “hoạt động tự do hàng hải”. Sự kiện này diễn ra một ngày sau khi một tàu của Iran cập cảng Venezuela, theo Reuters.
Khi Mỹ gia tăng các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ, chính quyền Maduro ở Venezuela ngày càng bị cô lập và mất nguồn thu. Để tìm lối thoát, Tổng thống thiên tả Maduro đã chuyển sang trao đổi nhiên liệu với Iran. Washington nói rằng họ đang cân nhắc các biện pháp đối với các chuyến tàu vận chuyển nhiên liệu giữa hai nước này. Tuy nhiên, Đại sứ quán Iran tại Caracas tuyên bố rằng chuyến tàu của họ cập cảng Venezuela hôm thứ Hai là tàu chở lương thực, không phải chở dầu.
Trong một động thái có liên quan, vào tháng Tư, chính quyền Trump cho biết họ đang triển khai thêm lực lượng quân sự tại vùng biển Caribbean để ngăn chặn các chuyến hàng ma túy bị nghi ngờ có sự chống lưng của chính quyền Maduro.
Động đất mạnh ở Mexico khiến ít nhất 2 người tử vong
Vào sáng thứ Ba đã xảy ra một trận động đất mạnh ở bờ biển phía nam Mexico làm chết ít nhất hai người và có nguy cơ xảy ra sóng thần trên dải bờ biển dọc theo Trung Mỹ, Fox News đưa tin.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết trận động đất có cường độ 7,4 độc richter, xảy ra lúc 11:29 ET, ở vị trí 7 dặm (khoảng hơn 11 km) về phía tây bang Santa María Zapotitlán, Mexico.
Trung Tâm Sóng thần Thái Bình Dương (PTWC) cảnh báo rằng trận động đất có nguy cơ kéo theo sóng thần trong vòng 620 dặm tính từ tâm chấn, dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của các nước Mexico, Guatemala, El Salvador và Honduras.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-24-6-ty-le-nguoi-uc-khong-tin-trung-quoc-tang-cao-vu-an-ba-manh-van-chau-keo-dai-sang-nam-sau.html

Điểm tin thế giới tối 24/6:

Trung Quốc lại đổ lỗi cho Ấn Độ về vụ ẩu đả

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Tư (24/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trung Quốc lại đổ lỗi cho Ấn Độ về vụ ẩu đả
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay tuyên bố, cuộc đụng độ dữ dội ở biên giới Trung – Ấn xảy ra vào đầu tuần trước là lỗi của phía Ấn Độ, trái với quan điểm của New Delhi, theo Reuters.
“Các hành động của phía Ấn Độ đã vi phạm thỏa thuận của hai nước và là sự khiêu khích đơn phương”, Bộ Trung Quốc đăng trên tài khoản truyền thông xã hội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trước đó cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Tuy nhiên, trước đó tờ US News dẫn tin tình báo Hoa Kỳ cho biết, tướng Triệu Tông Kỳ (Zhao Zongqi), tư lệnh Chiến khu miền Tây thuộc quân đội Trung Quốc, đã lệnh cho cấp dưới tấn công lính Ấn Độ để “dạy cho nước này một bài học”.
Triều Tiên hoãn kế hoạch quân sự chống Hàn Quốc
Reuters dẫn tin từ hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết, Bình Nhưỡng quyết định đình chỉ những kế hoạch hành động quân sự chống Hàn Quốc sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jung Un chủ trì cuộc họp trực tuyến với Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên hôm 23/6.
Yonhap đưa tin, quân đội Triều Tiên đã gỡ bỏ khoảng 10 loa tuyên truyền gần khu vực phi quân sự (DMZ) vào hôm nay. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng xác nhận rằng một số trang web tuyên truyền chính thức của Triều Tiên đã gỡ một số bài viết chỉ trích Hàn Quốc.
Hiện chưa rõ tại sao Triều Tiên lại bất ngờ đình chỉ kế hoạch quân sự chống Hàn Quốc như vậy, khi trước đó Bình Nhưỡng có một loạt động thái leo thang căng thẳng với Seoul.
Chuyên gia Anh cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ hai
Các chuyên gia y tế ở Anh hôm nay cảnh báo nguy hiểm từ làn sóng Covid-19 thứ hai trong bối cảnh Thủ tướng Boris Johnson nới lệnh phong tỏa để thúc đẩy nền kinh tế, theo Reuters.
“Tình hình dịch ở Anh trong tương lai rất khó đoán, song bằng chứng có sẵn chỉ ra rằng nguy cơ bùng phát dịch ở địa phương đang tăng và làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ là rủi ro thực sự”, các chuyên gia y tế viết trong lá thư ngỏ được xuất bản trên Tạp chí Y học Anh.
Bức thư có chữ ký của các chuyên gia y tế hàng đầu như chủ tịch Đại học Giải phẫu Hoàng gia Derek Alderson, chủ tịch Đại học Y Bác sĩ Hoàng gia Andrew Goddard và chủ tịch Đại học Cấp cứu Y khoa Hoàng gia Katherine Henderson.
“Nhiều yếu tố về cơ sở hạ tầng cần thiết để kiểm soát virus bắt đầu được thực hiện, nhưng vẫn còn đó những thách thức đáng kể”, các chuyên gia viết.
Các chuyên gia cũng kêu gọi chính quyền “tập trung vào những khu vực yếu kém” để ngăn làn sóng dịch thứ hai, hạn chế mất mát và khôi phục kinh tế nhanh nhất có thể.
Iran tuyên bố sẽ đàm phán nếu Mỹ xin lỗi
Hãng tin Reuters cho biết, Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm nay tuyên bố, nước này sẽ sẵn sàng đàm phán với Mỹ nếu Washington xin lỗi vì đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và bồi thường cho Tehran.
Iran nhiều lần từ chối lời đề nghị đàm phán của Mỹ nếu Washington không đáp ứng điều kiện mà Tehran đặt ra. Tổng thống Rouhani hôm nay tuyên bố rằng lời kêu gọi đàm phán từ Washington chỉ là “nói suông” và “dối trá”.
Căng thẳng giữa hai quốc gia leo thang kể từ khi Tổng thống Donald Trump vào năm 2018 rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, được ký vào năm 2015. Washington đã áp nhiều lệnh trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế của quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Honduras phải thở oxy
Reuters hôm nay đưa tin, bác sĩ quân y hôm 23/6 nói rằng Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez phải thở oxy sau khi nhập viện tuần trước vì Covid-19.
Bác sĩ, trung tá Juan Diaz cho hay tình hình sức khỏe của Tổng thống vẫn ổn nhưng xen kẽ là các triệu chứng sốt, khó thở. “Đã có một sự cải thiện rõ ràng”, ông Diaz nói.
Ông Diaz cho biết thêm, sau khi Tổng thống ho, khó thở và có các dấu hiệu viêm nhiễm, các bác sĩ tại bệnh viện đã điều chỉnh thuốc cho ông, áp dụng cả thở oxy, song hiện chưa rõ ông Hernandez có tiếp tục thở oxy hay không.
Bác sĩ cũng cảnh báo ông Hernandez vẫn đang ở trong tình trạng “nhạy cảm” về sức khỏe và cần tiếp tục điều trị.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-24-6-trung-quoc-lai-do-loi-cho-an-do-ve-vu-au-da.html

Tạp chí xã hội

Covid-19 : Cuộc chạy đua

nhằm bảo đảm nguồn cung cấp vac–xin

Thanh Phương
Song song với cuộc chạy đua giữa các tập đoàn dược phẩm để tìm ra vac-xin ngừa Covid-19, một cuộc chạy đua khác cũng đang diễn ra ráo riết không kém giữa các quốc gia nhằm bảo đảm nguồn cung cấp một khi chế tạo được vac-xin.
Hơn 10 vac-xin được thử nghiệm lâm sàng
Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến nay, có 11 vac-xin ngừa Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng, 126 vac-xin khác đang trong giai đoạn tiền lâm sàng ( thử nghiệm trên súc vật ). Hiện giờ chưa thể biết dự án nào tiến triển nhanh hơn hết, nhưng một số tập đoàn đang quảng cáo rầm rộ cho sản phẩm tương lai của họ, chẳng hạn như tập đoàn Moderna của Mỹ khẳng định là đến tháng 7, vac-xin thử nghiệm của họ sẽ bước vào giai đoạn 3, tức là giai đoạn chót.
Tập đoàn dược phẩm Anh Quốc AstraZeneca cùng với đại học Oxford đang cùng nhau nghiên cứu chế tạo một loại vac-xin, sẽ được thử nghiệm trên 50.000 người tình nguyện. Tập đoàn này khẳng định là đến mùa thu năm nay sẽ biết được công hiệu của vac-xin. Các thử nghiệm hiện đang được tiến hành ở Anh Quốc và Brazil, nay đã trở thành tâm chấn của đại dịch Covid-19.
Tập đoàn Mỹ Johnson & Johnson cũng lạc quan không kém, khẳng định là họ có thể cung cấp một tỷ liều vac-xin năm tới. Ấy là chưa kể tập đoàn Sanofi của Pháp, hiện đang phát triển hai loại vac-xin, mà sắp tới đây sẽ bắt đầu được thử nghiệm tiền lâm sàng. Vac-xin thứ nhất, hợp tác chế tạo với tập đoàn Anh GSK, có thể được sử dụng rộng rãi trong vòng 18 tháng tới. Vac-xin thứ hai thì Sanofi dự trù sẽ cung cấp với quy mô lớn vào cuối năm 2021.
Nếu đúng như thế thì có thể nói đây là lần đầu tiên mà ngành dược phẩm có thể tung ra thị trường một vac-xin nhanh chóng như thế. Theo giải thích của kinh tế gia chuyên về ngành y tế Nathalie Coutinet, được hãng tin AFP trích dẫn, lý do thứ nhất là các nhà khoa học nay đã nắm được nhiều kiến thức qua các đợt dịch SARS và MERS, tức là những dịch bệnh cũng do virus corona gây ra. Thứ hai là lần này các nguồn tài trợ rất dồi dào. Theo dự báo của các chuyên gia thuộc ngân hàng đầu tư UBS, với một sự huy động như vậy, rất có thể sẽ có nhiều vac-xin được tung ra thị trường cùng một lúc, và như vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu rất lớn.
Nhưng liệu các tập đoàn dược phẩm có thể đi nhanh như thế hay không ? Trả lời RFI Pháp ngữ ngày 09/06/2020, Giáo sư Frédéric Tangy, giám đốc Phòng thí nghiệm vac-xin của Viện Pasteur, nhắc lại những giai đoạn của việc nghiên cứu chế tạo một vac-xin mới :
« Bình thường, việc sản xuất một vac-xin mới có thể mất từ 8 đến 15 năm, dĩ nhiên là ngoại trừ vac-xin ngừa cúm, mỗi năm hoặc mỗi hai năm phải được chế tạo lại, nhưng đó là vẫn là cùng một sản phẩm, được làm với cùng một cách thức. Khởi đầu nghiên cứu chế tạo một vac-xin mới từ con số không để ngừa một bệnh mới sẽ mất một thời gian dài như thế, thậm chí dài hơn. Nên nhớ rằng đã hơn 30 năm rồi người ta vẫn chưa tìm ra virus ngừa SIDA.
Giai đoạn thứ nhất là nghiên cứu học thuật và y học, tức là tìm hiểu về căn bệnh, để xem bệnh đã lây từ người sang người như thế nào, những ai đã bị bệnh và những ai đã chống được bệnh, để hiểu thêm về hệ miễn dịch của những người không có triệu chứng và đã cưỡng lại được căn bệnh. Giai đoạn thứ hai của nghiên cứu là thiết kế một sản phẩm dễ được sản xuất, có thể được sản xuất đại trà và với chi phí thấp, để có thể đến tay mọi người. Một khi đã đề ra một tiến trình sản xuất công nghiệp, với sản lượng có thể lên tới hàng trăm triệu liều, người ta tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng để chứng minh hiệu quả của vac-xin trên người.
Nhưng chúng ta chỉ có thể thử nghiệm lâm sàng một sản phẩm trước đó đã chứng minh hiệu quả trên súc vật. Đó là một quy tắc về đạo lý : chúng ta không thể thử nghiệm một sản phẩm trên người nếu chúng ta không có những lập luận vững chắc rằng sản phẩm này sẽ có hiệu quả trên người. Ngoài ra chúng ta còn phải thử nghiệm tính độc hại, hay đúng hơn là tính không độc hại, của sản phẩm trên súc vật, đó cũng là một quy tắc về đạo đức. Sau đó chúng ta mới thử nghiệm trên người, với sự tham gia của những người tình nguyện, theo ba giai đoạn 1, 2 và 3.
Đốt cháy giai đoạn có nghĩa là chế tạo một vac-xin chỉ trong vòng 6 tháng, 9 tháng, một năm. Nhiều công ty đã bỏ qua giai đoạn thử nghiệm trên súc vật, hoặc thử nghiệm rất ít trên súc vật, không lập đi lập lại đủ các thí nghiệm. Dĩ nhiên có điểm tích cực là chúng ta sẽ có vac-xin một cách khá nhanh chóng , nhưng có nguy cơ, điều đang làm tôi rất lo ngại, đó là chúng ta sẽ có một vac-xin với những tác dụng phụ nghiêm trọng, vì đã không được thử nghiệm đàng hoàng, trong khi chúng ta đang trong thời kỳ mà nhiều người không mấy tin tưởng vào vac-xin.  Điều này sẽ rất tai hại cho người dân và cho các loại vac-xin khác, tối cần thiết, như vac-xin ngừa bệnh sởi hay ngừa sốt vàng da. »
Nguy cơ thiếu lọ đựng vac-xin 
Nhưng các liều vac-xin đó sẽ được đựng trong các lọ thủy tinh và cung cấp đủ các lọ vac-xin này cho tất cả mọi người là cả một bài toán nan giải. Ngay chính tổng giám đốc của AstraZeneca, Pascal Soriot, cũng thừa nhận đây là một vấn đề hóc búa. Tập đoàn của ông, cũng như các tập đoàn khác, đang dự trù khả năng chứa nhiều liều vac-xin trong cùng một lọ. Các tập đoàn lớn cũng cho biết đã bắt đầu điều chỉnh các dây chuyền sản xuất của họ để có thể sản xuất các lọ vac-xin này. Nếu cần, họ cũng có thể nhờ đến các công ty gia công. SGD Pharma, một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về lọ thủy tin cho ngành dược phẩm, đã bảo đảm là họ sẽ làm hết mình để tránh trường hợp khan hiếm lọ thuốc.
Bảo đảm nguồn cung cấp
Để bảo đảm nguồn cung cấp vac-xin, các chính phủ tham gia tài trợ cho việc nghiên cứu chế tạo hoặc đăt mua trước, thường là đặt mua từ nhiều tập đoàn khác nhau. Những hợp đồng này giúp hạn chế các rủi ro cho các công ty, vì nếu có thất bại, họ không phải một mình gánh chịu thiệt hại tài chính, và các chính phủ cũng yên tâm vì đã nắm trong tay các nguồn cung cấp vac-xin tương lai.
Tại Hoa Kỳ, chính phủ đã thiết lập một đối tác công-tư, mang tên “Operation Warp Speed”, với mục tiêu bảo đảm đủ vac-xin cho dân Mỹ từ đây đến năm 2021, thông qua việc tài trợ và hỗ trợ các tập đoàn dược phẩm. Chính vì tập đoàn Pháp Sanofi đã nhận được 30 triệu đôla tài trợ từ chính quyền Hoa Kỳ, mà tổng giám đốc Paul Hudson từng nêu lên khả năng ưu tiên giao vac-xin cho dân Mỹ, một tuyên bố đã gây tranh cãi sôi nổi ở Pháp.
Tại châu Âu cũng vậy, các chính phủ đang tìm cách bảo đảm nguồn cung cấp vac-xin. Đó chính là mục tiêu của hiệp định vừa được ký kết giữa tập đoàn AstraZeneca với bốn nước Pháp, Đức, Hà Lan và Ý. Theo hiệp định này, toàn bộ các nước Liên Hiệp Châu Âu, cũng như các quốc gia châu Âu tình nguyện khác, có thể nhận được tổng cộng đến 400 triệu liều vac-xin của AstraZeneca. Bốn nước nói trên đã trả trước 750 triệu euro cho 300 triệu liều mà AstraZeneca bảo đảm là sẽ cung cấp trước cuối năm nay. Số vac-xin này sẽ được phân chia cho các nước tùy theo dân số. Các nước châu Âu cũng đang thương lượng với những tập đoàn dược phẩm khác để tăng thêm khả năng nhanh chóng có được một vac-xin với số lượng đủ và với giá rẻ nhất.
Riêng tại Đức, nhà nước sẽ đầu tư 300 triệu euro để trở thành cổ đông của tập đoàn CureVac nhằm tránh cho tập đoàn này lọt vào tay nước ngoài, nhất là vao tay Mỹ, vì CureVac hiện đã tiến rất xa trên con đường chế tạo vac-xin ngừa Covid-19. Mục tiêu tối hậu vẫn là bảo đảm nguồn cung cấp vac-xin tương lai cho dân Đức.
Tại Pháp, tập đoàn Sanofi vào giữa tháng 6 đã thông báo sẽ đầu tư 610 triệu euro để lập thêm hai trung tâm nghiên cứu và sản xuất vac-xin, để tăng cường khả năng hiện có. Khi đến thăm một cơ sở sản xuất của Sanofi ngày 16/06, tổng thống Pháp Macron đã loan báo tháo khoán 200 triệu euro để hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu và sản xuất thuốc điều trị và vac-xin, nhất là vac-xin ngừa Covid-19.
Ngoài châu Âu, AstraZeneca cũng đang thảo luận với các nước Nhật Bản, Nga, Brazil và Trung Quốc về các hợp đồng cung cấp vac-xin của tập đoàn này.
Giá một vac-xin là bao nhiêu ?
Không chỉ bảo đảm cung cấp cho các nước châu Âu, tập đoàn AstraZeneca còn cam kết là sẽ không kiếm lời trên vac-xin này, theo tuyên bố chủ tịch đặc trách nước Pháp của tập đoàn Olivier Nataf trên đài truyền hình franceinfo. Ông Nataf còn nói rõ là giá một liều vac-xin của AstraZeneca sẽ là khoảng 2 euro.
Hiện giờ, do áp lực quốc tế, các tập đoàn dược phẩm khó mà bán vac-xin với giá quá cao, nhưng các chuyên gia của ngân hàng UBS dự báo, nếu thế giới phải cần đến vac-xin ngừa Covid-19 một cách thường xuyên, chắc chắc là các tập đoàn sẽ không thể tiếp tục bán vac-xin với giá « hữu nghị » nữa.
Đối với các nước đang phát triển, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres vào đầu tháng 6 đã cho rằng vac-xin tương lai sẽ phải được xem như là « tài sản chung » của thế giới, phải đến được với mọi người, trên nguyên tắc tương trợ giữa các nước giàu với các nước nghèo. Về vấn đề này, giáo sư Tangy nêu ý kiến của ông :
« Tiếp cận vac-xin là một trong những quyền căn bản của con người. Kể từ khi tiêu diệt được bệnh đậu mùa vào thập niên 1960, thế giới đã cam kết là sẽ cung cấp những vac-xin công hiệu cho toàn thể người dân. Đó là điều tối thiểu, vì chúng ta không thể để cho trẻ em ở nước bên này không được bảo vệ, trong khi bước qua bên kia biên giới, trẻ em được chích ngừa đàng hoàng.
Vấn đề này đang được đặt lại ngày nay. Tôi nói trở lại về Covid-19. Các công nghệ được phát triển hiện nay không thể nào bảo đảm điều đó. Những sản phẩm được chế tạo theo các công nghệ rất tiên tiến ở các nước Âu Mỹ đòi hỏi được bảo quản trong môi trường rất lạnh, tức là -80°C. Ngay cả tại Paris, không phải bệnh viện nào cũng có tủ lạnh với nhiệt độ -80°C. Đó là những vac-xin được chế tạo cho những nước rất giàu, nơi mà người ta có thể bỏ ra 100, 250, thậm chí 500 đôla cho một liều vac-xin, rồi sau đó sẽ được hệ thống bảo hiểm y tế hoàn trả. Và như vậy là một phần của thế giới sẽ bị gạt sang một bên.
 Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh là tại Viện Pasteur, chúng tôi làm ngược lại. Cũng như các loại vac-xin khác, loại vac-xin ngừa Covid-19 mà chúng tôi đang phát triển là dựa trên vac-xin ngừa bệnh sởi, loại vac-xin đang được sản xuất trên toàn thế giới, rẻ tiền và ai cũng có thể tiếp cận thông qua các chương trình chích ngừa mở rộng của Tổ chức Y tế Thế giới »
Ngày 17/06 vừa qua, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi góp chung các nguồn lực ở châu Âu và trên thế giới để giúp phát triển các vac-xin tương lai và đặt mua trước các vac-xin này.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200624-covid-19-cu%E1%BB%99c-ch%E1%BA%A1y-%C4%91ua-nh%E1%BA%B1m-b%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BA%A3m-ngu%E1%BB%93n-cung-c%E1%BA%A5p-vac-%E2%80%93xin

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.