Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 31/05/2020

Sunday, May 31, 2020 7:40:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 31/05/2020

Việt Nam: Mở đường bay quốc tế ‘còn là dấu chấm hỏi’

Việt Nam xác định thúc đẩy hàng không nội địa nhưng nói việc đón khách quốc tế mới đem đến hy vọng phục hồi ngành hàng không.
Thông điệp này được một số diễn giả đưa ra tại một hội nghị bàn về thực trạng và các biện pháp khắc phục cho ngành hàng không của Việt Nam thời hậu Covid-19.
Gói hỗ trợ của Việt Nam và các nước hiệu quả đến đâu?
Công ty Việt Nam cắt giảm hàng ngàn công nhân vì Covid-19
Virus corona: Suy thoái kinh tế sẽ theo mô hình nào?
Hội nghị được nghe trình bày của đại diện Cục Hàng không Việt Nam thông báo tình hình khôi phục các chuyến bay nội địa đã đạt được “trên 50% công suất” so với số liệu trước thời xảy ra Covid-19.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, được dẫn lời nói tại hội nghị hôm 30/05 tại Quy Nhơn rằng quan điểm của Cục là “tạo điều kiện tối đa cho các hãng hàng không, trừ trường hợp hạn chế về cơ sở hạ tầng”.
“Chúng ta còn nhiều khó khăn. Chúng ta mong chờ thị trường mở cửa đón khách quốc tế thì mới có hy vọng phục hồi,” ông Cường nói thêm.
Tiến sỹ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cũng chia sẻ quan điểm này.
Ông Lịch mô tả “hiện tại việc mở đường bay quốc tế vẫn còn là dấu chấm hỏi và vì vậy chúng ta nên thúc đẩy hàng không nội địa”.
“Ngành hàng không tác động rất lớn tới ngành kinh tế và nhiều hãng hàng không Việt trụ được cho tới bây giờ là rất giỏi. Tôi hy vọng tình cảnh của ngành hàng không [của các hãng Việt Nam] sẽ chỉ như cái cây thiếu nước nhưng bộ rễ vẫn tốt, chỉ cần có một cơn mưa là có thể đâm chồi nảy lộc.”
Hội nghị cũng nghe phần trình bày của đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Vietnam).
“Mỗi tháng trôi qua mà không có khách du lịch từ nước ngoài sẽ không chỉ làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, mà sẽ còn làm thiệt hại đến tình hình nhân sự và thu nhập của hàng triệu người dân trên cả nước,” ông Adam Sitkoff, Giám đốc Amcham Vietnam, nói.
“COVID-19 và nhu cầu hoạt động kinh tế là không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, quyết định của những nhà lãnh đạo chính phủ về thời điểm mở cửa trở lại, cũng như về cách kích cầu những lĩnh vực quan trọng như vận tải hàng không, du lịch, khách sạn; chính là những quyết định khó khăn nhất mà mọi người phải đối mặt trong thời gian sắp tới.”
“Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ luôn sát cánh với người dân Việt Nam và chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ cộng đồng cũng như đảm bảo rằng những cơ hội mới cho tương lai sẽ được hiện thực hóa.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52869522

Nghi can chính trong thảm kịch xe chở

39 di dân Việt Nam vượt biên vào Anh Quốc

bị bắt giữ tại Đức

Một số nguồn tin thông báo với AFP rằng một nhân vật chủ chốt bị tình nghi trong đường dây buôn người đã bị bắt ở Đức liên quan đến vụ án 39 di dân Việt Nam thiệt mạng trong một chiếc xe vận tải đông lạnh ở Anh Quốc hồi năm ngoái.
Vào hôm thứ ba (26 tháng 5), 26 nghi can khác bị bắt tại khu vực Paris và ở Bỉ trong một cuộc đột kích phối hợp của cảnh sát. Hồi tháng 10/2019, 39 di dân – gồm 31 người đàn ông và tám phụ nữ – được phát hiện thiệt mạng trong chiếc xe vận tải ở một khu công nghiệp phía đông Luân Đôn. Tài xế xe vận tải đã nhận tội ngộ sát về các vụ tử vong này, nhưng các vụ bắt giữ vào hôm thứ ba nhắm vào đường dây buôn lậu của những nghi can tổ chức chuyến đi cho các di dân.
Các nguồn tin cho biết nghi can bị bắt tại khu vực Upper Rhine của Đức là một người đàn ông 29 tuổi có biệt danh “Theo Bald Duke”. Hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về quốc tịch của người đàn ông này. Theo các công tố viên Bỉ, một thẩm phán ở Bruges đã buộc tội buôn người đối với 11 người trong số 13 nghi can bị bắt đồng thời ở Bỉ; nhóm này là các thành viên của một tổ chức tội phạm và lừa đảo.
Theo một nguồn tin điều tra, hầu hết những người bị bắt ở Pháp cũng là người Việt Nam. Cuộc điều tra phát hiện ra rằng những di dân thiệt mạng được đưa lên xe vận tải ở miền bắc nước Pháp, và mạng lưới này vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả sau thảm kịch, thu lệ phí 15,000 đến 20,000 euro để vượt biên từ Pháp sang Anh Quốc. (BBT)
https://www.sbtn.tv/nghi-can-chinh-trong-tham-kich-xe-cho-di-39-dan-viet-nam-vuot-bien-vao-anh-quoc-bi-bat-giu-tai-duc/

Bức thư của binh sĩ Hoa Kỳ từ Việt Nam

được gửi đến người nhận sau 52 năm

Vào ngày 29 tháng 5, một phụ nữ ở  tiểu bang Indiana cho biết bà rất ngạc nhiên khi một lá thư mà anh của bà gửi khi nhập ngũ trong thời Chiến tranh Việt Nam cuối cùng được chuyển đến tay bà sau 52 năm.
Theo tin từ UPI, bà Janice Tucker cho biết một phong bì có dấu bưu điện ngày 10 tháng 5 năm 2020 được gởi đến nhà bà ở North Vernon vào tuần trước, và bà ngạc nhiên khi phát hiện ra nó có chứa một lá thư mà anh bà, ông William Lone, gửi cho bà khi ông đang đi lính tại Việt Nam vào năm 1968.
Ông Lone cho biết rằng ông nhớ cá nhân ông  từng đặt bức thư vào một phong bì, dán một con tem 5 xu và đưa nó cho một người lính khác để gửi cho em gái của ông tại nhà của gia đình vào thời đó ở Floyds Knobs, Indiana.
Bà Tucker cho biết bức thư không nằm trong phong bì gốc khi nó đến nhà bà, cho thấy có người phát hiện nó và tìm ra bà tại địa chỉ hiện tại. Bà cho biết rằng phong bì không chứa nhiều manh mối về hành trình dài của bức thư.
Bà Tucker cho biết bà đang hy vọng sẽ tìm ra người gửi bức thư đến nhà bà, để bà có thể cảm ơn họ và tìm hiểu chuyện gì xảy ra với bức thư giữa thời gian được gửi vào năm 1968 và khi bà nhận được thư vào tuần trước. (BBT)
https://www.sbtn.tv/buc-thu-cua-binh-si-hoa-ky-tu-viet-nam-duoc-gui-den-nguoi-nhan-sau-52-nam/

Hoa Kỳ là quốc gia nhập cảng

hàng Việt Nam nhiều nhất trong 5 tháng đại dịch

Tin Vietnam.- Báo Người lao động ngày 30 tháng 5 năm 2020 loan tin, trong 5 tháng đầu năm 2020, dù Hoa Kỳ là quốc gia đang chịu nhiều thiệt hại về nhân mạng nhất do dịch coronavirus 19 nhưng vẫn trở thành quốc gia đứng đầu nhập cảng hàng hoá Việt Nam.
Theo dữ kiện của cơ quan Thống kê Cộng sản Việt Nam, số lượng hàng hoá mà Hoa Kỳ nhập cảng của Việt Nam trong 5 tháng qua đạt 24.6 tỷ Mỹ kim, tăng 8.2% so với cùng thời kỳ. Đứng thứ 2 là Trung Cộng với số tiền xuất cảng thu về là 16.3 tỷ Mỹ kim; và tiếp theo là Nhật Bản đạt 8.1 tỷ Mỹ kim.
Các loại hàng hoá mà Việt Nam xuất cảng nhiều nhất, chiếm 82% tổng số tiền thu về gồm: điện thoại, linh kiện, điện tử, máy tính, hàng dệt may, máy móc thiết bị, giày dép. Hầu hết đều là hàng hoá của các công ty ngoại quốc đặt tại Việt Nam, Vì vậy, dù là hàng hoá xuất cảng từ Việt Nam nhưng nó lại là của người ngoại quốc.
Ngược lại về thị trường xuất cảng, thì thị trường nhập cảng hàng hoá lớn nhất của nhà cầm quyền Việt Nam đến từ Trung Cộng, với số tiền 28.9 tỷ Mỹ kim. Ngoài ra, mặc dù Việt Nam đã hết thời gian cách ly xã hội, người dân đã trở về với cuộc sống bình thường nhưng doanh thu từ ngành du lịch vẫn giảm 87.8% so với cùng thời kỳ.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-la-quoc-gia-nhap-cang-hang-viet-nam-nhieu-nhat-trong-5-thang-dai-dich/

Người Việt và virus corona tại Nga

Giới chức Moscow mới đây công bố con số chính thức tử vong do Covid-19 tại thành phố cao hơn gấp đôi trong tháng này so với tháng trước.
Cơ quan y tế Moscow nói số người chết tính đến 28/5 đã là 1.561, chứ không phải là 639 như công bố ban đầu.
Covid-19 làm sống lại thuyết ‘Liên Xô bất tử’?
Covid-19: Thêm bác sĩ ‘ngã cửa sổ’ và số ca nhiễm tăng mạnh ở Nga
Người Việt ở Berlin: ‘Tôi mong sớm hết đại dịch Covid-19 vì…’
Du học sinh Việt ở Daegu, Hàn Quốc và mối lo ‘ở hay về’
Các phóng viên đóng tại Moscow nói số liệu chính thức là quá thấp so với thực tế, nhưng họ bị cáo buộc là nêu tin giả và bóp méo sự thực.
Tính trên toàn quốc, Nga có lượng người nhiễm Covid-19 cao thứ ba trên thế giới, với trên 400 ngàn ca dương tính và 4693 ca tử vong tính đến 31/5.
BBC News Tiếng Việt hỏi chuyện bà Lan Hương, một người đã sống tại Moscow từ cuối thập niên 1980 tới nay, về tình hình dịch bệnh trong cộng đồng người Việt, được cho là hiện có khoảng 100 ngàn người đang sinh sống tại Nga.
Bà Lan Hương: Người Việt đa phần sinh sống nhờ buôn bán hàng tại các chợ, đặc biệt ở Moscow.
Người Việt buôn bán tại chợ đầu mối bán buôn là chợ Liu (tên chính thức là chợ Moskow) và chợ Chim (tên chính thức là chợ Sadovod), nghĩa là nơi tập trung rất đông người qua lại, sự tiếp xúc gần là không tránh khỏi.
Người Việt lại có thói quen sinh sống tại các khu tập thể, các ký túc xá cũng nhau.
Chính vì hai điều này nên khi có dịch bùng phát ở Nga và Moscow trở thành tâm diểm của dich Covid-19 thì người Việt cũng bị lây nhiễm rất nhiều, có thể nói tỷ lệ bị nhiễm so với dân Nga còn cao hơn rất nhiều.
Ở Nga không đưa ra thống kê về số lượng người nước ngoài ở Nga bị nhiễm như thế nào nên không ai có số lượng người Việt chính xác bị nhiễm bao nhiêu, nhưng theo con số mà các nhóm hỗ trợ nhận được thì đã có ít nhất trên 500 người bị nhiễm và đã có trên 20 người bị thiệt mạng vì con virus này.
Người trẻ nhất sinh năm 1982, còn chủ yếu là khoảng từ 50 đến 64 tuổi. Nghĩa là không phải độ tuổi đã quá già yếu như các nước khác.
BBC News Tiếng Việt: Các trường hợp mắc bệnh thường do lây nhiễm từ đâu? Có ai về Việt Nam để “trốn dịch’ hay không? Việc chữa trị tại Nga thế nào?
Bà Lan Hương: Đa phần các gia đình người Việt bị nhiễm đều có tiếp xúc gần và đa dạng với cộng đồng người Việt: bán hàng tại các chợ, làm taxi cho người Việt ở chợ, làm dịch vụ đưa thực phẩm cho người Việt, làm bác sỹ khám cho bà con, làm dịch vụ giấy tờ, hay đơn giản là sống trong các khu chung cư có đông người Việt sinh sống.
Trước khi dịch bùng phát ở Nga, hồi cuối tháng Ba, thì người Việt không chạy về Việt Nam tránh dịch, mà ngược lại chạy từ Việt Nam sang Nga, vì ai cũng nghĩ khả năng bùng dịch ở Việt Nam cao hơn ở Nga.
Sau khi dịch bắt đầu lan rộng ở Nga thì người ta lại không thể bay về Việt Nam được nữa.
Hôm 12/5, hãng hàng không Vietnam Airline đã có chuyến bay đầu tiên để đưa người Việt từ Nga về Việt Nam tránh dịch.
Mặc dù gọi là chuyến bay nhân đạo, nhưng thực ra bà con vẫn phải mua vé.
Giá vé đưa ra ban đầu là 1300 đô la Mỹ, dành cho các trường hợp ưu tiên: trẻ con, phụ nữ mang bầu, người già và mọi người sẽ phải ngồi giãn cách trên máy bay, nên chỉ dự tính nhận 200 hành khách thôi.
Nhưng rồi số lượng hành khách đã lên đến 345 người, mà nhìn qua thì chủ yếu lại toàn là thanh niên chứ không phải cụ già và trẻ em.
Có một số người nói tổng chi phí cho chuyến bay này của họ lên đến gần 5000 đô la chứ không phải chỉ là 1300 tiền vé.
Dù xung quanh chuyến bay sơ tán này có nhiều bức xúc của bà con về nhiều điều, nhưng dù sao cũng phải nói rằng những ai được trở về trên chuyến bay đó đều rất vui mừng và hạnh phúc vì được thoát khỏi vùng dịch và được trở về với gia đình, được trở về chữa bệnh tại Việt Nam, vì trên chuyến bay này có hơn 20 người bị nhiễm virus.
Và cũng phải cám ơn rất nhiều người đã cố gắng để tổ chức chuyến bay, để bay trên chuyến bay đầy nguy hiểm này, để lo cho chuyến bay này được an toàn.
Công nhân một nhà máy may người Việt ở Nga đã làm ngày làm đêm để may bộ đồ bảo hộ tặng cho tất cả mọi người trên chuyến bay này miễn phí.
Những ai bị ốm ở Nga được chữa trị miễn phí như người Nga.
Có mấy người Việt bị nhiễm virus phải nhập viện cho biết, họ cũng được đối xử bình đẳng như các bệnh nhân khác, nằm cùng phòng với các bệnh nhân Nga, nhận sự chăm sóc, chữa trị và thuốc men như người Nga.
Thế nên mặc dù nằm giữa tâm dịch nhưng tình hình của người Việt ở Moskow cũng không đến nỗi căng thẳng, khó khăn như các tâm dịch khác.
BBC News Tiếng Việt:Các báo Nga và châu Âu đăng tin về con số tăng hàng ngày ở Liên bang Nga và một số vụ chết của bác sĩ trong bệnh viện chữa bệnh nhân Covid-19, tâm lý người Việt tại Nga ra sao trước các tin đó?
Bà Lan Hương: Lúc đầu, khi dịch mới bùng phát cuối tháng Ba và đầu tháng Tư, mỗi ngày nghe số lượng ca nhiễm tang vụt, nghe tin người Việt ở chỗ này, chỗ kia bị nhiễm, rồi ngày nào cũng nghe một ai đó tử vong, cộng đồng người Việt cũng khá căng thẳng. Suốt ngày người ta chỉ trao đổi với nhau về bệnh dịch.
Nhưng rồi con người ta cũng quen dần với hoàn cảnh, và đặc biệt là số lượng người bị tử vong ở Nga không tăng vọt, người bị nhiễm nặng có đủ chỗ để nhập viện và nhận sự chăm sóc y tế, người Việt bị ốm được nhập viện và chữa trị bình thường, nên dần dần cộng đồng người Việt cũng yên tâm, không còn lo lắng nữa.
Các nhóm hỗ trợ bệnh nhân và người có hoàn cảnh khó khăn được mở ra để giúp đỡ bà con, thậm chí còn giúp đỡ cả người Nga nữa, nên cộng đồng người Việt ở Nga lần đầu tiên cảm thấy mình có bà con, có tình dân tộc, và cảm thấy gắn bó và yêu thương nhau hơn.
Người Việt ‘không được chính phủ Nga trợ cấp’ và gặp khó khăn
BBC News Tiếng Việt:Người Việt bị ảnh hưởng ra sao trước lệnh giãn cách xã hội, cách ly của Moscow? Việc buôn bán, sinh hoạt, học hành nay thế nào? Có bị kỳ thị hay không? Có bị nhầm là người Trung Quốc hay không?
Bà Lan Hương: Người Việt sinh sống chủ yếu dựa vào các chợ, và trung tâm thương mại, nên khi cả thành phố phải đóng cửa và thực hiện giãn cách xã hội thì có thể nói, đến 90% bà con người Việt bị mất việc làm, không có thu nhập.
Người Việt cũng không được nhận bất cứ sự trợ cấp nào của chính phủ Nga, nên những ai không có tích lũy thì sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn vô cùng trong thời gian qua.
Nhiều người không có tiền để trả tiền thuê nhà, nhiều người không có cả tiền ăn, tiền mua thuốc.
Trong thời gian tới, số lượng người gặp khó khăn chắc chắn sẽ còn tăng thêm vì dù có mở cửa bán hàng nhưng người Nga đã trở nên nghèo hơn rất nhiều nên sức mua hàng trong thời gian tới sẽ giảm đi đáng kể và như vậy nghĩa là công việc của bà con người Việt cũng sẽ giảm sút và gặp khó khăn.
BBC News Tiếng Việt: Đường bay Nga và VN vẫn hoạt động?
Bà Lan Hương: Hiện nay giữa Nga và Việt Nam không còn các chuyến bay thường xuyên nào nữa.
Theo kế hoạch, Nga sẽ bắt đầu bay lại từ 15/7, còn hàng không của Việt Nam có thể còn tiếp tục dừng đến tận tháng Chín hay tháng Mười.
Vừa rồi có tin chính phủ Nga bắt các hãng máy bay chỉ được bán một nửa số vé để hành khách ngồi cách xa nhau trên máy bay.
Nhưng ngay sau đó, các hãng máy bay đã kháng nghị xin hủy bỏ quy định này, nếu không giá vé máy bay sẽ quá đắt và không ai có đủ khả năng để bay nữa.
Tuy đến nay chưa thấy chính phủ phê chuẩn, nhưng người ta đoán rằng, đến khi các chuyến bay phục hồi thì chính phủ sẽ hủy bỏ quy định này, cũng như họ cũng vừa cho phép ngành đường sắt được bán vé như bình thường, chứ không phải giảm một nửa số vé như trước đây nữa.
Lúc đầu, khi dịch vừa bùng phát hồi tháng Hai thì người Trung Quốc bị kỳ thị thực sự, thậm chí các lái xe taxi bắt phải mở hộ chiếu để chứng mình họ không phải là người Trung Quốc mới cho lên xe.
Nhưng bây giờ thì ai cũng có thể bị nhiễm bệnh, và người Nga bị nhiễm còn nhiều hơn người Việt hay Trung Quốc, nên tâm lý kỳ thị Âu, Á, đã không còn nữa.
Giờ thì ai cũng phải cảnh giác và cẫn thận để bảo vệ mình, ai cũng phải đeo khẩu trang và găng tay để bảo đảm an toàn cho mọi người xung quanh.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52837871

Nhờ ơn Bộ Nông nghiệp,

dân Việt Nam được uống sinh tố thịt gà

Thiên Nhân
Chỉ mới cách đây ba năm, sự kiện giá thịt heo giảm kỷ lục trong vòng 10 năm được xếp thứ ba trong 10 sự kiện hàng hóa nổi bật năm 2017, do báo Người đồng hành thực hiện.
Thịt heo giảm thấp tới mức đích thân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi đến cơ sở để kêu gọi doanh nghiệp ủng hộ người chăn nuôi bằng cách tăng khẩu phần thịt heo trong bữa ăn của cán bộ công nhân viên.
Khắp nơi giăng biển “Giải cứu thịt heo”, với đủ các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ như mua thịt heo tặng người thân, vài nhà rủ nhau mổ chung một con heo. Thịt heo ế tới nỗi người chăn nuôi xót quá bèn tự mổ rồi bày đầy ra vỉa hè tự bán.
Rồi chỉ hơn hai năm sau, vào giữa 2019, do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi khiến đàn heo giảm số lượng, thịt heo tăng giá kịch liệt đến nỗi kéo theo nó cả một nền văn hóa châm biếm đủ các thể loại. Thời điểm đó mạng xã hội tràn ngập các bức ảnh chế như mâm chạm ngõ của nhà trai không “thèm” bày tiền hay vàng mà chất đầy thịt heo; các anh tán gái không khoe giàu hay gia thế đồ sộ mà khoe nhà anh hôm nào cũng ăn thịt heo; thậm chí lấy miếng thịt heo quấn thành chiếc nhẫn cưới là đủ.
Cuộc tăng giá thịt heo kéo dài đến tận bây giờ, là giữa năm 2020.
Từ đầu tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tiếp ra hết chỉ thị nọ đến mệnh lệnh kia yêu cầu phải giảm giá thịt heo, nhưng vô hiệu. Giá heo vẫn tăng bất chấp, bỏ xa mốc giá chính phủ yêu cầu.
Cuối năm ngoái, khi thịt heo tăng phi mã, để bù vào nguồn cung thịt heo, ngành chăn nuôi yêu cầu tăng đàn gia cầm cấp tốc.
Và chỉ sau hơn nửa năm, giờ họ lại đang yêu cầu giảm đàn trở lại. Cũng giảm cấp tốc.
Lý do chẳng thể đơn giản hơn: giá gà, vịt, cút và trứng các loại đã giảm tới mức người nuôi càng nuôi càng lỗ, hoặc không thể bán được.
Thậm chí có những tờ báo đã so sánh giá gà ( ở vùng chăn nuôi trọng điểm Đồng Nai, thấp nhất 8.000 đ/kg hơi, chỉ bằng ½ giá thành sản xuất) còn rẻ hơn cả rau.
Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi dư luận cho rằng sẽ có một đợt kêu gọi “giải cứu thịt gà” như đã từng giải cứu thịt heo, dưa hấu, chuối, khoai, cà chua, mít, sầu riêng, vải, thanh long… trước đó.
Diễn biến thị trường nông sản qua nhiều năm chỉ mỗi lúc một chứng tỏ sâu sắc thêm rằng trong một đất nước có đến hơn 80% dân số sống bằng nghề nông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn luôn luôn là một tổ chức ăn hại.
Các con số xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu, điều… nhất nhì thế giới của Việt Nam luôn được nêu cao trong các hội nghị “thành công tốt đẹp” thường niên, nhưng nhìn vào giá trị xuất khẩu, không ai có thể giấu giếm sự thật hàng hóa nông dân Việt Nam làm ra tuy nhiều, nhưng hầu hết là hàng dạt.
Hầu như các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao như gạo ST25 ngon nhất thế giới hay các sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu được thị trường nước ngoài ưa chuộng, các sản phẩm từ rau quả độc đáo như nước mía khô, sữa chua sấy, nước trái cóc, trái chanh dây sấy… đều do các doanh nghiệp tự mày mò nghiên cứu, tự bảo tồn giống, tự phát triển sản xuất và tìm đường đi. Họ hầu như không có sự giúp đỡ thiết thực nào từ cái cơ quan to nhất nước về ngành nông nghiệp kia cả.
Nhiều chục năm nay, rất nhiều chủ trương được đề ra, nghiên cứu thật hăm hở, hô hào thật to tiếng, rồi triển khai lốm đốm, đầu voi đuôi chuột và dần dần mất hút: cánh đồng mẫu lớn, công nghệ chế biến sau thu hoạch, các vùng nguyên liệu, liên kết bốn nhà “nhà nước, nhà băng, nhà khoa học, nhà nông” rồi đến sáu nhà “nhà nông, nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học, nhà phân phối”…
Một đất nước không quá nhiều diện tích chăn nuôi trồng trọt, khí hậu nhìn chung ổn định và phù hợp nhiều loại cây trồng vật nuôi, thiên tai không nhiều và thiệt hại không lớn, ngay sát nách bên lại có một thị trường lớn nhất thế giới và dễ tiêu thụ, thế mà cứ định kỳ ít lâu lại gào lên giải cứu. Còn các bài báo về sự nhọc nhằn bấp bênh của người nông dân thì chẳng cần phải viết mới nữa; cứ đến hẹn lại lên lấy bài báo cũ rích từ chục năm trước ra thay con số và vài “chủ trương sâu sắc” là lại chân thực hoàn toàn.
Điều hành như thế, nói cái bộ ăn hại là còn nhẹ.
Vì sao họ ăn hại?
Vì có những ông lãnh đạo Bộ phát ngôn táo bạo thế này khi được báo chí phỏng vấn về giải cứu thịt heo hai năm trước:
“Giải cứu là một nét đẹp của dân tộc ta dù đó là chuyện cực chẳng đã. Vì truyền thống của người Việt Nam là mỗi khi bộ phận dân cư nào đó khó khăn thì cả xã hội đều chung tay”
“Nếu như không có tạm dừng xuất khẩu tiểu ngạch từ phía Trung Quốc, chúng ta sẽ không dư thừa”.
“Đã xảy ra rồi, thì đành… giải cứu, là chuyện cực chẳng đã mà thôi”.
“Cuối năm 2016, Bộ đã có khuyến cáo, nhưng bà con nông dân không nghe và vẫn cố gắng sản xuất”.
“Chúng tôi cũng đang xúc tiến đàm phán. Tuy nhiên, bất kỳ thị trường nào cũng đòi hỏi các yêu cầu về mặt kỹ thuật”.
(Phát ngôn của hai ông Vũ Văn Tám và Hà Công Tuấn, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn).
Tuy nhiên, không thể bảo các ông này ngu. Ngu thì làm sao đả ngã vô số đối thủ, leo lên được cái chức ấy và vẫn nhàn nhã trị vì lâu nay, đời sau tiếp đời trước. Đáng phỉ nhổ là cái cơ chế méo mó đẻ ra vô số những quan chức cùng một giuộc với họ, no cơm ấm cật trong những bộ máy khổng lồ chỉ để ăn hại.
Tham khảo:
https://tuoitre.vn/vi-sao-gia-thit-heo-khong-chiu-giam-20200502082421042.html.
https://baodautu.vn/quy-mo-thi-truong-thit-lon-toan-cau-285-ty-usd-viet-nam-chi-gop-45-trieu-usd-d116369.html.
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/ki-la-gia-gia-cam-dang-re-nhu-rau-van-o-at-nhap-ve-78-376-tan-636777.html
https://cafef.vn/nhung-phat-ngon-an-tuong-cua-hai-thu-truong-nong-nghiep-ve-giai-cuu-thit-lon-20170507093124579.chn
https://cafef.vn/nhung-cau-chuyen-ben-le-chien-dich-giai-cuu-thit-lon-20170505171955986.chn
https://nld.com.vn/thoi-su/canh-dong-lon-hut-hoi-20190407214438861.htm
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/thanks-to-ministry-of-agriculture-vientamese-gets-to-drink-chicken-smoothie-05312020104109.html

Sau ánh chớp… là nỗi niềm nuối tiếc

Chiến Thành
Thủ tướng đã nói thật, rất ít tập đoàn công nghệ cao đến Việt Nam. Tuy nhiên, ông Phúc lại không dám tiết lộ nguyên nhân vì sao. Vâng, với vị thế chung chiêng hiện nay lại cộng thêm một hệ thống chính trị mà chính Thủ tướng đã từng gào lên: Phải đổi mới thể chế, thể chế và thể chế, Việt Nam chưa thể là một bến đỗ lý tưởng!
Một hiện tượng hy hữu: Tuần qua, hầu như tất cả các báo giấy, báo mạng, kể cả lề phải và trái đều copy lại nguyên văn bài viết “Sau ánh chớp không phải niềm nuối tiếc” từ một cây bút có tên là Lê Châu, đăng lần đầu tiên hôm 26/5/2020 trên baochinhphu.vn. Quả là một bài báo lạ. Đọc qua, không thấy gì khác biệt so với thể loại “cúng cụ” xưa nay. Bài viết ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dũng cảm gióng lên hồi chuông cảnh báo: Rất ít tập đoàn công nghệ cao đến Việt Nam sau đại dịch!
Như cách diễn ngôn đầy bóng gió trong văn hóa Anglo-Saxons: I told you so! Cái độc đáo của bài báo chính là ở chỗ đó. Thủ tướng như muốn nói: Tôi đã bảo trước rồi mà! Tuy nhiên, nội dung bên trong thì chống lại cách “giật tít” của nó. Với những lời lẽ gan ruột như nhà báo Lê Châu đã mở lòng, tít của bài báo chỉ có thể là: “Sau ánh chớp chỉ còn lại mỗi niềm nuối tiếc”. Nhưng nếu để đầu đề ấy, bài báo sẽ không bao giờ được đăng. Hoạ sỹ – Nhà báo đã ẩn dưới cái tông tích cực để phác hoạ lên những gam tối trong bức tranh: “Thủ tướng buồn rầu, chúng ta muốn thu hút họ đến đầu tư, nhưng thực sự lại không làm gì cả, chỉ ngồi chờ sung rụng”.
Nhưng thưa Thủ tướng, vấn đề không phải là ở cái phát hiện công khai ấy. Đáng tiếc là cả nhà báo tinh khôn lẫn Thủ tướng Phúc chẳng nói được điều gì mới, khi đưa ra thông điệp: Sau mùa chống dịch được cho là thành công, Việt Nam đang trên đường “về morte”. Vấn đề ở đây là Thủ tướng không dám “bật mí” xem các nguyên nhân nào đang làm cho những “niềm hồ hởi sảng” của Việt Nam trong mùa chống COVID-19 đã không trở thành hiện thực.
Phải chăng nguyên nhân hàng đầu mà Thủ tướng cũng như các lãnh đạo Hà Nội không bao giờ dám nói ra, đó chính là tình trạng bất an và bất định trong các mối bang giao Hoa – Việt. Xã hội Việt Nam đang lo lắng khá ồn ào về xu hướng đất nước có thể bị “xoá sổ trong thầm lặng” khi Tàu cộng ngày càng công khai dã tâm quyết thống trị kinh tế và chính trị ở Việt Nam. Như các chuyên gia đã chỉ rõ, hiểm hoạ cho sự diệt vong này trước hết là do tinh thần nô lệ tự nguyện của ĐCSVN, mà mật ước Thành Đô năm 1990 là một cái bẫy tự tạo. Trung cộng chưa bao giờ công nhận Việt Nam là đối tác bình đẳng, mà chỉ tung ra các khẩu hiệu viển vông khoa trương về tình huynh đệ, trong khi hải quân Trung Quốc “múa gậy vườn hoang” trên Biển Đông mấy năm nay.
Lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ Việt – Trung từ khi bình thường hoá đến nay, Bộ Quốc phòng đã buộc ban bố công khai trong một báo cáo gửi Quốc hội mới đây cho biết, Trung Quốc đang sử dụng hơn 162.000 héc-ta đất biên giới, ven biển thông qua các hình thức doanh nghiệp liên doanh và đầu tư tiền cho người Việt gốc Hoa mua đất. Theo báo cáo này, thời hạn thuê của người Trung Quốc thường từ 5 – 50 năm, lĩnh vực hoạt động chủ yếu tại khu vực biên giới đất liền và ven biển là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, nuôi trồng thủy sản, giày da, sản xuất bao bì, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử.
Những tỉnh thành có tình trạng người Trung Quốc tập trung sở hữu đất đai thời gian qua là Đà Nẵng 22 trường hợp, Quảng Ninh 17 trường hợp, Hải Phòng 16 trường hợp, Bình Định 9 trường hợp, Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi tỉnh có 5 trường hợp. Như chuyên gia quốc tế đã chỉ rõ, COVID-19 thực sự cho thấy một sự quyết tâm mới của Trung Quốc trong việc dùng tin giả và chính sách ngoại giao “chiến binh sói” để buộc tội các quốc gia khác. Trung Quốc đã rất nỗ lực truyền bá các thông tin giả như ai tạo ra viruscorona, ai là người khởi xướng, thậm chí tới mức họ còn tung tin rằng, chính phủ Pháp bỏ mặc người dân chết trong nhà thương.
Qua đó, chúng ta thấy các thủ đoạn vừa tinh vi vừa công khai của Trung Quốc trong những nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ chính trị Việt Nam, có thể qua truyền thông, qua Facebook, Twitter… Nếu Việt Nam mất cảnh giác, không dự đoán trước được những gì Trung Quốc có thể làm, để đối phó và xây dựng ngay các rào chắn ở bất cứ lĩnh vực nào có thể để duy trì hệ thống chính trị đủ sức bền, chịu được sự va đập và không bị tổn thương từ các hoạt động nội gián của Trung Quốc.
Trong khi nỗi lo về Trung Quốc như thanh gươm Damocles treo trên đầu Bộ Chính trị và Ban Bí thư ĐCSVN thì đến lượt chính sách “một bước tiến hai bươc lùi” trong nền ngoại giao đu dây cũng đang gây đau đầu cho giới hoạch định chính sách ở cả Whashington lẫn Hà Nội. Hà Nội như “gà mắc tóc” thì đã đành. Vì trước sau, Việt Nam chỉ là con tốt trên bàn cờ mọi thời đại và khi bị khủng hoảng, bất kể do đường lối hay đại dịch gây ra, Việt Nam rơi ngay vào trạng thái mà thủ tướng Phúc mô tả là bị “con virus trì trệ” làm cho tê liệt.
Mà không chỉ có Việt Nam. Lần này, Mỹ dường như cũng bị rơi vào trạng huống khó xử. Đại sứ Mỹ ở Việt Nam từng nói với người viết bài này: “Đã đến lúc Việt Nam phải tiến thêm một bước nữa. Mỹ đã nâng cấp, sẽ mạnh mẽ và quyết đoán hơn trên Biển Đông, hiển nhiên trước hết là vì các lợi ích của Mỹ, nhưng để bảo vệ tốt các lợi ích ấy, Mỹ cũng hỗ trợ các quyền lợi của các đồng minh và các đối tác mới nổi hàng đầu trong ASEAN như Việt Nam và Indonesia”. Mặc dầu cá nhân Tổng thống Trump cũng như chính quyền Mỹ vừa qua đã chủ động gửi nhiều tín hiệu tích cực để động viên Việt Nam “phải tiến thêm một bước nữa”, đặc biệt lời mời Việt Nam tham gia vào “Bộ Tứ mở rộng” (Quad Plus). Nhưng những kẻ “chọc gậy bánh xe” đã hành động mau lẹ hơn bằng đợt đàn áp mới đối với tự do báo chí và các quyền cơ bản của con người ở Việt Nam.
Hôm 27/5/2020, Cơ quan Truyền thông Toàn cầu của Mỹ (USAGM) đã ra tuyên bố lên án việc chính quyền Việt Nam bắt giữ blogger Nguyễn Tường Thuỵ vào hôm 23/5 vừa qua và gọi đây là hành động nhằm bịt miệng những tiếng nói chỉ trích chính phủ. Blogger Nguyễn Tường Thuỵ bị công an bắt giữ tại nhà riêng ở Hà Nội hôm 23/5 vừa qua với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ luật hình sự.” Thông cáo báo chí của Tổng Giám đốc USAGM xác định Nguyễn Tường Thuỵ là người cộng tác thứ 4 với USAGM hiện đang bị Việt Nam giam giữ.
Trong số 4 cộng tác viên nói trên, có 3 cộng tác viên của ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA) là Nguyễn Văn Hoá, blogger Nguyễn Tường Thuỵ và blogger Trương Duy Nhất. Người còn lại là blogger Lê Anh Hùng của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Theo thông cáo báo chí của USAGM, “việc đàn áp rộng khắp tự do phát biểu ở Việt Nam là một tấn công trắng trợn vào quyền con người của công dân Việt Nam và tự do báo chí. Vào lúc này, vào giữa đại dịch COVID-19, các luồng thông tin tự do lại càng quan trọng hơn bao giờ hết”. Tổng Giám đốc USAGM kêu gọi chính quyền Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho các blogger và nhà báo cộng tác với USAGM.
Trên đây chỉ điểm qua hai hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của ĐCSVN ngay trước thềm Đại hội 13 để thấy thế lưỡng nan của Việt Nam trong quan hệ với hai quốc gia có vị thế không nhỏ đối với tương lai của Hà Nội. Còn về nội trị, hẳn nhiên “nghẽn thể chế” là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt hậu về mọi mặt hiện nay của đất nước. Căn nguyên của “nghẽn thể chế” chính là do xuất phát từ ý thức hệ giáo điều đã không thích nghi với thay đổi kinh tế – xã hội theo các định hướng thị trường.
Những cản trở nói trên đã được đề cập và bàn luận suốt cả năm chuẩn bị cho đại hội đảng này và những thách thức do tình trạng “đầu Ngô mình Sở” (kinh tế thị trường nhưng chính trị lại độc tài) chỉ có thể được giải toả bởi tư duy và chính sách đột phá. Không giải quyết dứt điểm vấn đề thể chế thì một loạt các nhân tố gây nhiễu khác như các sới vật hiện nay giữa quân đội và công an, giữa toà án và viện kiểm sát… sẽ không có cách nào giải quyết. Với các cuộc hỗn chiến khi tay phải “choảng” tay trái, chân phải “đạp” chân trái, Thủ tướng Phúc không nên đặt câu hỏi: Tại sao lại rất ít tập đoàn công nghệ cao đến Việt Nam sau đại dịch?
Đã bao lần, tại nhiều cuộc họp, Thủ tướng Phúc từng kỳ vọng, Việt Nam là điểm đến an toàn. Việt Nam sẽ có cơ hội, có nhiều lợi thế đón làn sóng đầu tư hậu COVID-19. Thủ tướng ý thức rất rõ, để đón đầu làn sóng này và thu hút các “đại bàng” đến làm tổ, cần có các giải pháp thích hợp. Tuy nhiên, Thủ tưởng quên mất một chân lý thời đại. Người ta không thể cất bước khi một chân thì thị trường còn chân kia là toàn trị. Sau tuyên bố rất nổ ấy, quả thực có 27 doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc, nhưng than ôi, chẳng có đại bàng nào đến Việt Nam. Đám đại bàng kia đã kéo nhau bay sang Indonesia, bỏ lại những chiếc tổ mà Thủ tướng khẳng định đã lót sẵn… trong vô vọng./.
Mời quý vị tham khảo thêm tại:
http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Sau-anh-chop-khong-phai-niem-nuoi-tiec/396476.vgp
Sau ánh chớp không phải niềm nuối tiếc – Baochinhphu.vn
https://baotiengdan.com/2020/05/26/nhung-kieu-tuyen-bo-troi-oi-dat-hoi-cua-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc/ Những kiểu tuyên bố “trời ơi đất hỡi” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
https://news.vietluan.com.au/diem-sach-trat-tu-the-gioi-cua-henry-kissinger/
Điểm sách: Trật tự Thế giới của Henry Kissinger
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52816333
Biển Đông: Tham vọng Trung Quốc và chiến lược Việt, Mỹ thời COVID-19
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52844776
Việt Nam và lo ngại người Trung Quốc “thâu tóm đất nơi trọng yếu”
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/after-strike-only-regret-05312020105723.html

Điểm tin trong nước sáng 31/5: Làm rõ vụ

người đàn ông nhảy lầu 2 TAND tỉnh Bình Phước tử vong

Tâm Minh – Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng ngày 31/5 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Chiều 30/5, nhiều khu vực ở TP.HCM chìm trong mênh mông nước
Hàng loạt tuyến đường tại TP.HCM ngập mênh mông sau cơn mưa lớn đổ xuống chiều 30/5, nhiều đoạn nước chảy cuồn cuộn như lũ, theo Tuổi trẻ.
Trên hàng loạt tuyến đường là cảnh giao thông hỗn loạn, xe chết máy la liệt, người chật vật di chuyển.
Các tuyến đường như Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức), Lê Văn Việt (quận 9)…, nước ngập mênh mông, nhiều đoạn dốc, nước chảy cuồn cuộn khiến nhiều người không dám di chuyển.
Tại một số khu vực khác như quận Bình Thạnh, Gò Vấp…, mưa nặng hạt cũng làm nhiều đoạn ngập, giao thông gặp nhiều khó khăn.
Làm rõ vụ người đàn ông nhảy từ lầu 2 TAND tỉnh Bình Phước tử vong
Trên Facebook cá nhân của ông Phước, người được cho là đã nhảy từ lầu 2 TAND tỉnh Bình Phước xuống đất tử vong, đăng một status có nội dung: “Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!”
Qua điều tra, bước đầu xác định ông Phước đã uống thuốc trừ sâu, sau đó nhảy từ lầu 2 TAND tỉnh Bình Phước xuống đất tử vong vào chiều 29/5, ngay sau khi bị tuyên án vào sáng cùng ngày.
Theo Tuổi Trẻ, ông Lương Hữu Phước là bị án trong một vụ án liên quan đến vụ tai nạn giao thông gây chết người xảy ra vào tháng 1/2017 và đã bị TAND TP. Đồng Xoài tuyên phạt 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Cho rằng tòa tuyên án không đúng, ông Phước sau đó đã kháng cáo, kêu oan. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm sáng 29/5, TAND tỉnh Bình Phước đã quyết định tuyên y án sơ thẩm 3 năm tù giam về tội ‘Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ’ đối với ông Phước.
Theo nội dung vụ án, vào khoảng 11h ngày 15/11/2017, ông Phước đã uống rượu ở nhà anh Phạm Văn Tuấn (cùng P. Tân Xuân) rồi đi về nhà. Khoảng 13h cùng ngày, Trần Hữu Quý gọi điện thoại cho ông Phước kêu đến nhà Tuấn để đổi đôi dép và được rủ đi hát karaoke.
Trên đường đi, phát hiện anh Quý không đội mũ bảo hiểm nên ông Phước chở anh Quý quay về để lấy mũ bảo hiểm. Do anh Quý không chịu đi bộ qua đường nên ông Phước bật xi nhan rẽ trái, khi đến phần đường dành cho xe đi theo chiều ngược lại thì bị xe máy BS 93H2-0547 do Lâm Tươi chở theo Trị Tiếp đâm phải.
Vụ tai nạn làm anh Quý tử vong tại bệnh viện.
Vay tiền qua ứng dụng: Bị truy bức đến đường cùng
Nhóm người cho vay nợ qua ứng dụng truy cùng diệt tận nạn nhân, khiến cho người vay nợ phải tự tử để giải thoát.
Anh K (sinh năm 1993, huyện Châu Thành, Cần Thơ) là giảng viên một trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vừa qua đời vào ngày 10/5/2020.
Anh K. uống thuốc tự tử vì vướng vào việc vay tiền qua ứng dụng. Anh K. từng tâm sự với người thân anh  nợ hơn 200 triệu đồng vay qua ứng dụng. Các ứng dụng đang truy bức đòi nợ liên tục, nên anh K. không còn tâm trí làm việc và chỉ muốn chết để giải thoát.
Chị gái của nạn nhân K kể với phóng viên Lao Động: “K. kể lại vào khoảng thời gian sau tết có vay 5 triệu đồng của một ứng dụng để chi tiêu. Thế nhưng đến hạn 7 ngày không trả kịp, số tiền phạt và tiền lãi liên tục tăng lên từng ngày khiến K. mất khả năng chi trả. Sau đó, ứng dụng cho K. vay đã giới thiệu các ứng dụng khác để K. vay tiếp nhằm trả nợ khoản vay trước. Cứ thế K. vay nhiều ứng dụng và số tiền nhanh chóng tăng lên hơn 200 triệu đồng”.
Đây là một trong nhiều trường hợp vay nợ qua ứng dụng, bị truy bức đến cùng đường, gây bức xúc trong dư luận.
Đập Đầm Thìn vỡ khi đang ‘hoạt động bình thường’
Từ đầu tháng 5, địa phương chịu ảnh hưởng của 2 trận mưa lớn kéo dài, đợt một từ 8-9/5, đợt 2 từ 23-26/5, khiến 14 nhà dân và nhà văn hoá xã tốc mái, “có thể là nguyên nhân khách quan dẫn đến vỡ đập”, đó là ý kiến của một vị lãnh đạo xã Cấp Dẫn nói trên VnExpress.
Ông Lâm Việt Tuấn – Chi cục trưởng chi cục thuỷ lợi tỉnh Phú Thọ cho biết, trước 15/4 hằng năm, chi cục phối hợp với chính quyền cấp huyện rà soát đánh giá hiện trang an toàn các công trình. Trong đợt kiểm tra năm nay, “không thấy có vấn đề gì”.
Trong khi đó, Giám đốc sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Ngọc Sơn không nhận định về nguyên nhân vỡ đập. “Sở sẽ phối hợp với Viện khoa học thuỷ lợi và Tổng cục thuỷ lợi làm rõ nguyên nhân, phương án cải tạo trong thời gian sớm nhất”.
Trước đó, sự cố vỡ đập thuỷ lợi Đầm Thìn (xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) với sức chứa khoảng 600.000 m3 nước, diện tích hơn 15 ha mặt nước bị vỡ sáng hôm 28/5.
Sự cố khiến khoảng 10 hecta ao cá bị ngập tràn mất cá của dân, khoảng 6 hecta lúa bị ngập. Nhà dân không bị thiệt hại.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-31-5-lam-ro-vu-nguoi-dan-ong-nhay-tu-lau-2-tand-tinh-binh-phuoc-tu-vong.html

Điểm tin trong nước chiều 31/5: Ủy ban Tư pháp

Quốc hội đã nhận đơn kiến nghị của mẹ Hồ Duy Hải

Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước chiều ngày 31/5 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã nhận đơn kiến nghị của mẹ tử tù Hồ Duy Hải
Ngày 31/5, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ tử tù Hồ Duy Hải) cho biết vừa nhận được văn bản trả lời của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về việc đã nhận đơn kiến nghị của bà về việc mong muốn kiểm tra lại Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử vụ án Hồ Duy Hải. Theo đó, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết sẽ xem xét và xử lý đơn theo quy định của pháp luật.
Trước đó, bà Loan cùng luật sư đã có đơn trình bày và giao nộp chứng cứ mà gia đình cho rằng Hồ Duy Hải ngoại phạm.
Trong đơn, luật sư và gia đình trình bày ngay sau khi phiên giám đốc thẩm kết thúc, gia đình bất ngờ phát hiện thêm một tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải. Nếu xem xét lại biên bản khám nghiệm hiện trường và các tài liệu về pháp y thì cho thấy hung thủ sát hại nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi chắc chắn thuận tay trái. Trong khi đó, Hải là người thuận tay phải, được chứng minh tại bản khai, thực nghiệm hiện trường và kết luận điều tra.
Vì vậy, luật sư và gia đình Hồ Duy Hải kiến nghị xem xét lại vụ án một lần nữa để đảm bảo tính khách quan.
Giải cứu 7 người trong căn nhà 2 tầng bị cháy
Sáng hôm nay 31/5, căn nhà 2 tầng trên đường Lê Trọng Tấn (quận Bình Tân, TP.HCM) bất ngờ bị cháy khiến 7 người mắc kẹt, và được giải cứu ra ngoài an toàn sau đó.
Gần 7h, người dân phát hiện khói đen ngùn ngụt cao hơn 10 m tại căn nhà 617 Lê Trọng Tấn, Phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, đang đóng kín cửa. Đây cũng là cửa hàng kinh doanh mút xốp, đồ nhựa.
“Mọi người hô hoán vì nghi có nạn nhân kẹt bên trong. Nhiều người dùng xà beng phá cửa cuốn nhưng không được”, nhân chứng Mai Đức Dũng cho biết, theo VnExpress.
Đội Cảnh sát PCCC quận Bình Tân đến hiện trường ngay sau đó. Hai nạn nhân được cảnh sát hướng dẫn thoát nạn theo cầu thang bộ, ra ngoài an toàn. 5 người còn lại là Đỗ Nam Phương, 10 tuổi; Đỗ Lê Phương Tuyền, 11 tuổi; Đỗ Viết Tranh, 30 tuổi; Nguyễn Thị Huyền, 27 tuổi; ông Đỗ Viết Cảnh, 64 tuổi – được cảnh sát giải cứu trong tình trạng ngạt khói và bị phỏng nhẹ.
TP.HCM: Mưa lớn nước chảy như lũ trên phố, cây gãy cành đè người đi đường
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đường Trần Xuân Soạn, quận 7 mưa chỉ mới khoảng 15 phút mặt đường đã mênh mông nước do các cống, rãnh không kịp thoát nước.
Tại đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, sau mưa 30 phút mặt đường ngập nặng, hàng loạt xe máy bị chết máy phải dắt bộ. Mặt đường thấp cộng với nước đổ về đây quá nhiều khiến các cống, rãnh không kịp thoát nước.
Đoạn đường bị ngập dài khoảng 2 km, nhiều đoạn nước ngập gần nửa mét, khi có xe lớn đi qua tạo thành sóng tạt thẳng vào nhiều nhà dân.
Đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức nước mưa chảy theo dốc cuồn cuộn như lũ khiến người đi đường chao đảo.
Tại một số tuyến đường khác, cây xanh bị gãy nhánh, bật gốc. Một cây xanh trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh bị tét cả thân cây đè trúng người đi đường, may mắn người này chỉ bị xây xát nhẹ.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết mưa xảy ra trên hầu hết các quận huyện tại TP.HCM. Lượng mưa lớn nhất đạt 10-20mm.
Thanh Hóa: 4 con bò lăn ra chết, nghi có người đầu độc
Công an TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) đang điều tra nguyên nhân 4 con bò của ông Nguyễn Sỹ Nhì (50 tuổi, trú phường Quảng Tiến) vừa chết bất thường sau khi 2 người đàn ông lạ mặt xuất hiện.
Sự việc xảy ra chiều 27/5, đàn bò của ông Nhì đang ăn cỏ cách nhà khoảng 100 m, thì xuất hiện 2 người lạ mặt, sau khoảng 30 phút thì xảy ra sự việc. “Khi nghe tiếng chó sủa tôi ra xem thì thấy 2 người đàn ông lạ mặt ở gần mấy con bò. 30 phút sau tôi ra lại thấy 3 con bò đang giãy giụa, sùi bọt mép rồi chết. Con còn lại cũng chết với biểu hiện tương tự. Trước khi chết bò nhà tôi bình thường, không bỏ ăn”, Zing dẫn lời ông Nhì cho biết.
“Gia đình đã báo công an và chính quyền địa phương, họ cũng đã tới ghi nhận hiện trường, lấy mẫu mang đi xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân. Gia đình nghi ngờ có người cố tình đầu độc 4 con bò, bởi chúng tôi đã làm ăn, nuôi trồng ở đây đã 20 năm nhưng chưa bao giờ xảy ra sự việc thế này”- ông Nhì nói thêm.
Báo Người lao động thì cho hay gia đình ông Nhì sống ở đây chưa có mâu thuẫn thù oán với ai, trước hôm xảy ra sự việc bò chết, gia đình ông Nhì có ngăn cản việc san lấp mặt bằng trên phần đất gia đình đang canh tác (ở khu vực cánh đồng Sông Đông, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn) do chưa nhận được đền bù thỏa đáng.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-chieu-31-5-uy-ban-tu-phap-quoc-hoi-da-nhan-don-kien-nghi-cua-me-tu-tu-ho-duy-hai.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.