Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 21/05/2020

Thursday, May 21, 2020 2:53:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 21/05/2020

Gần 65.000 tỷ cho vay các dự án BOT có nguy cơ trở thành nợ xấu ngân hàng

Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam ngày 21/5 báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội gửi đến các đại biểu Quốc với quan ngại về việc các khoản vay 49 dự án BOT giao thông gần 65.000 tỷ đồng có nguy cơ trở thành nợ xấu.
Thông đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam ông Lê Minh Hưng cho rằng, giai đoạn 2016 -2019 dự nợ trong lĩnh vực dự án hợp đồng xây dựng – chuyển giao, xây dựng-vận hành-chuyển giao (dự án BT, BOT) tăng gần 11% .
Người đứng đầu NHNN bày tỏ lo ngại đến thời điểm hiện tại vẫn có khoảng 49 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 64.676 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, trở thành nợ xấu ngân hàng.
Cũng tin liên quan, kiểm toán nhà nước vừa công bố sai phạm hàng nghìn tỷ đồng tại các dự án BT và BOT gửi đến Quốc hội, kết quả kiểm toán cho thấy hầu hết các dự án đều chỉ định nhà đầu tư, có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công dự án. Các dự án chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư, chẳng hạn như Bắc Ninh có tới 72/83 dự án do nhà đầu tư đề xuất.
Đa số các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT cho thấy nhiều vi phạm nghiêm trọng, có khả năng gây thất thu ngân sách, người dân phải chịu phí cao. Tại Hà Nội, hầu hết các dự án xác định tổng mức đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế triển khai.
Kiểm toán cũng chỉ ra nhiều dự án lập thiết kế – dự toán còn sai sót, tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch, nghiệm thu, thanh toán còn sai sót, chậm phê duyệt quyết toán theo quy định của hợp đồng BOT. Phần lớn các dự án sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí và kiến nghị tăng thu ngân sách Nhà nước thêm gần 2.000 tỉ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nearly-vnd-65000-billion-of-loans-for-bot-projects-are-at-risk-of-becoming-bank-bad-debts-05212020080727.html

Việt Nam: 4 năm tù cho cựu thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Văn Hiến

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam bị tuyên phạt 4 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng chiều 21/5.
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến ra tòa án quân sự
Nhiều người Việt Nam lo Trung Quốc ‘thôn tính’ đất ven biển
Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân (QCHQ) đã mở phiên xử các bị cáo trong vụ sai phạm tại ba khu đất quốc phòng trên đường Tôn Đức Thắng (TP.HCM).
Mới vào tháng 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản quyết định thi hành kỷ luật Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai:
Bùi Như Thiềm (cựu trưởng phòng kinh tế Quân chủng Hải quân) bị tuyên phạt 9 năm tù,
Đoàn Mạnh Thảo (cựu trưởng phòng tài chính Quân chủng Hải quân) 7 năm tù,
Bùi Văn Nga (cựu giám đốc Công ty Hải Thành, thuộc Quân chủng Hải quân) 8 năm tù,
Trần Trọng Tuấn (cựu phó giám đốc Công ty Hải Thành) 4 năm tù.
Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) bị tuyên phạt 20 năm tù.
Trước đó, ông Hệ đã từng nhận một bản án 12 năm tù của Tòa án Quân sự Trung ương.
Như vậy tổng cộng ông Hệ sẽ thụ án 30 năm tù.
Cáo trạng
Cùng tội danh chiếm đoạt tài sản, Phạm Văn Diệt (cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình) bị tuyên 15 năm tù và Vũ Thị Hoan (cựu giám đốc Công ty Yên Khánh) 7 năm tù.
Theo cáo trạng, các khu đất số 2 (số 1-1A-2) diện tích 1.995 m2; số 7-9 (số 9) diện tích 3.531 m2; số 9-11 (số 11-13) diện tích 1.660 m2 tại đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP Hồ Chí Minh có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của hải quân.
Năm 2006, Ban Thường vụ Đảng ủy QCHQ nhất trí phương án hợp tác kinh doanh do cơ quan chức năng, doanh nghiệp đề xuất.
Ngày 6-10-2009, Văn phòng BQP có Công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng BQP:
“Thực hiện theo Thông tư 35/2009/TT-BQP ngày 20-7-2009 của BQP, đất vẫn do QCHQ quản lý. Không được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vì sẽ bị mất đất”.
Hải quân giao cho các cơ quan chức năng (Phòng Tài chính, Phòng Kinh tế) và Công ty Hải Thành của Quân chủng mà trực tiếp là các bị cáo: Bùi Như Thiềm; Đoàn Mạnh Thảo, Trưởng phòng Tài chính; Bùi Văn Nga và Trần Trọng Tuấn, triển khai thực hiện.
Cáo trạng nói các bị cáo đã có các sai phạm khiến hải quân nay mất quyền kiểm soát, sử dụng ba khu đất trong thời hạn 49 năm; làm thất thu cho ngân sách nhà nước hơn 939 tỷ 288 triệu đồng, do Công ty Hải Thành không nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52759034

Quân chủng Hải quân đề nghị giảm nhẹ án cho Đô đốc Nguyễn Văn Hiến

Quân chủng Hải quân đề nghị giảm nhẹ đặc biệt cho Đô đốc Nguyễn Văn Hiến tại phiên xét xử vụ án liên quan 3 khu đất vàng ở TP.HCM hôm 21/5. Lý do cho đề nghị vì ông này được nói có nhiều công lao đóng góp trong bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo, xây dựng Quân chủng Hải quân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết Quân chủng Hải quân cũng đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hình phạt đối với các bị cáo là cán bộ của quân chủng.
Trong phần tranh luận tại tòa vào sáng  21/5, Viện Kiểm sát Quân sự Quân chủng Hải quân giữ nguyên quan điểm rằng ông Hiến vào thời điểm phạm tội giữ chức Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã thiếu kiểm tra, tin tưởng cấp dưới nên ký phê duyệt các văn bản đưa 3 lô đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế trái quy định.
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị xác định đã không chỉ đạo cấp dưới thẩm tra năng lực của Công ty Yên Khánh do ông Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo phía sau. Ông Hiến đã không kiểm tra việc thực hiện các quy định trong liên doanh làm kinh tế, dẫn đến việc Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý sử dụng các lô đất, gây thất thoát 930 tỷ cho Nhà nước.
Báo trong nước cho biết tại phiên toà sáng ngày 21/5, ông Hiến cũng đã nói lời xin lỗi Đảng, nhân dân và các đồng đội đang phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam.
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị nói đã nhận lỗi nhưng cho biết không cố ý, không có động cơ cá nhân nên xin Hội đồng xét xử đưa mức án hợp lý.
Hôm 20/5, Viện Kiểm sát quân sự quân chủng Hải quân đã đề nghị mức án 3-4 năm tù cho Cựu thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Văn Hiến về tội ”Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út ‘trọc, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn – Bộ Quốc phòng) bị đề nghị 20 năm tù giam về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp án tù đề nghị dành cho Út ‘trọc’ là 30 năm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-navy-rep-proposed-mitigation-for-admiral-nguyen-van-hien-05212020084300.html

Trách nhiệm lãnh đạo qua vụ Đô đốc Nguyễn Văn Hiến: đỗ lỗi cơ chế!

Ông Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân bị Viện Kiểm sát quân sự quân chủng Hải quân hôm 20/5 đề nghị lãnh án 3-4 năm tù giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Văn Hiến đã không kiểm tra mà ký phê duyệt các văn bản để đưa 3 khu đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định, gây thất thoát 939 tỉ đồng.
Trong phiên tòa trước đó, ngày 19/5, Cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến nói rằng ông chỉ được học về chỉ huy quân sự, không được đào tạo về quản lý kinh tế, đất đai, đồng thời phủ nhận cáo buộc là ông đã không kiểm tra việc đưa hơn 7.300 m2 đất của Quân chủng Hải quân vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định.
Dưới góc nhìn cá nhân, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng hành động thừa nhận trước tòa như vừa nêu của Đô Đốc Nguyễn Văn Hiến là dẫn chứng cụ thể cho việc chính phủ không tuyển lựa được những người có kinh nghiệm, kiến thức trong các lĩnh vực chuyên môn.
Luật sư Tuấn cũng cho rằng thừa nhận trên là đúng, chỉ tiếc là thừa nhận này được dùng để chối bỏ trách nhiệm chứ không phải để sửa chữa cơ chế, sửa chữa sai sót. Ông nhận định:
“Ở Việt Nam liên quan đến việc quy định vị trí, tức một ông giữ đủ loại quyền hạn khác nhau ví dụ như đại biểu quốc hội làm bên Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, làm bên đủ ngành khác nhau, các mặt khác nhau nên để bắt họ có kinh nghiệm trong các mặt đó tôi e là không được. Chúng ta không có gì chuyên trách và thích ai thì cất nhắc người đó chứ không phải do chuyên môn. Đó là tình hình rõ ràng ở Việt Nam từ trước đến nay. Một số lĩnh vực, ngành nghề chuyên biệt thì có quy định, nhưng gần như càng lên cao càng bị lờ đi.”
Vẫn theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, việc bổ nhiệm theo cảm tính, theo quan hệ, lợi ích là thực trạng lâu đời trong bộ máy nhà nước, không riêng gì nhân sự bên chính phủ mà kể cả mặt đảng cũng vậy.
Còn theo Blogger Nguyễn Ngọc Già, qua thừa nhận của Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, rất khó để nói về trách nhiệm trong những sai phạm nhà nước vì cái quan trọng nhất của đảng cộng sản Việt Nam là ‘tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách’. Ông lập luận:
“Không riêng gì trong Bộ Quốc phòng mà ở đây phải chỉ thẳng trách nhiệm của Bộ Chính trị bởi vì khi họ phân công bổ nhiệm họ không cần biết chuyên môn, không quan tâm lĩnh vực nghề nghiệp nên xảy ra tình trạng đó là điều dễ hiểu. Bây giờ khi ông Hiến nói như vậy tức ông đổ thừa ngược cho Bộ Chính trị, cho nguyên nội các chính phủ mà đứng đầu là ông Nguyễn Xuân Phúc.
Trước đây ông Nguyễn Tấn Dũng nói đảng giao gì thì ông làm đó, ông không xin xỏ gì nên không thể kỷ luật ông. Lẽ ra ông Hiến nên dẫn lại lời ông Nguyễn Tấn Dũng là đảng phân công tôi thì tôi làm, tôi không được đào tạo thì tôi sai đang phải chịu trách nhiệm, sao lại đổ thừa tôi?”
Trao đổi với RFA vào tối 20/5, Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng cũng cho rằng sở dĩ có những sai phạm thất thoát ngân sách nhà nước như trường hợp cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến là do cơ chế của chính phủ Hà Nội hiện nay. Ông giải thích:
“Chuyện cơ chế trong một đất nước thế này, kinh tế không phát triển được với các bộ máy quốc phòng rất lớn thì người ta tạo ra cái gọi là cơ chế khe hở cho những người lính có thể làm kinh tế để tự nuôi sống bản thân như lời ông Hiến nói là tôi làm thế thì anh em kham khổ. Đáng lẽ những chuyện đó thì nhà nước phải tạo ra những chính sách để họ chỉ làm những nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc thôi, đừng quay sang làm kinh tế vì những lý do gì khác.”
Với tư cách công dân, một bạn trẻ tên Linh Nguyễn trao đổi qua Facebook Messenger lại cho rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cơ chế mà chính các cá nhân cũng phải chịu trách nhiệm:
“Thật sự nếu được bổ nhiệm mà mình không có kiến thức, khái niệm hay kinh nghiệm gì về lĩnh vực đó thì mình có thể từ chối. Vì tham quyền tiếc vị nên dù không biết vẫn nhận lấy, để bây giờ khi vỡ lở lại đổ thừa trách nhiệm. Mình nghĩ cơ chế sai là một chuyện, nhưng bản thân các lãnh đạo cũng cần nhận biết cái sai của mình. Có lẽ vì quá nhiều người làm sai mà không nhận lỗi rồi đổ thừa như vậy nên sai phạm ngày càng nhiều. Nếu mỗi cá nhân đều biết sửa đổi thì cơ chế dần dần được khắc phục.”
Tuy nhiên, Blogger Nguyễn Ngọc Già lại cho rằng việc sửa chữa mà bạn Linh nhắc đến là chuyện không dễ dàng:
“Tôi cho rằng họ không thể sửa vì đó là bản chất của đảng cộng sản Việt Nam nói chung và từng cá nhân người cộng sản Việt Nam nói riêng. Tức họ luôn cho rằng cái gì vào tay họ thì họ có thể làm được, họ chỉ làm theo thói quen, đúng theo phương châm của điều lệ đảng đã vô cùng lạc hậu so với thời hiện đại. Một điều lệ đảng có thể nói vẫn đứng yên trong hàng chục năm qua trong khi thế giới, xã hội Việt Nam luôn vận động thì họ phải xem lại tư duy của họ trong vấn đề quản trị quốc gia nói chung và quản lý kinh tế nói riêng.”
Ông Nguyễn Văn Hiến vào tháng 6 năm ngoái bị Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật bằng biện pháp cách hết các chức vụ.
Đến ngày 3/9/2019, ông Nguyễn Văn Hiến bị Thủ tướng Chính phủ Hà Nội kỷ luật với hình thức xóa tư cách nguyên Tư Lệnh Quân chủng Hải quân.
Sau đó, vào ngày 22/10, Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ Quốc Phòng phối hợp với Viện Kiểm Sát Quân sự Trung ương thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Văn Hiến về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 360 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Viện Kiểm sát Quân sự Quân chủng Hải quân vào ngày 20/5 đề nghị mức án 3-4 năm tù đối với Cựu thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Văn Hiến vì cho rằng ông đã “quá tự tin” nên vô ý phạm tội.
Ngoài ra, Viện Kiểm sát còn xét đến yếu tố thân nhân tốt, có nhiều cống hiến trong công tác; không có kinh nghiệm, chuyên môn sâu về kinh tế; không có động cơ, vụ lợi; sức khỏe yếu, mắc nhiều bệnh; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Dư luận tỏ ra bất bình về mức án Viện Kiểm sát đề nghị đối với Đô đốc Hiến và cho rằng mức án này không đủ mức độ trừng phạt so với thất thoát ngân sách trong sai phạm dính líu đến ông.
Với kinh nghiệm chuyên môn lâu năm, Luật sư Ngô Anh Tuấn giải thích:
“Thực tế pháp luật khô khan, cứng nhắc và áp dụng chung cho tất cả mọi người. Nhưng cơ chế mềm nhiều khi còn quan trọng hơn quy định cứng nhắc của pháp luật nên thường những người có vị trí cao thường được án thấp. Việc này xảy ra hàng ngày trên đất nước Việt Nam lâu nay, bây giờ và còn khá lâu nữa tôi chưa biết khi nào chuyện này kết thúc!”
Thời gian gần đây, nhiều quan chức Việt Nam các cấp từ trung ương đến địa phương tiếp tục phải ra tòa vì tham nhũng, vì sai phạm nghiêm trọng trong công tác. Có người bị kết án chung thân, có người bị án tù hàng chục năm.
Tuy nhiên, dù với mức kỷ luật như vậy nhưng dường như biện pháp kỷ luật đưa ra vẫn không đủ tính răn đe nên tình trạng quan chức sai phạm vẫn không thuyên giảm.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/leadership-responsibility-through-the-case-of-admiral-nguyen-van-hien-05202020140951.html

Nhà văn bất đồng chính kiến Phạm Thành bị bắt giam ngay trước Đại hội đảng 13

Nhà văn Phạm Chí Thành (hay còn gọi là Phạm Thành), chủ trang blog Bà Đầm Xòe và là tác giả của một số cuốn sách chỉ trích chế độ và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vừa bị Cơ quan An ninh điều tra, công an Hà Nội bắt giam vào sáng ngày 21 tháng 5 năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Nghiêm, vợ ông Phạm Thành nói qua điện thoại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do vào tối 21-5 như sau:
Vào 8 giờ sáng thì cháu nó đang mở cửa đi làm thì công an ập vào một đoàn rất là đông.
Hôm nay lại mất điện, tôi cũng đang nằm thì tôi chạy xuống thì có một đoàn hỏi ông Thành đang ở đâu thì tôi cũng trả lời là ông đang ở trên tầng năm để tưới cây.
Thế là họ bảo là có lệnh bắt ông Thành, khi mà đưa anh ấy xuống thì họ bắt đầu đọc lệnh bắt đọc lệnh khám nhà.
Khi họ khám thì họ thu hai cái máy tính, một cái máy in và một số tài liệu sách vở, bản thảo của ảnh. Lúc hơn 10 giờ thì cho đi“.
Bà Nghiêm cho biết khi nghe công an đọc lệnh bắt, bà bủn rủn chân tay và không thể nghe rõ chồng bà bị bắt vì tội gì.
Tuy nhiên, theo một số thông tin trên trang Facebook của một số những người hoạt động nhân quyền ở Việt Nam, nhà báo Phạm Thành bị bắt theo Điều 117 -BLHS năm 2015: “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đài Á Châu Tự Do hiện chưa thể kiểm chứng được thông tin này.
Việc nhà văn Phạm Thành bị bắt khi đảng cộng sản Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ 13 dự kiến tổ chức trong khoảng đầu năm 2021.
Ông Phạm Thành, sinh năm 1952 từng nhiều năm làm thư ký tòa soạn cho Đài Tiếng Nói Việt (VOV).
Năm 2016, ông cùng với hàng chục người khác tham gia vào phong trào tự ứng cử Đại biểu Quốc hội.
Ông là tác giả của những cuốn sách tự in không được nhà nước công nhận như tiểu thuyết Cò hồn Xã nghĩa, Nền Kinh tế Thị trường Định hướng XHCN Xuống hố cả lũ.
Năm 2019 ông Phạm Thành tự xuất bản sách chỉ trích Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam mang tên “Nguyễn Phú Trọng: Thế Thiên Hành Đạo Hay Đại Nghịch Bất Đạo”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dissident-writer-arrested-before-party-congress-05212020084053.html

Việt Nam nhắm đến du khách trong nước để hồi sinh ngành du lịch hậu coronavirus

Việt Nam tái mở cửa khu di sản thế giới Vịnh Hạ Long như một phần trong nỗ lực thúc đẩy du lịch nội địa. Trong tháng này, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phát động một chiến dịch có tên “Người Việt Nam du lịch đến các điểm đến Việt Nam” để nỗ lực khôi phục ngành công nghiệp du lịch bị virus ảnh hưởng.
Việt Nam ghi nhận lượng du khách giảm 98% trong tháng 4 so với năm 2019 do đại dịch coronavirus. Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên bắt đầu phục hồi nền kinh tế, nhưng với lệnh cấm vẫn được áp dụng đối với du khách ngoại quốc, và nhiều thị trường du lịch lớn của Việt Nam bị phong tỏa, các khách sạn và khu nghỉ mát đang giảm giá để thu hút du khách địa phương.
Một chiến dịch quảng bá “Người Việt Nam du lịch tại Việt Nam” ra mắt vào tuần trước và nhằm mục đích “giới thiệu các sản phẩm và gói dịch vụ du lịch chất lượng với giá cả hợp lý”. Hành động này giúp Việt Nam dẫn trước các đối thủ du lịch trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Philippines, nơi những hạn chế du lịch địa phương chỉ mới bắt đầu được nới lỏng.
Ngành du lịch được định giá 726 nghìn tỷ đồng (31 tỷ mỹ kim) vào năm ngoái, gần 12% GDP năm 2019 của Việt Nam. Nhưng dù chỉ có 17% trong số 103 triệu khách du lịch là người ngoại quốc, nhưng họ chỉ chi tiêu nhiều hơn một ít so với du khách trong nước. (BBT)
https://www.sbtn.tv/viet-nam-nham-den-du-khach-trong-nuoc-de-hoi-sinh-nganh-du-lich-hau-coronavirus/

Đề nghị xử lý trách nhiệm quản lý đất đai của Chủ tịch Đà Nẵng

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng bị đề nghị xử lý trách nhiệm liên quan đến việc quản lý đất đai giai đoạn 2011 – 2017.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói từ báo cáo gửi Quốc hội của Kiểm toán Nhà nước hôm 21/5.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và một số cơ quan khác có liên quan đến các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2017.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị xem xét trách nhiệm đối với UBND Đà Nẵng trong việc giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho hai doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyển tài sản nhà nước thành tài sản thuộc sở hữu của công ty cổ phần, sau đó tiếp tục chuyển nhượng lại cho tư nhân để thu lợi.
Ngoài ra còn có các sai phạm như, cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất không đúng quy định, không tổ chức đấu thầu dự án, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 8 thửa đất cho Công ty CP Lương thực Đà Nẵng, sau đó chuyển nhượng 7 thửa đất này cho cá nhân…
Cũng tin liên quan sai phạm đất đai, hôm 21/5 Công an tỉnh Lâm Đồng vừa bắt đầu điều tra nguyên Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc Nguyễn Quốc Bắc, có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn, giao trái quy định 71 lô đất, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Theo Công an Lâm Đồng, ông Bắc có nhiều sai phạm trong việc giao đất tái định cư và đất ở không thông qua đấu giá, ở một loạt dự án như hồ Đồng Nai, hồ Nam Phương II, tuyến tránh Quốc lộ 20, khu công nghiệp Lộc Sơn…
Liên quan đến những sai phạm này, ông Hoàng Văn Thân, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn Đầu tư Xây dựng – Phát triển Quỹ đất, cũng bị điều tra để làm rõ dấu hiệu lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/proposal-to-handle-land-management-responsibilities-of-chairman-of-dn-05212020072811.html

TGĐ Bayer Việt Nam bị phạt do gửi tài liệu có “đường lưỡi bò” cho nhân viên

Tổng giám đốc Bayer Việt Nam bị phạt vì gửi tài liệu có ‘đường lưỡi bò’ cho nhân viên qua email. Báo trong nước đưa tin hôm 21/5/2020.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ông Nguyễn Đức Thọ – Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM ký hôm 21/5/2020 đối với bà Lynette Moey Yu Lin (quốc tịch Malaysia) về hành vi sử dụng thư điện tử cá nhân để cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm về chủ quyền quốc gia Việt Nam.
Vi phạm và xử phạt theo điểm b, khoản 7, Điều 102, NĐ số 15/2020, với mức xử phạt 30 triệu đồng; tịch thu 1 máy điện thoại di động là phương tiện dùng để gửi thư điện tử có nội dung vi phạm; buộc phải gỡ bỏ, thu hồi thông tin vi phạm pháp luật nói trên.
Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Lynette Moey Yu Lin vì sai phạm này hôm 16/5/2020,.
Trước đó, ngày 27/4/2020, bà Yu Lin đã chia sẻ một file tài liệu từ email của bà gửi đến các nhân viên của công ty qua email có tiêu đề: “Covid-19, bài học đến từ Trung Quốc – Chia sẻ bởi Michelle Han”.
Tài liệu này có đính kèm bản đồ ‘đường lưỡi bò’ và một số nhân viên đã phát hiện ra và phản đối việc này. Trả lời VTC News sáng 11/5/2020 về việc phát tán tài liệu có in ‘đường lưỡi bò’ vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đại diện truyền thông của Bayer Việt Nam cho rằng, công ty chỉ muốn chia sẻ cái hay mà Trung Quốc đã áp dụng để chống Covid-19. Việc sơ suất để lộ ‘đường lưỡi bò’ là điều công ty không hề muốn.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/general-director-of-bayer-vn-was-fined-for-sending-documents-with-u-line-to-employees-05212020083703.html

Khu cách ly để người bán hàng rong lọt vào

Một người bán hàng rong lọt được vào khu cách ly bệnh nhân dương tính với COVID-19 ở Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bạc Liêu, buộc cơ quan chức năng địa phương triển khai nhiều biện pháp để xử lý.
Tin từ truyền thông trong nước loan đi ngày 21 tháng 5 cho biết Phó chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Thành phố Bạc Liêu, kiên phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19, ông Lê Hoàng Vinh vừa có kiến nghị lên Ban Chỉ đạo tỉnh một số biện pháp liên quan.
Những biện pháp gồm xem xét cách ly cục bộ khu dân cư Xóm Huế, thành phố Bạc Liêu; xem xét cho học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng nghỉ học đến hết ngày 24/5; tiến hành phun thuốc sát khuẩn toàn trường và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam.
Những biện pháp đề xuất vừa nêu được đưa ra sau khi vào  ngày 19 tháng 5, có người đang cách ly tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bạc Liêu đưa ra hình ảnh người ngoài vào khu cách ly của bệnh viện.
Qua điều tra, Công an Thành phố Bạc Liêu xác định người vào khu cách ly là một người bán hàng rong. Người này bán hàng cho một bệnh nhân  33 tuổi quê Hải Dương bị dương tính với COVID-19 đang được điều trị tại đó.
Việc mua bán không chỉ diễn ra một lần mà bệnh nhân COVID-19 vừa nêu còn nhờ người bán hàng rong mua thuốc lá. Lần thứ nhất người bán hàng rong trực tiếp mua cho bệnh nhân, và lần thứ hai người bán hàng rong về nhà bảo con gái đi mua thuốc lá rồi đem đến cho bệnh nhân ở khu cách ly.
Bản thân người bán hàng rong sau khi tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 tại khu cách ly lại tiếp xúc với nhiều người khác trong cộng đồng. Hiện cơ quan chức năng địa phương đang xác định danh tính của những người có tiếp xúc với người bán hàng rong.
Bản thân người bán hàng rong cùng thân nhân trong gia đình đang bị cách ly tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bạc Liêu.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/covid-19-vendor-sneaked-in-isolation-center-05212020074730.html

Việt Nam gặp khó khăn trong 12 đại dự án công nghiệp với Trung Cộng

Tin từ Hà Nội: Theo báo cáo của Bộ Công thương trước quốc hội cộng sản Việt Nam, nhiều dự án bị ngâm mà bộ này cai quản đang có có tranh chấp, vướng mắc hợp đồng với nhà thầu đến từ Trung Cộng nhưng không đưa ra tòa vì dễ bị thua kiện.
VTC News đưa tin tại thời điểm cuối năm ngoái, nợ của 12 đại dự án này và các đơn vị liên quan là 53,698 tỷ đồng( 2.89 tỷ Mỹ kim).  Trong số 12 đại dự án này, hiện chỉ có 2 dự án có lời là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng Nhà máy thép Việt-Trung. 5 dự án là Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, Dự án  mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc.
Tranh chấp, vướng mắc chủ yếu tập trung vào các vấn đề chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất trong việc xác định giá trị do thay đổi về xuất xứ, số lượng thiết bị so với hợp đồng đã ký và khối lượng phát sinh ngoài nội dung hợp đồng đã ký.
Tuy nhiên, theo Bộ Công thương cộng sản Việt Nam, việc giải quyết tranh chấp với nhà thầu Trung Cộng bằng toà án sẽ không thuận lợi và khả năng thắng kiện thấp trong khi chi phí theo đuổi vụ kiện lớn.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/viet-nam-gap-kho-khan-trong-12-dai-du-an-cong-nghiep-voi-trung-cong/

Di dời sang Việt Nam, Panasonic sắp đóng cửa nhà máy ở Thái Lan

Minh Hòa
Tập đoàn Panasonic của Nhật Bản sẽ di dời hoạt động sản xuất tại một nhà máy ở Thái Lan sang Việt Nam vào mùa thu năm nay, theo thông tin từ báo Nikkei.
Tờ báo của Nhật Bản cho biết Panasonic sẽ đóng cửa một nhà máy lớn ở ngoại ô Bangkok để tiết kiệm chi phí, trong khi mở rộng sản xuất tại một nhà máy lớn hơn của tập đoàn này ở Việt Nam.
Nikkei nhận định: “Nhiều tập đoàn đa quốc gia ban đầu đã di chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang Thái Lan. Giờ đây, họ có thể đang ở trong giai đoạn thứ hai với việc di chuyển sang các quốc gia có chi phí thậm chí còn thấp hơn, chẳng hạn như Việt Nam và Indonesia”.
Bài báo cho biết nhà máy của Panasonic ở Thái Lan sẽ ngừng sản xuất máy giặt vào tháng 9, sau đó ngừng sản xuất tủ lạnh vào tháng 10. Cơ sở này sẽ đóng cửa vào tháng 3 năm 2021, một trung tâm nghiên cứu và phát triển của Panasonic ở gần đó cũng sẽ bị đóng cửa.
Nguồn tin của Nikkei cho biết, hoạt động sản xuất của Panasonic ở Thái Lan sẽ được chuyển đến nhà máy ở ngoại ô Hà Nội, hiện là trung tâm sản xuất lớn nhất của tập đoàn về tủ lạnh và máy giặt ở Đông Nam Á. Tổng sản lượng của Panasonic sẽ không giảm với kế hoạch di dời này.
Theo giới thiệu trên trang web của Panasonic, doanh nghiệp này hiện có nhà máy ở Lô J1-J2 Khu công nghiệp Thăng Long, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Nikkei cho biết, Panasonic đang trong quá trình tái cơ cấu, với mục tiêu cắt giảm chi phí khoảng 100 tỷ yên (930 triệu đô la) khi năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2022. Tập đoàn này cũng đang xem xét thực hiện những thay đổi tiếp theo đối với hoạt động sản xuất của mình.
https://www.dkn.tv/the-gioi/di-doi-sang-viet-nam-panasonic-se-dong-cua-nha-may-o-thai-lan.html

Việt Nam khó thu hút các nhà đầu tư phương tây!

Diễm Thi, RFA
27 công ty Mỹ sẽ di dời nhà máy từ Trung Quốc tới Indonesia. Địa điểm di dời các nhà máy Mỹ sẽ là khu vực rộng 4.000 hecta ở Công viên công nghiệp Brebes tại tỉnh Trung Java. Mạng tin Policy Times cho biết như vừa nêu.
Thông tin này khiến nhiều người Việt Nam quan tâm bởi ngay khi có thông tin các công ty nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, sẽ rời Trung Quốc trong tương lai, Việt Nam cũng hy vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn.
Cậu Ba, một doanh nhân Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực thực phẩm, chia sẻ với RFA qua ứng dụng facebook messenger về việc này sáng 20/5:
“Indonesia rất nhạy trong việc lobby (vận động). Cũng có thể do chiến tranh thương mại nên những công ty kia đã chuẩn bị trước. Indonesia là nước cũng có chữ cái alphabet như Việt Nam nhưng cơ sở hạ và thượng tầng tốt hơn. Điều đáng lưu ý là Việt Nam bị vấn nạn các công ty Trung Quốc núp bóng làm mất uy tín.”
Khác với nhiều nền kinh tế tại châu Á, Indonesia không dựa hoàn toàn vào xuất khẩu. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào tiêu dùng nội địa.
Cái ít tốn kém nhất là phải cải thiện về mặt quản lý nhà nước, tức là luật pháp phải nghiêm chỉnh. Nhưng cái này lại đụng vào chuyện độc quyền của đảng CSVN nên không phải dễ. – Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Việt Nam đừng có hy vọng thu hút được nhiều công ty Mỹ về vì nhiều yếu tố. Đầu tiên là cơ sở hạ tầng, đường xá, bến cảng, số nhân công, tay nghề công nhân, hệ thống pháp lý, pháp luật… trong khi Indonesia là một nước dân chủ, dân số đông gấp hai lần rưỡi dân số Việt Nam và nền kinh tế Indonesia lớn gấp 4 lần kinh tế Việt Nam hiện nay. Ông phân tích thêm:
“Cái ít tốn kém nhất là phải cải thiện về mặt quản lý nhà nước, tức là luật pháp phải nghiêm chỉnh. Nhưng cái này lại đụng vào chuyện độc quyền của đảng CSVN nên không phải dễ. Phải cải cách thể chế về mặt kinh tế và cả về mặt chính trị. Quan trọng hơn là phải tăng cường đầu tư vào giáo dục, đào tạo nghề.
Mình cố gắng hết sức nhưng hy vọng vào chuyện các nước chuyển dịch khỏi Trung Quốc vào Việt Nam là chuyện ảo vọng. Phải nhìn vào thực tiễn.”
Với cái nhìn của một doanh nhân đi về Việt Nam kinh doanh thường xuyên, Cậu Ba lạc quan hơn. Theo nhà đầu tư này thì ‘làn sóng’ di chuyển mới chỉ bắt đầu. 27 công ty quyết định nhanh có thể do họ tìm hiểu trước và do Indonesia quá giỏi. Tuy nhiên có hàng ngàn công ty khác cần phải ‘mồi chài’. Đừng nhìn vào con số 27 mà nản chí.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chánh quốc tịch Mỹ, hiện đang làm việc tại Việt Nam cho rằng, quyết định chọn nước nào để đầu tư sau Trung Quốc có lẽ dựa vào tiêu chí riêng của các nhà đầu tư Mỹ. Việc 27 nhà đầu tư Mỹ không chọn Việt Nam hay các nước Đông Nam Á khác mà chọn Indonesia đủ thấy Indonesia có những tiêu chí phù hợp với họ. Ông nói thêm:
“Tiêu chí thứ nhất là luật lệ của nước nhận đầu tư phải đủ thông thoáng để họ đầu tư, làm ăn một cách dễ dàng; tiêu chí thứ hai là họ chọn những quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào đáp ứng yêu cầu khắt khe của họ về mặt kỹ thuật, về mặt kinh doanh; tiêu chí thứ ba là tất cả những chính sách, luật lệ về hối đoái, về đầu tư phải thuận tiện cho các nhà đầu tư cả khi họ vào lẫn khi họ ra. Nhà đầu tư nào cũng quan tâm chiến lược để rút lui (Exit strategy). Không nhà đầu tư nào dại dột đến nỗi chỉ nhắm đường vào mà không có đường thoát.”
Ông Nguyễn Trí Hiếu nêu một vấn nạn mà một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, xem nhẹ và coi đó là một điều kiện kinh doanh không chính thức, chi phí được xem như chi phí đầu tư, đó là vấn nạn tham nhũng.
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung xảy ra, tiếp theo là đại dịch Covid-19, không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng có kế hoạch chuyển các nhà máy ở Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á.
Indonesia là nước có nhiều động thái giữ chân các công ty đa quốc gia của Mỹ khi tổ chức các cuộc trao đổi trực tiếp với Tổng thống Trump cùng những người đứng đầu các công ty Mỹ…
Chính phủ Nhật Bản gần đây đã dành 2,2 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế 992 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc. Việt Nam là một nước Đông Nam Á. Việt Nam phải làm gì để kéo các công ty muốn rời Trung Quốc?
Nhà kinh doanh, Cậu Ba, nêu ý kiến qua ứng dụng facebook messenger:
“Tìm hiểu thật kỹ công ty họ cần gì, muốn gì để cho họ cái đó và hơn thế nữa. Không khó nhưng dĩ nhiên không dễ. Cứ giảm thuế đi. Tạo mọi điều kiện. Giờ là lúc giải quyết lao động dôi dư và nâng tầm công ty nhỏ và vừa lên làm sub contract.
Tóm lại, cho dù có dịch chuyển công việc từ Trung Quốc qua thì nó vẫn nằm trong tầm trung và dài hạn. Việt Nam hãy ‘quét dọn nhà sạch sẽ, châm trà tiếp khách’. Nếu Việt Nam không khôn ngoan để mở rộng cửa và tạo điều kiện triệt để để cạnh tranh thì mất cơ hội vàng.”
Tại phiên họp thứ 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/5/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ. Báo cáo cho biết thời gian qua, quan hệ đối ngoại của Việt Nam được tăng cường nhờ các nỗ lực hợp tác quốc tế để đối phó với dịch COVID-19 và đã được đánh giá cao. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia dự báo có một số điểm sáng.
Tóm lại, cho dù có dịch chuyển công việc từ Trung Quốc qua thì nó vẫn nằm trong tầm trung và dài hạn. Việt Nam hãy ‘quét dọn nhà sạch sẽ, châm trà tiếp khách’. Nếu Việt Nam không khôn ngoan để mở rộng cửa và tạo điều kiện triệt để để cạnh tranh thì mất cơ hội vàng. – Nhà kinh doanh, Cậu Ba
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính cho rằng, muốn thu hút các công ty nước ngoài đến Việt Nam thì phải tạo điều kiện kinh doanh tốt và lành mạnh.
“Với cơ hội COVID-19 thì chính phủ Việt Nam cũng đang hy vọng. Nhưng để hy vọng trở thành hiện thực thì phải rà soát lại xem những điều kiện gì, như yêu cầu gì mà các doanh nghiệp nước ngoài như Mỹ họ cần. FTA được Quốc Hội thông qua và thực thi thì đó là điều kiện thúc đẩy thể chế của Việt Nam để làm sao phù hợp, cho tương đồng thì mới thu hút nguồn vốn đầu tư đặc biệt từ Mỹ.”
Cũng trong phiên họp hôm 15/5/2020, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu xây dựng các kịch bản vực dậy nền kinh tế và các phương án, kế hoạch phục hồi ngay, phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững sau dịch.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A kết luận rằng, Việt Nam muốn đi nhanh, thay đổi nhanh cũng không thể được. Ví dụ cải cách về giáo dục cần phải nhiều năm; xây dựng hạ tầng cơ sở cũng cần nhiều thời gian và tiền bạc. Cải cách thể chế và sửa đổi luật pháp nhìn có vẻ dễ nhưng cũng rất khó bởi vì đụng đến bao nhiêu lợi ích của nhóm này, nhóm kia bên trong đảng CSVN.
Lợi thế công nhân giá rẻ hiện nay không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam nữa. Đó chỉ là lợi thế tạm thời, trong khi những yếu tố căn bản như hệ thống luật lệ, chính sách minh bạch … vẫn là những điều kiện cần thiết để tạo niềm tin đối với nhà đầu tư.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-is-hard-to-attract-western-investors-dt-05202020152934.html

Nhà cầm quyền CSVN hy vọng EVFTA được thông qua để giúp hồi phục kinh tế

Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ loan tin, sáng ngày 20 tháng 5 năm 2020, tại kỳ họp thứ 9 khoá 14 của Quốc hội Cộng sản Việt Nam, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó chủ tịch nước Cộng sản Việt Nam đã đọc tờ trình để Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa nhà cầm quyền và Liên minh châu Âu.
Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đánh giá, nếu hiệp định EVFTA thành công thì nó sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu ngân sách tăng cao. Tuy nhiên, Hiệp định này nó cũng sẽ khiến cho nhà cầm quyền phải “đau đầu” tìm cách đối phó trước sức ép yêu cầu mở cửa thị trường, đáp ứng các quy định về thủ tục, quan thuế, tiêu chuẩn kỹ thuật, cải cách và nhiều yêu cầu khác từ phía đối tác Liên minh châu Âu.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công thương đánh giá, hiệp định này sẽ giúp cho Việt Nam giảm nghèo nhanh hơn. Ông Tuấn Anh nói rằng, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, EVFTA sẽ giúp cho 0.8 triệu người Việt thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với tỷ lệ giảm nghèo là 0.7%. Hiệp định này cũng sẽ giúp Việt Nam thu hẹp được khoảng cách tiền lương theo giới tính thêm 0.15%. Đặc biệt, EVFTA sẽ giúp các công ty Việt có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho chuỗi cung ứng đang bị đứt đoạn vì dịch coronavirus 19.
Tuy nhiên, dư luận đánh giá thì đây mới chỉ là hy vọng của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, vì trên thực tế nền sản xuất của Việt Nam rất đơn điệu, phần lớn là phụ thuộc vào Trung Cộng và các công ty ngoại quốc.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-csvn-hy-vong-evfta-duoc-thong-qua-de-giup-hoi-phuc-kinh-te/

Điểm tin trong nước sáng 21/5: Phát tán tài liệu có bản đồ ‘đường lưỡi bò’, Bayer Việt Nam xin lỗi

Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng ngày 21/5 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Phát tán tài liệu có bản đồ “đường lưỡi bò”, Bayer Việt Nam xin lỗi
Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM (TT&TT) đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Lynette Moey Yu Lin – Tổng Giám đốc Công ty Bayer Việt Nam về hành vi “sử dụng thư điện tử cá nhân để cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam”.
Tài liệu “Covid-19 – Lessons from China” chia sẻ kinh nghiệm chống dịch của Trung Quốc, có đính kèm bản đồ ‘đường lưỡi bò’, đã được bà Lynette Moey Yu Lin email cho 9 trưởng bộ phận của công ty vào cuối tháng 4, tài liệu này sau đó được chuyển tới toàn bộ nhân viên của Bayer Vietnam.
Bản tin của Bloomberg cập nhật ngày 20/5 nói Bayer Vietnam đã xin lỗi về điều mà công ty này cho là một ‘tai nạn’ không có chủ ý. Bayer nói bản đồ Biển Đông gây tranh cãi nằm trong một tài liệu nội bộ, và công ty Bayer đã lập tức ngưng phát tán, đồng thời tìm cách thu hồi các email về tài liệu này.
Trang mạng của Vietnam Business Insider dẫn lời Đại diện truyền thông của Bayer Việt nam nói rằng đây chỉ là một ‘sơ suất không đáng có’.
Cảnh báo nguy cơ virus mới từ tôm Trung Quốc vào Việt Nam
Ngày 20/5, Bộ NN&PTNT dẫn thông tin từ mạng lưới các Trung tâm nuôi trồng thủy sản vùng châu Á-Thái Bình Dương (NACA) cho biết: Từ tháng 2/2020 đến nay, tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) xuất hiện loài virus mới có tên Decapod iridescent virus 1 (DIV1). Đã có khoảng 1/4 diện tích nuôi tôm của Quảng Đông bị ảnh hưởng từ virus DIV1.
Các nhà nghiên cứu cho biết loài virus này lây nhiễm cho tôm ở tất cả giai đoạn sinh trưởng, có thể gây bệnh cho cả một số loài tôm biển, tôm nước lợ, tôm nước ngọt.
Một số loại tôm đã phát hiện bị lây nhiễm như tôm càng đỏ, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, tôm hùm đất, tôm càng sông, tôm gai, tôm sú hoang dã ở vùng biển Ấn Độ Dương, cua cà ra, cua bờ sọc.
Theo báo Pháp Luật, loài virus DIV1 được phát hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2014 trên mẫu tôm càng đỏ, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh.
Hiện vẫn chưa xác định được chính xác đường lây truyền của virus DIV1, nhưng có khả năng nguồn lây được truyền từ loài giun nhiều tơ được sử dụng làm thức ăn cho tôm bố mẹ, tôm hoang dã.
Tại Việt Nam, hiện chưa có thông tin về bệnh do virus DIV1 xâm nhập. Nhưng Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản gửi Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên đề nghị ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn tươi sống cho thủy sản.
Mục đích để kịp thời phòng chống, ngăn chặn virus DIV1 xâm nhập vào nước ta, gây thiệt hại cho ngành tôm trong nước.
Thanh tra xác nhận có đường dây “chống trượt” tại Đại học Điện lực
Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã phát hiện ra những sự thật gây sốc ở Đại học Điện lực. Một lãnh đạo khoa ngang nhiên đứng ra tổ chức rồi nhận tiền “chống trượt” của sinh viên – hành vi được đánh giá là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức nhà giáo.
Theo báo Lao động, Đoàn Thanh tra của Bộ Công Thương đã phát hiện Khoa Điều khiển và Tự động hoá thu lệ phí tốt nghiệp 200.000 đồng/sinh viên và được thực hiện từ lâu. Đây là khoản thu sai quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, Thanh tra còn phát hiện Khoa Điều khiển và Tự động hoá thu tiền “chống trượt” của sinh viên Cao đẳng khoá 16. Qua xác minh, làm việc với sinh viên là đầu mối thực hiện thu tiền “chống trượt” của lớp C16, sinh viên này xác nhận có 22 sinh viên lớp C16 nộp tiền “chống trượt” tốt nghiệp với tổng số tiền 70 triệu đồng.
Những vấn đề tiêu cực tại Khoa Điều khiển và Tự động hoá không phải bây giờ mới bị phanh phui. Trước đó, tháng 7/2019, Báo Lao Động có đăng tải bài viết “Hàng trăm sinh viên Đại học Điện lực bị nghi được nâng điểm, cấp khống bằng tốt nghiệp”, phản ánh về tình trạng tiêu cực một cách có hệ thống trong công tác đào tạo tại Khoa Điều khiển và Tự động hóa, đây là khoa lớn và nổi tiếng bậc nhất của Đại học Điện Lực.
Yêu cầu báo cáo tình trạng cá nhân, DN Trung Quốc đang nắm các khu đất ‘trọng yếu’ ở Việt Nam
Bộ Tài nguyên – Môi trường vừa có công văn gửi TP. Đà Nẵng yêu cầu TP này chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh từng trường hợp, xử lý theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng về việc cá nhân, DN Trung Quốc đang nắm các khu đất trọng yếu mà Bộ Quốc phòng đưa ra vài ngày trước. Đồng thời gửi Bộ trước ngày 25/5, theo Thanh Niên.
Trước đó, Bộ Quốc phòng có thống kê chi tiết về việc người Trung Quốc sở hữu đất vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Từ năm 2011-2015, tại khu vực biên giới biển TP. Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của TP.
Các lô đất này nằm tại các vị trí dọc các khu đô thị ven biển; ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp (thuộc P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn); khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang (Q. Sơn Trà).
12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, đa số không trả được nợ đúng hạn
Chính phủ vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, theo Dân trí.
Tại dự án Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam – một trong 12 dự án nghìn tỷ yếu kém – Ngân hàng PVcomBank đã khởi kiện Vinapaco, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Vinapaco phải trả cho PVcomBank tổng số tiền là 592,3 tỷ đồng.
Chính phủ cho biết, dư nợ của các dự án, doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn. Nguy cơ mất trắng vốn thời gian tới rất cao khi nhiều dự án không thể vận hành hiệu quả, càng vận hành càng lỗ nặng hơn và có nguy cơ phải phá sản.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-21-5-phat-tan-tai-lieu-co-ban-do-duong-luoi-bo-bayer-viet-nam-xin-loi-yeu-cau-bao-cao-tinh-trang-ca-nhan-dn-trung-quoc-dang-nam-cac-khu-dat-trong-yeu.html

Điểm tin trong nước chiều 21/5: Gian lận điểm thi ở Hòa Bình, cựu Trưởng phòng An ninh lĩnh 6 năm tù

Minh Khuê
Mục điểm tin trong nước sáng ngày 21/5 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Gian lận điểm thi ở Hòa Bình, cựu Trưởng phòng An ninh lĩnh 6 năm tù
Ngày 21/5, TAND tỉnh Hòa Bình tuyên Khương Ngọc Chất – nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình, nhận mức án 6 năm tù. Bị cáo Chất bị coi là đồng phạm có tổ chức, là người xúi giục Mạnh Tuấn nâng điểm, hành vi này rất nghiêm trọng.
HĐXX xác định bị cáo Nguyễn Quang Vinh – nguyên Trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Hòa Bình đã cấu kết chặt chẽ với các bị cáo khác để thực hiện việc nâng điểm; có vai trò cầm đầu, chủ mưu vụ án, bị cáo lĩnh 8 năm tù.
Cùng tội danh này, Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi, cựu Hiệu phó Trường nội trú huyện Lạc Thủy) lĩnh 3 năm tù. Ngoài ra, Tuấn còn chịu 7 năm tù về tội Nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt, bị cáo lĩnh 10 năm tù.
Panasonic chuyển sản xuất thiết bị từ Thái Lan sang Việt Nam
Tập đoàn Panasonic của Nhật Bản sẽ di dời hoạt động sản xuất một nhà máy lớn ở ngoại ô Bangkok, Thái Lan sang Việt Nam vào mùa thu năm nay nhằm tiết kiệm chi phí, theo Nikkei.
Nhà máy ở Thái Lan sẽ ngừng sản xuất máy giặt vào tháng 9, sau đó ngừng sản xuất tủ lạnh vào tháng 10. Cơ sở này sẽ đóng cửa vào tháng 3 năm 2021. Hoạt động của nhà máy này sẽ chuyển sang ngoại ô Hà Nội.
CSGT xử phạt gần 70.000 trường hợp vi phạm trong 5 ngày đầu tổng kiểm soát
Cục cảnh sát giao thông hôm 21/5 cho hay trong 5 ngày thực hiện Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện, lực lượng CSGT trên cả nước đã lập biên bản 65.556 trường hợp vi phạm (trong đó xe khách: 2.602 trường hợp; xe container: 783 trường hợp, xe con: 4.813 trường hợp, mô tô: 45.955 trường hợp, phương tiện khác: 11.403 trường hợp). Tước GPLX: 4.526 trường hợp.
Về số tiền xử phạt trong 5 ngày đầu tổng kiểm soát, phía cục cảnh sát giao thông hiện chưa công bố. Trước đó, trong 4 ngày đầu tổng kiểm soát, số tiền phía lực lượng cảnh sát giao thông cả nước xử phạt là hơn 32 tỷ đồng.
Thanh Hóa và Ninh Thuận: Có sai phạm trong chi trả hỗ trợ do Covid-19
Bộ LĐ-TB-XH phát hiện tại Thanh Hoá có tình trạng vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận. Tại xã Thiệu Thành (H.Thiệu Hóa) còn đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo, theo Thanh niên.
Tại Ninh Thuận, cán bộ thôn Liên Sơn 2 (xã Phước Vinh, H.Ninh Phước) đã chi thiếu tiền hỗ trợ thiệt hại do Covid-19 cho 6 người nghèo.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-chieu-21-5-gian-lan-diem-thi-o-hoa-binh-cuu-truong-phong-an-ninh-linh-6-nam-tu.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.