Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 01/05/2020

Friday, May 1, 2020 3:53:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 01/05/2020

Trung cộng đề phòng sau khi Hoa Kỳ tuần tra biển Đông

Tin Bắc Kinh, Trung Cộng – Quân đội Trung Cộng vào thứ Năm, 30 tháng 4, đã gọi Hoa Kỳ là kẻ gây rối tại biển Đông, đồng thời cho biết nước này đang trong thế sẵn sàng để bảo vệ lợi ích quốc gia tại vùng biển tranh chấp.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đang đối đầu gay gắt tại biển Đông, sau khi Hoa Kỳ liên tục thực hiện 2 nhiệm vụ thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Cộng trong vài ngày qua.
Tuần dương hạm hỏa tiễn USS Bunker Hill của Hoa Kỳ đã thực hiện một nhiệm vụ tự do hàng hải tại quần đảo Trường Sa vào thứ Tư, chỉ 1 ngày sau khi khu trục hạm hỏa tiễn USS Barry thi hành nhiệm vụ tương tự gần quần đảo Hoàng Sa. Hạm đội 7 Hoa Kỳ nói các nhiệm vụ này là nhằm đáp trả các tuyên bố chủ quyền trái phép trên biển Đông, vốn đang đe dọa đến quyền tự do di chuyển của mọi tàu thuyền và máy bay ngang qua khu vực.
Vào tuần trước, một khu trục hạm Úc đã cùng tập trận chung với các chiến hạm Hoa Kỳ tại biển Đông, sau khi tàu nghiên cứu Hải Dương Địa Chất của Trung Cộng cùng một đội tàu hải cảnh đeo bám tàu thăm dò dầu mỏ của Malaysia.
Ông Wu Qian, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Cộng, nói rằng nước này đang theo dõi sát các hành động của quân đội Hoa Kỳ và Úc. Ngoài ra, ông Wu còn cáo buộc Hoa Kỳ là thế lực lớn nhất đang thúc đẩy việc quân sự hóa biển Đông, đồng thời cũng là kẻ gây rối phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực. (BBT)

Biển Đông: Bắc Kinh lên án Mỹ-Úc tập trận ‘‘gây bất ổn hòa bình khu vực’’

Trọng Thành
Khẩu chiến giữa Trung Quốc và Mỹ cùng đồng minh về Biển Đông tiếp tục. Ngày 01/05/2020, đến lượt bộ Quốc Phòng Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ thúc đẩy « quân sự hóa » Biển Đông. Tuyên bố được đưa ra hơn một tuần sau cuộc tập trận của Hải Quân Mỹ – Úc tại một khu vực phía nam Biển Đông.
Trang mạng Financial Review dẫn lời người phát ngôn bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) lên án cuộc tập trận nói trên, với nhận định: « Thực tế đã một lần nữa chứng minh Hoa Kỳ là kẻ tạo điều kiện lớn nhất cho việc quân sự hóa Biển Đông và là kẻ gây bất ổn hòa bình và ổn định khu vực ».
Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc khẳng định: « Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân luôn trong tình trạng báo động cao, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của quốc gia, cũng như hòa bình và thịnh vượng của khu vực ».
Căng thẳng tại Biển Đông tăng thêm một nấc vào lúc tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc tiến hành khảo sát ở khu vực gần nơi mà tàu thăm dò của công ty dầu khí Nhà nước của Malaysia Petronas hoạt động, trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.
Hôm 21/04, Hải Quân Mỹ xác nhận tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đã được triển khai ở Biển Đông. Hôm 22/04, bộ Quốc Phòng Úc cho biết tàu hộ vệ tên lửa HMAS Paramatta của Hải quân Hoàng gia Úc tập trận cùng với ba chiến hạm Mỹ. Hãng tin Anh Reuters cũng xác nhận ba chiến hạm Mỹ đã đến gần khu vực tàu Trung Quốc khảo sát.
Bắc Kinh bị nhiều quốc gia, trước hết là Hoa Kỳ tố cáo lợi dụng thế giới đang chao đảo vì đại dịch Covid-19, để lấn lướt ở Biển Đông. Ngày 18/04, Trung Quốc loan báo thành lập « hai quận » quản lý quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam đòi hỏi chủ quyền, và quần đảo Trường Sa, mà một số nước Đông Nam Á, như Việt Nam, Philippines và Malaysia đòi hỏi chủ quyển toàn bộ hay một phần. Cùng lúc đó, Bắc Kinh thông báo đặt tên cho 80 thực thể địa lý, trong đó có nhiều vị trí dưới đáy biển. Hành động của Trung Quốc bị nhiều luật gia lên án là vi phạm luật pháp quốc tế.
Trước đó, ngày 17/04, Trung Quốc gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc đòi hỏi đích danh chính quyền Việt Nam « rút mọi lực lượng và phương tiện khỏi các đảo và đá mà nước này đã xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp » ở quần đảo Trường Sa. Công hàm nói trên được nhiều nhà quan sát cho là ngầm ẩn đe dọa sử dụng vũ lực. Một số nhà nghiên cứu khẳng định lần gần nhất Bắc Kinh yêu cầu Việt Nam rút khỏi quần đảo Trường Sa là vào cuối tháng 2/1988, tức chỉ ít tuần trước khi Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa.
Chính quyền Mỹ dường như đang gia tăng sự hiện diện tại Biển Đông để ngăn ngừa nguy cơ Trung Quốc manh động. Ngày 30/04, theo Bộ Tư Lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương Hoa Kỳ, hai oanh tác cơ chiến lược B-1B Lancer đã có chuyến bay diễn tập trong vòng 33 giờ với trọng tâm là Biển Đông. Lần diễn tập trước đó của oanh tạc cơ B-1B Lancer là cùng với Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản, cách đây một tuần.

Mỹ điều hai máy bay ném bom chiến lược tuần tra ở Biển Đông

Hôm 29/4 Hoa Kỳ đã điều động hai máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer tuần tra trên Biển Đông.
Bộ Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ công bố thông tin vừa nói hôm 30/4/2020.
Tin cho biết, hai chiến đấu cơ ném bom B-1B cất cánh từ căn cứ không quân Ellsworth, bang South Dakota, Mỹ bay thẳng đến Biển Đông, sau khi tuần tra đã quay ngược về Mỹ. Toàn bộ hành trình xuyên Thái Bình Dương kéo dài trong 32 giờ.
Hoạt động này thể hiện cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực. Đồng thời cho thấy mô hình xây dựng chiến lược không quân của Mỹ trở nên năng động hơn, phù hợp chiến lược quốc phòng quốc gia về sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom chiến lược.
Việc điều động chiến đấu cơ này này diễn ra cùng thời điểm Mỹ liên tiếp có hai chiến hạm thuộc Hạm đội 7, trong các hoạt động tuần hành tự do hàng hải ở biển Đông.
Cụ thể vào ngày ngày 29/4 , Tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill (CG 52), thuộc lớp Ticonderoga, 4 đã di chuyển qua vùng biển gần quần đảo Trường Sa.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG 52), vào hôm 28/4 cũng đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp.
Cả hai tàu này trước đó cũng đã hộ tống tàu đổ bộ USS America (LHA 6) tiến gần khu vực ngoài khơi Malaysia, nơi có tàu thăm dò Hải dương Địa chất 8 (HD 8) của Trung Quốc đang hoạt động.
Được biết trước đó, hôm 18/4 tàu USS Bunker Hill cũng tham dự cuộc tập trung trên Biển Đông cùng USS America và HMAS Parramatta của Australia trên Biển Đông.
Đây là đợt thứ 2, làm nhiệm vụ bay thẳng từ lục địa Mỹ đến châu Á của máy bay ném bom B-1B Lancer. Trước đó, vào ngày 22/4, một chiếc tương tự cũng đã bay thẳng từ Mỹ đến tập trận cùng với lực lượng phòng vệ đường không Nhật Bản.
Việc triển khai máy bay ném bom bay thẳng từ lục địa Mỹ nhằm phù hợp với chiến lược “không thể đoán trước được” của chiến lược không quân Mỹ. Nhiệm vụ đầu tiên diễn ra vào tháng 4/2014, khi máy bay ném bom B-52H Stratofortresses và B-2 Spirits bay thẳng từ lục địa Mỹ đến căn cứ không quân liên hợp Hickam ở Trân Châu Cảng.

Tàu chiến Mỹ tuần tra tự do hàng hải gần Hoàng Sa

Tàu khu trục Mỹ mang tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG-52) thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Một quan chức Hải quân Mỹ hôm qua xác nhận thông tin này với trang USNI News và cho biết thêm, hoạt động của tàu khu trục được tiến hành theo kế hoạch.
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đưa tin, Hải quân nước này đã triển khai lực lượng theo dõi, giám sát một tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển Hoàng Sa.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc ngang ngược dùng vũ lực chiếm đóng trái phép.
Hôm 18/4, Mỹ và Australia tiến hành tập trận chung trên Biển Đông với sự tham gia của tàu tuần dương USS Bunker Hill, tàu đổ bộ tấn công USS America và tàu hộ vệ HMAS Parramatta.
Trong cuộc họp báo ngày 23/4, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nêu rõ:
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán cũng như các biện pháp hòa bình khác, kể cả biện pháp quy định tại UNCLOS.
Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán ở các quốc gia ở khu vực Biển Đông như được xác lập tại UNCLOS 1982 là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế, hoạt động của các nước cần đóng góp vào mục tiêu chung này.

Các nhà hàng hải châu Âu thừa nhận chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông từ thế kỷ XVI

Cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ nối liền với nhau như hình một mũi dao và được đặt tên là Costra de Pracel.
Nhà xuất bản Fushosha của Nhật Bản vừa phát hành cuốn sách “Những điều người Nhật Bản đang hiểu lầm về lịch sử cận, hiện đại Đông Nam Á” của Phó Giáo sư Kawashima, nguyên giảng viên trường Đại học Tokyo, Nhật Bản, trong đó đã chỉ ra hai tư liệu lịch sử quan trọng, thừa nhận chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông do các nhà hàng hải châu Âu đưa ra từ thế kỷ XVI.
Bản đồ “India Orientalis” (Đông Ấn Độ) được nhà hàng hải Hà Lan tên là Jodocus Hondius (1563-1612) lập nên từ thế kỷ XVI, trong đó cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ nối liền với nhau như hình một mũi dao và được đặt tên chung là Pracel. Vùng bờ biển miền Trung Việt Nam đối diện với quần đảo này được đặt tên là Costa de Pracel. Điều này chứng tỏ tác gia bản đồ đã ghi nhận sự liên hệ mật thiết giữa lãnh thổ Việt Nam với Pracel.
Tư liệu lịch sử thứ hai được học giả người Nhật Bản đề cập chính là tấm bản đồ “Siam and the Malay Archipelago” do The Times Atlas – Printing House Square xuất bản tại London, Anh vào năm 1896. Trên bản đồ này đã có sự phân biệt rõ ràng giữa các đảo thuộc Paracel (quần đảo Hoàng Sa) với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và các đảo ven bờ biển miền Trung Việt Nam với tên gọi rất rõ ràng. Đặc biệt, trong quần đảo Trường Sa có những đảo đã được ghi tên tiếng Việt như đảo Thị Tứ, đảo Loại Ta, chứng tỏ người Việt đã quản lý, đặt tên cho các đảo này và được các nhà bản đồ học châu Âu chấp nhận và ghi tên tiếng Việt lên bản đồ.
Với hai tư liệu lịch sử quan trọng nêu trên, Phó Giáo sư Kawashima khẳng định, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là không có căn cứ, khi mà hai triều đại nhà Minh, nhà Thanh của Trung Quốc thực hiện chính sách bế quan tỏa càng và cấm người dân nước mình đi thuyền ra nước ngoài. Trong khi đó, cũng trong thời kỳ này, các nhà hàng hải châu Âu đã thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.