Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 07/04/2020

Tuesday, April 7, 2020 5:15:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 07/04/2020

TT Trump có thể can thiệp

vụ cựu Hạm trưởng tàu sân bay bị xúc phạm

TT Trump nói ông có thể can thiệp vào vụ Đại tá Hải quân Crozier vừa bị cách chức, bị Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly xúc phạm trước mặt các thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
Trong một bài phát biểu trên chiếc tàu sân bay neo tại đảo Guam, quyền Bộ Trưởng hải quân Modley đã có lời lẽ xúc phạm đến cựu chỉ huy chiếc tàu trước thủy thủ đoàn của ông, nói rằng Đại tá Crozier “hoặc là quá ngây thơ, hoặc quá ngu xuẩn”, không xứng đáng để chỉ huy tàu sân bay Theodore Roosevelt.
Ông Modley nói:
“Nếu ông ấy không nghĩ rằng thông tin đó có thể bị rò rỉ ra ngoài trong thời đại thông tin mà chúng ta đang sống thì hoặc là ông ta quá ngây thơ hoặc quá ngu xuẩn để chỉ huy một tàu chiến như thế này.”
Ông Modley nói thêm: “Nếu không thì ông ta đã làm như vậy một cách có chủ đích.”
Những lời lẽ xúc phạm tới vị cựu chỉ huy vốn được các thủy thủ ngưỡng phục, đã gây phẫn nộ, một thủy thủ nói với Reuters với điều kiện danh tính được giữ kín.
Thoạt tiên tuyên bố ông bảo vệ từng lời phát biểu của mình, ông Modley sau đó đã ngỏ lời xin lỗi và đính chính: “Tôi không tin Đại tá Brett Crozier là ngây thơ hoặc là ngu.”
Tại một cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc, TT Trump đề nghị ông sẽ đứng ra giải quyết vấn đề, và cho biết ông sẽ tìm hiểu chi tiết vụ việc và nhanh chóng đi đến một giải pháp.
Trước đó khi dịch Covid-19 lây lan trên tàu, Đại tá Crozier đã viết một bức tâm thư dài 4 trang, miêu tả tình hình đen tối trên tàu và khẩn khoản cấp trên sơ tán phần lớn các thủy thủ để cách ly trước khi dịch bệnh vuột tầm kiểm soát.
Bức thư được gửi theo hệ thống quân giai, nhưng đồng gửi cho nhiều người khác, nên rốt cuộc bị tiết lộ ra ngoài.
Tối ngày 4/4, Tổng thống Trump chỉ trích Đại tá Crozier, cho rằng việc viên chỉ huy tàu viết thư cầu cứu gửi lên cấp trên xin sơ tán các thủy thủ ra khỏi tàu là hành động “không phù hợp”. TT Trump còn đổ lỗi cho Đại tá Crozier là đã ghé cảng Việt Nam dù chuyến thăm đã được cấp cao nhất của Hải quân Hoa Kỳ phê chuẩn trước.
Một quan chức Mỹ xin giấu tên nói với Reuters rằng các quan chức quân đội đề nghị không nên sa thải Đại tá Crozier, ít nhất cho tới khi điều tra đã hoàn tất.
Quan chức này nói ông Modley được cho biết là Tòa Bạch ốc muốn loại Đại tá Crozier, nhưng không có chứng cớ là TT Trump ra lệnh cho ông Modley sa thải Đại tá Crozier.
Bản tin Reuters nói cả ông Modley và TT Trump đều bị chỉ trích về quyết định cách chức Đại tá Crozier. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ Adam Smith, một đảng viên Dân chủ, hôm 7/4 kêu gọi bãi nhiệm ông Modley.
https://www.voatiengviet.com/a/phan-no-vu-cuu-ham-truong-tau-san-bay-bi-quyen-bo-truong-hai-quan-xuc-pham/5363201.html

PNV Nhà Trắng Grisham chuyển sang

làm chánh văn phòng cho đệ nhất phu nhân

Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham thôi giữ chức vụ này và chuyển sang làm chánh văn phòng cho Đệ nhất Phu nhân Melania Trump, Nhà Trắng cho biết hôm thứ Ba 7/4.
Bà Grisham, người trước đó là giám đốc truyền thông cho Đệ nhất Phu nhân, đã chuyển sang làm thư ký báo chí Nhà Trắng, thay cho bà Sarah Sanders vào tháng 6.
https://www.voatiengviet.com/a/pnv-nha-trang-chuyen-sang-lam-chanh-van-phong-de-nhat-phu-nhan/5363347.html

Tổng thống Trump chất vấn

phóng viên bị nghi làm việc cho Trung Quốc

Minh Hòa
Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Hai (6/4), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chất vấn một phóng viên mà ông nghi ngờ làm việc cho chính quyền Trung Quốc.
Khi đó, nữ phóng viên của Phoenix TV đã mở đầu câu hỏi bằng cách đề cập rằng chính phủ Trung Quốc và các công ty Trung Quốc như Huawei và Alibaba đã “quyên tặng” vật tư và thiết bị y tế cho Hoa Kỳ để đối phó với dịch virus corona.
Tổng thống Trump bình luận rằng nữ phóng viên đang tìm cách đưa ra “một tuyên bố chứ không phải là một câu hỏi”. Sau đó, ông nói về tình trạng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc, một thực tế mà chính phủ của ông đang khắc phục bằng những chính sách cứng rắn với Bắc Kinh.
Nữ phóng viên Phoenix TV bỗng xen ngang lời phát biểu của Tổng thống, cô hỏi: “Ông có đang hợp tác với Trung Quốc không?”
Đáp lại, Tổng thống Trump chất vấn: “Cô làm việc cho ai? Trung Quốc phải không? Cô làm việc cho Trung Quốc phải không? Hay cô làm việc cho một tờ báo?”
Phóng viên trả lời rằng cô làm việc cho Phoenix TV, một hãng tin có trụ sở tại Hồng Kông. Ông Trump tiếp tục hỏi: “Ai sở hữu nó? Trung Quốc phải không? Hãng tin đó thuộc sở hữu của Trung Quốc? Nó thuộc sở hữu của nhà nước phải không?”
Nữ phóng viên đáp: “Đó là một công ty tư nhân”.
Daily Caller cho biết Phoenix TV không hoàn toàn thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc, nhưng nội dung của hãng tin này được đánh giá là “đồng cảm” với Bắc Kinh.
Đáp lại dòng tweet của Daily Caller, một cư dân mạng Twitter (@BusinessEigoNY) bình luận: “Nhà sáng lập của họ là Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Một người khác (@chahongkong) viết: “Tôi là người Hồng Kông. Đây rõ ràng là một tên gián điệp. Người Hồng Kông đều có cảm nhận chung rằng hãng tin này là thuộc sở hữu của chính quyền Trung Quốc”.
Freedom House, một cơ quan nghiên cứu ủng hộ dân chủ, cho biết Phoenix TV thuộc sở hữu của một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với các quan chức Bắc Kinh.
Trong một báo cáo năm 2017, Freedom House viết: “Các tin bài của Phoenix TV thường ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”. Freedom House cho biết Phoenix TV còn đăng những video “thú tội” của nhiều người bị bắt giữ vì phê bình ĐCSTQ.
Viện Hoover nhận định Phoenix TV là một hãng tin “bán chính thức” của Bắc Kinh và có liên quan tới Bộ An ninh của Trung Quốc.
Khác với các chính quyền tiền nhiệm, Tổng thống Trump đã đưa ra những biện pháp cứng rắn đối với các xúc tu tuyên truyền của ĐCSTQ xâm nhập vào nền tự do báo chí của Mỹ. Vào tháng 2, chính quyền Trump đã chỉ định 5 hãng tin Trung Quốc phải bị đối xử như các cơ quan chính phủ nước ngoài, bao gồm Tân Hoa Xã, CGTN, China Radio, China Daily và Nhân dân Nhật báo.
The New York Times khi đó bình luận: “Động thái này là nỗ lực mới nhất của chính quyền Trump nhằm chống lại các hoạt động tình báo và gây ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Hoa Kỳ”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-chat-van-phong-vien-bi-nghi-lam-viec-cho-trung-quoc.html

COVID-19: Bill Gates hành động

để thay đổi ‘kịch bản ác mộng’

Tỷ phú Bill Gates vừa loan báo Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates sẽ chi ra hàng tỉ USD để tài trợ viêc xây dựng nhà máy cho 7 dự án có triển vọng nhất trong nỗ lực phát triển vắc-xin chống virus Covid-19, với hy vọng có thể khống chế đại dịch COVID-19 sớm nhất có thể.
Loan báo nỗ lực từ thiện mới nhất của quỹ Bill & Melinda Gates trong cuộc phỏng vấn với Trevor Noah, người dẫn chương trình The Daily Show hôm 2/4, Bill Gates thừa nhận rằng tổ chức từ thiện của ông có thể mất nhiều tỉ đôla trong trường hợp nỗ lực phát triển vắc-xin thất bại, nhưng theo ông, đó là một rủi ro có tính toán.
Muốn khống chế COVID-19 lâu dài, phải tạo ra vắc xin
Bill Gates nói trong tình hình hiện nay, cách ly xã hội để giảm lây, và tìm ra vắc-xin là hai phương cách duy nhất để khống chế dịch Covid-19 trong ngắn hạn và dài hạn.
Nhà đồng sáng lập tập đoàn Microsoft, một trong những người giàu nhất thế giới, nói ông sẵn sàng chi tiền để sớm tìm ra vắc-xin, ‘dù chỉ sớm được vài tháng, bởi vì sớm tháng nào hay tháng ấy’.
“Số tiền mà chúng tôi chi ra sớm có thể đẩy nhanh tiến trình tạo vắc-xin. Dù biết rằng rốt cuộc tối đa chỉ có thể chọn 2 dự án, chúng tôi vẫn tài trợ cho cả 7 dự án để khỏi phí thời gian chờ cho tới khi chọn được vắc-xin hữu hiệu, rồi mới xây nhà máy,” Bill Gates nói.
Trước đó vào tháng Ba, Quỹ Bill & Melinda Gates đã chi ra 125 triệu USD để xác định và phát triển các phương thức điều trị bệnh Covid-19, căn bệnh do virus Corona, tức SARS-CoV-2, gây ra.
Giữa lúc con số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại Hoa Kỳ tiếp tục tăng từng giờ, Bill Gates mô tả tình hình tại Hoa Kỳ là “kịch bản ác mộng” vì những sự lây nhiễm từ người sang người đang tăng theo cấp số nhân.
Ông nói với các biện pháp giãn cách xã hội gắt gao và tăng cường xét nghiệm, tình hình có thể cải thiện và có cơ may số tử vong sẽ thấp hơn con số được dự báo là từ 100.000 tới 240.000 ca.
“Nếu thực hiện kiểm tra và cách ly xã hội hiệu quả, chúng ta có thể giàm số tử vong. Nhưng điều phải làm ngay là giải quyết những khó khăn để đẩy mạnh xét nghiệm, làm sao để tất cả 50 tiểu bang phải cùng chung lưng hợp tác. Có như vậy, chúng ta mới giảm được số ca tử vong so với dự báo. Lẽ đương nhiên, chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất đắt để đạt mục tiêu đó.”
Ông nhấn mạnh giải pháp lâu dài là Hoa Kỳ phải sản xuất hàng triệu, có thể hàng tỉ, liều vắc-xin trong vòng từ 12 tới 18 tháng, vì đây ‘không phải là một cuộc khủng hoảng nhất thời’, mà nó có thể kéo dài 6 tháng, thậm chí nhiều năm.
Bill Gates cảnh báo về đại dịch corona cách đây 5 năm
Vào năm 2015, trong một bài diễn văn trên diễn đàn Ted Talk, tỷ phú Bill Gates cảnh cáo rằng một đại dịch corona có thể giết chết hàng triệu người trong những thập niên tới, và ông đề ra một số biện pháp để chuẩn bị ứng phó.
“Nếu có điều gì có thể giết hơn 10 triệu người trong vài thập niên tới thì có phần chắc đó là một virus có khả năng lây lan mạnh, chứ không phải là chiến tranh hạt nhân. Chúng ta đã đầu tư một ngân khoản khổng lồ để có những vũ khí hạt nhân răn đe, thế mà lại đầu tư rất ít vào một hệ thống để có thể ngăn một đại dịch. Hiện giờ chúng ta chưa sẵn sàng để có thể đối phó với dịch bệnh kế tiếp.”
Đáng tiếc là lời khuyên của Bill Gates đã không được lắng nghe khiến cho cả thế giới giờ đây phải chật vật đối phó với dịch bệnh COVID-19 đang cướp đi hàng ngàn sinh mạng mỗi ngày.
Nên rút ra bài học nào từ đại dịch COVID-19?
Tỷ phú Bill Gates nói đại dịch COVID-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh hối thúc chúng ta phải chuẩn bị để ứng phó tốt hơn với một đại dịch trong tương lai.
“Bài học có giá trị nhất, theo tôi, là chúng ta phải chuẩn bị như đã từng chuẩn bị cho chiến tranh. Như trong quân đội, chúng ta có sẵn một lực lượng thường trực, luôn trong vị thế sẵn sàng ứng chiến. Ngoài ra còn cần có một lực lượng trừ bị để có thể kịp thời tăng cường yểm trợ khi cần. NATO chẳng hạn, còn có một đơn vị phản ứng nhanh. NATO tập trận thường xuyên để bảo đảm lực lượng của họ được huấn
luyện đầy đủ và luôn trong tình trạng sẵn sàng tham chiến. Đó là những điều mà chúng ta phải làm để khống chế đại dịch.”
Bill Gates cho rằng có 3 điều chủ yếu cần làm để chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng kế tiếp.
Thứ nhất vì đại dịch không dừng lại ở biên giới, các nước giàu cần giúp các nước nghèo củng cố hệ thống y tế của họ để phục vụ dân địa phương, và quan trọng không kém là để sớm phát hiện các vụ bột phát dịch bệnh.
Thứ hai, chúng ta phải có một lực lượng y tế trừ bị, được huấn luyện thường xuyên, có kinh nghiệm chuyên môn để sẵn sàng tham gia chống dịch.
Thứ ba, cần huy động quân đội để phối hợp lực lượng y tế, tận dụng các khả năng về hậu cần, khả năng di chuyển nhanh và khả năng bảo đảm trật tự xã hội.
Với hơn 363.000 ca lây nhiễm và hơn 10.500 ca tử vong tại Hoa Kỳ; 1,27 triệu người nhiễm và 69,000 ca tử vong trên khắp thế giới (tính vào chiều ngày 6/4 theo số liệu của Đại học Johns Hopkins), chưa có dấu hiệu gì là COVID-19 sắp sửa được khống chế.
Chuyên gia hàng đầu của Mỹ về các bệnh truyền nhiễm, Bác sĩ Fauci, cảnh giác rằng khó có thể hoàn toàn loại virus ra khỏi hành tinh, cho nên virus COVID-19 có thể tái bột phát trong mùa tới. Ông nói ‘rút kinh nghiệm lần này, Hoa Kỳ cần chuẩn bị kỹ hơn nhiều để có thể ứng phó hữu hiệu hơn.’
https://www.voatiengviet.com/a/covid19-bill-gates-hanh-dong-de-thay-doi-kich-ban-ac-mong/5362848.html

Cơ quan y tế quận Riverside ra lệnh

người dân phải ở nhà, phải che mặt khi ra ngoài

Tin từ quận Riverside, California – Trước tình trạng nghiêm trọng của đại dịch coronavirus, cơ quan y tế ra lệnh cư dân quận Riverside phải ở nhà và phải che mặt khi rời khỏi nhà. Cán bộ Y tế Công cộng Quận Riverside, bác sĩ Cameron Kaiser đã ban hành lệnh vào thứ Bảy (04/04/2020) để phản ứng trước tình trạng số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh, và ra lệnh rằng không tụ tập với bất kỳ ai, trừ các thành viên gia đình sống trong chung nhà. Bác sĩ Kaiser cũng yêu cầu cư dân che mặt khi rời khỏi nhà, kể cả những người làm công việc thiết yếu.
Những vật dụng dùng để che mặt có thể là khăn bandanas, khăn quàng cổ, khăn cổ đa năng hoặc các loại vải che không có lỗ. Người dân được khuyên không nên mua khẩu trang N95 hoặc khẩu trang phẫu thuật vì nguồn cung cấp hạn chế, khi nhân viên y tế và người phản ứng khẩn cấp là đối tượng cần những loại khẩu trang này hơn. Các viên chức cho biết mục đích của lệnh này là để khuyến khích người dân tuân thủ các biện pháp đã được dùng ngăn số người bị lây nhiễm thành công. Theo lệnh này thì các cơ quan hành pháp của quận có thẩm quyền thực thi lệnh này nếu thấy cần thiết. Lệnh sẽ có hiệu lực đến hết ngày 30/04/2020.
BTT
https://www.sbtn.tv/co-quan-y-te-quan-riverside-ra-lenh-nguoi-dan-phai-o-nha-phai-che-mat-khi-ra-ngoai/

Mô hình mới dự báo

số người tử vong vì Covid-19 tại Mỹ giảm

Hương Thảo
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Washington đã cập nhật một mô hình tính toán dự đoán số người tử vong vì Covid-19 tại Mỹ thấp hơn nhiều so với mô hình trước đó.
The Epoch Times đưa tin, mô hình này là kết quả nghiên cứu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) của Đại học Washington, Mỹ.
Mô hình dự báo đến tháng 6 năm 2020, Mỹ sẽ không còn ca tử vong mới vì virus Vũ Hán, tổng số ca tử vong tại nước này sẽ nằm trong khoảng 49.431 ca đến 136.401 ca (trung bình là 81.765 ca). Phiên bản trước khi cập nhật của mô hình này đã dự báo tổng số ca tử vong tại Mỹ sẽ lên tới 93.531 người.
Thống đốc New York Andrew Cuomo và Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên của Lực lượng đặc nhiệm Nhà Trắng chống virus corona là hai trong số các quan chức hàng đầu của tiểu bang và nước Mỹ đã trích dẫn số liệu dự báo của mô hình mới.
Đỉnh điểm về số ca tử vong tại Mỹ được dự báo sẽ diễn ra vào ngày 16/4, ước tính nằm trong khoảng 1.282 đến 7.703 ca (trung bình là 3.130 ca). Mô hình trước đó dự báo con số trung bình ước tinh số ca tử vong đỉnh điểm sẽ là 2.644 ca. Tuy nhiên, với mô hình mới, số ca tử vong hàng ngày được dự báo sẽ giảm nhanh hơn so với mô hình cũ.
Tiến sĩ Christopher Murray, giám đốc IHME, cho biết trong một tuyên bố rằng mô hình dự báo được sửa đổi để “phản ánh việc phân tích dựa trên dữ liệu mới”.
Ông Murray nói: “Vì chúng tôi có được nhiều dữ liệu và dữ liệu chính xác hơn, các dự báo mà chúng tôi tại IHME tạo ra trở nên chính xác hơn”.
Ông cho biết: “Những dự báo này rất quan trọng đối với các nhà quản lý y tế, các nhà hoạch định chính sách và bất kỳ ai có liên quan đến việc chăm sóc những người bị ảnh hưởng và lây nhiễm virus corona”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/mo-hinh-moi-du-bao-so-nguoi-tu-vong-vi-covid-19-tai-my-giam.html

Giữa đại dịch coronavirus, khuyến cáo về đại dịch

 của cựu tổng thống George W. Bush bỗng nổi lại.

Vừa qua, đoạn phim chiếu lại của cựu tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush khi ông khuyến cáo những rủi ro về đại dịch hồi năm 2005 tại Viện Y tế Quốc gia  đã thu hút sự khen ngợi muộn màng từ những người từng phỉ báng ông, và đặt ra những câu hỏi mới về tình trạng sẵn sàng đối phó với thảm họa của chính phủ liên bang kể từ thời của chính quyền George W. Bush trở về sau.
Hôm Chủ nhật (05/04/2020) cựu cố vấn hàng đầu của cựu tổng thống Bush, Karl Rove, nói với Fox News rằng, mặc dù tổng thống Bush chuẩn bị cho đại dịch, kế hoạch đó đã không được duy trì đúng cách. Đồng thời, ông Rove cũng khẳng định rằng thật quá đáng khi có ý kiến cho rằng cựu tổng thống đã bị “ám ảnh” bởi đại dịch. Ông Rove nói tổng thống Bush đã đọc cuốn “The Great Influenza” của John M. Barry về đại dịch cúm năm 1918, nên đã hành động một cách toàn diện.
Cố vấn an ninh nội địa, Fran Townsend nói với ABC News rằng tổng thống Bush đã rất nỗ lực, khi cùng các viên chức Nội các lên kế hoạch đối phó với đại dịch, lập họa đồ cho các hệ thống khuyến cáo sớm cho toàn cầu, tài trợ cho các kỹ thuật sản xuất nhanh vaccine, dự trữ khẩu trang và máy thở. Theo ông Rove, cựu tổng thống đã trải qua đại dịch SARS vào năm 2002 và 2003, nên ông rất nghiêm chính với vấn đề này và khẩn cấp đưa ra khuyến cáo.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/giua-dai-dich-coronavirus-khuyen-cao-ve-dai-dich-cua-cuu-tong-thong-george-w-bush-bong-noi-lai/

Các thống đốc kêu gọi

điều chỉnh chương trình Food Stamp

Tin Phoenix, Arizona – Nhiều người dân Mỹ hiện nay không dám đi ra ngoài mua thực phẩm do sợ dịch Covid-19 và đã chuyển sang mua hàng qua mạng. Tuy nhiên, những người đang nhận chương trình hỗ trợ thực phẩm liên bang SNAP lại không thể sử dụng chương trình này theo cách linh hoạt như vậy. Hiện chỉ có 6 tiểu bang Hoa Kỳ cho phép người nhận SNAP được mua thực phẩm qua mạng.
Hiện tại, nhiều chính phủ tiểu bang và các tổ chức dân sự đang kêu gọi Bộ Nông Nghiệp điều chỉnh để chương trình SNAP linh hoạt hơn và dễ sử dụng hơn, trong bối cảnh nhiều người Mỹ đang bị mất việc làm và phải tìm hỗ trợ từ chính phủ. Tại Arizona, Thống Đốc Cộng Hòa Doug Ducey đã yêu cầu Bộ Nông Nghiệp miễn yêu cầu phỏng vấn những người xin hỗ trợ thực phẩm, cho phép các gia đình dùng SNAP để mua thực phẩm đã chế biến, miễn yêu cầu việc làm đối với một số người, đồng thời nới lỏng một số quy định khác để giúp các gia đình vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế hiện nay. Bộ Trưởng Nông Nghiệp Sonny Perdue cho biết ông hiện vẫn chưa quyết định về chương trình SNAP, và thêm rằng đạo luật hỗ trợ kinh tế vừa được quốc hội phê chuẩn có bao gồm lệnh miễn trừ yêu cầu về việc làm đối với một số người nhận hỗ trợ thực phẩm.
Trong khi chờ đợt chính phủ, một số tiểu bang đã tự điều chỉnh chương trình hỗ trợ thực phẩm của họ. Người dân tại Washington, New York, Oregon đã có thể dùng thẻ SNAP để mua thực phẩm qua mạng, trong khi một số tiểu bang khác gia hạn SNAP cho những người lẽ ra có thể bị cắt hỗ trợ theo các quy định mới của chính phủ.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cac-thong-doc-keu-goi-dieu-chinh-chuong-trinh-food-stamp/

Điểm tin đại dịch corona

Danh sách những mất mát, đau thương vì đại dịch COVID-19 ngày càng dài thêm khi con người mất đi cả những cái nắm tay, ôm nhau, những sự thăm viếng trong lúc họ cần nhất.
Trong khi đó, bệnh nhân COVID-19 trên khắp thế giới đang đổ xô tham gia các cuộc nghiên cứu về một loại thuốc thử nghiệm chống virus corona. Nhiều người quan tâm đến thuốc remdesivir tới nỗi Viện Y tế Quốc gia Mỹ đang thúc đẩy quy mô cuộc nghiên cứu này.
Về thuốc sốt rét hydroxychloroquine để chữa trị COVID-19, cố vấn thương mại Toà Bạch Ốc cho hay thành viên trong đội đặc nhiệm chống virus corona cuối tuần qua vẫn còn tranh cãi về tác dụng của thuốc này đối với COVID-19.
Hoa Kỳ: Hy vọng mong manh tại hai điểm nóng
Trong vòng 6 tuần, số tử vong tại Mỹ vì virus corona từ 0 tăng lên hơn 10.000 người, tính tới 6/4, không lâu sau khi các giới chức khuyến cáo đây chưa phải là tuần khốc liệt nhất trong đại dịch này.
Thống đốc New York và New Jersey ngày 6/4 loan báo hai tiểu bang này đang thấy đà tấn công của virus corona có dấu hiệu chựng lại nhưng khuyến cáo mọi người chớ tự mãn trong lúc tử vong trên toàn nước Mỹ vì virus này đã lên hơn chục ngàn và số người nhiễm ở Mỹ đã là 350 ngàn.
Thống đốc New York, Andrew Cuomo, cho hay tính tới 6/4, số tử vong vì virus corona tại bang này là 4.758, tăng thêm 599 ca từ ngày Chủ nhật 5/4. Hôm thứ Bảy trước đó có 594 người chết và hôm thứ Sáu có 630 thiệt mạng vì dịch bệnh này tại bang New York.
Ông Cuomo khuyến cáo vẫn còn quá sớm để nới lỏng hạn chế giao tiếp xã hội nhưng nói rằng số ca tử vong giảm xuống có thể là một dấu hiệu cho thấy biện pháp giữ khoảng cách xã hội đang có hiệu quả tại điểm nóng có số người chết nhiều nhất vì COVID-19 tại Mỹ.
Số người bị nhiễm ở bang New York trong 24 giờ qua tăng 7% lên thành 130.680 người.
Số ca nhập viện, số người được đưa vào khu chăm sóc đặc biệt và số trường hợp phải dùng ống thở đều giảm, dấu hiệu cho thấy đà tấn công của COVID-19 tại đây có thể chựng lại.
Tại bang New Jersey lân cận, tiểu bang có số ca nhiễm và tử vong cao hàng thứ nhì ở Mỹ, tỷ lệ nhiễm virus corona hàng ngày từ 24% hôm 30/3 tới ngày 6/4 đã sụt xuống 12%.
Tổng cộng New Jersey báo cáo hơn 41.000 ca nhiễm và hơn 1.000 ca tử vong vì virus corona.
Các chuyên gia y tế của Toà Bạch Ốc dự báo số tử vong tại Mỹ vì đại dịch COVID-19 có thể từ 100.000 đến 240.000 người.
Tuần lễ chết chóc cao điểm
Bất chấp những tín hiệu hy vọng từ New York và New Jersey, bác sĩ Brett Giroir, thành viên lực lượng đặc nhiệm của Toà Bạch Ốc chống virus corona, cho hay nước Mỹ đang bước vào ‘tuần chết chóc cao điểm’ và đặc biệt báo động các nơi như New York, New Jersey, Connecticut và Detroit, Michigan.
Hơn 90% dân Mỹ đang chịu lệnh ‘ở nhà’ trong khi còn 8 tiểu bang chưa áp đặt lệnh cấm tương tự.
Châu Á
Trung Quốc loan báo sẽ nỗ lực ngăn chặn các ca bệnh COVID-19 nhập khẩu thông qua các đường biên giới trên bộ trong lúc số ca nhiễm virus corona không triệu chứng tại Trung Quốc tiếp tục tăng.
Nhật ngày 7/4 sẽ công bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và 6 khu vực khác trong lúc chính phủ chuẩn bị gói kích thích kinh tế gần 1 ngàn tỷ đô la.
Ấn Độ hy vọng tới cuối tuần này mỗi ngày có thể xét nghiệm virus corona cho 20 ngàn người, tăng đôi tỷ lệ hiện nay.
Indonesia cho hay số ca nhiễm hằng ngày tăng cao kỷ lục và hiệp hội y tế nước này loan báo có ít nhất 24 bác sĩ đã tử vong.
Châu Âu
Thủ tướng Anh, Boris Johnson, ngày 6/4 được đưa vào khu chăm sóc-điều trị đặc biệt trong bệnh viện sau khi ông có các triệu chứng nặng hơn vì virus corona, Văn phòng Thủ tướng cho biết. Ông Johnson, 55 tuổi, được đưa vào bệnh viện St Thomas tại London hôm 5/4, mười ngày sau khi xét nghiệm dương tính với virus corona và tình hình sức khoẻ không cải thiện. Văn phòng Thủ tướng cho biết tới trưa ngày 6/4, tình hình của ông Johnson ‘tệ đi’ nhưng ông vẫn còn tỉnh và rằng ông được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt như một biện pháp cẩn trọng, phòng khi cần máy thở. Đây là nhân vật lãnh đạo một chính phủ đầu tiên bị bệnh vì virus corona.
Tỷ lệ tử vong ở Tây Ban Nha hôm 6/4 tiếp tục giảm trong ngày thứ tư liên tiếp.
Bộ Y tế Na-uy cho biết dịch bệnh ở nước này đang nằm dưới tầm kiểm soát, với tỷ lệ nhiễm bệnh thấp.
Thủ tướng Ireland, Leo Varadkar, đăng ký trở lại hành nghề y trong lúc đất nước của ông đang chật vật đối phó với sự lây lan của đại dịch corona. Ông bỏ nghề y vào năm 2013 sau bảy năm làm bác sĩ để bước chân vào con đường chính trị và trở thành Thủ tướng trẻ nhất của Ireland vào năm 2017. Giờ đây, ông sẽ trở lại làm việc như một bác sĩ 1 ca 1 tuần để góp sức trong cuộc khủng hoảng COVID-19.
Đức Giáo hoàng Francis khởi sự quỹ khẩn cấp để hỗ trợ các vùng bị virus corona hoành hành ở các nước đang phát triển, Vatican loan báo ngày 6/4.
https://www.voatiengviet.com/a/c%E1%BA%ADp-nh%E1%BA%ADt-t%C3%ACnh-h%C3%ACnh-d%E1%BB%8Bch-corona-ng%C3%A0y-6-4/5362560.html

Covid-19: Số người chết tại Mỹ vượt hơn 10.000

Tú Anh
Trong 24 giờ, đã có thêm 1150 ca tử vong, 30.000 ca lây nhiễm. Theo thống kê của đại học John Hopkins, đại dịch Covid – 19 cho đến hết ngày 06/04/2020 đã giết chết hơn 10.900 người và lây nhiễm 366.000 người tại Mỹ.
Tuần này sẽ là một tuần rất đen tối, “một trận Trân Châu cảng“, theo dự báo của một quan chức bộ Y Tế. Tiếp tục bị chỉ trích phản ứng chậm và thiếu nhất quán, tổng thống Donald Trump thông báo được công ty chế tạo thiết bị y khoa 3M thỏa thuận cung cấp hàng triệu khẩu trang trong những tuần tới.
Cũng trong bối cảnh này, bản báo cáo của tổng thanh tra y tế chỉ ra những bất cập tại hơn 300 bệnh viện Mỹ, tình trạng khiếm khuyết trầm kha mà đại dịch là cơ hội để chính quyền quan tâm chỉnh đốn.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :
 ”Thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm và vì thời gian chờ kết quả quá dài, thiếu dụng cụ bảo hộ an toàn cho nhân viên y tế, thiếu cả bác sĩ lẫn y tá, công việc quá tải và thiếu cả những tiện nghi tối thiểu, thậm chí cả giấy vệ sinh…
Báo cáo của tổng thanh tra y tế liệt kê một danh sách thật dài về các thiếu thốn này và nhấn mạnh đến mối lo âu chính đáng  của nhân viên bệnh viện. Mỗi bệnh viện phải tự quản trị theo khả năng hạn hẹp. Một số nhà thương than phiền với tổng thanh tra là phải mua khẩu trang từ các tiệm bán nước sơn hay thẩm mỹ viện. Một vài nơi phải tự chế nước sát trùng.
Báo cáo cũng nói đến những trường hợp trống đánh xuôi kèn thổi ngược giữa chính phủ liên bang và các bang. Bị báo chí chất vấn, tổng thống Donald Trump cho rằng đây chỉ là ý kiến của tổng thanh tra y tế. 
Trên thực tế, đây là những thông tin dữ liệu thu thập từ 323 bệnh biện trên toàn quốc. Bản báo cáo có mục đích tìm kiếm một chiến lược chung nhằm chấn chỉnh tình trạng khiếm khuyết này. Nhưng với Donald Trump thì chuyện này coi bộ khó. ” Ông thanh tra đó tên gì?” chủ nhân Nhà Trắng đặt câu hỏi này, trước khi bình luận bóng gió : không chừng có dụng ý chính trị che dấu trong bản báo cáo này.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200407-covid-19-s%E1%BB%91-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%BFt-t%E1%BA%A1i-m%E1%BB%B9-v%C6%B0%E1%BB%A3t-h%C6%A1n-10-000

Wisconsin hoãn bầu cử sơ bộ

Tin Madison, Wisconsin – Thống Đốc Tony Evers của Wisconsin vào thứ Hai, 6 tháng 4, đã ra lệnh hoãn cuộc bầu cử sơ bộ của tiểu bang đến ngày 9 tháng 6. Lệnh này được công bố vào chiều thứ Hai, sau khi quốc hội do đảng Cộng Hòa kiểm soát phớt lờ yêu cầu của ông Evers về việc gia hạn thời gian cho những người bỏ phiếu qua thư. Sắc lệnh của Thống Đốc Evers ra lệnh đình chỉ mọi cuộc bỏ phiếu trực tiếp, vốn dự kiến diễn ra vào thứ Ba.
Ông Evers cũng yêu cầu quốc hội mở phiên họp đặc biệt vào thứ Ba để quyết định ngày bỏ phiếu mới. Nếu các nhà lập pháp không đưa ra được nghị quyết nào để đổi ngày, việc bỏ phiếu trực tiếp sẽ diễn ra vào ngày 9 tháng 6. Ông Evers nói, ông muốn bảo vệ người dân được an toàn và đã yêu cầu quốc hội làm nhiệm vụ của họ. Tuy nhiên, do các viện lập pháp không có hồi đáp trong khi ngày bầu cử đã đến gần, ông không thể tiếp tục đứng yên. Ông Evers cho biết mục tiêu sau cùng của sắc lệnh của ông chỉ là nhằm giữ cho người dân được an toàn. Mọi lá phiếu đã được bầu đều sẽ được đếm.
Trong khi đó, các đại diện quốc hội Wisconsin, đều thuộc đảng Cộng Hòa, nói rằng sắc lệnh của Thống Đốc Evers là lạm quyền và vi phạm hiến pháp, nhằm chi phối cuộc bầu cử sơ bộ ngày 7 tháng 4. Các chính trị gia này cho biết vào tuần trước, một thẩm phán liên bang đã nói rằng tòa án không có quyền hủy cuộc bầu cử, và Thống Đốc Evers cũng không có quyền này. Cuộc chiến pháp lý về quyền hạn của ông Evers trong việc đổi ngày bầu cử dự kiến sẽ diễn ra tại Tối Cao Pháp Viện Wisconsin.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/wisconsin-hoan-bau-cu-so-bo/

Boeing kéo dài vô thời hạn thời gian đình chỉ sản xuất

tại nhà máy ở tiểu bang Washington

Vào hôm Chủ nhật (5/4), công ty Boeing cho biết họ sẽ gia hạn đình chỉ hoạt động sản xuất tại các cơ sở của tiểu bang Washington cho đến khi có thông báo mới, trong bối cảnh dịch coronavirus bùng phát.
Vào ngày 23 tháng 3, nhà sản xuất máy bay lớn nhất của Hoa Kỳ cho biết họ sẽ ngừng sản xuất tại nhà máy máy bay tại của tiểu bang Washington như một biện pháp tạm thời để giúp chống lại sự bùng phát của bệnh đường hô hấp này. Trước đó, khâu sản xuất được dự kiến sẽ tiếp tục vào đầu tuần này. Boeing từ chối cho biết khi nào việc sản xuất có thể tiếp tục.
Họ tuyên bố rằng các hành động này “được đưa ra vì công ty tiếp tục tập trung vào sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, đánh giá hiện tại về sự lây lan của COVID-19 tại tiểu bang Washington, độ tin cậy của chuỗi cung ứng và các đề nghị bổ sung từ các cơ quan y tế của chính phủ”.
Boeing sẽ ngừng trả lương cho khoảng 30,000 công nhân sản xuất trong tuần này tại tiểu bang Washington, sau khi họ tăng gấp đôi số tiền nghỉ phép được trả cho công nhân sản xuất sau khi bị đình chỉ lên 10 ngày. Nhân viên có thể sử dụng thời gian nghỉ có lương, nghỉ phép và nghỉ ốm trong thời gian chờ đợi và sẽ tiếp tục nhận được các lợi ích y tế.
Vào hôm Chủ nhật (5/4), Boeing cho biết khoảng 135 thành viên của lực lượng lao động toàn cầu 160,000 người của họ thử nghiệm dương tính với coronavirus. (BBT)
https://www.sbtn.tv/boeing-keo-dai-vo-thoi-han-thoi-gian-dinh-chi-san-xuat-tai-nha-may-o-tieu-bang-washington/

Quân đội Hoa Kỳ yêu cầu thêm tài trợ cho khu vực

Thái Bình Dương sau đại dịch coronavirus

Tin từ WASHINGTON, DC – Các viên chức quân sự Hoa Kỳ đã đưa ra một yêu cầu chi tiêu để tăng cường răn đe Trung Cộng sau khi đại dịch coronavirus bùng phát; một dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo an ninh quốc gia đang nghiên cứu cách thức tăng cường vị thế của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi đại dịch kết thúc.
Theo tin từ NYTIMES, một báo cáo từ Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, được gửi tới Quốc hội vào tuần trước, kêu gọi 20.1 tỷ mỹ kim chi tiêu bổ sung từ năm 2021 đến 2026. Chi phí này sẽ được dùng cho các hệ thống báo động radar và hỏa tiễn hành trình mới, đồng thời sẽ chi trả cho nhiều cuộc tập trận với các đồng minh, bố trí các lực lượng bổ sung và các trung tâm chia sẻ thông tin tình báo mới. Những nỗ lực này sẽ giúp cải thiện khả năng của quân đội Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn Quân Trung Cộng. Yêu cầu này, được đưa tin lần đầu tiên bởi Defense News, cho thấy nhiều người trong bộ quốc phòng Hoa Kỳ tin rằng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng có thể sẽ gia tăng giữa đại dịch.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/quan-doi-hoa-ky-yeu-cau-them-tai-tro-cho-khu-vuc-thai-binh-duong-sau-dai-dich-coronavirus/

Cựu nhà lập pháp Mỹ nói WHO đã giúp

chính quyền Trung Quốc che giấu sự thật về Covid-19

Thiện Lan
Vào ngày 6/4, trong chương trình “America’s Newsroom” của hãng Fox News, ông Thaddeus McCotter, cựu Dân biểu tiểu bang Michigan, Mỹ cho biết Hoa Kỳ nên xem xét cắt giảm tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì tổ chức này đã giúp Trung Quốc che giấu sự thật về dịch viêm phổi Vũ Hán.
“WHO đã mất tính khách quan, sự trung thực và uy tín của họ”, ông McCotter nói.
Trước đó, vào hôm 2/4, Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Martha McSally, đại diện tiểu bang Arizona cho biết trên Fox Business rằng Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cần phải từ chức vì đã dùng vị thế của mình để bao che cho Trung Quốc giấu giếm dịch Covid-19.
Tương tự, ông Richard Tren, đồng sáng lập tổ chức ‘Châu Phi chiến đấu với bệnh sốt rét’ (AFM) đã bình luận trên tờ The Federalist rằng, thế giới có thể chống đại dịch mà không cần WHO.
Ông Tren cho hay, bác sĩ Bruce Aylward, một cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng tin RTHK của Hồng Kông, đã từ chối trả lời câu hỏi về cách xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán của Đài Loan. Một đoạn clip về cuộc trao đổi đã thu hút hàng ngàn lượt xem trên Twitter, và ngày càng có nhiều lời kêu gọi ông Aylward phải giải thích.
Tuy nhiên, theo ông Tren, hành vi của vị cố vấn này chỉ là một trong vô số các ví dụ mà WHO ưu tiên đặt chính trị lên trên các chính sách phù hợp.
Ông Tren viết trên The Federalist: “WHO đang bị chỉ trích vì xử lý virus Vũ Hán một cách chính trị. Đầu đại dịch, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, được biết đến rộng rãi với cách gọi đơn giản là Tedros, đã ca ngợi phản ứng của Trung Quốc đối với đại dịch mới xảy ra”.
Ông Tren cũng chỉ ra thực tế là WHO liên tục ca ngợi và ủng hộ Trung Quốc, dù chính quyền Bắc Kinh đã liên tục tìm cách bưng bít thông tin đại dịch, nói dối về nó một cách trắng trợn và trừng phạt những bác sĩ cảnh báo công chúng về dịch bệnh.
“Hậu quả là, dịch bệnh lẽ ra chỉ là vấn đề sức khỏe ở địa phương hoặc khu vực, nhưng nó đã trở thành một đại dịch toàn cầu, những điều mà chúng ta chưa từng trải qua trong 100 năm nay”, ông Richard nhấn mạnh.
https://www.dkn.tv/the-gioi/cuu-nha-lap-phap-my-noi-who-da-giup-chinh-quyen-trung-quoc-che-giau-su-that-ve-covid-19.html

Guatemala tìm cách kiềm chế việc trục xuất

dân di dân bất hợp pháp của Hoa Kỳ

Tin từ GUATEMALA CITY – Vào hôm Chủ nhật (5 tháng 4), Bộ trưởng Bộ Y tế Hugo Monroy cho biết, Guatemala yêu cầu Hoa Kỳ hạn chế việc trục xuất di dân bất hợp pháp về quốc gia Trung Mỹ này xuống còn 25 người một máy bay, vì lo lắng về sự lây lan của coronavirus.
Hiện nay, Hoa Kỳ đưa 60 đến 90 người di dân về trên mỗi chuyến bay, và có tới ba chuyến bay mỗi ngày đến Guatemala, điều này trở thành một phần quan trọng trong kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm kiềm chế dòng người di dân bất hợp pháp. Yêu cầu hôm Chủ nhật được đưa ra sau khi hai người di dân bị trục xuất phải nhập viện trong những tuần gần đây vì dương tính với coronavirus, dù khi đến họ không có triệu chứng nhiễm loại virus này. Ông Monroy cho hay, họ đưa ra yêu cầu trên để bảo vệ sức khỏe cho người dân Guatemala. Đồng thời, ông cũng nói rằng có 25 người trên chuyến bay hôm thứ Hai (6/4) đã được chứng nhận khỏe mạnh sau 15 ngày theo dõi tại Hoa Kỳ trước khi bị trục xuất.
Ông cũng tuyên bố Guatemala chỉ chấp nhận những người bị trục xuất đến từ khu vực xung quanh thủ đô của nước này để kiềm chế dịch bệnh, vì hầu hết người di dân Guatemala ở Hoa Kỳ đến từ các vùng nông thôn. Cho đến nay, Guatemala ghi nhận 70 trường hợp nhiễm bệnh và ba trường hợp tử vong do coronavirus.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/guatemala-tim-cach-kiem-che-viec-truc-xuat-dan-di-dan-bat-hop-phap-cua-hoa-ky/

Bộ trưởng Giáo dục Brazil

chỉ trích Trung Quốc trục lợi từ đại dịch

Hải Lam
Bộ trưởng Giáo dục Brazil Abraham Weintraub hôm 6/4 cáo buộc Trung Quốc trục lợi từ đại dịch bằng cách chỉ bán khẩu trang và các vật tư y tế cho bên trả giá cao.
Bloomberg dẫn lời ông Weintraub nói trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Bandeirantes sáng 6/4: Khi đại dịch bùng phát, thay vì cảnh báo thế giới, họ lại giấu nhẹm thông tin và vội vã sản xuất khẩu trang, và giờ họ đang bán chúng cho các nước đang muốn mua loại mặt hàng này dù giá cao.
Cuộc phỏng vấn trên diễn ra một ngày sau khi Bộ trưởng Giáo dục Brazil tạm xóa bài đăng trên Twitter. Ông đã viết rằng: Covid-19 là âm mưu “thống trị thế giới” của Trung Quốc, “về mặt địa chính trị, ai sẽ trở nên mạnh hơn sau cuộc khủng hoảng toàn cầu này?”. Ông Weintraub đã đặt câu hỏi: Ai ở Brazil đang thông đồng với kế hoạch thống trị thế giới này của Trung Quốc?.
Trong bài đăng gốc bằng tiếng Bồ Đào Nha, Bộ trưởng Weintraub thay thế chữ “r” trong Brazil thành chữ “L”, đọc thành BLazin, chế giễu cách đọc tiếng Anh của người Trung Quốc. Ông đã tạm xóa bài đăng này hôm 5/4.
Trong cuộc phỏng vấn với Bandeirantes, ông nói mình không phân biệt chủng tộc, mà chỉ bày tỏ thái độ trước cách Trung Quốc xử lý đại dịch và cáo buộc nhà sản xuất khẩu trang Trung Quốc trục lợi.
Ông Weintraub nói thêm, ông chỉ rút lời nếu Brazil mua được máy thở cho các bệnh viện ở trường đại học với giá chấp nhận được.
“Nếu họ có thể giao 1.000 máy thở cho các bệnh viện của tôi, tôi sẽ đi đến đại sứ quán Trung Quốc và nói: ‘Tôi là một kẻ ngốc’”, ông cho hay.
The Guardian, tuần trước, Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta cho biết trong khi Brazil đang vật lộn để có được nguồn cung máy thở và các vật tư y tế khác từ Trung Quốc, thì Trung Quốc lại hủy một số đơn hàng của Brazil mà không đưa ra lời giải thích. Ngày 6/4, vấn đề được chia sẻ rộng rãi trên mạng với hashtag phổ biến nhất trên Twitter tại Brazil là #TradeBlockadeOnChinaNow.
Reuters đưa tin, Bộ trưởng Giáo dục Weintraub là một trong nhiều cố vấn của chính quyền Bolsonaro, trong đó có con trai của Tổng thống và Ngoại trưởng Ernesto Araujo. Ông lên tiếng kêu gọi nước này liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ và thận trọng với Trung Quốc, đối tác chính mua hàng nông sản và quặng sắt của Brazil.
Cũng theo The Guardian, Brazil là quốc gia Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch viêm phổi Vũ Hán, với hơn 500 trường hợp tử vong trong số hơn 12.000 ca bệnh.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, mối quan hệ giữa Brazil và Trung Quốc trở nên căng thẳng. Hồi tháng 3, ông Eduardo Bolsonaro, con trai Tổng thống Brazil đăng trên Twitter rằng Covid-19 là lỗi của Trung Quốc. Reuters cho hay, ông cũng so sánh cách xử lý dịch bệnh của Trung Quốc với thảm họa hạt nhân Chernobyl.
https://www.dkn.tv/the-gioi/bo-truong-giao-duc-brazil-chi-trich-trung-quoc-truc-loi-tu-dai-dich.html

Cộng đồng quốc tế đang tăng cường những nỗ lực

 trong đối phó, ngăn chặn đại dịch Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và gây ra những hậu quả nặng nề hiện nay, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải nỗ lực hơn nữa trong hợp tác, phối hợp để đối phó với bệnh dịch này.
Hội nghị ASEAN-Mỹ thúc đẩy chia sẻ, hợp tác ứng phó dịch Covid-19
Ngày 1/4, Hội nghị liên ngành các quan chức cao cấp ASEAN-Mỹ nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ và ASEAN trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19 cũng như các thách thức y tế công cộng đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam, Chủ tịch Nhóm công tác của Hội đồng Điều phối ASEAN và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương David Stilwell đồng chủ trì.
Đại diện các cơ quan liên quan của ASEAN trong Nhóm công tác Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE) và đại diện liên ngành của Mỹ gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh (CDC), Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID)
và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tham dự. Tại Hội nghị, các nước ASEAN và Mỹ đã chia sẻ thông tin cập nhật tình hình cũng như các biện pháp đang được triển khai của mỗi bên để kiểm soát và ngăn chặn dịch Covid-19. Hai bên cam kết tăng cường hợp tác chặt chẽ, phối hợp ứng phó hữu hiệu với dịch bệnh, bảo vệ an toàn và sức khỏe cho người dân.
Hai bên thống nhất sẽ tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi nghiên cứu khoa học trong kiểm soát, ngăn chặn lây nhiễm và điều trị các ca bệnh, tiếp tục duy trì trao đổi và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan của cả hai bên ở cả cấp cao và cấp làm việc trong thời gian tới. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell đánh giá cao những nỗ lực và những kết quả đạt được của ASEAN trong ứng phó với dịch Covid-19. ASEAN hoan nghênh Mỹ tích cực hỗ trợ các nước ASEAN trong ứng phó dịch bệnh, trong đó có việc Mỹ trợ giúp gần 19 triệu USD cho các nước ASEAN và dự kiến hỗ trợ thành lập trung tâm kiểm soát dịch bệnh khu vực ASEAN. Các nước ASEAN đề nghị Mỹ phối hợp trong đào tạo nhân lực cán bộ y tế cho ASEAN, dành thêm các suất học bổng cho sinh viên ASEAN theo học ngành y tế công cộng tại Mỹ.
Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục các biện pháp đảm bảo an toàn cho công dân của nhau bị tác động bởi dịch bệnh. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cám ơn các nước ASEAN đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Mỹ được trở về từ các vùng dịch, khẳng định sẽ trợ giúp công dân các nước ASEAN đang sinh sống, học tập và làm việc ở Mỹ. ASEAN và Mỹ khẳng định sẽ tích cực phối hợp thúc đẩy các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh, duy trì thị trường mở, ổn định trao đổi thương mại, dịch vụ và đầu tư, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, nhất là các vật tư y tế. Trên cương vị đồng chủ trì Hội nghị và đại diện cho Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh các nỗ lực ứng phó chủ động, kịp thời của ASEAN khi dịch bệnh khởi phát đã đạt những kết quả ban đầu. Cập nhật về tình hình và chính sách ứng phó với dịch Covid-19 tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Dũng khẳng định với các biện pháp quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam hiện đang được kiểm soát tốt. Tại Hội nghị, đại diện Việt Nam đề xuất các định hướng hợp tác giữa ASEAN và Mỹ trong kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh cũng như ứng phó với các tác động tiêu cực về kinh tế-xã hội, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân; khẳng định Việt Nam sẽ tích cực phát huy công tác điều phối các nỗ lực của ASEAN vì mục tiêu này
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc lần đầu tiên thông qua nghị quyết theo thủ tục đặc biệt thời dịch Covid-19
Ngày 30/3/2020, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua các nghị quyết theo hình thức bỏ phiếu qua văn bản trong bối cảnh không thể họp trực tiếp tại trụ sở LHQ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Có 4 nghị quyết đã được thông qua trong lần bỏ phiếu đầu tiên này. Đó là Nghị quyết 2515 gia hạn nhiệm vụ Nhóm chuyên gia (PoE) của Ủy ban 1718 liên quan CHDCND Triều Tiên; Nghị quyết 2516 gia hạn Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Somalia (UNSOM); Nghị quyết 2517 gia hạn mức trần của cấu phần quân sự và cảnh sát của Phái bộ hỗn hợp LHQ-Liên minh châu Phi tại Sudan (UNAMID) và Nghị quyết 2518 về an toàn và an ninh của lực lượng gìn giữ hoà bình (GGHB). Cả 4 nghị quyết được thông qua với 15 phiếu thuận. Nghị quyết 2515 quyết định gia hạn nhiệm vụ Nhóm chuyên gia của Ủy ban 1718 liên quan CHDCND Triều Tiên thêm 1 năm, đến ngày 30/4/2021. Nghị quyết cũng yêu cầu Nhóm chuyên gia có các báo cáo giữa kỳ trước ngày 3/8/2021 và cuối kỳ trước 5/2/2021 về tình hình thực hiện các nghị quyết của HĐBA liên quan Triều Tiên. Nghị quyết 2516 quyết định gia hạn hoạt động của Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Somalia đến ngày 30/6/2020. Nghị quyết nhấn mạnh vai trò của Phái bộ trong hỗ trợ Chính phủ Liên bang Somalia và các bang thành viên thông qua tư vấn chiến lược, nâng cao năng lực và phối hợp hỗ trợ của các đối tác quốc tế, hỗ trợ nhiệm vụ cho Phái bộ Liên minh châu Phi tại Somalia (AMISOM), Văn phòng Hỗ trợ của LHQ tại Somalia (UNSOS) và Nhóm công tác của LHQ tại Somalia. Nghị quyết 2517 quyết định giữ nguyên mức trần của cấu phần quân sự và cảnh sát của Phái bộ hỗn hợp LHQ-Liên minh châu Phi tại Sudan, cũng như các vị trí đóng quân của Phái bộ đến ngày 31/5/2020. HĐBA sẽ xem xét quyết định việc giảm bớt và tiến tới chấm dứt Phái bộ, đồng thời sẽ xem xét việc thông qua một nghị quyết thiết lập một cơ chế mới tiếp nối Phái bộ. Nghị quyết 2518 nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động GGHB đối với sứ mệnh chung về duy trì hoà bình, an ninh quốc tế; vai trò của lực lượng GGHB; những nguy hiểm mà lực lượng GGHB phải đối mặt; và các biện pháp bảo đảm an toàn và an ninh cho lực lượng GGHB.
ASEAN họp trực tuyến bàn về biện pháp phòng, chống Covid-19
Ngày 31/3, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN (SOM) đã chủ trì hội nghị trực tuyến đầu tiên của Nhóm công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Nhóm công tác được thành lập theo đề xuất của Việt Nam, Chủ tịch ASEAN, nhằm thúc đẩy phối hợp đồng bộ, liên ngành của cả Cộng đồng ASEAN ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Hội nghị có sự tham dự của các quan chức cao cấp ASEAN của 3 trụ cột: chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-Xã hội; các kênh hợp tác chuyên ngành quốc phòng, y tế, lao động, quản lý xuất nhập cảnh, thông tin, giao thông, nông nghiệp…Ủy ban các đại diện thường trực ASEAN (CPR) và Ban Thư ký ASEAN.
Hội nghị đã trao đổi sâu rộng về tình hình dịch bệnh ở các nước thành viên ASEAN, các biện pháp được các quốc gia thực hiện, cũng như của các cơ quan chuyên ngành và cả ASEAN kể từ khi bùng phát dịch bệnh tới nay. Các quan chức cao cấp các trụ cột Cộng đồng ASEAN nhất trí khuyến nghị lên ACC các đề xuất hợp tác và phối hợp cụ thể, thiết thực để huy động sức mạnh tổng thể của cả Cộng đồng ASEAN trong kiểm soát, ngăn chặn lây lan của dịch bệnh, cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với đời sống kinh tế, xã hội các nước thành viên. Các nước ASEAN nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong ASEAN, cũng như với các đối tác trong phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm và điều trị các ca bệnh; hợp tác đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch; duy trì nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống của người dân và trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu, hỗ trợ và bảo vệ kịp thời cho công dân các nước thành viên ASEAN ở các vùng dịch bệnh; ngăn ngừa và chặn đứng thông tin giả mạo, sai lệch…
ASEAN cũng sẽ tăng cường phối hợp triển khai các biện pháp và chính sách đồng bộ để giảm thiểu tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội của dịch bệnh, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các nhóm đối tượng yếm thế trong xã hội; cam kết duy trì mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa, thương mại và đầu tư ổn định, đảm bảo an sinh xã hội… Hội nghị đã thống nhất đệ trình các khuyến nghị về phương hướng hợp tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 lên ACC để xin ý kiến chỉ đạo của các bộ trưởng trước khi báo cáo lên lãnh đạo cấp cao ASEAN. Các nước cũng cơ bản nhất trí sẽ tổ chức trực tuyến Hội nghị Cấp cao ASEAN về phòng chống Covid-19 trong tháng 4/2020.
Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng ASEAN-EU về hợp tác ứng phó dịch Covid-19
Ngày 20/3 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng ASEAN-EU về hợp tác ứng phó dịch Covid-19. Tham dự Hội nghị, về phía ASEAN, có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong vai trò Chủ tịch ASEAN; Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, nước điều phối quan hệ ASEAN-EU cùng các đại diện của Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế các nước thành viên ASEAN; về phía EU có Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện Cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại An ninh và Cao ủy EU về Quản lý Khủng hoảng. Cuộc họp nhằm tăng cường hợp tác giữa ASEAN-EU, hai tổ chức khu vực hàng đầu, trong việc phối hợp ứng phó với dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên thế giới. Hai bên đã chia sẻ thông tin về tình hình và các biện pháp đang được triển khai của mỗi bên để kiểm soát và ngăn ngừa dịch Covid-19.
Các nước ASEAN và EU bày tỏ cảm thông và khẳng định sẽ đoàn kết, tích cực đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ trong phòng ngừa dịch bệnh. Hai bên nhất trí đẩy mạnh chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp chính sách, nhất là trong chẩn đoán, ngăn ngừa lây lan và điều trị các ca lây nhiễm, nghiên cứu, phát triển thuốc điều trị và vaccine. ASEAN và EU khẳng định đẩy mạnh nỗ lực giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh đối với các nước, nỗ lực duy trì trao đổi thương mại, đầu tư, tính đến các biện pháp dài hạn để khôi phục phát triển kinh tế… Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh đánh giá cao những nỗ lực và những kết quả đạt được của ASEAN trong việc phòng chống dịch Covid-19, đề nghị các nước ASEAN tạo điều kiện hồi hương cho công dân các nước EU đang du lịch tại khu vực Đông Nam Á. Các nước ASEAN mong muốn EU hỗ trợ bảo đảm y tế, điều trị cho công dân của ASEAN đang sinh sống, làm việc và học tập tại châu Âu.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore nhấn mạnh tính cấp thiết phải triển khai các biện pháp quyết liệt để củng cố năng lực của hệ thống y tế công cộng của các quốc gia, giảm tải cho các trung tâm điều trị tích cực vì nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến quá tải và tê liệt toàn bộ hệ thống. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã thông báo về nỗ lực ứng phó chủ động, kịp thời của ASEAN khi dịch bệnh bùng phát theo tinh thần Gắn kết và Chủ động thích ứng của ASEAN năm 2020. Các nước ASEAN đã sớm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phối hợp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, trợ giúp nhau về kỹ thuật, khởi động các cơ chế ứng phó khẩn cấp về y tế của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác.
http://biendong.net/bien-dong/33951-cong-dong-quoc-te-dang-tang-cuong-nhung-no-luc-trong-doi-pho-ngan-chan-dai-dich-covid-19.html

Virus Vũ Hán 7/4:

Ý báo cáo số ca nhiễm mới thấp nhất 3 tuần

Hải Lam
Theo cập nhật của Worldometers lúc 7h33 ngày 7/4 (giờ Việt Nam), dịch Covid-19 xuất hiện tại 209 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 1.345.741 ca nhiễm, trong đó 74.647 người đã tử vong và 278.428 người khỏi bệnh.
Hiện Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 366.994 ca nhiễm và 10.871 ca tử vong. New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ. Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết tỷ lệ tử vong tại bang này không tăng trong hai ngày qua, nhưng lệnh đóng cửa trường học và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu sẽ được kéo dài đến ngày 29/4. Chính quyền bang cũng tăng gấp đôi tiền phạt hành vi vi phạm cách ly xã hội từ 500 lên 1.000 USD.
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang có dấu hiệu hạ nhiệt, khi nhiều quốc gia báo cáo số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 giảm.
Tây Ban Nha và Ý vẫn là 2 vùng dịch lớn nhất châu Âu.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 637 ca tử vong, thấp hơn 37 người so với hôm qua và là mức thấp nhất 13 ngày qua. Tỷ lệ gia tăng ca nhiễm mới cũng chậm lại. Ý có thêm 3.599 ca nhiễm, mức tăng trong ngày thấp nhất kể từ 17/3. Nước này cũng ghi nhận thêm 636 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt là 132.547 và 16.523. Số người chết tăng trở lại sau nhiều ngày giảm liên tục.
3 vùng dịch lớn tiếp theo ở châu Âu lần lượt là Đức, Pháp và Anh.
Trung Quốc, Iran và Hàn Quốc là 3 vùng dịch lớn nhất châu Á. Reuters cho biết, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi hôm 6/4 khẳng định nước này quyết không nhờ Mỹ giúp chống dịch bệnh.
Về cơ bản, Hàn Quốc đã khống chế được dịch bệnh.
Tại Đông Nam Á, Malaysia vẫn là vùng dịch lớn nhất với 3.662 ca nhiễm, trong đó 61 người đã tử vong. Tiếp đến là Philippines và Indonesia. Indonesia là nước có tỷ lệ tử vong lớn nhất khu vực. Reuters đưa tin, hôm 6/4, nước này ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục và 24 y bác sĩ đã tử vong vì virus Vũ Hán.
Để xem số liệu mới nhất về số ca nhiễm, tử vong và hồi phục tại các nước trên thế giới, quý độc giả có thể truy cập: https://www.worldometers.info/coronavirus/
Dưới đây là một số tin vắn nổi bật về dịch viêm phổi Vũ Hán
Đan Mạch nới lệnh phong tỏa vào tuần tới
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hôm 6/4 thông báo chính phủ dự định sẽ mở lại các nhà trẻ và trường học vào ngày 15/4, đánh dấu việc nới lỏng lệnh phong tỏa sau 3 tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán.
Reuters cho biết thêm, tất cả các hạn chế còn lại bao gồm lệnh cấm tụ tập hơn 10 người sẽ được áp dụng ít nhất đến 10/5, trong khi lệnh cấm đối với các cuộc tụ họp lớn hơn sẽ được áp dụng cho đến tháng 8.
Bà Frederiksen cảnh báo rằng việc nới dần lệnh phong tỏa sẽ chỉ được thực hiện nếu tình hình dịch bệnh ổn định. Bà cũng kêu gọi tất cả người Đan Mạch tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ về cách ly xã hội và chăm sóc sức khỏe.
Đan Mạch, một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu phải phong tỏa toàn quốc, đã báo cáo số ca tử vong và nhiễm bệnh mới ở mức ổn định trong tuần qua. Trước đó, vào ngày 11/3, quốc gia Bắc Âu này thông báo đóng cửa các trường học, nhà trẻ, nhà hàng, quán cà phê và phòng tập thể dục, và cấm hầu hết người nước ngoài nhập cảnh.
Bulgaria cấm hầu hết người nước ngoài trên thế giới nhập cảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Bulgaria hôm 6/4 cho biết chính phủ ra lệnh cấm tất người nước ngoài nhập cảnh, ngoại trừ 19 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và một số trường hợp khác.
“Tôi ra lệnh cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Bulgari đối với tất cả công dân của các nước thứ ba thông qua các trạm kiểm soát biên giới với vận tải hàng không, đường biển, đường sắt hoặc ô tô”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trong một thông báo.
Lệnh cấm nhập cảnh cũng áp dụng với những người đến từ Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Áo, Bỉ, Iceland, Lichtenstein và Luxembourg. Các nhân viên y tế, nhân viên xã hội, đội ngũ vận tải, quan chức chính phủ và công nhân nông trại thời vụ không chịu hạn chế từ lệnh trên.
Công dân Bulgaria muốn về nước, những người có giấy phép sinh sống dài hạn ở nước này cũng như các thành viên trong gia đình sẽ được miễn trừ.
Bulgaria sẽ cho phép người dân từ EU và các nước láng giềng Serbia, Bắc Macedonia Montenegro và Thổ Nhĩ Kỳ quá cảnh.
Kenya phong tỏa 4 khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh
Reuters đưa tin, Tổng thống Uhuru Kenyatta hôm 6/4 ra lệnh phong tỏa 4 khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch Covid-19 trong 21 ngày, gồm thủ đô Nairobi, thành phố cảng Mombasa và các quận Kilifi và Kwale. Tuy nhiên, việc vận chuyển thực phẩm cũng như các hàng hóa khác sẽ không bị ảnh hưởng.
Cùng ngày, Cơ quan Hàng không Kenya thông báo tạm dừng các chuyến bay nội địa trong 21 ngày tại sân bay quốc tế Nairobi, Jomo Kenyatta và một số sân bay địa phương khác. Kenya Railways cho biết trên trang Facebook, họ đã ngừng vận chuyển khách giữa Nairobi và Mombasa.
Tổng thống Kenyatta cũng yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Những hạn chế đã được áp dụng, bao gồm cả giới nghiêm vào buổi tối, sẽ vẫn tiếp tục.
Romania gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày
Tổng thống Klaus Iohannis hôm 6/4 cho biết chính phủ sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày sau khi giai đoạn hiện tại kết thúc vào tuần tới.
“Điều này rất cần thiết. Mọi người cần hiểu rằng, nếu không có biện pháp này, chúng ta không ngăn được sự lây lan của virus”, ông Iohannis phát biểu trong một cuộc họp ngắn.
Ả Rập Xê Út giới nghiêm 24 giờ tại một số thành phố lớn
Các thành phố lớn của Ả Rập Xê Út như thủ đô Riyadh, Tabuk, Dammam, Dhahran, Hofuf, Jeddah, Taif, Qatif và Khobar đã áp đặt giới nghiêm 24 giờ mỗi ngày, có hiệu lực ngay từ 6/4 cho đến khi có thông báo mới, hãng thông tấn nhà nước (SPA) đưa tin.
Việc đi lại trong các thành phố cũng bị cấm. Người dân được phép ra ngoài để mua các nhu cầu thiết yếu nhưng chỉ trong khu dân cư nơi họ cư trú và trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 3 giờ chiều hàng ngày.
Mời quý độc giả theo dõi thông tin về tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán tại chuyên trang: https://www.dkn.tv/tag/dich-virus-corona
https://www.dkn.tv/the-gioi/virus-vu-han-7-4-so-ca-tu-vong-tai-y-tang-tro-lai-sau-nhieu-ngay-giam-lien-tuc.html

Những đại dịch tàn khốc và bài học thời Covid-19

Bryan WalshViết cho BBC Future
Đại dịch virus corona chủng mới, được đặt tên là Covid-19, lẽ ra đã có thể đoán trước được.
Từ những bài tường thuật của chính mình, tôi đã trực tiếp nắm được những thông tin về đại dịch này.
‘Giãn cách xã hội’ bao lâu thì chống được Covid-19?
Covid-19: Virus có thể lây khắp toà nhà chỉ sau vài giờ
Covid-19: Sai lầm chết người khi uống nước phòng bệnh
Vào tháng 10/2019, tôi tham dự một chương trình giả lập liên quan đến một đại dịch giả tưởng, do một loại virus corona mới gây ra, giết chết 65 triệu người, và vào năm 2017 tôi từng viết một phóng sự cho Tạp chí TIME về cùng chủ đề. Bài viết trên trang bìa tạp chí có tựa đề: “Cảnh báo: Thế giới chưa sẵn sàng cho đại dịch mới”.
Kiến thức của tôi không có gì đặc biệt lắm.
Trong 15 năm qua, không ít bài báo và các sách trắng từng đưa ra những cảnh báo thảm khốc rằng đại dịch toàn cầu với một loại bệnh hô hấp mới chỉ còn là vấn đề thời gian.
Trên tạp chí BBC Future vào năm 2018, chúng tôi tường thuật các chuyên gia tin rằng đại dịch cúm chỉ còn là vấn đề thời gian và rằng có thể có đến hàng triệu loại virus chưa được biết đến trên thế giới, và có một chuyên gia nói với chúng tôi rằng, “Tôi nghĩ có nhiều khả năng là đại dịch kế tiếp sẽ do một loại virus mới gây ra.”
Vào năm 2019, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh dưới quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành một diễn tập đại dịch có tên “Bệnh truyền nhiễm Đỏ”, trong đó họ giả định là có một đại dịch cúm xuất phát từ Trung Quốc và lan ra khắp thế giới.
Giả lập này dự đoán có thể sẽ có 586.000 người thiệt mạng chỉ riêng tại Mỹ.
Nếu ước tính bi quan nhất về Đại dịch Covid-19 trở thành hiện thực, thì thứ như “Bệnh truyền nhiễm Đỏ” sẽ còn là may mắn.
Chỉ mới tính đến ngày 26/3 đã có hơn 470.000 ca bệnh Covid-19 được xác định trên toàn cầu, với 20.000 người tử vong. Căn bệnh lan đến mọi châu lục trừ Nam Cực.
Trong thực tế thì nó đã là đại dịch từ trước khi Tổ chức Y tế Thế giới WHO chính thức tuyên bố đại dịch, vào ngày 11/3. Và lẽ ra ta phải thấy trước đại dịch này đang đến.
Covid-19 đánh dấu sự trở lại của kẻ thù cực kỳ xưa cũ và quen thuộc. Trong suốt lịch sử, không gì giết chết nhiều người bằng virus, vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh.
Nên gọi là ‘virus Vũ Hán’, ‘virus corona’ hay tên khác?
Covid-19: Làm việc ở nhà trong thời chống dịch thế nào
Covid-19: Kinh nghiệm từ Đại dịch cúm Tây Ban Nha
Không phải thảm họa tự nhiên như động đất hay núi lửa. Còn chiến tranh thì thậm chí không đáng để tính đến.
Kẻ giết người hàng loạt
Hãy lấy ví dụ bệnh sốt rét do muỗi lây truyền. Căn bệnh này đã rình mò thế giới loài người trong hàng ngàn năm, và dù số người chết giảm đáng kể trong 20 năm qua thì nó vẫn làm chết gần nửa triệu người mỗi năm.
Qua hàng ngàn năm, bệnh dịch đã là kẻ giết người hàng loạt ở quy mô mà ta không thể nào tưởng tượng nổi ngày nay – dù là trong thời đại của virus corona.
Bệnh dịch hạch Justinian xảy ra vào thế kỷ thứ Sáu và giết đến 50 triệu người, có lẽ là một nửa dân số toàn cầu thời đó.
Cái Chết Đen xảy ra vào thế kỷ 14 – có vẻ như do cùng loại mầm bệnh gây ra – giết đến 200 triệu người.
Bệnh đậu mùa có thể đã làm chết đến 300 triệu người chỉ riêng trong thế kỷ 20, mặc dù đó là lúc chúng ta đã có vaccine ngừa hiệu quả – cũng là loại vaccine đầu tiên trên thế giới – từ năm 1796.
Khoảng 50-100 triệu người chết vì đại dịch cúm năm 1918 – số người chết vượt xa số thương vong trong Thế chiến Thứ Nhất, vốn xảy ra vào cùng thời kỳ. Cứ ba người thì có một người bị nhiễm virus cúm năm 1918.
HIV, đại dịch vẫn còn theo ta và vẫn chưa có vaccine phòng ngừa, đã giết chết khoảng 32 triệu người và lây nhiễm đến 75 triệu người, và mỗi ngày đều có thêm người nhiễm mới.
Nếu những con số này gây sốc, đó là vì ngày nay các đại dịch hiếm khi được thảo luận trong các tiết học lịch sử, dù rằng trong quá khứ không xa lắm, chúng đơn giản là thực tế tồi tệ của đời sống.
Covid-19: ‘Bệnh nhân số 0′ là ai?
Covid-19: Cả Trung Quốc làm việc từ nhà
Loại thuốc biến con người thành kẻ sát nhân
Có rất ít đài tưởng niệm nạn nhân bệnh dịch.
Nhà sử học Alfred Crosby là tác giả của quyển sách “Đại dịch bị Lãng quên ở Hoa Kỳ”, một trong những cuốn sách vĩ đại nhất về dịch cúm năm 1918.
Nhưng Crosby chỉ bị thôi thúc phải bắt tay nghiên cứu về đại dịch khi ông vô tình chạm phải thông tin bị quên lãng là tuổi thọ của người Mỹ thình lình giảm từ 51 tuổi vào năm 1917 xuống còn 39 tuổi vào năm 1918, rồi lại tăng vào năm sau đó. Sự sụt giảm đó vào năm 1918 là vì một virus có kích cỡ chỉ 120 nanomet.
Sức mạnh lây lan của mầm bệnh
Mầm bệnh giết người hàng loạt hiệu quả đến vậy vì chúng có khả năng tự phân đôi.
Đây là điểm khiến chúng khác những hiểm họa khác mà loài người gặp phải. Mỗi viên đạn giết người trong chiến tranh phải được bắn và bắn trúng mục tiêu. Hầu hết thảm họa tự nhiên gói gọn theo từng khu vực: một trận động đất xảy ra ở Trung Quốc không thể gây tổn thương bạn ở Anh Quốc.
Nhưng khi một virus, như virus corona mới này, nhiễm vào vật chủ, thì vật chủ trở thành nhà máy sản xuất tế bào để sản xuất thêm nhiều virus. Thế còn vi khuẩn có khả năng tự nhân đôi trong môi trường thích hợp.
Triệu chứng do một mầm bệnh truyền nhiễm gây ra – như hắt xì, ho hay chảy máu – khiến triệu chứng có thể lây truyền qua cho vật chủ kế tiếp, và kế tiếp, sự lây truyền xảy ra được ghi nhận dưới đơn vị là con số lây lan, còn gọi là “R0″ của mầm bệnh, tức là mức độ một người bệnh có thể lây nhiễm cho bao nhiêu người dễ tổn thương. (Trường Đại học Imperial College London ước tính chỉ số R0 của virus corona mới là từ 1,5 đến 3,5).
Và vì con người di chuyển qua lại – tương tác với những người khác trong mọi hình thức từ bắt tay đến quan hệ tình dục – họ đem theo những vi sinh vật này cùng họ.
Không có gì ngạc nhiên khi các quân đội từ lâu đã thử tận dụng bệnh dịch làm công cụ chiến tranh. Cũng không có gì ngạc nhiên là mãi đến gần đây, số lượng binh lính chết vì bệnh tật nhiều hơn số chết trong chiến trận. Một mầm bệnh là vũ khí hoàn hảo cực kỳ tiết kiệm, biến nạn nhân trở thành hệ thống lây truyền.
Sự đe dọa thường xuyên của dịch bệnh, cũng như những yếu tố khác, đã kìm chế sự phát triển và mở rộng của con người.
Vào đầu thế kỷ 19, tuổi thọ cư dân toàn cầu chỉ là 29 năm – không phải vì con người không sống lâu đến tuổi già vào thời đó, mà là vì quá nhiều người chết từ thuở sơ sinh vì bệnh tật, hoặc bị nhiễm trùng khi sinh hay sau khi bị vết thương gì đó.
Những thành phố thời tiền hiện đại chỉ có thể duy trì dân số bằng làn sóng người nhập cư liên tục đổ đến để bù cho số cư dân đã chết vì bệnh tật.
Sự phát triển của con người, đầu tiên là sự cải thiện điều kiện vệ sinh, và sau đó là đến những biện pháp đối phó như vaccine và kháng sinh, đã làm thay đổi toàn bộ.
“Đánh bại sự lây nhiễm đã vượt qua những rào cản đó và cho phép ta có những thành phố toàn cầu,” Charles Kenny, nghiên cứu sinh cao cấp tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, một trung tâm nghiên cứu ở Washington DC, và là tác giả của quyển sách sắp phát hành có tên ‘Chiến thắng trong Cuộc chiến chống lại Cái chết: Nhân loại, Truyền nhiễm và Chiến đấu cho Thế giới Hiện đại’.
Đó là chiến thắng đã đem lại cho ta thế giới hiện đại như ta biết.
Thế giới tốt đẹp hơn
Người ta khó có thể hiểu đầy đủ họ đã thắng cuộc chiến đó nhanh tới mức nào.
Ông bà cố của tôi có thể đã là nạn nhân của dịch cúm năm 1918. Ông bà nội tôi sống suốt thời ấu thơ và tuổi trẻ trước khi người ta tìm ra penicillin. Cha mẹ tôi được sinh ra trước thời vaccine bại liệt được sáng chế vào năm 1954.
Thế nhưng đến năm 1962, nhà nghiên cứu virus đạt giải Nobel, Huân tước Frank Macfarlane Burnet đã có thể ghi nhận rằng “viết về bệnh truyền nhiễm gần như là viết về một thứ đã trôi vào lịch sử.”
Trong thế giới phát triển và thế giới đang phát triển, giờ đây chúng ta chết vì những căn bệnh không thể lây truyền như ung thư, bệnh tim hay bệnh Alzheimer nhiều hơn từ bệnh truyền nhiễm.
Sự sụt giảm bệnh truyền nhiễm là bằng chứng tốt nhất cho thấy cuộc sống trên hành tinh này đang trở nên tốt hơn.
Trong thời gian viết quyển sách của mình “Thời Diệt vong”, tôi đến thăm nhà dịch tễ học Marc Lipsitch tại văn phòng của ông ở Trường Y tế Công Harvard T.H Chan, thuộc Đại học Harvard tại Boston trong một chiều mưa mùa xuân năm 2018.
Lipsitch là một trong những nhà dịch tễ học có sức ảnh hưởng nhất ở Hoa Kỳ, và là một trong những người rât nghiêm túc trong việc đánh giá nguy cơ một đại dịch mới có thể gây ra rủi ro thảm họa toàn cầu thực sự – và đó cũng là lý do khiến tôi đến đây gặp ông.
Nhưng buổi sáng hôm đó, Lipsitch cho tôi xem một thứ mà tôi không ngờ: đó là biểu đồ mô tả tỷ lệ tử vong vì bệnh truyền nhiễm tại Hoa Kỳ trong thế kỷ 20.
Biểu đồ mô tả là sự sụt giảm đáng kể, từ khoảng 800 người chết vì bệnh truyền nhiễm trên 100.000 dân vào năm 1900 đến 60 người chết trên 100.000 dân vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20.
Có một đợt tăng đột ngột vào năm 1918, đó có thể là bệnh cúm, và có một đợt tăng nhẹ và tạm thời trong suốt thời điểm tồi tệ nhất của Đại dịch AIDS vào thập niên 1980.
Tuy nhiên, Lipsitch nói với tôi “tỷ lệ chết vì bệnh truyền nhiễm đã giảm xuống gần 1% mỗi năm, khoảng 0,8% hàng năm, liên tục trong suốt cả thế kỷ.”
Thảm kịch của tương lai
Đây là tin tốt. Tin xấu là, dịch Covid-19 nhắc nhở ta rằng bệnh truyền nhiễm không biến mất.
Trong thực tế, giờ đây có nhiều bệnh truyền nhiễm hơn bao giờ hết: số ca nhiễm từ những bệnh truyền nhiễm mới như Sars, HIV và Covid-19 đã tăng gần như gấp bốn lần so với thế kỷ trước.
Chỉ tính từ năm 1980, số vụ dịch bùng nổ mỗi năm gần như tăng gấp ba lần.
Có nhiều lý do dẫn đến sự tăng này.
Một lý do là trong 50 năm vừa qua, dân số thế giới trên hành tinh này đã tăng hơn gấp đôi. Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều người bị nhiễm bệnh hơn, và đến lượt họ sẽ gây lây nhiễm cho nhiều người khác, đặc biệt là trong các đô thị có mật độ dân số cao.
Cũng trong thời gian này, chúng ta cũng nuôi nhiều gia súc hơn so với tổng số tất tật gia súc mà con người đã nuôi trong suốt thời gian kể từ khi bắt đầu thuần hoá chúng, từ hơn 10.000 năm trước, cho đến năm 1960, và virus có thể truyền từ những động vật trên cho con người.
Đúng như những gì mà dịch Covid-19 đang thể hiện, nền kinh tế liên kết toàn cầu vừa khiến bệnh dịch mới lan nhanh hơn, và cùng với chuỗi cung ứng dài, vừa trở nên cực kỳ dễ bị gãy đổ vì dịch bệnh gây ra.
Khả năng đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới trong thời gian 20 giờ hoặc ngắn hơn, và mang theo virus cùng với hành lý xách tay, đã cho phép bệnh dịch lan tràn và phát triển khi chúng lẽ ra đã có thể bị tiêu diệt trong quá khứ.
Với tất cả những tiến bộ ta có được trong việc chống lại bệnh truyền nhiễm, thì sự phát triển đã khiến ta trở nên dễ bị tổn thương hơn trước những vi sinh vật đã tiến hóa với tốc độ nhanh hơn con người gấp 40 triệu lần.
Thuốc kháng sinh đã cứu mạng hàng trăm triệu người từ khi người ta vô tình khám phá ra penicillin vào năm 1928, nhưng khả năng kháng kháng sinh của các vi khuẩn đang ngày càng tăng lên theo từng năm.
Đây là diễn tiến mà các bác sĩ tin rằng là một trong những đe dọa nghiêm trọng nhất với sức khỏe cộng đồng toàn thế giới.
Trong thực tế, mỗi năm có đến 33.000 người thiệt mạng vì nhiễm trùng kháng kháng sinh ở Châu u, theo một nghiên cứu năm 2018.
“Thảm họa kháng sinh”, như cựu trưởng cố vấn y tế Anh Quốc Sally Davies gọi tên, đã đặt chúng ta vào tình trạng nguy hiểm, như trở lại thời mà những nhiễm trùng bình thường nhất có thể giết người.
Quay trở lại thời năm 2013, Ngân hàng Thế giới – khi làm ước tính xem đại dịch cúm 1918 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu hiện đang giàu có và liên kết chặt chẽ hơn bao giờ hết của ta tốn bao nhiêu tiền – đã đưa ra con số là hơn 4 nghìn tỷ đô la Mỹ, gần tương đương toàn bộ GDP của Nhật Bản.
Ước tính ban đầu về thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 gây ra đã vượt qua con số một nghìn tỷ đô.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO vốn vận hành rất tốt dưới thời đại dịch Sars, đã trở nên cực kỳ vụng về trước những đợt bùng phát dịch bệnh mới, khiến các chuyên gia kêu gọi toàn bộ tổ chức này phải tái cấu trúc.
Biến đổi khí hậu làm tăng số lượng những động vật truyền bệnh và côn trùng như muỗi Aedes aegypti, loài vật làm lây truyền virus Zika.
Thậm chí chính tâm lý con người cũng gặp vấn đề. Đi cùng với sự nghi ngờ tác dụng của vaccine ngày càng lan rộng là sự tái xuất hiện của những căn bệnh từ lâu đã bị diệt trừ như bệnh sởi, khiến cho WHO trong năm 2019 đã gọi phong trào chống vaccine là một trong những 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng hàng đầu thế giới.
Bệnh Covid-19 rất có thể là căn bệnh của thời đại này, khởi phát từ một thành phố đông đúc trong đất nước Trung Quốc vừa thịnh vượng và thông thương, trước khi lan rộng ra khắp thế giới chỉ trong vài tháng.
Nhưng phản ứng của chúng ta trước căn bệnh vừa cực kỳ hiện đại lại rất cổ hủ về thực tế.
Các nhà khoa học khắp thế giới đã sử dụng những công cụ tiên tiến nhất nhanh chóng xác lập bộ gene của virus corona, truyền thông tin về sự nguy hiểm của virus này đi, và phối hợp các biện pháp khả thi và tìm kiếm vaccine, tất cả đều nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Nhưng khi virus có mặt giữa cộng đồng, phản ứng hiệu quả duy nhất của chúng ta là đóng cửa toàn bộ xã hội và ngừng toàn bộ hệ thống sản xuất của chủ nghĩa tư bản toàn cầu.
Ngoại trừ tin nhắn cảnh báo, họp hành bằng video và xem phim Netflix, những gì ta đã làm không khác bao nhiêu so với tổ tiên ta từng cố gắng để ngăn chặn bệnh dịch bùng phát. Kết quả thu được đã là cuộc hóa trị cho nền kinh tế toàn cầu.
Sự xuất hiện của một loại virus như Covid-19 là điều cực kỳ dễ đoán; hành động mà ta có thể làm để ngăn chặn căn bệnh này đến cũng dễ đoán.
Ta cần tăng cường sức mạnh của hệ thống phát hiện y tế toàn cầu, để đảm bảo rằng khi loại virus kế tiếp xuất hiện – mà chắc chắn là nó rồi sẽ xuất hiện – ta sẽ nhanh chóng tóm được nó, và thậm chí tiêu diệt nó.
Ngân sách của WHO, tổ chức về mặt hình thức là chịu trách nhiêm về sức khỏe của 7,8 tỷ cư dân toàn cầu, có vẻ như chẳng hơn gì một bệnh viện đô thị lớn ở Mỹ.
Ta cần cam kết mạnh mẽ hơn trong việc phát triển vaccine, điều này bao gồm việc trấn an những công ty dược phẩm lớn rằng đầu tư của họ sẽ không bị phí hoài khi một cơn bùng phát dịch bệnh bị tiêu diệt trước khi nó kịp bắt đầu.
Chúng ta cần thiết lập thêm những dự phòng trong bộ máy sức khỏe cộng đồng. Cũng như quân đội Hoa Kỳ được thiết kế và cấp kinh phí hoạt động để chiến đấu với chiến tranh trên hai mặt trận cùng lúc, vậy thì hệ thống chăm sóc sức khỏe của ta cũng nên có khả năng tăng cường để đối phó với đại dịch kế tiếp.
Một thách thức đang tồn tại trong việc chuẩn bị đối phó đại dịch chính là điều mà các chuyên gia gọi là cơn sốc và lãng quên.
Các chính trị gia rất thường xuyên hứa hẹn cung cấp kinh phí ngay sau khi gặp khủng hoảng như đại dịch Sars hay Ebola, chỉ để rồi những lời hứa khác chồng lấp lên nhau khi ký ức về bệnh dịch phai mờ.
Bằng cách nào đó, tôi cho rằng đây sẽ không phải tình huống xảy ra với Covid-19.
Chúng ta cần làm tất cả những gì có thể không chỉ để sống sót qua đại dịch này, mà cần đảm bảo rằng nó là lời nhắc nhở từ quá khứ, không phải là dấu hiệu cho những điều sắp xảy ra.
Bryan Walsh là phóng viên chuyên mục Future của trang tin Axios và là tác giả của quyển sách: “Thời Diệt vong: Ghi chú ngắn gọn về sự Diệt vong của Thế giới, là tác phẩm mà bài báo dựa vào. Cuốn “Thời Diệt vong” do Hachette Books xuất bản.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-52188700

Virus corona: Cảnh báo về con số tử vong hàng ngày

Rachel SchraerPhóng viên Y tế
Các chuyên gia đang lên tiếng cảnh báo việc diễn giải quá mức con số tử vong hàng ngày về những người chết vì virus Covid-19, vì những con số này thường phản ánh sự báo cáo chậm trễ.
Sự tăng, giảm của các con số một phần có thể phản ánh các nút tắc cổ chai trong hệ thống báo cáo, thay vì thay đổi thực sự trong diễn biến của tình trạng bệnh dịch.
Hôm thứ Hai, 439 trường hợp tử vong vì virus corona đã được ghi nhận ở Anh – giảm từ 621 vào Chủ nhật và 708 vào Thứ Bảy.
Tuy nhiên nhiều bệnh viện không báo cáo những cái chết xảy ra vào cuối tuần cho đến giữa tuần sau.
Cuối tuần qua, cơ quan NHS của England đã công bố số liệu tử vong mới được phân ra từng ngày.
Và điều này cho thấy từ ngày 11/3 đến ngày 1/4, có khoảng 300 người chết nhiều hơn so với suy nghĩ trước đó trong khoảng thời gian này.
Giáo sư Jim Naismith, tại Đại học Oxford, nói vì sự chậm trễ “dễ hiểu” trong báo cáo của NHS, các số liệu hàng ngày bao gồm những cái chết có thể đã xảy ra từ hai tuần trước.
Văn phòng Thống kê Quốc gia đã kiểm tra các sổ đăng ký và tìm thấy các trường hợp tử vong trong cộng đồng không có trong số liệu tử vong của bệnh viện hàng ngày.
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu hứa hẹn là sự lây lan của virus đang chậm lại, vì các trường hợp mới được xác nhận đã giảm từ 4.450 xuống còn 3.802 giữa Thứ Sáu và Thứ Hai.
Tốc độ tăng trong các trường hợp mới nhiễm đã giảm một nửa trong tuần qua.
Và điều này sẽ dẫn đến sự chậm lại của nhu cầu chăm sóc y tế quan trọng và cuối cùng là con số tử vong.
Nhưng sự chậm trễ trong báo cáo có nghĩa là một khi đạt đến đỉnh điểm, chúng ta có thể không biết cho đến vài ngày sau.
Các bệnh viện khác nhau sẽ có độ báo cáo trễ ở các mực độ khác nhau.
Và điều này làm cho việc đánh giá tình trạng thực sự của đại dịch tại mỗi thời điểm trở thành một thách thức.
Giáo sư Naismith nói rằng công bố con số tử vong hàng ngày tốt cho tính minh bạch.
“Nhược điểm duy nhất trong việc chính phủ phát hành dữ liệu theo cách này là nó đã trở thành một bảng điểm cho truyền thông và làm cho công chúng lo lắng,” ông nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52178941

Virus corona: ‘Thành công của Trung Quốc’

đang khiến thế giới hồ nghi

Bài hay về virus corona
‘Giãn cách xã hội’ bao lâu thì chống được Covid-19?
Virus corona: Các nước đang làm gì để chống dịch
Virus corona: Hoa Kỳ bị cáo buộc ‘cướp’ số khẩu trang của Đức
Covid-19: ‘Tình yêu từ nước Nga’ thực sự là gì?
Trung Quốc hôm 7/4 lần đầu tiên ghi nhận không xảy ra ca tử vong nào vì Covid-19.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ‘ổn định, không phải dùng máy thở’
Những đại dịch tàn khốc và bài học thời Covid-19
Virus corona: Dân Vũ Hán đòi minh bạch, truyền thông Mỹ nghi ngờ số người chết
Tuy vậy, vẫn có những câu hỏi tồn tại về các con số của Trung Quốc.
Từ nhiều tháng qua, mỗi sáng vào lúc 03:00, Trung Quốc công bố con số mới nhất về virus corona.
Tính tới 7/4, nước này ghi nhận 81.740 ca và 3.331 người chết.
Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, ca ngợi Trung Quốc vì “tốc độ phát hiện dịch” và “cam kết minh bạch”.
Nhưng vẫn có nghi ngờ đáng kể và dai dẳng về thống kê chính thức và tuyên bố thành công của nước này.
Tuần rồi, chánh văn phòng nội các Anh Michael Gove nói với BBC rằng “một số báo cáo của Trung Quốc không nói rõ về tầm mức, tính chất, độ lây nhiễm của virus”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nói tuần rồi rằng báo cáo về tử vong và lây nhiễm có vẻ “hơi nhẹ nhàng quá”.
Ngày càng có lo lắng rằng Trung Quốc đang không hoàn toàn nói thật về tầm mức lây lan và các ca tử vong.
Sự nghi ngờ này một phần dựa vào lịch sử, phần khác là vì sự thiếu rõ ràng đã gây ra nghi ngờ.
Lịch sử che giấu dữ liệu
Trung Quốc có tai tiếng trong việc cung cấp số liệu.
Đặc biệt là về kinh tế Trung Quốc – chỉ dấu về sự tiến bộ cho đất nước và cho Đảng Cộng sản cầm quyền.
Khác đa số quốc gia, các số liệu GDP hàng quý của Trung Quốc từ lâu bị xem chỉ là tham khảo, chứ không phản ánh chân thật.
Một số ước đoán cho rằng tăng trưởng kinh tế thật của Trung Quốc chỉ bằng một nửa con số công bố.
Nếu Trung Quốc luôn bị cáo buộc là không thật lòng về một thứ quan trọng như GDP, dễ hiểu vì sao nhiều người nghĩ nước này cũng sẽ làm thế với đại dịch Covid-19.
Che giấu thông tin trong thời gian đầu
Trong những ngày đầu, Bí thư Đảng của tỉnh Hồ Bắc, ông Ứng Dũng, đã thúc giục các quan chức trong tỉnh, nơi dịch bệnh khởi phát, là phải “ngăn chặn tình trạng chểnh mảng và che giấu”.
Chúng ta biết rằng virus này bắt đầu lây lan tại Vũ Hán vào cuối 12/2019. Thế nhưng điều không có gì bí mật là Trung Quốc thực sự là đã che giấu bệnh dịch, che giấu sự tồn tại và mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch trong những giai đoạn đầu.
Thị trưởng Vũ Hán đã thừa nhận từ lâu rằng đã có sự thiếu hành động trong thời gian từ đầu tháng Giêng – khi có khoảng 100 trường hợp được xác nhận – đến 23/1, là lúc nơi này áp lệnh hạn chế trên toàn thành phố.
Trung Quốc báo cáo về virus này với WHO vào ngày 31/12. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng vào quãng thời gian đó, một bác sỹ đã tìm cách cảnh báo các đồng nghiệp về vụ bùng phát một loại virus tương tự như virus gây bệnh Sars, và ông đã bị cảnh sát tới gặp.
Bác sỹ Lý Văn Lượng và những người khác nêu tin cảnh báo đều bị bắt phải im lặng. Bác sỹ Lý sau đó tử vong vì Covid-19.
Vài tuần trước, là lúc Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thăm đầu tiên tới Vũ Hán kể từ khi bùng phát dịch bệnh, đã không hề có ca dương tính mới nào được xác nhận tại Trung Quốc đại lục, trừ ở tỉnh Hồ Bắc.
Giáo sư Ben Cowling từ Trường Y tế Công thuộc Đại học Hong Kong nói rằng ông tin là số các vụ được báo cáo quanh thời điểm đó là “thể hiện chính xác các báo cáo ở cấp địa phương”.
Tuy nhiên, những người chỉ trích thì nói nhãn tự cần để ý ở đây là từ “các báo cáo”.
Vào khoảng thời gian ông Tập tới thăm, hãng tin Nhật Kyodo News tường thuật về những quan ngại của một bác sỹ giấu tên trong thành phố, người nói rằng các quan chức ra lệnh cho ông và những người khác phải bỏ các vụ mới ra khỏi các con số chính thức.
Một số người trong chính phủ Mỹ đã đi xa hơn thế, theo các tường thuật gần đây của Bloomberg.
Hãng này nói rằng một báo cáo tin tức tình báo chính thức gửi tới Toà Bạch Ốc kết luận rằng các báo cáo của Trung Quốc là “cố tình chưa hoàn chỉnh” và các con số là “giả”.
Lý do để che giấu vụ bùng phát dịch là gì?
Có thể có nhiều: để giấu giếm công chúng về về một cuộc khủng hoảng y tế khác đang lơ lửng trên đầu, để ngăn chặn cơn hoảng loạn hoặc có lẽ là để kiểm soát tin tức với hy vọng tình hình sẽ không leo thang và sẽ không bao giờ bị tiết lộ đầy đủ.
Từ tháng Giêng tới đầu tháng Ba, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã bảy lần đưa ra định nghĩa về Covid-19.
Giáo sư Ben Cowling từ Trường Y tế Công thuộc Đại học Hong Kong nói việc xét nghiệm ban đầu chỉ tập trung vào các ca viêm phổi nặng nhất liên quan khu chợ phát dịch ở Vũ Hán.
Ông nay cho rằng có thể có tới 232.000 ca nhiễm nếu các định nghĩa sau này được dùng ngay từ đầu.
Tuần rồi, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói địa phương phải minh bạch trong công bố thông tin.
Dù dữ liệu có chính xác hay không, thì cũng phải thừa nhận Trung Quốc có vẻ đã vượt qua thời gian khốn khó nhất của khủng hoảng.
Trung Quốc, nước đã sản sinh ra đại dịch toàn cầu này, giờ đây muốn được xem họ cũng sẽ giúp kết thúc đại dịch.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52204488

Giá trị của giả thuyết

virus corona lan truyền trong không khí

Người dân Luân Đôn đeo khẩu trang trên đường phố. Ảnh chụp ngày 06/04/2020. Nếu thật sự là virus corona có thể sự lan truyền trong không khí, việc đeo khẩu trang lại càng cần thiết. REUTERS – HANNAH MCKAY
Tâm lý lo ngại đã bùng lên hôm 01/04/2020 vừa qua, khi bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm và là gương mặt tiêu biểu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Mỹ, nêu lên khả năng virus corona có thể lây nhiễm qua đường không khí “khi người ta chỉ nói chuyện, chứ không chỉ vì ho và hắt hơi”. Giả thuyết này, theo ông, có thể giải thích được lý do vì sao virus corona có sức lây nhiễm dữ dội khác thường.
Phát biểu với đài truyền hình Mỹ CNN, ông Fauci xác định: “Người ta bắt đầu hiểu ra rằng một người nhiễm bệnh Covid-19 nhưng chưa bộc lộ triệu chứng, dù không ho và hắt hơi, vẫn có thể lây bệnh cho người khác”. Theo chuyên gia này, “đó rất có thể là một phương thức truyền nhiễm bằng hạt aerosol (tức là các hạt chất lỏng siêu nhỏ), có lẽ không đến mức ở được trong không khí hàng tiếng đồng hồ, nhưng đủ để lây nhiễm khi bạn nói chuyện với một người khác”.
Bác sĩ Fauci không phải tự nhiên đưa ra giả thuyết này. Trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia đã bắt đầu xem xét khả năng virus corona lây truyền trong không khí, và đã có những kết luận ban đầu.
Theo các nhóm nghiên cứu thuộc Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ CDC, cùng với Đại Học California ở Los Angeles và Đại Học Princeton, thì khả năng  virus Sars-Cov-2 lây lan thông qua các hạt aerosol cực nhỏ là một điều “hoàn toàn có thể xảy ra”.
Công trình nghiên cứu được công bố vào giữa tháng 3 trên tạp chí y khoa Mỹ có uy tín là The New England Journal of Medicine xác nhận rằng virus corona có thể tồn tại trong ba tiếng đồng hồ trong các hạt chất lỏng lơ lửng trong không khí với kích thước nhỏ hơn 5 micron.
Để đi đến kết luận này, các nhà nghiên cứu đã phóng virus vào không khí bằng cách phun sương, nghĩa là với một loại máy hóa hơi, để khuếch tán một màn sương trong phòng thí nghiệm.
Trong một lá thư gửi Nhà Trắng ngày 01/04, ông Harvey Fineberg, chủ tịch ủy ban về các bệnh truyền nhiễm mới nổi lên, thuộc các Viện Hàn Lâm Khoa Học Mỹ, đã cho rằng: “Các nghiên cứu hiện hữu đều ủng hộ giả thuyết theo đó virus Sars-CoV-2 có thể được truyền đi trong những hạt aerosol do bệnh nhân thở ra”.
Bức thư kể trên đặc biệt trích dẫn kết quả nghiên cứu ban đầu tại Đại học Nebraska (Hoa Kỳ), theo đó các nhà khoa học đã tìm thấy một phần mã di truyền (RNA) của con virus trong không khí của các phòng nơi bệnh nhân bị cô lập.
Tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu ở Vũ Hán, nơi xuất phát dịch bệnh, cũng đã thu thập mẫu không khí từ các phòng bệnh viện khác nhau. Kết quả sơ bộ của họ cũng cho thấy nồng độ cao của virus corona, đặc biệt là trong nhà vệ sinh và các phòng thay quần áo bảo hộ của nhân viên y tế.
Vấn đề muôn thuở của các nghiên cứu khoa học là những gì ghi nhận trong phòng thí nghiệm có được thực tế bên ngoài kiểm nghiệm hay không.
Công trình nghiên cứu của Mỹ được công bố trên Tạp Chí Y Học New England đã vấp phải nhiều chỉ trích. Theo một số chuyên gia, việc sử dụng máy phun sương không mô phỏng chính xác động thái ho hoặc hắt hơi của bệnh nhân và có nguy cơ làm tăng một cách nhân tạo hiện tượng truyền nhiễm trong không khí.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, giáo sư Paul Hunter thuộc trường đại học Anh East Anglia, cho rằng, khi một bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, “những giọt chất lỏng rơi xuống đất khá nhanh so với (sương phát ra từ) một bình xịt”, vì lẽ những giọt này lớn hơn và do đó nặng hơn những đám sương được phun ra.
Ngoài ra, sương mù phun ra trong phòng thí nghiệm chứa đựng một lượng virus rất cao. Trên đài phát thanh France-Culture, bà Samira Fafi-Kremer, trưởng phòng thí nghiệm virus học thuộc Đại Học-Bệnh Viện thành phố Strasbourg (miền Đông nước Pháp), thì những thí nghiệm tại Mỹ không phản ánh đúng thực tế.
Theo chuyên gia này, trong môi trường bên ngoài, các hạt siêu nhỏ này sẽ bị gió làm tan ra, khiến cho lượng virus ít hơn. Ngay cả khi chứng minh được là con virus corona có thể lơ lửng trong không khí, điều đó không có nghĩa một người có thể bị nhiễm khi đi dạo ngoài trời.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, không thể bác bỏ khả năng virus corona lan truyền qua đường không khí. Nhân viên y tế, những người phải tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân trong một thời gian dài sẽ đặc biệt dễ bị nhiễm bệnh.
Trả lời báo Le Figaro, ông Etienne Simon-Lorière, chuyên gia virus học tại Viện Pasteur Paris cho rằng các kết luận của giới nghiên cứu Mỹ rất đáng chú ý đối với những nhân viên y tế thường phải “thực hiện một số cử chỉ nhất định trong bệnh viện đối với bệnh nhân nhiễm virus”. Theo ông Simon-Lorière, nghiên cứu đó khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ tốt giới chăm sóc y tế.
Dẫu sao thì giả thuyết về phương thức lây nhiễm qua không khí sẽ cho phép giải thích phần nào hiện tượng lan nhanh của virus corona, đặc biệt là từ các bệnh nhân chưa có triệu chứng.
Hiện nay, điều chắc chắn duy nhất mà giới khoa học đã xác định được là việc virus corona chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp và qua việc chạm vào nhau. Đó là lý do tại sao các cơ quan y tế khuyến cáo là phải giữ khoảng cách ít nhất một mét giữa mọi người, là phải rửa tay thường xuyên và tránh đưa tay lên mặt.
Tuy nhiên, nếu virus có thể lơ lửng trong không khí trong vài giờ, thì việc bảo vệ bản thân sẽ phức tạp hơn. Nếu giả thuyết này được các nghiên cứu khoa học khác xác nhận, điều đó sẽ thay đổi hoàn toàn những gì chúng ta biết về căn bệnh và phương tiện phòng ngừa.
Chính vì còn bán tín bán nghi mà nhiều chính phủ, từ Mỹ cho đến Pháp, đã thay đổi quan điểm về việc đeo khẩu trang trong những tuần lễ gần đây.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200407-gia%CC%81-tri%CC%A3-cu%CC%89a-gia%CC%89-thuy%C3%AA%CC%81t-virus-corona-lan-truy%C3%AA%CC%80n-trong-kh%C3%B4ng-khi%CC%81

Covid-19 :

Cần truy xét nguồn gốc, lập tòa án y tế quốc tế

Thụy My
Ngay từ đầu Bắc Kinh đã gây áp lực lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để tổ chức này không tuyên bố đại dịch. Cho nên, theo giáo sư Pháp Didier Sicard, điều quan trọng là phải có một tòa án y tế quốc tế hoàn toàn độc lập, như tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh.
Giáo sư Didier Sicard của trường đại học Sorbonne, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, khi trả lời đài France Culture đã nhận định, mọi nghiên cứu đang tập trung vào việc tìm kiếm vác-xin, nhưng bỏ quên nguyên nhân từ loài vật của nạn dịch virus corona xuất phát từ Vũ Hán. Ông đòi mở tòa án quốc tế về dịch tễ, trong bối cảnh trên thế giới đã có trên 73.000 nạn nhân thiệt mạng vì đại dịch, và riêng tại Pháp có 9.000 người tử vong.
France Culture : Ông muốn quay lại với nguồn gốc của đại dịch corona ?
GS Sicard : Điểm xuất phát của đại dịch này là một ngôi chợ ở Vũ Hán, tại đó chen chúc đủ loại thú hoang : rắn, dơi, tê tê…nhốt trong những lồng tre. Tại Trung Quốc, những con thú này được mua để ăn Tết Canh Tý. Chúng khá đắt, và đây là món ăn rất được ưa thích.
Tại chợ này, thú hoang bị người bán tóm lấy, làm thịt trong lúc thân mình chúng ướt nhẹp nước tiểu, hàng ngàn con ve và muỗi bu đầy những con vật đáng thương này. Trong điều kiện như thế, chỉ cần vài con thú bị nhiễm virus là vô số con khác bị lây trong vài ngày. Có thể một người bán bị thương hay đụng vào nước tiểu nhiễm trùng, trước khi quẹt lên mặt. Thế là xong !
Điều khiến tôi luôn choáng váng là sự thờ ơ trước sự khởi đầu của nạn dịch. Cứ như là xã hội chỉ chú trọng đến đoạn cuối : vác-xin, chữa trị, hồi sức tích cực…Nhưng để cho những tai họa như thế không tái diễn, xác định điểm xuất phát là vô cùng quan trọng. Thế mà người ta vô tình đến không ngờ.
Sự dửng dưng trước việc mua bán động vật hoang dã trên thế giới là thảm kịch. Nghe nói các thị trường này mang lại lợi nhuận cũng như thị trường ma túy. Ở Mêhicô, việc buôn lậu phổ biến đến nỗi hải quan thậm chí phát hiện những con tê tê giấu trong vali…
Đọc thêm: Virus corona: Ăn thịt thú rừng, coi chừng rước dịch bệnh
France Culture: Tuy vậy đây không phải là lần đầu mà thú vật là nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng dịch tễ ?
GS Sicard : Lâu nay thú vật vẫn là nguồn gốc của đa số cuộc khủng hoảng dịch tễ : SIDA, cúm gà H5N1, Ebola. Các chứng bệnh này luôn đến từ nguồn dự trữ virus trong súc vật, và hầu như ít ai để ý đến. Tương tự với bệnh sốt xuất huyết. Tôi có quan hệ rất chặt với Lào. Trong mùa khô, cần phải diệt trừ ấu trùng trước khi chúng trở thành muỗi, nhưng Viện Pasteur ở Lào vẫn kêu gào vô ích.
Cũng giống như công việc phải làm với loài dơi. Bản thân loài này mang trên mình khoảng 30 loại virus corona ! Cần phải nghiên cứu kỹ loài vật này. Đương nhiên là không dễ dàng : phải đi vào những hang động, trang bị bảo hộ kỹ lưỡng, bắt những con rắn độc, tê tê, kiến, xem xét những loại virus chúng đang mang trên mình. Đó là những công việc vô vị, không được các phòng thí nghiệm quan tâm. Các nhà nghiên cứu nói : « Chúng tôi thà làm việc trong phòng thí nghiệm phân tử với trang bị như phi hành gia. Đi vào rừng rậm mang các loài muỗi về thật nguy hiểm ».
Bên cạnh đó, những nạn dịch này sẽ còn tái diễn nhiều lần trong những năm tới, nếu không cấm hẳn việc mua bán động vật hoang dã. Phải coi đó là tội phạm như bán ma túy, phải bỏ tù. Tôi cũng nghĩ đến việc nuôi công nghiệp gà, heo như ở Trung Quốc. Mỗi năm lại có những dịch cúm mới từ gia cầm ; tập trung đại trà những con vật theo kiểu đó là không nghiêm túc. Quốc tế phải tập trung nỗ lực tìm ra nguyên nhân nạn dịch.
France Culture : Loại nghiên cứu nào cần phải tiến hành ?
GS Sicard : Cần phải cố vẽ lại con đường lây nhiễm khiến loài dơi chứa chấp virus corona từ hàng triệu năm qua và gieo rắc đi các nơi. Chúng cũng lây nhiễm sang những con thú khác. Rắn và đặc biệt là rắn độc rất mê ăn xác dơi, cũng như dơi con bị rơi xuống đất là bị rắn nuốt ngay – có thể rắn là vật chủ trung gian cho virus. Hơn nữa trong những hang động có cả những đám mây ve, muỗi, cần phải xem loài côn trùng nào có thể lan truyền virus.
Một giả thuyết khác là khi dơi bay đi ăn đêm, chúng rất thích những cây thuộc họ thu hải đường. Dơi có phản xạ tự nhiên là tiểu tiện khi nuốt thức ăn, như vậy chúng làm nhiễm độc trái cây và cả cầy hương vốn thích cùng một thứ trái. Kiến cũng tham gia bữa tiệc, và đến lượt tê tê – mà thức ăn khoái khẩu nhất là loài kiến – ăn vào cũng bị nhiễm virus.
Đó là cả một chuỗi lây nhiễm cần nghiên cứu. Kho trữ virus nguy hiểm nhất có lẽ là loài rắn, vì chúng thường xuyên ăn thịt dơi vốn chứa sẵn virus corona. Như vậy rắn luôn có chứa virus, vì vậy cần phải kiểm tra. Các nhà nghiên cứu phải đi bắt dơi, và tương tự với loài kiến, cầy hương, tê tê, cố gắng hiểu được chúng dung dưỡng virus trong người như thế nào. Đó là một công việc nhạt nhẽo như lại là chủ yếu.
France Cuture : Còn về người dân địa phương có tiếp xúc với loài dơi ?
GS Sicard : Điều gây ấn tượng nơi tôi là rừng nguyên sinh tại Lào đang lùi dần, vì người Trung Quốc xây dựng các nhà ga và tuyến đường xe lửa. Những chuyến xe này chạy qua rừng rậm mà không có biện pháp bảo hộ y tế nào, có thể trở thành vec-tơ cho các loại bệnh từ ký sinh trùng và virus, đưa chúng đi xuyên qua Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia và cả Singapore. Con đường tơ lụa mới mà Trung Quốc muốn xây dựng có thể trở thành con đường lây nhiễm các loại bệnh trầm trọng.
Trên thực địa, những hang động ngày càng khó vào. Con người có xu hướng ngày càng tiến gần nơi cư ngụ của loài dơi, chúng trở thành loại thực phẩm rất được ưa chuộng. Người ta cũng lập vườn cây ăn trái rất gần những hang động này, vì cây rừng bị đốn hạ. Cư dân có cảm giác lấn được đất, lập ra các vùng trồng trọt sát bên khu dự trữ virus vô cùng nguy hiểm.
Đọc thêm: Dịch bệnh Trung Quốc do « con gì cũng ăn » ?
France Culture : Theo giáo sư, như vậy chưa có đầy đủ những nghiên cứu nghiêm túc về khả năng dơi mang trong mình nhiều loại virus corona ?
GS Sicard : Chúng tôi đã sững sờ khi bộ Ngoại Giao Pháp hồi tháng 11/2019 đã không còn cấp cho Viện Pasteur ở Lào một nhà vi trùng học nào. Vai trò của cơ quan nằm cách biên giới Trung Quốc vài trăm cây số này là nghiên cứu và đào tạo các chuyên gia tại chỗ về dịch tễ học đối với những loại virus hiện có như chikungunya, sốt xuất huyết và nay là virus corona. Một cơ sở nghiên cứu khoa học ở một xứ nhiệt đới xa xôi, nhưng với phòng thí nghiệm an toàn tuyệt đối, sát cạnh nơi xảy ra dịch bệnh, nhưng phương tiện nghiên cứu hiện đại.
Tuy nhiên, những viện như vậy có rất ít ngân sách và khó tuyển được người. Đa số các nhà nghiên cứu thích làm việc ở Viện Pasteur Paris hay phòng thí nghiệm của Sanofi hơn. Nhưng nhà bác học Louis Pasteur không chỉ ngồi trong phòng, mà ông đã ra gặp nông dân trên những cánh đồng nho, thăm những người chăn cừu. Cũng như Alexandre Yersin luôn có mặt trên thực địa ở Việt Nam, nơi ông phát hiện vi khuẩn dịch hạch.
Như vậy việc nghiên cứu dịch tễ về các loài vật trung chuyển virus chưa xứng với tầm quan trọng của vấn đề, chỉ chiếm khoảng 1% các công trình. Bởi vì những gì khiến các ứng viên giải Nobel mơ ước là khám phá một con virus mới, chứ không phải lần tìm chuỗi lây nhiễm. Thế nhưng những phát hiện quan trọng về bệnh nhiễm như ký sinh trùng sốt rét chẳng hạn, chính là do một người Pháp, bác sĩ quân y Alphonse Laveran, tìm ra trên thực địa ở Tunisie.
France Culture: Ông có những ví dụ khác để chứng tỏ việc nghiên cứu trên loài vật là quan trọng ?
GS Sicard : Bệnh dịch hạch là một ví dụ thú vị. Chuột là kho trữ vi khuẩn dịch hạch. Có những đàn chuột làm lây lan vi khuẩn này, còn bản thân chúng vẫn vô sự, và cũng có những đàn nhạy cảm hơn. Chỉ cần một ngày nào đó, vài con chuột loại nhạy cảm gặp chuột kháng khuẩn, bị nhiễm độc và chết. Lúc đó những con rệp sống bằng máu của chuột sẽ quay sang cắn người.
Tại những nơi bệnh dịch hạch còn hoành hành như California, Madagascar, Iran, Trung Quốc, khi thấy hiện tượng hàng trăm con chuột chết là phải can thiệp, vì lúc đó rệp sẽ quay sang loài người, rất nguy hiểm.
May thay, dịch hạch là một chứng bệnh đã thuộc về quá khứ, nay chỉ còn 4.000 hay 5.000 ca trên thế giới, và thuốc kháng sinh rất hiệu quả. Nhưng đó là một ví dụ cho thấy nguyên nhân từ loài vật là cơ bản, cần phải tìm hiểu kỹ và có chính sách dự phòng. Ngày nay, tiếp tục buôn bán động vật hoang dã là điên rồ.
France Culture: Thật ra việc mua bán động vật hoang dã đã bị cấm, và còn có công ước quốc tế về vấn đề này…
GS Sicard : Vâng, nhưng tại Trung Quốc, công ước này không được tôn trọng. Cần phải thành lập một loại tòa án quốc tế về y tế. Nếu chỉ đòi hỏi từng quốc gia sẽ chẳng thay đổi được gì. Ngay từ đầu Bắc Kinh đã gây áp lực lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để tổ chức này không tuyên bố đại dịch : Trung Quốc đóng góp tài chính rất nhiều cho WHO.
Thế nên điều quan trọng là phải có một tòa án y tế quốc tế hoàn toàn độc lập, như tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh, với các thanh tra độc lập có thể kiểm tra được những gì diễn ra tại chỗ.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200407-covid-19-c%E1%BA%A7n-truy-x%C3%A9t-ngu%E1%BB%93n-g%E1%BB%91c-l%E1%BA%ADp-t%C3%B2a-%C3%A1n-y-t%E1%BA%BF-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF

Virus corona: Một số nước châu Âu

tính đến chuyện dỡ bỏ phong tỏa

Anh Vũ
Châu Âu bắt đầu có chút hy vọng cho dù số ca nhiễm mới và số ca tử vong vẫn tiếp tục tăng ở nhiều nước. Với hơn 50.000 người chết, châu Âu vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, những biện pháp phong tỏa diện rộng đã bước đầu mang lại dấu hiệu tích cực.
Vừa le lói nhìn thấy tia sáng cuối đường hầm sau nhiều ngày liên tiếp số lượng tử vong và nhiễm mới giảm, hôm qua tình hình trở lại căng thẳng với nước Ý và Pháp.
Tại Ý trong vòng 24 giờ lại có thêm 636 người chết, so với hôm 5/4 là 525 người chết. Ý tiếp tục là nước châu Âu có số nạn nhân của Covid-19 cao nhất, với hơn 16 nghìn người thiệt mạng và 132 nghìn ca nhiễm từ đầu dịch.
Tại Pháp, dấu hiệu ổn định vẫn chưa được khẳng định. Sau một ngày giảm, hôm qua, 06/04, Pháp ghi nhận 833 người chết trong một ngày tại bệnh viện và các viện dưỡng lão, nâng tổng số tử vong từ đầu dịch lên 8911 người. Nhưng có một chút hy vọng với Pháp là số bệnh nhân cần hồi sức đã giảm rõ rệt. Trong ngày hôm qua, các bệnh viện Pháp chỉ phải tiếp nhận thêm 94 ca nặng.
Còn Tây Ban Nha tiếp nhận tín hiệu tích cực, khi các con số thống kê mỗi ngày có xu hướng giảm dần đều. Về con số tử vong, nước này vẫn xếp sau Ý, với trên 13 nghìn người chết.
Tại Nga, theo thông báo mới nhất của chính quyền hôm nay, nước này ghi nhận con số kỷ lục 1154 ca nhiễm mới trong một ngày, nâng tổng số lên gần 7500 ca. Số ca tử vong  vì Covid-19 cũng thêm 11 người trong một ngày. Đến nay toàn nước Nga đã có 56 người chết vì virus corona mới.
Tại một số nước châu Âu khác, tình hình dường như đang có dấu hiệu được cải thiện. Chính quyền các nước này bắt đầu tính đến chuyện gỡ bỏ dần các biện pháp phong tỏa.
Áo, nơi có số lượng ca nhiễm mới giảm mạnh, dự tính sẽ gỡ bỏ phong tỏa vào ngày 14/04 tới. Tuy nhiên chưa hẳn là cuộc sống sẽ trở lại bình thường ngay. Trước mắt, các cửa hàng nhỏ có thể mở cửa, nhưng trường học và quán ăn vẫn phải đợi ít nhất đến giữa tháng 5. Lệnh bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng vẫn được áp dụng.
Tại Đức, chính quyền muốn cách ly tất cả những người từ nước ngoài đến. Có thể lệnh này sẽ được áp dụng từ 10/04. Bên cạnh đó chính quyền Berlin đang nghiên cứu khả năng gỡ bỏ phong tỏa sau, khi liên tục trong 4 ngày số ca nhiễm mới giảm. Hiện Đức có trên 95 nghìn ca nhiễm và hơn 1400 ca tử vong.
Cộng Hòa Séc cũng ghi nhận sự ổn định và nếu tình hình này tiếp tục thì nước này có thể gỡ bỏ lệnh phong tỏa ngay từ ngày thứ Năm tới ( 09/04) để trở lại dần dần hoạt động bình thường.
Bên cạnh sự lựa chọn chấm dứt hay tiếp tục phong tỏa dân cư, nhiều nước châu Âu còn đang tranh luận về việc có nên bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng hay không. Các nước dường như đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ, theo hướng khuyến cáo nên dùng như Pháp, Đức, Anh. Trong khi đối với Tây Ban Nha hay Ý thì đó là quy định bắt buộc.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200407-virus-corona-m%E1%BB%99t-s%E1%BB%91-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ch%C3%A2u-%C3%A2u-t%C3%ADnh-%C4%91%E1%BA%BFn-chuy%E1%BB%87n-d%E1%BB%A1-b%E1%BB%8F-phong-t%E1%BB%8Fa

Covid-19: Trung Âu đi đầu

trong chủ trương toàn dân đeo khẩu trang

Mai Vân
Chỉ đến gần đây, Pháp và Mỹ mới nghĩ đến việc khuyến cáo người dân mang khẩu trang khi ra đường. Thế nhưng trên lục địa Châu Âu nói riêng, và ở các nước phương Tây nói chung, một số quốc gia do Cộng Hòa Séc dẫn đầu, theo sau là nhiều nước Trung và Đông Âu khác như Slovakia, Slovenia, Áo và trong một chừng mực nào đó Bulgari, đã đi trước trong việc buộc dân chúng mang khẩu trang.
CH Séc: Buộc đeo khẩu trang là quyết định quan trọng nhất từng đưa ra
Từ ngày 19/03/2020, toàn bộ cư dân ở Cộng Hòa Séc buộc phải mang khẩu trang hay một khăn choàng che mũi và miệng khi ra đường, hay khi đến một nơi công cộng. Đây là một biện pháp mà nhà dịch tễ học Roaman Prymula, đứng đầu lực lượng chống virus ở đất nước này, đã giải thích trong một cuộc họp báo:
Chúng ta không mang khẩu trang để tự bảo vệ mình vì mức độ bảo vệ rất thấp, mà là để bảo vệ  môi trường sống của chúng ta… Nếu tất cả mọi người đều đeo khẩu trang thì sẽ không có bất kỳ hạt aerosol (bụi chất lỏng li ti) nào được phun ra, và không ai dễ dàng nhiễm bệnh”.
Theo bác sĩ này, khẩu trang cho phép chặn đến 80% các hạt nước li ti, và là một trong những biện pháp then chốt làm chậm lại việc lây nhiễm, tương tự như biện pháp rửa tay.
Trong một video công bố ngày 28/03, bộ trưởng Y Tế Cộng Hòa Séc Adam Vojtech đã hưởng ứng sáng kiến của tập hợp #Masks4All, cổ vũ cho việc tự may khẩu trang: “Tôi khuyên tất cả các đồng nghiệp bộ trưởng và các chính quyền là hãy cho phổ cập việc mang khẩu trangcho dù đó là khẩu trang may ở nhàNgày nay chúng ta thấy đó là quyết định quan trọng nhất mà chúng ta đã đưa ra. Nếu điều đó đã giúp chúng ta thì cũng có thể giúp mọi nơi khác.”
Slovakia: Chính phủ đeo khẩu trang khi tuyên thệ nhậm chức
Tại Slovakia, sau khi gây chú ý ngày 21/03 với việc toàn bộ các thành viên chính phủ đều mang khẩu trang lúc tuyên thệ nhậm chức, chính quyền nước này đã ra quy định là kể từ 25/03, “tất cả những ai không có trang bị bảo hộ trên mặt (khẩu trang, khăn choàng, máy thở v.v…) đều bị cấm ra đường”.
Biện pháp này được xem là “một trong những công cụ quan trọng nhất để chống virus Covid-19 ở Cộng Hòa Slovakia”, dựa trên ý kiến của cơ quan đặc trách y tế Slovakia.
Thế nhưng báo giới nước này không tránh khỏi việc đặt lại vấn đề và đưa ra quan điểm của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Theo tạp chí thiên hữu Tyzden: “Chính quyền mới chỉ phản ứng dưới sức ép của dân chúng. Chúng ta có thể nói đây là sức ép từ bên dưới và các chính trị gia, giới truyền thông và phần lớn giới khoa học của chúng ta đã đi theo.”
Slovenia: Nhật, Hàn kềm hãm được dịch bệnh nhờ khẩu trang
Tại Slovenia, việc đeo khẩu trang trở nên bắt buộc kể từ ngày 30/03. Rất năng nổ trên Twitter, thủ tướng Janez Jansa, không ngần ngại chỉ trích quan điểm dè dặt của Tổ Chức Y Tế Thế Giới và tìm cách hạ uy tín của định chế này.
Ông cũng đã phát tán một thông tin trên Twitter cho thấy một đồ họa về tình hình lây nhiễm ở các quốc gia và kết luận là tại những nước mà người dân đeo khẩu trang, như Nhật Bản hay Hàn Quốc, dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn.
Áo: Bước đầu là siêu thị, bước sau là mọi nơi
Một cách giới hạn hơn, Áo cũng theo gương các láng giềng Slovenia, CH Séc và Slovakia khi bắt buộc phải mang khẩu trang trong các siêu thị kể từ ngày 06/04. Ngay từ ngày 01/04, các dây chuyền siêu thị tại Áo đã bắt đầu phân phát khẩu trang cho khách hàng.
Việc đeo khẩu trang bắt buộc này đã được thủ tướng Sebastian Kurz nêu lên như là điều “xa lạ với văn hóa Áo”, nhưng cho đấy là “một thay đổi lớn” mà chính phủ Áo xem là “một biện pháp cần thiết để giảm đà lây lan của dịch bệnh”.
Theo thủ tướng Áo: “Đây là vấn đề bảo vệ miệng và mũi. Với những khẩu trang này thì có thể bảo đảm là việc truyền nhiễm qua đường không khí là không quá dễ dàng. Tuy khẩu trang không thể thay thế việc giữ khoảng cách, nhưng đó là một biện pháp bổ sung để chống lây nhiễm.”
Chính quyền Áo xem biện pháp đeo khẩu trang, hiện chỉ thực hiện ở các siêu thịlà một giai đoạn thực tập và “mục tiêu sẽ là đeo khẩu trang không chỉ ở siêu thị, mà là ở mọi nơi mà con người tiếp xúc với nhau”.
Bulgari: Lùi bước trước công luận
Ngoài các nước kể trên, trong thời gian rất ngắn, chính quyền Bulgari cũng bắt buộc dân chúng đeo khẩu trang, nhưng sắc lệnh công bố ngày 30/03 đã bị bộ trưởng Y Tế Kiril Ananiev rút lại ngay vào hôm sau, giải thích rằng biện pháp đã “không có sự đồng thuận tuyệt đối của dân chúng”.
Tuy không còn bắt buộc, nhưng tại Bulgari, việc đeo khẩu trang vẫn được khuyến khích.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200407-covid-19-trung-%C3%A2u-%C4%91i-%C4%91%C3%A2%CC%80u-trong-chu%CC%89-tr%C6%B0%C6%A1ng-toa%CC%80n-d%C3%A2n-%C4%91eo-kh%C3%A2%CC%89u-trang

Thủ tướng Anh Boris Johnson

‘được đưa vào khoa cấp cứu’

Thủ tướng Anh, tối ngày 6/4, đã phải được đưa vào phòng hồi sức cấp cứu (ICU) vì tình trạng xấu đi, phủ thủ tướng nói.
“Trong chiều nay, tình trạng thủ tướng xấu đi, và do lời khuyên của nhóm y khoa, ông được đưa vào phòng Chăm sóc Đặc biệt tại bệnh viện.”
Báo Anh The Guardian có bài nói: “Mặc dù ông Johnson được biết là không có vấn đề gì về tình trạng sức khỏe, nhưng ông đã cởi mở nói về việc ông từ phải đối phó với bệnh béo phì – là yếu tố dễ gặp rủi ro với virus corona.”
The Guardian dẫn một báo cáo tuần rồi nói hơn 70% bệnh nhân trong phòng cấp cứu vì Covid-19 là béo phì hoặc quá cân.
Ông Boris Johnson năm nay 55 tuổi.
Ông nhập viện vào tối Chủ nhật 5/4 sau khi đã dương tính với virus được 10 ngày.
Giới trẻ thu nhập thấp ở Anh bị ảnh hưởng tài chánh nặng nhất vì virus corona
Covid-19: ‘Mình cần xa nhau lâu đấy’
Virus corona: Anh Quốc cứu trợ doanh nghiệp và người lao động ra sao?Các bác sĩ nói hiện ông không cần máy trợ thở trong bệnh viện St Thomas, London.
Trong ngày thứ Hai, đã có tin ông Johnson “ổn định”, và có “tinh thần tốt” nhưng đến tối, tình hình của ông xấu đi.
Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab sẽ thay quyền thủ tướng Anh “ở điểm nào cần thiết”, theo một thông báo của chính phủ.
Ông Raab trong ngày thứ Hai đã bị chất vấn vì sao để ông Boris Johnson “tiếp tục làm việc bên giường bệnh” và không tạm trao quyền lãnh đạo chính phủ.
Các báo Anh đồng loạt chạy ‘tin choáng’ về sức khoẻ của ông Boris Johnson.
Nhiều người chia sẻ lời cầu nguyện hoặc lời chúc ông chóng bình phục.
Lãnh đạo phe đối lập – đảng Lao động Anh, Sir Keir Starmer nói: “Đây là tin xấu, cả nước cùng nghĩ tới thủ tướng và gia đình ông trong thời khắc hết sức khó khăn này”.
Ban đầu có vẻ lạc quan
Ông Johnson, 55 tuổi, đã xét nghiệm dương tính với virus corona cách đây 10 ngày.
Ban đầu, trong ngày 6/4, nói trên Twitter, Thủ tướng Boris Johnson nói rằng vẫn đang “giữ liên lạc với đội ngũ của tôi để chống lại virus này và giữ cho mọi người được an toàn”.
Ông cũng cảm ơn các “nhân viên y tế NHS xuất sắc” đã chăm sóc ông và các bệnh nhân khác, và nói thêm: “Các bạn là những người tuyệt vời nhất nước Anh”.
Người phát ngôn chính thức của thủ tướng nói ông vẫn đang “được theo dõi” trong bệnh viện, và mô tả các báo cáo của Nga rằng ông Johnson phải cần đến máy thở là “thông tin sai lệch”.
Ông ấy vẫn đang tiếp tục được theo dõi và cập nhật tình hình trong bệnh viện, người phát ngôn cho biết thêm.
Tháng trước, phát ngôn viên của thủ tướng nói nếu ông Johnson không khỏe và không thể làm việc, ông Raab, với tư cách là ngoại trưởng, sẽ thay thế điều hành công việc.
Trước đó, Bộ trưởng Nhà ở Robert Jenrick cho biết ông hy vọng thủ tướng sẽ trở lại phủ thủ tướng “càng sớm càng tốt”.
“Ông ấy đã làm việc cực kỳ chăm chỉ để lãnh đạo chính phủ và vẫn đang cập nhật liên tục. Điều đó sẽ vẫn tiếp tục,” ông nói với BBC Breakfast.
Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong số những người đã gửi lời chúc tới ông Johnson.
“Tất cả người Mỹ đang cầu nguyện cho ông ấy. Ông ấy là một người bạn tuyệt vời của tôi, là một quý ông và một nhà lãnh đạo tuyệt vời”, ông Trump nói và cho biết thêm rằng ông chắc chắn thủ tướng sẽ ổn vì ông ấy là “người mạnh mẽ”.
Và lãnh đạo đảng Lao động Sir Keir Starmer cho biết ông hy vọng thủ tướng sẽ “phục hồi nhanh chóng”.
Thứ trưởng Y tế Nadine Dorries, người cũng đã xét nghiệm dương tính với virus corona vào tháng trước, cho biết nhiều người bị nhiễm virus sẽ mệt mỏi và sốt cao và cần cách ly để nghỉ ngơi và phục hồi.
“Boris đã mạo hiểm sức khỏe của mình và thay mặt chúng tôi làm việc mỗi ngày để lãnh đạo cuộc chiến chống lại virus ghê tởm này”, bà nói trong một tweet.
Phân tích của Norman Smith
Trợ lý biên tập chính trị
Mặc dù phủ thủ tướng khẳng định Thủ tướng vẫn điều hành, nhưng nếu các bác sĩ khăng khăng đòi ông phải nghỉ ngơi và hồi phục, ông có thể phải ‘lùi ra sau’ trong một khoảng thời gian.
Virus corona: Hơn 900 người chết một ngày ở Ý
Covid-19: Thái tử Charles của Anh Quốc nhiễm virus
Virus corona: Chính phủ Anh muốn người dân làm gì?
Ở Anh, chúng ta không còn phó thủ tướng – phó thủ tướng cuối cùng là Nick Clegg dưới thời David Cameron.
Về mặt kỹ thuật, Dominic Raab – với tư cách là ngoại trưởng – sẽ được dự kiến ​​sẽ tăng cường.
Tuy nhiên, vị trí ngoại trưởng của ông không đưa ông vào vị trí trung tâm trong cuộc chiến chống virus corona.
Do đó, có vẻ như hai nhân vật dự kiến ​​sẽ đảm nhận vai trò chủ chốt sẽ là Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock.
Cả hai người này thường xuyên đại diện cho chính phủ tại các cuộc họp báo hàng ngày.
Hiện tại, trọng tâm vẫn là “làm phẳng đường cong” và giảm mức độ lây nhiễm và nhập viện.
Do đó, các quyết định hàng ngày có khả năng phụ thuộc nhiều hơn vào lời khuyên của các nhà khoa học và quan chức.
Bác sĩ Sarah Jarvis, nói với BBC rằng ông Johnson có thể sẽ chụp X-quang ngực và quét phổi, đặc biệt nếu ông đang gặp khó khăn trong việc thở.
Bà cho biết ông ấy cũng có khả năng phải đo điện tâm đồ để kiểm tra chức năng tim, cũng như kiểm tra nồng độ oxy, số lượng bạch cầu và kiểm tra chức năng gan và thận trước khi xuất viện.
Ông Johnson đã làm việc tại nhà kể từ khi được thông báo xét nghiệm dương tính với virus corona vào ngày 27 tháng 3.
Ông được nhìn thấy lần cuối khi công chúng vỗ tay hoan hô các nhân viên y tế NHS từ căn hộ của ông ở phố Downing vào tối thứ Năm, và chủ trì một cuộc họp về virus corona từ xa vào sáng thứ Sáu.
Cuối ngày hôm đó, thủ tướng đã đăng một video lên Twitter nói rằng ông vẫn còn các triệu chứng nhẹ.
“Tôi vẫn còn sốt. Vì vậy, theo lời khuyên của chính phủ, tôi phải tiếp tục tự cách ly cho đến khi triệu chứng đó tự hết,” ông nói.
“Nhưng chúng tôi đang làm việc toàn bộ thời gian theo chương trình của chúng tôi để đánh bại virus.”
Cô Carrie Symonds, hôn thê của ông Johnson, đang mang thai “cũng có triệu chứng mắc Covid-19″ tuy đã khỏi dần.
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cũng đã xét nghiệm dương tính với virus và đã trở lại hôm thứ Năm sau thời gian tự cách ly để tổ chức cuộc họp báo hàng ngày.
Cố vấn y tế của chính phủ, Giáo sư Chris Whitty, cũng tự cách ly sau khi xuất hiện các triệu chứng nhưng hiện đã hồi phục và trở lại làm việc
Tin tức về việc ông Johnson nhập viện được đưa ra ngay sau khi Nữ hoàng Anh gửi thông điệp tới quốc gia, nói rằng Vương quốc Anh “sẽ thành công” trong cuộc chiến chống lại đại dịch virus corona.
Trong một bài phát biểu hiếm hoi, Nữ hoàng đã cảm ơn mọi người vì đã tuân theo các quy tắc của chính phủ để ở nhà và ca ngợi những người “đang đoàn kết để giúp đỡ người khác”.
Hôm Chủ nhật (5/4), Bộ Y tế cho biết thêm 621 người đã chết trong bệnh viện ở Anh sau khi xét nghiệm dương tính với virus corona, nâng tổng số người chết lên tới 4934.
Tính đến 09:00 ngày 5/4 (theo giờ địa phương), đã có tổng số 47.806 người xét nghiệm dương tính với virus corona.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52186918

Thủ tướng Anh Boris Johnson

‘ổn định, không phải dùng máy thở’

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang trong “tâm trạng tốt” sau khi có một đêm trong phòng hồi sức cấp cứu vì virus corona, phủ thủ tướng loan báo ngày 7/4.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ‘được đưa vào khoa cấp cứu’
Những đại dịch tàn khốc và bài học thời Covid-19
Người phát ngôn nói ông Johnson, 55 tuổi, ở trong tình trạng ổn định, đã được cho thở oxy nhưng không phải dùng máy thở.
Trong diễn biến khác, chánh văn phòng nội các Michael Gove là chính khách mới nhất tự cách ly, vì một người trong gia đình có triệu chứng của Covid-19.
Ông Boris Johnson đang nằm trong bệnh viện St Thomas ở London từ hôm Chủ nhật 5/4.
Ông được chuyển vào khoa hồi sức cấp cứu khoảng lúc 7h tối ngày 6/4.
Trong thông cáo mới nhất ngày 7/4, phủ thủ tướng Anh nói ông Johnson không có triệu chứng của viêm phổi.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hiện là người tạm thời thay Thủ tướng.
Tuy nhiên, người phát ngôn chính phủ nói ông Raab không có quyền hạn “tuyển mộ và đuổi việc” nhân viên trong lúc tạm quyền.
Nếu ngoại trưởng Anh ốm, bộ trưởng tài chính Rishi Sunak sẽ tiếp quản.
Cùng ngày 7/4, thống kê mới nhất nói đã có thêm 854 người chết ở Vương quốc Anh vì virus.
Số liệu này gồm 758 ca tử vong ở Anh, 74 ở Scotland và 19 ở Wales.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52204464

Thành phố Đức

nhờ quân đội bảo vệ các lô hàng khẩu trang

Tin Berlin, Đức – Chính quyền thành phố Berlin, Đức, đã yêu cầu quân đội giúp bảo vệ việc vận chuyển các lô hàng khẩu trang và thiết bị y tế, sau khi một lô hàng 200,000 khẩu trang được Berlin đặt mua cho lực lượng cảnh sát đã mất tích một cách bí ẩn. Phát ngôn viên quân đội Đức xác nhận đã nhận được đề nghị hỗ trợ từ thành phố Berlin và vẫn đang cân nhắc. Vào Chủ Nhật, 5 tháng 4, giám đốc y tế Berlin nói rằng thành phố này đang cần hỗ trợ khẩn cấp trong việc vận chuyển thiết bị y tế bằng đường hàng không từ nước ngoài về nước, để đối phó cuộc khủng hoảng coronavirus.
Vào cuối tuần trước, một viên chức cao cấp khác của thủ đô Berlin, bộ trưởng bộ nội vụ Andreas Geisel, đã chỉ trích Hoa Kỳ, nói rằng 200,000 khẩu trang, được sản xuất tại Trung Cộng bởi hãng 3M đã bị tịch thu tại Bangkok bằng những phương pháp hết sức ngang ngược. Ông Geisel nói việc chuyển hướng lô hàng này không khác gì một vụ cướp biển thời hiện đại, và không phải là cách cư xử giữa các tối tác với nhau. Nhiều viên chức khác của Berlin cũng có bình luận tương tự, và cho biết họ đang điều tra vụ lô hàng khẩu trang mất tích. Trước đó, Pháp cũng có những lời chỉ trích tương tự, khi các viên chức nước này cáo buộc người Mỹ đã trả giá cao hơn để mua số khẩu trang tại Trung Cộng, vốn đang chuẩn bị được chở đến Pháp.
Đáp lại, Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Paris nói rằng, bất kỳ tin tức nào cho rằng chính phủ Hoa Kỳ có liên quan đến các sự kiện này đều là dối trá. Công ty 3M nhà sản suất mặt nạ cũng lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Đức về 200,000 khẩu trang bị tịch thu tại Bangkok. Công ty này cho hãng thông tấn DPA biết, họ hoàn toàn không nhận được báo cáo nào về việc khẩu trang bị tịch thu hay bất kỳ giấy tờ nào về chuyến hàng chuyển đến cho Berlin.
BTT
https://www.sbtn.tv/thanh-pho-duc-nho-quan-doi-bao-ve-cac-lo-hang-khau-trang/

Dịch Covid-19 :

Pháp “ngộ” ra tác dụng “toàn dân đeo khẩu trang”

Thu Hằng
Chính phủ Pháp bắt đầu thay đổi quan điểm về tác dụng của khẩu trang để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Không chỉ Pháp mà nhiều nước phương Tây khác từng khẳng định rằng khẩu trang là “vô ích” đối với người khỏe mạnh, chỉ người bệnh và nhân viên y tế mới phải đeo khẩu trang. Quan điểm này đã bị một nhà khoa học Trung Quốc nổi tiếng đánh giá là một “sai lầm lớn”.
Từ khi dịch Covid-19 lan rộng ở Trung Quốc và châu Á cho đến cuối tháng 03/2020, khi nước Pháp bị phong tỏa hoàn toàn, chính phủ kiên quyết khẳng định đeo khẩu trang ở nơi công cộng là vô ích. Dường như có hai yếu tố ẩn sau những tuyên bố “chắc như đinh đóng cột”: thứ nhất là để trấn an người dân và thứ hai là nước Pháp không có đủ khẩu trang cho tất cả mọi người.
Chính phủ Pháp luôn viện dẫn khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, hiện vẫn cho rằng người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang. Điều này đã dẫn đến tình trạng kỳ thị người đeo khẩu trang tại Pháp, đặc biệt là tại Paris, trong đó có cộng đồng châu Á vẫn giữ thói quen từ thời dịch SARS 2003.
Tiếp theo, phải kể đến tình trạng khan hiếm khẩu trang. Khi dịch cúm gia cầm H1N1 bùng phát năm 2010, Pháp có một tỉ khẩu trang các loại trong kho dự trữ. Tuy nhiên, bà Roselyne Bachelot, bộ trưởng Y Tế thời đó, đã bị chỉ trích làm quá. Và kể từ đó, kho dự trữ chỉ xuất mà không được nhập thêm và còn lại khoảng 120 triệu khẩu trang vào đầu mùa dịch Covid-19, trong khi cả nước cần đến 40 triệu chiếc mỗi tuần.
Để đối phó với tình trạng khan hiếm, Nhà nước trưng thu tất cả các loại khẩu trang có trên lãnh thổ để phân phát cho những người trên tuyến đầu chống dịch. Phải đến cuối tháng Ba, chính phủ mới thông báo đặt mua thêm 250 triệu khẩu trang, tiếp theo là 2 tỉ chiếc được thông báo vào ngày 04/04. Nhưng các lô hàng có đến được Pháp hay không lại là một chuyện khác, nếu nhìn vào thực tế nhiều nước phỗng tay trên của nhau như hiện nay.
Khẩu trang sẽ hữu ích cho thời hậu phong tỏa ?
Chính phủ Pháp đang tính đến các biện pháp dỡ bỏ từng bước lệnh phong tỏa, đồng thời vẫn phải kiềm chế đà lây nhiễm trong cộng đồng, từ khả năng theo dõi dấu vết người nhiễm virus đến đeo khẩu trang đại trà…
Ngày 03/04, Viện Hàn lâm Y học Pháp đã khuyến cáo người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Công dụng của khẩu trang được nhà dịch tễ học Pháp Antoine Flahaut khẳng định là “giúp giảm khả năng lây nhiễm virus và như vậy có thể kiểm soát được đại dịch”, trong khi ngày càng có nhiều trường hợp nhiễm virus corona nhưng không có triệu chứng và virus có khả năng bay theo hơi thở khi nói chuyện.
Trả lời họp báo ngày 04/04, bộ trưởng Y Tế cho biết đã đề nghị “hội đồng khoa học, các chuyên gia về virus và các cơ quan dịch tễ đánh giá lại quan điểm (sử dụng khẩu trang)”. Cùng lúc, tổng cục trưởng Tổng cục Y tế Pháp Jérôme Salomon khuyên mọi người đeo “khẩu trang”, loại may vải thông dụng, không phải loại chuyên dùng cho giới y tế.
Khuyến nghị này được bộ Nội Vụ Pháp trấn an : “Việc mang khẩu trang để phòng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 không phải là hành vi vi phạm pháp luật”. Thực vậy, điều 1 của đạo luật ngày 11/10/2010 quy định “không một ai, tại nơi công cộng, có thể mang trang phục nhằm che mặt” và người vi phạm có thể phạt đến 150 euro.
Trong khi một số bang tại Mỹ, nhiều nước Trung Âu và vùng Lombardia của Ý đang từng bước bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, người dân Pháp có lẽ cũng chuẩn bị làm quen với biện pháp mới này. Đây là một trong những giải pháp mà dường như chính phủ đang tính đến, theo phát biểu của một người thân cận của tổng thống Macron với tuần báo Le Journal du Dimanche (05/04).
Liệu khẩu trang sẽ trở thành vị cứu tinh cho chính phủ sau quãng thời gian phong tỏa khiến mọi hoạt động bị đình trệ và kinh tế bị tác động nặng nề ? Tuy nhiên, chính cách xử lý dịch “thiếu nhất quán” của chính phủ đang khiến công luận bức xúc : Chỉ có 41% người dân Pháp tin vào chính phủ chống dịch hiệu quả, theo kết quả thăm dò ngày 01/04 của Viện Elabe, được Le Monde (06/04) trích dẫn ; 63% người dân Pháp cho rằng chính phủ “che giấu điều gì đó”, theo một nghiên cứu khác được Opinion Way công bố ngày 30/03.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200407-d%E1%BB%8Bch-covid-19-ph%C3%A1p-ng%E1%BB%99-ra-t%C3%A1c-d%E1%BB%A5ng-to%C3%A0n-d%C3%A2n-%C4%91eo-kh%E1%BA%A9u-trang

Covid-19 : Pháp triển hạn phong tỏa, rau tươi càng ế ẩm

Tuấn Thảo
Nếu như trong thời gian đầu, lệnh phong tỏa đã khiến cho dân Pháp có tâm lý đề phòng tích trữ, mua nhiều bột, gạo, mì sợi, trứng gà hay bánh mì mềm cắt lát (pain de mie) thì ngược lại khi lệnh phong tỏa càng kéo dài, nhiều thực phẩm bán ở siêu thị lại càng ế ẩm. Nạn nhân đầu tiên là các loại rau tươi và trái cây đầu mùa.
Tháng tư ở Pháp là mùa trái dâu, măng tây và một số rau tươi. Các mặt hàng này đều bán không chạy, vì bị cho là khó thể nào giữ được lâu, mà cũng chẳng bỏ vào tủ đông lạnh được, vì sợ không còn đầy đủ chất dinh dưỡng. Trong khi đó, người tiêu dùng ở Pháp vẫn chủ yếu mua các loại rau quả mà họ có thể giữ được nhiều ngày trong tủ lạnh.
Tại chợ Rungis, nổi tiếng là ‘‘chợ bán sỉ ’’ lớn nhất nước Pháp, nguồn cung cấp chính của các tiệm ăn và các cửa hàng bán lẻ, khu vực bán rau quả tiếp tục hoạt động và mức bán đạt tới 70% so với ngày thường. Chợ Rungis tương đối không bị tác hại quá nặng nề, một phần cũng vì đại đa số các chợ trời với nhiều sản phẩm địa phương (cung cấp 11% rau quả cho dân Pháp) đều buộc phải đóng cửa vô thời hạn.
Theo ông Stéphane Layani, giám đốc hệ thống phân phối của Rungis, doanh thu ngành rau quả tại chợ Rungis tương đương với 3,2 tỷ euro mỗi năm và cũng may là các nhà sản xuất rau quả duy trì được một phần hoạt động, trong khi ngành cung cấp cá tươi hay hải sản chỉ đạt tới mức 20%, khiến cho nhiều nhân viên trong ngành cá buộc phải ở nhà, do không có việc  làm.
Thà bán ít còn hơn là không bán gì cả. Về điểm này, một số nhà sản xuất rau quả may mắn hơn các đồng nghiệp của họ. Người Pháp tiếp tục mua các loại trái cây như chuối, táo, cam, kiwi, trái bơ (avocat) và rau củ tươi như mướp xanh, cà tím, cà rốt, ớt chuông, bông cải, cà chua hay khoai tây. Ngược lại, họ không tha thiết gì lắm với các loại xà lách, đậu hà lan, rau dền (épinard), củ cải đỏ (radis), rau diếp xoăn (endive). Các mặt hàng theo mùa như trái dâu và măng tây đều ế ẩm, cũng như nấm nâu hay atisô, cho dù các nhà sản xuất đã cố gắng duy trì các mặt hàng này ở một mức giá tương đối phải chăng.
Theo ông Arnold Puech d’Alissac, thuộc Liên đoàn quốc ga của các nhà sản xuất nông phẩm FNSEA, lệnh phong tỏa cũng khiến cho việc vận chuyển và phân phối rau quả khó khăn hơn. Các loại dâu tây bày bán hiện giờ chủ yếu là dâu trồng ở Pháp, trong khi người tiêu dùng có thói quen mua dâu của Tây Ban Nha, vốn có giá mềm hơn. Chênh lệch giá cả đôi khi lên tới gần gấp đôi. Giá trung bình của trái dâu sản xuất ở Pháp vốn đã cao, mặt hàng này lại không giữ được lâu. Điều đó tạo thêm nhiều rào cản trong tâm lý người tiêu dùng.
Do lệnh phong tỏa ảnh hưởng tới ngành phân phối, các loại rau tươi và trái cây cũng tương đối đắt hơn so với cùng thời kỳ năm trước. Tuy vậy, người Pháp vẫn chịu trả đắt một chút một phần để hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước, một phần họ vẫn thích ăn các loại thực phẩm tươi như rau quả. Tại các cửa hàng chuyên bán rau sạch Biocoop, doanh thu của công ty này với hơn 630 địa điểm phân phối tại Pháp đã tăng 30% trong thời gian qua.
Một trong những sản phẩm bán chạy nhất của thương hiệu này chính là các giỏ rau tươi và củ quả, dùng để làm súp hay xào nấu. Theo lời ông David Siffert, giám đốc ngành rau quả thuộc hệ thống phân phối Biocoop, kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, thương hiệu này đã có được những khách hàng mới. Một phần vì nhiều người Pháp muốn thay đổi cung cách tiêu dùng, một phần khác vì có ý kiến cho rằng nên ăn nhiều chất bỗ dưỡng để giúp cho cơ thể gia tăng sức đề kháng trong mùa dịch.
Người Pháp thường có thói quen đi mua rau quả ở chợ trời vào những ngày cuối tuần, nhưng kể từ khi có lệnh phong tỏa, các phiên chợ trời đều ngưng hoạt động và một số nhỏ chỉ mở cửa trở lại một cách nhỏ giọt và thường phải có giấy phép của chính quyền. Theo bà Christiane Lambert, chủ tịch Liên đoàn quốc gia các nhà sản xuất nông phẩm FNSEA, ngành sản xuất nông phẩm vẫn còn gặp khó khăn chừng nào chính phủ chưa có biện pháp cụ thể giúp cho kinh tế trở lại nhịp độ bình thường. Theo bà, thì cần phải tăng cường các kho dự trữ hay tăng thêm mức sản xuất thực phẩm đông lạnh (khoai tây, đậu đũa, đậu hà lan) để tránh tình trạng thực phẩm bị ứ đọng, đành phải vứt đi hàng loạt.
Trước mắt lệnh phong tỏa kéo dài đã tạo ra những phản ứng bất ngờ, hàng siêu thị không bị khan hiếm, nhưng tâm lý dự trữ khiến cho mức cầu tăng bất thường, trong khi mức cung vẫn còn chậm do lệnh phong toả. Điều đó khiến cho giá khoai tây, cà rốt, cải diếp xoăn, tỏi tây (poireau) tăng đáng kể trên thị trường. Còn các loại rau quả mà người Pháp dùng thường xuyên nhất đã tăng gấp bội, đến nổi giá mướp xanh hiện thời lên tới hơn 5€ còn cà chua xấp xỉ 6,5€ một kí. Với giá này, thì chẳng thà ăn một chút dâu tây còn hơn.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200407-covid-19-ph%C3%A1p-tri%E1%BB%83n-h%E1%BA%A1n-phong-t%E1%BB%8Fa-rau-t%C6%B0%C6%A1i-c%C3%A0ng-%E1%BA%BF-%E1%BA%A9m

Ý mua phải lô vật tư y tế từng tặng cho Trung Quốc

Băng Thanh
Sau khi nói với thế giới rằng Trung Quốc sẽ tặng khẩu trang và thiết bị xét nghiệm cho Ý, Bắc Kinh đã không giữ lời và chỉ cung cấp thiết bị y tế cho Ý khi nước này đề nghị mua.
Điều tồi tệ hơn là các đồ bảo hộ y tế (PPE) Trung Quốc bán cho Ý thực ra lại chính là đồ bảo hộ y tế mà Ý tặng cho Trung Quốc trước khi dịch viêm phổi Vũ Hán tiến vào nước này, theo Fox News.
“Trước khi virus tấn công châu Âu, Ý đã gửi hàng tấn PPE đến Trung Quốc để giúp Trung Quốc bảo vệ người dân của chính họ. Trung Quốc sau đó đã gửi PPE của Ý trở lại Ý – một số trong đó, thậm chí không phải tất cả… và tính tiền cho chúng”, một quan chức cao cấp của chính quyền Trump nói với The Spectator.
Theo Fox News, hàng ngàn vật tư y tế và các bộ dụng cụ xét nghiệm mà Trung Quốc bán cho các quốc gia khác được cho là đã bị lỗi.
Cụ thể, Tây Ban Nha đã trả lại 50.000 bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh cho Trung Quốc sau khi phát hiện ra chúng không hoạt động tốt. Hà Lan cũng từ chối bộ dụng cụ xét nghiệm và đồ bảo hộ virus Vũ Hán do Trung Quốc sản xuất, nói rằng chúng không đạt tiêu chuẩn và tỏ ý nghi ngờ về chất lượng các vật tư y tế mà Bắc Kinh đang bán cho thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia và Cộng hòa Séc nói rằng bộ dụng cụ mua từ Trung Quốc là không an toàn.
Quan chức cao cấp của chính quyền Trump nói với The Spectator: “Thật là thiếu tôn trọng đối với các quan chức Trung Quốc khi nói rằng chúng tôi là những người đang giúp đỡ người Ý hoặc chúng tôi là những người đang giúp đỡ thế giới chống lại sự hoành hành của dịch bệnh, trên thực tế, họ (chính phủ Trung Quốc) là những người lây nhiễm cho tất cả chúng ta”.
“Tất nhiên họ nên được giúp đỡ. Họ có trách nhiệm đặc biệt để giúp đỡ vì họ là những người bắt đầu truyền virus corona và không cung cấp thông tin cần thiết cho phần còn lại của thế giới để lên kế hoạch phù hợp chống lại virus”, ông nói.
Vị quan chức này nói thêm rằng, tin tức giả của Trung Quốc xung quanh virus đã trì hoãn phản ứng của Mỹ đối với dịch bệnh ít nhất một tháng do làm cho thế giới tin rằng virus chỉ là một vấn đề địa phương. Và vào giữa tháng 1, WHO, dựa trên thông tin từ Bắc Kinh đã nói với thế giới rằng Covid-19 không thể lây truyền từ người sang người.
https://www.dkn.tv/the-gioi/y-mua-phai-lo-vat-tu-y-te-tung-tang-cho-trung-quoc.html

Covid-19 : Thổ Nhĩ Kỳ thả bớt tù hình sự,

nhưng vẫn giữ tù chính trị

Anh Vũ
Tính đến ngày 06/04/200, Thổ Nhĩ Kỳ có hơn 30 nghìn ca nhiễm và 679 người chết vì Covid-19. Trong bối cảnh dịch lan tràn như vậy, chính quyền Ankara quyết định giải tỏa một phần các nhà tù, hiện đã quá đông. Khoảng 90 nghìn tù nhân sẽ được trả tự do trước thời hạn hoặc quản thúc tại gia, theo một đạo luật được Quốc Hội thảo luận và thông qua ngày 07/04/2020.
Thế nhưng, chỉ có tù thường phạm mới được phóng thích, còn tù chính trị cũng như những người phạm tội « khủng bố » không nằm trong diện được hưởng chính sách trên.
Thông tín viên Anne Andlauer tường trình từ Istanbul :
Đúng là nghịch lý. Nếu như các nhà tù ở Thổ Nhĩ Kỳ đang quá tải- 240 nghìn chỗ trong khi có đến 300 nghìn tù nhân – đó là vì từ khi có cuộc đảo chính hụt năm 2016, hàng chục nghìn người đã bị giam vì các cáo buộc liên hệ với « khủng bố ».
Họ là những người trung thành với giáo sĩ Fethullah Gulen, được cho người cầm đầu đảo chính, và cả các nhà báo, những nhà hoạt động nhân quyền, đối lập chính trị thuộc đảng ủng hộ người Kurdistan…
Thế nhưng, tất cả những tù nhân đó, phần lớn thuộc diện bị giam giữ để ngăn chặn, lại bị gạt ra khỏi diện được thả sớm. Theo luật sư Erdal Dogan, chuyên gia về các phiên xử chính trị, những người này lẽ ra phải là những người đầu tiên được trả tự do.
Ông nói : « Đó là những người không hề phạm tội gì khác ngoài suy nghĩ và viết. Họ là nạn nhân của sự tức tối và thù hằn của chính quyền. Không thể hiểu nổi cả về mặt pháp lý cũng như về mặt nhân đạo hay đạo đức. »
Luật sư Erdal Dogan không tin vào thông báo của bộ trưởng Tư Pháp, theo đó không có ca nhiễm Covid-19 nào được phát hiện trong tù: « Quản lý trại giam buộc hàng nghìn tù nhân phải làm việc. Không thể có chuyện không có ai trong số họ bị nhiễm virus. Hơn nữa, các tù nhân chắc chắn không có đủ nước và xà phòng. Loại các tù chính trị ra khỏi diện thả sớm tức là đe dọa họ bằng cái chết và như vậy để đổ trách nhiệm cho chính họ về cái chết của mình. »
Hơn thế, dịch bệnh khiến họ còn phải chịu thêm hình phạt là kéo dài thời gian chờ phiên xử. Do virus corona, các phiên xử tại tòa án đều tạm ngừng ít nhất cho đến cuối tháng này.”
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200407-covid-19-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-th%E1%BA%A3-b%E1%BB%9Bt-t%C3%B9-h%C3%ACnh-s%E1%BB%B1-nh%C6%B0ng-v%E1%BA%ABn-gi%E1%BB%AF-t%C3%B9-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B

Syria: LHQ tránh nêu tên Nga

trong các vụ không kích bệnh viện

Anh Vũ
Hôm qua 06/04/2020, AFP cho hay, báo cáo của ủy ban nội bộ của Liên Hiệp Quốc, được thành lập hồi mùa hè năm ngoái để điều tra về các vụ tấn công vào các cơ sở dân sự ở Syria hồi năm 2019, đã tránh trực tiếp nêu vai trò của Nga.
Vị trí của các cơ sở dân sự, trong đó có nhiều bệnh viện đã được Liên Hiệp Quốc thông báo cho các bên tham chiến để tránh không kích vào những nơi này. Theo tóm tắt của báo cáo kết luận mà AFP có được, « phía Syria đã nhiều lần không đáp lại yêu cầu » cho ủy ban điều tra tới hiện trường. Không hề nêu tên Nga, báo cáo của Liên Hiệp Quốc kết luận «  chính phủ Syria cùng với các đồng minh, hoặc các đồng minh của họ đã tiến hành các vụ không kích » vào các bệnh viện.
Năm 2019, nhật báo Mỹ New York Times đã công bố một điều tra riêng trong đó Nga bị nêu đích danh đã trực tiếp tham gia vào các vụ tấn công bệnh viện tại Syria. Nga vẫn luôn bác bỏ các cáo buộc tấn công vào các mục tiêu dân sự ở Syria.
Hồi cuối tháng 7/2019, 10 thành viên Hội Đồng Bảo An LHQ ( Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Indonesia, Koweit, Peru, Ba Lan và CH Dominicana) đã yêu cầu tổng thư ký LHQ Antonio Guterres điều tra về các vụ tấn công vào các cơ sở y tế ở Syria.
Trong một bức thư, ông Antonio Guterres nhấn mạnh công việc của ủy ban điều tra không phải là truy tìm tội phạm, mà mục tiêu chỉ nhằm cải thiện việc ngăn ngừa những cuộc tấn như vậy.
Một số nước phương Tây và tổ chức phi chính phủ cho rằng các vụ không kích vào mục tiêu dân sự ở Syria phải bị coi là tội ác chiến tranh
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200407-syria-lhq-tr%C3%A1nh-n%C3%AAu-t%C3%AAn-nga-trong-c%C3%A1c-v%E1%BB%A5-kh%C3%B4ng-k%C3%ADch-b%E1%BB%87nh-vi%E1%BB%87n

Virus corona:

Tại sao Turkmenistan không có ca nhiễm nào?

Abdujalil AbdurasulovBBC News
Khi bản đồ Covid-19 ngày càng nới rộng ra, có một vài nước lại chưa từng ghi nhận ca nhiễm nào, trong đó có một trong những quốc gia hà khắc nhất trên thế giới – Turkmenistan. Các chuyên gia lo ngại nước này đang giấu diếm sự thật. Điều này có thể phá vỡ các nỗ lực chấm dứt đại dịch.
Trong khi thế giới chiến đấu đang tìm phấn đấu với virus corona và có thêm nhiều nước phải phong tỏa, Turkmenistan tổ chức một chiến dịch đạp xe rầm rộ để kỷ niệm ngày Sức khỏe Thế giới.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ‘được đưa vào khoa cấp cứu’
Virus corona: Dân Vũ Hán đòi minh bạch, truyền thông Mỹ nghi ngờ số người chết
Covid-19 có ‘giáng đòn’ chí tử lên báo giấy Việt Nam?
Liệu virus corona có sẽ đảo ngược toàn cầu hóa?
Quốc gia ở Trung Á này khẳng định không có ca nhiễm Covid-19 nào. Nhưng chúng ta liệu có thể tin vào các số liệu được cung cấp bởi một chính phủ nổi tiếng về kiểm duyệt?
“Các thống kê y tế chính thức từ Turkmenistan nổi tiếng là không đáng tin cậy”, giáo sư Martin McKee từ Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn, người nghiên cứu hệ thống chăm sóc sức khỏe Turkmenistan cho biết.
“Trong thập kỷ qua, họ tuyên bố không có người nhiễm HIV/Aids, một con số không hợp lý. Chúng tôi cũng biết rằng, trong thập niên 2000, họ đã ngăn chặn bằng chứng về một loạt các vụ dịch, bao gồm cả bệnh dịch.”
Nhiều người ở Turkmenistan thậm chí còn sợ đề cập đến việc Covid-19 có thể đã đang ở trong nước này.
“Người quen làm việc trong một cơ quan nhà nước nói với tôi rằng tôi không nên nhắc đến virus ở đây hoặc đã nghe về nó, nếu không tôi có thể gặp rắc rối”, một cư dân thủ đô Ashgabat yêu cầu giấu tên cho biết.
Chính quyền Turkmen, tuy nhiên, đang làm việc để giải quyết một ổ dịch có thể xảy ra.
Cùng với các cơ quan của Liên Hiệp Quốc ở trong nước, họ đang thảo luận về một kế hoạch hành động.
Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc, Elena Panova, nói với BBC rằng kế hoạch này bao gồm phối hợp cấp quốc gia, truyền thông về rủi ro, điều tra các trường hợp, chẩn đoán trong phòng thí nghiệm và các biện pháp khác.
Khi tôi hỏi bà liệu Liên Hiệp Quốc có tin tưởng các số liệu chính thức cho thấy Turkmenistan không có ca Covid-19 nào hay không, bà Panova tránh đưa ra câu trả lời trực tiếp
“Chúng tôi đang dựa vào thông tin chính thức bởi vì đây là điều mà tất cả các quốc gia đang làm”, bà nói. “Không có câu hỏi về tin hay không bởi vì đó là cách nó hoạt động.”
Bà Panova cho biết các biện pháp sớm trong việc hạn chế đi lại có thể đã góp phần vào việc chưa có ca nhiễm nào được xác nhận.
Turkmenistan thực sự đã đóng hầu hết các cửa khẩu biên giới đất liền hơn một tháng trước.
Họ cũng đã hủy các chuyến bay đến Trung Quốc và một số quốc gia khác vào đầu tháng Hai và bắt đầu chuyển hướng tất cả các chuyến bay quốc tế từ thủ đô đến Turkmenabat ở phía đông bắc, nơi đã có một khu vực cách ly được chuẩn bị.
Tuy nhiên, theo một số người dân, một số người đã có thể hối lộ để tránh bị cách ly hai tuần trong một cái lều.
Bà Panova cho biết tất cả mọi người đến nước này và những người có triệu chứng đang được xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, bà không thể đưa ra con số chính xác về số lượng xét nghiệm được thực hiện trong một ngày và tổng số bộ xét nghiệm mà Turkmenistan có.
“Những gì chúng tôi hiểu khi nói chuyện với các quan chức chính phủ là họ có đủ các bộ xét nghiệm.”
Nhưng hệ thống y tế sẵn sàng tới mức nào đối phó với sự bùng phát của coronavirus?
“Chúng tôi không biết”, bà Panova thừa nhận. “Chúng tôi đã được thông báo rằng họ đang sẵn sàng ở một mức độ nhất định và chúng tôi không nghi ngờ điều đó … vì các bệnh viện ở đây được trang bị rất tốt.”
“Tuy nhiên, nếu có một ổ dịch thì nó sẽ gây áp lực rất lớn cho hệ thống y tế ở đây như ở bất kỳ quốc gia nào khác. Vì vậy, bất kể bạn đã chuẩn bị tới mức nào thì thường vẫn không đủ. Đó là lý do tại sao chúng tôi nói với họ về việc mua máy thở, và các loại thiết bị khác.”
Có một mức độ ý thức về sự bùng phát trong cộng đồng. Việc di chuyển giữa các thành phố đã bị hạn chế và những người vào Ashgabat giờ đây phải có giấy chứng nhận của bác sĩ.
Các chợ và văn phòng hiện đang được xông khói từ một loại cỏ gọi là yuzarlik, được sử dụng trong các phương thuốc thảo dược, sau khi Tổng thống Gurbanguly Berdymukhamedov nói rằng đốt nó sẽ tránh được virus – mặc dù không có bằng chứng.
Nhưng không giống như hầu hết thế giới, cuộc sống hàng ngày ở Turkmenistan vẫn tiếp tục như bình thường.
Quán cà phê và nhà hàng được mở. Đám đông tụ tập để tổ chức đám cưới. Không ai đeo khẩu trang và các sự kiện lớn đang diễn ra.
Có vẻ như đất nước này đang từ chối thừa nhận mối đe dọa lớn do virus corona gây ra.
Tại sao có thể như vậy? Cuộc diễu hành xe đạp kỷ niệm Ngày Sức khỏe Thế giới có thể đưa ra lời giải thích.
Tổng thống Berdymukhamedov là ngôi sao lớn nhất và là trọng tâm chính của sự kiện thường niên.
Hình ảnh về sức khỏe là một phần của sự sùng bái đối với tổng thống. Truyền hình nhà nước thường xuyên cho thấy ông nâng tạ trong phòng tập thể dục, hoặc đạp xe đạp. Ông là người chỉ huy chính các chiến dịch “sức khỏe và hạnh phúc” trong đó các nhân viên nhà nước mặc đồng phục tập thể dục buổi sáng.
Thông điệp chính của tất cả các sự kiện này là quốc gia khỏe mạnh, và do đó hạnh phúc, nhờ tổng thống.
Ông Berdymukhamedov tuyên bố nhiệm kỳ tổng thống của ông là “kỷ nguyên của sức mạnh và hạnh phúc”. Và một đợt bùng phát Covid-19 có thể phơi bày những thông điệp của ông rỗng tuếch đến mức nào.
Vì lý do này, chính phủ Turkmen có thể cố gắng che giấu một ổ dịch, ngay cả khi công dân của họ bị nhiễm bệnh.
Và đó là điều khiến giáo sư McKee lo lắng.
“Chúng tôi đã chứng kiến sự lây nhiễm Covid-19 nhanh chóng từ Trung Quốc đến mọi nơi trên thế giới. Trong nền kinh tế toàn cầu hóa mà chúng ta hiện đang sống, mọi quốc gia chỉ an toàn như một quốc gia yếu nhất thế giới”, ông nói.
“Ngay cả khi các quốc gia khác kiểm soát được dịch bệnh, vẫn có nguy cơ tiếp tục gieo mầm bệnh từ các quốc gia đã thất bại. Có vẻ như Turkmenistan là một ví dụ khác.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52195365

Một số dự báo về xu hướng chính sách đối ngoại

của Nga sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua

Quốc hội Nga hiện đã thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới, theo đó điểm nổi bật là việc hủy bỏ giới hạn không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp của tổng thống Nga. Theo kế hoạch, Nga sẽ lấy ý kiến toàn dân về bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp này, nếu quá bán sẽ chính thức được thông qua và trở thành Hiến pháp mới của Nga, song đã bị hoãn lại do dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự kiện này được đánh giá sẽ tác động nhất định đến chính sách đối ngoại của Nga.
Thứ nhất, chính sách của Nga về vấn đề biên giới phía Tây sẽ là phòng thủ, mà không phải là tấn công. Trái ngược với sự lo sợ và ám ảnh của Đông Âu, sẽ không có động thái quân sự nào chống lại các thành viên mới của NATO. Các sự cố trên không, trên biển và trên không gian mạng sẽ lại xảy ra. Nhưng mối đe dọa ở đây là sự leo thang từ các va chạm ngẫu nhiên, mà không phải là các hành động được dự tính từ trước. Việc tăng chi tiêu quốc phòng lấy lí do từ “sự xâm lược của Nga” chắc chắn sẽ làm hài lòng các nhà lãnh đạo NATO, nhưng làm như vậy khiến cơ hội giải quyết bất cứ vấn đề thực sự nào cũng gần như là số 0. Chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chạy đua vũ trang mang tính cục bộ từ cả 2 bên và các điểm nóng thi thoảng bùng phát trong khu vực vùng Biển Baltic-Biển Đen. Hoạt động quân sự ở cả hai phía biên giới sẽ được xem như là một sự khiêu khích và là một phần của hình thái chiến tranh lai (hybrid war). Về khía cạnh này, cả 2 bên sẽ hành xử tương tự nhau.
Thứ hai, bất kỳ nỗ lực nào của phương Tây để thâm nhập vào không gian hậu Xô Viết về mặt quân sự hay kinh tế đều được người Nga coi là thù địch và không phù hợp. Sự thâm nhập đó đã từng được làm cho nhẹ đi thông qua hợp tác, nhưng hiện tại nó đang được dứt khoát coi là trò chơi có tổng bằng không. Không gian hậu Xô Viết được xem như là một đấu trường địa chính trị, chứ không phải sự hợp tác. Vấn đề càng trầm trọng hơn bởi bản chất yếu kém của nhiều nước thuộc Liên Xô cũ. Kể cả khi không có sự can thiệp đáng chú ý từ bên ngoài, họ vẫn có thể rơi vào khủng hoảng. Khủng hoảng như vậy có thể kích động sự đối đầu hơn nữa giữa Nga và phương Tây, khi cả 2 phía đều sẽ lợi dụng hậu quả của nó. Nga và phương Tây đều bị chi phối bởi sự mong manh của không gian hậu Xô Viết. Nga sẽ nỗ lực tự mình giải quyết vấn đề bằng cách tăng cường liên minh với các quốc gia ổn định hơn trong khu vực và can dự vào các nước yếu hơn. Nghịch lý là phương Tây cũng có thể hưởng lợi từ sự thành công của những liên minh này. Các thành viên khác (đặc biệt là Kazakhstan và Belarus) chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong liên minh đó. Việc này sẽ giúp họ “bình đẳng hóa” vị trí của mình trong các vấn đề quốc tế và tạo ra cấu trúc mới của các mối quan hệ dựa vững chắc vào quan hệ đối tác.
Thứ ba, ý tưởng chủ đạo của chính sách đối ngoại Nga sẽ là để kiểm soát sự lây lan của tình trạng vô chính phủ, ngăn chặn sự sụp đổ của các quốc gia, và bảo toàn sự kiểm soát của chính phủ. Ý tưởng này sẽ đi ngược lại lý thuyết cho rằng dân chủ hóa là yếu tố bảo đảm cho sự phát triển ổn định. Nga sẽ xây dựng đồng minh tạm thời hoặc thậm chí là chiến lược với các nước khác trong khu vực và thế giới xoay quanh ý tưởng này, điều có thể mang lại lợi ích cho dân chúng trong nước. Nga có thể đảm nhận vai trò người dẫn dắt chính trị bảo thủ thế giới, theo đuổi các thay đổi thận trọng và thực dụng tùy theo đặc điểm cụ thể của từng nước. Khái niệm dân chủ trong bối cảnh này có thể được biến đổi để có lợi cho Nga thông qua dân chủ hóa nội bộ dần dần (thay vì duy ý chí và can thiệp từ bên ngoài) và có xem xét đến các yếu tố địa phương. Nga có thể sẽ chọn Trung Quốc làm đối tác trong việc phát triển lý thuyết này.
Thứ tư, Nga đang trở thành tác nhân chính trị – quân sự tích cực hơn bên ngoài lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, hành động này sẽ mang tính chọn lọc và có mục tiêu cụ thể do nguồn lực hạn chế. Ngoài Syria, một điểm khả thi trong sự can thiệp của Nga có thể là việc thi hành các nghĩa vụ Hiệp ước ở Trung Á, đặc biệt trong trường hợp xảy ra một mối đe dọa khủng bố bởi các nhóm vũ trang có căn cứ ngoài Afghanistan. Sự can thiệp như vậy sẽ được tiến hành bởi những đơn vị cơ động cao với sự hỗ trợ của không quân.
Thứ năm, Nga sẽ thực hiện các biện pháp để phát triển các tổ chức khu vực và quốc tế như là BRICS (khối bao gồm các nền kinh tế mới nổi gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization – SCO). Nhưng chức năng và tác dụng của những tổ chức này vẫn còn là câu hỏi mở. Nga sẽ phải tìm các cơ chế tương tác tối ưu với các nước phi phương Tây chủ chốt, mặc dù không ai có ý định cắt đứt quan hệ với phương Tây và thiết lập một liên minh công khai chống phương Tây. Bản thân nước Nga sẽ duy trì và phát triển các mối quan hệ kinh tế với phương Tây với nhận thức rằng giới kinh doanh cả 2 bên đều đã tính đến rủi ro khủng hoảng chính trị trong các dự án và kế hoạch của mình. Nga sẽ không đứng ngoài nền kinh tế thế giới và trở thành kẻ bị ruồng bỏ. Vị trí kinh tế tương đối yếu kém của nước này sẽ được bù đắp bởi sức mạnh chính trị. Trong bối cảnh này, các nỗ lực để tăng cường vai trò của Liên Hợp Quốc và vị trí của Nga trong tổ chức trên sẽ là một đặc tính khác trong chính sách của Nga.
Thứ sáu, các thể chế an ninh châu Âu và các hiệp ước chủ chốt với Nga sẽ bị xói mòn, nhưng Nga hầu như không muốn phá bỏ chúng hoàn toàn. Nga muốn duy trì đối thoại với Mỹ trên phương điện bình ổn chiến lược. Nhưng việc đối thoại này có khả năng sẽ song hành với việc phát triển các vũ khí chiến lược của cả hai bên. Khủng hoảng Ucraina đã tạo ra một tiền lệ rất xấu cho việc chính trị hóa đối thoại trong khuôn khổ các Hiệp ước căn bản như INF (Hiệp ước Xô-Mỹ về huỷ bỏ tên lửa tầm trung) và START (Hiệp ước Xô-Mỹ về cắt giảm vũ khí chiến lược). Tiền lệ này sẽ gây hậu quả tiêu cực lên các cuộc đối thoại trong tương lai.
Cuối cùng, nền kinh tế và kỳ vọng của công chúng về hiện đại hóa nền kinh tế sẽ trở thành các yếu tố ngày càng quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nga là “Lá bài mối đe dọa ngoại bang” không thể cứ được dùng hết lần này đến lần khác, điều đó có nghĩa là chính phủ và doanh nghiệp Nga sẽ buộc phải thực hiện các bước đi căn bản để cải thiện hiệu suất của nền kinh tế Nga trong con mắt của xã hội. Cuộc khủng hoảng mang đến cơ hội để tiến hành các cải cách vốn sẽ là bất khả thi trong bối cảnh ổn định. Những thay đổi này là cần thiết cho một giai đoạn mới trong mối quan hệ của Nga với các đối tác nước ngoài. Ngay cả trong thời kỳ tốt đẹp nhất, tình hình kinh tế Nga đôi khi cũng là trở ngại cho việc phát triển quan hệ chính trị. Cải cách kinh tế nên khai thông các nguồn lực mới cho tăng trưởng, mặc dù quá trình này sẽ đi kèm nhiều rủi ro lớn. Khả năng bảo đảm nền pháp quyền và tạo điều kiện khuyến khích các sáng kiến của khu vực tư nhân là một trong những điều kiện quan trọng để cải cách thành công.
Ngày 17/1/2020, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Nga, Quyền Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã tiến hành họp báo tổng kết các hoạt động đối ngoại của Nga trong năm 2019 và nêu một số kế hoạch hoạt động trong năm 2020. Nga nỗ lực đảm bảo thượng tôn luật pháp quốc tế và duy trì vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong nền chính trị thế giới, đồng thời tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các xung đột và ngăn ngừa các kịch bản đối đầu trong các vấn đề Triều Tiên, Iran và Venezuela. Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh nỗ lực của Nga trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế theo định dạng Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và các hoạt động của Nga trong vai trò là thành viên của các tổ chức quốc tế như G20, Nhóm BRICS, SCO, Hội đồng Bắc Cực và các hiệp hội đa phương khác. Quyền Ngoại trưởng Sergey Lavrov khẳng định ưu tiên chính sách đối ngoại truyền thống của Nga là không gian hậu Xô Viết, bao gồm các nước thành viên Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG), nhấn mạnh sự hợp tác của Nga và Belarus trong khuôn khổ của Nhà nước Liên minh và phối hợp hoạt động ngoại giao trong Chương trình hành động phối hợp trong lĩnh vực chính sách đối ngoại giai đoạn 2020 – 2021. Nhà ngoại giao Nga khẳng định những nỗ lực của Nga đã đóng góp đáng kể vào việc duy trì môi trường hòa bình ở Trung Đông và Bắc Phi, đặc biệt tại Syria và Libya. Bên cạnh đó, Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh những kết quả hợp tác đã đạt được trong năm vừa qua với các đối tác Trung Quốc, Ấn Độ và mối quan hệ đa dạng với các nước thành viên ASEAN.
http://biendong.net/bien-dong/33964-mot-so-du-bao-ve-xu-huong-chinh-sach-doi-ngoai-cua-nga-sau-khi-hien-phap-sua-doi-duoc-thong-qua.html

Taliban đe dọa thỏa thuận hòa bình với Hoa Kỳ

có nguy cơ sụp đổ

Tin Islamabad, Pakistan – Tổ chức Taliban vào Chủ Nhật, 5 tháng 4, tuyên bố thỏa thuận hòa bình giữa họ và Hoa Kỳ đang có nguy cơ sụp đổ, vì cho rằng Washington đã vi phạm thỏa thuận về việc không tấn công thường dân, và chính phủ Afghanistan cũng không chịu thực hiện lời hứa phóng thích 5,000 tù nhân Taliban. Đồng thời, Taliban cũng nói rằng tổ chức này đã ngừng tấn công lực lượng an ninh Afghanistan cùng lực lượng quốc tế, và đây là cử chỉ thiện chí của họ vì sự kềm chế này không được quy định chi tiết trong thỏa thuận ký với Hoa Kỳ vào tháng 2.
Trong thông cáo báo chí, Taliban đe dọa sẽ gây ra thêm các vụ bạo lực nếu Hoa Kỳ và chính phủ Afghanistan tiếp tục vi phạm thỏa thuận. Phát ngôn viên quân đội Hoa Kỳ, Đại Tá Sonny Legget, đã bác bỏ cáo buộc của Taliban, nói rằng lực lượng Hoa Kỳ tại Afghanistan luôn tôn trọng các thỏa thuận đạt được giữa hai phía. Đồng thời, ông Legget cũng kêu gọi Taliban ngừng các vụ bạo lực, và nói rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan nếu họ bị tấn công. Trong khi đó, tại thủ đô Kabul của Afghanistan, Tổng Thống Ashraf Ghani đã giới thiệu nội các mới, dù vẫn còn đang tranh chấp với đối thủ chính trị Abdullah Abdullah về kết quả bầu cử tổng thống vào năm ngoái.
Các cuộc đàm phán để giải quyết xung đột chính trị tại Kabul đến nay vẫn không có nhiều tiến triển, khiến Hoa Kỳ tức giận và nhiều khả năng sẽ làm chậm tiến trình hòa bình tại Afghanistan. Washington gần đây đã dọa sẽ cắt khoản viện trợ 1 tỷ Mỹ kim trong năm nay, nếu ông Ghani và ông Abdullah không giải quyết được mâu thuẫn.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/taliban-de-doa-thoa-thuan-hoa-binh-voi-hoa-ky-co-nguy-co-sup-do/

Covid-19: Chính phủ Nhật ban hành

tình trạng khẩn cấp ở 7 thành phố kể cả Tokyo

Tú Anh
Để đối phó với tình trạng dịch Corona đang tăng tốc lây lan tại Nhật Bản, chính phủ Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp dài một tháng, tại 7 vùng, trong đó có thủ đô Tokyo và phụ cận kể từ thứ Ba 07/04/2020. Song song với quyết định tế nhị tại một quốc gia có lịch sử quân phiệt, thủ tướng Nhật tung ra kế hoạch vực dậy kinh tế với hơn 1000 tỷ đô la.
Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles tường thuật:
“Cho đến nay, Nhật Bản chống dịch theo mô hình của Thụy Điển, rất tự do, không để tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế. Chính phủ kỳ vọng vào tập quán tôn trọng vệ sinh y tế cộng đồng và tinh thần kỷ luật của người Nhật .
Với 73 người chết và 3650 ca lây nhiễm Covid-19, Nhật Bản vẫn đứng đầu bảng xếp hạng các nước ít bị thiệt hại nhân mạng so với những cường quốc khác như Thụy Sĩ, Pháp, Ý, Mỹ.
Thế nhưng, thủ tướng Shinzo Abe, dưới áp lực của truyền thông, báo chí và giới chuyên gia cố vấn, phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhất là tại thủ đô, bởi lẽ tình trạng lây nhiễm tại Tokyo sắp vượt tầm kiểm soát.
Dù sao đi nữa, dân Nhật chỉ bị áp đặt tình trạng khẩn cấp một cách tối thiểu . Biện pháp này không có hiệu lực pháp lý cưỡng chế​ dân chúng phải thi hành triệt để như tự hạn chế đi lại. Và dù bất tuân cũng không bị trừng phạt.
Chính phủ Nhật đặt tin tưởng vào tinh thần công dân của người Nhật và nhất là kỳ vọng vào áp lực rất mạnh của xã hội trong cơn đại dịch sẽ làm mọi người tuân thủ. 
Để yểm trợ cho kinh tế, chính phủ huy động một ngân sách kích hoạt 1000 tỷ đôla, gần 20% GDP, một kế hoạch lớn nhất từ trước đến nay.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200407-covid-19-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-nh%E1%BA%ADt-ban-h%C3%A0nh-t%C3%ACnh-tr%E1%BA%A1ng-kh%E1%BA%A9n-c%E1%BA%A5p-%E1%BB%9F-7-th%C3%A0nh-ph%E1%BB%91-k%E1%BB%83-c%E1%BA%A3-tokyo

Mối liên hệ giữa tranh chấp chủ quyền

quần đảo Senkaku và Biển Đông: TQ là kẻ gây hấn

Trung Quốc đều đưa ra yêu sách chủ quyền bằng việc khẳng định mối liên hệ lịch sử đối với quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) và quyền lịch sử (vùng nước lịch sử) ở Biển Đông. Tuy nhiên, đây đều là những lập luận vô căn cứ, bị Tòa Trọng tài (12/7/2016) bác bỏ.
Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp nằm trên biển Hoa Đông, với 8 đảo nhỏ và bãi đá có tổng diện tích khoảng 7km2. Quần đảo này ở phía Tây Nam tỉnh Okinawa của Nhật Bản, phía Đông của Trung Quốc và phía Đông Bắc của Đài Loan (Trung Quốc). Đây được coi là một trong những khu vực có trữ lượng dầu khí lớn và có các tuyến giao thông đường biển quan trọng về mặt chiến lược.Trung Quốc và Nhật Bản liên tục đưa ra các tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku; đồng thời khẳng định lập trường cứng rắn, quyết không “lùi bước” trong các tuyên bố này. Bản chất của căng thẳng Trung – Nhật liên quan tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thời gian gần đây là do một số yếu tố: Sự cạnh tranh về các nguồn tài nguyên như dầu mỏ, khí đốt, các nguyên tố đất hiếm, các tuyến đường vận chuyển, nguồn cá… và quan trọng là chủ quyền, uy tín và ảnh hưởng của mỗi nước khiến các vấn đề lãnh thổ, đặc biệt là giữa các cường quốc trở nên rất khó giải quyết.
Lập luận của Trung Quốc
Phía Trung Quốc lập luận trên khía cạnh lịch sử cho rằng: Đảo Điếu Ngư và các đảo lân cận là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Dù xét từ góc độ lịch sử, địa lý hay pháp lý, đảo Điếu Ngư đều là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với đảo này. Việc Nhật Bản lợi dụng Chiến tranh Trung – Nhật để cướp đoạt đảo Điếu Ngư là phi pháp, vô giá trị. Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku do người dân Trung Quốc khám phá từ thế kỷ thứ 15, được sát nhập Trung Quốc
vào thế kỷ 16, dưới thời nhà Thanh. Năm 1720, Từ Bảo Quang, vị phó sứ Trung Quốc trong chuyến đi nhằm phong tước vương cho vua của nước Lưu Cầu (Ryukyu), đã cùng với các học giả địa phương đã biên dịch cuốn du ký Zhongshan Chuanxin lu (Trung Sơn truyền tín lục) – ghi chép về hành trình tới Trung Sơn (Chusan), trong đó xác định rõ biên giới cực Tây của vương quốc Lưu Cầu là tại đảo Kume, phía Nam của Hắc Thủy Câu. Một vị phó sứ khác là Châu Hoàng cũng xác định Hắc Thủy Câu là ranh giới vào năm 1756. Sau này, sứ thần Lý Định Nguyên có ghi chép lại về phong tục hiến tế sống một con dê hoặc lợn khi có đoàn tàu đi sứ qua vùng nước này.
Cuối thế kỷ 19, nhà cải cách Vương Đào, người từng có kinh nghiệm du hành tới châu Âu đã phản bác việc Nhật Bản sáp nhập Lưu Cầu (Ryukyu) bằng cách dẫn nguồn các tài liệu cổ Nhật Bản trong đó nói rằng Ryukyu là một quốc gia riêng biệt vào năm 1670. Ông lập luận rằng mặc dù quần đảo này là chư hầu của cả Trung Quốc và xứ Satsuma của Nhật Bản, nhưng mối quan hệ với Trung Quốc có tính chính thống hơn; việc một nước triều cống bên ngoài (tức Nhật Bản) xâm chiếm một nước triều cống bên trong Trung Quốc là một sự sỉ nhục đối với Trung Quốc. Trong những năm sau, các hòn đảo được cai quản như một bộ phận của Đài Loan và ngư dân Trung Quốc đã liên tục dùng khu vực này làm cơ sở hoạt động. Đài Loan đã được nhượng cho Nhật Bản năm 1895 sau chiến tranh Trung-Nhật lần thứ 1. Ban đầu, trong thời gian Nhật chiếm đóng, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thuộc quyền quản lý của tỉnh Đài Bắc. Tại Hội nghị Cairo năm 1943, ba nhà lãnh đạo là Thủ tướng Anh Churchill, Tổng thống Mỹ Roosevelt và Tổng tư lệnh Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch nhất trí một khi Thế chiến 2 kết thúc, “Nhật Bản sẽ bị tước bỏ tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã giành hoặc chiếm đóng kể từ đầu Thế chiến thứ nhất năm 1914 và tất các các lãnh thổ mà Nhật đã cướp của Trung Hoa Dân Quốc như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ sẽ được giao lại cho Trung Hoa Dân Quốc”. Trung Quốc cho rằng: Điếu Ngư/Senkaku là một phần của Đài Loan do Trung Quốc cai quản trước năm 1895, đồng nghĩa với việc khu vực này phải được trả lại cho Trung Quốc cùng với các đảo bị thôn tính khác.
Theo quan điểm của Trung Quốc, có rất ít cơ sở để Nhật Bản khẳng định rằng quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trước đây là “vô chủ” và cần có sự phân biệt giữa “không người ở” với “vô chủ”. Có những nguồn tài liệu nói rằng có một số mộ của ngư dân Đài Loan trên đảo. Tuy lực lượng chiếm đóng của Mỹ ở Okinawa đã quản lý quần đảo Điếu Ngư/Senkaku từ năm 1945 đến năm 1972 và dùng nơi này làm căn cứ huấn luyện nhưng Chính phủ Mỹ không hề cho rằng việc chuyển giao quyền quản lý quần đảo cho Nhật Bản đồng nghĩa với việc chuyển giao chủ quyền và Mỹ khẳng định rõ rằng đây là vấn đề cần được các bên liên quan cùng giải quyết.
Mối liên hệ
So sánh việc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) giữa Trung Quốc và Nhật Bản với tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam, có thể thấy một số điểm giống và khác nhau. Giống là việc Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền bằng việc khẳng định mối liên hệ lịch sử đối với quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) và quyền lịch sử (vùng nước lịch sử) ở Biển Đông. Khác là, “lịch sử” trong trường hợp quần đảo Senkaku có thể được thảo luận theo quan điểm luật pháp quốc tế, còn từ “lịch sử” trong tranh chấp Biển Đông không thể thảo luận theo quan điểm đó, vì luật pháp quốc tế không công nhận sự tồn tại của vùng nước lịch sử, ngoại trừ trường hợp các bên sở hữu hợp pháp cùng thừa nhận. Điều này có nghĩa hai cách sử dụng từ “lịch sử” là khác nhau.
Một điểm khác ở Biển Đông, đặc biệt vùng nước xung quanh quần đảo Trường Sa, là mục tiêu của 6 bên tuyên bố chủ quyền. Đây là tranh chấp chủ quyền đa phương và các cuộc thảo luận đa phương đang được các bên nỗ lực hướng tới. Ở biển Hoa Đông, hầu như các tranh chấp là song phương và vấn đề lớn nhất là quần đảo Senkaku.
Quan điểm của Việt Nam
Việt Nam luôn khẳng định Nhật Bản và Trung Quốc là hai nước lớn có tầm quan trọng và ảnh hưởng hàng đầu trong khu vực, đồng thời cũng là hai đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam mong muốn Nhật Bản và Trung Quốc xử lý thỏa đáng những bất đồng còn tồn tại trong quan hệ hai nước thông qua đối thoại, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam cho rằng việc Nhật Bản và Trung Quốc duy trì quan hệ hòa bình có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định và phát triển trong khu vực, phù hợp với lợi ích chung của hai nước, mong muốn hai nước tiếp tục phát huy vị thế của mình, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Liên quan đến vấn đề quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) giữa Nhật Bản và Trung Quốc, về tổng thể, Việt Nam mong muốn hai nước giải quyết ổn thỏa bất đồng thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Kinh nghiệm xử lý tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc
Về vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra và gọi là “vùng nước lịch sử”, Việt Nam phải tiếp tục bác bỏ yêu sách quyền tài phán của Trung Quốc đối với vùng nước được bao quanh “đường lưỡi bò” (yêu sách này của Trung Quốc đã được Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) công bố tại Lahay bác bỏ. Vì khái niệm về vùng nước lịch sử không thể tìm thấy trong luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc vẫn giữ nguyên quan điểm của mình thì phải giải thích yêu sách đó trên cơ sở luật pháp quốc tế. Hơn nữa, vùng nước lịch sử không được hiểu là vùng nước thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) bởi chúng bao gồm một số đá và bãi ngầm.
Về việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động cải tạo bồi đắp bãi đá, rạn san hô trong thời gian gần đây, Việt Nam cần theo dõi sát phản ứng của Trung Quốc đối với yêu sách của Nhật Bản trọng vụ Okinotori shima để có những lập luận sắc bén trong đấu tranh phản đối những hành động tôn tạo bãi đảo trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông. Trên thực tế, Trung Quốc đã cáo buộc việc Nhật Bản ngày 1/10/2014 mở rộng thềm lục địa đảo Okinotori 3000 km2 về phía Bắc và 174.000km2 về phía Nam là hành động không theo căn cứ quy định của Liên Hợp quốc về việc mở rộng thềm lục địa và gây tổn hại đến lợi ích của các nước, trong đó có Trung Quốc. Đồng thời, truyền thông Trung Quốc cũng tố cáo Nhật Bản liên tục bố trí quân đội, trang thiết bị quân sự ở các đảo phía Tây Nam với mục đích nhằm vào Trung Quốc. Trước đó năm 2009, Trung Quốc đã gửi Công hàm phản đối việc Nhật Bản lấy đảo Okinotori làm điểm cơ sở để mở rộng thềm lục địa ngoài 200 hải lý vì Trung Quốc lập luận rằng đảo Okinotori chỉ là bãi đá ngầm, không phải là nơi cư dân có thể sinh sống, cũng không thể duy trì đời sống kinh tế riêng. Vì vậy, Việt Nam cần: 1/ Trên thực địa, tiếp tục theo dõi sát và công khai hóa bằng chứng về các hoạt động của Trung Quốc trong việc cơi nới, mở rộng, xây dựng cấu trúc tại các đảo, bãi ở quần đảo Trường Sa, nhất là tại các địa điểm chưa có nước nào quản lý; đồng thời chủ động lực lượng để ngăn chặn, cản phá các hành vi gây hấn mới của Trung Quốc; 2/ Kịp thời thông qua các kênh ngoại giao, kênh Đảng và giao thiệp trực tiếp giữa các Bộ, ngành, địa phương hai nước để trao đổi, xử lý ổn thỏa các vụ việc nảy sinh, tránh để leo thang thành xung đột quân sự; 3/ Tiếp tục vận động dư luận quốc tế, nhất là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN… phát huy tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề Biển Đông, duy trì sức ép, buộc Trung Quốc phải hạn chế các hành động gây hấn trên biển; 4/ Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chứng cứ lịch sử, pháp lý của Việt Nam ra bên ngoài; ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ngày 12/7/2016 về việc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về bản đồ “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan nghiêm chỉnh thực hiện DOC và đẩy nhanh đàm phán xây dựng COC; 5/ Nâng cao tiềm lực quân sự và chấp pháp biển; hỗ trợ về vật chất, phương tiện, ban hành thêm các biện pháp hiệu quả cho lực lượng này.
Về vấn đề ngư dân, vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc với tàu tuần tra Nhật Bản đã tạo thêm thế và lập luận cho Việt Nam để đấu tranh với Trung Quốc trong vấn đề ngư dân và tàu cá Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ, buộc Trung Quốc phải thả vô điều kiện tàu cá và ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động ở ngư trường hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đặc biệt, trong quan hệ với Nhật Bản, Việt Nam cần tiếp tục tích cực trao đổi với Nhật Bản về tình hình Biển Đông, vận động Nhật Bản ủng hộ quan điểm của Việt Nam về tự do và an toàn hàng hải, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS 1982, tuân thủ DOC, sớm xây dựng COC của Việt Nam và đề nghị nước bạn phản đối yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Việc vận động của Việt Nam đã phát huy hiệu quả khi Nhật Bản ủng hộ quan điểm của Việt Nam một cách rõ ràng, mạnh mẽ hơn tại các cuộc gặp song phương cũng như tại diễn đàn đa phương. Trong thời gian tới, Việt Nam, một mặt,cần phối hợp, tranh thủ hơn nữa sự ủng hộ của phía Nhật Bản về quan điểm của Việt Nam về tranh chấp ở Biển Đông; mặt khác,cần tăng cường quan hệ hợp tác với Nhật Bản cả cơ chế đối thoại và nâng cao năng lực cho lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
http://biendong.net/bien-dong/33965-moi-lien-he-giua-tranh-chap-chu-quyen-quan-dao-senkaku-va-bien-dong-tq-la-ke-gay-han.html

Quan ngại gia tăng khi Trung Quốc được bầu vào

Ban Cố vấn Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Quý Khải
Quan ngại gia tăng khi Trung Quốc được bầu vào Ban Cố vấn Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Trung Quốc đã trở thành thành viên mới nhất trong Ban Cố vấn của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Việc này sẽ cấp cho Trung Quốc quyền quyết định các nhà điều tra mà LHQ sẽ lựa chọn để điều tra các vấn đề nhân quyền bao gồm tự do ngôn luận, cưỡng bức mất tích và tùy tiện bắt giam, theo tờ American Military News.
Jiang Duan, trưởng Phái bộ Trung Quốc tại Geneva, được chỉ định đại diện cho Nhóm Châu Á-Thái Bình Dương (APG) trong Nhóm Tư vấn của Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, sẽ tham gia cùng năm thành viên đại diện khác. Hội đồng Nhân quyền đã xác nhận sự bổ nhiệm này trên trang web của mình hôm 1/4.
Với việc bổ nhiệm này, ông Jiang sẽ có một lá phiếu quan trọng khi Nhóm tư vấn dự kiến ​​sẽ bổ nhiệm ít nhất 17 người nắm giữ quyền ủy quyền nhân quyền của Liên Hợp Quốc, tổ chức giám sát UN Watch đưa tin. Người nắm giữ ủy quyền được chỉ định điều tra các vấn đề nhân quyền được lựa chọn.
Tổ chức UN Watch đã chỉ trích cuộc hẹn, diễn ra từ ngày 1/4/2020 cho đến 31/3/2021.
“Tuy rằng ông Jiang Duan, một trong những đại diện chính thức của Trung Quốc, giữ vai trò trưởng Phái bộ Trung Quốc tại Geneva, sẽ phục vụ trong nhóm 5 quốc gia và có quyền đưa ra các quyết sách dựa trên “năng lực cá nhân của ông”, nhưng trên thực tế đại diện của các nước, đặc biệt là của các chính quyền độc tài, sẽ phải nhận chỉ thị và hành xử dựa trên lợi ích của các chính phủ đó”, tổ chức UN Watch viết.
UN Watch nêu mối quan ngại của mình bởi Trung Quốc đã bị chỉ trích rộng rãi cho những hành vi vi phạm nhân quyền mà ông Jiang tại vị trí hiện tại có quyền tác động đến những người có quyền điều tra chúng.
“Việc cho phép Trung Quốc, một chính quyền áp bức và vô nhân đạo khét tiếng tuyển chọn những nhà điều tra thế giới về quyền tự do ngôn luận, cưỡng bức mất tích và bắt giam tùy tiện thì chẳng khác nào việc để cho một người mắc chứng cuồng phóng hỏa vào vị trí trưởng nhóm cứu hỏa thành phố”, Hiller Neuer, giám đốc điều hành UN Watch nhận định.
Theo ước tính đến tháng 11/2019, Trung Quốc đã tống giam 1,8 triệu người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc vào các trại tập trung ở tỉnh Tân Cương.
Trung Quốc cũng bị chỉ trích vì những nỗ lực kiểm duyệt tự do ngôn luận, đặc biệt trong những tháng gần đây với sự bùng phát liên tục của virus corona chủng mới, lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc.
Một nhóm nhân quyền Trung Quốc mang tên mạng lưới Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc (Chinese Human Rights Defenders – CHRD), nhận định Trung Quốc đã tiến hành các hành động bao gồm “xóa thông tin quan trọng trên mạng, kiểm duyệt truyền thông, trừng phạt các bác sĩ thổi còi, bắt giữ các nhà báo độc lập và các người phê bình chính phủ, và trục xuất các phóng viên nước ngoài”.
Trung Quốc cũng đã bị chỉ trích rộng rãi do tiến hành chiến dịch cưỡng bức mất tích , và một số nhà chỉ trích việc xử lý dịch bệnh Trung Quốc đã mất tích một cách bí ẩn.
Bên cạnh đó, một cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng đã hứng chịu chỉ trích vì không làm gì nhiều để điều tra mức độ nghiêm trọng của Covid-19 khi nó xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc. Một quan chức WHO dường như đã chủ động dập máy khi được một phóng viên đặt câu hỏi về việc cho phép Đài Loan gia nhập WHO (video dưới).
Hoa Kỳ rời khỏi Hội đồng Nhân quyền vào năm 2018. Vào thời điểm đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ bà Nikki Haley đã gọi tổ chức này là “tổ chức bảo vệ những kẻ vi phạm nhân quyền, một nơi đầy các thiên vị chính trị”.
Quan chức WHO từ chối trả lời câu hỏi về Đài Loan trong việc chống dịch Covid-19:
Theo Ryan Morgan, American Military News
Quý Khải dịch & biên tập
(Ảnh thumb: ảnh chụp màn hình Youtube/CGTN)
https://www.dkn.tv/the-gioi/quan-ngai-gia-tang-khi-trung-quoc-duoc-bau-vao-ban-co-van-hoi-dong-nhan-quyen-lien-hiep-quoc.html

Hàng triệu bộ xét nghiệm virus Vũ Hán

 Anh mua từ Trung Quốc bị lỗi

Băng Thanh
Vương quốc Anh hôm 6/4 tiết lộ rằng, tất cả 17,5 triệu bộ kit xét nghiệm kháng thể virus Vũ Hán mà nước này đặt hàng từ Trung Quốc được phát hiện đã bị lỗi.
Theo Taiwan News, khi chính quyền Trung Quốc đang tìm mọi cách để khẳng định họ là vị cứu tinh của thế giới trong một đại dịch do chính họ tạo ra, lại có thêm báo cáo về các sản phẩm y tế do Trung Quốc cung cấp bị lỗi. Tờ The Times hôm 6/4 đã trích dẫn ý kiến của giáo sư John Newton, giám đốc cải thiện sức khỏe tại Tổ chức Y tế công cộng Anh nói rằng, hàng triệu bộ kit xét nghiệm kháng thể do Anh đặt hàng từ Trung Quốc là “không đủ tốt để sử dụng”.
Giáo sư Newton nói với Tờ The Times rằng, các bộ kit xét nghiệm của Trung Quốc chỉ phát hiện kháng thể ở những bệnh nhân có “lượng virus rất lớn”. Tuy nhiên, các quan chức Anh cần bộ kit xét nghiệm có thể phát hiện kháng thể ở những người bị nhiễm virus nhưng biểu hiện nhẹ, và theo giáo sư Newton, các xét nghiệm của Trung Quốc là “không đủ tốt để có thể triển khai ở quy mô rất lớn”.
Anh đã trở thành quốc gia châu Âu mới nhất báo cáo về các thiết bị y tế không đáng tin cậy được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước đó, vào cuối tháng 3, Cộng hòa Séc thông báo rằng có tới 80% trong số 150.000 bộ kit xét nghiệm virus Vũ Hán mà nước này mua từ Trung Quốc bị lỗi.
Tương tự, mới đây, Tây Ban Nha cũng phải loại bỏ một lô hàng bộ kit xét nghiệm mua từ Trung Quốc sau khi phát hiện ra rằng, các xét nghiệm có độ chính xác chỉ 30%.
Vào giữa tháng 3, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tặng thiết bị y tế cho Ý. Tuy nhiên, trái với lời hứa, Ý đã phải bỏ tiền mua thiết bị y tế từ Trung Quốc, và theo tờ Spectator, lô thiết bị y tế mà Ý bỏ tiền mua lại chính là lô hàng mà nước này đã tặng cho Trung Quốc khi bắt đầu đại dịch.
https://www.dkn.tv/the-gioi/hang-trieu-bo-xet-nghiem-virus-vu-han-anh-mua-tu-trung-quoc-bi-loi.html

Các ca COVID-19

không triệu chứng tại Trung Quốc gia tăng

Hoa lục báo cáo có thêm 39 ca mới nhiễm virus corona vào ngày 5/4, tăng so với 30 ca một ngày trước đó, và con số những ca không triệu chứng cũng gia tăng giữa lúc chính phủ siết chặt việc kiểm soát tại vùng biên giới trên đất liền.
Ủy ban Y tế Quốc gia ngày 6/4 nói 78 ca mới không triệu chứng được xác nhận vào cuối ngày 5/4, so với 47 ca ngày trước đó.
Những ca từ ngoài mang vào và những bệnh nhân không triệu chứng nhưng vẫn có thể lây bệnh cho những người khác, đã trở thành quan ngại chính của Trung Quốc sau khi những biện pháp khắt khe thành công trong việc giảm tỉ lệ lây nhiễm.
Tỉnh Hồ Bắc, trung tâm dịch bệnh nguyên thủy, chiếm gần phân nửa các ca nhiễm mới không triệu chứng. Tổng cộng có 795 người không có triệu chứng đang được theo dõi sức khỏe tại Trung Quốc.
Việc gia tăng những ca không có triệu chứng chỉ được Trung quốc báo cáo trong tuần qua, gây nên những lo ngại vào lúc Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, chuẩn bị cho phép người dân rời thành phố vào ngày 8/4 lần đầu tiên kể từ khi bị đóng cửa vào cuối tháng 1.
Các giới chức Vũ Hán rút lại tình trạng “không có dịch bệnh” của 45 khu dân cư vì sự xuất hiện của những ca không triệu chứng và những ca nghi ngờ khác nữa, theo một bản tin của Tân Hoa Xã ngày 6/4.
Tình trạng “không dịch bệnh” cho phép người dân sống trong khu vực Vũ Hán ra khỏi nhà, mỗi lần 2 giờ.
Hiện nay Trung Quốc báo cáo có tổng cộng 81.708 ca nhiễm, với 3.331 người chết. Một ca lây nhiễm nội địa mới được báo cáo trong dữ liệu mới nhất, tại tỉnh Quảng Đông miền nam nước này, giảm từ 5 ca một ngày trước đó, cũng tại Quảng Đông.
Trung Quốc đóng cửa biên giới không cho người nước ngoài nhập cảnh vào lúc virus lây lan toàn cầu, dù hầu hết những ca từ nước ngoài vào liên hệ đến người Trung Quốc từ nước ngoài trở về.
Trung Quốc bắt đầu xét nghiệm virus tất cả các chuyến bay đến Trung Quốc bắt dầu ngày 1/4, giới chức hải quan cho biết.
Trong số những ca mới có triệu chứng, 38 ca từ nước ngoài vào, so với 25 ca một ngày trước đó. Trong đó có 20 người từ Nga đến thành phố Hắc Long Giang phía đông bắc. Tất cả đểu là công dân Trung Quốc bay từ Moscow đến Vladivostok và đến Trung Quốc bằng đường bộ.
Trung Quốc sẽ làm việc để ngăn các ca bệnh nhập khẩu qua biên giới trên đất liền, chính phủ cho biết sau một phiên họp do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ tọa ngày 6/4, trong đó có ghi nhận là con số những ca như vậy đã vượt quá những ca được các phi trường báo cáo mới đây.
Những người cố che giấu lịch trình đi lại hay tình hình sức khỏe của họ sẽ bị phạt đến 30.000 yuan (4.230 đô la) hay có thể bị truy tố hình sự và sẽ bị đưa vào danh sách đen của hải quan và sẽ bị kiểm soát chặt chẽ trong tương lai.
Một nguồn có thể lây nhiễm khác là 1,6 triệu du học sinh Trung Quốc, nhiều người đã cố gắng trở về nhà kể từ khi các chuyến bay quốc tế bị giảm.
Các chuyến bay thuê bao đã được dàn xếp để đưa sinh viên Trung Quốc về nước, bắt đầu với những người trẻ nhất, Tòa Đại sứ Trung Quốc tại Washington nói.
Đại sứ Thôi Thiên Khải nói với tờ New York Times ngày 6/4 là đã có những cuộc thảo luận không thân thiện giữ 2 nước về virus. “Nhưng đây không phải là lúc để đổ lỗi lẫn nhau. Đây là lúc đoàn kết, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau,” ông Thôi nói.
Giữa các chỉ trích là Trung Quốc quá chậm trễ trong việc cảnh báo cộng đồng quốc tế về virus bùng phát, ngày 6/4 Tân Xoa Xã đăng thời biểu chi tiết về đáp ứng của Trung Quốc và chia sẻ thông tin về virus corona từ cuối tháng 12/ 2019 cho đến tháng 3/2020.
Trung Quốc bắt đầu tường trình “đều đặn” cho Hoa Kỳ về dịch bệnh và các biện pháp chế ngự từ ngày 3/1, theo thời biểu này.
https://www.voatiengviet.com/a/c%C3%A1c-ca-covid-19-kh%C3%B4ng-tri%E1%BB%87u-ch%E1%BB%A9ng-t%E1%BA%A1i-trung-qu%E1%BB%91c-gia-t%C4%83ng-/5362631.html

Philippines kéo dài thời hạn

phong tỏa hàng triệu dân ở đảo Luzon đến 30/4

Triệu Hằng
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào cuối ngày thứ Hai (6/4) đã chấp thuận kéo dài thời gian cách ly đảo Luzon cho đến ngày 30/4 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch virus corona.
Theo Phil Star, quyết định của ông Duterte được Bộ trưởng Nội các Karlo Nograles công bố trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba (7/4).
Luzon là hòn đảo ở phía bắc Philippines, nơi có tới một nửa dân số cả nước sinh sống, có diện tích tương đương Hàn Quốc. Thủ đô Manila nằm trên đảo Luzon. Lệnh phong tỏa ban đầu dự định đến hết tuần này vào ngày 12/4.
Ông Duterte đã lệnh đóng cửa toàn bộ đảo Luzon từ ngày 16/3 và thực thi một số biện pháp nghiêm ngặt nhất ở châu Á, bao gồm lệnh giới nghiêm, trạm kiểm soát, ngừng công việc và giao thông công cộng.
Hôm 1/4, ông Dutterter phát biểu trên truyền hình rằng: “Tình hình ngày càng tệ. Tôi đã ra lệnh cho cảnh sát và quân đội nếu thấy tình hình bất ổn, có người gây rối đe dọa đến tính mạng người khác, hãy bắn họ ngay lập tức”.
Theo France24, lời phát biểu của Tổng thống Philippines được đưa ra sau khi các phương tiện truyền thông báo cáo có một vài xáo trộn và cảnh sát bắt giữ những người xuống đường tại khu dân cư lao động nghèo ở Malina khi họ yêu cầu chính phủ hỗ trợ thực phẩm.
Phản ứng với phát biểu này, Cảnh sát trưởng quốc gia, tướng Archie Gamboa hôm 2/4 cho rằng, có lẽ Tổng thống Duterter đang thể hiện sự nghiêm túc của mình đối với trật tự công cộng và sẽ không có ai bị bắn.
Theo Straits Times, số người mắc Covid-19 ở Philippines đã tăng mạnh trong 3 tuần qua, từ 187 ca lây nhiễm vào ngày 17/3 lên tới 3.660 ca nhiễm vào ngày 6/4.
https://www.dkn.tv/the-gioi/philippines-keo-dai-thoi-han-phong-toa-hang-trieu-dan-o-dao-luzon-den-30-4.html

Hồng y George Pell

được Tòa Tối cao Úc tuyên trắng án

Nguyễn Quang DuyGửi tới BBC News Tiếng Việt từ Melbourne, Úc
Tòa Tối cao Pháp viện Úc vào lúc 10 giờ sáng ngày 7/4/2020 công bố hủy bản án lạm dụng tình dục trẻ em và trả tự do cho Hồng y George Pell.
Vụ kiện đã gây chấn động Giáo hội La Mã, nơi Hồng y Pell là một trong các cố vấn cao cấp nhất của Đức Giáo hoàng.
Giáo hoàng: ‘Tội ấu dâm giống nghi lễ hiến tế tà giáo’
Thách thức chưa từng có với Giáo hoàng Francis
Tuyên bố của Đức Hồng Y
Ngay khi nhận quyết định của Tòa Tối cao Pháp viện Hồng Y Pell ra tuyên bố, được lược dịch như sau:
Tôi vẫn luôn xác định là mình vô tội, ngay khi phải chịu phán quyết vô cùng bất công, hôm nay, sự bất công đã được giải bày qua quyết định của Tòa án Tối Cao. Tôi mong được đọc bản án và lý do cho quyết định một cách chi tiết.
Tôi không nghĩ xấu cho người tố cáo tôi, tôi cũng không muốn quyết định tha bổng tôi gây thêm tổn thương và cay đắng, mà nhiều người cảm thấy, chắc chắn đã có quá nhiều tổn thương và cay đắng.
Phiên tòa của tôi không phải là một cuộc trưng cầu dân ý về Giáo hội Công giáo, cũng không phải một cuộc trưng cầu dân ý về cách hàng giáo phẩm Giáo hội Úc đối phó với tội ác ấu dâm trong Giáo hội.
Điểm chính là liệu tôi có phạm phải những tội ác khủng khiếp này hay không và câu trả lời là tôi đã không phạm phải (tôi vô tội).
Căn bản duy nhất để về lâu dài chữa lành được vết thương là sự thật, căn bản duy nhất cho công lý là sự thật, bởi vì công lý có nghĩa là sự thật cho tất cả mọi người.
Một lời cảm ơn đặc biệt cho tất cả những lời cầu nguyện và hàng ngàn thư hỗ trợ tinh thần.
Tôi muốn cảm ơn đặc biệt đến gia đình tôi vì tình yêu và sự hỗ trợ của họ và những gì họ đã phải trải qua; đến nhóm nhỏ cố vấn cho tôi; đến những người đã lên tiếng cho tôi với những gì họ đã phải chịu đựng; đến tất cả bạn bè và những người ủng hộ của tôi ở Úc cũng như ở mọi nơi.
Cũng xin cảm ơn với lòng biết ơn sâu sắc nhất đến toàn bộ các Trạng sư bảo vệ pháp lý cho tôi, họ không ngừng quyết tâm để công lý được thắng thế, để sáng tỏ vấn đề và để tìm ra sự thật.
Cuối cùng tôi nhận thức cuộc khủng hoảng y tế đang xảy ra, tôi cầu nguyện cho tất cả những người bị ảnh hưởng và cầu nguyện cho các nhân viên y tế.
Hồng y George Pell
Vụ kiện 5 năm
Vụ kiện bắt đầu năm 2015, khi một người khai với cảnh sát Victoria rằng lúc ông 13 tuổi là một cậu bé rước lễ, ông và một người bạn đã bị Giám mục George Pell xâm phạm tình dục hai lần, lần đầu ngày 15 hay ngày 22/12/1996 và lần thứ hai vào ngày 23/2/1997, tại Thánh đường St Patrick’s thành phố Melbourne; khi ấy Giám mục Pell vừa được phong Tổng Giám mục địa phận Melbourne.
Người rước lễ thứ hai đã qua đời năm 2014, và chưa bao giờ kể chuyện đó cho gia đình hay cảnh sát biết.
Tháng 2/2016, báo Herald Sun tiết lộ cảnh sát đang điều tra Hồng y Pell về tội lạm dụng tình dục trẻ em.
Tháng 10/2016, cảnh sát Úc đã sang tận Tòa thánh Vatican để điều tra, Đức Hồng y phủ nhận mọi hành vi sai trái.
Ngày 29/6/2017, Hồng y Pell bị cảnh sát buộc tội và khởi tố, Đức Giáo hoàng cho phép Hồng y về lại Úc để ra tòa.
Ngày 15/8/2018, phiên Tòa sơ thẩm Victoria xét xử các cáo buộc được mở ra. Đến ngày 20/9/2018, bồi thẩm đoàn không thể đưa ra phán quyết nên được miễn nhiệm.
Ngày 7/11/2018, phiên tòa được mở lại với một bồi thẩm đoàn mới, đến ngày 11/12/2018, Bồi thẩm đoàn phán quyết Hồng Y Pell phạm tội xâm phạm tình dục trẻ em dưới 16 tuổi và bốn tội danh có hành vi không đứng đắn với trẻ em.
Ngày 26/2/2019, phán quyết được công bố. Đến ngày 13/3/2019, Tòa Sơ Thẩm Victoria tuyên án Hồng y Pell sáu năm tù, trong khi Hồng y Pell tuyên bố vô tội và kháng án lên Tòa Thượng thẩm.
Ngày 5/6/2019, tại Tòa Thượng thẩm Victoria các trạng sư kháng án lập luận rằng (1) theo thông lệ của Giáo hội, Hồng y Pell luôn phải chào tiễn biệt các giáo dân sau buổi lễ, (2) mỗi thánh lễ, Hồng y Pell luôn có người ở bên cạnh giúp lễ, và (3) sau thánh lễ Chúa Nhật chừng 15 phút luôn có giáo dân còn ở lại nhà thờ, nhưng không ai chứng kiến chuyện xảy ra, nên không thể xảy ra chuyện Hồng y Pell lạm dụng tình dục trẻ em như bị cáo buộc.
Ngày 21/8/2019, Tòa Thượng thẩm Victoria tuyên bố ba thẩm phán bác bỏ hai lập luận kháng cáo, và hai thẩm phán bác bỏ lập luận thứ ba, Tòa thông báo giữ nguyên án của Tòa sơ thẩm. Hồng y Pell tiếp tục tuyên bố vô tội và kháng án lên Tòa Tối Cao Pháp Viện.
Trong hai ngày 10/3 và 11/3/2020, Tòa Tối Cao Pháp Viện, tại Canberra, nghe tranh luận giữa các trạng sư của Hồng y Bell và các công tố viên Victoria để cứu xét xem diễn trình vụ kiện có đúng với thủ tục pháp lý không.
Ngày 7/4/ 2020, Tối Cao Pháp Viện kết luận bồi thẩm đoàn đã hợp lý khi cứu xét các bằng chứng, nhưng lại không được thẩm phán cung cấp các điểm đáng ngờ để phán quyết.
Các thẩm phán của Tòa Thượng Thẩm Victoria đã không cứu xét khả năng là hành vi phạm tội có thể đã không xảy ra, mọi phán quyết chỉ hiệu lực khi hoàn toàn không còn nghi ngờ gì nữa.
Tối Cao Pháp Viện Úc phán quyết hủy bản án lạm dụng tình dục trẻ em, trả tự do cho Hồng y George Pell, và không còn kháng án nào nữa.
Người Việt tại Úc
Trong khi dịch cúm đang diễn ra, đây là một tin vui cho toàn thể những người tin vào công lý và sự thật, đặt biệt là những người Công giáo, và nhất là người Công giáo Việt.
Hôm thứ Tư 11/03/2020, gần 200 người đa số là các giáo dân Công giáo Việt Nam đã có mặt trước tiền đình Tối cao Pháp Viện tại Canberra để cầu nguyện và hỗ trợ tinh thần cho Đức Hồng y George Pell.
Trong số người tham dự cuộc biểu tình có cả Thượng tọa Thích Phước Long, gây ngạc nhiên cho giới truyền thông Úc.
Trước đó, chưa bao giờ có một nhóm người nào ủng hộ Đức Hồng y George Pell mạnh mẽ đến như thế xuất hiện tại tòa án.
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, hiện sống tại Melbourne, Úc.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52199944

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.