‘Công hàm 1958 không công nhận chủ quyền TQ với Hoàng Sa và Trường Sa’
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 26/4, nhà nghiên cứu Raul Pedrozo, chuyên gia luật quốc tế từng nhiều năm làm việc cho Hải quân Mỹ, nói rằng công hàm Phạm Văn Đồng không cho thấy Việt Nam từ bỏ Hoàng Sa và Trường Sa.
Hôm 17/4, Trung Quốc viện dẫn công hàm do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958 gửi Thủ tướng Chu Ân Lai như bằng chứng cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Trong công hàm mới được gửi lên Liên Hiệp Quốc (LHQ), Trung Quốc khẳng định cộng đồng quốc tế và cả chính phủ Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với các quần đảo này.
Thêm nữa, Trung Quốc còn cho rằng sau năm 1975, Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc không phủ nhận (estoppel) trong luật quốc tế vì đã có yêu sách trái phép đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Cùng lúc Bắc Kinh đưa ra các cáo buộc nói Việt Nam xâm phạm chủ quyền, xâm chiếm biển, đảo.
Đáp lại, ông Ngô Toàn Thắng, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm 23/4 lên tiếng: “Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam, bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc.”
Công hàm 1958 “không thừa nhận chủ quyền của TQ”
Tiếp xúc với BBC News Tiếng Việt hôm 26/4, ông Raul Pedrozo, giáo sư luật quốc tế, cố vấn luật của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ, nói:
“Theo ý kiến của tôi, lá thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai liên quan đến tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc vào tháng 9/1958 chỉ đơn giản là để bày tỏ sự ủng hộ đối với tuyên bố lãnh hải rộng 12 hải lý mà Trung Quốc đưa ra. Nó không hề mang nghĩa thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa”.
Ông Raul Pedrozo từng phục vụ trong Hải quân Mỹ, là cựu giáo sư luật quốc tế của Đại học Chiến tranh Hải quân (U.S. Naval War College). Ông là cố vấn luật quốc tế của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, trợ lý đặc biệt của Thứ trưởng phụ trách chính sách Bộ Quốc phòng. Năm 2014, ông đã công bố công trình dày 142 trang về tranh chấp tại Biển Đông, trong đó có phân tích công hàm Phạm Văn Đồng.
Theo ông Raul Pedrozo, năm 1988, Chính phủ Việt Nam đã thừa nhận có sự tồn tại của công hàm Phạm Văn Đồng nhưng Bộ Ngoại giao đã có giải thích về bối cảnh lịch sử của các tuyên bố trong đó. Cụ thể, trong bối cảnh chiến tranh khi Mỹ có thể chiếm hai quần đảo này để làm bàn đạp tấn công thì việc tuyên bố như vậy chỉ là giải pháp tình thế. Lúc bấy giờ, Việt Nam chân thành tin tưởng Trung Quốc và tin rằng sau chiến tranh thì mọi tranh chấp về lãnh thổ giữa hai nước sẽ được giải quyết.
Ông Raul Pedrozo phân tích thêm:
“Nam Việt Nam (với tư cách kế thừa Pháp), chứ không phải Bắc Việt Nam, là bên đang quản lý Hoàng Sa và Trường Sa vào năm 1958. Hiệp định Geneva 1954 phân chia Bắc và Nam Việt Nam tại vĩ tuyến 17 để chờ cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm phía nam vĩ tuyến 17; do đó, cả hai quần đảo đều thuộc quyền quản lý của Nam Việt Nam. Vì vậy, Bắc Việt Nam không có cả danh nghĩa lẫn chủ quyền trên thực tế đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và không ở vào vị trí có thể từ bỏ các vùng lãnh thổ trên. Tóm lại, Bắc Việt Nam chẳng có gì để từ bỏ.”
Trao đổi qua email với BBC News Tiếng Việt ngày 25/4, Tiến sĩ Dương Danh Huy từ Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cũng cho rằng những gì Thủ tướng Phạm Văn Đồng hay Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm của chính phủ vào thời điểm năm 1958 đều không có giá trị pháp lý để thay đổi về chủ quyền lãnh thổ phía nam vĩ tuyến 17.
Ông Huy phân tích: “Trước hết, có thể khẳng định rằng vào năm 1958 không có một nước Việt Nam thống nhất như bây giờ, và lúc đó nói chung chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) không được thế giới cho là có thẩm quyền đối với phía nam vĩ tuyến 17, không được thế giới cho là có trách nhiệm pháp lý phải khẳng định chủ quyền lãnh thổ phía nam vĩ tuyến 17.”
“Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải quan tâm đến khía cạnh động thái đó và các động thái tương tự của chính phủ đó có ý nghĩa pháp lý gì khi VNDCCH và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam thống nhất thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1976″.
Nguyên tắc Estoppel có áp dụng?
Estoppel là quy tắc về bằng chứng, theo đó, một quốc gia không được phép phủ nhận sự thật về điều mà trước đây họ đã tuyên bố hoặc về những sự kiện mà họ cho là có thật.
Theo ý kiến của ông Raul Pedrozo, estoppel đã được Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) sử dụng để giải quyết một số tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, ông cho rằng nguyên tắc này của tòa ICJ khi liên hệ với tranh chấp tại Hoàng Sa không ủng hộ lập trường của Trung Quốc xét trong mối liên hệ với Việt Nam.
Ông phân tích: “ICJ chỉ áp dụng estoppel trong một số vụ giới hạn khi mà hội đủ các yếu tố: (1) đó là các tuyên bố, phát biểu hoặc trình bày (hoặc được thực thi trong quá khứ) nhất quán do một bên thực hiện với bên kia (2) phải dựa trên sự tổn hại của phía bên kia hoặc tạo lợi thế cho bên đưa ra phát biểu.”
“Trung Quốc không cung cấp đủ bằng chứng để hội đủ các yếu tố trên. Lá thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai đơn giản bày tỏ sự ủng hộ đối với tuyên bố mở rộng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, không phải là sự công nhận chủ quyền Trung Quốc đối với các quần đảo ở Biển Đông. Không có gì nghi ngờ, lá thư không đại diện cho một sự công nhận ‘rõ ràng và nhất quán’ đối với chủ quyền của các quần đảo tại Biển Đông và do đó không thể đáp ứng yếu tố đầu tiên của estoppel,” ông Pedrozo nhận định.
“Hơn thế nữa, không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc sử dụng lá thư của Chu Ân Lai để bày tỏ sự tổn hại của họ – từ năm 1949, CHND Trung Hoa đã liên tục tuyên bố chủ quyền không tranh cãi của họ đối với các đảo ở Biển Đông và đã phản đối hoặc hành động chống lại mọi yêu sách chủ quyền của các quốc gia khác và đã tiến hành tấn công các đảo ở Biển Đông. Do đó, nguyên tắc estoppel không thể được áp dụng cho các tranh chấp hiện tại”, ông Raul diễn giải thêm.
Tiến sĩ Dương Danh Huy đánh giá:
“Năm 1958, chính phủ VNDCCH không được thế giới nói chung cho là có thẩm quyền đối với phía nam vĩ tuyến 17. Vì VNDCHH vừa không có thẩm quyền, vừa không có trách nhiệm pháp lý phải khẳng định chủ quyền, công hàm đó không phải là để trả lời Trung Quốc về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, cũng không nói trực tiếp về hai quần đảo đó, thì dù câu chữ của công hàm đó có được diễn giải thế nào cũng không hội tụ được các điều kiện của estoppel để ràng buộc VNDCCH”.
‘Covid-19 là thời cơ cho Trung Quốc’
Lý giải vì sao Trung Quốc lại đưa công hàm lên LHQ vào thời điểm dịch Covid-19, ông Dương Danh Huy cho rằng:
“Từ khi tình hình Biển Đông nóng lên từ năm 2007, 2008 tới nay, chưa có khi nào bất lợi và nguy hiểm cho Việt Nam như hiện nay. Đây là thời cơ tốt cho Trung Quốc lấn lướt, thậm chí lấn chiếm ở Biển Đông”.
“Việc họ gửi công hàm cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa chỉ là hệ quả của việc Malaysia đệ trình về ranh giới ngoài của thềm lục địa vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, việc họ đưa công hàm Phạm Văn Đồng vào vấn đề và vào một công hàm được chuyển đến các nước thành viên LHQ là điều đáng suy nghĩ”.
Ông Huy đưa ra các khả năng: “Đó có phải là một sư leo thang tranh biện bình thường? Hay họ dồn Việt Nam vào chân tường để Việt Nam phải lộ ra phần nào lập luận pháp lý của mình? Hay họ dọn đường dư luận cho động thái kế tiếp nào đó?”.
“Nhưng cũng có thể là Trung Quốc biết họ đã thua cuộc tranh biện trong việc đòi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho Trường Sa cũng như trong việc đòi quyền lịch sử trong vùng đặc quyền kinh tế, và Việt Nam, Philippines và Malaysia lại có cùng quan điểm trong vấn đề đó, cho nên họ muốn lái cuộc tranh biện sang phạm trù tranh chấp các đảo, nhằm vừa tránh nhược điểm của mình, vừa chia rẽ ba nước đối phương kia, vừa nhấn mạnh khía cạnh tranh chấp chủ quyền để cản trở đệ trình của Malaysia”, ông nhận định.
27 tháng 4 2020 Bùi Thư - BBC News Tiếng Việt
0 comments