Vì lẽ gì Việt Nam ta không bị Hán hoá
Hồ Bạch Thảo
Về phần Nho học ca tụng đạo lý làm người, trung với vua, với đất nước; hiếu với cha mẹ, tổ tiên giống nòi; cha ông ta đã dùng tư tưởng đó để chống Hán hoá, chống Trung Quốc xâm lược:
Một bài thơ chữ Nho chống xâm lược hầu như chúng ta đều thuộc lòng, đó là bài Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, khẳng định lãnh thổ Đại Việt trường tồn, kẻ xâm lăng sẽ bị thất bại:
南 國 山 河 南 帝 居
Nam quốc sơn hà nam đế cư
“Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” mô tả một cách hiện thực tình cảnh đạo quân bách chiến bách thắng Mông Cổ, bị thảm bại tại ven sông Hồng; trận Chương Dương tại hữu ngạn, trận Hàm Tử tại tả ngạn; tạo nên khúc quẹo lịch sử chuyển bại thành thắng. Chiến công này được Thượng tướng Trần Quang Khải ca tụng trong bài Tòng giá hoàn kinh như sau:
Bản dịch của Trần Trọng Kim :
Chiến tranh tiếp tục, hai lần đánh đuổi đạo quân Thoát Hoan chạy dài; trải qua mấy năm trời vùng vẫy với ngọn giáo, ba quân khí thế như cọp dữ, hùng khí chống xâm lăng cao vút mờ các sao Ngưu sao Đẩu. Tướng Phạm Ngũ Lão múa bút, ca tụng hào khí đó qua bài thơ Thuật Hoài:
述 懷
Hoành sáo giang san cáp kỉ thu
Múa giáo non sông trải mấy thu,
Cảnh thanh u vật diệc thanh u
Tạm dịch :
Cảnh thanh u, mọi vật đều thanh u
Dịch thơ :
故 劉 龔 貪 功以 取 敗,
Cố Lưu Cung tham công dĩ thủ bại,
Cho nên:
Qua thơ văn phần trích dẫn, khẳng định dòng văn học chống Trung Quốc xâm lược đời nối đời trường tồn. Chiến đấu bằng ngọn bút, xây dựng nền văn hiến, không những đủ sức tự vệ chống Hán hoá, mà lại còn có mãnh lực thu hút rất nhiều nhân vật thuộc dòng giống Trung Quốc tự nguyện hội nhập vào dân tộc Việt Nam. Lịch sử ghi nhận Hồ Hưng Dật, thuỷ tổ họ Hồ, gốc tỉnh Chiết Giang; Mạc Cửu người tỉnh Quảng Đông, lập nên tỉnh Hà Tiên; Trịnh Hoài Đức, gốc Phúc Kiến, Phan Thanh Giản, dòng dõi Minh Hương (4), đều là những khoa bảng và danh thần dưới triều Nguyễn.
Lãnh thổ Trung Quốc thời xa xưa chỉ bằng mấy tỉnh hiện nay, nhưng nhờ sức bành trướng không ngừng lan ra bốn phía, nên to lớn như hiện nay. Trước thời Tần, biên giới Trung Quốc tại phía nam chỉ đến sông Dương Tử và một phần đất tại các tỉnh Giang Tây, Hồ Nam, Giang Tô. Qua các thời Tần, Hán, không ngừng xâm lăng; chiếm trọn vùng đất phương nam, chiếm cả Việt Nam. Trải qua một ngàn năm đô hộ, Việt Nam giành lại nền độc lập, trong khi các vùng đất khác biến thành quận huyện của Trung Quốc. Kể từ đó Việt Nam đời nối đời chống Trung Quốc xâm lăng, lại tiếp tục mang gươm đi mở nước nên lãnh thổ tăng gấp đôi. Với địa lý liền núi, liền sông, lại sẵn đường để Trung Quốc xâm nhập thuỷ bộ; hãy tìm hiểu xem vì lẽ gì nước ta không bị Hán hoá.
A. Nền văn hoá độc lập
Việt Nam ta ta có lịch sử trên 4.000 năm ; những nước thuộc loại lâu đời như vậy, lịch sử buổi ban đầu thường được xây dựng bằng truyền thuyết. Truyền thuyết kể rằng xưa Đế Minh, cháu ba đời Viêm đế Thần Nông bên Tàu, đi tuần phương nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ tiên, sinh con là Lộc Tục. Lộc Tục đức tính toàn thiện nên Đế Minh yêu lắm, muốn truyền ngôi cho. Nhưng Lộc Tục cố nhường cho anh là Nghi; bấy giờ Đế Minh mới lập Nghi làm vua nối ngôi, thống trị phương Bắc [Trung Quốc], phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương, thống trị phương Nam [Đại Việt] (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại Kỷ quyển 1)
Truyền thuyết được xây dựng trên cơ sở Đại Việt là nước anh em, bình đẳng với Trung Quốc, chứ không phải là tôi tớ; bởi vậy quá trình lịch sử các triều đại Đại Việt xây dựng một nền văn hoá có những nét khác biệt với Trung Quốc. Lịch sử ghi nhận những sự kiện như sau:
Sách Hậu Hán Thư (quyển 24, Mã Viện Liệt Truyện) đề cập đến việc Mã Viện mang quân xâm lăng nước ta vào năm 42, nhân bác bỏ 10 khoản luật Việt dưới thời Hai Bà Trưng, chứng tỏ thời đó luật lệ 2 nước Việt, Trung không giống nhau:
“Viện đi đến đâu đều chia đất thành quận huyện, xây thành quách, thông ngòi rạch để lợi cho dân. Tâu rõ luật Việt và luật Hán, bác bỏ hơn 10 khoản. Dựa chế độ xưa, thân sức cho dân Việt rõ, để ràng buộc.”
[援所過輒為郡縣治城郭,穿渠灌溉,以利其民。條奏越律與漢律駁者十餘事,與越人申明 舊制以約束之]
Đến giai đoạn độc lập, vào thời vua Lê Đại Hành năm Thiên Phúc thứ 8 [978], Sứ thần nhà Tống, Lý Giác, đến thăm nước ta lần thứ hai. Sau khi quan sát phong cách nước ta lúc bấy giờ; Giác nhận thức rằng ngoài vòm trời Trung Quốc ra, còn có vòm trời Đại Việt với những nét văn hoá riêng biệt; nên lúc đến sứ quán bèn làm bài thơ bát cú đưa tặng, với hai câu kết như sau:
天外有天應遠照,
溪潭波靜見蟾秋。
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu,
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 1)
(Ngoài trời, lại có trời soi nữa,
Sông lặng khe đầm bóng nguyệt thâu.)
Nước ta cũng như phần lớn các nước châu Á khác, theo chế độ quân chủ giống như Trung Quốc. Tuy nhiên trong lúc thực hiện thể chế này, Việt Nam không hoàn toàn rập khuôn; với bản lãnh phân biệt đúng sai, chọn con đường phải, có lúc tự hào những chỗ vượt trội Trung Quốc. Trường hợp vua Đường Lý Thế Dân và vua đầu tiên đời Trần nước ta đều có miếu hiệu là Thái Tông, cả hai đều có mối bất hoà với em; nhưng vua Trần Thái Tông nước ta cố hoà giải, giữ được mạng sống cho người em là An Sinh vương Liễu; riêng vua Đường Thái Tông thì giết cả 2 em là Kiến Thành và Nguyên Cát. So sánh đức độ ai hơn ai, nền quân chủ nào tốt hơn; vua Trần Dụ Tông với tư cách nhà phê bình sử, có bài thơ nổi tiếng sau đây:
唐太宗與本朝太宗
唐越開基兩太宗,
彼稱貞觀我元豐。
建成誅死安生在,
廟號雖同德不同。
Đường Thái Tông dữ bản triều Thái Tông
Đường, Việt khai cơ lưỡng Thái Tông,
Bỉ xưng Trinh Quán, ngã Nguyên Phong.
Kiến Thành tru tử, An Sinh tại,
Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng.
Dịch nghĩa
Đường và Việt đều có vua mở mang cơ nghiệp với miếu hiệu là Thái Tông,
Vua của họ niên hiệu Trinh Quán, vua ta là Nguyên Phong.
Việc Kiến Thành [nhà Đường] bị giết chết, còn An Sinh [nước ta] được sống,
Chứng tỏ tuy đồng miếu hiệu, nhưng đức độ thì bất đồng.
B. Nền văn học chữ Nho đối kháng Trung Quốc xâm lược
Thời xưa nước ta và các nước Nhật Bản, Cao Ly cùng chia sẽ với Trung Quốc chữ viết; riêng Việt Nam dùng âm Hán Việt và gọi là chữ Nho. Nho [儒] do 2 chữ nhân [人] và nhu [需] gộp lại, có nghĩa là nhu cầu con người; ý nói chữ Nho là thứ chữ rất cần cho con người nói chung, chứ không phải dành riêng cho một nước nào.
Cùng với chữ Nho, Khổng Học từ Trung Quốc truyền bá vào Việt Nam. Người Việt ta tôn sùng Khổng Học qua những tư tưởng lành mạnh như: trung quân ái quốc, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; nhắm xây dựng một nước Việt Nam văn hiến. Tuy tôn sùng, nhưng không tin một cách mù quáng; đối với những tư tưởng phản tiến hoá, kỳ thị chủng tộc, ông cha ta không đưa vào kho tàng văn hoá Việt Nam.
Đơn cử, Luận Ngữ [论语] là bộ sách căn bản, ghi những lời dạy của Khổng Tử, được dùng làm sách giáo khoa. Nhưng trong sách này có những hạt sạn, như lời miệt thị các dân tộc lân bang với Trung Quốc là Di Địch [mọi rợ]. Cụ thể trong thiên Bát Dật [八佾], có lời phân biệt chủng tộc nặng nề như sau:
Di Địch chi hữu quân bất như chư Hạ chi vong dã
[夷狄之有君,不如诸夏之亡 也.]
Có nghĩa là : Các nước Di, Địch [mọi rợ] tuy có vua; nhưng cũng không bằng Hoa Hạ [Trung Quốc] khi mất vua.
Trung Quốc gọi các nước nhỏ xung quanh là tứ Di [4 Di] gồm: Đông Di, Nam Man, Tây Nhung, Bắc Địch. Đối với những tư tưởng kỳ thị chủng tộc như vậy, không được đưa vào kho tàng văn học Việt Nam đã đành; riêng các Sứ thần Việt Nam đến Trung Quốc, như Lê Quí Đôn vào năm Tân Mão [1761] đã làm văn thư phản đối nhà đương cục Quảng Tây dùng các từ ngữ như “Di quan” [quan Mọi], “Di quan kiến” [quan Mọi đến chào] vv… khiến viên Bố chánh Quảng Tây phải gửi văn thư khen văn hay và hứa không dùng chữ Di nữa :
“Văn này rất hay, nói rất đúng lý… Nay Sứ thần đã đem sự này bày tỏ nên lời, đã được quan Tuần vũ bằng lòng nghe. Đã gửi một ống công văn truyền cho đạo Tả Giang và các phu, dặn từ rày trở về sau đừng hô chữ Di nữa và gọi là Cống sứ nước An Nam. Sứ có thể về nước thưa với Quốc vương được rõ….” (1)
Về phần Nho học ca tụng đạo lý làm người, trung với vua, với đất nước; hiếu với cha mẹ, tổ tiên giống nòi; cha ông ta đã dùng tư tưởng đó để chống Hán hoá, chống Trung Quốc xâm lược:
Trai thời trung, hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình.
(Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu)
Một bài thơ chữ Nho chống xâm lược hầu như chúng ta đều thuộc lòng, đó là bài Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, khẳng định lãnh thổ Đại Việt trường tồn, kẻ xâm lăng sẽ bị thất bại:
南 國 山 河
南 國 山 河 南 帝 居
截 然 定 分 在 天 書
如 何 逆 虜 來 侵 犯
汝 等 行 看 取 敗 虛
Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm ?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư !
Dịch thơ :
Sông núi nước nam
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm ?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời !
(Bản dịch của Trần Trọng Kim)
“Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” mô tả một cách hiện thực tình cảnh đạo quân bách chiến bách thắng Mông Cổ, bị thảm bại tại ven sông Hồng; trận Chương Dương tại hữu ngạn, trận Hàm Tử tại tả ngạn; tạo nên khúc quẹo lịch sử chuyển bại thành thắng. Chiến công này được Thượng tướng Trần Quang Khải ca tụng trong bài Tòng giá hoàn kinh như sau:
從駕還京
奪槊章陽渡,
擒胡菡子關。
太平須努力,
萬古此江山。
Tòng giá hoàn kinh
Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu nỗ lực,
Vạn cổ thử gian san.
Bản dịch của Trần Trọng Kim :
Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy nghìn thu.
Chiến tranh tiếp tục, hai lần đánh đuổi đạo quân Thoát Hoan chạy dài; trải qua mấy năm trời vùng vẫy với ngọn giáo, ba quân khí thế như cọp dữ, hùng khí chống xâm lăng cao vút mờ các sao Ngưu sao Đẩu. Tướng Phạm Ngũ Lão múa bút, ca tụng hào khí đó qua bài thơ Thuật Hoài:
述 懷
橫 槊 江 山 恰 幾 秋
三 軍 貔 虎 氣 吞 牛
男 兒 未 了 功 名 債
羞 聽 人 間 說 武 侯
Thuật hoài
Hoành sáo giang san cáp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.
Dịch thơ:
Tỏ lòng
Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân hùng khí át sao Ngưu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.
(Bản dịch của Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược)
Toàn dân nỗ lực chiến đấu, giặc thua rút, đất nước hoà bình; với một lãnh tụ độc tài sẽ nghĩ đến việc củng cố uy quyền, hưởng lạc “bỏ thân trăm họ làm công một người” (2).
Nhưng đối với vị vua hiền như Trần Thánh Tông, ngài hoà vui cùng dân chúng nơi thôn dã, với vườn cây gốc quít, hưởng cảnh thanh bình; ngắm trăng “vô sự” với cõi lòng “bình yên vô sự”; niềm vui bình dị ấy được diễn tả qua tuyệt tác Hạnh Thiên Trường hành cung như sau:
行 天 長 行 宮
景 清 幽 物 亦 清 幽
十 二 仙 州 此 一 州
百 步 生 歌 禽 百 舌
千 行 奴 僕 橘 千 頭
月 無 事 照 人 無 事
水 有 秋 含 天 有 秋
四 海 已 清 塵 已 靖
今 年 遊 勝 昔 年 遊
Hạnh Thiên Trường hành cung
Cảnh thanh u vật diệc thanh u
Thập nhị tiên châu thử nhất châu.
Bách bộ sinh ca, cầm bách thiệt,
Thiên hàng nô bộc, quất thiên đầu
Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự
Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu.
Tứ hải dĩ thanh, trần dĩ tĩnh
Kim niên du thắng tích niên du.
Trần Thánh Tông
Tạm dịch :
Đến hành cung Thiên Trường
Cảnh thanh u, mọi vật đều thanh u
Đây là một châu đẹp, trong 12 châu.
Ta nghe hàng trăm tiếng chim hót, như hàng trăm tiếng đàn hát
Nghìn gốc quít xum xuê, như hàng nghìn đám quân hầu
Ánh trăng vô sự, chiếu dọi tâm hồn vô sự
Nước mùa thu, chứa cả bầu trời thu.
Bốn biển thanh bình, cát bụi [chiến tranh] đã lắng xuống.
Năm nay đến thăm, vui hơn những năm trước.
Rồi vó ngựa chiến tranh lại đến dưới thời quân Minh xâm lược, nhà Nho Đặng Dung đem cả cuộc đời trai hiến cho nước. Hàng chục năm trời miệt mài chinh chiến, mãi cho đến lúc mái tóc ngã sang màu bạc, vẫn tiếp tục chiến đấu, cặm cụi mài gươm dưới ánh trăng:
感 懷
世 事 悠 悠 奈 老 何
無 窮 天 地 入 酣 歌
時 來 屠 釣 成 功 易
運 去 英 雄 飲 恨 多
致 主 有 懷 扶 地 軸
洗 兵 無 路 挽 天 河
國 讎 未 報 頭 先 白
幾 度 龍 泉 戴 月 磨
Cảm hoài
Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo, đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma
Đặng Dung
Dịch thơ :
Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
(Bản dịch của Phan Kế Bính)
Rồi hàng hàng lớp lớp, già trẻ trai gái tiếp tục chiến đấu, sử sách ghi chép trong giai đoạn chống Minh có đến 64 cuộc khởi nghĩa (3). Cuối cùng dưới sự lãnh đạo của vua Lê Lợi, quân xâm lăng phải cúi đầu rút ra khỏi bờ cõi; Văn thần Nguyễn Trãi được giao soạn bản Bình Ngô đại cáo, nội dung như bản tuyên ngôn độc lập, với phần mở đầu như sau:
仁 義之 舉, 要 在 安 民,
弔伐 之 師 莫 先 去 暴 。
惟 我 大 越 之 國,
實 為文 獻 之 邦 。
山 川 之 封域 既 殊,
南 北 之 風 俗亦 異 。
自 趙 丁 李 陳 之肇 造 我 國,
與 漢 唐 宋元 而 各 帝 一 方 。
雖 強弱 時 有 不 同
而 豪 傑 世未 常 乏 。
故 劉 龔 貪 功以 取 敗,
而 趙 禼 好 大 以 促 亡 。
唆 都 既 擒 於 鹹 子 關 ,
烏 馬 又 殪 於 白 藤 海 。
嵇 諸 往 古,
厥 有 明 徵。
Phiên âm
Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân,
Điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo.
Duy ngã Đại Việt chi quốc,
Thực vi văn hiến chi bang.
Sơn xuyên chi phong vực ký thù,
Nam bắc chi phong tục diệc dị.
Tự Triệu Đinh Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc,
Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương.
Tuy cường nhược thì hữu bất đồng,
Nhi hào kiệt thế vị thường phạp.
Cố Lưu Cung tham công dĩ thủ bại,
Nhi Triệu Tiết hiếu đại dĩ xúc vong.
Toa Đô ký cầm ư Hàm Tử quan,
Ô Mã hựu ế ư Bạch Đằng hải
Kê chư vãng cổ,
Quyết hữu minh trưng.
Bản dịch của Ngô Tất Tố :
… Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có.
Cho nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong,
Cửa Hàm tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét,
Chứng cớ còn ghi…..
Qua thơ văn phần trích dẫn, khẳng định dòng văn học chống Trung Quốc xâm lược đời nối đời trường tồn. Chiến đấu bằng ngọn bút, xây dựng nền văn hiến, không những đủ sức tự vệ chống Hán hoá, mà lại còn có mãnh lực thu hút rất nhiều nhân vật thuộc dòng giống Trung Quốc tự nguyện hội nhập vào dân tộc Việt Nam. Lịch sử ghi nhận Hồ Hưng Dật, thuỷ tổ họ Hồ, gốc tỉnh Chiết Giang; Mạc Cửu người tỉnh Quảng Đông, lập nên tỉnh Hà Tiên; Trịnh Hoài Đức, gốc Phúc Kiến, Phan Thanh Giản, dòng dõi Minh Hương (4), đều là những khoa bảng và danh thần dưới triều Nguyễn.
Hồ Bạch Thảo
Chú thích:
1. Lê Quí Đôn đi sứ nước Thanh, Hoàng Xuân Hãn, Diễn Đàn
2. Bỏ thân trăm họ làm công một người, Văn tế thập loại chúng sinh, Nguyễn Du.
3. Trong cuốn sách khảo cứu về lịch sử Chinh chiến dữ khí thủ : Minh đại trung Việt quan hệ nghiên cứu của Bác sĩ Trịnh Vĩnh Thường, Giáo sư đại học tại Ðài-Loan; có lập biểu liệt kê 64 cuộc nổi dậy tại Việt Nam dưới thời quân Minh đô hộ.
4. Minh Hương : người Trung Quốc chống Thanh, khôi phục nhà Minh thất bại, sang sống tại Việt Nam.
0 comments