Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Covid-19: Mạng xã hội Việt Nam, những ngày nóng dịch

Wednesday, March 11, 2020 5:39:00 PM // ,

10 tháng 3 2020
Hà Nội, ảnh chụp ngày 10/3 Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Hà Nội, ảnh chụp ngày 10/3
25 năm làm báo ở VN rồi nghiên cứu báo chí-truyền thông ở Úc và Anh, chưa bao giờ, tôi thấy mình lực bất tòng tâm và "vô dụng" như khi chứng kiến dịch thông tin COVID-19 trên mạng xã hội (MXH) những tuần qua.
Năm 2009-2010, cúm heo H1N1 lan ra trên 74 quốc gia, với khoảng 700 triệu đến 1.4 tỷ người nhiễm và vài trăm ngàn người chết. VN là quốc gia thứ 23 phát dịch, với gần mười ngàn ca nhiễm và 22 tử vong. So những con số đó với COVID-19, bạn có thể nghĩ rằng thời đó chắc là rúng động, hoang mang hơn cả bây giờ? Không hẳn.
Ôn lại đại dịch này trên Facebook hôm 1/3, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Trương Hữu Khanh nói thời điểm cúm heo mới bùng phát cũng "bát nháo". Bệnh viện cũng cho xét nghiệm liên tục ca này đến ca khác (sau nhiều quá thì bỏ luôn, chỉ tập trung ca nặng); báo chí cũng ngập chuyện khẩu trang, cách ly; các bộ và địa phương cũng bàn tính chuyện đóng cửa trường học... Nhưng mọi thứ lúc đó còn dễ thở, không hoảng loạn như bây giờ vì thông tin còn dễ kiểm soát. "Bây giờ, mạng xã hội dữ quá, cái gì cũng bàn từa lưa hết," ông Khanh nói.
Tôi không thể nào đồng ý hơn với BS Khanh.

Người chết không yên, người bệnh không an

"Nghĩa tử là nghĩa tận", nhưng nghĩa tận chừng như không cùng với nữ bệnh nhân vắn số ở bệnh viện 115 vào cuối tháng hai rồi. Hãy nhìn cái cách người ta chuyền nhau tờ giấy báo tử, cùng nhân thân và hình ảnh, của cô trên Facebook và các MXH khác.
Tờ báo tử, không hiểu lọt ra ngoài theo cách nào, ghi rõ là do "viêm cơ tim, suy đa cơ quan". Nhưng vì bệnh nhân qua đời khi chưa có kết quả xét nghiệm, bác sĩ phụ trách cẩn trọng ghi thêm vài chữ "chưa loại trừ cúm". Bệnh viện sau đó cũng tiến hành khử trùng ở cổng như một động thái phòng xa.
Nhưng chừng đó cũng đủ cho nhiều người (kể cả một số vị có học) - vì yếu bóng vía, vì thích câu like để nổi tiếng, vì "ý thức cộng đồng" chân thành nhưng "nông nổi", vì muốn ai cũng phải lo như mình, hoặc lý do nào đó - đã đổ xô loan tin rằng rằng cô gái tử vong vì Corona.
Những dòng trạng thái vô căn cứ - cộng hưởng với sự tắc trách của một số tờ báo "dòng chính" trong nước và hải ngoại - cứ theo những nút bấm thích, chia sẻ và bình luận đến mọi ngõ ngách, gieo thêm hoài nghi và rắc thêm sợ hãi vào một cộng đồng vốn đã hoảng loạn từ cả mấy tuần trước đó.
Khi lưu truyền những thông tin như thế, không biết có ai trong số họ nghĩ về cái đạo lý nghĩa tận ở trên không? Có ai nghĩ về những hệ luỵ tinh thần, cũng như khả năng bị kỳ thị, mà nó sẽ gây ra cho người thân, bạn bè nạn nhân không? Có ai nghĩ sự kinh động mà họ góp phần tạo nên là căn nguyên cho rất nhiều xáo trộn xã hội, kinh tế thời gian qua? Có ai nghĩ nó đang gây thêm vô vàn áp lực lên những người thấy thuốc đang gồng mình chống dịch?
Khi tôi viết đến đây, trên Facebook lại đang dậy làn sóng mới: sau vài tuần tạm yên, VN lại phải căng thẳng phong toả một khu phố ở Hà Nội, sau khi một cư dân trẻ tại đây, vừa trở về từ châu Âu, bị phát hiện là ca Corona thứ 17 ở VN.
Ngay trong đêm tin được loan, người ta lại thấy một thứ quen thuộc trên Facebook: hết tin bịa này đến lời thêu dệt kia lan đi với tốc độ chóng mặt - lần này về hành trình của cô gái trước và sau khi về VN. Kèm theo đó là những hình ảnh đời tư, khêu gợi và có vẻ "ăn chơi" của cô "con gái nhà giàu", với những ngôn từ miệt thị đáng rùng mình, đại loại như "con bé không não", "con ngu", "con đầu bò", "con điên", thậm chí là "đồ phản quốc".
Dĩ nhiên, việc cô gái về sân bay Nội Bài, thấy không khoẻ mà không khai báo rõ là hành vi không thể chấp nhận trong thời điểm chống dịch. Nhưng người ta nhân danh cái gì để chà đạp hội đồng một cách tàn bạo lên như thế nhân phẩm một con người, mà suy cho cùng cũng là một nạn nhân đang trên giường bệnh? Đó là chưa kể sự vội vã kết tội cô ta biết bị nhiễm COVID-19 mà cố tình che giấu. Nếu thực sự là thế, chả lẽ cô ta muốn đem vi rút về "san sẻ" với cha mẹ, người thân, bạn bè mình?
Hai câu chuyện trên đặt ra nhiều dấu hói về trình độ ứng xử của người Việt trên không gian số. Cuối tháng hai, Microsoft công bố nghiên cứu cho thấy VN đứng hàng 21 trong 25 quốc gia được khảo sát về chỉ số văn minh số (DCI - Digital Civility Index).
Nói trắng ra, theo báo cáo DCI, VN nằm trong nhóm được cư dân số nhìn nhận là ứng xử số thô lỗ (incivility) nhất, với rất nhiều nguy cơ về thanh danh cá nhân, uy tín nghề nghiệp và an ninh tinh thần và cuộc sống cho người dùng. Gây quan ngại nhất, theo báo cáo, là sự xâm phạm đời tư, các nội dung và hành vi dục tính ngoài mong muốn và sự xâm nhập của các loại tin bịp và chiêu lừa. Báo cáo chỉ thẳng MXH là không gian rủi ro phổ biến nhất trong thế giới số.
Xin nói là tôi chưa hoàn toàn tin vào kết quả trên vì chưa biết phương thức chọn mẫu, đo lường và thu thập dữ liệu thế nào (Microsoft không nói, chỉ lướt qua là khảo sát 500 người 13-74 tuổi). Nhưng những quan sát qua dịch Corona cũng như vài vụ việc trước (Đồng Tâm chẳng hạn) cho tôi tin rằng DCI là một chỉ dấu cho thấy hai câu chuyện trên chỉ là phần nổi của một tảng băng. Ở đây tôi chỉ tập trung vào tình trạng nhiễu loạn thông tin trong mùa dịch.
Hà Nội, ảnh chụp ngày 10/3 Bản quyền hình ảnh Getty Images

Từ dịch bệnh đến dịch thông tin

Sự bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm luôn là mảnh đất màu mỡ cho mọi thứ thông tin ô hợp vì nó luôn đi cùng sự bất định rất khó chịu. Đó là thời điểm mà giới chuyên môn hiểu biết trực tiếp về bệnh ở mức cực tiểu (gần như là số không vì quá mới) trong khi dân tình lại thắc mắc và muốn biết nhất. Sự bất xứng đó, cùng sự nóng ruột và bất an càng lúc càng cao trong dư luận, tạo nên một khoảng không lý tưởng cho đủ loại tin vịt và đồn thổi, kể cả những chiêu trò có tính bịp bợm.
Nói đơn giản hơn, khi đổ xô đi tìm câu trả lời mà không tìm được cái gì cụ thể từ những người có thẩm quyền, nhất là giới khoa học và quản trị y tế, thì người ta quay sang bất cứ nguồn nào mà họ có thể tin cậy trong cuộc sống hàng ngày. Không ai khác đó chính là bố mẹ, anh chị em, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp..., những người thực ra chưa chắc đã biết gì nhiều hơn họ.
Cái khác là nếu ngày xưa người ta chờ những lúc trà dư tửu hậu, hay một hai cú điện thoại để có một "câu trả lời" thì ngày nay, chỉ cần móc máy ra là ngay lập tức tiếp cận một nguồn "câu trả lời" vô tận, trên những Facebook, Twitter, YouTube, Instagram, WhatsApp, vân vân. Ở những nơi đó, câu trả lời không chỉ đến từ "bạn" (người quen) mà cả "bạn của bạn", rồi "bạn của bạn của bạn"...
Cho nên, thông tin đánh vào các tình cảm tiêu cực - như lo âu, sợ hãi - dễ lan truyền theo cấp số nhân. Như cái vòng luẩn quẩn: càng sợ, càng đi tìm "câu trả lời"; càng tìm ra, càng rối, càng sợ, càng hoảng. Đến lúc nào đó, đúng sai, thật giả không còn là tiêu chí tiếp nhận đầu tiên: người ta chỉ muốn nghe những gì họ muốn nghe để củng cố niềm tin và định kiến sẵn có, hơn là cái thật, cái đúng.
COVID-19 vì thế chưa lan vào cuộc sống nhưng đã tràn trên mạng xã hội. Hôm đầu tháng hai, WHO gọi luôn sự nhiễu loạn này là một "infodemic" - nghĩa là "dịch thông tin", tích hợp hai từ "infomation" (thông tin) and "epidemic" (dịch bệnh) - và công bố nó như một trong những chướng ngại lớn nhất cần giải quyết trong việc chống dịch.
Hà Nội, ảnh chụp ngày 7/3 Bản quyền hình ảnh Getty Images

Trăm kiểu tin bịp

Nhìn tổng thể, dịch thông tin COVID-19 hội tụ ba loại tin giả. Loại thứ nhất là thông tin bịa đặt về nguồn gốc dịch, nhất là trong những ngày đầu. Corona là vũ khí sinh học thử nghiệm bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Corona đã được các công ty dược phẩm "to béo" lên kế hoạch trước để bán vắc xin kiếm chác. Corona là một nỗ lực của những kẻ giàu có và quyền lực nhất thế giới nhằm giảm dân số toàn cầu. Corona được Mỹ tung ra để làm yếu Trung Quốc.
Loại này thường ghép lắp các sự kiện rời rạc và/hoặc bịa thêm thông tin, được xâu chuỗi và thể hiện rất ly kỳ, hấp dẫn nhằm cho đánh lạc hướng lý trí, lừa cảm giác, khiến người đọc/xem/nghe nếu không tin thì cũng không biết đâu mà lần. Hoảng loạn đến một phẩn từ đó, nhất là trong bối cảnh tâm lý "ghét Tàu" ở VN và nhiều nơi trên thế giới.
Loại thứ hai là thông tin về tiến triển của dịch. Loại này có lẽ có sự tham gia tích cực từ đám đông hơn, vì nó là nỗi ám ảnh hằng ngày. Bạn còn nhớ video clip giả hình và lời một nhân viên y tế Vũ Hán, được dịch ra tiếng Việt và tiếng Anh, hôm tháng một, rằng rằng tình hình căng hơn nhiều, rằng hàng trăm ngàn chứ không phải vài ngàn người nhiễm bệnh như chính phủ TQ công bố?
Hay cái tin được dịch từ một nguồn tiếng Anh ất ơ, với hình ảnh mô tả khói mù mịt trên bầu trời Vũ Hán, với biểu đồ mô tả lượng khí SO2? Dù đây là khí thải công nghiệp từ sản xuất than đá và nhiệt điện, bản tin ước tính ượng khí đó ở Vũ Hán tương đương với chừng 14000 xác người bị đốt! Trong bối cảnh TQ bưng bít thông tin và không cho chuyên gia bên ngoài vào chống dịch, những tin tức nguỵ tạo đó như cá dữ gặp đúng nước, vẫy vùng trong sự kinh động của đồng loại chung quanh.
Kiểu nguỵ tạo chứng cứ để gieo rắc sợ hãi đó cũng đầy ở VN. Hồi đầu tháng hai, Facebook lan truyền tờ giấy chuyển viện một nam bệnh nhân bị nhiễm Corona từ 115 sang Chợ Rẫy do phó giám đốc Lê Điền Nhi ký. Mọi thứ thật đáng lo, trừ khi bạn biết rằng BS Nhi đã thôi chức và nghỉ hưu ở 115 từ hơn chục năm trước! Danh sách dày đặc bệnh nhân Corona được lưu truyền trên Facebook, Zalo.. là một ví dụ khác.
Bên cạnh thông tin nguỵ tạo như trên là vô số lời đồn thô, không cần bằng chứng, đại loại như vừa có ca Corona mới ở bệnh viện này, bệnh nhân corona ở bệnh viện kia đã chết, hay những suy đoán vô căn cứ về lộ trình cô ca 17 ở trên. Thậm chí một hai dòng trạng thái ỡm ờ "hỏi ngu một cái" - kiểu như VN sát bên TQ, nhận bao nhiêu chuyến bay từ TQ mà sao chỉ có 16 ca nhiễm - cũng mang ngụ ý, dễ gây ngộ nhận rằng đang có một chiến dịch che dấu sự thật.
Loại thứ ba là về phương thức phòng chống và chữa trị. Trong khi khoa học còn đang mò mẫm tìm hiểu vi rút Corona thì trên mạng đã đủ "lời khuyên sức khoẻ" để ngăn COVID-19. Rợn người nhất là lời kêu gọi uống nước tiểu, "thần dược" diệt mọi vi rút, hay uống nước tẩy trắng để ngăn chặn, thậm chí chữa trị, Corona.
Nhẹ hơn một tí là vô số kế sách ngừa vi rút - từ ăn tỏi, tiêu,gừng, kim chi và tía tô, đến phơi nắng, uống nước nóng, tránh ăn kem, mang khẩu trang tẩm muối, đến sử dụng máy sấy tóc. Lắm kẻ đục nước béo cò, xem đó là cơ hội làm ăn. Một trang tin có tiếng và một công thực phẩm lớn ở VN còn tổ chức một tuyến bài có tên là "Dinh dưỡng phòng chống Corona"! Nội dung thực ra nghiêm túc, dù có tính quảng cáo, nhưng tựa đề câu view như thế là một sự xuyên tạc sự thật.

Bộ lọc nào?

Lịch sử dịch bệnh cho thấy thông tin sai trái, đồn thổi, thuyết âm mưu có thể thắng thế tạm thời, nhưng cuối cùngphải trả lại chỗ cho sự thật. Có ai còn nhớ đã có thời, người ta sợ run bắn hay tìm cách bỏ đi khi biết ngồi người gần mình trong nhà hàng, quán cà phê là bệnh nhân nhiễm HIV? Tuy nhiên, trong trận đồ thông tin chưa có tiền lệ nhưMXH, sự thật chỉ được đảm bảo nếu con người chủ động xây dựng được những bộ lọc thông tin hữu hiệu ở mọi cấp độ.
Thứ nhất là một hệ thống truyền thông khoa học thật mạnhvà minh bạch, nhất là mảng báo chí y học và sức khoẻ, để có thể đương đầu với những thông tin sai trái. Rất tiếc đây là một lĩnh vực đang còn rất yếu ở VN. Trên thực tế, rất nhiều tin đồn thổi, bịa đặt về COVID-19 thời gian qua đã đi thẳng vào nhiều trang báo chính thống VN vì họ quá yếu kém hoặc cẩu thả trong việc xác tín.
Rất may, trong dòng xoáy thông tin hiện tại, vẫn có những cá nhân tự nguyện bỏ thì giờ làm công việc định hướng dư luận bằng những thông tin đã được xác tín hoặc có thẩm quyền chuyên môn (BS Khanh ở đầu bài, hay giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, BS Ngô Đức Hùng… là vài ví dụ). Một số diễn đàn hoặc hội nhóm cũng đã ra đời nhằm chống nhiễu loạn thông tin.
Các tổ chức chuyên môn, như Bộ Y tế VN, sau thời gian đầu hơi lúng túng, cũng đã tận dụng được tính năng tương tác của MXH để lan toả những nội dung phù hợp môi trường số (bài nhạc vận động đẩy lùi Corona lên sóng truyền hình Anh-Mỹ là một ví dụ). Nhưng chừng đó chỉ có thể dập bớt, chứ không kiểm soát hoàn toàn, cơn dịch thông tin. Về lâu dài phải có sự phối hợp bài bản, chiến lược hơn giữa các bên liên quan.
Thứ hai là bộ lọc công nghệ đi kèm với hệ thống thông tin trên. Những tuần qua, Facebook, Twitter, YouTube và các mạng XH khác đã làm việc cật lực để kiểm soát lưu lượng thông tin sai trái, như xoá bỏ tin bịa đặt, dán nhãn tin khả nghi, treo/ngưng các tài khoản chuyên tung tin thất thiệt, và dùng thuật toán để giúp người dùng tăng tiếp xúc với các nguồn tin đáng tin cậy.
Chẳng hạn, nếu bạn vào Google hay Facebook tìm kiếm thông tin cho từ khóa Corona, kết quả đầu tiên bạn nhận sẽ là một trang web có thẩm quyền chuyên môn như WHO, hay CDC ở Mỹ, NHS ở Anh, hay các website tin tức uy tín… YouTube thì xem coronavirus như một sự kiện thời sự, tức là sẽ cho ra kết quả tìm kiếm chủ yếu từ báo chí dòng chính, cũng như dùng thuật toán để dìm các thông tin chưa được xác/phủ nhận xuống dưới.
Bộ lọc cuối cùng và quan trọng nhất không ai khác hơn cá nhân từng người sử dụng MXH. Khi đối đầu với một nguy cơ như dịch bệnh, hãy bình tĩnh mở lòng và vận trí mình để tiếp nhận những thông tin và dữ kiện có thẩm quyền, ngay cả khi nó trái ý hay ngoài mong đợi.
Thông tin này từ đâu, đăng khi nào? Nếu có nguồn rõ ràng thì nguồn đó là gì, có độ tin cậy đến mức nào? Ai được trích dẫn trong mẩu tin và người đó có thẩm quyền hay tư cách để nói về vấn đề liên quan không? Có gì không hợp lý hay không nhất quán giữa các chi tiết không? Thậm chí, mình có nên thích thông tin kiểu này không?
Nếu không biết hoài nghi tích cực như thế, chúng ta trở thành nô lệ không chỉ cho những thành kiến, niềm tin không có cơ sở mà cả chính sự sợ hãi trong chính mình. Sợ hãi có thể làm con người cảnh giác hơn để hành động mạnh mẽ hơn khi cần. Nhưng nó cũng có thể quật ngã chúng ta xuống bờ vực u mê, trở về lối sống bầy đàn.
Ở một số nước, học sinh được dạy sàng lọc thông tin kiểu này - gọi là dân trí truyền thông (media literacy), gần đây là dân trí số (digital literacy) - cũng như phát huy những khía cạnh tích cực của truyền thông. Dân trí đó không giái quyết hết nạn tin giả, cũng không ngăn chặn hoàn toàn sự hoảng loạn (một số siêu thị Úc và Anh hiện đang cạn nhiều thực phẩm, xà phòng rửa tay và giấy toilet vì dân lo sợ và tích trữ). Nhưng cùng thời gian, nó giúp dân chúng sống bản lĩnh hơn, biết đương đầu dư luận hơn, góp phần giảm thiểu nhiều thiệt hại do thông tin sai trái gây nên.
Ở VN, mảng này gần như bỏ trống, trừ vài dự án nhỏ do nước ngoài tài trợ. VN cần được đầu tư vào đó hơn baogiờ hết, không chỉ để đối phó dịch bệnh mà cả tình trạng thông tin số hỗn độn và ngày càng phức tạp.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.