Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

CÁ ANH VŨ

Sunday, March 22, 2020 4:19:00 PM // ,


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mấy ngày hôm nay vừa phát đi thông điệp kêu gọi toàn dân "Ai có tiền góp tiền, ai có hiện vật góp hiện vật" trong việc chống lại đại dịch cúm Trung Quốc. Tôi nom lời kêu gọi này có hơi hướng không khác gì mấy so với "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của ông Hồ Chí Minh năm xưa. Nhưng thôi có lẽ lúc nguy cấp này không phải là lúc đi so đo câu chữ các bạn nhỉ. Vấn đề theo tôi nghiêm trọng ở chỗ là liệu lời kêu gọi của thủ tướng có hiệu quả hay không mới là chuyện đáng để bàn.
Vâng thưa thủ tướng. Chống dịch như chống giặc. Tôi hiểu được những nguy nan và áp lực mà chính phủ đang phải đối mặt trước đại dịch khủng khiếp này. Phải nói cho công bằng rằng, tôi đánh giá bản thân thủ tướng và bộ máy chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn để thúc đẩy toàn bộ hệ thống chính trị nhảy vào cuộc chiến chống chọi với thảm hoạ kinh hoàng này. Tôi cũng hiểu chính phủ đang thiếu thốn trăm bề, cần sự chung tay giúp sức của toàn dân. Nhưng thưa thủ tướng, bây giờ không phải là năm 1945, không dễ để kêu gọi người ta dốc cạn giúp chính phủ như ngày xưa đâu. Nếu thủ tướng không tin, cho phép tôi kể lại cho thủ tướng nghe một câu chuyện từng xảy ra trong gia đình tôi như thế này nhé.
Cách Hà Nội khoảng 50 km về phía Tây Bắc là một ngã ba sông, nơi con sông Lô đổ vào sông Hồng để chảy về biển. Từ những triều đại phong kiến trước đây, vùng này đã nổi tiếng khắp cả nước vì có một loài cá rất ngon, chuyên dùng để tiến vua. Đó là loài cá Anh Vũ, sống trong những hầm đá chìm dưới sông, rất hiếm và khó bắt. Ngay cả người dân địa phương ở đây cũng không mấy ai được nhìn thấy nó. Nhưng câu chuyện này không phải để nói về loài cá Anh Vũ quý giá đó, mà là để kể về một con người đã từng sinh ra ở nơi này. Đó là cụ Nguyễn Hữu Tiệp, cụ thân sinh của bà nội tôi (bà Nguyễn Lân).
Cụ Tiệp sinh năm 1879, là một chủ thầu khoán vô cùng giàu có. Từ những năm đầu thế kỷ, cụ đã bắt đầu đi làm cai thầu, xây dựng nhiều đường xá, quốc lộ, đồn bốt, cầu cống quan trọng ở khắp khu vực biên giới Tây Bắc. Tuy công việc gắn bó với chính quyền thực dân Pháp, nhưng cụ Tiệp lại là người có tinh thần dân tộc. Hưởng ứng lời kêu gọi của ông Hồ Chí Minh, năm 1945 cụ Tiệp đã hiến cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà 93 cân vàng cùng nhiều tài sản khác trong tuần lễ vàng.
 
Trong các ảnh tư liệu lịch sử để lại, vẫn còn vài bức ảnh cụ Tiệp đứng trên thềm Nhà Hát Lớn cùng với nhà tư sản Hoà Tường, ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ ông Trịnh Văn Bô), bà Phan Thị Ngọc (mẹ ông Trịnh Văn Bô) và thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đây chính là các nhà đại tư sản, đại điền chủ thuộc vào hạng hùng mạnh nhất Việt Nam thời bấy giờ. Họ đã đứng đó, trên bậc thềm Nhà Hát Lớn, không chỉ để góp sức mình vào công cuộc chung, mà còn dùng uy tín của mình để kêu gọi hàng chục ngàn nhà buôn lớn nhỏ khác trên cả nước tham gia ủng hộ cứu đói nhân dân, xây dựng nhà nước Việt Nam mới.

Thế nhưng rồi ước mơ xây dựng một nhà nước mới của cụ Tiệp và hàng vạn nhà tư sản, nhà buôn yêu nước khác sớm tắt lụi. Năm 1953, một người con của cụ là ông Nguyễn Hữu Ngọc, là đại biểu quốc hội khoá 2 bị giết trong cải cách ruộng đất ở Thanh Hoá, vì bị quy là thành phần địa chủ. Mặc dù cụ Tiệp sớm biết chuyện này và can thiệp mạnh, nhưng khi giấy của trung ương về đến nơi thì con cụ đã bị giết rồi. Tôi từng nghe mấy cụ cao niên trong họ tộc kể lại là hình như tờ giấy đó bị địa phương ỉm đi, vì người ta cần giết cho đủ chỉ tiêu trên giao. 
Năm 1954, cụ Tiệp buồn bã theo dòng người tản cư bỏ vào Nam, vứt hết mọi gia sản ở lại miền Bắc, và rồi mất ở đó. Cuộc đời cụ Tiệp những năm cuối cùng là sự buồn đau, mất mát và chia ly. Nhưng xem ra số mệnh của cụ còn đỡ thê thảm hơn so với những người như bà Cát Hanh Long (Nguyễn Thị Năm) nhiều lắm.
Mãi sau này, con cháu trong dòng họ quyết định mang nắm xương cốt cụ Tiệp từ miền Nam về lại quê hương. Dẫu gì ở đây xóm làng và người dân vẫn còn vô cùng nể trọng cụ. Đó là do từ ngày xa xưa, cụ Tiệp đã xây không biết bao nhiêu đường xá, trường học, và các công trình phúc lợi cho dân làng ở đây. Trường tiểu học Bạch Hạc hiện nay chính là ngôi trường Pháp văn Đông dương Bạch Hạc, hay còn gọi là "Ecole Cự Tiệp", do hai cụ Nguyễn Hữu Tiệp và Nguyễn Hữu Cự thành lập từ năm 1913. Bến đá lớn đi xuống nước ngay trước đền Tam Giang ở ngã ba sông Bạch Hạc bây giờ cũng là do cụ Tiệp bỏ tiền của ra xây cất từ năm 1935. 

Chính ở cái bến đá này, vào năm 1945 người dân làng Bạch Hạc được chứng kiến cảnh tượng cụ Tiệp cho người mở kho vàng, gánh kĩu kịt xuống thuyền nhiều bọc của cải và vàng bạc châu báu, để đưa về xuôi giúp chính phủ ông Hồ Chí Minh cứu đói nhân dân, kiến thiết chế độ mới. 
Cụ Tiệp giàu lắm, cứ nhìn bản chúc thư phân chia tài sản cho con cháu thì biết. Nhưng những cân vàng nén bạc gửi cho chính phủ ông Hồ Chí Minh là mồ hôi công sức, là kết tinh quá trình lao động của cụ Tiệp trong hàng chục năm bôn ba đi làm cai thầu ở những nơi rừng thiêng nước độc, giáp tới tận biên giới Việt Trung thời Pháp - Thanh. Vì thế những cân vàng hũ bạc ấy nó cũng quý giá chẳng khác gì con cá Anh Vũ dưới sông kia để tiến vua ngày trước đâu.
Và rồi còn bao nhiêu ơn nghĩa, ân tình khác lúc khó nguy, những người già cả ở Bạch Hạc này còn nhớ rõ. Từng ấy thứ mà cụ Tiệp vứt bỏ hết để vào Nam thì đủ hiểu câu chuyện hồi ấy cay đắng đến nhường nào.
Thưa thủ tướng, đấy chỉ là một câu chuyện nhỏ từng xảy ra trong gia tộc tôi hồi loạn ly đó. Còn bao nhiêu câu chuyện của các gia đình khác, bi thương và tủi cực suốt hàng chục năm trời, trải dài trên nhiều vùng miền khác nhau từ Bắc chí Nam... thủ tướng có biết hay không? Những sự kiện lịch sử như Tuần lễ vàng, Cải cách ruộng đất, Đánh tư sản mại bản, Cải tạo công thương nghiệp, Đổi tiền 1985... chứa đựng quá nhiều câu chuyện đau thương, dân không sao quên được đâu.
Tôi nói câu chuyện xưa cũ này không phải là để kể lể, để đòi hỏi lấy lại điều gì. Nhưng tôi muốn nói để thủ tướng biết một thực tế đau lòng rằng, chế độ này đã đánh mất điều quý giá nhất mà nó từng có được. Đó là lòng tin của nhân dân. 
Ngày xưa, không chỉ các nhà tư sản giàu có mới ủng hộ chính phủ, nhân dân người ta còn dám dỡ cả từ đường, cả ban thờ gia tiên, cả sập gụ tủ chè quý giá... mang ra đường để làm chiến luỹ, để bảo vệ cái chế độ này. Ấy là vì ai ai người ta cũng tin tưởng rằng chế độ mới sẽ đem lại cho con cháu họ một đất nước mới, có độc lập, tự do, hạnh phúc.
Ngày nay, riêng chuyện cứ nhìn vào số lượng dân oan đi khiếu kiện khắp nơi vì bị cướp đất, thủ tướng thử nhẩm tính xem còn bao nhiêu dân mình thực sự trông mong vào chính phủ đây?
Tôi như con tằm, rút ruột ra thưa với thủ tướng những lời này, không để trông đợi gì lợi ích cho riêng mình. Tôi biết nếu những lời trên có làm phật ý thủ tướng thì với quyền lực của ông, một cái phẩy tay thôi là tôi có thể biến mất luôn không dấu tích gì trên cõi đời này. Nhưng tôi vẫn phải nói, vì phận người thì mỏng mà cơ đồ đất nước thì dày, muốn thay đổi gì thì phải mất cả trăm năm mới gặp vận hội. Đây là lúc thiên thời địa lợi nhân hoà để ai đó có quyền lực như thủ tướng có thể xoay vần cái thế đất nước này.
Hãy tuyên bố dân chủ hoá đất nước
Hãy trả tự do cho các tù nhân lương tâm
Hãy từ bỏ phận chư hầu với kẻ ác ở phương bắc
Ai làm được những điều đó thì muốn kêu gọi gì dân cũng theo. Chết bỏ cũng theo. Còn tôi thì nguyện sẽ nhảy xuống sông sâu kia, để bắt cho được con cá Anh Vũ dâng mừng người anh hùng đó.
Mong lắm thay!
Yêu thương tất cả!


0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.