Bí ẩn tại sao Đức lại có tỷ lệ tử vong rất thấp trong đại dịch Covid-19
Sunday, March 29, 2020
5:34:00 PM
//
- Slider
,
Tin Âu Châu
Đức có một mô hình dân số già tương tự với Ý, nhưng tình hình dịch ở hai quốc gia này lại có phần đối ngược nhau.
Châu Âu hiện đang nổi lên như một ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới, với số ca nhiễm và tử vong cao khủng khiếp ở Ý và Tây Ban Nha. Thế nhưng, cảm giác đó dường như không đúng lắm đối với Đức. Quốc gia này mặc dù có số ca nhiễm SARS-CoV-2 đứng thứ 5 trên thế giới, nhưng tỷ lệ tử vong của họ lại rất thấp.
Trong số 50.871 ca nhiễm Covid-19 tại Đức, chỉ có 351 bệnh nhân đã tử vong. Lý do giải thích con số 0,7% này vẫn còn là một bí ẩn. "Chúng tôi không biết lý do gì đã khiến tỷ lệ tử vong ở Đức thấp hơn các nước khác", Marieke Degen, phát ngôn viên của Viện Robert Koch (RKI) nói.
Viện Robert Koch trực thuộc Bộ Y tế Liên bang Đức là cơ quan đang lãnh đạo các hoạt động đối phó với dịch Covid-19 ở quốc gia này.
Để so sánh với Đức, chúng ta phải đảo qua một lượt các con số tương tự ở Ý, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Theo Worldometers, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Ý hiện là 10,6% với 9.134 người chết trong số 86.498 người nhiễm bệnh.
Con số tại Tây Ban Nha là 7,8% với 5.138 ca tử vong trong số 65.719 người nhiễm bệnh. Tại Hoa Kỳ, quốc gia đang có nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất thế giới, 1.704 người đã chết trong số 104.256 ca nhiễm đẩy tỷ lệ tử vong xuống mức 1,6%.
Trong khi tỷ lệ tử vong cao kỷ lục ở Ý có thể được giải thích bằng mô hình dân số già ở quốc gia này. Cục Tham chiếu Dân số có trụ sở tại Washington, DC cho thấy Đức thực ra cũng có quy mô dân số già tương tự.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định những người trên 60 tuổi và những người mắc sẵn các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, tim mạch có nguy cơ cao gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn từ Covid-19.
"Chúng ta cần đoàn kết để bảo vệ người già khỏi virus", Tổng Giám đốc WHO Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết. "Người già là những người mang trí tuệ tập thể của xã hội chúng ta".
"Chúng tôi không có gì đặc biệt hơn so với các nước khác"
Giống như các quốc gia khác trên thế giới, để đối phó với đại dịch Covid-19, chính phủ Đức đã sớm ban hành lệnh hạn chế đi lại bao gồm cấm tụ họp nơi công cộng, đóng cửa nhà hàng, quán bar và các dịch vụ không thiết yếu.
Trong một động thái hiếm hoi, Thủ tướng Angela Merkel đã lên sóng truyền hình quốc gia kêu gọi người dân Đức tuân thủ lệnh hạn chế đi lại của chính phủ. Điều này được hi vọng sẽ giúp giảm sự lây lan của dịch bệnh.
"Đây là một vấn đề nghiêm trọng", bà Merkel nói. "Kể từ khi thống nhất nước Đức - không, kể từ Thế chiến thứ hai tới giờ - đất nước chúng ta chưa gặp phải một thách thức nào đòi hỏi mức độ hành động đoàn kết và thống nhất như bây giờ".
Đó là một thông điệp rõ ràng với nước Đức. Ngoại trừ các bài phát biểu chúc mừng năm mới, kể từ khi trở thành thủ tướng năm 2005, bà Markel chưa có lần nào phải đưa ra một bài phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia.
Mặc dù vậy, ngoài bài phát biểu mạnh mẽ của thủ tướng thì chiến lược đối phó với Covid-19 của Đức có vẻ cũng giống với các quốc gia Châu Âu khác. "Chúng tôi không có gì đặc biệt hơn so với các nước khác", Martin Stürmer nói.
"Nhìn chung, chúng tôi có một hệ thống chăm sóc y tế khá tốt ở Đức. Chúng tôi có các bác sĩ và các cơ sở chuyên môn cao, và có lẽ đó là một phần lý do tại sao các bệnh nhân [nhiễm Covid-19] nặng của chúng tôi vẫn sống sót, so với những ca tử vong ở các nước khác".
Bản thân ông Stürmer hiện cũng đang phải cách ly tại nhà, sau khi một thành viên trong gia đình ông có kết quả dương tính với Covid-19.
Stürmer tin rằng phương pháp xét nghiệm nhanh của Đức cũng đã góp phần vào tỷ lệ tử vong thấp hơn.
Trước đó, Viện Robert Koch đã tư vấn cho chính phủ Đức triển khai hoạt động xét nghiệm sớm Covid-19. Càng xét nghiệm sớm bao nhiêu thì họ càng có thể làm chậm sự bùng phát của dịch bệnh bấy nhiêu.
"Đây có lẽ là lý do tại sao chúng tôi phát hiện được các trường hợp nhiễm bệnh từ rất sớm. Và đó cũng là những trường hợp mắc bệnh nhẹ mà một số quốc gia khác có thể đã bỏ lỡ", Degen, phát ngôn viên của RKI nói.
"Nếu bạn bắt đầu thấy những ca tử vong, điều đó cho thấy rằng virus đã lây nhiễm trong cộng đồng được một thời gian. Mô hình của bệnh cúm cũng giống như vậy".
Dữ liệu từ RKI cũng cho thấy phần lớn các trường hợp mắc Covid-19 ở Đức được phát hiện trong độ tuổi từ 35 đến 59. Hầu hết các ca nhiễm này xảy ra trong nhóm dân số dưới mức nguy cơ cao. Và nó cũng đóng góp vào tỷ lệ tử vong thấp hơn ở Đức so với Ý, mặc dù cả hai quốc gia đều có mô hình dân số già.
"Thường thì tỷ lệ tử vong có thể bị ảnh hưởng bởi độ tuổi của các ca nhiễm. Cái chết thường xảy ra ở người cao tuổi", Stephanie Brickman, cố vấn truyền thông cao cấp tại văn phòng khu vực của WHO ở Châu Âu, cho biết.
"Ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, có thể có nhiều ca nhiễm xảy ra ở người trưởng thành trong độ tuổi lao động, trước khi nó lan sang nhóm dân số lớn tuổi có tỷ lệ tử vong cao hơn".
Chính vì vậy, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 đang tăng nhanh ở Đức, người phát ngôn Bộ Y tế nước này đang tiếp tục phải kêu gọi người dân cảnh giác: "Vẫn còn quá sớm để thấy khi nào nó kết thúc".
"Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn đầu của dịch bệnh"
Theo văn phòng WHO tại Châu Âu, những người đã chết vì Covid-19 trên toàn thế giới có khoảng thời gian nhiễm bệnh trung bình từ hai đến ba tuần. Điều đó có nghĩa là vẫn tồn tại một khả năng: Đức và một số quốc gia khác chưa nhìn thấy tỷ lệ tử vong tăng cao, chỉ vì họ đang trong giai đoạn sớm của dịch.
"Dịch bệnh đã bùng phát Ý lâu hơn các quốc gia khác ở châu Âu, và do đó, nhiều bệnh nhân sẽ đi tới kết quả cuối cùng của họ, hoặc đã được xuất viện hoặc buồn bã qua đời", ông Brickman nói.
Nhưng nhà virus học Stürmer tin rằng nhiều khả năng tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu sẽ thấp hơn. "Tôi nghĩ rằng trên toàn thế giới, tỷ lệ tử vong sẽ giảm xuống, bởi vì chúng ta có rất nhiều người có các triệu chứng nhẹ, không được xét nghiệm và do đó họ không được phản ánh trong dữ liệu", ông nói.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Đức có thể tiếp tục giữ tỷ lệ tử vong của Covid-19 thấp hơn các quốc gia khác được hay không. Nhưng các quan chức y tế nước này nhận thức được rằng mọi thứ có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
"Tại Đức, chúng tôi đang ở giai đoạn đầu của đại dịch. Chúng tôi thấy ngày càng nhiều cái chết và chúng tôi không biết mọi thứ sẽ tiến triển đến thế nào nữa. Và tất nhiên, mọi giải pháp đang được thực hiện để tiếp tục làm chậm sự lây lan vào lúc này, mục tiêu là đảm bảo năng lực của hệ thống y tế không bị quá tải", Degen nói.
Tham khảo Vox
0 comments