Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 16/02/2020

Sunday, February 16, 2020 6:12:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 16/02/2020

Bệnh viện lớn tại Sài Gòn

thiếu khẩu trang y tế trầm trọng

Tin Saigon.- Hành động gom gần hết khẩu trang y tế trong nước để vừa “cống nạp”, vừa bán cho Trung Cộng của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã dẫn đến hậu quả là không chỉ người dân không có sử dụng, mà ngay đến cả các y, bác sĩ ở bệnh viện cũng không có để dùng trong lúc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.
Thông tin trên báo Phụ nữ ngày 14 tháng 2 năm 2020 cho biết, hiện bệnh viện Chợ Rẫy tại Sài Gòn đang phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” khi cấp khẩu trang y tế cho các nhóm y tá, bác sĩ của bệnh viện. Theo dự trù, thì chỉ sang tuần sau là bệnh viện sẽ không còn khẩu trang y tế để cho y, bác sĩ dùng.
Trước tình trạng này, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện đề nghị khoa Dược cung cấp khẩu trang bằng tải tái sử dụng cho các đơn vị khác của bệnh viện. Khẩu trang vải sau khi sử dụng thì được giặt xà phong, phơi khô để ngày hôm sau dùng lại.
Được biết, không chỉ bệnh viện Chợ Rẫy mà các y tá, bác sĩ bệnh Viện Từ Dũ cũng đã phải sử dụng khẩu trang vải vì khẩu trang y tế “khan hiếm”.
Ngoài “cống nạp” cho Trung Cộng lượng hàng khẩu trang, thiết bị y tế trị giá 600,000 Mỹ kim, thì trong tháng 1 nhà cầm quyền đã xuất cảng gần 4 triệu chiếc khẩu trang cho Trung Cộng. Và chỉ trong 6 ngày cuối tháng 1, đầu tháng 2 nhà cầm quyền xuất sang Trung Cộng 36 tấn khẩu trang, đó là chưa nói đến việc tặng hàng trăm ngàn chiếc của 7 tỉnh phía Bắc.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/benh-vien-lon-tai-sai-gon-thieu-khau-trang-y-te-tram-trong/

Một công ty ở Việt Nam

sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh

Khi nhu cầu khẩu trang tăng cao giữa đợt bùng phát coronavirus mới, các viên chức tại Hà Nội, Việt Nam phát hiện ra một công ty sản xuất khẩu trang một phần bằng giấy vệ sinh. Vào hôm thứ Tư (12/2), các viên chức phát hiện rằng Công ty TNHH Viet Han đang sử dụng các cuộn giấy vệ sinh lớn tại nhà máy của họ trong thành phố.
Ông Hoàng Đại Nghĩa, trưởng nhóm 1 tại Cơ quan giám sát thị trường Hà Nội, cho biết vật liệu này được sử dụng để thay thế một lớp kháng khuẩn thường thấy trong khẩu trang. Ông Hoàng thông báo với Vietnam Express rằng Công ty Viet Han tìm cách thu lợi từ đại dịch COVID-19, lây nhiễm hơn 63,000 người ở Trung Cộng và giết chết ít nhất 1,380 người. Mười sáu trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận tại Việt Nam. Viet Han là một công ty in ấn và sản xuất khăn ăn. Trước phát hiện này, các nhà chức trách tịch thu khoảng 140,000 khẩu trang, phần lớn trong số đó sử dụng giấy vệ sinh, và đang tìm kiếm các nhà sản xuất. Saigon Times đưa tin rằng các chà chức trách khuyến cáo rằng các nhà sản xuất các sản phẩm nhái và kém chất lượng sẽ phải đối mặt với án phạt nặng.
Kể từ đầu tháng 2, các viên chức tìm thấy hơn 4,200 trường hợp vi phạm liên quan đến việc sản xuất khẩu trang. Thực chất, khẩu trang hữu ích nhất đối với những người đã bị bệnh. Theo các nhà nghiên cứu, khẩu trang ngăn chặn người bệnh lây nhiễm bệnh sang người khác, nhưng không hẳn là bảo vệ người khỏe mạnh.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/mot-cong-ty-o-viet-nam-san-xuat-khau-trang-bang-giay-ve-sinh/

Dịch Covid-19: Việt Nam đưa 3 máy bay

chở 400 công dân Trung Quốc về nước

Hôm 15-2-2020, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bất ngờ mở 3 chuyến bay chở 400 công dân Trung Quốc bị mắc kẹt tại Việt Nam do dịch Covid-19 trở về nước, khi quay về thì bay không tải.
Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, một chuyến bay xuất phát từ Nha Trang đi Thành Đô, một chuyến bay từ TPHCM đi Quảng Châu và chuyến bay còn lại bay từ Hà Nội đến Quảng Châu.
Các chuyến bay trên được thực hiện dưới sự phối hợp chặt chẽ giữa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và cơ quan hàng không của Việt Nam.
Hiện nay ở thành phố Quảng Châu của Trung Quốc có 1316 ca dương tính với Covid-19 trong đó có 2 người chết và 438 người đã hồi phục, trong khi đó ở Thành Đô con số người nhiễm là 481 trong đó có 3 người chết và 130 ca hồi phục, xuất viện.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đăng tải hình ảnh người dân nước này làm thủ tục về nước ở quầy của Vietnam Airlines ở 3 thành phố của Việt Nam, đồng thời bày tỏ cảm ơn sự nỗ lực của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam và mong muốn hai nước sớm khôi phục đi lại bình thường.
Vietnam Airlines được cho là đã khắc phục những khó khăn như thời gian gấp và điều phối đồng bộ tại mấy địa điểm… kịp thời hoàn thành các công việc chuẩn bị trước khi bay, đồng thời cũng thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo hộ, kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn, an ninh, vệ sinh dịch tễ và sức khỏe của hành khách cũng như phi hành đoàn.
Báo chí nhà nước Việt Nam đến nay chưa đưa thông tin gì về các chuyến bay, chỉ duy nhất một bản tin trên báo Dân Sinh cho biết “Nếu được Cục Hàng không VN cấp phép, ngày 15/2 Vietnam Airlines sẽ đưa gần 500 khách du lịch Trung Quốc từ Việt Nam về nước theo nguyện vọng.”
Trước đó, hôm 1/2, Cục Hàng không VN tạm ngưng tất cả các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc để phòng, chống dịch virus corona chủng mới (Covid-19).
UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị xem xét, chỉ đạo các bộ ngành liên quan có phương án để đưa 5.000 du khách và người lao động Trung Quốc kẹt lại có nhu cầu về nước.
Hồi 10-2, Việt Nam cũng cho 1 máy bay chở hàng viện trợ y tế trị giá nửa triệu đô la cho thành phố Vũ Hán và sau đó đón 30 công dân trở về sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Chuyến bay được báo chí và các trang mạng thân chính phủ ca ngợi là “đặc biệt, anh hùng, ngạo nghễ…”
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/covid19-vietnam-3-airplanes-carrying-400-chinese-home-02162020093659.html

Hơn 60 tỉnh thành Việt Nam

tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2

Đã có 62 tỉnh thành của Việt Nam quyết định kéo dài thời gian nghỉ học cho học sinh đến cuối tháng 2 để phòng dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Covid 19 gây ra lây lan.
Truyền thông trong nước hôm 15/2 cho biết, tiếp theo công văn hoả tốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào đêm ngày 14/2 đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố xem xét kéo dài thời gian nghỉ học cho học sinh đến hết tháng 2, một loạt UBND các địa phương đã ra công văn hoả tốc về quyết định mới.
Dịch viêm phổi cấp xuất phát từ Trung Quốc hiện đã lây lan ra hàng chục nước trên thế giới với số người bị nhiễm bệnh tính đến ngày 15/2 là hơn 67.000 người và hơn 1.500 người chết. Việt Nam đã xác định 16 ca dương tính với virus Covid 19. Một xã ở tỉnh Vĩnh Phúc bị phong toả vì có nhiều người bị xác định dương tính với virus.
Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, giới chức các địa phương ở Việt Nam đã quyết định kéo dài thời gian nghỉ tết cho học sinh đến sau ngày 3/2. Vào hôm 14/2, nhiều tỉnh thành đã quyết định cho học sinh đi học lại vào tuần tới sau khi tiến hành khử trùng trường lớp. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản đối của người dân vì lo ngại dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan mà chưa được kiểm soát.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết do việc học sinh phải nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh, niên học 2019 – 2020 sẽ phải kéo dài hơn từ 2 đến 3 tuần so với các niên học khác.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-than-60-provinces-extend-school-shutdown-to-the-end-of-feb-02152020083615.html

Các tổ chức thúc giục Chính phủ Việt Nam

 đóng cửa các địa điểm buôn bán động vật hoang dã

Hôm 16/2, 10 tổ chức phi lợi nhuận chuyên về bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã đã gửi một bức thư ngỏ tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thúc giục Chính phủ Việt Nam đóng cửa các chợ và địa điểm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh viêm phổi cấp COVID 19 bùng phát mạnh hơn.
Các tổ chức trong và ngoài nước trong thư này xác định việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã sẽ góp phần làm lây truyền không chỉ COVID 19 mà còn nhiều chủng virus mới từ động vật hoang dã sang người.
“Bài học từ dịch SARS và nay là COVID 19 rất rõ ràng: Các chủng virus mới sẽ tiếp tục lây truyền từ động vật hoang dã sang người trong quá trình buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam và một số nước khác đã chứng minh virus corona tồn tại trong quần thể động vật hoang dã và buôn bán động vật hoang dã tạo cơ hội cho những virus này lây từ động vật hoang dã sang người”, bức thư có đoạn viết.
Bức thư nhắc lại dịch bệnh SARS hồi cuối năm 2002 đầu 2003 khiến 8.000 người ở 37 quốc gia nhiễm bệnh và khiến 774 người tử vong. Dịch bệnh phát xuất từ một loại virus có nguồn gốc từ dơi.
Chủng virus corona mới đang gây dịch viêm phổi cấp toàn cầu cũng phát sinh từ động vật hoang dã từ một chợ hải sản tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi diễn ra tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Các tổ chức đưa ra bảy đề xuất với Chính phủ Việt Nam bao gồm:
Xác định và đóng cửa các địa điểm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Cấm các nhà hàng bán trái phép sản phẩm thịt hoang dã
Ban hành các quy định bắt buộc báo chí, mạng xã hội theo dõi, loại bỏ mọi giao dịch, quảng cáo sản phẩm từ động vật hoang dã
Xây dựng quy định, quy trình nghiêm ngặt để quản lý hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại
Cải cách thủ tục tư pháp đối với việc răn đe, phòng ngừa trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã.
Nâng cao nhận thức của người dân về rủi ro khi tiêu thụ động vật hoang dã
Đảm bảo hợp tác liên bộ ngành khi thực hiện các điểm trên
Hiện Việt Nam đã xác định 16 ca dương tính với virus COVID 19. Theo đánh đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ thấp hơn 0,53% dự kiến nếu dịch bệnh không được kiểm soát trong quý I năm nay.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ngo-on-wildlife-urge-vn-government-to-close-wilflife-markets-02162020085627.html

Hơn 5.000 lao động Trung Quốc trở lại Việt Nam

được cách ly, theo dõi

Báo cáo nhanh của 41 địa phương cho biết, hiện có 5.112 lao động Trung Quốc trở lại Việt Nam làm việc đang được cách ly, theo dõi.
Chiều 13/2, Bộ LĐ-TB&XH đã có báo cáo nhanh về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Bộ này cho hay theo báo cáo của 63 tỉnh, thành, có 33.775 lao động Trung Quốc làm việc tại các địa phương đã được cấp phép lao động, trong đó có 26.388 lao động Trung Quốc đã về nước ăn tết.
Theo cập nhật của các địa phương, đến thời điểm này, có 15.018 lao động Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, trong đó có hơn 7.300 lao động ở lại Việt Nam dịp tết và hơn 7.600 lao động Trung Quốc quay trở lại sau dịp tết Nguyên đán (chiếm 22,59% lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam).
Báo cáo nhanh của 41 địa phương cho biết, hiện có 5.112 lao động Trung Quốc đang được cách ly, theo dõi. Trong đó, có 248 trường hợp đã vào Việt Nam 14 ngày; 1.085 trường hợp vào Việt Nam trong khoảng thời gian từ 10 – 14 ngày và 3.779 trường hợp vào Việt Nam dưới 10 ngày.
Dịch Covid-2019: Giáo viên, học sinh không cần đeo khẩu trang ở trường
Các lao động người Trung Quốc cách ly chủ yếu tại khu ký túc xá doanh nghiệp, khách sạn, có một số trường hợp nghi nhiễm được địa phương theo dõi, cách ly tại các cơ sở y tế.
Theo Bộ Lao động, đến nay lao động Trung Quốc đa phần chưa quay lại sau Tết Nguyên đán do dịch bệnh Covid-19.
Việc quản lý và điều hành doanh nghiệp của lao động Trung Quốc chủ yếu thực hiện qua điện thoại và mạng internet nên các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc quản lý và điều hành doanh nghiệp.
Hiện các nước chỉ công bố số liệu về công dân nhiễm virus Covid-19 chứ không công bố vùng có dịch nên các địa phương đang gặp khó khăn trong việc xác định người lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch để không cấp giấy phép lao động mới cho lao động trong thời gian này.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/32982-hon-5000-lao-dong-trung-quoc-tro-lai-viet-nam-duoc-cach-ly-theo-doi.html

Việt Nam yêu cầu ‘rút kinh nghiệm’

 vụ từ chối du thuyền vì lo ngại Corona

Việt Nam hôm 16/2 yêu cầu tỉnh Quảng Ninh “chấn chỉnh, rút kinh nghiệm”, ba ngày sau khi du thuyền Aida Vita của Italy bị từ chối cập cảng ở thành phố Hà Long giữa lo ngại về dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra.
Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lại VietNamNet cho biết, du thuyền, với hơn 1 nghìn hành khách, mà báo điện tử này nói là gồm 95% người quốc tịch Đức và “không có châu Á”, xuất phát từ Bali, Indonesia, qua 9 cảng và không cập bến ở Trung Quốc hay Hong Kong.
Tin cho hay, sau quyết định trên của tỉnh Quảng Ninh, du thuyền đã hủy toàn bộ hành trình tới ba điểm đến còn lại là Đà Nẵng, Nha Trang và TP HCM.
XEM THÊM:
Hàn Quốc khuyên công dân không tới Việt Nam vì virus Corona
VGP News dẫn lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương “bảo đảm thực hiện chặt chẽ công tác quản lý nhập cảnh đối với khách du lịch nước ngoài và phương tiện vận chuyển đến từ/đi qua vùng dịch, thực hiện cách ly y tế theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm kiểm soát tốt sự lây nhiễm của dịch bệnh COVID-19” nhưng “tránh để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu hút du lịch”.
Chính quyền của tỉnh Quảng Ninh có động thái trên sau khi hàng trăm người nhiễm COVID-19 trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly suốt nhiều ngày qua ở ngoài khơi Nhật Bản.
Đây là con số nhiễm virus gây chết người nhiều nhất ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Trong khi đó, một nữ hành khách người Mỹ trên du thuyền MS Westerdam, được Campuchia cho phép cập bến sau khi bị nhiều nước từ chối, vẫn dương tính với chủng virus Corona mới (COVID-19) trong lần xét nghiệm thứ hai tại Kuala Lumpur, Malaysia thông báo hôm 16/2, theo Reuters.
https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-r%C3%BAt-kinh-nghi%E1%BB%87m-v%E1%BB%A5-t%E1%BB%AB-ch%E1%BB%91i-du-thuy%E1%BB%81n-v%C3%AC-lo-ng%E1%BA%A1i-corona/5290445.html

Các công ty Hoa Kỳ tại Việt Nam đang bị ảnh hưởng

bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng do coronavirus

Tin từ HÀ NỘI, Việt Nam – Vào hôm thứ Sáu (14/2), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam cho biết, theo một cuộc khảo sát từ các thành viên của họ, các công ty sản xuất của Hoa Kỳ hoạt động tại Việt Nam đang phải chịu các vấn đề về chuỗi cung ứng do dịch coronavirus gây ra.
Theo một tuyên bố bằng email của họ, hơn một phần ba thành viên cho biết sự gián đoạn chuỗi cung ứng hiện tại ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động toàn cầu của công ty họ, và những thách thức lớn nhất là bảo đảm nguyên liệu và hàng hóa thay thế, cùng việc cai quản hàng tồn kho. Theo cuộc thăm dò của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải cho thấy phần lớn các công ty Hoa Kỳ có hoạt động tại Trung Cộng dự đoán rằng đợt bùng phát virus sẽ cắt giảm doanh thu trong năm nay, và một số công ty đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi nước này.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cac-cong-ty-hoa-ky-tai-viet-nam-dang-bi-anh-huong-boi-cac-van-de-ve-chuoi-cung-ung-do-coronavirus/

Thời khắc thay đổi triều đại có khi đến từ những trận dịch

Đông PhongGửi tới Diễn đàn BBC từ Sài Gòn
“… Từ quan to đến quan nhỏ, nhà cửa chạm trổ, tường xây bằng gạch đá, trướng vóc màn the, đồ dùng toàn bằng đồng, bằng sứ, bàn ghế bằng gỗ đàn, gỗ trắc, ấm chén bằng sứ, yên ngựa – dây cương đều nạm vàng, nạm bạc, quần áo là lượt, nệm hoa, chiếu mây, lấy phú quý phong lưu để khoe khoang lẫn nhau…”.
Đó là nhận định về triều đình thời hậu Lê của nhà bác học Lê Quý Đôn trước khi nó sụp đổ hoàn toàn.
Nguyễn Trãi cũng từng viết trong bài thơ Quan Hải:
“Họa phúc hữu môi phi nhất nhật”
Họa hay phúc đến không phải từ một ngày, mà có căn nguyên từ sâu xa.
Theo tôi những triều đại khi đã mục ruỗng, thối nát từ trong lòng của nó hệt như một căn bệnh nan y mà không thuốc thang nào có thể chữa chạy được.
Thời khắc thay đổi đôi khi có thể đến từ những sự việc tưởng chừng như rất bình thường, đơn giản nhưng lại là mồi lửa.
Vụ 39 tử thi: Con đường buôn lậu chết người qua Pháp
An ninh công an VN: “Thanh bảo kiếm liệu có bị mẻ cùn”?
Vợ cụ Lê Đình Kình kể chuyện công an đến nhà đòi lấy đi các cánh cửa
Vì sao Đồng Tâm đã, đang và sẽ còn nóng?
Những cuộc cách mạng trên thế giới những năm gần đây đều như vậy.
Sự kiện làm nổ ra cuộc cách mạng Hoa Lài tại Tunisia vào tháng 12 năm 2010, là khi cậu sinh viên Mohamed Bouazizi bị cảnh sát tịch thu hàng hóa của mình, trong nỗi đau bần cùng, trước thì thất nghiệp giờ lại bị cướp trắng trợn trên phố nên đã tự thiêu.
Dưới sự thống trị toàn diện của Đảng Cộng sản, Việt Nam giờ đây đã trở thành một xã hội mà rất đông người chỉ biết chạy theo lợi ích vật chất, sẵn sàng giẫm đạp lên nhau và bất chấp nhân cách
Thảm kịch ấy xảy ra bởi Tunisia sau nhiều năm dài chịu sự cai trị độc tài của tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali đã làm cho xã hội có quá nhiều vấn đề bất cập: thất nghiệp, giá cả thực phẩm leo thang, tham nhũng và tự do ngôn luận bị kìm kẹp.
Sau “mồi lửa” ấy là cuộc xuống đường ôn hòa trên khắp cả nước, đủ để khiến ông Ben Ali phải bỏ chạy sau 23 năm cầm quyền và đem lại tổng tuyển cử tự do.
Cuộc cách mạng tại Tunisia lại trở thành một “mồi lửa” tạo nên làn sóng dân chủ làm sụp đổ hàng loạt các chế độ độc tài khác như tại: Ai Cập, Libya, Yemen… từ đó đã tạo nên một Mùa Xuân Ả Rập.
Năm 2014, tại Ukraine cuộc cách mạng dân chủ Euromaidan nổ ra và đã lật đổ chế độ của ông Victor Yanukovych từ “mồi lửa” là sự kiện tổng thống nước này từ chối tiến trình hội nhập với EU để tham gia Liên minh Á-Âu do Nga đứng đầu.
Nhưng căn nguyên trước đó là tổng thống Yanukovych giữ tư tưởng thân Nga và lệ thuộc quá nhiều vào nước Nga, và có những chính sách đi ngược với lòng dân.
Cùng lúc, Ukraine có tệ nạn tham nhũng tràn lan, làm cho những căng thẳng, bất mãn trong lòng xã hội trở nên gay gắt.
Sau cuộc cách mạng ấy là một loạt các thay đổi trong hệ thống chính quyền Ukraine, cùng với việc khôi phục lại bản hiến pháp dân chủ trước đây và một cuộc bầu cử tự do.
Những dự báo trong lòng xã hội Việt Nam
Tôi cho rằng, dưới sự thống trị toàn diện của Đảng Cộng sản, Việt Nam giờ đây đã trở thành một xã hội mà rất đông người chỉ biết chạy theo lợi ích vật chất, sẵn sàng giẫm đạp lên nhau và bất chấp nhân cách.
Bất công xã hội trở nên gay gắt, tham nhũng, lợi ích nhóm tràn lan từ trung ương cho đến địa phương như một quốc nạn mà không thể nào ngăn chặn được.
Trước viễn cảnh ấy, con số người di cư tìm môi trường sống tốt hơn cứ tăng lên.
Để giữ quyền lực, nhà cầm quyền thực hiện chế độ “công an trị” nhằm bóp nghẹt tự do ngôn luận, bỏ tù những người bất đồng chính kiến
Theo thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) thì mỗi năm Việt Nam có khoảng 100.000 người di cư ra nước ngoài, chưa kể đến số lượng những người di cư bất hợp pháp.
Năm 2019 vừa qua đã từng xảy ra một thảm kịch dẫn đến 39 người Việt chết ngạt trong xe container khi đang tìm đường nhập cư lậu vào nước Anh.
Không ít quan chức cũng đã âm thầm chuyển tiền bạc, tài sản và đưa gia đình ra nước ngoài định cư, bởi bản thân họ cũng không còn tin rằng quyền lực của đảng sẽ chống đỡ được lâu dài, và kiểu cai trị ấy không thể mãi duy trì bằng tuyên truyền và súng.
Để giữ quyền lực, nhà cầm quyền thực hiện chế độ “công an trị” nhằm bóp nghẹt tự do ngôn luận, bỏ tù những người bất đồng chính kiến.
Sự kiện 3000 cảnh sát cơ động nửa đêm xông vào thôn Hoành để giết cụ già Lê Đình Kình một cách trái luật, hòng dập tắt phản kháng của người dân trong vấn đề thu hồi đất đai là một minh chứng, làm nhiều người rất phẫn nộ.
Thêm nhiều thách thức hiện tại
Lịch sử thế giới hàng nghìn năm từng xuất hiện nhiều trận đại dịch vô cùng đáng sợ, nó như khúc nhạc dạo đầu báo trước sự thay triều đổi đại hoặc cảnh báo sự bại hoại về đạo đức trong xã hội đương thời.
Dịch bệnh do virus Covid-19 vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp ở Trung Quốc và Việt Nam mà chưa có một chuyên gia nào có thể đánh giá được hết những hậu quả về con người và kinh tế nó sẽ để lại.
Bỏ mặc những cảnh báo ngay từ khi xảy ra dịch bệnh, nhà nước này vẫn mở cửa biên giới để những người từ tâm dịch Vũ Hán nhập cảnh ồ ạt vào Việt Nam. Đó là một sự tắc trách lớn.
Thiết nghĩ, nếu Việt Nam trở thành ổ dịch thứ hai sau Trung Quốc, thì khi đó nhà cầm quyền không những phải đối mặt với những sức ép và chỉ trích mạnh mẽ từ phía người dân, mà còn là một thách thức lớn lên cả hệ thống chính trị.
Cũng qua cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ta thấy Việt Nam với vai trò là nước có nền kinh tế lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc thì khả năng khó tránh khỏi liên lụy nếu nền kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái.
thật khó có thể giả định trước được sự kiện nào hay thời khắc nào là “mồi lửa” châm ngòi để thay đổi xã hội
Và một khi Trung Quốc muốn vượt qua những khủng hoảng ấy bằng cách thực hiện cải cách toàn diện, để trở thành một xã hội dân chủ, kinh tế vận hành theo quy luật thị trường, thì liệu điều đó có phải là một “mồi lửa” để Việt Nam thay đổi?
Lịch sử mấy nghìn năm của Việt Nam đã từng chứng kiến sự hưng thịnh, suy tàn của biết bao triều đại.
Mà điều đó diễn ra nhanh hay chậm đều phụ thuộc rất nhiều vào bản chất nhân nghĩa, chuẩn mực pháp luật hay bạo tàn của mỗi triều đại ấy. Mà Việt Nam hiện nay với một thể chế độc đảng toàn trị thì chắc chắn không thể nào tránh được.
Tất nhiên thật khó có thể giả định trước được sự kiện nào hay thời khắc nào là “mồi lửa” châm ngòi để thay đổi xã hội.
Như ví dụ các nước khác, từng có một sinh viên tự thiêu, hoặc một chính sách nào đó đi ngược lại với lòng dân làm quần chúng trở nên phẫn nộ.
Rất rất nhiều sự kiện và đốm lửa khác nhau khó tiên liệu hết được, nhưng nhìn chung với một xã hội hủ bại như Việt Nam hiện nay thì bất kỳ một tình huống nào cũng dễ thành dấu mốc khép lại một triều đại, mở ra một trang sử mới, mà chính bản thân của rất nhiều người cộng sản còn lương tri vẫn đang ngày đêm trông đợi.
Theo tôi, nếu xảy ra thì đó là một quy luật tất yếu của lịch sử.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Đông Phong, bút danh của một luật sư từ Sài Gòn.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51502912

Thời tiết bất thường khiến nông nghiệp

 hai miền nam và bắc Việt Nam thiệt hại nặng

Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 15 tháng 2 năm 2020 loan tin, Dù mới là đầu năm 2020, nhưng thời tiết thay đổi bất thường khiến nông dân ở cả hai miền Nam và Bắc phải chịu thiệt hại lớn. Tại miền Bắc, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cộng sản cho biết, chưa bao giờ miền Bắc lại xảy ra mưa đá vào đêm giao thừa như năm nay, và sau mưa đá là những cơn mưa rất lớn, thậm chí có nơi nước ngập sâu vào trong nhà vào những ngày Tết cổ truyền.
Đến nay, những trận mua dị thường này đã khiến cho nông dân ở tỉnh Hà Giang đứng ngồi không yên vì chuẩn bị thu hoạch thì bị rụng ồ ạt, thối đầy vườn, thiệt hại lên đến nhiều tỷ đồng. Có những vườn cam bị rụng từ 70% đến 80%, nhưng vẫn chưa dừng lại. Ước tính ban đầu của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang là chỉ tính riêng 2 huyện Bắc Quang, và huyện Quang Bình thì lượng cam bị rụng lên đến từ 1,200 tấn đến 1,300 tấn. Và con số này vẫn chưa dừng lại. Trái ngược với miền Bắc, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì vấn đề khô hạn, và xâm nhập mặn đang khiến nhiều diện tích hoa màu, cây nông nghiệp không chết vì khô thì cũng chết vì xâm nhập mặn.
Tại tỉnh Long An, người dân trồng chanh đang phải đối mặt với việc phải mua nước ngọt với giá 10,000 đồng/m3 để tưới cho hơn 5,000ha chanh. Còn nông dân tỉnh Bạc Liêu cũng đang bị ảnh hưởng nặng, hơn 5,400 ha lúa và 5,000 ha tôm đang có nguy cơ bị thiệt hại vì thiếu nước, và xâm nhập mặn đến sớm.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/thoi-tiet-bat-thuong-khien-nong-nghiep-hai-mien-nam-va-bac-viet-nam-thiet-hai-nang/

Tiếp tục bị đề nghị truy tố -

đang thụ án, Đinh La Thăng vẫn chưa yên

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, truyền thông trong nước đưa tin.
Ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 9 đồng phạm bị Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây ra hậu quả nghiêm trọng, theo quy định trong Khoản 3 Điều 224 của Bộ luật Hình sự.
Truyền thông tiếng Anh nói về bản án Đinh La Thăng
Người Việt ở Mỹ nói về phiên tòa Đinh La Thăng
Vụ xử ông Thăng ‘càng nhanh càng không hay’?
Đề nghị này liên quan đến Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí – PVB. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định ông Thăng cùng các cựu lãnh đạo PVB đã có nhiều sai phạm trong dự án Ethanol Phú Thọ.
Cơ quan An ninh điều tra xác định rằng, ông Đinh La Thăng, dù biết liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực để thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ, nhưng vẫn chỉ đạo quyết liệt và ra quyết định giao thực hiện gói thầu, theo báo Tuổi Trẻ.
”Bị can Đinh La Thăng với vai trò là chủ tịch HĐTV PVN, trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học của PVN, mặc dù biết liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ nhưng vẫn chủ trì, kết luận các cuộc họp về chủ trương chỉ định thầu, chỉ đạo quyết liệt và ra quyết định giao liên danh nói trên thực hiện gói thầu,” Tuổi Trẻ viết.
Tương tự, trang Zing.vn cho biết ”theo kết luận điều tra, ông Đinh La Thăng biết PVC chưa từng thực hiện dự án Ethanol nào và tình hình tài chính đang khó khăn, nhưng với vai trò cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí kiêm Trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, ông Thăng vẫn chủ trì nhiều cuộc họp để định hướng thầu cho PVC tham gia dự án Ethanol Phú Thọ.”
VN trả giá mô hình qua vụ Thăng – Thanh?
Vì sao hai luật sư của ông Thanh rút lui?
Đinh La Thăng bị tuyên thêm 18 năm tù
Ông Thanh hiện đang thụ án 31 năm tù, liên can đến 2 vụ án khác nhau.
Ông bị 18 năm tù vì làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế khiến PVN bi thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank, và 13 năm tù trong vụ án tương tự gây hậu quả nghiêm trọng tại PVC liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51519932

Hà Nội: “Ghế Bí thư Thành ủy là chiếc ghế có gai”?

Quốc PhươngBBC News Tiếng Việt
Chiếc ghế của Bí thư Thành ủy tại Hà Nội có thể coi là một chiếc ghế nóng ‘có gai’, một khách mời nói với hội luận trực tuyến hàng tuần của BBC News Tiếng Việt tuần này, nhân sự kiện Hà Nội có tân bí thư, sau khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam điều động về thay thế ông Hoàng Trung Hải.
Bình luận với Bàn tròn Thứ Năm hôm 13/02/2020, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh, người tự giới thiệu là quen biết ông Vương Đình Huệ khi còn là du học sinh ở một quốc gia tại Đông Âu trước đây và có sinh hoạt chung trong một hội hữu nghị, nói:
“Tôi cũng có một chút quan tâm đến ông Vương Đình Huệ, vì ông Huệ từng học ở Bratislava và tôi trước đây thì học ở Czech. Chúng tôi sinh hoạt chung một hội gọi là Hội hữu nghị của những sinh viên, cựu sinh viên đi Tiệp Khắc ngày xưa về.
Mặc dù con đường quan lộ của anh có vẻ rất rực rỡ, nhưng mà anh không bao giờ ở một chỗ nào đó lâu được hơn hai nămPGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh
Đồng Tâm: ‘Một thách thức’ cho Tân bí thư Thành ủy Hà Nội?
Tân Bí thư Hà Nội và câu hỏi về ‘lãnh đạo kỹ trị’
Con đường chính trị của ông Vương Đình Huệ
Vì sao thay Bí thư HN bằng ông Vương Đình Huệ?
“Tôi có một vài dịp gặp vợ anh Huệ ở đó và cũng có nghe nhiều chuyện về anh Huệ. Tôi được biết anh Huệ thực tế là một người học giỏi, tuy nhiên đấy cũng là một điều đáng tiếc nữa, vì kinh nghiệm của tôi đã nhìn thấy nhiều lần là những người học giỏi mà đi vào con đường quan trường thì nhiều khi cũng không được may mắn, thông đồng bén giọt lắm.
“Và tôi có kiểm tra lại CV (sơ yếu lý lịch) của anh Huệ, thì tôi phát hiện ra là mặc dù con đường quan lộ của anh có vẻ rất rực rỡ, nhưng mà anh không bao giờ ở một chỗ nào đó lâu được hơn hai năm.
“Cho nên tôi cũng nghiêng về ý kiến như là mọi người nói ở đây, đó là có đây là một bước chuẩn bị để hy vọng là anh Huệ có thể vào được tứ trụ. Trong trường hợp anh Huệ vào được tứ trụ, thì có lẽ cũng là một tin tốt vì đây cũng là một trong số hiếm hoi những trường hợp một người được học hành tử tế, tức là anh làm Tiến sỹ ở Đại học Kinh tế của Bratislava, có thể nắm được một chức vụ quan trọng trong chính quyền.”
Về viễn kiến, sau khi ông Vương Đình Huệ, đang đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ được điều chuyển về Hà Nội làm Bí thư Thành ủy thay ông Hoàng Trung Hải, khách mời đang làm việc tại một Đại học tài Hà Nội, bình luận:
“Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng là như nhìn vào CV của anh Huệ, chúng ta cũng thấy câu chuyện này cũng chưa có gì là chắc chắn và nếu trong trường hợp anh Huệ ở lại Hà Nội, thì cá nhân tôi cũng chưa nhìn thấy một hy vọng nào cho đổi mới của Hà Nội cả.
“Tại vì chúng ta cũng biết rằng dân chúng từng rất kỳ vọng vào đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, một người cũng có một lý lịch học hành cũng rất hoành tráng, nhưng thực tế thì ở cương vị Bộ trưởng (Giáo dục & Đào tạo), cũng như ở cương vị Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh hiện tại, đồng chí đều có vẻ chưa có gì nổi bật cả.
Cái ghế của Bí thư Thành ủy trong trường hợp này có vẻ giống như cái ghế có gai mà chúng ta vẫn thường nhìn thấy trong các tranh biếm họa về những quan lớn, người mới nhậm chứcPGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh
“Tình hình bây giờ, nếu anh Huệ ở lại lâu dài, thì sẽ có nhiều vấn đề rắc rối hơn nữa so với của bên (TPHCM của) ông Nguyễn Thiện Nhân. Chúng ta cũng biết rằng gần đây nhất vụ Đồng Tâm vẫn là một câu hỏi để ngỏ.
“Rồi những vấn đề tồn đọng lâu dài làm dân chúng bức xúc, như là đường sắt Cát Linh – Hà Đông, thì cũng chưa có một giải pháp nào cả.
“Cho nên tôi nghĩ rằng cái ghế của Bí thư Thành ủy trong trường hợp này có vẻ giống như cái ghế có gai mà chúng ta vẫn thường nhìn thấy trong các tranh biếm họa về những quan lớn, người mới nhậm chức,” PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh nói với BBC.
Ngay trước đó, cũng tại Bàn tròn Thứ Năm, từ Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, một nhà quan sát thời sự chính trị, xã hội Việt Nam nói với BBC:
“Về sự kiện có việc bổ nhiệm Bí thư thành ủy Hà Nội mới, tức là ông Vương Đình Huệ, thì câu chuyện này diễn ra như chúng ta đã biết ở giai đoạn mà đang chuẩn bị Đại hội Đảng sắp tới.
“Và câu chuyện đầu tiên quan trọng nhất ở Đại hội Đảng là câu chuyện nhân sự. Do đó, đối với nhiều nhà quan sát, cũng như giới nghiên cứu ở Hà Nội, việc bổ nhiệm ông Vương Đình Huệ về làm Bí thư ở Hà Nội không gây ra nhiều ngạc nhiên.
“Đặc biệt là trong bối cảnh khi ông Hoàng Trung Hải, (cựu) Bí thư Hà Nội đã phạm một số các khuyết điểm mà theo như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, như vậy ở đây là một sự sắp xếp nhân sự ban đầu để chuẩn bị cho việc công tác nhân sự cao cấp, hay là như cách nói của bên đảng (Cộng sản Việt Nam) là nhân sự chiến lược, đó là nhận xét đầu tiên của tôi.
“Thứ hai, nếu như chúng ta chỉ kỳ vọng ông Huệ được bổ nhiệm vào chức Bí thư Hà Nội, rồi sau đó, theo như thông tin đại chúng suy đoán, ông sẽ tiếp tục giữ một vị trí cao hơn, một trong tứ trụ chẳng hạn, thì rõ ràng câu chuyện này chỉ là tạm thời và không có hy vọng gì nhiều ở việc là ông Huệ sẽ có những hành động để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở thủ đô.”
‘Làm nhân sự khép kín hay công khai, minh bạch’?
Nhân sự kiện Bộ Chính trị thay đổi nhân sự cấp cao ở thành ủy Hà Nội, một trong ba thành phố hàng đầu của nhà nước, thay đổi Bí thư Thành ủy, trong đó còn có TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, khi chưa xong nhiệm kỳ của Đại hội toàn quốc khóa XII của đảng Cộng sản, nhà nghiên cứu và luật gia từ Hà Nội đề cập khía cạnh công khai, minh bạch của công tác nhân sự chiến lược của đảng:
“Liên quan câu chuyện về nhân sự này thì hiện nay, tất cả tình hình nhân sự của Đại hội đảng chưa được rõ ràng cho lắm, mặc dù về phía đảng thì, như thông tin cho biết đã quy hoạch được khoảng 200 nhân sự, gọi là cán bộ chiến lược, thế nhưng trong nhân dân mà nói, cũng rất mong muốn giá như các vị mà được quy hoạch, mà danh sách được công khai, minh bạch cho người dân được biết, thì sẽ tốt biết bao.
Liên quan câu chuyện về nhân sự này thì hiện nay, tất cả tình hình nhân sự của Đại hội đảng chưa được rõ ràng cho lắmPhó Giáo sư, TS. Hoàng Ngọc Giao
“Bởi lẽ từ góc nhìn của người dân, từ việc người dân biết cụ thể những nhân sự nào được quy hoạch là chiến lược, thì chắc chắn người ta sẽ có những đánh giá – một thông tin nữa để cho về phía đảng (CSVN) có thể lựa chọn được những người xứng đáng theo những tiêu chí như là Tổng Bí thư mong muốn là không có ham muốn quyền lực, tận tâm với người dân và gương mẫu đảng viên.
“Thế thì nếu như việc đó làm được, tôi nghĩ có lẽ là lực lượng cán bộ mà đảng quy hoạch sẽ được sàng lọc, thì sẽ rất tốt. Bởi vì người dân sẽ biết là anh nào được nằm trong quy hoạch, anh ấy có tham nhũng không, tài sản của anh có không? Thì người dân sẽ sẵn sàng có ý kiến.
“Thế nhưng rất tiếc cho đến nay chưa làm được việc đó. Cái đó, nếu như về phía đảng cần có một lực lượng cán bộ chiến lược của đảng và tương lai là lãnh đạo ở trong nhiệm kỳ tới đối với chính quyền mà làm được việc đó, thì tôi tin rằng sẽ sàng lọc được những người rất tốt và nó cũng góp phần cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
“Bởi vì tham nhũng là con người, nếu như đảng vẫn cứ làm theo cách xưa, là làm nhân sự khép kín, thì khó có thể giải quyết một cách rốt ráo câu chuyện chống tham nhũng, cũng như nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo đảng và chính quyền,” ông Hoàng Ngọc Giao nói.
Liệu có làm yên lòng dân về đất đai?
Ngay trước Bàn Tròn hôm thứ Năm, 13/02, từ Hà Nội, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu, phản biện chính sách độc lập (IDS đã tự giải thể), đưa ra bình luận với BBC về thách thức chính mà tân Bí thư Thành ủy Hà Nội có thể đối diện:
“Tôi nghĩ có nhiều thách thức lắm, nhưng mà việc nổi cộm nhất ở trong phạm vi Hà Nội, đấy là việc Đồng Tâm, không biết là ông Bí thư mới của Thành ủy Hà Nội có giải quyết được hay không? Và tất nhiên là những việc khác mà rất nổi cộm, tôi nói thí dụ như chuyện đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội.
“Liệu ông có giải quyết được không? Đấy là những vấn đề nhức nhối trong dư luận xã hội.
“Tôi nghĩ là nhiệm kỳ của ông chỉ còn độ một năm nữa, thực sự là rất là ngắn, thay thế ông Hoàng Trung Hải và rất có nhiều khả năng đây cũng chỉ là một bước đệm, để cho nó đủ tiêu chuẩn là đã kinh qua những bước này, bước kia, để có thể ông bước sang một vị trí mới có thể là cao hơn.”
Từ Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng trước cuộc Hội luận, hôm 12/02, Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng, một nhà quan sát chính trị, xã hội và nhà nghiên cứu Đông phương học, đưa ra góc nhìn và kỳ vọng của mình:
Nếu không thể tốt hơn được so với thời kỳ phong kiến, thì ít nhất cũng đảm bảo quyền lợi cho người dân ngang với thời kỳ đó và thậm chí là phát huy những mặt ưu việt của tư hữu về đất đaiTS. Nghiêm Thúy Hằng
“Là một công dân của thủ đô Hà Nội, tôi thực sự rất vui mừng khi mà ông Vương Đình Huệ làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay cho ông Hoàng Trung Hải và cũng giống như những người dân ở Hà Nội khác, tôi rất kỳ vọng ông Vương Đình Huệ sẽ có những dấu ấn quan trọng khi mà nhận chức Bí thư thành ủy Hà Nội và sẽ giải quyết được những vấn đề đang tồn đọng ở Hà Nội…
“Như là đường sắt Cát Linh – Hà Đông, hay là những vấn đề làm yên lòng người dân trong các việc đất đai, các tranh chấp đất đai, nhất là đất đai nông nghiệp và tôi cũng mong muốn là sắp tới đây sẽ có những thay đổi về vấn đề công nhận một phần những đa sở hữu đối với đất đai.
“Bởi vì thực ra thì đối với các quốc gia phương Đông, mặc dù trên bề mặt là công hữu về đất đai, nhưng trên thực chất thể chế vẫn là thể chế đa sở hữu. Thế thì những gì mà đã là truyền thống của phương Đông, tôi nghĩ là nên tiếp tục và nên có những sự điều hòa, sự lý giải cho phù hợp để vừa vẫn giữ được công hữu về đất đai, nhưng cũng vẫn vừa đảm bảo được quyền lợi cho người dân.
“Tức là, nếu không thể tốt hơn được so với thời kỳ phong kiến, thì ít nhất cũng đảm bảo quyền lợi cho người dân ngang với thời kỳ đó và thậm chí là phát huy những mặt ưu việt của tư hữu về đất đai.
“Tôi nghĩ là với truyền thống vốn rất khác biệt với phương Tây và những người dân rất thông minh, rất nhân văn của Việt Nam, thì sẽ tìm được những tiếng nói để mà tháo gỡ các vấn đề hiện tại và vẫn tiếp tục phát triển trên nền của văn minh phương Đông rất là rực rỡ và rất lâu đời.
“Những gì đã xuất hiện ở dưới ánh mặt trời và đã tồn tại được hàng nghìn năm, thì bao giờ cũng có cái lý của nó, thế thì những gì chưa tốt, chúng ta nên gạn đục khơi trong, những gì mà chưa tốt thì chỉnh sửa, còn những gì mà là truyền thống tốt đẹp, thì nên tiếp tục và chỉ nền cái nền rất lâu đời như thế, mới có thể thành công.”
Khả năng nào ở Đại hội 13?
Hôm thứ Bảy, 15/02, một nhà phân tích chính trị Việt Nam và quan sát đảng cộng sản trước đại hội lần thứ 13 của đảng này, đua bình luận với BBC về khả năng nào tiếp đây có thể chờ đợi hay diễn ra với ông Tân bí thư thành ủy Hà Nội và một số đồng chí của ông.
“Tôi nghĩ là có một phương án là ông Vương Đình Huệ có thể sẽ ngồi lại ghế Bí thư Thành ủy đó tới năm 2022, tức là hai năm.
“Việc điều động này, theo tôi là do Tổng Bí thư của đảng Cộng sản. Nhưng một năm chưa thể gọi là kinh nghiệm, mà ít nhất phải là hai năm.
“Hiện có thể đang có hai ứng viên cho chiếc ghế Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh phương án ông Huệ.
Hiện có thể đang có hai ứng viên cho chiếc ghế Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh phương án ông HuệMột ý kiến quan sát
“Tôi chưa thấy có cơ sở nào cho một khách mời của Bàn tròn thứ Năm nói là vị quan chức cao cấp nào đó của Hà Nội hiện nay từng là người có học lực cụ thể như vậy, như thế, vì cũng có nhiều người khác cũng có tiếp xúc cá nhân và hiểu biết nhân thân vẫn còn đó.
“Về ứng cử viên cho ghế Thủ tướng Chính phủ ở Đại hội 13, thì Chỉ thị 214 vừa rồi đã mở ra cơ hội cho nhiều người có thể thành ứng cử viên, trong đó dường như các ứng viên cho các ghế Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội bước đầu đã có một số chỉ dấu gợi ý nhân sự.
“Các chỉ dấu tương tự cho ghế Chủ tịch nước, hiện có vẻ vẫn chưa rõ ràng bằng cho các vị trí kia.”
Và ý kíến quan sát này nhận định thêm:
“Một điểm mạnh giúp cho ông Vương Đình Huệ, theo giới quan sát là ông dường như thuộc một phân nhánh quyền lực được tạm xếp loại theo tiêu chí ‘địa phương’, ‘vùng miền’, và dường như địa phương đó ở miền Trung của Việt Nam, là nơi có sự kết hợp giữa hai địa phương ở cơ sở, đang ngày càng có uy thế.
“Nhân sự có nguồn gốc từ địa bàn này dường như đã có sự phát triển và chiếm lĩnh các vị trí, tạo lập vị thế chính trị ở cấp trung ương ngày một sâu rộng và mạnh mẽ, các nhân sự đã hiện diện rộng khắp ở cả Ban chấp hành Trung ương đảng, các ủy ban từ kiểm tra trung ương đến nội chính, trong các ngành, các cấp, cách nhánh quyền lực đảng và chính quyền, và đặc biệt tới cả cấp thành viên trong Bộ Chính trị đầy quyền lực…
“Gần đây nhất hiện diện trong một thay thế nhân sự chỉ một năm trước khi bước vào Đại hội 13, ở thành ủy của thủ đô Hà Nội chính là một thí dụ rõ ràng như chỉ dấu,” ý kiến quan sát từ góc độ quan điểm riêng và không muốn tiết lộ danh tính này, cho BBC hay.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này (từ phút 31’12”) để theo dõi toàn văn Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt về chủ đề liên quan.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51507498

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.