Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 25/02/2020

Tuesday, February 25, 2020 5:57:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 25/02/2020

Mỹ cân nhắc lập quỹ khẩn cấp chống Covid-19

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang xem xét việc yêu cầu bên Quốc hội cấp quỹ khẩn cấp để tăng cường đáp ứng với virus corona đang lây lan nhanh chóng, một phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc ngày 24/2 cho biết nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
“Chúng ta cần một số ngân khoản tại đây để đảm bảo là chúng ta…bảo vệ tất cả công dân Mỹ, và chúng ta giữ cho chúng ta an toàn,” phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Hogan Gidley nói trên kênh Fox News.
Được hỏi chính quyền yêu cầu Quốc hội chuẩn thuận bao nhiêu tiền, ông Gidley nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc rằng chính quyền chưa sẵn sàng loan báo.
Tờ Politico và Washington Post, dẫn tin từ những người quen thuộc với kế hoạch này, cho biết là chính quyền có thể yêu cầu Quốc hội cấp 1 tỉ đô la. Một giới chức chính quyền nói với Reuters là số tiền đang được đúc kết, và yêu cầu sẽ được đưa lên Quốc hội trong tuần này.
Virus corona chủng mới đã lây lan đến khoảng 29 nước và vùng lãnh thổ ngoài Hoa lục, với những vụ bùng phát tại Hàn Quốc, Iran và Ý làm rung chuyển thị trường chứng khoán thế giới.
Hoa Kỳ chưa bị virus lây lan trong các cộng đồng như Trung Quốc và các nơi khác trên thế giới, nhưng các giới chức y tế đang chuẩn bị khả năng này dù cho tới nay một số người Mỹ bị lây nhiễm đã được cách ly.
Tới nay có tổng cộng 53 ca lây nhiễm virus corona được xác nhận tại Mỹ–14 người được chẩn đoán tại Mỹ và 39 người trong nhóm những người Mỹ hồi hương từ tâm điểm dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, và từ du thuyền Diamond Priness bị cách ly tại Nhật Bản, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.
Các giới chức y tế Mỹ cảnh báo là các ca nhiễm trong số các công dân hồi hương chắc chắn sẽ gia tăng.
Đại diện Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh từ chối bình luận về yêu cầu tài trợ.
Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện đã thúc đẩy chính quyền ông Trump yêu cầu lập quỹ khẩn cấp sau khi ông thông báo Quốc hội trong những tuần lễ gần đây là chính quyền đã tiêu hàng trăm triệu đô la để đối phó với virus, theo Washington Post.
Ông Trump đã đối nghịch với các cố vấn Tòa Bạch Ốc về việc đáp ứng với virus corona phát xuất từ Trung Quốc. Ông tìm cách giảm nhẹ ảnh hưởng của virus, nói rằng virus này có thể tiêu tan vào tháng 4 khi khí hậu ấm dần—một điều mà các chuyên gia y tế nói chưa rõ.
Chính quyền ông Trump cũng đang phân vân về việc nên đưa những người di tản từ tàu Diamond Princess bị xét nghiệm dương tính đến đâu sau khi rút lại kế hoạch ban đầu cách ly những người này tại một cơ sở liên bang ở Alabama.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-c%C3%A2n-nh%E1%BA%AFc-l%E1%BA%ADp-qu%E1%BB%B9-kh%E1%BA%A9n-c%E1%BA%A5p-ch%E1%BB%91ng-covid-19/5302510.html

Mỹ đưa 20 nghìn quân tới Đông Âu và vùng Baltic

để tập trận ‘Defender 2020′

Hoa Kỳ chuyển 20 nghìn quân tới Đức, Ba Lan, Latvia, Lithuania và Estonia chuẩn bị cho ‘Defender 2020′ (có báo viết là Defender Europe 20), cuộc tập trận lớn nhất từ 25 năm qua.
Tuần trước, xe tăng và quân lính từ Hoa Kỳ đã đến cảng Bremerhaven của Đức, và các đơn vị khác hôm cuối tuần đã tới Ba Lan.
Mỹ luân chuyển thêm 1000 quân sang Ba Lan
Nga tập trận Zapad-2017 làm láng giềng lo lắng
Nga ‘cười nhạo’ chiến hạm của Anh
Kiev cấm đàn ông Nga vào Ukraine
Tổng cộng có tất cả 20 nghìn quân và 20 nghìn vũ khí hạng nặng, phương tiện quân sự của Hoa Kỳ được vận chuyển xuyên châu Âu, tới sáu hải cảng và một số sân bay của các nước thành viên Nato.
Sau đó, một phần lớn quân lính và phương tiện quân sự sẽ được triển khai ở Ba Lan và ba nước Nato thuộc vùng Baltic, Latvia, Lithuania và Estonia.
Ba nước này trước thuộc Liên Xô và được giới quan sát coi là “tuyến đầu” của Nato một khi Nga gây hấn.
Kỷ niệm 102 năm ngày độc lập của Estonia, tướng Martin Herem, tổng tư lệnh quân lực Estonia phát biểu ở quảng trường Tự do, thủ đô Tallinn hôm 24/02 đón chào các đơn vị quốc tế sẽ đến nước này dự cuộc tập trận “”Defender 2020″.
Ông nói “đây là bước tiến mới sau việc thành lập Sư đoàn Đa quốc gia phía Bắc (Multinational Division North) ở Latvia năm ngoái. Hiện nay, các quân nhân Đan Mạch, Latvia, Estonia đã làm việc tại đó…Chúng ta không đứng một mình trong công tác phòng thủ, bảo vệ độc lập dân tộc”.
Cộng với số quân Hoa Kỳ và Nato đã đóng sẵn ở châu Âu, một lực lượng đa quốc gia (19 nước) gồm 37 nghìn quân sẽ tham gia cuộc tập trận mà phần tại Ba Lan bắt đầu vào tháng 4 năm nay, theo bộ trưởng quốc phòng nước này, ông Mariusz Blaszczak.
Toàn bộ cuộc tập trận sẽ kéo dài từ tháng 4 sang tháng 5/2020.
Có nhắm vào Nga hay không?
Tướng Martin Schelleis, tư lệnh lực lượng Đức tham gia cuộc tập trận nói “Defender Europe 20″ không nhắm vào nước Nga, theo đài Deutsche Welle của Đức.
“Nước Nga không phải là lý do của cuộc tập trận này vốn nhắm tới việc xây dựng năng lực quân sự về lâu dài [của Nato] ở châu Âu.”
Tuy thế, các nhà bình luận trong khu vực lại tin rằng “Defender Europe 2020′ (Bảo vệ châu Âu”) như cái tên chỉ ra, “là nhằm răn đe để Nga không có hành động gì”.
Giáo sư Krzysztof Kubiak từ Ba Lan nói với truyền thông nước này, rằng “Defender là tín hiệu Hoa Kỳ gửi tới Nga, rằng chúng tôi luôn ở cạnh châu Âu, và sẽ ở lại châu Âu.”
Châu Âu đã thức tỉnh sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea Bà Claudia Major, nhà nghiên cứu Đức
Hoa Kỳ muốn nói rằng “để cho sức mạnh của Nga lớn lên và nhắm vào Ba Lan là không thể chấp nhận được”, nhà quan sát chính trị từ Kielce, Ba Lan nói.
Còn bà Claudia Major, chuyên gia về an ninh tại Viện SWP chuyên về quan hệ quốc tế tại Đức, thì nói với báo chí Đức rằng, cả châu Âu “đã thức tỉnh sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea” (2014).
“Trật tự an ninh mà châu Âu tin rằng mình vẫn có với Nga đã không còn tồn tại. Nga không còn là đối tác chiến lược nữa và châu Âu phải tự hỏi về khả năng tự vệ của mình.”
Hồi năm 2017, Nga và Belarus tổ chức tập trận Zapad-2017 với phương án chống lại ‘cuộc nổi dậy vũ trang’ ở Belarus và tấn công ‘khủng bố’ bởi quốc gia giả tưởng ‘Veishnoria’.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khi đó nói Zapad-2017 của Nga có thể chỉ là ‘màn khói’ để xâm lăng lãnh thổ nước ông.
Một số báo Đông Âu khác thì tin rằng ‘quốc gia giả tưởng’ bị Zapad -2017 nhắm tới có thể sẽ là một nước thuộc Nato ở vùng Baltic hoặc Ba Lan, nếu xảy ra chiến sự thực.
Chừng 7200 quân Nga và 5500 quân Belarus triển khai diễn tập trong tháng 9/2017, bắt đầu từ Kaliningrad giáp Ba Lan, rồi chuyển sang trên bộ ở Belarus.
Cũng trong năm 2017, hồi tháng 7 Nga mời ba tàu chiến Trung Quốc do khu trục hạm Hợp Phì đóng vai trò tàu chỉ huy vào Biển Baltic tập trận hải quân cùng 10 tàu Nga.
Nato đã quan sát kỹ các cuộc tập trận này nhưng phải đến năm nay Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu mới có cuộc tập trận lớn ngay cửa ngõ nước Nga.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51613517

Bán 3 tỷ đô vũ khí nhưng ông Trump

chưa có thỏa thuận mậu dịch với Ấn Độ

Trong chuyến thăm Ấn Độ, Tổng thống Donald Trump công bố các hợp đồng quân sự 3 tỷ USD với chính phủ Narendra Modi.
Công bố của ông Trump hôm thứ Ba được báo chí Ấn hoan nghênh, nhưng hai bên ‘còn phải làm việc nhiều, để tiến tới thỏa thuận mậu dịch’, theo tờ India Today 25/02.
Tại họp báo chung với tổng thống Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ Modi bày tỏ sự lạc quan rằng hai bên sẽ đạt thỏa thuận mậu dịch.
Theo Vineet Khare của BBC Hindi, thương mại song phương Mỹ-Ấn Độ hiện dừng ở con số 160 tỷ Mỹ kim.
Chưa có thỏa thuận mậu dịch như mong đợi
“Nhưng hy vọng về một thỏa thuận như vậy đã lắng xuống trong nhiều tuần qua, khi Mỹ bày tỏ quan ngại về các vấn đề như tăng thuế, kiểm soát giá cả và chênh lệch trong thương mại điện tử.
Chúng ta cần nền dân chủ hay cần chế độ độc tài hơn
Ông Trump sẽ được gì trong chuyến thăm Ấn Độ?
Ấn Độ xóa bỏ quy chế đặc biệt của Kashmir
Modi và Tập ‘ngồi bờ hồ ngắm cảnh’
Nhập cư lao động lành nghề và chế độ thị thực cho người Ấn vào Mỹ cũng là những vấn đề khác được quan tâm,” nhà báo BBC cho biết.
Về phía mình, Ấn Độ muốn Hoa Kỳ khôi phục lại cho Ấn Độ quy chế Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP), vốn hỗ trợ các nước đang phát triển.
Năm 2019, ông Trump đã chấm dứt các ưu đãi kiểu này với Ấn Độ.
Hoa Kỳ nói sẽ bán cho Ấn Độ các loại vũ khí, phi cơ “hiện đại” còn Thủ tướng Modi xác nhận rằng đây là dấu hiệu “quan hệ đối tác chiến lược” Mỹ-Ấn đang tiến triển.
Ấn Độ sẽ mua 24 trực thăng MH-60 Romeo với giá 2,6 tỷ USD.
Một hợp đồng khác gồm sáu chiếc AH-64E Apache, tổng trị giá 800 triệu USD.
Dù không đi vào chi tiết các món hàng, Tổng thống Trump nói nước Mỹ “sản xuất ra các loại vũ khí tốt nhất: phi cơ, hỏa tiễn, rocket, tàu chiến”.
“Nay chúng ta sẽ bán hàng cho Ấn Độ, gồm cả hệ thống phòng không hiện đại, các loại phi cơ có người lái và không có người lái.”
Giới quan sát cho rằng con số 3 tỷ USD tuy nhỏ, ít hơn tiền Ấn Độ bỏ ra mua vũ khí từ nhà sản xuất truyền thống là Nga, nhưng hợp đồng này có tính biểu tượng cao.
Một số ý kiến cũng cho rằng chiến lược tăng cường hợp tác với Dehli sẽ giúp Washington có đòn bẩy gây sức ép lên Bắc Kinh trong các vấn đề khu vực.
Ấn Độ là quốc gia thù địch với Pakistan, đồng minh nặng ký của Trung Quốc ở Nam Á.
Tách dần khỏi hàng Nga?
Từ thập niên 1960, Ấn Độ thường mua vũ khí của Liên Xô, gồm các loại như trực thăng Mi-4, xe tăng T-55, tên lửa chống hạm SS-2 Styx.
Sau Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ tiếp tục mua vũ khí từ Nga và chỉ năm 2019 đã bỏ ra 14,5 tỷ USD mua súng đạn, phương tiện quốc phòng từ bạn hàng truyền thống này.
Nhưng gần đây, Dehli đã mua từ Mỹ phi cơ tuần tra P-8 Poseidon và trực thăng tấn công Apache.
Ngoài ra, Ấn Độ tự sản xuất xe tăng, tàu chiến, súng tiểu liên theo giấy phép và mô hình của Nga nhưng chất lượng các loại vũ khí này không bằng hàng nguyên bản.
Năm 2018, Ấn Độ rút khỏi dự án hợp tác sản xuất phi cơ SU-57 cùng Nga.
Dù vậy, giới quan sát cho rằng trong nhiều năm tới đa số vũ khí Ấn Độ vẫn còn có nguồn gốc từ Nga hoặc từ các dự án hợp tác chuyển giao công nghệ của Nga.
Chuyến thăm 36 tiếng và bạo động ở thủ đô
Trong chuyến thăm chính thức đến Ấn Độ 36 tiếng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump còn tới thăm Taj Mahal, ‘ngôi đền của tình yêu’ được xây dựng ở thế kỷ thứ 17, một trong những thắng cảnh nổi tiếng thế giới.
Tổng thống Mỹ trước hôm tới thủ đô Dehli đã thăm Gujarat, bang quê nhà của Thủ tướng Narendra Modi, người chào đón ông cùng hàng nghìn công dân Ấn thuộc phe ủng hộ chính quyền.
Trong ngày 25/02, ngay tại thủ đô Dehli, ở nơi chỉ cách cuộc đón tiếp TT Trump vài dặm đã nổ ra xung đột chết người vì biểu tình phản đối luật công dân chính phủ Modi áp dụng.
Có ít nhất bảy người bị thiệt mạng trong cuộc xung đột, gồm một cảnh sát nhưng 150 người bị thương.
Vụ việc làm lu mờ chuyến thăm của TT Hoa Kỳ, theo BBC News từ Dehli.
Luật công dân mới ra của Ấn Độ bị chỉ trích là thiên vị đa số theo Ấn giáo và phân biệt đối xử người theo Hồi giáo và các dân tộc nhỏ hơn tại quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo.
Nhưng chính phủ của ông Modi, người công khai cổ vũ cho phong trào dân tộc chủ nghĩa Hindu, nói luật này sẽ ân xá cho các nhóm thiểu số mà cho tới nay không được hưởng quyền công dân.
Bạo lực tại khu phố Hồi giáo ở Đông Bắc Delhi đã nổ ra từ Chủ Nhật.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51630200

Mỹ-ASEAN nhắm tăng cường các quan hệ

Nike Ching
Hoa Kỳ và 10 nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nhắm vào một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào tháng 3 năm nay để tăng cường các quan hệ giữa lúc Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng tại Đông Nam Á, trong khi gây chia rẽ giữa Washington và một số đồng minh truyền thống trong vùng.
Washington đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ngày 14 tháng 3 tại Las Vegas. Các cuộc họp song phương giữa Tổng thống Donald Trump và các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đang được dự trù.
“Khía cạnh quan trọng nhất trong mối quan hệ Hoa Kỳ-ASEAN thực sự là những cuộc đối thoại cấp cao. Nếu Hoa Kỳ không có tiếng nói ở đó, đặc biệt là những tiếng nói cấp cao—Tổng thống, các Bộ trưởng—thì chúng ta sẽ không có kết quả. Cả hai bên không thể thực sự có lợi từ những quan hệ,” ông James Carafano, phó chủ tịch về an ninh quốc gia của tổ chức Heritage Foundation nói.
Ông Trump tham dự cuộc họp hàng năm với các nhà lãnh đạo ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á kế tiếp trong năm 2017 nhưng bỏ qua hội nghị thượng đỉnh thường niên 2018 và 2019, thay vào đó là Phó Tổng thống Mike Pence tham dự năm 2018 và Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Robert O’Brien vào năm 2019. Cố vấn Robert O’Brien chuyển lời mời các nhà lãnh đạo ASEAN đến Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào tháng 11 năm ngoái.
Chính quyền ông Trump bị chỉ trích vì làm ngơ khối Đông Nam Á, cho phép một số đồng minh truyền thống của Washington trong vùng đến gần Trung Quốc hơn.
Trong khi một hội nghị thượng đỉnh duy nhất không hoàn toàn giải quyết được những quan ngại về chính sách bền vững từ các nước trong khối, các nhà phân tích nói một cuộc hội ngộ như thế này là một bước tích cực để điều chỉnh các mối quan hệ.
Một giới chức hàng đầu của Hoa Kỳ nói Washington đang tăng cường các nỗ lực để tiến tới đối tác Hoa Kỳ-ASEAN.
“Tổng thống Trump biết được tầm quan trọng của ASEAN, ông chú trọng đặc biệt vào chuyện này, và chúng ta thực sự đã tăng cường nỗ lực ,” Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường, Keith Krach, nói với Đài VOA trong một cuộc phỏng vấn mới đây.
Vài tuần trước kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với ASEAN tại Las Vegas vào ngày 14/3, Washington nói đang tăng cường nỗ lực tiến tới đối tác chiến lược Hoa Kỳ-ASEAN.
Hội nghị thượng đỉnh sắp tới có phần chắc sẽ đề cập đến những vấn đề các bên cùng quan tâm, như là tiếp tục tự do hàng hải tại Biển Đông, an ninh mạng, khủng bố quốc tế và buôn lậu, phát triển hạ tầng cơ sở, công nghệ và phát triển khu vực Mekong.
Một giới chức cao cấp của chính quyền nói với Đài VOA là thảo luận về an ninh mạng không chỉ liên hệ đến Huawei và 5G nhưng “liên hệ nhiều hơn về sự tin cậy trong kỹ thuật số.”
ASEAN và Hoa Kỳ phát động Đối thoại Chính sách trên Mạng đầu tiên tại Singapore vào tháng 10 năm ngoái, quảng bá việc chia sẻ thông tin về mạng lưới 5G, an ninh mạng và trao đổi kỹ thuật số.
Đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với các nhà lãnh đạo ASEAN. Giữa tháng 2 năm 2016, Tổng thống Barack Obama đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Sunnylands, California, được xem như là nâng cao nhận thức về Đông Nam Á trong chính sách châu Á của Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-asean-nh%E1%BA%AFm-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-c%C3%A1c-quan-h%E1%BB%87-/5302530.html

Lầu Năm Góc dọa

sa thải toàn bộ nhân viên Hàn Quốc trong căn cứ Mỹ

Lầu Năm Góc vừa đe dọa cho hầu hết người Hàn Quốc làm việc trong các căn cứ quân sự của Mỹ nghỉ việc nếu hai nước không thể đạt được thỏa thuận chia sẻ chi phí vào tháng 4-2020.
Trước cuộc gặp diễn ra tại Washington giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo, đại diện Lầu Năm góc cho biết, hai bên sẽ thảo luận về nhiều vấn đề như môi trường an ninh khu vực, chính sách với Triều Tiên, kế hoạch bàn giao kiểm soát hoạt động thời chiến và thỏa thuận chia sẻ chi phí.
Mỹ và Hàn Quốc đã tổ chức 6 vòng đàm phán về thỏa thuận chia sẻ chi phí nhưng chưa tìm được tiếng nói chung. Hiện nay, Hàn Quốc góp khoảng 870 triệu USD mỗi năm cho chi phí duy trì 28.500 quân đồn trú Mỹ tại quốc gia này, tuy nhiên, Washington cho rằng, con số này là quá ít và muốn tăng lên gấp nhiều lần.
Đóng góp của Hàn Quốc được dùng để trả lương cho 9.000 nhân viên nước này làm việc trong căn cứ quân sự Mỹ, chi phí các dự án xây dựng và hỗ trợ hậu cần.
“Nếu không đạt được thỏa thuận mới, hầu hết nhân viên Hàn Quốc sẽ nghỉ việc từ ngày 1-4-2020, đồng thời dừng nhiều hoạt động xây dựng và hậu cần”, Lầu Năm Góc cho biết và giải thích rằng, phần lớn khoản đóng góp của Hàn Quốc đều quay trở lại nền kinh tế của nước này.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Washington vẫn cam kết ủng hộ quan hệ đồng minh giữa hai nước, tuy nhiên, họ muốn một một thỏa thuận mà cả 2 có thể chấp nhận được và công bằng hơn.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33180-lau-nam-goc-doa-sa-thai-toan-bo-nhan-vien-han-quoc-trong-can-cu-my.html

Quân đội Mỹ – Hàn thu nhỏ

quy mô tập huấn chung do COVID-19

Triệu Hằng
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc trong hôm thứ Hai (24/2) cho biết, họ đang xem xét thu nhỏ quy mô tập huấn chung do ngày càng lo ngại sự lan rộng của virus corona, bởi đã có dấu hiệu cụ thể của virus tác động đến các hoạt động quân sự Mỹ.
Thông tin trên được đưa ra trong chuyến thăm Lầu Năm Góc của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo. Sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc thừa nhận 13 lính của nước này có kết quả dương tính với virus.
“Tính đến hôm qua, chúng tôi có 13 ca nhiễm trong lực lượng vũ trang Hàn Quốc. Chúng tôi coi tình huống này là một vấn đề nghiêm trọng”, ông Jeong nói trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc, cho biết thêm ông đã đình chỉ việc nghỉ phép quân sự và rời khỏi doanh trại của cấp dưới.
Trước đó vào hôm thứ Hai, quân đội Mỹ cho biết, nguồn lây nhiễm đầu tiên tới quân đội này ở Hàn Quốc là một phụ nữ 61 tuổi ở Hàn Quốc được xác định dương tính với virus, đã từng đến một căn cứ
quân sự của Hoa Kỳ ở phía đông nam của thành phố Daegu. Người phụ nữ này là góa phụ của một cựu quân nhân Hoa Kỳ, bà đã ghé vào một cửa hàng tại Camp Walker vào ngày 12 và 15/2.
Quân đội Mỹ ở Hàn Quốc cho biết họ đang nâng mức rủi ro lên “cao” trên khắp nước này, và thúc giục lính Mỹ giới hạn đi lại và “hết sức thận trọng khi ra ngoài căn cứ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper cho biết, các tướng lĩnh hàng đầu của Mỹ và Hàn Quốc trên bán đảo đang cân nhắc việc thu nhỏ quy mô tập huấn chung nhưng khẳng định hai bên vẫn cảnh giác trong bối cảnh lo ngại chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Hàn Quốc hiện có 893 ca nhiễm COVID-19 với 8 người đã tử vong.
https://www.dkn.tv/the-gioi/quan-doi-my-han-thu-nho-quy-mo-tap-huan-chung-do-covid-19.html

Quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo về cạnh tranh với TQ

Phát biểu trước Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung hôm 20/2, Phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng về các vấn đề Trung Quốc Chad Sbragia đã đưa ra cảnh báo về vấn đề cạnh tranh Mỹ – Trung trong thế kỷ 21.
Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Sbragia cho hay, cuộc cạnh tranh này sẽ không diễn ra trong một thời gian ngắn, và cũng sẽ không hề rẻ. “Tại hầu hết các điểm nóng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như quần đảo Senkaku hay bán đảo Triều Tiên… Mỹ đều có thể vướng vào một cuộc khủng hoảng quân sự với Trung Quốc”, ông tuyên bố.
Ông Sbragia chỉ vào sự mở rộng của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là hải quân, như một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang rất nghiêm túc với khả năng khẳng định sức mạnh. Theo ông, để Mỹ có thể đương đầu được mối đe dọa đối với trật tự thế giới mà họ gọi là “dựa trên nguyên tắc”, sẽ cần đến những cam kết lâu dài từ phía Washington, thứ mà Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark A. Milley từng gọi là “chủ đề chính” của thế kỷ tới.
Ông cho rằng, những hệ quả từ việc hiện đại hoá quân đội của Trung Quốc sẽ rất lớn. “Đây là thách thức cần có nguồn cung cấp kinh phí dài hơi và các kế hoạch chiến lược để giải quyết. Các khoản đầu tư vào khu vực và toàn cầu cần tăng lên, cũng như phải tăng cường nỗ lực giữa các cơ quan, đồng minh và đối tác để tối đa hoá khả năng hợp nhất”, ông Sbragia phát biểu trước ủy ban. Theo ông, “không có giải pháp không tốn tiền nào cho cuộc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33178-quan-chuc-lau-nam-goc-canh-bao-ve-canh-tranh-voi-tq.html

Đảng Dân chủ Mỹ muốn phạt Nga

vì can thiệp bầu cử 2020

Triệu Hằng
Hôm thứ Hai, những thành viên kỳ cựu của đảng Dân chủ (Mỹ) nói rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump nên áp dụng ngay lập tức các chế tài với Nga, sau khi các quan chức tình báo Mỹ cho biết Nga dường như đang cố gắng gây ảnh hưởng trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay, theo Reuters (25/2).
Các Thượng Nghị sĩ Chuck Schumer, Bob Menendez và Sherrod Brown đã viết thư gửi Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin yêu cầu chính quyền “ngay lập tức và mạnh mẽ” đưa ra các lệnh trừng phạt đối với chính phủ Moscow và bất kỳ người Nga nào liên quan đến việc can thiệp bầu cử Mỹ.
Một nguồn tin nghị viện nói với Reuters trong hôm thứ Sáu (21/2) rằng, các quan chức tình báo đã cho các nhà lập pháp biết: Nga dường như đang tham gia vào các chiến dịch tuyên truyền và thông tin sai lệch để “can thiệp” tới chiến dịch tranh cử của 2 ứng viên Bernie Sanders (đảng Dân chủ) và Tổng thống Donald Trump (đảng Cộng hòa).
Kremlin hôm thứ Sáu đã phủ nhận can thiệp.
Luật Mỹ cho phép chính quyền đề xuất các biện pháp trừng phạt chính phủ Nga để ngăn chặn sự can thiệp vào cuộc bầu cử.
https://www.dkn.tv/the-gioi/dang-dan-chu-my-muon-phat-nga-vi-can-thiep-bau-cu-2020.html

Mỹ tính chuyện trục xuất

hàng trăm nhà báo TQ về nước

Nhà Trắng đang cân nhắc các biện pháp trả đũa sau khi Trung Quốc trục xuất 3 nhà báo của tạp chí Wall Street Journal. Một trong số này là tước giấy phép hành nghề và trục xuất hàng trăm nhà báo Trung Quốc thường trú tại Mỹ về nước.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Matt Pottinger đã chủ trì cuộc thảo luận về vấn đề trên tại Nhà Trắng ngày 24-2. Ông Pottinger từng là nhà báo thường trú của tờ Wall Street Journal (WSJ) tại Bắc Kinh.
Các quan chức đã tranh luận gay gắt về các biện pháp đáp trả Trung Quốc trong cuộc họp, Hãng tin Reuters mô tả. Nhiều người ủng hộ việc tước giấy phép hành nghề và trục xuất hàng trăm nhà báo Trung Quốc đang thường trú tại Mỹ.
Tuy nhiên, số khác lại cho rằng không có cơ sở pháp lý để làm vậy và rằng điều này không phù hợp với các quan điểm về tự do báo chí của Mỹ. Theo ước tính của một số quan chức Mỹ, có khoảng 500 nhà báo Trung Quốc đang làm việc tại Mỹ trong khi số nhà báo Mỹ tại Trung Quốc là 75 người.
Hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo sẽ trục xuất 3 nhà báo của WSJ (trong đó có 2 công dân Mỹ) sau khi xuất hiện một bài bình luận trên tạp chí này gọi Trung Quốc là “con bệnh thực sự của châu Á”.
Bài viết chỉ trích các biện pháp chống dịch COVID-19 ban đầu của Trung Quốc và các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh cấp quốc gia của nước này. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định các nhà báo của WSJ tại Trung Quốc đã không xin lỗi, buộc lòng Bắc Kinh phải trục xuất họ.
Phía Mỹ sau đó lên án hành động của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi nước này minh bạch với người dân về dịch bệnh.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh vấn đề này đã bước sang tuần thứ hai. Trong cuộc họp báo ngày 24-2 tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian nhấn mạnh Bắc Kinh “không phải là con cừu im lặng” trước những lời bôi nhọ ác ý.
Vị này sau đó chỉ trích WSJ là dám làm mà không dám nhận và không có can đảm để xin lỗi. Ông Zhao là một trong những quan chức Trung Quốc đầu tiên mở tài khoản trên Twitter và xem đây là một kênh để tuyên truyền các quan điểm bảo vệ Trung Quốc. Tài khoản của ông này hiện có hơn 240.000 lượt theo dõi.
Cuộc họp báo ngày 24-2 là lần đầu tiên ông Zhao xuất hiện và trả lời trực tiếp sau khi được chuyển công tác từ Pakistan về làm phó vụ trưởng Vụ Thông tin thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, theo báo South China Morning Post.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/33156-my-tinh-chuyen-truc-xuat-hang-tram-nha-bao-tq-ve-nuoc.html

Chính quyền Trump yêu cầu 2,5 tỷ USD

để chống dịch COVID-19

Hải Lam
Chính quyền Tổng thống Trump hôm thứ Ba (25/2) gửi yêu cầu cho Nghị viện Mỹ thông qua ngân sách 2,5 tỷ USD để đối phó với dịch COVID-19, trong đó 1 tỷ USD dành cho việc phát triển vắc-xin.
“Chính quyền Trump vẫn chú trọng vào sự lây lan của dịch COVID-19. Hôm nay, chính quyền đã trình lên Nghị viện kế hoạch chi bổ sung 2,5 tỷ USD để đẩy nhanh việc phát triển vắc-xin, hỗ trợ các hoạt động sẵn sàng ứng phó và mua sắm các thiết bị và vật tư cần thiết”, ông Rachel Semmel, người phát ngôn Văn phòng Ngân sách Nhà Trắng cho biết.
Reuters cho hay, theo yêu cầu từ phía chính quyền Trump, 1,5 tỷ USD đến từ các quỹ mới, 1 tỷ USD còn lại được chuyển từ các nguồn ngân sách chưa sử dụng.
“Chúng tôi cần tiền để bảo vệ mọi công dân Mỹ”, phát ngôn viên Nhà Trắng Hogan Gidley nói với Fox News.
Trước đó, CNBC cho hay Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã đặt mua lô hàng nước rửa tay và khẩu trang trị giá 40.000 USD trong trường hợp dịch COVID-19 trở thành đại dịch ở Mỹ. Đến nay, Mỹ ghi nhận 53 ca nhiễm COVID-19.
Video: Hạ nghị sĩ Mỹ: Thiếu minh bạch về dịch COVID-19 của TQ đang làm chậm lại các giải pháp toàn cầu
https://www.dkn.tv/the-gioi/chinh-quyen-trump-yeu-cau-25-ty-usd-de-chong-dich-covid-19.html

Harvey Weinstein nhập viện

sau khi bị kết tội xâm phạm tình dục

Sau khi bị kết tội tấn công tình dục, cựu nhà sản xuất phim Hollywood Harvey Weinstein được đưa lên xe cứu thương chở đến Đảo Rikers, nhưng xe đã đổi hướng đưa ông đến Bệnh viện Bellevue của thành phố New York vì ông bị đau tim và tăng huyết áp, luật sư của ông nói với đài CNN.
Luật sư Donna Rotunno nói với CNN rằng ông Weinstein đã được nhập viện vào tối 24/02 và “sức khỏe ổn.”
Hôm 24/02, ông Weinstein bị một bồi thẩm đoàn ở New York kết tội tấn công tình dục cấp độ 1 đối với một nữ nạn nhân, và phạm tội hiếp dâm cấp độ 3 với một nữ nạn nhân khác, theo Reuters.
Dự kiến ông sẽ được đưa đến trại giam trên Đảo Rikers sau khi xuất viện.
Ông Weinstein, 67 tuổi, đối mặt với án phạt tối thiểu 5 năm tù và tối đa hơn 20 năm tù. Bản án dự kiến sẽ được tuyên vào ngày 11/3.
https://www.voatiengviet.com/a/harvey-weinstein-nhap-vien-sau-khi-bi-ket-toi-xam-pham-tinh-duc/5302925.html

Nghiên cứu của Liên Hợp Quốc:

Cứ 3 người Venezuela thì có 1 người đói ăn

Thiện Lan
Một nghiên cứu được công bố vào ngày 23/2 bởi chương trình lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết, cứ 3 người Venezuela thì có 1 người đang phải vật lộn để có được thức ăn.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 9/2019, dựa trên dữ liệu từ 8.375 bản điều tra, cho thấy, đa số người dân Venezuela sống sót với những bữa ăn chỉ toàn rau củ và đậu do tình trạng siêu lạm phát khiến đồng tiền trở nên mất giá. Tổng cộng có 9,3 triệu người, gần một phần ba dân số Venezuela, phải đối mặt với tình trạng thiếu hoặc thiếu thực phẩm nghiêm trọng.
“Kết quả của báo cáo này cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế và chính trị ở đất nước của chúng tôi”, Miguel Pizarro, một lãnh đạo của phe đối lập Venezuela cho biết.
Cuộc khảo sát cho thấy, 74% các gia đình đã áp dụng các phương thức để đối phó với việc thiếu đồ ăn, như giảm sự đa dạng và chất lượng thực phẩm của họ, 60% đã cắt giảm khẩu phần ăn, 33% chấp nhận thanh toán tiền lương bằng thực phẩm và 20% đã bán tài sản để mua đồ ăn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu lương thực ở Venezuela không phải do nguồn cung bị giảm mà là rất khó khăn để mua được thức ăn. 70% cho biết thực phẩm vẫn có sẵn nhưng quá đắt để mua, 37% báo cáo rằng họ đã mất công việc kinh doanh hoặc việc làm do hậu quả từ suy giảm kinh tế nghiêm trọng ở Venezuela.
Ngoài vấn đề thực phẩm, cuộc khảo sát cũng hỏi về việc tiếp cận điện và nước của người dân Venezuela. Kết quả cho thấy, hàng ngày, cứ trong 10 hộ gia đình thì có 4 hộ bị cắt điện và nước, khiến cho cuộc sống của họ thêm phần khó khăn.
Carolina Fernández, một người ủng hộ nhân quyền ở Venezuela cho biết, cô tin rằng tình hình hiện tại ở Venezuela còn tệ hơn. Mặc dù nhiều gia đình có thể sống sót nhờ kiều hối gửi bởi người thân ở nước ngoài, nhưng điều này giờ đây trở nên khó khăn hơn khi phần lớn nền kinh tế bị đô la hóa và giá cả tăng cao.
“Bây giờ 1 người sống ở nước ngoài không đủ để nuôi sống gia đình”, cô cho biết.
Fernández cho biết tình trạng thiếu lương thực sẽ tác động lâu dài đến thế hệ thanh niên Venezuela đang tuổi trưởng thành.
“Chúng tôi nói về những đứa trẻ sẽ phải gặp những vấn đề lâu dài về sau vì không đủ dinh dưỡng”, cô nói.
Yonni Gutiérrez, 56 tuổi, đang đứng bên ngoài một nhà hàng bán gà nướng ở thủ đô Caracas của Venezuela. Người đàn ông thất nghiệp đến trước cửa nhà hàng bất cứ khi nào có khách rời đi với một túi thức ăn, hy vọng họ có thể chia sẻ cái gì đó. Ông nói rằng trước đây công việc của ông là rửa những chiếc xe tải khi họ bốc dỡ hàng nhưng nay người chủ đã đóng cửa.
“Đôi khi, với một chút may mắn, tôi nhận được một ít đồ ăn từ nhà hàng”, ông chia sẻ.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nghien-cuu-cua-lien-hop-quoc-cu-3-nguoi-venezuela-thi-co-1-nguoi-doi.html

Covid-19: Tổ Chức Y Tế Thế Giới nói đến nguy cơ ”đại dịch”

Trọng Thành
Trong vòng 24 giờ qua, dịch Covid-19 gây thêm nhiều ca tử vong ngoài Trung Quốc, tại Iran, Hàn Quốc và Ý. Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) kêu gọi thế giới chuẩn bị đối phó với nguy cơ ”đại dịch”.
Trong một cuộc họp báo tại Genève hôm qua, 25/02/2020, lãnh đạo WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, kêu gọi : ”Chúng ta phải tập trung vào việc ngăn chặn (dịch), cùng lúc với việc hết sức nỗ lực để chuẩn bị đối phó với một đại dịch có thể xảy ra”. Tổ Chức Y Tế Thế Giới nhấn mạnh đến tình trạng ”rất đáng lo ngại” do số lượng người nhiễm virus tại ba nước Ý, Hàn Quốc và Iran tăng vọt. Nhiều ca lây nhiễm lần đầu tiên được phát hiện tại năm nước Tây Á và vùng Vịnh, là Afghanistan, Bahrein, Koweit, Irak và Oman. Lãnh đạo WHO lưu ý là khả năng khống chế dịch vẫn còn, nhưng triển vọng này ngày càng hẹp lại. Tuy vậy, lãnh đạo WHO lại cho rằng sử dụng cụm từ ”đại dịch” để nói về tình hình hiện tại là không phù hợp.
Theo một số chuyên gia về truyền thông đối phó khủng hoảng, vào thời điểm này, việc sử dụng cụm từ ”đại dịch” là cần thiết. Mục tiêu quan trọng nhất của truyền thông đối phó với khủng hoảng, trong những ngày tới, là giúp cho công chúng hiểu rõ là ”chiến lược ngăn chặn dịch không còn hiệu quả nữa’‘ và để thế giới sẵn sàng cho các biện pháp khác để đối phó với dịch bệnh lan rộng. Đó là giải thích của hai chuyên gia truyền thông Jody Lanard và Peter Sandman, trên trang mạng của nhà virus học Ian Mackay, được Le Monde ngày 24/02 trích dẫn.
Về khả năng phản ứng của WHO đối với Covid-19 ở quy mô đại dịch, Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của WHO hôm qua 24/02, cho biết rõ : theo quy định mới, kể từ năm 2009, định chế quốc tế này không còn sử dụng phân loại cấp độ dịch để tuyên bố ”đại dịch” mà chỉ ra Tuyên bố về Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc tế (Public Health Emergency of International Concern, gọi tắt là PHEIC), như đã đưa ra ngày 30/01/2020, để đối phó với dịch Covid-19 được đánh giá là mức báo động cao nhất.
Việc tuyên bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc tế cho phép các quốc gia có một nền y tế yếu, có cơ hội được hưởng các hỗ trợ để tăng cường hệ thống phòng chống dịch. Đây là lần thứ sáu kể từ năm 2009, WHO ban bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc tế. Theo một số nhà quan sát, việc thừa nhận dịch Covid-19 thành ”đại dịch’‘ có thể thúc đẩy các quốc gia, các định chế quốc tế tăng cường hợp tác chống dịch, và WHO đáng lẽ đã có thể thừa nhận điều này sớm hơn.
Reuters dẫn số liệu của Bắc Kinh về dịch bệnh tại Trung Quốc. Nếu như số lượng người nhiễm mới tiếp tục tăng chậm lại trên toàn quốc, với tổng số 508 ca (tổng cộng 77.658 ca mắc từ đầu dịch), thì số ca nhiễm mới riêng tại tâm dịch Hồ Bắc lại tăng lên. Tuyệt đại đa số ca nhiễm mới là tại Hồ Bắc (499 trên tổng số 509). Ngày hôm qua, thêm 71 người chết vì bị nhiễm Covid-19. Nhiều nhà quan sát ghi nhận, trong những tuần vừa qua, Trung Quốc nhiều lần thay đổi cách tính người nhiễm Covid-19, con số người mắc trên thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Hôm nay, cơ quan hàng không Trung Quốc thông báo, các tuyến bay nội địa tại Trung Quốc đang dần dần được nối lại, ngoại trừ với tỉnh Hồ Bắc.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200225-covid-19-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-y-t%E1%BA%BF-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-n%C3%B3i-%C4%91%E1%BA%BFn-nguy-c%C6%A1-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch

Covid-19: Thứ trưởng Iran lây nhiễm,

WHO chuẩn bị cho đại dịch

Thứ trưởng Y tế Iran, Iraj Harirchi xác nhận ông bị nhiễm virus corona trong diễn biến mới nhất từ quốc gia Hồi giáo Shia.
Các ca dương tính mới nhất đã có ở miền Nam nước Ý, Croatia và Áo.
Cuối ngày 25/02, đã có ca lây nhiễm virus corona ở Thuỵ Sĩ và đất liền Tây Ban Nha sau khi một khách sạn ở đảo Tenerife, Tây Ban Nha cách ly tất cả khách vì có ca nhiễm virus.
Bệnh nhân tại Croatia trở về từ Milan, Ý.
Có thêm một gia đình ở Kirkuk, Iraq bị mắc Covid-19 sau khi đi thăm Iran, quốc gia chính thức có 16 ca tử vong vì virus này, theo tin tức hôm 25/02.
Thứ trưởng Y tế Iran, Iraj Harirchi đã toát mồ hôi và ho ngay tại cuộc họp báo, sau đó một hôm ông xác nhận đã thử qua đêm và bị dương tính với virus corona.
Không rõ những người tiếp xúc với ông tại sự kiện được truyền hình trực tiếp ở Iran nay ra sao.
Thành phố Qom, thánh địa của người Hồi giáo Shia, là nơi các bệnh nhân Iran không có tiếp xúc với người Trung Quốc.
Vì thế, hãng tin IRNA nói quan chức Iran đặt vấn đề có phải “công nhân Trung Quốc làm việc tại Qom về nước họ và đem virus trở lại”.
Bà Minoo Mohraz từ Bộ Y tế Iran nói “nguồn bệnh rất có khả năng là nhóm công nhân TQ tại Qom”, nhưng bà không nêu ra bằng chứng gì cho việc này, theo IRNA.
Sang ngày 25/02, toàn bộ 132 hành khách chuyến bay Turkish Airlines từ Iran trở về đã bị cách ly.
Trong 17 hành khách chuyến bay này mắc virus Covid-19, có 12 người đã đi thăm Qom.
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói thế giới cần làm nhiều việc hơn để chuẩn bị cho khả năng virus corona trở thành đại dịch.
WHO nói còn quá sớm để gọi dịch bệnh này là một đại dịch nhưng các nước nên ở trong giai đoạn “chuẩn bị”.
Người Việt ở Daegu: “Tôi lo đến run cả người”
Covid-19: Thêm người chết, Hàn Quốc căng thẳng đối phó
Virus corona: Người biểu tình Ukraine tấn công xe bus chở người về từ Vũ Hán
Virus corona: Hai người Nhật và một người Hàn tử vong
Một đại dịch là khi một bệnh truyền nhiễm lây lan dễ dàng từ người sang người ở nhiều nơi trên thế giới.
Tiếp tục có thêm các trường hợp nhiễm virus gây bệnh hô hấp Covid-19, trong đó dịch đang bùng phát mạnh ở Hàn Quốc, Ý và Iran, gây lo ngại.
Tuy nhiên, hầu hết các ca nhiễm bệnh đều ở Trung Quốc, nơi khởi phát dịch, và hiện đã có 77.000 người nhiễm bệnh và 2.600 người chết.
Hơn 1.200 trường hợp nhiễm virus đã được thông báo ở 30 nước khác với hơn 20 người thiệt mạng. Ý công bố 4 ca tử vong vào thứ Hai, nâng tổng số chết ở nước này lên 7 người.
Thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm do lo ngại dịch virus corona sẽ gây ảnh hưởng lên nền kinh tế.
Trung Quốc nói họ sẽ hoãn cuộc họp thường niên của Quốc hội vào tháng tới, để “tiếp tục các nỗ lực” chống dịch virus corona.
Quốc hội Trung Quốc, nơi thông qua các quyết định của Đảng Cộng sản nước này, họp hàng năm kể từ 1978.
Tỷ lệ người nhiễm virus Covid-19 tử vong vào khoảng 1%-2%, dù WHO cảnh báo rằng hiện vẫn chưa rõ tỷ lệ tử vong.
Vào thứ Hai, Iraq, Afghanistan, Kuwait, Oman và Bahrain thông báo các ca nhiễm virus corona đầu tiên, tất cả đều liên quan đến những người tới từ Iran. Giới chức ở Bahrain nói bệnh nhân đầu tiên là một người lái xe bus, sau đó vài trường học đã phải đóng cửa.
Các diễn biến khác:
Một số trận bóng đá trong giải A và Europa League của Ý sẽ bị hoãn, bộ trưởng Thể thao Ý cho hay
Giá vàng tăng mức kỷ lục trong vòng 7 năm qua khi virus corona khiến các nhà đầu tư tìm kiếm nơi ‘trú ẩn’ an toàn
Nhóm nhạc pop BTS của Nam Hàn kêu gọi các fan tránh xa các chương trình truyền hình sắp tới – sẽ được ghi âm mà không có khản giả trường quay
Bắc Hàn cách ly 380 người nước ngoài trong nỗ lực ngăn chặn dịch virus corona bùng phát.
Du lịch Hà Nội sau Tết đình trệ vì virus corona
WHO nói gì?
Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng số ca nhiễm mới trong những ngày gần đây ở Iran, Ý và Hàn Quốc gây “lo ngại sâu sắc”.
Tuy nhiên ông này nói thêm: “Ngay lúc này chúng ta không thấy sự lây lan toàn cầu không kiểm soát của virus này và chúng ta cũng không thấy các ca bệnh nặng hay tử vong ở quy mô lớn.
“Virus này có khả năng trở thành đại dịch hay không? Hoàn toàn có thể. Chúng ta đã ở trong đại dịch chưa? Từ đánh giá của chúng tôi, chưa.”
“Thông điệp chính có thể mang lại hi vọng, lòng dũng cảm, và sự tự tin cho mọi quốc gia là virus này có thể kiểm soát được. Thật vậy, rất nhiều quốc gia chính xác đã làm được điều đó,” ông Tedros nói.
“Dùng chữ “đại dịch” bây giờ không phù hợp với thực tế nhưng có điều chắc chắn là nó sẽ gây sợ hãi.”
Nhưng Mike Ryan, giám đốc chương trình sức khỏe khẩn cấp của WHO nói bây giờ là thời điểm để “làm mọi thứ có thể để chuẩn bị cho một đại dịch”.
‘Đại dịch’ chỉ là một từ
Phân tích của James Gallagher
Virus corona có phả là một đại dịch không? Hiện nay WHO nói là không. Họ viện lẽ rằng con số các nước có dịch, mức độ nghiêm trọng của bệnh, và tác động lên xã hội chưa chạm mức đại dịch.
Nhưng một số nhà khoa học – cùng đánh giá chung một bức tranh – cho rằng chúng ta đã ở trong đại dịch, và một số khác nói chúng ta đang ở trong đỉnh dịch. Dịch bệnh bùng phát ở Nam Hàn và số ca chết ở Iran và Ý làm dấy lên lo ngại trong vài ngày qua.
Các ca tử vong cho thấy số ca nhiễm thực tế ở hai nước này có thể nhiều hơn số ca được báo cáo, và rằng virus corona đã hiện diện ở đó một thời gian rồi.
Nhưng về cơ bản, từ ‘đại dịch’ chỉ có vậy – một từ – nó sẽ không rót thêm tiền hay cho WHO thêm các quyền lực mới. WHO đã đưa ra cảnh báo cao nhất có thể, bằng cách công bố virus này là một tình huống khẩn cấp toàn cầu.
Các triệu chứng?
Các dấu hiệu chính khi nhiễm virus corona là sốt (nhiệt độ cao) và ho, hơi thở ngắn, khó thở.
Tôi nên làm gì?
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, gel, tránh tiếp xúc gần với những người bị ốm, đừng chạm lên mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay.
Khi ho và hắt hơi, nên dùng khăn giấy, sau đó vứt khăn giấy đi và rửa tay.
‘Đại dịch’ nghĩa là gì?
Một đại dịch là một dịch bệnh mới lan rộng toàn cầu
Dịch cúm heo H1N1, khiến hàng ngàn người chết, được WHO công bố là đại dịch năm 2009
WHO không còn chính thức gọi một dịch bệnh bùng phát là một ‘đại dịch’ nhưng nói rằng thuật ngữ này có thể được sử dụng ‘không chính thức’
WHO khuyên các nước – để kiểm chế lây nhiễm trong khi chuẩn bị cho tình huống dịch lan rộng – duy trì như hiện nay
Các nước bị ảnh hưởng nặng nhất?
Nam Hàn - là nước có số ca nhiễm virus corona nhiều nhất bên ngoài Trung Quốc – với 231 ca nhiễm được báo cáo vào thứ Hai, nâng tổng số nhiễm ở nước này lên 830. Tám người đã chết.
Khoảng 7.700 lính đã bị cách ly sau khi 11 người bị phát hiện nhiễm virus corona.
Nhưng ổ dịch lớn nhất liên quan tới một bệnh viện và một cộng đồng tôn giáo gần phía đông nam thành phố Daegu.
Ý là nước có số ca nhiễm nhiều nhất châu Âu, 229, và đã thông báo hàng loạt biện pháp quyết liệt vào cuối tuần để kiểm soát dịch bệnh.
Ở Lombardy và Veneto, một vài thị trấn nhỏ đã bị cô lập. Trong hai tuần tới, 50.000 dân sẽ không được rời chỗ ở mà không được chính quyền cho phép.
Thậm chí ở ngoài khu vực này, nhiều doanh nghiệp và trường học đã phải tạm ngưng các hoạt động, và các sự kiện thể thao đã bị hủy bỏ.
Ba ca tử vong được xác nhận hôm thứ Hai, tất cả đều ở Lombardy, truyền thông Ý cho hay.
Hiện chưa rõ virus corona vào nước này như thế nào, giới chức địa phương nói.
Ở Trung Quốc, chính phủ thông báo lệnh cấm tiêu thụ động vật hoang dã cũng như săn bắn, vận chuyển và buôn bán các loài bị cấm, truyền thông nhà nước cho hay.
Dịch virus corona được cho rằng khởi phát từ một chợ động vật hoang dã ở Vũ Hán.
Trung Quốc thông báo 508 ca mắc mới hôm thứ Hai, so với 409 hôm Chủ Nhật, hầu hết đều ở Vũ Hán. Bên ngoài Hồ Bắc – thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất – số ca mắc mới tiếp tục giảm, theo giới chức địa phương.
Số ca chết ở Trung Quốc tăng thêm 71, đưa tổng số thiệt mạng lên 2.663.
Hoàn Cầu Thời báo nói các nhà khoa học TQ đã tìm ra vaccine để uống, và một giáo sư ĐH Thiên Tân dùng thử bốn liều mà không bị hiệu ứng phụ.
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu trên thế giới nói cần phải có thử nghiệm đúng quy trình, đầy đủ thời gian, thì mới biết vaccine mới có an toàn hay không, rồi mất hàng tháng mới có thể đem ra cho sử dụng rộng rãi.
Hong Kong lại vừa gia hạn thời gian đóng cửa trường học đến tận 20/04.
Iran hôm Chủ Nhật xác nhận 61 ca nhiễm virus, hầu hết đều ở thành phố thánh Qom. 12 người trong số này đã chết – con số người chết lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.
Hôm thứ Hai, một nghị sỹ ở Qom cáo buộc chính phủ đã cố che dấu mức độ dịch bệnh, rằng đã có 50 người chết trong thành phố. Tuy nhiên, thứ trưởng y tế nước này nhanh chóng phủ nhận.
Anh: Bộ trưởng Y tế Matt Hancock yêu cầu ai trở về Anh từ vùng phía Bắc của Pisa, Ý cần tự cách ly 14 ngày nếu có triệu chứng sốt, ho.
Công dân Anh cũng được yêu cầu phải tự cách ly và thông báo với giới chức y tế nếu trở về từ các thị trấn, thành phố hiện bị cách ly của Ý.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51624384

Virus corona : Phải chăng

cách ly là biện pháp tốt nhất để tránh lây lan ?

Đức Tâm
Kể từ khi dịch virus corona mới (Covid-19) bùng phát, một trong những biện pháp được áp dụng mạnh mẽ tại những nơi có dịch, đó là cách ly. Thực ra, biện pháp này đã có từ thời Trung Cổ nhằm phòng ngừa dịch bệnh, nhưng hiệu quả vẫn gây nhiều tranh luận.
Một biện pháp đã có từ thế kỷ 14
Cựu Kinh Ước có nói đến việc cách ly, xa lánh người bị bệnh hủi. Nhưng các biện pháp cách ly đầu tiên phòng chống dịch hạch – Cái chết đen (Peste noire) được sử sách ghi lại là vào thế kỷ 14 và 15, áp dụng đối với các tàu bè từ vùng có dịch trở về. Theo báo Le Monde, lần đầu tiên, biện pháp cách ly được thực hiện tại Dubrovnik, Croatia, năm 1377, rồi tại Venizia, Ý, kể từ năm 1423. Thời gian cách ly là 30 ngày, sau tăng lên thành 40. Ngay từ thời đó, hầu như tất cả các cảng lớn tại châu Âu đều có những cơ sở, khu vực, để cách ly những người từ vùng dịch tới.
Đồng thời, việc lập « vành đai y tế » cũng phát triển nhằm kiểm soát, ngăn chặn, hạn chế việc ra vào vùng có dịch. Năm 1665, tại Anh Quốc, khu làng nhỏ bé Eyam, có khoảng từ 400 đến 700 dân, có dịch hạch. Người dân ở đây đã quyết định tự cách ly, lập « vành đai y tế » -  nội bất xuất, ngoại bất nhập – để ngăn ngừa dịch lây lan ra toàn vùng.
Ở vùng đông nam Pháp, năm 1721, một bức tường dài 27 km đã được dựng lên để bảo vệ « bá quốc Venessin » – nay thuộc vùng Vaucluse – ngăn ngừa dịch hạch đang hoành hành ở Marseille và Provence.
Để thực hiện các biện pháp này, chính quyền thời đó không ngần ngại sử dụng vũ lực. Năm 1821, Paris điều 30 ngàn quân tới khu vực biên giới chung với Tây Ban Nha để ngăn chặn dịch sốt vàng (fièvre jaune) lây lan sang Pháp.
Cách ly chỉ có hiệu quả tương đối
Đương nhiên, việc khoanh vùng, cách ly, hạn chế hoặc cấm di chuyển sẽ có hiệu quả tức thời trong việc ngăn chặn dịch lây lan. Tuy vậy, theo ông Patrick Zylberman, sử gia về ngành y tế, giáo sư danh dự trường Cao đẳng Y tế công, nhấn mạnh, hiệu quả còn tùy thuộc vào sự phản ứng nhanh chóng của cơ quan chức năng trong việc tiến hành cách ly. Nếu triển khai nhanh, thì có thể làm chậm, giảm mức độ lây lan, qua đó, giảm tỉ lệ tử vong.
Trong một số trường hợp, việc cách ly có thể gây ra những hậu quả tai hại hơn. Khi để cho những người không nhiễm virus sống chung với những người tuy không có triệu chứng nhưng lại nhiễm virus có thể làm tăng nhanh việc lây truyền bên trong khu cách ly.
Ngoài ra, biện pháp cách ly có thể gây ra hoảng loạn và làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Ví dụ như trường hợp một số khu phố ở thủ đô Monrovia, Liberia, bị cách ly để ngăn ngừa dịch virus Ebola, năm 2014. Xô xát giữa người dân và quân đội đã làm nhiều thường dân tử vong. Cách ly còn làm cho nhiều bệnh nhân tránh, không muốn gặp y bác sĩ để che giấu các triệu chứng vì họ không muốn bị cô lập.
Cách ly để thể hiện quyết tâm chính trị, nhưng ít hiệu quả y tế
Trong quá khứ, một số trường hợp cách ly đã dẫn đến rối loạn xã hội, đình đốn kinh tế. Ví dụ, năm 2003, dịch viêm phổi cấp tính không điển hình SARS tại Trung Quốc đã dẫn các cuộc biểu tình, nổi loạn ở vùng Nam Kinh (Nankin) và Thượng Hải, do các biện pháp cách ly quá phũ phàng, không có trợ giúp những người bị cách ly, không cung cấp đầy đủ lương thực và chăm sóc, chữa trị thuốc men cho họ.
Khi xẩy ra dịch Ebola, ở vùng Tây Phi (2013-2016), chính quyền các nước đã nhiều lần ra lệnh đóng cửa biên giới, tiến hành cách ly, phong tỏa. Tháng 09/2014, khoảng 6 triệu dân Sierra-Leone đã buộc phải ở trong nhà 3 ngày liền. Biện pháp này lại được áp dụng hồi tháng 03/2015. Theo chuyên gia Patrick Zylberman, việc cách ly như vậy không hề có hiệu quả. Nhưng chính phủ cần phải tỏ ra là họ đang hành động.
Liệu có thể áp dụng cách ly tập thể tại Pháp hay không ?
Về mặt chính thức, có nghị định cho phép các tỉnh trưởng (đại diện của Nhà nước ở địa phương – Prefet) được quyền tuyên bố phong tỏa khi có mối đe dọa y tế nghiêm trọng. Thế nhưng, trên thực tế, nước Pháp chưa bao giờ áp dụng biện pháp này. Năm 1955, xã Vannes, trong vùng Morbihan, suýt nữa bị cách ly do dịch đậu mùa hoành hành. Thế nhưng, chính quyền đã quyết định phải tiêm chủng bắt buộc. Trong vòng 6 ngày, khoảng 70% cư dân ở đây đã được tiêm chủng, nhờ vậy xã này tránh được tình trạng bị cách ly.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200225-virus-corona-ph%E1%BA%A3i-ch%C4%83ng-c%C3%A1ch-ly-l%C3%A0-bi%E1%BB%87n-ph%C3%A1p-t%E1%BB%91t-nh%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BB%83-tr%C3%A1nh-l%C3%A2y-lan

Tại sao thế giới không cảm thương cho Trung Quốc

trong nạn dịch virus corona ?

Thụy My
Vì sao toàn thế giới xúc động và cảm thương cho Paris khi Nhà thờ Đức Bà bị cháy, mà lại không khóc cho những người bệnh ở Vũ Hán ? – Le Monde đặt câu hỏi. Tệ hơn nữa, từ khi xảy ra nạn dịch virus corona, sự kỳ thị người Trung Quốc lại công khai ở khắp nơi trên thế giới.
Tại châu Á, người ta mỉa mai « những kẻ ăn thịt dơi nay phải trả giá ». Ở châu Âu, người ta tránh xa người Hoa trên các phương tiện vận chuyển công cộng. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thậm chí còn tỏ ra hớn hở khi Bắc Kinh bị khốn đốn, nói rằng nạn dịch sẽ kích thích các công ty đưa sản xuất trở về Hoa Kỳ.
Bắc Kinh đang thua trong cuộc chiến truyền thông
Tuy có vẻ bất công, nhưng các phản ứng này chứng tỏ chính quyền Trung Quốc đang bị thua trong cuộc chiến truyền thông. Đúng hơn là nhiều cuộc chiến, cả với bên ngoài lẫn trong nội bộ.
Năm 2008, khi xảy ra vụ động đất ở Tứ Xuyên, người Hồng Kông là những mạnh thường quân hào phóng nhất để giúp tái thiết vùng bị nạn. Còn năm 2020, đông đảo nhân viên y tế Hồng Kông lại đình công đòi đóng cửa biên giới với Hoa lục.
Ngay cả những nước tham gia vào « Con đường tơ lụa mới » do ông Tập Cận Bình lăng-xê năm 2013 để thiết lập một mạng lưới các Nhà nước bạn bè trên thế giới, như Kazakhstan hay Philippines, lại đóng sập cửa với Trung Quốc. Bắc Triều Tiên dù lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc cũng nhanh nhẩu đóng chặt biên giới.
Le Monde ghi nhận Ý, quốc gia đầu tiên thuộc nhóm G7 tham gia « Con đường tơ lụa », nay coi du khách Trung Quốc như hủi, ngay cả trước khi nạn dịch lan sang. Ý cũng là nước châu Âu đầu tiên mau mắn cho ngưng tất cả các chuyến bay đi và đến Hoa lục ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước dịch virus corona. Nga thì cho đóng cửa biên giới, trục xuất những người nhiễm bệnh – điều mà Matxcơva đã không làm trong dịch SARS năm 2003.
Trung Quốc lên án thái độ này, nhưng liệu còn có thể làm gì hơn ? Tất cả các quốc gia trên đều chỉ lặp lại những gì mà Bắc Kinh đã áp đặt cho Hồ Bắc : cô lập những vùng đang bị con virus hoành hành. Trung Quốc đối với thế giới cũng như Hồ Bắc đối với Trung Quốc.
Làm áp lực với WHO, nhưng rốt cuộc tình trạng khẩn cấp đã được tuyên bố
Thất bại của Bắc Kinh thấy rõ trên lãnh vực ngoại giao. Trung Quốc đã làm áp lực dữ dội lên Tổ chức Y tế Thế giới để WHO không tuyên bố tình trạng khẩn cấp hôm 23/1, đặt chính trị lên trên khoa học dù có những tranh cãi kịch liệt. Rốt cuộc trước sự phản đối của các nhà chuyên môn do Pháp dẫn đầu, một tuần sau đó Bắc Kinh đành phải chấp nhận xuôi tay : Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước dịch bệnh trên toàn thế giới hôm 30/1.
Trong khi trước đó hai ngày, tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus trong chuyến thăm Bắc Kinh không hề có một lời chỉ trích chính quyền Trung Quốc, mà ngược lại còn hoan nghênh « sự minh bạch » và « nhanh chóng » hành động của ông Tập !
« Minh bạch » ? Cũng trong cùng ngày hôm ấy, 28/1, người ta biết được rằng hôm 1/1 Bắc Kinh đã bắt tám bác sĩ ở Vũ Hán vì đã cảnh báo về nạn dịch, dám so sánh con virus mới với SARS. Trên trang change.org, kiến nghị đòi ông Tedros từ chức đến hôm nay 25/02/2020 đã thu thập được gần 400.000 chữ ký.
Và rõ ràng là chính quyền Bắc Kinh đã làm mất đi ba tuần lễ quyết định trong cuộc chiến chống virus corona. Tuy có nhanh hơn so với năm 2003, khi đó Trung Quốc che giấu sự trầm trọng của dịch SARS trong suốt ba tháng trời. Tuy nhiên từ đó đến nay, số người ngoại quốc đến Hoa lục đã tăng lên gấp ba lần, còn số lượng người Trung Quốc đi ra nước ngoài cũng tăng gấp bảy lần. Thế nên tốc độ lan tràn của virus nhanh chóng hơn rất nhiều.
Đọc thêm: Trung Quốc : Một đế quốc tử chiến với một con virus
Một dấu hiệu nữa cho thấy Trung Quốc coi trọng ngoại giao hơn vấn đề dịch tễ, là Bắc Kinh tiếp tục ngăn trở, không cho Đài Loan được gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới, tuy Đài Loan bị ảnh hưởng khá nặng bởi con virus, và các bác sĩ xứ Đài rất giỏi. Việc loại Đài Loan cho bằng được đã bị các nhà lãnh đạo Canada và Nhật Bản lên án, chứng tỏ Trung Quốc luôn chủ trương dùng sức mạnh thay vì hợp tác.
Sau khi WHO quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp, bộ Ngoại Giao Trung Quốc liền ra thông cáo nói rằng sẽ tiếp tục làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới và các nước khác. Tuy nhiên hành động đi ngược với lời nói. Bắc Kinh lại tiếp tục giọng điệu chống phương Tây, tố cáo báo chí thế giới tự do bài Hoa quá đáng.
Giấu thông tin, đàn áp khiến bất bình lan tỏa tại Hoa lục
Sự thất bại trong việc áp đặt quan điểm của mình, và thậm chí không thể tạo ra phong trào liên đới với Trung Quốc trong nạn dịch, còn phản ánh sự bất lực của chính quyền trong việc tạo ra tình đoàn kết dân tộc xung quanh đảng Cộng Sản.
Tuy người dân Trung Quốc chấp nhận các biện pháp nghiêm ngặt hạn chế di chuyển, nhưng nhiều người chỉ trích thời gian vàng bị đánh mất. Mãi đến ngày 20/1, chính quyền Trung Quốc mới chịu nhìn nhận rằng con virus corona chủng mới có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên ngay từ hôm 25/12/2019 các bác sĩ đã nêu ra khả năng này. Và đến hôm 01/01/2020 chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, được cho là nơi xuất phát dịch bệnh, mới bị đóng cửa, nhưng với danh nghĩa là để « sửa chữa ». Trong khi vào lúc đó, rất nhiều người làm việc tại chợ này đã bị cách ly.
Thời điểm cận Tết âm lịch, cộng với các đại hội của tổ chức đảng địa phương và chuẩn bị cho cuộc họp Quốc Hội ở Bắc Kinh vào đầu tháng Ba, việc phải báo cáo những tin xấu lên trung ương là cơn ác mộng của các quan chức địa phương. Vũ Hán còn muốn gây ấn tượng với việc tổ chức buổi tiệc khổng lồ trên 40.000 người tham dự hôm 19/1, nếu hủy bỏ vào phút chót coi như ký vào bản án tử.
Những điều đó nay người dân đều đã biết hết, cũng như việc Tập Cận Bình im lặng trong một thời gian dài, đẩy thủ tướng Lý Khắc Cường ra tiền tuyến. Khác với các nhà lãnh đạo thời trước như Ôn Gia Bảo, ông Tập không tìm ra từ nào để an ủi người dân trong các cuộc khủng hoảng. Trái lại, ông lại nặng tay hơn trong việc trấn áp những tiếng nói chỉ trích trên mạng. Vụ bác sĩ Lý Văn Lượng, người cảnh báo sớm sủa nạn dịch bị bắt và sau đó bị chết vì con virus corona, đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ chưa từng thấy tại Hoa lục.
Cường quốc không bạn bè
Trên trường quốc tế « Chính trong những thời điểm khó khăn mà người ta biết được ai là bạn thực sự. Và Trung Quốc nhận ra rằng họ chẳng có bao nhiêu bạn bè » - Le Figaro trích lời một nhà ngoại giao cấp cao tại Bắc Kinh.
Chỉ có nhà độc tài Hun Sen đang trị vì Cam Bốt, nước chư hầu của Trung Quốc đến Bắc Kinh để bắt tay Tập chủ tịch, bày tỏ lòng trung thành. Tờ báo cũng tiết lộ ông Hun Sen còn đưa quý tử Hun Manet, tổng tư lệnh quân đội Cam Bốt trình diện « thiên triều ». Đó là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới đến Trung Quốc trong thời dịch bệnh, nhưng có lẽ để cầu cạnh nhằm kéo dài triều đại.
Sao Bắc Kinh lại cô đơn đến vậy ?
Mạng xã hội từng tràn ngập nến, hoa, và những dòng chữ « Cầu nguyện cho Paris », chia sẻ những hình ảnh về công trình nổi tiếng 800 năm tuổi đang bốc cháy giữa thủ đô nước Pháp. Hay là cầu nguyện cho Amazon, cho nước Úc…trong thảm họa cháy rừng, cho những nạn nhân các vụ khủng bố tại nhiều nơi trên thế giới. Nhưng còn Vũ Hán, với hàng loạt người bệnh ngã gục, các đại đô thị như Thượng Hải trở thành thành phố ma…sao không có phong trào liên đới nào ?
Đọc thêm: Virus corona làm Thượng Hải chìm vào hôn mê
Dư luận đồng cảm với các nạn nhân của dịch bệnh tại Hoa lục, nhưng không phải với chính quyền độc đoán của họ.
Không ít người tự hỏi, phải chăng nhân nào quả nấy. Năm 2013 có đến 10.000 người Philippines thiệt mạng trong siêu bão Hải Yến (Haiyan). Một số nước hứa tặng hàng chục triệu đô la, Indonesia cũng thường bị thiên tai cũng hỗ trợ đến một triệu đô la, nhưng Bắc Kinh thông báo chỉ giúp Manila có 100.000 đô la ! Bằng đúng số tiền của một nước nghèo và cũng bị ảnh hưởng của trận bão này như Việt Nam. Thời điểm đó, Philippines dưới sự lãnh đạo của tổng thống Benigno Aquino có thái độ kiên quyết trước việc Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông.
Về kinh tế, phải chăng qua nạn dịch này chính phủ và doanh nghiệp các nước đã nhận ra mối nguy khi lệ thuộc vào một nhà nước toàn trị thiếu minh bạch, và ngày càng muốn xa lánh.
Phải chăng việc ỷ mạnh hiếp yếu bắt nạt các nước nhỏ, dùng thủ đoạn để cạnh tranh, chèn ép về kinh tế, đánh cắp công nghệ…lâu nay đã gây nhiều bất bình, nay mới bộc lộ. Một nhà nước chạy đua lên không gian, tranh giành vị trí siêu cường hàng đầu với Mỹ nhưng để dân chết như rạ vì dịch bệnh, bắt bớ các nhà báo công dân đưa tin về Vũ Hán…đã làm cho hình ảnh Trung Quốc ngày càng xấu xí hơn trước thế giới.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200225-t%E1%BA%A1i-sao-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-kh%C3%B4ng-c%E1%BA%A3m-th%C6%B0%C6%A1ng-cho-trung-qu%E1%BB%91c-trong-n%E1%BA%A1n-d%E1%BB%8Bch-virus-corona

Dịch COVID – 19:

Nhiều nước cấm người từ Hàn Quốc nhập cảnh

Với số ca nhiễm COVID – 19 đang tăng lên từng ngày ở Hàn Quốc, một số quốc gia trên thế giới đã cấm người nhập cảnh từ Hàn Quốc.
Hiện Hàn Quốc là nước có số ca nhiễm virus COVID-19 nhiều thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, với 893 trường hợp nhiễm bệnh; có 9 người tử vong, 6 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch và 22 bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ghi nhận thêm khoảng 60 ca nhiễm virus Corona chủng mới trong sáng 25-2, nâng tổng số trường hợp nhiễm ở nước này lên 893, theo Yonhap. Số ca nhiễm mới thấp hơn mức tăng vọt 161 trường hợp một ngày trước đó.
Nạn nhân thứ 9 là một phụ nữ nhập viện tại thị trấn Chilgok (Bắc Gyeongsang) do bị viêm phổi ngày 24-2 và được xét nghiệm dương tính với virus Corona ngày 25-2 rồi sau đó tử vong vì suy hô hấp, KCDC cho biết.
Báo The Korea Herald dẫn các nguồn tin cho biết đã có sáu quốc gia và lãnh thổ ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ Hàn Quốc, bao gồm Jordan, Israel, Bahrain, Kiribati và vùng lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ.
Mỹ cũng đặt hoạt động đi lại đến Hàn Quốc ở mức báo động thứ hai (trong thang bốn mức báo động) và kêu gọi công dân của mình “thận trọng hơn” trong quyết định đến Hàn Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/as-infected-cases-increase-countries-impose-entry-ban-on-arrivals-from-south-korea-02252020075106.html

Virus corona: Cần làm gì nếu đi Ý?

Quan hệ tình dục có sao không?

Cho đến nay đã có hơn 78.000 trường hợp nhiễm virus corona mới, trong đó 77.000 người ở Trung Quốc.
Bệnh dịch đã lan ra tới 30 quốc gia, và được tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, với khoảng 2.600 người đã tử vong.
Virus corona: Số ca tăng toàn cầu, ‘tái nhiễm’ có thật không?
Đeo khẩu trang có chống được virus corona không?
Virus corona: Những triệu chứng và cách phòng tránh cần biết
Nhóm phóng viên chuyên về tin thời sự y tế của BBC trả lời các câu hỏi mà độc giả gửi về liên quan tới bệnh dịch này, BBC News Tiếng Việt trích giới thiệu dưới đây:
Hỏi: Tôi là công dân Anh sống tại Ý, tôi cần cảnh giác điều gì? câu hỏi của Alex Darlbosco, Milan
Một số thị trấn tại các vùng Veneto và Lombardy ở miền bắc nước này đã được đặt trong tình trạng kiểm dịch, và lễ hội hóa trang Carnival vùng Venice đã bị cắt ngắn.
Khoảng 50.000 người sẽ không được phép ra vào các vùng bị ảnh hưởng trong thời gian hai tuần tới, nếu không có giấy phép đặc biệt.
Với những người sống tại Ý và nhiều ngàn người đi tới nước này, một số bước cần thực hiện để hạn chế nguy cơ nhiễm virus corona.
Virus lây lan thông qua tiếp xúc giữa người với người, qua nước bọt bắn ra khi ho.
Do vậy, điều quan trọng là phải rửa tay thường xuyên bằng nước tẩy có cồn hoặc nước ấm và xà phòng, và tránh đưa tay lên sờ mặt.
Thêm nữa, bạn cần tránh tiếp xúc với những người bị ho, hắt hơi hoặc bị sốt.
Bất kỳ ai nghĩ rằng mình có thể đã bị dính virus corona cần phải báo cho bác sỹ biết ngay qua điện thoại.
Hỏi: Virus corona có lây lan mạnh hơn không so với cúm? Merry Fitzpatrick, Sydney, Úc
Hiện vẫn có quá sớm để so sánh trực tiếp, nhưng chúng tôi biết rằng cả hai loại virus này đều có khả năng lây nhiễm cao.
Tính trung bình, những người nhiễm virus corona sẽ làm lây cho hai đến ba người khác, trong lúc những người bị cúm sẽ lây cho một người.
Tuy nhiên, những người bị cúm có xu hướng bị lây nhiễm cho người khác nhanh chóng hơn, cho nên cả hai loại virus đều lây lan nhanh chóng.
Hỏi: Virus này có thể bị các loài động vật hoang dã làm lây lan không? Robert Scammell, Fareham, Hampshire, Anh
Hầu như chắc chắn là đợt bùng phát virus corona này khởi phát ban đầu ở Trung Quốc là có nguồn gốc từ động vật.
Các vụ đầu tiên được truy ra là từ chợ Hoa Nam có bán hải sản, thú vật, gia cầm cùng động vật hoang dã tươi sống như dơi và rắn.
Tuy nhiên, hiện có nghi vấn rằng chỉ một con vật khó có thể là vật chủ gây lây bệnh sang cho người.
Với những người sống ở Anh Quốc thì cơ hội bị lây virus từ động vật sang là cực kỳ thấp.
Chúng ta hiện đang trong giai đoạn khác của bệnh dịch, với các trường hợp lây nhiễm từ người sang người. Đây là mối đe dọa thực sự.
Hỏi: Virus corona có thể lây truyền qua những thứ như tay nắm cửa hay không, và nó có thể sống trên bề mặt đó được bao lâu? Jean Jimenez, Panama
Nếu người bị nhiễm bệnh dùng tay để che khi họ, rồi lại dùng tay chạm vào vật khác, thì họ có thể sẽ làm cho virus dính vào bề mặt mà họ chạm vào. Tay nắm cửa là bề mặt lý tưởng để lây lan theo hình thức này.
Người Việt ở Daegu: “Tôi lo đến run cả người”
Virus corona tiết lộ vô số cách thế giới e sợ Trung Quốc
Virus corona: Các nạn nhân đáng chú ý tại Vũ Hán
Hiện chưa rõ virus corona chủng mới này có thể sống bao lâu trên các bề mặt như thế. Các chuyên gia cho rằng nó tồn tại được vài giờ chứ không phải vài ngày, nhưng tốt nhất là hãy rửa tay thường xuyên để giúp giảm thiểu nguy cơ làm lây lan virus.
Hỏi: Khí hậu và nhiệt độ có ảnh hưởng tới việc truyền nhiễm virus corona không? Ariyana, Märkisch-Oderland, Đức
Chúng ta vẫn chưa hiểu rõ loại virus này. Hiện chưa rõ liệu nhiệt độ thay đổi theo mùa có ảnh hưởng tới mức độ lây lan của nó hay không.
Một số loại virus khác, như cúm, thì lây lan theo mùa với khả năng bị bệnh cao nhất trong các tháng lạnh.
Có một số nghiên cứu nói rằng hội chứng Mers – một loại virus khác cùng họ với virus corona – bị ảnh hưởng bởi các điều kiện khí hậu, và trở nên phổ biến hơn trong các tháng ấm nóng.
Hỏi: Bạn có thể dính virus không nếu ăn đồ ăn do người đã nhiễm virus này chuẩn bị? Sean McIntyre, Brisbane, Úc
Một số người bị virus corona có khả năng sẽ làm lây sang người khác nếu thức ăn do họ chuẩn bị không được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Virus corona có thể lây lan qua nước bọt bắn dính trên tay. Rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào đồ ăn, trước khi ăn uống sẽ có tác dụng tích cực trong việc chặn lây lan.
Hỏi: Một khi đã từng nhiễm virus corona, ta có trở nên miễn dịch không? Denise Mitchell, Bicester, Oxfordshire, Anh
Khi khỏi bệnh, cơ thể ta sẽ vẫn còn một chút ký ức về cách chống lại bệnh dịch nếu như lại bị virus tấn công trở lại. Tuy nhiên, sự miễn dịch này không phải lúc nào cũng kéo dài vĩnh viễn hoặc hoàn toàn hiệu quả, và có thể suy giảm theo thời gian. Hiện chưa rõ khả năng miễn dịch được duy trì trong bao lâu sau khi nhiễm rồi khỏi bệnh.
Hỏi: Virus corona có lây lan qua đường tình dục không? David Cheong, Singapore
Chưa rõ liệu đây có phải là tuyến lây nhiễm mà chúng ta cần quan ngại hay không. Hiện nay, ho và hắt hơi được cho là nguồn lây lan chính.
Hỏi: Những người bị nhiễm virus corona có bình phục hoàn toàn không? Chris Stepney, Milton Keynes, Anh
Có. Nhiều người nhiễm virus corona sẽ chỉ bị các triệu chứng nhẹ, và hầu hết được trông đợi là sẽ bình phục hoàn toàn.
Tuy nhiên, nó gây nguy hiểm cao hơn đối với người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tật như tiểu đường, hoặc ung thư, hoặc có hệ thống miễn dịch yếu.
Một chuyên gia tại Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nói có thể mất một tuần để phục hồi đối với những người bị các triệu chứng virus corona nhẹ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51614324

Dịch COVID-19 làm dấy lên nghi vấn

về quan hệ của TQ với WHO

Phần lớn các nhà quan sát, bao gồm nhiều người đã từng làm việc cho WHO trước đây, đều nhất trí rằng tổ chức này đã “quá bị chính trị hoá, quá quan liêu, quá bị thống trị bởi ban tham mưu thường chỉ tìm kiếm các giải pháp y tế cho những vấn đề mang tính kinh tế và xã hội, quá e dè trong việc tiếp cận các vấn đề dễ gây tranh cãi, quá tải và quá chậm chạp trong thích ứng với sự thay đổi.”
Ngày 28/1, ngồi cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hết lời khen ngợi cách ứng phó của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng virus corona.
“Chúng tôi đánh giá cao thái độ nghiêm túc của Trung Quốc trong việc phản ứng với đợt bùng phát dịch bệnh này, đặc biệt là cam kết từ giới lãnh đạo cấp cao, họ đã thể hiện sự minh bạch,” ông Tedros nói.
Đó là sự kiện diễn ra vào cuối tháng 1, ông Tập đã phải ra mặt sau khi các quan chức địa phương thất bại trong việc khống chế dịch bùng phát ở tỉnh Hồ Bắc.
Trung Quốc đã hành động nhanh chóng sau khi ông Tập can thiệp, phong tỏa nhiều thành phố lớn và rót nhiều nguồn lực vào việc chống virus, đồng thời vẫn tiếp tục duy trì thắt chặt kiểm soát thông tin trên mạng một cách hà khắc.
Khi hai người gặp nhau ở thủ đô Trung Quốc, các ca bệnh tiếp tục tăng mạnh. Sự việc các quan chức ở tỉnh Hồ Bắc và Vũ Hán tìm cách che giấu thông tin và hạ thấp tầm quan trọng của virus cũng được tiết lộ cho dư luận.
Ngày hôm sau, WHO tuyên bố tình trạng y tế công cộng toàn cầu, và một lần nữa ông Tedros lại ca ngợi cách ứng phó của Bắc Kinh.
Lời khen của WHO về phản ứng của Trung Quốc đã dẫn đến các chỉ trích về mối quan hệ giữa hai thực thể này. Hoạt động của WHO vốn dựa trên nguồn đóng góp và sự hợp tác với các thành viên, đã dành cho các quốc gia thành viên giàu có như Trung Quốc những “ưu tiên” đáng kể. Một trong những ví dụ khá rõ ràng về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với WHO là việc nước này đã thành công trong việc ngăn chặn Đài Loan gia nhập WHO, điều có thể mang đến những hậu quả thực tiễn đối với người dân Đài Loan nếu virus lan rộng ở hòn đảo này.
Lập trường của WHO đối với Trung Quốc đã làm dấy lên câu hỏi về việc liệu WHO, tổ chức được thành lập 72 năm về trước, có sự độc lập thích đáng để có thể làm tốt chức trách của họ hay không. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã không trả lời những câu hỏi về quan hệ của Bắc Kinh với WHO.
“Tôi biết WHO vấp phải nhiều áp lực khi chúng tôi đánh giá cao điều Trung Quốc đang làm, nhưng chúng tôi không sợ nói ra sự thật cho dù có nhiều áp lực,” Tổng Giám đốc WHO nói. “Chúng tôi không nhân nhượng vô nguyên tắc bất cứ ai. Đó là sự thật.”
Ông Tedros nói thêm rằng những ghi nhận của WHO đều “đạt chuẩn” và ông kêu gọi thế giới hãy công nhận những gì Trung Quốc đang làm, “hãy giúp đỡ họ và thể hiện tình đoàn kết.”
Trộn lẫn y tế và chính trị
WHO được thành lập năm 1948 dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc với vai trò hợp tác các chính sách y tế quốc tế, đặc biệt về dịch bệnh lây lan. Kể từ đó, tổ chức này đã đạt được khá nhiều thành tích, trong số bao gồm việc xóa bỏ bệnh đậu mùa và giảm 99% bệnh bại liệt, cũng như hoạt động chống lại các bệnh mãn tính và thói quen hút thuốc.
Nhưng trong lịch sử 7 thập kỷ của mình, WHO hiếm khi không vướng khủng hoảng. Những chỉ trích với WHO bao gồm tình trạng quan liêu quá mức, cấu trúc hoạt động kỳ quặc, quá lệ thuộc vào một số ít những nhà quyên góp lớn, và thường bị ảnh hưởng bởi chính trị. Được bầu vào năm 2017, chính trị gia người Ethiopia Tedros đã trở thành Tổng Giám đốc WHO với những hứa hẹn cải cách trên diện rộng.
Ông Tedros là người châu Phi đầu tiên nắm vị trí này sau khi WHO gặp khủng hoảng trong đại dịch Ebola ở Tây Phi giai đoạn 2013 – 2016. WHO đã mất 5 tháng để tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) đối với Ebola, một sự chậm trễ “rõ ràng đã khiến sự bùng phát dịch bệnh ở quy mô chưa từng thấy,” theo một đánh giá về học thuật.
Sự thất bại được đổ lỗi một phần cho bộ máy quan liêu nặng nề và phức tạp của WHO vốn được cấu thành từ sáu văn phòng khu vực và được quản lý một cách lơi lỏng bởi tổng hành dinh ở Geneva. Ngoài ra, WHO còn bị chỉ trích vì các nhóm giám sát vốn phải làm việc căng thẳng quá mức nhưng lại thiếu kinh phí, cùng các áp lực chính trị từ các chính phủ Tây Phi khi họ sợ một tuyên bố về PHEIC sẽ giáng đòn mạnh vào nền kinh tế.
Trong một tuyên bố với CNN, người phát ngôn của WHO nói rằng “Từ những bài học ở Tây Phi, WHO đã thiết lập “Chương trình y tế khẩn cấp” mới với sự thay đổi sâu sắc, bổ sung năng lực hoạt động cho các vai trò mang tính kỹ thuật và quy chuẩn truyền thống của WHO.”
“Chương trình được thiết kế để khả năng dự báo tình huống khẩn cấp của WHO được mau chóng hơn,” người phát ngôn nói. “Nó khiến cho mọi công việc của WHO trong tất cả các tình huống khẩn cấp có cùng một cấu trúc chung từ trụ sở chính cho tới tất cả các chi nhánh khu vực nhằm tối ưu hoá việc phối hợp, hoạt động và thông tin.”
Ebola đã làm “nổi bật” một số vấn đề của WHO mà các chuyên gia đã cảnh báo hàng năm trời. Trong báo cáo năm 2014, ông Charles Cliff – nguyên chuyên viên tư vấn của WHO – đã viết rằng phần lớn các nhà quan sát, bao gồm nhiều người đã từng làm việc cho WHO trước đây, đều nhất trí rằng tổ chức này đã “quá bị chính trị hoá, quá quan liêu, quá bị thống trị bởi ban tham mưu thường chỉ tìm kiếm các giải pháp y tế cho những vấn đề mang tính kinh tế và xã hội, quá e dè trong việc tiếp cận các vấn đề dễ gây tranh cãi, quá tải và quá chậm chạp trong thích ứng với sự thay đổi.”
“WHO là cơ quan làm về cả kỹ thuật và hoạch định chính sách,” ông Cliff viết. “Sự can thiệp quá mức của các lý do chính trị trong công việc mang tính kỹ thuật của họ có thể huỷ hoại quyền lực và uy tín của họ.”
WHO thường đưa ra nhận định dựa vào các số liệu được các nước thành viên cung cấp, sàng lọc nó một chút qua một số tổ chức trong khu vực. Với một chính phủ thường xuyên vướng phải các cáo buộc về thiếu minh bạch như Trung Quốc, điều đó có thể là một vấn đề.
WHO và vấn đề Đài Loan
Trong vấn đề Đài Loan, thế lực chính trị của Bắc Kinh tại WHO nổi rõ nhất.
Trong một bài nói năm ngoái trước Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cuộc gặp thường niên của WHO ở Geneva, ông Luke Browne, Bộ trưởng y tế St.Vincent vùng Caribe, đã yêu cầu đưa Đài Loan trở thành một thành viên của WHO.
“Không có nguyên tắc cơ bản nào giải thích được vì sao Đài Loan không được ở đây… lý do duy nhất hiện giờ họ không có mặt ở đây vì Bắc Kinh không ưa thích chính phủ Đài Loan hiện tại,” ông Brown nói.
Mặc cho cho bài phát biểu của ông Brown cùng sự can thiệp của nhiều quốc gia thành viên, vấn đề Đài Loan nhanh chóng bị xoá khỏi chương trình nghị sự. Sự việc lặp lại như vậy hàng năm kể từ 2016.
Bắc Kinh đã liên tục tìm cách ngăn chặn không cho Đài Loan gia nhập nhiều tổ chức quốc tế, trừ phi họ làm theo cái gọi là phương thức phù hợp với nguyên tắc “một Trung Quốc”, như gọi là “Đài Bắc thuộc Trung Quốc” trong đại hội Olympic.
Việc Bắc Kinh loại trừ Đài Loan ra khỏi các tổ chức quốc tế thường không gây ra sự phân rẽ toàn toàn cầu. Tuy nhiên, y tế là một lĩnh vực đòi hỏi tất cả các chính phủ phải được kết nối và truy cập thông tin một cách bình đẳng.
“Loại trừ Đài Loan ra khỏi WHO khiến người dân ở đó dễ bị thương tổn trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh,” bà Natasha Kassam, một chuyên gia về Trung Quốc, Đài Loan và ngoại giao tại Đại học Lowy, Úc, nói. “Nhà chức trách Đài Loan đã lên tiếng về việc không thể tiếp cận với số liệu và sự hỗ trợ của WHO.”
Khi các ca nhiễm virus corona được báo cáo ở Đài Loan, WHO thậm chí đã không thể quyết định ngay cả tên gọi của hòn đảo. Khi trả lời các phóng viên vào tháng trước, người phát ngôn WHO đã sử dụng cấu trúc “Trung Quốc, Đài Loan,” trong khi đó tại một báo cáo ngày 4/2 thì WHO lại gọi là “Đài Loan, Trung Quốc”. Tuy nhiên, báo cáo này có số ca nhiễm bệnh sai lệch bởi nó dựa vào số liệu của Bắc Kinh chứ không phải của Đài Loan. Về sau, các báo cáo của WHO lại gọi Đài Loan là “Đài Bắc và các vùng phụ cận” trong một danh sách các thành phố bị ảnh hưởng tại Trung Quốc.
Khi phát biểu tại WHA năm ngoái, ông Browne đã tiên đoán kiểu nói mập mờ này, nhận định “Tất cả chúng ta biết rằng Chính phủ Trung Quốc không kiểm soát và không có quyền với Đài Loan, nên không thể được chấp nhận là đại diện của họ ở đây.”
“Nếu ông Tedros muốn WHO được thông tin về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc và muốn còn được tham gia vào việc xử lý dịch bệnh tại đây, ông không thể phản đối chính phủ Trung Quốc cho dù rõ ràng là nước này thiếu minh bạch,” ông Kai Kupferschmidt viết trong tạp chí Khoa học.
Khi Bắc Kinh còn có thế lực tại LHQ, Đài Loan có thể sẽ không bao giờ giành được một ghế ở WHO. WHO không thể đảo ngược vấn đề nếu không có sự đồng ý của Bắc Kinh cho dù nhiều nước khác lên tiếng ủng hộ vấn đề này. Trung Quốc có nhiều quyền lực ngoại giao đến mức có thể tuỳ ý sử dụng để “khống chế” WHO.
Và đây là vấn đề cơ bản với WHO khi tổ chức này không thể đối xử với các quốc gia thành viên một cách công bằng vì họ không công bằng. Trong khi các quốc gia như Mỹ, Nhật, Anh và các đóng góp tư nhân như Quỹ Gates là những nơi đóng góp lớn nhất cho WHO, thì WHO lại ca ngợi “sự đóng góp ngày càng lớn” của Trung Quốc trong các sáng kiến y tế toàn cầu, trong khi nước này chưa bao giờ là một người góp nhiều quỹ.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33181-dich-covid-19-lam-day-len-nghi-van-ve-quan-he-cua-tq-voi-who.html

Trung Quốc có thêm 71 người tử vong vì COVID-19,

hơn 80.000 ca nhiễm trên thế giới

Hải Lam
Trung Quốc sáng nay (25/2) ghi nhận thêm 71 người chết do COVID-19, số liệu thấp nhất trong hai tuần qua, nâng số ca tử vong vì dịch bệnh ở nước này lên 2.663 tính đến hết 24/2.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) sáng nay báo cáo thêm 508 ca nhiễm mới, trong đó 499 ca tại tâm dịch Hồ Bắc, nâng tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc lên 77.658.
Nhiều tỉnh ở Trung Quốc không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm bệnh nào trong vài ngày liên tiếp.
Đài truyền hình Trung Quốc CCTV hôm 24/2 đưa tin, nước này sẽ lùi kỳ họp quốc hội dự kiến khai mạc đầu tháng 3 nhằm đối phó virus corona, động thái chưa từng có tiền lệ trong 25 năm. Kỳ họp thứ ba quốc hội Trung Quốc khóa 13 dự kiến khai mạc ngày 5/3 và kéo dài trong 10 ngày, với sự có mặt của hơn 5.000 đại biểu từ khắp Trung Quốc. Ngày họp trở lại hiện chưa được xác định.
COVID-19 bên ngoài Trung Quốc
Theo số liệu từ SCMP, tổng số người nhiễm bệnh trên thế giới hơn 80.000, trong đó có 2.699 trường hợp tử vong, 27.444 ca phục hồi. Số ca nhiễm nCoV tại Hàn Quốc và Italy đã tăng mạnh trong 24 giờ qua.
Oman và Iraq ghi nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19 bắt nguồn từ Iran, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc xuất hiện dịch bệnh là 36.
Quốc gia/Vùng lãnh thổ: Số ca nhiễm / Số ca tử vong
Hàn Quốc: 893 / 8
Nhật Bản: 838 / 5
Italy: 229 / 7
Singapore: 90 / 0
Hồng Kông: 81 / 2
Mỹ: 53 /0
Iran: 61 / 12
Thái Lan: 35 /0
Đài Loan: 30 / 1
Úc: 23 / 0
Malaysia: 22 / 0
Đức: 16 / 0
Việt Nam: 16 / 0
Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất: 13 / 0
Pháp: 12 / 1
Ma Cao: 10 / 0
Canada: 11 / 0
Anh Quốc: 13 / 0
Philippines: 3 / 1
Ấn Độ: 3 / 0
Kuwait: 5 / 0
Nga: 2 / 0
Tây Ban Nha: 3 / 0
Oman: 2 / 0
Afghanistan: 1 / 0
Bahrain: 2 / 0
Iraq: 1 / 0
Bỉ: 1 / 0
Campuchia: 1 / 0
Ai Cập: 1 / 0
Phần Lan: 1/ 0
Israel: 2 / 0
Lebanon: 1 / 0
Nepal: 1/ 0
Sri Lanka:1 / 0
Thụy Điển: 1 / 0
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-co-them-71-nguoi-tu-vong-vi-covid-19-hon-80-000-ca-nhiem-tren-the-gioi.html

Tiết lộ động trời vụ Anh

bí mật ký thỏa thuận hạt nhân với Mỹ

Những thông tin mới rò rỉ về việc chính phủ Anh ngấm ngầm ký một thỏa thuận vũ khí hạt nhân với Mỹ mà không cần sự đồng ý của Quốc hội đang làm dậy sóng dư luận nước này.
Lầu Năm góc mới đây tiết lộ, London đã nhất trí mua các đầu đạn hạt nhân mới của Mỹ để thay thế chương trình tên lửa hạt nhân nội địa Trident của Anh. Tuy nhiên, thỏa thuận đã gây bất ngờ cho chính các nhà lập pháp Anh, những người cũng bị chính phủ giấu nhẹm về chuyện này.

Tên lửa đạn đạo Trident là loại tên lửa mạnh nhất trong kho vũ khí của quân đội Hoàng gia Anh và cũng là loại vũ khí duy nhất của lực lượng này có đủ khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Các nguồn tin quân sự cho hay, tính tới năm 2011, toàn bộ chương trình nghiên cứu và phát triển tên lửa hạt nhân Trident đã ngốn của Anh tới hơn 39,5 tỷ USD. Trong đó, mỗi tên lửa Trident có giá khoảng 70 triệu USD.
Theo báo RT, thỏa thuận hạt nhân mới, vốn bao gồm cả việc Mỹ chia sẻ công nghệ chế đầu đạn phóng trên biển W93, dự kiến sẽ khiến Anh tiêu tốn hàng tỷ USD. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Anh từ chối đề cập chi tiết về thỏa thuận, nhưng nhấn mạnh nước này có “quan hệ quốc phòng mạnh mẽ với Mỹ” và vẫn cam kết sở hữu các khả năng hạt nhân tương thích với công nghệ Mỹ.
Mặc dù một số người ca ngợi thỏa thuận bí mật là cần thiết để đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng động thái đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội của các đảng đối lập tại đảo quốc sương mù.
Ed Davey, quyền lãnh đạo đảng Dân chủ tự do bày tỏ sự phẫn nộ khi việc chuyển giao công nghệ đắt đỏ lại được thực hiện “không có sự tham vấn lẫn sự xét duyệt” của Quốc hội Anh. Ông Davey lên án chính phủ của đảng Bảo thủ và cáo buộc Thủ tướng Boris Johnson ngày càng trở thành con rối dưới tay Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nghị sĩ Stewart McDonald, phát ngôn viên của đảng Quốc gia Scotland (SND) cho rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cần phải ra điều trần trước Quốc hội về bí mật đằng sau thỏa thuận. Douglas Chapman, một nghị sĩ khác thuộc SND cảnh báo Anh và Mỹ không được phép mất quá nhiều thời gian vào thỏa thuận. Chính khách này thậm chí nói, Scotland sẽ sớm giành lại độc lập.
Một quan chức đảng Xanh cũng lên tiếng phản đối thỏa thuận ngầm giữa chính phủ Anh với Mỹ. Nhiều người dân Anh đã bày tỏ ý kiến bất bình của họ về vụ việc trên mạng xã hội.
Trong khi đó, các lãnh đạo ở London vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận hay phản hồi chính thức nào về lùm xùm trên.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33172-tiet-lo-dong-troi-vu-anh-bi-mat-ky-thoa-thuan-hat-nhan-voi-my.html

Virus corona – Covid-19 :

Cơ hội vàng cho ngành xử lý rác thải y tế

Thanh Hà
Virus corona càng lan nhanh, nhu cầu khử trùng, xử lý đồ bảo hộ của nhân viên y tế, kim tiêm, khẩu trang thải ra càng lớn. Trung Quốc và nhiều nước châu Á ồ ạt mua vào các trạm xử lý rác thải y tế. Là một trong bảy hãng trong ngành trên thế giới, Tesalys gần thành phố Toulouse, miền đông nam nước Pháp đã nhận được đơn đặt hàng cho “toàn bộ máy sản xuất trong năm 2020″.
Từ các hãng hàng không của Pháp đến ngành thời trang hạng sang, công nghiệp xe hơi, thất thu bạc triệu nếu không muốn nói là bạc tỷ vì virus corona. Riêng cổ phiếu của các tập đoàn dược phẩm tăng giá. Dịch bệnh càng lan rộng, đơn đặt hàng của các hãng cung cấp máy xử lý rác thải y tế càng dầy đặc. Đây là trường hợp của Tesalys hay của Bertin Technologies, vùng Yvelines, ngoại ô phía nam Paris.
Nhu cầu cấp bách của Vũ Hán
Là tâm điểm của dịch viêm phổi cấp tính do chủng mới corona gây nên, song song với việc phải đối phó với khủng hoảng về y tế công cộng, chính quyền thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc đã cấp bách lên kế hoạch xử lý rác thải y tế.
Hệ thống xử lý rác thải y tế của Trung Quốc đang bị đặt trước nhiều thử thách vì đây là một kênh lây nhiễm vô cùng nguy hiểm. Theo thống kê của bộ Môi Trường Trung Quốc hôm 11/02/2020, cả tỉnh Hồ Bắc với gần 60 triệu dân, mỗi ngày thu lượm 187 tấn rác y tế, trong đó 125 tấn trực tiếp liên quan đến Covid-19.
Bộ Môi Trường thông báo « đã tăng cường khả năng xử lý rác thải y tế » cho tỉnh này điều thêm 23 đơn vị lưu động đến các thành phố Vũ Hán, Hoàng Cương và Tương Dương. Bộ cũng đã huy động thêm xe vận tải để chuyên chở rác y tế từ các bệnh viện đến các lò đốt rác. Có điều vẫn theo các con số chính thức trên trang mạng của chính phủ China.org.cn, các lò đốt rác trong tâm dịch đang hoạt động gấp đôi so với bình thường.
Đó là bề nổi của tảng băng và điều đó không cấm cản ngay từ khi dịch vừa bùng phát trước Tết Nguyên Đán, phía Trung Quốc đã lập tức liên lạc với các công ty của phương Tây. Trong số này có công ty Stericyle của Mỹ, AMB Ecosteryl của Bỉ, Bertin Technologies và Tesalys Pháp….
Riêng với hai công ty của Pháp này, phía Trung Quốc đã đặt mua hơn 50 máy nghiền và tẩy khử rác y tế ngay tại các bệnh viện, tránh được khâu chuyên chở làm tăng cao thêm nguy cơ lây nhiễm.
Uy tín của công nghệ Pháp
Thông cáo của tập đoàn Bertin Technologie hôm 11/02/2020 cho biết « bộ Y Tế Trung Quốc đã chính thức đặt mua 16 trạm xử lý rác thải y tế tại chỗ Sterilwave để trang bị cho các bệnh viện tại Vũ Hán ». Đây là đơn đặt hàng để đáp ứng với nhu cầu đang tăng mạnh do Covid-19 gây nên. Mỗi trạm Sterilwave có công suất tối đa 80 kg rác một giờ.
Về phần Tesalys, một công ty nhỏ có trụ sở tại thị trấn Saint Jean, gần thành phố Toulouse miền tây nam nước Pháp, từ đầu mùa dịch đến nay, hãng « làm việc hết công xuất » và đã phải tuyển dụng thêm nhân viên. Tương tự như Bertin Technologies, máy của Tesalys cũng cho phép xử lý rác thải y tế ngay trong bệnh viện.
Dưới tên gọi Steriplus và Sterishred, các trạm xử lý rác thải của Tesalys nhỏ, gọn và dễ dùng. Công nghệ xử lý rác thải y tế của Tesalys tập trung vào hai khâu : nghiền rác y tế, và khử trùng, để rác y tế có thể được xử lý như rác do các hộ gia đình thải ra.
Trái với mong đợi, từ khi dịch virus corona bùng phát, khách hàng đầu tiên liên lạc với hãng Tesalys lại chính là Việt Nam.
RFI Tiếng Việt đã liên lạc với công ty này để tìm hiểu về công nghệ xử lý rác y tế của Tesalys, và công ty đã phải thích nghi với những đòi hỏi trong mùa dịch Covid-19 như thế nào.
Tổng giám đốc Tesalys, Jean Michel Rodiguez, trước hết nói qua về kỹ thuật xử lý rác thải y tế của các tạm Steriplus và Sterishred :
“Máy của chúng tôi thuộc dạng nhỏ, dễ sử dụng để tẩy lọc chất độc, biến rác thải y tế thành rác thường để có thể xử lý như chúng ta thường làm và đốt rác của các hộ gia đình vậy. Để làm được việc này, Tesalys dùng hệ thống nghiền rác thải y tế, bao gồm từ y phục bảo hộ, khẩu trang, kim và ống tiêm, tất cả những miếng ga dùng trong các ca mổ … Tất cả được cho vào một cái thùng các tông hoặc bao đặc biệt chuyên dùng cho việc xử lý rác y tế. Thùng hoặc bao đó được cho vào máy, tương tự như chúng ta bỏ quần áo vào máy giặt. Chúng ta chọn chương trình. Trong 10 phút, máy sẽ nghiền nát tất cả các loại rác nói trên, đồng thời khử luôn các chất độc và vi trùng ở mức 135 độ C trong vòng 10 phút. Như vậy sau 10 phút, thùng các-tông hay bao rác y tế ban đầu giờ đây tan vụn và trở thành một loại rác thải bình thường như tất cả các loại rác trong nhà”.
Khả năng thích nghi đối phó với Covid-19
Có một khác biệt lớn giữa công nghệ của Bertin Technologies với Tesalys, đó là một bên thì tẩy khử chất độc bằng sóng vi ba còn bên kia dùng hơi nước nóng. Tổng giám đốc Tesalys Jean Michel Rodriguez nhấn mạnh các trạm xử lý rác này dễ dùng tới mức độ nào : “Máy nhỏ, gọn và lại dễ sử dụng nên có thể thích ứng với nhiều cỡ bệnh viện, trạm y tế. Chúng tôi có nhiều cỡ máy có thể xử lý một chu kỳ 10 phút như vậy là từ 20 đến 100 lít rác thải. Chỉ cần có điện và nước là máy xử lý rác y tế của Tesalys có thể hoạt động. Bình thường ra, chúng tôi trao hàng tận nơi, cử nhân viên đến hỗ trợ cho khách hàng, hướng dẫn xử dụng và bảo quản máy. Nhưng vào thời điểm dịch bệnh đang hoành hành, thì chúng tôi gửi máy qua đường biển và hướng dẫn khách hàng về cách dùng qua video”.
Các trạm xử lý rác của Tesalys có nhiều cỡ, để xử lý từ 20 đến 100 lít trong mỗi chu kỳ 10 phút. Trung bình máy cho phép xử lý khoảng 800 lít rác thải y tế một ngày. Tuổi thọ của máy khoảng 10 năm.
Việt Nam một khách hàng đặc biệt
Trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp tính chủng mới đang lan rộng, từ nhiều tuần qua, rất đông khách hàng lui tới công ty Pháp gần thành phố Toulouse. Có lẽ nhờ đã có một đối tác tại Việt Nam cho nên Việt Nam là khách hàng đầu tiên liên lạc với Tesalys. Jean-Michel Rodriguez cho biết :
“Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đã nhanh chóng được một số khách hàng liên lạc, thí dụ như là Trung Quốc, Việt Nam hay Thái Lan. Tại Việt Nam chúng tôi có một công ty phân phối đại diện ở Hà Nội và chính đối tác này đã liên lạc với chúng tôi trước cả Trung Quốc. Họ hỏi xem chúng tôi có sẵn bao nhiêu máy trong kho và có giải pháp nào thật an toàn loại mọi rủi ro lây nhiễm virus corona hay không. Sau Việt Nam đến lượt Trung Quốc rồi gần đây hơn là Thái Lan đã trực tiếp liên hệ với chúng tôi”.
Tesalys đã có một điểm phân phối tại Việt Nam từ 5 năm qua và theo giám đốc công ty, điểm mạnh của hãng là tất cả các máy đều được sản xuất ngay tại Saint Jean gần Toulouse. Không sợ chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Phía Việt Nam đang dạm hỏi để đặt mua khoảng 30 trạm xử lý rác thải của Tesalys. Do đang trong quá trình đàm phán ông Rodriguez không đi sâu thêm vào chi tiết hợp đồng. Được hình thành từ năm 2012, 95% doanh thu của hãng nhờ xuất khẩu. Hiện đã có 300 trạm xử lý rác thải y tế Steriplus và Sterished đang hoạt động tại 50 quốc gia, hơn một nửa trong số đó là tại các nước Đông Nam Á. Châu Á là một thị trường lớn của Tesalys.
Trở lại với dịch viêm phổi lần này : Với những gì được biết tới nay về Covid-19, đây là loại siêu vi bị tiêu hủy ở nhiệt độ trên dưới 56°C nhưng virus corona lại rất dễ lây nhiễm. Vậy Tesalys có những đề xuất đặc biệt nào trong việc loại trừ hiểm họa Covid-19 lây lan ? Jean Michel Rodriguez giải thích:
“Chúng tôi đã nghiên cứu những phương án để loại nguy cơ lây nhiễm vì virus corona và đã tìm ra giải pháp. Trước khi nghiền nát rác thải y tế, chúng tôi xả hơi nước nóng 85 °C trong vòng 10 phút, rồi mới bắt đầu quy trình nghiền nát và khử trùng rác vụn như đã nói ở trên. Theo các nghiên cứu y khoa, siêu vi chủng mới tuy rất dễ lây nhiễm nhưng sẽ bị vô hiệu hóa ở nhiệt độ trên dưới 56°C. Nói cách khác, vì virus corona, để xử lý một thùng rác y tế quy trình tổng cộng kéo dài trong 20 phút. Hiện tại phía Việt Nam ngỏ ý muốn đặt từ 30 đến 50 máy của Tesalys, phía Trung Quốc thì đã đặt cọc để mua từ 40 đến 50 đơn vị và chúng tôi gửi máy sang Trung Quốc ngay từ cuối tháng 2/2020. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đã liên tục được nhiều quốc gia khác quan tâm”.
Vào lúc còn có nhiều ẩn số về siêu vi gây dịch bệnh, tâm lý lo sợ virus như một bàn tay vô hình hoành hành ở khắp nơi. Lãnh đạo hãng Tesalys cho biết là hãng có những đề xuất tăng cường biện pháp an toàn, tránh mọi rủi ro lây nhiễm:
“Hiện tại, những nhân viên y tế chịu trách nhiệm xử lý rác thải đều đã được bảo vệ, được trang bị từ quần áo đến mũ, từ kính đến mặt nạ, găng tay, giầy … để tránh rủi ro lây nhiễm. Ở khâu này, chúng tôi không thể làm gì hơn. Tesalys đặc biệt chú trọng vào mục đích là dù có virus corona hay không, thì miễn làm sao, phải tẩy, khử được hết các chất độc và vi trùng trong rác thải y tế. Mục đích là rác thải y tế không nguy hiểm và có thể đưa vào những lò đốt rác như rác từ các hộ gia đình thải ra”.
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, 85 % rác thải y tế có thể xử lý như rác từ các hộ gia đình, nhưng 15 % còn lại thuộc diện “nguy hiểm“, là đường lây truyền và gây ô nhiễm với những tác động tai hại. Trong số này có rác hóa học và nguyên tử. Trung bình, mỗi bệnh nhân thải ra từ 0,2 đến 1 kg rác y tế một ngày. Trên toàn thế giới thị trường xử lý rác thải y tế hiện nay tương đương với 2,5 tỷ đô la.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200225-virus-corona-covid-19-r%C3%A1c-th%E1%BA%A3i-y-t%E1%BA%BF

Iran đứng thứ 2 thế giới

về số người tử vong do nhiễm COVID-19

Lục Du
Đã có thêm 3 người Iran nữa tử vong vì chủng mới của virus corona (SARS-COVID-2), đưa số người chết vì loại virus nguy hiểm ở quốc gia này lên 15 người, cao thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
“Các kiểm tra cho thấy họ bị nhiễm chủng mới của virus corona”, người đứng đầu trường Đại học Khoa học Y khoa Saveh, Iran, thông tin về hai ca tử vong mới, theo trang Eghtesaonline.
Hôm thứ Hai (24/2), Bộ Y tế Iran thông báo, có 61 người ở Iran đã bị nhiễm virus SARS-COVID-2. So với các nước khác trên thế giới, tính tới ngày 25/2, Iran có tỷ lệ tử vong trên số người nhiễm chủng mới của virus corona cao nhất thế giới (15/61=0,25; cao hơn tỷ lệ của Trung Quốc 2.664/77.660 = 0,034).
Để đối phó với sự lây lan của dịch COVID-19, các nhà chức trách Iran đã ra lệnh hủy bỏ các buổi hòa nhạc, đóng cửa các trường học, và các hoạt động thể thao trên toàn quốc.
Hiện dịch COVID-19 đang lan nhanh ra toàn cầu, hôm qua đã ghi nhận thêm 3 nước có người nhiễm SARS-COVID-2 là Bahrain, Afghanistan và Kuwait. COVID-19 cũng đang bùng phát tại Hàn Quốc, theo cập nhật mới nhất trên trang Worldometers, tính tới 08:31 GMT, ngày 25/2, quốc gia Đông Bắc Á có 893 người nhiễm SARS-COVID-2, 10 người chết vì loại virus khởi phát từ Vũ Hán.
Cập nhật của Worldometers cũng cho thấy, xếp sau Hàn Quốc về số người chết vì dịch COVID-19 là Ý, và tàu du lịch Diamond Princess, trong đó Ý có 7 người chết (231 người nhiễm bệnh), tàu Diamond Princess có 4 người chết (691 người nhiễm bệnh).
https://www.dkn.tv/the-gioi/iran-dung-thu-2-the-gioi-ve-so-nguoi-tu-vong-do-nhiem-covid-19.html

Covid-19 – Iran :

Từ che giấu dịch đến kêu gọi dân ‘‘ở nhà’’

Trọng Thành
Hôm nay, 25/02/2020, bộ Y Tế Iran khuyến cáo người dân nước này ở nhà để tránh dịch Covid-19. Trong vòng 24 giờ qua, có thêm 34 người mới nhiễm virus, nâng tổng số lên 95.
Iran là một trong các nước, ngoài Trung Quốc, gây lo ngại nhất với Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Với tổng cộng 15 người chết, Iran là quốc gia ”tuyến đầu”. Tình hình đặc biệt đáng lo ngại tại thành phố Qom, nơi xuất hiện các ca nhiễm virus đầu tiên.
Theo thông báo của bộ Y Tế Iran, 16 trên tổng số 34 ca nhiễm mới là tại Qom. Một dân biểu Qom cáo buộc chính quyền ”không nói sự thực” về quy mô dịch bệnh. Theo dân biểu nói trên, chỉ riêng tại Qom, đã có ”50 người chết”. Bộ Y Tế Iran ”cực lực” phản bác thông tin này.
Ông Hassan Nayeb-Hachem – một bác sĩ gốc Iran, nhà bảo vệ nhân quyền, sống tại Vienna – theo dõi sát diễn biến dịch bệnh ở Iran. Trả lời RFI, vị bác sĩ này lên tiếng cảnh báo về việc chính quyền Iran che giấu thông tin :
”Hậu quả trực tiếp của việc che giấu thông tin là khiến cho virus lan truyền nhanh hơn. Bởi người dân đã không được cảnh báo đầy đủ về các nguy cơ, và sẵn sàng phòng chống dịch. Bất hạnh thay là tại Iran hiện nay, là ngay cả khi có nghi ngờ, người ta vẫn sẵn sàng coi người bị tình nghi là không bị nhiễm virus, và chờ đợi phải có các bằng chứng chứng minh cho điều ngược lại. Như vậy những trường hợp bị nghi ngờ đã không được xem xét đúng mức. Những người này không được cách ly.
Thái độ này, sự không minh bạch này là mối đe dọa không chỉ với người Iran, mà còn đối với dân cư các nước, vì virus không biết đến đường biên giới. Về phần phong tỏa phòng dịch, nếu như có các ổ dịch, cần phải thực hiện biện pháp này. Tuy nhiên, nếu như chúng ta thấy rằng tình trạng người nhiễm virus lan rộng khắp cả nước, thì vấn đề phong tỏa không cần đặt ra nữa, biện pháp này không còn giá trị nữa”.
Theo AFP, hôm nay, bộ Y Tế Irak, quốc gia láng giềng với Iran, thông báo đã phát hiện được bốn người mang virus corona mới, tất cả đều thuộc một gia đình, đến từ Iran. Irak đã đóng biên giới trên bộ với Iran và đình chỉ giao thông hàng không với Iran. Trước đó, Irak cấm người đến từ Trung Quốc, tiếp theo đó là Thái Lan, Singapore, Ý, Hàn Quốc, và Nhật Bản.
Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hôm nay đình chỉ toàn bộ giao thông đường không với Iran. Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh, ngoại trừ Ả Rập Xê Út và Qatar, đều ghi nhận các trường hợp mắc dịch Covid-19.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200225-covid-19-iran-t%E1%BB%AB-che-d%E1%BA%A5u-d%E1%BB%8Bch-%C4%91%E1%BA%BFn-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-d%C3%A2n-%E1%BB%9F-nh%C3%A0

Trận động đất ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Iran

 khiến 9 người chết, hơn 100 người bị thương

Tin từ ISTANBUL, Thổ Nhĩ Kỳ – Các viên chức chính phủ cho biết vào hôm Chủ nhật (23/2), chín người thiệt mạng và nhiều tòa nhà sụp đổ ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ khi một trận động đất mạnh 5.7 độ Richter xảy ra gần biên giới với Iran, làm bị thương hơn một trăm người tại các làng và thị trấn ở cả hai quốc gia.
Bộ Y tế cho biết tại Thổ Nhĩ Kỳ, ba trong số những người thiệt mạng là trẻ em, và 50 người bị thương, trong đó có 9 người trong tình trạng nguy kịch. Cơn động đất này khiến hơn 1,000 tòa nhà sụp đổ ở Thổ Nhĩ Kỳ, kích động một nỗ lực cứu hộ ngắn để tìm những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Trận động đất làm hư hại các tòa nhà cách khoảng 90 km (56 dặm) về phía tây ở thành phố Van của Thổ Nhĩ Kỳ, và về phía đông trong hàng chục ngôi làng ở Iran, nơi truyền hình nhà nước cho biết 75 người bị thương. 10 giờ sau đó, một số dư chấn bao gồm một trận động đất lớn hơn với cường độ 6.0 Richter xuất hiện gần đó. Hiện vẫn chưa có báo cáo về thiệt hại hoặc thương vong từ trận động đất đó.
Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia dễ bị động đất nhất trên thế giới, do có các đường đứt gãy lớn đan xen nhau. Sau cơn chấn động ban đầu, đoạn phim truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy người dân đào bằng xẻng và tay trong đống đổ nát, cũng như đồ đạc vương vãi trên những con đường nứt nẻ và đầy tuyết. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tran-dong-dat-o-khu-vuc-bien-gioi-tho-nhi-ky-iran-khien-9-nguoi-chet-hon-100-nguoi-bi-thuong/

Cuộc tấn công của Israel tại Damascus

 giết chết 2 thành viên của Islamic Jihad

Tin từ GAZA – Vào hôm thứ Hai (24/2), nhóm dân quân Islamic Jihad của Palestine tuyên bố rằng một cuộc không kích qua đêm của Israel ở Damascus giết chết hai thành viên của họ. Các chiến cơ của Israel tiến hành các cuộc không kích vào các vị trí bị tình nghi của Islamic Jihad ở Syria ngay trước nửa đêm hôm Chủ nhật, sau khi nhóm dân quân này và các lực lượng Israel đụng độ quanh Gaza vào đầu ngày.
3Các cuộc tấn công ở khu vực Adeliyah bên ngoài Damascus nhắm vào nơi mà quân đội Israel gọi là “trung tâm hoạt động của Islamic Jihad ở Syria”, bao gồm cả việc nghiên cứu và phát triển vũ khí. Sau đó, Islamic Jihad tuyên bố rằng hai thành viên của họ bị giết trong cuộc tấn công. Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria trích dẫn một nguồn tin quân sự và cho biết máy bay Israel xâm nhập không phận Syria, và nhắm vào các khu vực xung quanh Damascus bằng một loạt các hỏa tiễn tự hành. Truyền hình al-Ikhbariya của nhà nước Syria phát sóng các cảnh quay các vụ nổ trên bầu trời đêm Damascus, cho thấy hệ thống phòng không của Syria bắn hạ các hỏa tiễn. Nguồn tin quân sự Syria cho biết hầu hết các hỏa tiễn bị phá hủy trước khi chạm đến mục tiêu, và thiệt hại của cuộc tấn công đang được đánh giá.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cuoc-tan-cong-cua-israel-tai-damascus-giet-chet-2-thanh-vien-cua-islamic-jihad/

Nhật Bản tặng tàu tuần tra hỗ trợ Indonesia

 tăng cường năng lực chấp pháp trên Biển

Nhật Bản (14/2) đã tặng tàu tuần tra biển Hakurei Maru cùng quỹ bảo trì và các thiết bị trị giá 2,2 tỷ yen cho phía Indonesia nhằm cải thiện khả năng của cơ quan có thẩm quyền trong việc tiến hành tuần tra các hoạt động đánh bắt trên biển.
Theo thông tin trên, Vụ trưởng châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Santo Darmosumarto và Đại sứ Nhật Bản tại Indonesia Masafumi Ishii đã ký kết biên bản giao nhận tàu tuần tra biển Hakurei Maru. Tàu tuần tra Hakurei Maru được đóng vào năm 1993. Nó có chiều dài 63,37m, trọng tải theo tiêu chuẩn quốc tế là 741 tấn và có thể chở tối đa 29 người.
Phát biểu tại buổi lễ, Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Nhật Bản tại Jakarta Shimizu Kazuhiko nhấn mạnh Indonesia bị thiệt hại do nạn đánh bắt cá bất hợp pháp song Bộ Biển và Nghề cá của nước này lại không có tàu nào có khả năng tuần tra trên biển. Chính vì vậy, Nhật Bản quyết định trao tặng tàu tuần tra cho phía Indonesia nhằm cải thiện khả năng của cơ quan có thẩm quyền trong việc tiến hành tuần tra các hoạt động đánh bắt trên vùng biển của mình, góp phần duy trì ổn định kinh tế-xã hội và tăng phúc lợi cho người dân. Theo ông Kazuhiko, sau tháng Ba tới, phía Nhật Bản sẽ đào tạo về sửa chữa, sử dụng và điều khiển tàu cho thủy thủ đoàn Indonesia. Tàu sẽ chính thức được bàn giao cho Bộ Biển và Nghề cá Indonesia vào năm 2021. Ông Kazuhiko cũng cho biết đây là lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản bàn giao tàu tuần tra cho một quốc gia khác. Sự hợp tác này nằm trong khuôn khổ các nỗ lực của Tokyo nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật trong vùng biển Indonesia, đồng thời góp phần hiện thực hóa chiến lược “Ấn Độ Dương tự do và cởi mở”.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp can dự vào vấn đề Biển Đông nhằm thực hiện được mục tiêu của mình đối với khu vực Biển Đông. Các mục tiêu đó là đảm bảo sự ổn định, hòa bình, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế. Trong đó, Indonesia là một trong những nước được Nhật Bản hỗ trợ về tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển. Theo đó, Nhật Bản và Indonesia (12/2016) đã thoả thuận thành lập Diễn đàn Biển Nhật Bản – Indonesia. Theo đó, hai bên sẽ củng cố hợp tác hải quân hai nước và Nhật Bản sẽ giúp Indonesia phát triển các đảo xa bờ nhằm củng cố năng lực bảo vệ vùng biển cho Indonesia. Tháng 9/2017, sau cuộc gặp của cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Abe với Bộ trưởng Nghề cá Indonesia, hai bên đã thảo luận cụ thể 6 khu vực hợp tác biển trong đó bao gồm quần đảo Natuna chồng lấn với “đường lưỡi bò”. Các lĩnh vực Nhật Bản đồng ý trợ giúp cho Indonesia bao gồm xây dựng các cảng cá, đóng các tàu tuần tra biển, tàu đa chức năng và xây dựng hệ thống rada và vệ tinh biển nhằm phát hiện các tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển của Indonesia. Hai nước cũng đã ký hiệp định triển khai các hoạt động hỗ trợ của Nhật Bản đối với Indonesia.
Ngoài Indonesia, Nhật Bản còn hỗ trợ cho một số nước trong khu vực. Với Việt Nam, khi chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản (3/2014), hai nước đã ký Hiệp định Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, trong đó có điều khoản Nhật Bản sẽ tăng cường hỗ trợ năng lực cho các cơ quan chấp pháp trên biển của Việt Nam. Kể từ đó cho đến nay đã có nhiều hoạt động triển khai hỗ trợ năng lực trên biển của Nhật Bản cho Việt Nam. Ngay sau đó, trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng
Nhật Bản Kishida, Nhật Bản đã tuyên bố sẽ hỗ trợ ODA không hoàn lại 6 tàu tuần tra biển cho Việt Nam. Các tàu tuần tra này có trọng tải từ 600-800 tấn và sẽ được Việt Nam sử dụng cho mục đích tuần tra trên biển. Nhật Bản thậm chí cũng đề nghị hỗ trợ thêm các tàu tuần tra mới cho Việt Nam. Ngoài ra, Nhật Bản thực hiện nhiều hoạt động trao đổi hỗ trợ đào tạo cho cán bộ quốc phòng Việt Nam. Với Philippines, từ năm 2011 dưới thời cầm quyền của Tổng thống Aquino, Nhật Bản và Philippines đã có các thoả thuận về hợp tác an ninh bảo vệ đường biển, trong đó có đường biển tại Biển Đông. Theo đó, hai bên tăng cường hợp tác về hải quân và cảnh sát biển. Năm 2013, trong chuyến thăm Philippines của Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Ngoại trưởng Kishida đã nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược với Philippines và cam kết hỗ trợ Philippines trong việc đối phó với các tranh chấp ngày càng tăng lên với Trung Quốc ở Biển Đông xoay quanh sự kiện Trung Quốc chiếm bãi Scarborough năm 2012. Tháng 7/2013, trong chuyến thăm Philippines, Thủ tướng Nhật Abe đã cam kết hỗ trợ Philippines 10 tàu tuần tra thông qua hình thức hỗ trợ ODA nhằm củng cố năng lực cho lực lượng cảnh sát biển của Philíppin. Theo nguồn tin công khai, Philippines đã nhận được chiếc tàu tuần tra đầu tiên trong 10 chiếc tàu này vào tháng 8/2016. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đồng ý viện trợ cho Philippines hai tàu tuần tra cỡ lớn dài 90m. Trước đó, Nhật Bản (6/2016) cũng đã ký hiệp định chuyển giao cho Philippines 05 máy bay tuần tra TC-90 đã hết hạn sử dụng ở Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản nhằm nâng cao năng lực tuần tra trên biển cho Manila.
Nhìn chung, Nhật Bản hỗ trợ Indonesia cũng như các nước trong khu vực nâng cao năng lực thực thi trên biển tập trung vào hai mảng chính là hỗ trợ trang thiết bị phần cứng như tàu tuần tra, máy bay tuần tra và hỗ trợ phần mềm như đào tạo, huấn luyện kỹ năng cho cán bộ chấp pháp biển. Việc hỗ trợ trên xuất phát từ các nước trong khu vực đang còn thiếu kể cả về số lượng cũng như chất lượng các trang thiết bị phục vụ cho tuần tra bảo vệ an ninh biển, nhất là do nhu cầu nâng cao năng lực chấp pháp biển càng tăng lên do nhu cầu phát triển kinh tế biển và quản lý các hoạt động trên biển của các nước. Bên cạnh đó, xu thế số lượng tàu cá nước ngoài hoạt động đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của các nước ngày càng tăng lên; Trung Quốc tiếp tục áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đơn phươngtrên Biển Đông…
Trong xu thế vừa hợp tác vừa cạnh tranh và vừa kiềm chế lẫn nhau, việc Nhật Bản hỗ trợ năng lực thực thi hàng hải cho các nước trong khu vực sẽ có những tác động nhất định đối với Trung Quốc trên nhiều góc độ khác nhau. Theo đó, vấn đề Biển Đông là một trong những yếu tố tác động đến lòng tin chính trị giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN. Việc giải quyết vấn đề Biển Đông một cách công bằng, hợp lý sẽ trở thành mắt xích quan trọng để hai bên tăng cường lòng tin chính trị và triển khai quan hệ hợp tác an ninh trong khuôn khổ Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – ASEAN. Để giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, Trung Quốc đã đưa ra tư tưởng tiếp cận kép với nội dung: Tranh chấp cụ thể do các nước trực tiếp liên quan giải quyết hòa bình thông qua đàm phán, hiệp thương dựa trên cơ sở tôn trọng sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế; ổn định, hòa bình Biển Đông do Trung Quốc và các nước ASEAN cùng chung sức bảo vệ. Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng đàm phán song phương. Chính sách của Nhật Bản đã tạo ra sự tương phản với chính sách của Trung Quốc. Theo nhận xét của nhiều giới quan sát, Nhật Bản đã sử dụng thành công Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc, làm nổi bật bản chất chính sách “kẻ thắng người thua” với chiêu bài “cùng thắng” của Trung Quốc. Hiểu theo nghĩa đó, Nhật Bản đã thách thức Trung Quốc về mặt ngoại giao trên vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, là một cường quốc về công nghệ trên thế giới và là cường quốc biển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sự giúp đỡ của Nhật Bản về trang bị và kỹ thuật quân sự cho các nước như Indonesia, Philippines, Việt Nam cũng như việc huấn luyện, tiến hành diễn tập quân sự chung sẽ tăng cường khả năng quân sự của các nước này, qua đó gia tăng áp lực quân sự đối với Trung Quốc.
http://biendong.net/bien-dong/33176-nhat-ban-tang-tau-tuan-tra-ho-tro-indonesia-tang-cuong-nang-luc-chap-phap-tren-bien.html

Quan chức y tế Hàn Quốc nhiễm Covid-19 rồi

mới nhận là thành viên giáo phái Shincheonji

Triệu Hằng
Một quan chức y tế đi đầu trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 ở Hàn Quốc sau khi xét nghiệm dương tính với virus corona đã tự nhận là một thành viên của giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa). Vị này được cho là có liên quan đến hàng trăm ca nhiễm khác, theo SCMP ngày 24/2.
Vị quan chức giấu tên là người đứng đầu Cục Y tế phòng chống các bệnh lây nhiễm ở quận phía Tây của thành phố Daegu – tâm điểm dịch virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) ở Hàn Quốc.
Thành phố Daegu có 2,2 triệu dân và tỉnh lân cận North Gyeongbuk chiếm phần lớn số ca nhiễm tại Hàn Quốc.
Theo Yonhap, tính đến chiều 25/2 tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc là 977 và đã có 11 người chết.
Hơn 450 trong số những trường hợp nhiễm dịch được xác định là tín đồ của giáo phái Shincheonji, các chuyên gia tin rằng số ca nhiễm trong các tín đồ sẽ còn tăng.
Thị trưởng Daegu Kwon Young-jin nói, vị quan chức chịu trách nhiệm về cuộc chiến chống virus trong quận, tự nhận mình thuộc về giáo phái trên sau khi ông ta có xét nghiệm dương tính với virus. Chính vì thế, 50 quan chức y tế làm việc với ông này đã bị cách ly tại nhà riêng.
Tin tức này được đưa ra sau khi một sĩ quan cảnh sát ở Daegu được chẩn đoán nhiễm virus cũng tiết lộ bản thân là một thành viên của giáo phái Shincheonji, tương tự trường hợp một giáo viên nữ tại một trường dạy trẻ ở thành phố Gumi gần Daegu.
Giáo phái Shincheonji có chi nhánh ở khắp nơi trên thế giới và họ đi lại giao lưu rất thường xuyên (nguồn: twitter.com/Spainkiller).
Giáo phái Shincheonji được thành lập năm 1984 có tổng cộng 120.000 thành viên. Theo tin cập nhật trên twitter, giáo phái này được cho là đã phát triển rộng khắp trên thế giới trong những năm qua. Các thành viên của giáo phái có thể đã bị nhiễm bệnh nhưng vẫn đi lại khắp nơi trên thế giới trong vài tuần qua.
Giáo phái có một chi nhánh ở Vũ Hán, mặc dù chi nhánh này đã bị xóa khỏi internet sau khi Vũ Hán bùng phát dịch. Khoảng một nửa trong số tất cả các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc gắn liền với giáo phái này.
Bệnh viện Daenam, quận Cheongdo, tỉnh Bắc Gyeongsang, gần thành phố Daegu, ngày 25/2 xác nhận anh trai của người sáng lập giáo phái Shincheonji là Lee Man-hee được đưa vào khoa cấp cứu của bệnh viện hôm 27/1. Ông này điều trị tại đây trong 5 ngày và tử vong hôm 31/1.
Khoảng 40 tín đồ Shincheonji, trong đó có một số người Trung Quốc, đã tham dự lễ tang của ông này diễn ra trong 3 ngày tại bệnh viện.
Cùng với nhà thờ Shincheonji tại thành phố Daegu, bệnh viện Daenam là một trong hai cụm dịch Covid-19 ở Hàn Quốc với 113 ca nhiễm. Hai cụm dịch này chiếm khoảng 70% trong tổng số gần 1.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 hiện nay ở Hàn Quốc.
Tờ Chosun của Hàn Quốc ngày 25/2 cũng đưa tin, một mục sư của nhà thờ giáo hội MyungSung (Minh Thanh) khu vực quận Gang Dong, Seoul bị nhiễm dịch COVID-19. Vị mục sư này đã có mặt tham dự tang lễ tại Bệnh viện Daenam. Giáo hội MyungSung cũng là một trong những giáo hội lớn ở Hàn Quốc, được thành lập từ năm 1980 và hiện có khoảng 100.000 thành viên.
https://www.dkn.tv/the-gioi/quan-chuc-y-te-han-quoc-nhiem-covid-19-roi-moi-nhan-la-thanh-vien-giao-phai-shincheonji.html

13 binh sĩ Hàn Quốc đã nhiễm virus corona

Hàn Quốc lên kế hoạch xét nghiệm hơn 200.000 tín hữu tại một nhà thờ nơi bùng phát dịch bệnh corona (Covid-19), cùng lúc có 13 binh sĩ của nước này dương tính với virus corona, theo hãng tin Reuters.
Hàn Quốc là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất bên ngoài Trung Quốc, cho đến hôm 25/02 có thêm 144 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm lên 977 và 10 người chết. Tổng thống Moon Jae-in cho biết tình hình là “rất nghiêm trọng.”
Tại thành phố Daegu của Hàn Quốc, nhà thờ Shincheonji (Tân Thiên Địa) cho biết họ sẽ cung cấp cho nhà chức trách danh tính của tất cả các tín hữu mà giới truyền thông ước tính vào khoảng 215.000 người. Văn phòng Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ sẽ xét nghiệm tất cả các tín hữu này càng sớm càng tốt.
“Đây là điều cần thiết để xét nghiệm tất cả các thành viên của nhà thờ,” Văn phòng Thủ tướng Chính phủ cho biết trong một tuyên bố. Nhà chức trách cho biết họ đang xét nghiệm tới 13.000 người mỗi ngày.
Hôm 25/02, Singapore loan báo sẽ cấm tất cả những du khách gần đây có đến thành phố Daegu và quận Cheongdo của Hàn Quốc và có thể áp đặt các hạn chế đi lại nghiêm ngặt hơn đối với Hàn Quốc nếu dịch lan rộng hơn.
Quân đội Hoa Kỳ và Hàn Quốc cho biết họ có thể cắt giảm chương trình huấn luyện chung vì lo ngại dịch bệnh Covid-19, cũng theo Reuters.
Tin này được loan đi trong chuyến thăm Lầu năm góc của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo hôm 24/02. Ông cho biết có 13 binh sĩ Hàn Quốc bị nhiễm virus corona.
Quân đội Hoa Kỳ cho biết một người phụ nữ đã đến thăm một trong những căn cứ của Mỹ tại thành phố Daegu của Hàn Quốc và sau đó bà được xét nghiệm dương tín. Đó là ca lây nhiễm đầu tiên liên quan đến Lực lượng Hoa Kỳ ở Hàn Quốc, nơi có khoảng 28.500 lính Mỹ đang đồn trú.
Quân đội Hoa Kỳ kêu gọi binh lính “hết sức cẩn trọng,” khi ra khỏi căn cứ, trong khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo công dân Mỹ nên tránh đi đến Hàn Quốc khi không cần thiết.
Chính phủ Hoa Kỳ cam kết 2,5 tỷ đôla để chống dịch Covid-19, với hơn 1 tỷ đôla sẽ dành cho việc phát triển một loại vắc-xin, và các quỹ khác dành cho việc trị liệu và dự trữ các thiết bị bảo vệ cá nhân như khẩu trang.
https://www.voatiengviet.com/a/muoi-ba-binh-si-han-quoc-da-nhiem-virus-corona/5302761.html

Hàn Quốc tìm cách cấp tốc

tái tục đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc ngày 24/2 kêu gọi nhanh chóng tái tục các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đang ngưng trệ, và nói thêm rằng chính phủ của bà sẵn sàng tiếp xúc với Bình Nhưỡng để tạo điều kiện dễ dàng cho đối thoại.
Bà Kang Kyung-wha, đọc diễn văn trước Hội nghị Giải trừ Vũ khí do Liên hiệp quốc bảo trợ, nói mục đích vẫn là hoàn toàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bị chia đôi.
“Một cuộc tái tục nhanh chóng những cuộc thương thuyết giữa Mỹ và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên là trọng yếu nên các bên liên hệ giữ và xây dựng đà tiến của những cuộc đối thoại phải khó khăn mới đạt được. Chúng tôi sẵn sàng giao tiếp với miền Bắc theo phương thức tạo điều kiện dễ dàng và tăng tốc cuộc đối thoại Mỹ-Triều,” bà Kang nói tại diễn đàn Geneva.
“Hàn Quốc đang tăng cường các dự án với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, và chúng tôi làm điều này nhưng trung thành tuân thủ các chế tài quốc tế đối với Triều Tiên,” bà Kang nói.
Triều Tiên đã bị Liên hiệp quốc chế tài kể từ năm 2006. Những chế tài này được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc củng cố trong những năm qua nhằm mục đích cắt các nguồn tài trợ cho chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Năm ngoái Triều Tiên tiếp tục củng cố chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân, vi phạm các chế tài của Liên hiệp quốc, theo như một phúc trình mật của Liên hiệp quốc Reuters thấy được tại New York trong tháng này.
Triều Tiên nói trong những cuộc thương thuyết tại Geneva tháng trước là Hoa Kỳ bất chấp hạn chót cuối năm cho những cuộc đàm phán hạt nhân nên Bình Nhưỡng không còn bị ràng buộc vì những cam kết, trong đó có việc ngưng thử nghiệm hạt nhân và bắn các phi đạn đạn đạo liên lục địa.
Không có phản ứng tức thì từ phái đoàn Triều Tiên và Mỹ ngày 24/2 trong lúc hội nghị tiếp diễn.
https://www.voatiengviet.com/a/h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-t%C3%ACm-c%C3%A1ch-c%E1%BA%A5p-t%E1%BB%91c-t%C3%A1i-t%E1%BB%A5c-%C4%91%C3%A0m-ph%C3%A1n-h%E1%BA%A1t-nh%C3%A2n-m%E1%BB%B9-tri%E1%BB%81u/5302491.html

COVID-19 lây lan, Hàn Quốc đối diện ‘bước ngoặt’

William Gallo
Các trường học tại Hàn Quốc đóng cửa, và những sinh hoạt chính—kể cả các buổi hoà nhạc và khai mở các trận đấu của liên đoàn bóng bầu dục—bị đình hoãn vô hạn định vào ngày 24/2, giữa lúc nước này tìm cách hạn chế sự lây lan của virus corona chủng mới.
Cảnh báo về “một bước ngoặt nghiêm trọng,” Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đặt quốc gia vào mức báo động cao nhất. Động thái này giúp nhà chức trách có được quyền hạn rộng rãi hơn để hạn chế bắt buộc những cuộc tập họp tại các nơi công cộng và cưỡng chế cách ly những người bị lây nhiễm virus.
Hàn Quốc báo cáo 231 ca lây nhiễm mới ngày 24/2, nâng tổng số những ca được xác định là 833. Nhà chức trách cũng báo cáo ca tử vong thứ 7 do virus COVID-19.
Quân đội Mỹ, có hơn 28.000 binh sĩ tại Hàn Quốc, cũng nâng mức độ rủi ro lên mức “cao” ngày 24/2 sau khi báo cáo ca nhiễm đầu tiên là một phụ nữ 61 tuổi từng ghé một cửa hàng ở doanh trại Walker thuộc vùng đông nam Hàn Quốc vào ngày 12 và 15/2.
Từ tuần trước, số ca nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc gia tăng. Vụ bùng phát gây nên những quan ngại là virus đang lây truyền bên ngoài Trung Quốc, nơi xuất phát của căn bệnh, và có thể trở thành đại dịch toàn cầu.
Hầu hết những vụ lây nhiễm xảy ra tại vùng đông nam Hàn Quốc, trong đó có Daegu, thành phố lớn hàng thứ tư của Hàn Quốc, nơi các giới chức đang khuyến cáo cư dân chớ ra đường và nhiều cửa hàng phải đóng cửa.
Truyền thông địa phương trình chiếu những hàng dài rồng rắn bên ngoài một thương xá ở Daegu khi cư dân tìm cách mua khẩu trang và những vật phẩm khẩn cấp khác.
Tại Seoul, nơi những ca lây nhiễm tăng nhẹ trong tuần trước, nhiều cửa hàng bách hoá và thương xá hết khẩu trang và những vật phẩm khác.
Sinh viên Yoon so-young, 20 tuổi, cho biết dự tính mua thêm nước và thực phẩm và đã mua khẩu trang và nước rửa tay.
“Tôi lo lắm,” anh nói. “Tôi nghĩ chính phủ nên có những bước mạnh mẽ để chế ngự virus.”
Chiến dịch chính
Nhà chức trách đã thi hành một chiến dịch y tế công cộng rộng lớn trong tuần qua.
Cư dân nhận được những tin nhắn khẩn cấp báo động khi tới gần những địa điểm mà các bệnh nhân bị lây nhiễm virus corona đã đến. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc mỗi ngày đưa ra một vài báo động–bằng tiếng Anh và tiếng Hàn—nêu chi tiết những ca lây nhiễm mới nhất.
Nhiều tòa nhà văn phòng chính dùng camera nhiệt để theo dõi thân nhiệt của những người ra vô. Bích chương bên lề đường, trên xe buýt và tại các nhà ga khuyến khích cư dân giữ vệ sinh đúng mức. Nhiều cửa hàng cung cấp thuốc sát trùng tay.
Gần 32.000 người đã được xét nghiệm virus, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc.
Khoảng một nửa những ca lây nhiễm được xác định có liên hệ đến một tổ chức tôn giáo không chính thống tại Daegu. Hàng trăm cảnh sát được giao trách nhiệm truy tìm những tín đồ còn lại chưa được xét nghiệm, theo truyền thông địa phương.
Ảnh hưởng kinh tế
Có những quan ngại là dịch bệnh bùng phát có thể làm tổn thương nền kinh tế Hàn Quốc, vốn đã kém tăng trưởng.
Ngày 24/2, Tổng thống Moon Jae-in nói đất nước “đang trong tình trạng kinh tế khẩn cấp” và kêu gọi “tài trợ mạnh mẽ” những khu vực lây nhiễm virus, theo Thông tấn xã Yonhap.
Thị trường chứng khoán KOSPI của Hàn Quốc ngày 24/2 sụt gần 4% sau các phiên giao dịch.
Một số công ty Hàn Quốc chính buộc phải tạm thời ngưng hay cắt giảm mức sản xuất vì thiếu các bộ phận từ Trung Quốc, nơi nhiều xưởng máy đã đóng cửa.
Việc buôn bán địa phương cũng bị thiệt hại vì du khách giảm sút.
Tại một quầy hàng bên đường ở khu vực du lịch Myeongdong, ở Seoul, một người bán bánh ngọt nhân đậu đỏ nói, mức bán của ông xuống khoảng 2/3.
Chỉ trích
Dịch bệnh bùng phát cũng đang đe dọa trở thành một vấn đề chính trị nhạy cảm, chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử cơ quan lập pháp quan trọng.
Nhiều thành phần bảo thủ và những người chỉ trích khác đã yêu cầu chính phủ hạn chế chặt chẽ những người từ Trung Quốc vào Hàn Quốc. Một bài xã luận trên tờ báo bảo thủ Chosun Ilbo so sánh những nỗ lực kìm chế virus của chính phủ như là “bắt ruồi với những cửa sổ mở rộng.”
Tuy nhiên nhà cầm quyền Hàn Quốc bác bỏ những yêu cầu đó, nói rằng virus hiện đã bắt đầu lây lan trong địa phương giữa những người không có quan hệ gì với Trung Quốc.
Virus corona đã lây nhiễm gần 80.000 người trên toàn thế giới và làm hơn 2.600 người thiệt mạng, hầu hết tại Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/covid-19-l%C3%A2y-lan-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-%C4%91%E1%BB%91i-di%E1%BB%87n-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngo%E1%BA%B7t-/5302525.html

TQ bỏ tù chủ hiệu sách Hong Kong

chuyên in ấn phẩm về đời tư lãnh đạo

Một tòa án Trung Quốc vừa kết án người bán sách ở Hong Kong Quế Mẫn Hải (Gui Minhai) 10 năm tù với tội danh “cung cấp bất hợp pháp tin tình báo cho hải ngoại”.
Ông Quế, người có quốc tịch Thụy Điển, đã bị bắt rồi thả khỏi trại giam Trung Quốc kể từ 2015, khi ông mất tích trong lúc đi nghỉ ở Thái Lan.
TQ hủy đoàn đi Thuỵ Điển vì giải tự do ngôn luận
Người bán sách Hong Kong bị bắt trên tàu TQ
Người bán sách Hong Kong ‘tự thú’
Giảm Đặng tăng Mao đề cao ý Tập
Ông được biết tới là người từng xuất bản các cuốn sách về đời tư của các đảng viên Cộng sản Trung Quốc.
Các nhóm nhân quyền lên án “mức án tù nặng” và kêu gọi trả tự do cho ông.
Ông là một trong năm chủ sở hữu một tiệm sách nhỏ tại Hong Kong, những người bị mất tích trong 2015. Sau đó, tin tức cho hay họ đã bị đưa tới Trung Quốc.
Bốn người đã được thả, nhưng ông Quế vẫn bị giam giữ.
Khi tuyên án, Tòa án Nhân dân Trung cấp Ninh Ba nói rằng ông đã được khôi phục quốc tịch Trung Quốc vào năm 2018. Trung Quốc không công nhận song tịch.
Ngoại trưởng Thụy Điển hôm thứ Ba kêu gọi thả ông Quế, và gọi ông là một “công dân”.
“Chúng tôi không được tiếp cận tới phiên xử,” bà Ann Linde nói trong một tin tweet. “[Chúng tôi] đòi phải trả tự do cho ông Quế và đòi quyền tiếp cận tới công dân của chúng tôi, để hỗ trợ lãnh sự.”
Tuy nhiên, theo tường thuật của Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các dàn xếp lãnh sự đã được tạm ngưng do tình trạng bùng phát virus corona mới đây, và sẽ được khôi phục một khi vấn đề y tế được “xử lý”.
Ông Triệu Lập Kiên nói thêm rằng “các quyền và lợi ích [của ông Quế]… đã được đảm bảo đầy đủ”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm thứ Ba cũng kêu gọi thả ông Quế ngay lập tức và nói các cáo buộc là “hoàn toàn vô căn cứ”.
Buộc phải nhận tội?
Ông Quế lần đầu tiên xuất hiện trên các dòng tin chính là hồi 2015, khi ông biến mất ở Thái Lan rồi tái xuất hiện ở Trung Quốc.
Sau khi ông mất tích, đã có các cáo buộc theo đó nói ông bị nhân viên an ninh Trung Quốc bức hại.
Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc nói ông Quế và bốn người kia đều tự nguyện tới Trung Quốc.
Chủ hiệu sách rốt cuộc thú nhận đã liên quan tới một vụ tai nạn giao thông chết người hồi hơn mười năm trước – một lời thú nhận mà các ủng hộ viên của ông nói là do bị cưỡng ép.
Ông bị hai năm tù, nhưng lại bị bắt vài tháng sau khi được thả, khi đang tới thủ đô Bắc Kinh cùng hai nhà ngoại giao Thụy Điển.
Trung Quốc sau đó công bố một cuộc video thẩm vấn ông Quế. Trong video, ông nói Thụy Điển đã “cảm tính hóa” vụ việc của ông.
Chuyện các nghi phạm Trung Quốc xuất hiện trong video “nhận tội” không phải là chuyện hiếm.
Hồi đầu 2019, Thụy Điển triệu hồi đại sứ của mình tại Trung Quốc là Anna Lindstedt, người bị cáo buộc là đã trung gian dàn xếp một cuộc gặp không được phép giữa Angele Quế, con gái của ông Quế, với hai doanh nhân Trung Quốc.
Cô Quế, người mạnh mẽ vận động đòi thả cha mình, nói rằng một trong hai người đó đã gây áp lực, muốn cô chấp nhận thỏa thuận theo đó cha cô sẽ ra tòa và sẽ bị kết án “vài năm” tù, và để đổi lại thì cô sẽ dừng toàn bộ việc công khai hóa vụ bắt giữ cha cô.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51614321

Kinh tế TQ ước tính

mất 196 tỉ USD trong 2 tháng vì dịch COVID-19

Dịch COVID-19 do virus Corona chủng mới gây ra có thể khiến Trung Quốc mất hơn 196 tỉ USD trong 2 tháng đầu năm 2020.
Ông Chu Bân, cựu Phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 22.2 cho rằng dịch COVID-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra có thể khiến ngành du lịch Trung Quốc thiệt hại 900 tỉ nhân dân tệ trong tháng 1 và tháng 2. Lượng chi tiêu mua sắm thực phẩm trong cùng giai đoạn cũng sẽ giảm khoảng 420 tỉ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm ngoái.
Cộng với thiệt hại trong những ngành khác, ông Chu ước tính tổng thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc trong 2 tháng này là 1.380 tỉ nhân dân tệ (196 tỉ USD, 4,5 triệu tỉ đồng).
Phát biểu tại Viện Nghiên cứu tài chính quốc gia ở Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), ông Chu cho rằng số thiệt hại này đã được giảm nhẹ nhờ các ngành hưởng lợi từ đợt dịch như giáo dục và giải trí trực tuyến.
Tờ South China Morning Post trích số liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết mức thiệt hại nêu trên chiếm khoảng 3,3% tổng doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong năm 2019.
Lĩnh vực tiêu dùng chiếm gần 60% tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019. Tuy nhiên với việc nước này đang trải qua đợt dịch COVID-19, hoạt động tiêu dùng đã giảm sút nghiêm trọng do nhiều trung tâm thương mại, giải trí đóng cửa.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 21.2 cho biết do dịch COVID-19 nên chỉ số tiêu dùng sẽ chạm đáy vào tháng 3 trước khi vực dậy trong nửa sau năm 2020. Trong khi đó, bà Trần Vấn Linh, kinh tế gia trưởng của Trung tâm Trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc nhận định ngay cả khi việc sản xuất được khôi phục 80% vào cuối tháng 2, tăng trưởng kinh tế quý 1/2020 cũng sẽ ở mức dưới 4,5%. Mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái là 6,4%.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33157-kinh-te-tq-uoc-tinh-mat-196-ti-usd-trong-2-thang-vi-dich-covid-19.html

Vai trò của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc chiến

chống đại dịch Covid-19 gây ra hiện nay còn quá hạn chế?

Trong lúc toàn Trung Quốc chống dịch, Chủ tịch Tập Cận Bình đã vắng mặt một thời gian dài trên các phương tiện truyền thông của nước này, không xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo cũng như các bản tin truyền hình trong nước như thường lệ. Dư luận đã đặt ra nhiều nghi vấn về vai trò lãnh đạo của ông khiến truyền thông Trung Quốc sau đó phải liên tục nhấn mạnh Chủ tịch Tập Cận Bình luôn đứng sau mọi chỉ đạo nhằm triển khai hoạt động chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Tại cuộc họp Bộ Chính trị hôm 3/2
Báo chí nhà nước Trung Quốc hôm 15/2, công bố bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc họp Bộ Chính trị (3/2), trong đó ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, ngay từ ngày 7/1 đã trực tiếp chỉ đạo phòng chống virus corona mới. Hãng Tân hoa xã dẫn lời ông Tập Cận Bình khẳng định dịch bệnh bùng phát là một phép thử lớn với hệ thống của Trung Quốc và khả năng quản lý của Chính phủ. Đây là lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh thừa nhận ban lãnh đạo tối cao đã biết và trực tiếp chỉ đạo phòng chống dịch ngay từ sớm, đúng một tuần sau khi Trung Quốc thông báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về một virus lạ gây viêm phổi tại Vũ Hán và hai tuần trước khi Bắc Kinh chính thức thừa nhận dịch. Nhiều ý kiến cho rằng phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như là động thái thanh minh và tìm cách thay đổi cách tường thuật về diễn biến của cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, cho đến thời điểm đó.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ D.Trump hôm 7/2
Báo chí Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình sáng 7/2 đã điện đàm với Tổng thống Mỹ D.Trump, trong đó nhà lãnh đạo Trung Quốc hoan nghênh Tổng thống Mỹ nhiều lần đánh giá tích cực về công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Covid-19 gây ra, đồng thời cảm ơn các tổ chức xã hội của Mỹ đã quyên góp viện trợ trang thiết bị vật tư y tế cho Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 bùng phát, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã toàn lực chống lại bệnh dịch. Trung Quốc đã huy động cả nước, triển khai toàn diện, phản ứng nhanh chóng, tiến hành các biện pháp phóng chống toàn diện nhất, nghiêm khắc nhất, phát động toàn dân chống lại bệnh dịch Covid-19. Hiện công tác phòng chống dịch đã có những thành công bước đầu. Trung Quốc hoàn toàn có lòng tin, có khả năng chiến thắng bệnh dịch này. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng khẳng định xu hướng phát triển trong dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc vẫn không thay đổi. Chủ tịch Trung Quốc khẳng định nước này không chỉ bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân Trung Quốc mà còn bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người dân thế giới.
Chuyến thị sát tại Bắc Kinh hôm 10/2
Đúng một tuần sau phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 10/2 đã có chuyến thị sát nhằm kiểm tra nỗ lực phòng chống dịch viêm phổi Covid-19 ở Vũ Hán gây ra tại Bắc Kinh. Theo truyền thông trong nước của Trung Quốc, đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo xuất hiện tại tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Chủ tịch Tập đã đeo khẩu trang, thăm trung tâm chuyên biệt phòng ngừa và kiểm soát Covid-19 được xây dựng ở quận Triều Dương của thành phố Bắc Kinh, theo Đài truyền hình quốc gia CCTV. Một số tờ báo nước ngoài cho rằng dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Widodo hôm 11/2
Hãng Tân hoa xã dẫn lại tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 11/2 rằng “Chúng tôi tin tưởng sau khi chiến thắng dịch bệnh này, Trung Quốc sẽ càng thêm phồn vinh hưng thịnh”. Ông khẳng định: “Khó khăn và thử thách càng lớn, sự đoàn kết và lực chiến sẽ càng cao. Chúng tôi có năng lực và có lòng tin không chỉ có thể chiến thắng dịch bệnh này một cách triệt để, mà còn hoàn thành được các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội”. Ông Tập cho biết “đánh trả” Covid-19 hiện là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc. “Chúng tôi phát huy ưu thế chế độ, triển khai chiến tranh nhân dân để chống dịch, áp dụng biện pháp phòng chống dịch tối nghiêm khắc và tối triệt để, thu được các kết quả tích cực”, lời của ông Tập Cận Bình được báo chí Trung Quốc trích dẫn nói.
http://biendong.net/bien-dong/33173-vai-tro-cua-chu-tich-tap-can-binh-trong-cuoc-chien-chong-dai-dich-covid-19-gay-ra-hien-nay-con-qua-han-che.html

TQ tăng cường đầu tư, đưa Hạm đội Nam Hải

thành lực lượng hải quân quan trọng bậc nhất

Để nắm quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc đã tập trung đầu tư, trang bị hàng loạt vũ khí hiện đại nhất cho Hạm đội Nam Hải. Biến Hạm đội này thành một trong những đơn vị hải quân quan trọng bậc nhất của Bắc Kinh.
Hạm đội Nam Hải
Hạm đội Nam Hải là một hạm đội của hải quân Trung Quốc, được thành lập lần đầu cuối năm 1949. Đây là một trong 3 hạm đội của Hải quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, hạm đội này có nhiệm vụ bảo vệ thành phố Quảng Châu và khu vực Châu Giang và hỗ trợ Quân giải phóng chiếm các đảo thuộc quyền kiểm soát của Quốc Dân Đảng. Quá trình phát triển của hạm đội này tiến triển chậm chạp do phần lớn ngành đóng tàu của Trung Quốc nằm ở bờ biển phía Bắc hoặc phía Đông. Thập niên 1970, hạm đội này trải qua thờ kỳ phát triển lớn do xung đột tại quần đảo Hoàng Sa và các vùng bãi đá san hô khác ở Biển Đông. Phần lớn các tàu nổi của hạm đội này đóng ở căn cứ hải quân Trạm Giang còn các tàu ngầm đóng ở Hải Nam. Ngoài ra, các tàu thuộc hạm đội này còn đóng ở Quảng Châu, Hải Khẩu, Sán Đầu, Mã Vĩ, và Bắc Hải, còn các căn cứ không quân của hải quân nằm ở Lingshui, Hải Khẩu, Tam Á, Trạm Giang, và Guiping. Lực lượng hạm đội này được chia làm 6 khu tác chiến, phòng thủ, với căn cứ tại Trạm Giang, Bắc Hải, Hoàng Bố, Sán Đầu, Hải Khẩu. Ban đầu tổng hành dinh của hạm đội này được đóng ở Quảng Châu nhưng sau đó đã được chuyển đến Trạm Giang. Các căn cứ chính gồm: Yulin, đảo Hải Nam, Quảng Châu, Hải Khẩu, Sán Đầu, Mã Vĩ, Bắc Hải, đảo Stonecutters, Hồng Kông.
Đáng chú ý, năm 1974, hạm đội này đã tấn công quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lần thứ hai là vào năm 1988, hạm đội này đã chiếm một số đảo trong khu vực quần đảo Trường Sa.
Quá trình hiện đại hóa
Trong biến chế, Hạm đội Nam Hải có 1 tàu sân bay Liêu Ninh; 2 Tàu khu trục lớp Luyang II DDG: Lan Châu (Lanzhou) (170), Hải Khẩu (Haikou) (171); 2 Tàu khu trục lớp Luyang: Quảng Châu (Guangzhou) (168), Vũ Hán (Wuhan) (169); 1 Tàu khu trục lớp Luhai: Thẩm Quyến (Shenzhen) (167); 6 Tàu khu trục lớp Luda: Trường Sa (Changsha) (161), Nam Ninh (Nanning) (162), Nam Xương (Nanchang) (163), Quế Lâm (Guilin) (164), Trạm Giang (Zhanjiang) (165), Trạm Giang (Zhanjiang) (165), Chu Hải (Zhuhai) (166); 4 chiếc Lớp Jiangwei: Yichang (564), Yulin (565), Yuxi (566), Xiangfan (567); 6 chiếc Giang hộ Lớp V: Beihai (558), Kangding (559), Dongguan (560), Shantou (561); Jiangmen (562); Foshan (563); 4 chiếc Giang hộ lớp II: Shaoguan (553), Anshun (554); Zhaotong (555); Jishou (557); 8 chiếc tàu ngầm năng lượng điện – diesel Lớp Minh; 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên lửa đạn đạo có thể gắn đầu đạn hạt nhân (SSBN) Type 094; 11 chiếc tàu đổ bộ lớp Yuting LST mang các số hiệu: 991, 934, 935, 936, 937, 938, 939, 940, 908, 909, 910; 4 chiếc tàu đổ bộ cỡ vừa Lớp Yudao-Class LSMs; 4 tàu chở quân lớp Qiongsh; 1 tàu quân y…
Từ những năm 2004 – 2005, Bắc Kinh đã bắt đầu điều chỉnh chính sách quốc phòng, tăng cường hiện đại hóa năng lực tác chiến cho Hạm đội Nam Hải. Trong giai đoạn này, Trung Quốc đã trang bị nhiều loại hình vũ khí hiện đại cho Hạm đội Nam Hải. Theo đó, đưa vào biên chế 2 tàu khu trục lớp Type 052B và 2 tàu khu trục lớp Type 052C, là những thiết kế tàu chiến nội địa đầu tiên đạt đẳng cấp thế giới; tân trang tàu sân bay cũ Varyag của Liên Xô cho nhiệm vụ tung sức mạnh ở Biển Đông (sau này, tàu sân bay này với tên gọi Liêu Ninh đã gia nhập Hạm đội Nam Hải; trang bị 4 tàu ngầm lớp Kilo mua thêm từ Nga; trang bị tàu đốc đổ bộ đầu tiên lớp Type 071 Yuzhao, đem lại cho khả năng Trung Quốc khả năng vận tải đổ bộ đường biển tầm xa; cải tạo căn cứ tàu ngầm mới ở vịnh Á Long, phía Nam đảo Hải Nam và trang bị 1 tàu ngầm mang tên lửa đường đạn thế hệ mới lớp Tấn (Type 094); cải tạo phi pháp đường băng trên đảo Phú Lâm (trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) được kéo dài lên đến 8.100 ft (2.468,88 m). Đường băng này hiện này đã cho phép vận hành các máy bay nặng hơn như máy bay ném bom, máy bay vận tải và máy bay tiếp dầu.
Đến năm 2012, Trung Quốc đưa vào biên chê tàu sân bay Varyag tân trang với tên gọi Liêu Ninh và ngay sau khi biển thử nghiệm, nó được triển khai tại Hạm đội Nam Hải. Trung Quốc đang tiến hành đóng một tàu sân bay nội địa mà có thể cũng được biên chế cho Hạm đội Nam Hải để tuần tra ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp. Các tàu sân bay này có các tàu chiến hộ tống mạnh. Ngoài các tàu khu trục lớp Type 052D, thì phần lớn các tàu frigate tối tân nhất lớp Giang Khải II của hải quân Trung Quốc cũng được biên chế cho Hạm đội Nam Hải. Các tàu sân bay này cùng với các tàu hộ tống đó sẽ cho phép Hạm đội Nam Hải linh hoạt thực hiện các nhiệm vụ trong khu vực Ấn Độ Dương và Biển Đông trong các loại hình hoạt động như nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo và chống cướp biển, phô trương sức mạnh, hỗ trợ các hoạt động hải quân viễn chinh và răn đe quân sự. Đáng chú ý là cả 2 tàu frigate lớp Jiangkai II là Liễu Châu (573) và Tam Á (574) từng tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế International Review-2016 (IFR-16) do Ấn Độ tổ chức tại Visakhapatnam vào đầu tháng 2/2016 đang được triển khai tại SSF. Hai tàu này một phần của Lực lượng đặc nhiệm chống cướp biển số 21 của hải quân Trung Quốc đã có chuyến thăm thiện chí ghé cảng Chittagong và tiến hành tập trận hải quân chung với hải quân Bangladesh trước khi tham gia IFR-16. Trong những năm tới, sự có mặt của tàu sân bay trong lực lượng đặc nhiệm sẽ cho phép hải quân Trung Quốc có nhiều tùy chọn hoạt động hơn, thực hiện được các loại nhiệm vụ khác trong khu vực Ấn Độ Dương.
Giữa năm 2015, hải quân Trung Quốc đã đưa vào hoạt động 3 tàu ngầm hạt nhân tiến công lớp Thương cải tiến Shang (Type 093A/093G). Giống như các tàu khu trục lớp Type 052D, các tàu này có thể cũng được trang bị tên lửa chống hạm YJ-18 và tên lửa tấn công mặt đất CJ-10 phóng thẳng đứng. Trong vài năm tới, Trung Quốc có khả năng sẽ phát triển tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Tấn cải tiến (Type 096), tạo ra cho Trung Quốc sức mạnh răn đe hạt nhân và khả năng tấn công trước tiên đáng tin cậy hơn. Mặc dù vịnh Á Long, đảo Hải Nam có thể là căn cứ trú đóng cho các tàu ngầm hạt nhân này, khả năng đi biển dài hầu như không giới hạn của chúng sẽ cho phép hải quân Trung Quốc tung sức mạnh tàu ngầm về phía đông vượt qua chuỗi đảo thứ hai và phía Tây vào sâu khu vực Ấn Độ Dương. Đáng chú ý là tất cả các tàu ngầm của hải quân Trung Quốc đã triển khai cho đến nay tại khu vực Ấn Độ Dương đều biên chế cho Hạm đội Nam Hải. Lực lượng này bao gồm các tàu ngầm lớp Tống số 329 từng thả neo tại Colombo, Sri Lanka vào tháng 10/2014 và lớp Nguyên số 335 từng đậu một tuần ở cảng Karachi vào tháng 5/2015.
Năm 2011-2012, Trung Quốc trang bị thêm 2 tàu đốc đổ bộ lớp Type 071 (Tỉnh Cương Sơn và Trường Bạch Sơn) gia nhập cùng tàu đầu tiên cùng lớp là Côn Lôn Sơn được biên chế cho Hạm đội Nam Hải. Giữa năm 2015, Hạm đội Nam Hải nhận vào trang bị tàu đổ bộ kiểu MLP đầu tiên của hải quân Trung Quốc. Dựa trên thiết kế tàu RO-RO của Mỹ, các tàu MLP có khả năng vận chuyển các tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng lớp Zubr (Bizon) của hải quân Trung Quốc đến các vùng ven biển xa xôi. Việc tăng cường
khả năng vận tải đường biển đường xa sẽ không chỉ cho phép Hạm đội Nam Hải thực hiện các nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương mà còn tạo lập cho hạm đội khả năng viễn chinh ban đầu. Điều thú vị là lực lượng lính thủy đánh bộ 15.000 quân của Trung Quốc, lực lượng thường được huấn luyện để thực hiện các cuộc đổ bộ thì gần đây đã bắt đầu huấn luyện tại các địa bàn trên bộ ở Mông Cổ và Tân Cương, một chỉ dấu cho thấy ý đồ của Trung Quốc tham gia vào các hoạt động viễn chinh ngoài khu vực.
Hải quân Trung Quốc cũng đang phát triển các phương tiện vụ tác chiến biển xa thông qua việc đưa vào trang bị các tàu hậu cần hoạt động dài hạn để tiếp tế trên hành trình (UNREP) cho các tàu chiến chủ lực khi ở xa căn cứ nhà tại Trung Quốc. Từ năm 2005, hải quân Trung Quốc đã đưa vào hoạt động 6 tàu tiếp tế tiên tiến lớp Type 903A (lớp Fuchi) có lượng giãn nước toàn phần 23.000 tấn. Mặc dù các tàu này được chia đều cho cả ba hạm đội của hải quân Trung Quốc, nhưng chu trình ttrú đóng và các tiến triển khác cho thấy sự tập trung dành cho Hạm đội Nam Hải.  Năm 2015, Trung Quốc đã hạ thủy một tàu hậu cần mới lớn hơn nhiều 45.000 tấn lớp Thanh Hải Hồ, tàu này có khả năng cũng sẽ được biên chế cho Hạm đội Nam Hải.
Cùng với sức mạnh tổng thể của Trung Quốc, khả năng của Hạm đội Nam Hải sẽ tiếp tục gia tăng trong những thập kỷ tới mặc dù có sự sa sút thoáng qua về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế mở rộng về địa lý của Trung Quốc vào khu vực Ấn Độ Dương và xa hơn nữa sẽ sớm làm căng mỏng nguồn lực của Trung Quốc. Dường như, Bắc Kinh cũng nhận thức được nguy cơ này nên đang áp dụng các biện pháp cần thiết như một chiến lược bù đắp dài hạn. Tuy nhiên, một trong hai vấn đề cấp bách nhất đối với Trung Quốc là hình thành một môi trường an toàn ở vùng biển ngoại vi phía Đông Bắc Trung Quốc. Nhằm mục đích này, tháng 3/2013, Bắc Kinh đã hợp nhất các cơ quan hàng hải khác nhau của nó để thành lập lực lượng Hải cảnh thống nhất trực thuộc Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc. Vấn đề cấp bách thứ hai là duy trì lực lượng hải quân Trung Quốc ở các vùng biển xa tại khu vực Ấn Độ Dương. Nhằm mục đích này, Trung Quốc đang phát triển các cơ sở quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương, cùng với việc gia tăng bán vũ khí trang bị Trung Quốc cho các nước trong khu vực.  Thông qua “Sáng kiến con đường tơ lụa trên biển” (2013), Trung Quốc dường như đã làm giảm bớt có hiệu quả luận thuyết “Chuỗi ngọc trai” (String of Pearls) (2005). Djibouti có thể chỉ là sự khởi đầu. Các cơ sở tương tự được bổ sung bằng các phương tiện bảo đảm tầm xa và triển khai trên biển của hải quân Trung Quốc biên chế cho Hạm đội Nam Hải sẽ làm tăng nhiều lần những lựa chọn quân sự chiến lược và chiến dịch của Trung Quốc. Những tiến triển mới nổi đó và những ngoại suy của chúng cần phải được các cơ quan an ninh quốc gia của các nước khu vưc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tính toán, xem xét.
Vai trò hạm đội Nam Hải trong tham vọng của Trung Quốc
Như vậy, đến nay, Hạm đội Nam Hải được cho là có tổng cộng gần 120 tàu, gồm 12 khu trục hạm tên lửa, 31 tàu hộ vệ/khinh hạm tên lửa, 27 tàu ngầm, trong đó có 10 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, 23 tàu đổ bộ, 14 tàu quét thủy lôi, 7 tàu tiếp tế tổng hợp, 1 tàu do thám, 2 tàu thí nghiệm, 1 tàu cứu hộ viễn dương và 1 tàu lặn, theo Sina.
Lý do Trung Quốc ưu tiên trang bị vũ khí tiên tiến cho Hạm đội Nam Hải được cho là nhằm phục vụ mưu đồ bành trướng quân sự. Nhà bình luận quân sự ở Bắc Kinh Tống Trung Bình khẳng định với tờ South China Morning Post (SCMP): “Dù phán quyết của Tòa trọng tài quy định như thế nào đi nữa, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tham vọng biển của mình ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)”. Ông Tống còn cho rằng mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là thiết lập một lực lượng hải quân có khả năng thật sự cho việc hoạt động ở vùng biển xa với tầm vươn ra toàn cầu và nước này đang bắt đầu mở rộng ảnh hưởng ra ngoài khu vực”.
Trong khi đó, huyên gia quân sự James C. Bussert, thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho rằng xét về mặt địa lý, Nhật Bản và Hàn Quốc án ngữ phía trước Hoàng Hải và Đông Hải rõ ràng là một trở ngại lớn trong việc vươn ra biển lớn của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 quốc gia có sức mạnh hải quân hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, ở khu vực Biển Đông, các quốc gia ASEAN có năng lực quân sự, đặc biệt là hải quân kém hơn nhiều so với Trung Quốc nên thuận lợi hơn trong tham vọng tiến ra đại dương. Ngoài ra, Biển Đông chứa nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Bắc Kinh cũng đang tranh chấp chủ quyền trên biển với một số quốc gia Đông Nam Á. Một vấn đề khác cũng rất quan trọng là tuyến vận tải biển huyết mạch của kinh tế Trung Quốc đi qua khu vực này từ Ấn Độ Dương. Giới phân tích quân sự nhận định, Biển Đông đang trở thành “cửa ngõ” trong kế hoạch tiến ra biển lớn. Do đó, Bắc Kinh cần đầu tư mạnh cho hạm đội phụ trách khu vực này để cụ thể hóa điều đó.
Bên cạnh đó, để phục vụ cho chiến lược vượt ra ngoài chuỗi đảo thứ 2, Trung Quốc đang biến đảo Hải Nam thành căn cứ quân sự mạnh nhất ở điểm cực Nam nước này. Bắc Kinh đã xây dựng ở đây một quân cảng lớn có khả năng tiếp nhận tàu sân bay Liêu Ninh ở vịnh Yolang. Xây căn cứ neo đậu cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược trong lòng núi ở cảng Du Lâm. Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) cho biết, toàn bộ các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094 lớp Jin được triển khai ở căn cứ Du Lâm. Các tàu ngầm triển khai ở Du Lâm có thể giám sát toàn bộ Biển Đông, tuần tra Ấn Độ Dương và khu vực tây Thái Bình Dương. ONI cho rằng, hạm đội tàu ngầm ở đây có thể đe dọa hoạt động của Hải quân Mỹ ở đảo Guam. Ngoài ra, bên cạnh tăng cường lực lượng, củng cố quân cảng, Trung Quốc đã tiến hành bồi lấp trái phép 7 rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà có thể phục vụ như những tiền đồn trên biển. Các đảo nhân tạo này đều có cảng biển có khả năng tiếp nhận các tàu khu trục cỡ lớn. Chúng sẽ hoạt động với vai trò tiếp tế cho các nhiệm vụ tuần tra xa bờ của PLAN. David S. McDonough, Giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Viện Ottawa, Canada nhận định, các đảo nhân tạo sẽ giúp PLAN khống chế Biển Đông và loại trừ các hoạt động can thiệp sâu vào khu vực của Hải quân Mỹ. Ông cho rằng, Hạm đội Nam Hải sẽ là công cụ quyền lực trong các hoạt động “bắt nạt” và yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Ngoài ra, hạm đội này còn có sứ mệnh đối phó với kế hoạch tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, không phải ngẫu nhiên mà những tàu chiến mới và hiện đại nhất đều biên chế cho hạm đội này.
http://biendong.net/bien-dong/33171-tq-tang-cuong-dau-tu-dua-ham-doi-nam-hai-thanh-luc-luong-hai-quan-quan-trong-bac-nhat.html

Virus corona lây lan trong các nhà tù Trung Quốc

và trên yêu cầu ‘phải giữ im lặng’

Nam Sơn
Nhiều nhà tù ở Trung Quốc đang báo cáo các trường hợp lây nhiễm coronavirus (COVID-19) giữa các tù nhân và lính canh, mức độ là đáng báo động.
Trong bối cảnh đó, các nhà chức trách của một thành phố ở tỉnh Sơn Đông đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để buộc lính canh nhà tù giữ im lặng về sự bùng phát dịch trong các nhà tù ở địa phương, theo tài liệu nội bộ của chính phủ mà The Epoch Times nhận được.
Tài liệu nội bộ
Tài liệu được chuẩn bị vào ngày 16/2 bởi phòng cảnh sát quận Thị Trung, một phần của văn phòng an ninh công cộng thành phố Tế Ninh, về việc cách ly các cai ngục.
Tế Ninh nằm ở phía đông Trung Quốc tỉnh Sơn Đông. Hai nhà tù trong thành phố đã báo cáo một đợt bùng phát coronavirus giữa các tù nhân và cai ngục, theo tài liệu. Những người cai ngục bị nhiễm bệnh đã được cách ly tại khách sạn Phoenix Xiyuan ở quận Thị Trung.
Sở cảnh sát Thị Trung đã tổ chức 50 cảnh sát để tuần tra trung tâm cách ly; lắp đặt camera giám sát bên ngoài và bên trong khách sạn, kể cả trong tất cả các phòng khách sạn; đảm bảo không ai bị cách ly rời khỏi khách sạn. Các cai ngục đang bị cách ly, bị bắt phải mặc quần áo bình thường để tránh bị rò rỉ bất kỳ hình ảnh hoặc video nào [của cai ngục] có thể làm hỏng hình ảnh của người cảnh sát nhân dân, theo tài liệu. Ở Trung Quốc, cai ngục mặc đồng phục giống cảnh sát. Ngoài ra, tất cả các nhân viên cách ly phải ký một thư cam kết, trong đó họ hứa sẽ giữ im lặng về sự bùng phát và chỉ cho người khác biết khi chính quyền địa phương đã thông báo công khai. Hơn nữa, bức thư yêu cầu các nhân viên bị cách ly phải giám sát lẫn nhau và báo cáo với chính quyền bất kỳ đồng nghiệp nào đang lan truyền thông tin đi lệch khỏi những gì chính phủ nói.
Tài liệu không nói rõ có bao nhiêu người đã bị nhiễm bệnh hoặc cách ly. Nhưng theo trang web của khách sạn, khách sạn Phoenix Xiyuan có 214 phòng và có 800 chỗ ngồi trong phòng ăn.
Nhà tù Rencheng
Vào ngày 18/2, một người trong cuộc đã liên lạc với EpochTimes và nói rằng có một vụ dịch ở nhà tù Rencheng, nằm ở Tế Ninh. “Nhà tù không được quản lý tốt. Môi trường vệ sinh bên trong rất bẩn. Ít nhất hàng trăm tù nhân và lính canh tù đã bị nhiễm bệnh… Các quan chức tỉnh đã đến đây [để kiểm tra tình hình],” ông nói.
Vài ngày sau, ngày 21/2, Xi Yan, giám đốc ủy ban y tế tỉnh Sơn Đông, thừa nhận tại một cuộc họp báo: “Tính đến ngày 20/2, [nhân viên y tế] đã hoàn thành việc xét nghiệm trên 2.077 người trong nhà tù Rencheng và chẩn đoán 207 trường hợp nhiễm coronavirus . Bảy người trong số họ là cai ngục và 200 người là tù nhân”. Xi nói rằng người nhiễm bệnh đầu tiên là một lính canh, người được chẩn đoán nhiễm virus vào ngày 13/2.
Cùng ngày, chính quyền trung ương tuyên bố rằng Xie Weijun, giám đốc văn phòng quản lý nhà tù Sơn Đông; Li Bao Sơn, giám đốc nhà tù Rencheng; và sáu quan chức khác từ hệ thống quản lý nhà tù tỉnh đã bị cách chức.
Các nhà tù khác tại Tế Ninh
Vào ngày 16/2, một tài liệu chính thức từ quận Ngư Đài, thành phố Tế Ninh đã bị rò rỉ trên Twitter. Tài liệu này được ban hành bởi một “nhóm lãnh đạo” thuộc chính quyền quận Ngư Đài, được thành lập để đối phó sự bùng phát dịch. Nhóm nghiên cứu yêu cầu tất cả các tù nhân tại nhà tù Huxi được chuyển đến “một địa điểm bí mật”, do coronavirus.
Tài liệu không cho biết có bao nhiêu tù nhân hoặc cai ngục bị nhiễm bệnh, nhưng nói rằng họ đã bố trí 12 xe buýt để vận chuyển tù nhân. Mỗi xe buýt có 45 ghế hành khách.
Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy nhà tù Luxi, nằm ở Zoucheng, một thành phố thuộc phạm vi quản lý của Tế Ninh, cũng có nguy cơ bùng phát.
Một khu dân cư ở quận Tai Bạchhu của Tế Ninh đã đăng một thông báo vào ngày 19/2: Những người dân nào đang làm việc tại nhà tù Luxi, nhà tù Rencheng hoặc Nhà máy điện Liyan, vui lòng liên hệ với văn phòng quản lý dân cư càng sớm càng tốt. Nếu bất kỳ cư dân nào đã tiếp xúc với nhân viên tại nhà tù Rencheng, vui lòng tự cách ly và báo cáo cho văn phòng quản lý khu dân cư. Nếu bạn bị sốt hoặc có các triệu chứng khác, bạn phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người khác và đến phòng khám sốt gần đó càng sớm càng tốt, hãy đọc thông báo.
Các nhà tù ở nơi khác
Vào ngày 21/2, chính quyền tỉnh Chiết Giang tuyên bố 34 tù nhân được chẩn đoán nhiễm coronavirus tại nhà tù Shilifeng ở thành phố Cù Châu, tỉnh Triết Giang.
Trong khi đó, Kinh Môn, một thành phố nằm ở trung tâm của vụ dịch ở tỉnh Hồ Bắc, tính đến ngày 15/2, đã có 40 bệnh nhiễm bệnh trong nhà tù Shayang, bao gồm cả cai ngục và tù nhân, theo một tài liệu của chính phủ nội bộ cung cấp cho Trung Quốc cung cấp cho EpochTimes tiếng Trung. Shayang là tên gọi chung của mười nhà tù nằm ở các quận khác nhau trên khắp Kinh Môn.
He Ping, giám đốc quản lý nhà tù cấp quốc gia của Bộ Tư pháp, cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 21/2 rằng Nhà tù nữ Vũ Hán đã có 230 tù nhân nhiễm bệnh vào ngày 20/2. Ông cũng xác nhận sự bùng phát trong nhà tù Shayang và cho biết: 41 trường hợp được chẩn đoán tại nhà tù Hanjin, một trong những cơ sở trong Shayang.
Sau khi các nhà tù này báo cáo về sự bùng phát của họ, các tỉnh Tứ Xuyên và Hắc Long Giang đã tuyên bố vào ngày 22/2 rằng họ sẽ thực hiện “quản lý thời chiến” cho các nhà tù của họ.
Cùng ngày hôm đó, một số quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đến thăm nhà tù khét tiếng Yancheng, bao gồm Quách Thanh Côn, bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp lý cấp quốc gia, một cơ quan giám sát bộ máy an ninh của đất nước, bao gồm cả thực thi pháp luật, tòa án và nhà tù; Bộ trưởng tư pháp Trung Quốc Phụ Chính Hoa; và thứ trưởng bộ công an Mạnh Thanh Phong.
Nhà tù Diêm Thành (Yancheng) tọa lạc tại tỉnh Hà Bắc, khoảng 20 dặm từ Bắc Kinh. Nhà tù báo cáo trực tiếp cho Bộ tư pháp, và là nơi một số quan chức tham nhũng cấp cao bị tống giam, trong đó có Cốc Khai Lai, vợ của quan chức cấp cao bị thất sủng Bạc Hy Lai. Cốc Khai Lai bị kết tội giết doanh nhân người Anh Neil Heywood vào năm 2011.
Nói chuyện với các quan chức tại nhà tù Diêm Thành, Quách yêu cầu tất cả các nhà tù ở Trung Quốc phải được quản lý chặt chẽ như trong thời chiến, theo các báo cáo truyền thông nhà nước.
(Bài của Nicole Hao đăng trên The Epoch Times ngày 24/2, do Hương Thảo dịch và biên tập)
https://www.dkn.tv/the-gioi/virus-corona-lay-lan-trong-cac-nha-tu-trung-quoc-va-tren-yeu-cau-phai-giu-im-lang.html

Những tuyên bố ‘siêu thực’ về các bệnh viện

chống dịch COVID-19 của Trung Quốc

Quý Khải
Trung Quốc đã phản pháo các báo cáo về tình trạng đáng sợ tại các bệnh viện dã chiến tạm thời nhằm đối phó với dịch virus corona của họ, khẳng định các bệnh nhân được phục vụ một thực đơn đa dạng gồm “bít tết” và hiện có thái độ khá tích cực trước dịch bệnh, theo tờ news của Úc.
Trung Quốc đã bác bỏ các báo cáo so sánh các bệnh viện dã chiến của họ với các “trại tập trung” là phát minh của các kênh truyền thông phương Tây “thiên lệch”.
Trong một bài xã luận với giọng điệu gay gắt, Thời báo Hoàn cầu (Global Times) cáo buộc các bản tin của truyền thông nước ngoài về sự bùng phát dịch COVID-19, vốn đã giết hại hơn 2300 người và lây nhiễm cho gần 78.000 người, đã mang đến “ấn tượng cho rằng chính phủ Trung Quốc không quan tâm đến người dân của mình”.
Hãng tin nhà nước Trung Quốc đã chỉ đích danh Thời báo New York, cáo buộc hãng này “tạo nên bầu dư luận tiêu cực”, và “bỏ qua” những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch bệnh.
“Việc đưa tin sai lệch về tình trạng bùng phát dịch của Thời báo New York nhằm tấn công vào hệ thống chính trị và việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 của Trung Quốc là không chuyên nghiệp, mang tính thiên vị và thậm chí là vô nhân đạo, theo nhận định của các chuyên gia Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các phương tiện truyền thông phương Tây chấm dứt việc phớt lờ các nỗ lực của Trung Quốc trong việc chăm sóc y tế và bảo vệ nhân quyền người dân của họ”, Thời báo Hoàn Cầu chỉ trích.
Bài báo này của Thời báo Hoàn Cầu ra một ngày sau khi Trung Quốc trục xuất ba nhà báo, bao gồm một công dân Úc, từ Tạp chí Wall Street Journal của Mỹ. Nếu giọng điệu của bài xã luận có tính ám chỉ, thì chi nhánh Thời báo New York tại Trung Quốc có thể là đối tượng kế tiếp.
Những tuyên bố ‘siêu thực’ về các bệnh viện chống dịch COVID-19 của Trung Quốc
Trong vòng chưa đầy một tháng, chính quyền Vũ Hán đã thành lập 11 bệnh viện tạm thời – được gọi là bệnh viện Phương Thương – một số được xây dựng từ đầu và số khác được chuyển đổi từ sân vận động, trung tâm hội nghị và phòng gym. Nhưng trên hai mạng xã hội Trung Quốc Weibo và WeChat hiện tràn ngập các video ghi hình cho thấy các công trình được xây dựng vội vã này bị rỉ nước và bệnh nhân yếu đi trong điều kiện tồi tệ, bên cạnh các cáo buộc ngược đãi, thiếu lương thực và điều kiện vệ sinh.
Điều kiện khá thiếu thốn tại các bệnh viện tạm thời, nơi bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý “nhẹ hơn” buộc phải ở lại. Hàng ngàn người phải chia sẻ một vài phòng tắm và một số phải chiến đấu để có được những bữa ăn miễn phí, chia sẻ của người dùng Twitter Xinyan Yu có ghi.
Bệnh viện Hỏa diệm sơn ở Vũ Hán bị dột nước. Đó không phải là một dấu hiệu tốt cho ĐCSTQ bởi trong văn hóa Trung Quốc “nước” sẽ dập tắt “Lửa”. Làm thế nào một công trình hời hợt như vậy có thể được hoàn thành trong vài ngày?, một người dùng Twitter khác tên @htommy998 chia sẻ.
Tình trạng ngập nước xảy ra bên trong các bệnh viện Vũ Hán mà chính phủ xây xong trong 10 ngày cho các bệnh nhân nhiễm virus.
Trong khi thế giới choáng váng trước sự chăm chỉ và hiệu quả của người Trung Quốc, khi họ có thể đoán trước một đại dịch để mà xây dựng nên các công trình này. Nhưng đây không phải là bệnh viện, mà chúng là các nhà xác, người dùng Twitter @Filippo60 ghi.
Thời báo Hoàn cầu đã phủ nhận các đoạn phim này, cho rằng đây là các tuyên truyền chống Trung Quốc. Trên thực tế, tờ báo này tuyên bố các bệnh nhân được cung cấp một bữa ăn phong phú và đa dạng, bao gồm “tôm, bít tết và cá”.
“Tất cả bệnh viện ở Vũ Hán, bao gồm tất cả các bệnh viện tạm thời, đã tắt điều hòa không khí trung tâm để ngăn chặn virus lây lan qua hệ thống sưởi”, tờ báo này cho biết.
“Chính phủ đã cung cấp mền bông, nệm, áo khoác bông, chăn điện và lò sưởi điện để giữ ấm cho bệnh nhân,” một bác sĩ tuyến đầu nói với Thời báo Hoàn cầu.
“Nhiều hình ảnh trực tuyến cho thấy bữa sáng của bệnh nhân có trái cây, xúc xích và bánh bao trong khi hộp cơm trưa của bệnh nhân cung cấp ba loại thực phẩm kèm cơm, không khác với các bữa ăn của họ tại nhà.”
“TV, radio và sách cũng được cung cấp để giảm bớt sự buồn chán của bệnh nhân và xua tan nỗi lo lắng của họ trong quá trình cách ly phòng dịch”.
“Các bệnh nhân cho biết, bầu không khí tại các bệnh viện kiểu này không có vẻ ảm đạm hay u sầu, thay vào là tràn đầy sức sống và giai điệu lạc quan, đặc biệt khi các nhân viên y tế tổ chức cho bệnh nhân tập thể dục theo đài, tham gia vào các điệu nhảy phổ biến và hát các bài hát nhạc pop, và luyện Thái cực quyền”.
Một bài báo khác in hình một nhân vật hoạt hình khắc họa một bệnh nhân đeo mặt nạ đang đọc sách trên giường kèm chú thích nhấn mạnh rằng cuộc sống trong một bệnh viện tạm thời không phải đều là tiêu cực.
“Liệu cuộc sống trong một khu điều trị nội trú thực sự có ảm đạm và đầy tuyệt vọng hay không? Một số bệnh nhân mắc chứng viêm phổi do virus corona chủng mới (COVID-19) trong tâm chấn đã đưa ra một câu trả lời rất khác nhau”, bài viết nói.
“Bên trong các bệnh viện tạm thời Phương Thành ở Vũ Hán, được xây để cho các trường hợp nhiễm bệnh nhẹ, bệnh nhân đã tìm được cách kháng dịch virus của riêng mình.
Như được thấy trong nhiều video và hình ảnh được đăng trực tuyến ghi nhận cuộc sống hàng ngày của họ, hàng chục bệnh nhân được bắt gặp đang thực hiện một điệu nhảy đồng bộ trên giường”.
Những tuyên bố ‘siêu thực’ về các bệnh viện chống dịch COVID-19 của Trung Quốc
’Một người đàn ông nằm trên giường đang đọc cuốn sách “Nguồn gốc của trật tự chính trị” của tác giả Francis Fukuyama, … góp phần làm trấn an nhiều trái tim lo lắng, Thời báo Toàn cầu chú thích cho bức ảnh hoạt hình này (ảnh chụp màn hình: News.com.au).
Nó cũng góp phần giải thích cho nguồn cảm hứng đằng sau bức hoạt hình tuyên truyền.
“Một người đàn ông nằm trên giường được bắt gặp đang đọc tác phẩm “Nguồn gốc của trật tự chính trị” của tác giả Francis Fukuyama”, theo Thời báo Hoàn Cầu.
“Sự bình tĩnh của anh, trái ngược với sự náo nhiệt bên ngoài, đã trấn an nhiều trái tim lo lắng. Nhiều người dùng internet đã vô cùng cảm động trước thái độ tích cực của những bệnh nhân này”.
Hôm Chủ nhật (23/2), chính quyền địa phương tuyên bố sẽ xây thêm 10 bệnh viện tạm thời, cung cấp thêm 11.465 giường cho bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng cường bộ máy tuyên truyền của mình sau khi quyết định trục xuất ba phóng viên của tờ Wall Street Journal, sau khi tờ báo này đăng một bài báo hôm thứ Tư tuần trước (19/2). Theo ĐCSTQ, bài báo này mang tính “phân biệt chủng tộc”, khi gọi Trung Quốc là “con bệnh của châu Á và từ chối thay đổi thái độ và đưa ra lời xin lỗi chính thức về vấn đề này”. Các nhà báo bị trục xuất được xác định là Chao Deng, Philip Wen quốc tịch Úc, và phó chánh văn phòng tại Trung Quốc Josh Chin. Bộ ba đã được cho phép năm ngày để rời Trung Quốc.
(Nguồn ảnh thumb: ảnh chụp màn hình/Wall Street Journal)
https://www.dkn.tv/the-gioi/nhung-tuyen-bo-sieu-thuc-ve-cac-benh-vien-chong-coronavirus-cua-trung-quoc.html

Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong cao đối với

bệnh nhân nhiễm virus corona nặng ở Trung Quốc

Nam Sơn
Theo một nghiên cứu mới phân tích một nhóm bệnh nhân mắc bệnh ở Vũ Hán, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân coronavirus bị bệnh nặng cao hơn so với SARS.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc, trong một nghiên cứu ngày 24/2 được công bố trên The Lancet, đã kiểm tra 52 bệnh nhân bị nặng được đưa vào Khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) của bệnh viện Vũ Hán Jin Yin-tan trong khoảng từ cuối tháng 12/2019 đến 26/1/2020 và phát hiện ra rằng từ 32%-61.5% sau đó đã chết. Tất cả những bệnh nhân đó đã chết trong vòng 28 ngày sau khi nhập ICU. Thời gian trung bình từ khi đưa vào ICU đến khi chết là bảy ngày.
Nghiên cứu cho biết, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân bị nặng là rất cao. Thời gian sống sót của họ là trong vòng 1-2 tuần sau khi nhập ICU.
Virus corona mới, theo số liệu chính thức, đã cướp đi hơn 2.500 mạng sống ở Trung Quốc và lây nhiễm gần 80.000 người. Mặc dù các chuyên gia và nhà bình luận đã nghi ngờ về những con số đó và cho rằng số bị nhiễm thực tế là lớn hơn nhiều.
Tỷ lệ tử vong này cao hơn so với trước đây ở những bệnh nhân SARS bị bệnh nặng, các nhà nghiên cứu cho biết. Vụ dịch năm 2002 đến 2003, cũng bắt nguồn từ Trung Quốc, đã giết chết gần 800 người và lây nhiễm khoảng 8.000 người trên toàn thế giới. Họ cũng thấy tỷ lệ tử vong cao hơn so với những bệnh nhân mắc hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) nặng.
Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân lớn tuổi – những người 65 tuổi trở lên có nguy cơ tử vong cao.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những bệnh nhân không sống sót có nhiều khả năng đã mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) – một loại suy hô hấp đặc trưng bởi viêm phổi nhanh chóng – và có nhiều khả năng phải thở máy. Trong số 20 bệnh nhân sống sót, có 8 bệnh nhân đã được xuất viện.

Hai phần ba trong số 52 bệnh nhân mắc bệnh lâm sàng là nam giới, nghiên cứu cho biết, một phát hiện hỗ trợ dữ liệu trước đó cho thấy nam giới dễ bị lây nhiễm hơn.
“Nghiên cứu kết luận về mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm phổi do COVID-19 gây ra sự căng thẳng đối với việc chăm sóc trong bệnh viện, đặc biệt là khi họ không có đủ nhân viên hoặc nguồn lực,” nghiên cứu kết luận.
(Bài viết của Cathy He đăng trên Epoch Times ngày 24/2/2020, Hương Thảo dịch và biên tập)
https://www.dkn.tv/the-gioi/nghien-cuu-cho-thay-ty-le-tu-vong-cao-doi-voi-benh-nhan-nhiem-virus-corona-nang-o-trung-quoc.html

Nhiều bệnh nhân Trung Quốc nhiễm COVID-19

phải xuất viện khi chưa hồi phục hoàn toàn

Eva Fu
Một nữ bệnh nhân 56 tuổi ở Vũ Hán, Trung Quốc nhập viện vì nhiễm COVID-19 vẫn đang được hỗ trợ thở oxy nhưng các bác sĩ nói rằng bà đã đủ điều kiện để xuất viện.
Sau nhiều ngày điều trị ở bệnh viện Trung Nam, Vũ Hán, người phụ nữ này đã âm tính với virus corona chủng mới. Tuy nhiên, bà vẫn ho liên tục. Bà đau ngực và khó thở. Zhang, con gái bà cho biết chân tay bà yếu đến nỗi bà sẽ ngã khi đi vệ sinh và không thể ra khỏi phòng. Vào ngày 16/2, các bác sĩ dừng điều trị, ngoại trừ đưa cho bà vài loại thuốc ho. Bốn ngày sau, phía bệnh viện điều xe đưa bà về. Đối với bệnh viện, kết quả âm tính với virus là đủ cho bà xuất viện.
Khi phóng viên Epoch Times liên lạc qua điện thoại với bệnh viện Trung Nam để hỏi về tiêu chí cho xuất viện, vị bác sĩ nghe máy đã không trả lời trực tiếp mà nói rằng điều này còn tùy vào từng trường hợp.
“Vậy mà chính phủ nói rằng họ sẽ ‘cho nhập viện bất cứ ai cần nhập viện’ ”, cô Zhang cho biết, kèm theo trích dẫn một khẩu hiệu gần đây. Câu khẩu hiệu trên nằm trong chiến dịch kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Hồ Bắc, khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ tìm ra tất cả bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Cô Zhang nói thêm: “Họ (bệnh viện) có thể nhận các bệnh nhân, nhưng sau đó họ cho xuất viện những người chưa hồi phục”.
Trước khi mẹ cô Zhang xuất viện, bác sĩ đề nghị bà tự cách ly mình và tránh tiếp xúc gần với các thành viên trong gia đình. Nhưng cô Zhang nói điều này gần như không thể vì căn hộ nhỏ của gia đình cô chỉ có 2 phòng với 3 người ở.
Các bệnh viện dã chiến, nơi tiếp nhận những người nghi nhiễm COVID-19 hoặc những người có triệu chứng nhẹ, đã từ chối nhận mẹ Zhang vì cho rằng tình trạng của bà quá nặng.
Ủy ban khu phố, nơi chịu trách nhiệm sắp xếp cho cư dân nhập viện, cho biết họ không thể làm gì vì bệnh viện không thuộc thẩm quyền của họ. Bệnh viện thuộc quận của họ cũng không có khả năng tiếp nhận bổ sung.
Cô Zhang cho biết, Ủy ban Y tế của thành phố cũng từ chối họ, vì họ không giám sát các bệnh viện cấp tỉnh như Trung Nam.
Lo ngại về các ca tái nhiễm COVID-19
Cô Zhang nói rằng rất nhiều bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng tương tự như mẹ cô và đã có ít nhất vài trường hợp trong số đó tái nhiễm. Cô còn nghi ngờ về độ chính xác về số người nhiễm COVID-19 được báo cáo.
Cô Zhang chia sẻ với The Epoch Times: “Liệu những bệnh nhân chưa hồi phục này có mang theo virus không? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ phát tán virus rộng rãi hơn?”
Phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về các trường hợp tái nhiễm ở nước này.
Theo Red Star News, vào ngày 19/2, một bệnh nhân trước đó được báo là đã khỏi bệnh ở Thành Đô, thủ phủ phía Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên, đã phải nhập viện một lần nữa sau khi xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Người này đã ra viện vào ngày 10/2 và sau đó tự cách ly ở nhà.
Lei Xuezhong, phó giám đốc trung tâm bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Tây Trung Quốc và cũng là chuyên gia hỗ trợ kiểm soát ổ dịch ở Tứ Xuyên, nói với giới báo chí rằng trường hợp này chứng minh sự cần thiết của việc xét nghiệm nghiêm ngặt hơn. Ông nói, nhân viên y tế sẽ tăng tần suất xét nghiệm chẩn đoán từ hai lên thành ba lần để tăng độ chính xác.
Tờ Tài Chính (Caijing) của Trung Quốc đưa tin, một bệnh nhân ở Kinh Châu, Hồ Bắc đã được báo là khỏi bệnh nhưng gần đây lại phải nhập viện dù người này cho kết quả âm tính với virus 2 lần trước khi xuất viện.
Bài viết của phóng viên Eva Fu, đăng trên The Epoch Times ngày 21/2, Hải Lam dịch và biên tập.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nhieu-benh-nhan-trung-quoc-nhiem-covid-19-phai-xuat-vien-truoc-khi-hoi-phuc-hoan-toan.html

Bộ trưởng Singapore khuyên người dân

 ‘không nên tích trữ kiểu Hồng Kông’

Yonden Lhatoo
Yonden Lhatoo, biên tập của của tờ Post, khuyên bạn nên lắng nghe những phát biểu gần đây của Bộ trưởng thương mại Singapore, phản đối những người dân hoảng loạn giành giật khẩu trang và dự trữ hàng hóa thiết yếu khi không cần thiết, theo SCMP ngày 22/2/2020.
Nếu bạn chưa từng nghe đoạn clip bị rò rỉ về câu nói của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing về những “kẻ ngốc” hoảng loạn mua khẩu trang và hốt sạch các nhu yếu phẩm như gạo, mì và giấy vệ sinh tại siêu thị, tôi khuyên bạn nên nghe. Đó là một lời quở trách theo phong cách Singapore cổ điển, được nhấn mạnh với tiếng lóng Singlish, thô thiển, vui nhộn và chỉ đích danh đối với sự cuồng loạn hàng loạt, tâm lý đám đông và hành vi ích kỷ, vô lý gây ra bởi cuộc khủng hoảng corona virus.
Bộ trưởng Chan đã giải thích quyết định ban đầu của chính phủ về việc phân phối bốn khẩu trang cho mỗi hộ gia đình như một trò chơi tâm lý để làm dịu các dây thần kinh, hơn là một nhu cầu tối cần thiết và đúng đắn của mỗi người dân.
“Tuy nhiên, để phát bốn khẩu trang cho mỗi gia đình, tôi phải chi thêm 5 triệu cái từ kho dự trữ hạn chế của mình. Khi Trung Quốc yêu cầu khẩu trang, phải, Trung Quốc đang dùng với tốc độ hàng trăm triệu cái mỗi ngày. Quốc gia nào, và thậm chí là dây chuyền sản xuất nào, có thể đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc? Không thể, phải không?”
Cách xử lý khủng hoảng của đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam đã cung cấp một hướng dẫn hữu ích cho Chan theo cách không nên làm theo điều đó, nếu không, “Tôi có thể đảm bảo với bạn hôm nay hệ thống bệnh viện của chúng tôi sẽ bị phá vỡ”. “Nếu chúng tôi phát bốn khẩu trang phẫu thuật và cho mọi người đeo nó chỉ để khiến họ cảm thấy yên tâm bởi vì họ nói Carrie Lam cũng đeo khẩu trang tại hội nghị, phải không? Ah hôm nay bạn xem báo. Điều gì đang xảy ra với Hồng Kông bây giờ? Bưu điện Hoa Nam đã báo cáo gì về Hồng Kông? Họ chỉ còn dự trữ dưới một tháng lượng khẩu trang cung cấp cho nhân viên y tế của họ. Điều đó có nghĩa là khi nhân viên y tế không còn khẩu trang, bạn có nghĩ rằng họ dám đi và chăm sóc người bệnh không?”
Ông tiếp tục chỉ trích những người dân Singapore thích dự trữ tất cả mọi thứ, từ khẩu trang và tăm bông cho đến gạo và thậm chí cả bao cao su. “Một băng đảng vũ trang đã đánh cắp 600 cuộn giấy vệ sinh khi tình trạng mua hàng hoảng loạn vẫn tiếp diễn ở Hồng Kông trong bối cảnh dịch coronavirus bùng phát. Thật ra, ah, cái này, tôi xấu hổ quá. Bạn biết tại sao mà. Tôi không biết nói thế nào nữa. Chúng tôi lúng túng. Thất vọng. Chúng ta làm ô nhục chính mình.”
Có cả lời mỉa mai và châm biếm được dành riêng cho những người đã tích trữ gạo. “Gạo à, ah, chúng tôi đã dự trữ tận từ năm 1970. Thực tế tôi có thể nói với bạn, à, bây giờ tôi rất hạnh phúc. Cuối cùng mọi người cũng đã dùng hết kho gạo dự trữ từ lâu của tôi … Vì vậy, bây giờ, ah … bạn hãy mua các kho dự trữ mới, bởi vì tất cả những kho dự trữ cũ đã bị dọn sạch.”
Một lưu ý quan trọng hơn, Chan nhấn mạnh sự cần thiết phải định vị và lên kế hoạch trước cho sự phục hồi kinh tế sau coronavirus. “Tôi có thể nói với bạn, Hồng Kông, họ không nghĩ về điều này bởi vì [họ chỉ nghĩ về] hiện tại và bây giờ.”
Ông đã lớn tiếng chỉ ra những bất cập: “Chỉ một nhóm nhỏ cư xử như những kẻ ngốc như vậy, sẽ giết tất cả chúng ta … Mọi quốc gia đều có thể cư xử như những kẻ ngốc. Nhưng người Singapore không thể cư xử như những kẻ ngốc… Chà, chúng ta cũng không thể như Hồng Kông. Nhưng ai sẽ giải thích
điều đó cho tất cả những người đã lấp đầy căn hộ nhỏ của họ bằng giấy vệ sinh và hộp khăn giấy xếp từ sàn đến trần?”
Người mua sắm ở Hồng Kông với những cái kệ trống trong siêu thị. Nguồn: Sun Yeung (ảnh chụp màn hình SCMP).
“Bạn dự trữ gạo, mì, tôi còn có thể chấp nhận. Vậy thì tại sao lại cả giấy vệ sinh? Nếu bạn ăn tất cả gạo và mì ăn liền, bạn xác nhận sẽ bị tiêu chảy chăng? Bạn giải thích cho tôi, hả. Vậy thì tại sao người Hồng Kông lại dự trữ giấy vệ sinh?”. Chúng ta (người Singapore) cần có một lời lớn tiếng như thế để khiến chúng ta không hành động giống Hồng Kông, nhưng nó sẽ cần sự tin tưởng và nhẫn nại của mọi người để chấm dứt khủng hoảng.
(Bài viết của Yonden Lhatoo trên SCMP ngày 22/2/2020, do Hương Thảo dịch và biên tập)
https://www.dkn.tv/the-gioi/bo-truong-singapore-khuyen-nguoi-dan-khong-nen-tich-tru-kieu-hong-kong.html

Ấn Độ hứa mua 3 tỉ đô la thiết bị quân sự của Mỹ

Thu Hằng
Ngày 25/02/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania Trump đến Raj Ghat, khu tưởng niệm Mahatma Gandhi, cha đẻ của nước Cộng Hòa Ấn Độ. Ngày làm việc thứ hai và cũng là ngày cuối của chuyến thăm của nguyên thủ Mỹ được hai bên dành để bàn về thương mại, hợp tác an ninh.
Trong cuộc họp báo ngày 24/02 tại thủ đô New Delhi, với thủ tướng Ấn Độ, tổng thống Mỹ cho biết chưa có thỏa thuận nào được ký, nhưng hai bên tiếp tục đàm phán và New Delhi sẽ mua 3 tỉ đô la trang thiết bị quốc phòng của Hoa Kỳ. Ông Donald Trump cũng nhắc đến tầm quan trọng về mức độ an toàn của mạng 5G đang được New Delhi lên kế hoạch triển khai. Phát biểu của tổng thống Mỹ có thể được hiểu như lời cảnh báo về nhà cung cấp thiết bị Hoa Vi của Trung Quốc.
Theo AFP, quan hệ giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ trở nên căng thẳng hơn do cả hai bên lần lượt tăng thuế đối với nhiều loại mặt hàng và dịch vụ, dù quy mô không lớn bằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Từ vài tháng gần đây, Ấn Độ đã tăng thuế một số mặt hàng nhập từ Mỹ như hạnh nhân, táo, thép, hóa chất…
Năm 2018, trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ đạt gần 145 tỉ đô la, trong đó Mỹ nhập siêu 25 tỉ đô la và điều này khiến tổng thống Donald Trump bất bình. Chủ nhân Nhà Trắng cũng cho rằng doanh nghiệp Mỹ không được tạo đủ cơ hội để thâm nhập thị trường khoảng 1,3 tỉ dân, nổi tiếng được bảo hộ.
Tọa kháng chống luật công dân mới biến thành bạo lực
Cũng trong tối 24/02, một vụ xô xát lớn đã xảy ra ở phía bắc thủ đô, chỉ cách khách sạn nơi tổng thống Mỹ nghỉ vài kilomet, khiến 7 người chết, trong đó có một cảnh sát và hàng chục người bị thương.
Theo thông tín viên RFI Sébastien Farci, vụ xô xát xảy ra trong một khu phố nơi phần lớn người dân theo đạo Hồi. Họ tổ chức tọa kháng để phản đối luật công dân mới của Ấn Độ. Trong khi đó, nhiều nhóm theo Ấn Độ giáo, dường như được cảnh sát nương tay, đã đến quấy phá và đốt nhiều cửa hiệu của người Hồi giáo. Đến sáng 25/02, lực lượng giữ an ninh đã được điều đến để kiểm soát tình hình.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200225-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-h%E1%BB%A9a-mua-3-t%E1%BB%89-%C4%91%C3%B4-la-thi%E1%BA%BFt-b%E1%BB%8B-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.