Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 06/02/2020

Thursday, February 6, 2020 6:34:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 06/02/2020

Tổng thống Trump

được trắng án trong phiên tòa luận tội

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/2 được trắng án trong phiên xử luận tội tại Thượng viện. Ông được các thượng nghị sĩ cùng đảng Cộng hòa bênh vực, những người đã vận động bảo vệ Tổng thống suốt 9 tháng ròng trước khi ông Trump yêu cầu cử tri cho mình thêm một nhiệm kỳ nữa ở Tòa Bạch Ốc.
Cũng như hai Tổng thống từng bị xét xử luận tội trước đây, ông Trump, 73 tuổi, ‘thoát hiểm’ trong phiên xử luận tội Tổng thống lần thứ ba của lịch sử Hoa Kỳ và trong chương đen tối nhất của nhiệm kỳ Tổng thống đầy ‘sóng gió’ của chính mình. Giờ đây, ông Trump có thể toàn tâm toàn ý bước vào mùa bầu cử hứa hẹn sẽ khiến quốc gia phân cực hơn nữa.
Ông Trump được trắng án trên hai điều khoản luận tội mà Hạ viện do phe Dân chủ nắm đa số đã thông qua hôm 18/12/19. Theo Hiến pháp, để truất phế Tổng thống cần đạt được đa số 2/3 phiếu đồng thuận truất phế tại Thượng viện gồm 100 thành viên.
Thượng viện đã biểu quyết với tỷ lệ 52-48 để tha bổng cho ông Trump về cáo trạng lạm dụng quyền hành xuất phát từ việc ông yêu cầu Ukraine điều tra đối thủ chính trị của mình là Joe Biden.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney đứng về phe Dân chủ trong việc bỏ phiếu buộc tội Tổng thống về cáo trạng này. Không một thượng nghị sĩ Dân chủ nào bỏ phiếu tha bổng cho ông Trump.
Thượng viện biểu quyết với tỷ lệ 53-47 để tha bổng cho ông Trump về cáo trạng cản trở Quốc hội bằng cách ngăn nhân chứng và không cung cấp tài liệu mà Hạ viện yêu cầu.
Với cáo trạng này, Thượng nghị sĩ Romney đứng về phe Cộng hòa trong việc bỏ phiếu tha bổng cho Tổng thống Trump. Không một thượng nghị sĩ Dân chủ nào bỏ phiếu tha bổng cho ông Trump.
Nếu ông Trump bị tuyên là có tội về một trong hai cáo trạng này thì Phó Tổng thống Mike Pence, cũng bên đảng Cộng hòa, sẽ được trao ghế Tổng thống.
Các thượng nghị sĩ biểu quyết từng điều khoản luận tội tại Thượng viện, dưới sự chủ trì của Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts.
Phe Dân chủ gọi phiên xử này là ngụy tạo và che đậy sự thật trong khi ông Trump lên án vụ xử luận tội là âm mưu lật đổ ông.
Thắng lợi lớn nhất tới nay
Đây là thắng lợi lớn nhất của ông Trump trước phe Dân chủ tại Quốc hội. Phe Dân chủ thề quyết sẽ tiếp tục các cuộc điều tra-họ đang tranh đấu để được tiếp cận giấy tờ tài chính của ông Trump-và bày tỏ hy vọng rằng các dữ kiện thực tế được phơi bày sẽ giúp thuyết phục cử tri không bỏ phiếu cho ông Trump thêm một nhiệm kỳ thứ hai.
Tỷ lệ chấp thuận Tổng thống Trump tương đối nhất quán trong suốt nhiệm kỳ đầu của ông và trong suốt quá trình xét xử luận tội ông vì các ủng hộ viên bảo thủ cốt lõi vẫn trung thành với ông.
Phiên xét xử luận tội Tổng thống Trump chính thức bắt đầu hôm 16/1. Thượng viện ngày 31/1 biểu quyết với tỷ lệ 51-49 đánh bại nỗ lực của phe Dân chủ muốn đòi các nhân chứng như cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là ông John Bolton.
Trong các phiên xét xử luận tội Tổng thống trước đây, cựu Tổng thống Andrew Johnson được trắng án vào năm 1868 và cựu Tổng thống Bill Clinton được tha bổng vào năm 1999.
(Theo Reuters)
https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-trump-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-tr%E1%BA%AFng-%C3%A1n-trong-phi%C3%AAn-t%C3%B2a-lu%E1%BA%ADn-t%E1%BB%99i/5275557.html

Mỹ: Bốn con số giải thích

tại sao Donald Trump không bị truất phế

Sau một phiên tòa luận tội kéo dài chưa hai tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5/2 được tha bổng, và giờ đây có thể tập trung vào việc tái tranh cử.
Việc ông được tha bổng chấm dứt nỗ lực loại ông ra khỏi Nhà Trắng của Hạ viện đã chia rẽ nước Mỹ một cách cay đắng.
Thượng viện, do đảng Cộng hòa kiểm soát, bỏ phiếu tha bổng ông 52-48 với cáo buộc lạm quyền và 53-47 với cáo buộc cản trở Quốc hội.
Đảng Dân chủ buộc tội ông Trump vào tháng 12 vì việc gây áp lực với Ukraine để bôi nhọ ông Joe Biden, một đối thủ tiềm năng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ông Trump sẽ trở thành tổng thống bị luận tội đầu tiên tìm cách tái tranh cử.
Việc ông sẽ không bị truất phế là điều ai cũng đã tiên đoán. Nhưng diễn biến của sự việc dẫn đến kết quả này là điều được cho là khá thú vị.
Dưới đây là bốn con số giải thích lý do tại sao Donald Trump được tha bổng – và những gì sẽ xảy ra kế tiếp.
Việc Donald Trump được Thượng viên tha bổng phản ánh sự yêu chuộng đảng Cộng hòa dành cho ông. Nếu trước phiên tòa, sự hỗ trợ mà mọi thành viên các cấp của đảng có với ông không rõ lắm, thì việc đó giờ đây chắc chắn đã tỏ tường.
Ông Trump chưa bao giờ được đảng Cộng hòa ưa chuộng như bây giờ (hoặc bị đảng Dân chủ có ác cảm hơn). Theo một cuộc thăm dò của Gallup trong tuần này, 94% đảng Cộng hòa tán thành thành tích của ông Trump trong thời gian tại chức. Con số này tiếp tục tăng ngay cả lúc phiên tòa luận tội đang diễn ra.
Gallup cũng tường trình rằng 89% đảng Cộng hòa đã chấp thuận ông Trump trong năm thứ ba tại vị – điều này khiến ông trở thành tổng thống được thành viên cùng đảng ưa chuộng thứ hai trong mọi thời đại.
Không phải lúc nào Trump cũng được như thế. Bốn năm trước đây không thiếu những thành viên đảng Cộng hòa cao cấp xếp hàng để lên án ông, một người đàn ông cuối cùng đã bất ngờ trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng họ.
Năm 2016, Thượng nghị sĩ tiểu bang Alaska Lisa Murkowksi tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho ông. “Nếu chúng ta đề cử Trump, chúng ta sẽ bị phá hủy”, thượng nghị sĩ tiểu bang Nam Carolina Lindsey Graham nói vào năm 2016, “và chúng ta sẽ xứng đáng với điều đó”.
Ông Trump trở thành ứng cử viên của đảng, sau đó thành tổng thống và cả bà Murkowski lẫn ông Graham đều có mặt tại Thượng viện trong phiên tòa xét xử để sát cánh bên người đàn ông của họ. Như đã được chứng minh trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2018, khi một số thành viên Quốc hội của đảng Cộng hòa không hoàn toàn ủng hộ ông Trump bị thất cử, cử tri đảng Cộng hòa có thể không sẽ tha thứ cho bất cứ ai không trung thành với tổng thống.
Sự nổi tiếng của tổng thống không có nghĩa là những người ủng hộ ông tin rằng ông là người không đáng trách trong câu chuyện luận tội. Trong một cuộc thăm dò được thực hiện bởi Associated Press và Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Công cộng của NORC tuần trước, chỉ có 54% thành viên đảng Cộng hòa tin rằng ông Trump không làm gì sai.
Đảng Cộng hòa tại Thượng viện có đa số 53 so với 47 của đảng Dân chủ, nghĩa là họ kiểm soát Thượng viện và có thể chỉ đạo diễn tiến của phiên tòa.
Tỷ số này rất quan trọng. Trong phiên tòa, các thượng nghị sĩ phải bỏ phiếu về việc có nên kết nạp nhân chứng hay không, và đa số chọn không. Chỉ cần bốn thành viên đảng Cộng hòa có lựa chọn khác, các nhân chứng có thể đã được gọi vào – ít nhất là cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người có bằng chứng có thể rất bất lợi cho phiên xử.
Trên thực tế, bốn thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã dao động, trong số này có thượng nghị sĩ tiểu bang Utah, ông Mitt Romney. Tại một thời điểm có vẻ như tất cả sẽ bỏ phiếu cùng với thượng nghị sĩ đảng Dân chủ cũng như độc lập và đồng ý cho phép gọi nhân chứng. Nhưng cuối cùng, tất cả thành viên đảng Cộng hòa trừ ông Romney đã bỏ phiếu theo đảng, không có nhân chứng nào được gọi, và phiên tòa kết thúc chỉ sau 11 ngày.
Đây là con số đảm bảo ông Trump chắc chắn sẽ không được tha bổng. Ông chỉ có thể bị truất phế nếu 2/3 thượng nghị sĩ, tức 67 người – ủng hộ điều đó.
Điều này đòi hỏi 20 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu truất phế tổng thống của họ. Cuối cùng, chỉ có một người – Mitt Romney – đã làm điều đó.
Đây là số tiền mà chiến dịch tranh cử của Trump cho biết đã huy động được trong quý cuối năm 2019, một con số khổng lồ được cho rằng phần lớn là do những người ủng hộ Trump phản ứng với việc ông bị luận tội.
”Tiền gây quỹ dồi dào và các sinh hoạt của các nhóm ủng hộ tổng thống làm cho chiến dịch tái tranh cử của ông trở thành một lực không thể ngăn cản”, người quản lý chiến dịch tranh cử của ông, Brad Parscale, nói.
Với phiên tòa xét xử đã kết thúc, ông Trump hiện có thể thanh thản tập trung vào chiến dịch tái tranh cử (mặc dù trong thực tế, ngay từ đầu, ông không bao giờ để việc luận tội làm gián đoạn việc vận động tranh cử của mình).
Luận tội đã khiến những người ủng hộ muốn hỗ trợ ông nhiều hơn? Hay nó sẽ làm nhòe hình ảnh của tổng thống, bất chấp việc ông được tha bổng?
Chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời vào ngày 3 tháng 11.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51385210

Phi hành gia Christina Koch trở về trái đất

sau chuyến thám hiểm kỷ lục

Nhà du hành vũ trụ Hoa Kỳ Christina Koch, người dẫn đầu chuyến đi bộ không gian toàn nữ đầu tiên vào năm 2019, đã đáp xuống Kazakhstan hôm thứ Năm 6/2 sau khi ở trên Trạm không gian Quốc tế một thời gian kỷ lục – 328 ngày.
Phi thuyền Soyuz MS-13 đáp xuống sa mạc Kazakhstan lúc 4:12 sáng (giờ miền đông Hoa Kỳ), trên tàu có bà Koch, 41 tuổi, phi hành gia châu Âu Luca Parmitano và nhà du hành vũ trụ người Nga Alexander Skvortsov.
Các phi hành gia được di chuyển đến Karaganda để chuẩn bị hành trình về nhà.
“Ngay vào lúc này, tôi choáng ngợp và hạnh phúc,” – phi hành gia Koch nói khi đang quấn chăn và ngồi trên một chiếc ghế, chờ được đưa vào một chiếc lều y tế để khôi phục lại sự cân bằng của cơ thể trong trọng lực trái đất.
Chuyến bay và làm việc trong không gian của bà Koch phá kỷ lục về thời gian ở trong vũ trụ lâu nhất của một người phụ nữ, trước đó do nữ phi hành gia NASA Peggy Whitson nắm giữ.
Bà Koch cũng lập một thành tựu mới trong chuyến thám hiểm không gian vừa qua khi bà cùng với phi hành gia NASA Jessica Meir thực hiện chuyến đi bộ không gian vào tháng 10 năm ngoái, đánh dấu lần đầu tiên hai nhà thám hiểm vũ trụ toàn nữ bước ra khỏi trạm không gian. Hai nữ phi hành gia này cũng thực hiện thêm một chuyến đi bộ không gian hồi tháng trước.
Chuyến thám hiểm không gian dài 328 ngày của bà Koch sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu những dữ liệu rất cần thiết để tìm hiểu về tình trạng không trọng lượng và bức xạ không gian ảnh hưởng lên cơ thể phụ nữ như thế nào trong những chuyến bay không gian dài.
https://www.voatiengviet.com/a/phi-hanh-gia-koch-tro-ve-trai-dat/5276618.html

Bầu cử 2020: Bầu cử sơ bộ (primary)

và họp đảng (caucus) diễn tiến ra sao?

Bốn năm sau khi thế giới chứng kiến nỗ lực vận động của Donald Trump cho đến khi ông được đề cử là ứng cử viên của đảng Cộng hòa, nước Mỹ một lần nữa quyết định ai sẽ có thể tranh cử vào Nhà Trắng.
Người được đề cử sẽ được lựa chọn qua một loạt các cuộc bầu cử sơ bộ và họp đảng ở mọi tiểu bang và lãnh thổ Hoa Kỳ, bắt đầu từ tiểu bang Iowa vào thứ Hai và kết thúc tại Puerto Rico vào đầu tháng Sáu.
Ngoại trừ có biến chuyển lớn, ứng cử viên của đảng Cộng hòa sẽ là Donald Trump. Mặc dù về mặt kỹ thuật, đảng Cộng Hòa có hai người thách đấu Trump, ông là người rất được ưa chuộng trong đảng, và mọi người đều kỳ vọng ông sẽ được đề cử. Như vậy rõ ràng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ là cuộc bầu cử duy nhất đáng xem.
Bầu cử sơ bộ là một quá trình bất thường, không phải dễ để giải thích, mặc dù chúng ta đã từng thử.
Bước thứ nhất: Mức khởi hành
Cả một năm trước bầu cử sơ bộ, ứng cử viên đầu tiên xuất hiện từ thời còn âm thầm ôm giấc mơ làm tổng thống. Trong suốt năm, những người khác nối đuôi và cuối cùng 28 người tuyên bố họ đang tham gia cuộc đua để trở thành ứng cử viên tổng thống cho đảng Dân chủ.
Nhưng quỹ tài trợ giảm dần, phản ứng không nồng ấm lắm hoặc (lạnh như băng) của quần chúng và đấu đá trong chiến dịch tranh cử, ở các mức độ khác nhau, đã khiến 17 ứng cử viên rút khỏi cuộc đua.
Buttigieg và Sanders dẫn đầu sau hỗn loạn bầu phiếu ở Iowa
Ai đang dẫn đầu cuộc đua vào Nhà trắng của đảng Dân chủ?
Giờ đây, với mùa bầu cử sơ bộ trước mặt, 11 người vẫn còn đang tranh cử. Về lý thuyết, bất kỳ ai trong số họ cũng có thể trở thành người được đề cử. Trong thực tế, chỉ rất ít có cơ hội.
Bước thứ hai: Họp đảng của Iowa
Sự kiện đầu tiên của mùa sơ bộ không phải là một cuộc bầu cử – mà là một loạt các cuộc họp đảng, ở tiểu bang Iowa, hôm thứ Hai ngày 3/2. BBC sẽ giải thích sự khác biệt giữa bầu cử sơ bộ và các cuộc họp đảng.
Họp đảng (caucus) là gì?
Một cuộc họp đảng liên quan đến những người tham dự một cuộc họp – có thể trong vòng vài giờ – trước khi họ bỏ phiếu cho ứng cử viên ưa thích, có thể qua việc đếm đầu người hoặc giơ tay. Những cuộc họp đảng này đó có thể chỉ xảy ra ở một vài địa điểm được chọn – bạn không thể đến một trạm bỏ phiếu để bầu cho ứng viên mình chọn.
Do đó, các cuộc họp đảng có xu hướng thực sự thích hợp với các ứng cử viên giỏi trong việc lôi kéo những người ủng hộ họ ra khỏi nhà đến nơi họp. Những người như Bernie Sanders chẳng hạn.
Vũ khí bí mật chống Trump của các ứng cử viên Dân chủ
Ứng cử viên Dân chủ hàng đầu tranh cãi về ‘nữ tổng thống’
Họp đảng trước đây phổ biến hơn nhiều, nhưng năm nay, đảng Dân chủ chỉ tổ chức họp đảng ở bốn tiểu bang trên toàn quốc – Nevada, North Dakota, Wyoming và Iowa.
Nếu bất kỳ ứng cử viên nào chỉ được dưới 15% số phiếu trong bất kỳ cuộc họp đảng nào, những người ủng hộ họ sẽ chọn một người thứ hai trong số các ứng cử viên đạt được hơn 15%, hoặc họ có thể chọn không bỏ phiếu lại.
Tại sao Iowa quan trọng?
Ứng cử viên nào thắng ở tiểu bang Iowa sẽ tạo được một bàn đạp giúp cho họ có thêm hứng khởi, động lực thúc đẩy họ đạt được những chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ kế tiếp.
Tại sao Iowa là tiểu bang được đi đầu lịch bầu cử sơ bộ? Bạn có thể đổ lỗi cho Jimmy Carter, đại khái là như vậy.
Iowa được đi đầu vào năm 1972, vì nhiều lý do bầu cử kỹ thuật quá nhàm chán để giải thích ở đây. Nhưng khi Carter ra tranh cử tổng thống năm 1976, nhóm vận động của ông nhận ra rằng họ có thể lấy đà bằng cách vận động sớm tại tiểu bang Iowa. Carter đã thắng ở đây, rồi sau đó bất ngờ giành được chức tổng thống và số phận của Iowa từ lúc đó đã được định đoạt.
Tại sao Iowa không quan trọng?
Iowa không đại diện cho toàn bộ Hoa Kỳ – dân trong tiểu bang này chủ yếu là người da trắng, vì vậy cách mọi người bỏ phiếu ở đó sẽ rất, rất khác so với các tiểu bang khác.
Kỷ lục của Iowa về việc chọn những ứng cử viên cuối cùng được đề cử cũng là một điều hơi hư danh, ít nhất là khi nói đến đảng Cộng hòa – khi có một một cuộc đua cở mở của đảng Cộng hòa, Iowa đã không chọn ra người được đề cử từ năm 2000. Những ứng cử viên như Mike Huckabee, Rick Santorum và Ted Cruz đã giành chiến thắng ở Iowa trong những năm gần đây.
Bước thứ ba: Bầu cử sơ bộ ở New Hampshire
Tám ngày sau họp đảng tại Iowa vào thứ Ba, ngày 11/2, là cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên, xảy ra ở New Hampshire. Tiểu bang nhỏ bé phía đông bắc chỉ có 1,3 triệu dân này một lần nữa sẽ trở thành một điểm nóng không tưởng của các hoạt động chính trị.
Bầu cử sơ bộ là gì?
Không giống như một cuộc họp đảng, nơi các cử tri dự kiến sẽ xuất hiện ở một vài địa điểm hạn chế vào một số thời điểm nhất định và họp trong một thời gian, các cử tri trong cuộc bầu cử sơ bộ đơn giản chỉ phải đến một phòng bỏ phiếu và bỏ phiếu kín. Sau đó đi về.
Bầu cử sơ bộ diễn tiến ra sao?
Càng nhận được nhiều phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ hoặc họp đảng, ứng cử viên càng thu nhặt được nhiều phiếu “đại biểu”, và mọi ứng cử viên đều hy vọng giành được đa số đại biểu không ai bì.
Mỗi tiểu bang có số đại biểu khác nhau, được quyết định bởi một loạt các tiêu chí phức tạp. Ví dụ, tiểu bang California năm nay có 415 đại biểu Dân chủ, nhưng New Hampshire chỉ có 24.
Năm nay có một chút khác biệt. Bất kỳ ứng cử viên nào cũng cần phải nhận được ít nhất 15% số phiếu trong bất kỳ cuộc bầu cử sơ bộ hoặc họp đảng nào để được trao đại biểu. Vẫn còn 11 ứng cử viên đang chạy đua – một con số lớn bất thường – vì vậy có nguy cơ tỷ lệ phiếu bầu bị dàn trải khá cao và một số ứng cử viên có thể sẽ rất chật vật mới đạt được 15%.
Sau New Hampshire, chúng ta có thể có được một bức tranh rõ ràng hơn là ai đang gặp khó khăn, nhưng bất cứ ai đạt được đa số đại biểu ở giai đoạn này vẫn còn lâu mới được đảm bảo là người được đề cử.
Và ngay cả những người đang vất vả cũng có thể không bỏ cuộc ngay sau New Hampshire, bởi vì vẫn còn quá nhiều phiếu đại biểu để tranh dành…
Bước thứ bốn: Thứ Ba Siêu
Một vài tiểu bang khác bỏ phiếu ở giữa New Hampshire và cuối tháng Hai, nhưng đây là lúc mọi thứ thực sự bắt đầu ấm lên: Thứ Ba Siêu, vào ngày 3 tháng Ba.
Thứ Ba Siêu là gì?
Thứ Ba Siêu là ngày trọng đại trong lịch bầu cử sơ bộ, khi 16 tiểu bang, hoặc vùng lãnh thổ bỏ phiếu cho ứng cử viên ưa thích của họ trong bầu cử sơ bộ hoặc họp đảng. Một phần ba trong số tất cả các đại biểu trong toàn bộ mùa bầu cử sơ bộ được tranh dành trong Thứ Ba Siêu. Đến cuối ngày này, chúng ta có thể thấy rõ ràng hơn nhiều là ứng cử viên của đang Dân chủ sẽ là ai.
Hai tiểu bang có nhiều đại biểu nhất đang bỏ phiếu vào Thứ ba Siêu – California (với 415 đại biểu của đảng Dân chủ) và Texas (228). California đang bỏ phiếu sớm hơn ba tháng so với năm 2016, khiến Thứ Ba Siêu năm 2020 thậm chí còn siêu hơn bình thường.
California và Texas là hai tiểu bang có dân số rất đa dạng, vì vậy chúng ta có thể thấy cử tri sẽ chọn những ứng cử viên rất khác so với những người được chọn ở Iowa và New Hampshire.
Bước thứ năm: Phần còn lại của cuộc đua
Sau ngày Thứ Ba Siêu bận rộn, mọi người sẽ hạ nhiệt trong khoảng một tuần, trước một ngày bận rộn khác cũng vào thứ Ba, ngày 10 tháng 3, khi sáu tiểu bang bỏ phiếu, với 352 đại biểu.
Sau đó, mùa bầu cử sơ bộ vẫn còn kéo dài thêm ba tháng nữa, và cuối cùng, vai trò của những đại biểu đó sẽ trở nên rõ ràng…
Bước thứ sáu: Các Đại hội đảng
Donald Trump gần như chắc chắn sẽ tuyên thệ nhận sự đề cử là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa tại đại hội đảng ở Charlotte, Bắc Carolina, từ ngày 24 đến 27 tháng 8. Đảng Dân chủ sẽ xác nhận ứng cử viên tổng thống được đề cử của họ tại đại hội đảng từ ngày 13 đến 16 tháng 7 tại Milwaukee, Wisconsin.
Điều gì xảy ra tại Đại hội đảng?
Đây là nơi những đại biểu thi hành trách nhiệm của mình.
Giả sử trong mùa bầu cử sơ bộ, ứng cử viên A thắng 10 đại biểu. Trong hội nghị, 10 đại biểu đó sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên A để trở thành ứng cử viên đảng Dân chủ. (Bất kỳ đảng viên nào cũng có thể đăng ký làm đại biểu – nhưng họ có xu hướng thường là nhà hoạt động hoặc lãnh đạo chính trị địa phương của đảng.)
Có tất cả 3.979 đại biểu của đảng Dân chủ được phân phối qua suốt các cuộc bầu cử sơ bộ. Bất kỳ ứng cử viên nào giành được hơn 50% số đại biểu đó (tức 1.990 đại biểu), thì họ sẽ trở thành ứng cử viên được đề cử trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đảng.
Nhưng nếu đến ngày Đại hội đảng Dân chủ và không ai có hơn 50% số đại biểu, Đại hội sẽ trở thành một Đại hội “được tranh luận” hoặc “được môi giới”. Điều này cũng có thể xảy ra trong năm nay. Có quá nhiều ứng cử viên khiến khó ai có thể dẫn đầu một cách rõ ràng trong các cuộc bầu cử sơ bộ, và họ chia nhau các đại biểu. Trong trường hợp đó, một cuộc bỏ phiếu thứ hai sẽ xảy ra.
Trong lần bỏ phiếu thứ hai đó, tất cả 3.979 đại biểu sẽ bỏ phiếu một lần nữa, ngoại trừ lần này họ sẽ được tham gia bởi khoảng 771 “siêu đại biểu”. Đây là những quan chức cao cấp trong quá khứ và hiện tại (cựu tổng thống Bill Clinton là một, cũng như thượng nghị sĩ tiểu bang Vermont và là ứng cử viên tổng thống Bernie Sanders), và họ được tự do bầu cho bất cứ ai họ muốn.
Nếu một ứng cử viên giành được 50% hoặc nhiều hơn trong số đại biểu đó – 2.376 đại biểu – thì họ sẽ trở thành người được đề cử.
Điều này là nhờ một sự thay đổi quy tắc vào năm 2020: lần trước, các siêu đại biểu đã bỏ phiếu khi bắt đầu Đại hội đảng, cùng với các đại biểu. Nhưng nhiều người đã cam kết sẽ ủng hộ Hillary Clinton ngay cả trước ngày Đại hội, dẫn đến việc đối thủ của bà, ông Sanders cho rằng mọi việc đã được an bài trước, bất lợi cho ông.
Bernie Sander đã thúc đẩy thay đổi này – và điều đó có thể sẽ có lợi cho ông trong măm 2020.
Bước thứ bảy: Trở thành tổng thống?
Sau khi vượt qua Iowa, đoạt đại biểu tại New Hampshire, sống sót hôm Thứ ba Siêu và vào được Đại hội, chỉ còn một bước nữa cho ứng cử viên được đề cử: cuộc bầu cử tổng thống, vào ngày 3 tháng 11.
Chúng tôi sẽ giải thích tiến trình bầu cử tổng thống khi gần tới thời điểm đó.
Lịch bầu cử sơ bộ
(Bầu cử sơ bộ trừ khi ghi rõ là Họp đảng)
THÁNG HAIThứ Hai 3/2
Iowa, họp đảng (Democratic, Republican)
Thứ Ba 11/2
New Hampshire (D,R)
Thứ Bảy 22/2
Nevada (D)
Thứ Bảy 29/2:
South Carolina (D)
THÁNG BA
Thứ Ba 3/3 (Thứ Ba Siêu)
Alabama (D, R)
American Samoa, họp đảng (D)
Arkansas (D, R)
California (D, R)
Colorado (D, R)
Maine (D, R)
Massachusetts (D, R)
Minnesota (D, R)
North Carolina (D, R)
Oklahoma (D, R)
Tennessee (D, R)
Texas (D, R)
Utah (D, R)
Vermont (D, R)
Virginia (D)
Democrats Abroad (D)
Thứ Ba 10/3
Idaho (D, R)
Michigan (D, R)
Mississippi (D, R)
Missouri (D, R)
North Dakota, họp đảng (D)
Washington state (D, R)
Thứ Năm, 12/3
Virgin Islands, họp đảng (R)
Thứ Bảy 14/3
Guam caucuses (R)
Northern Marianas (D)
Thứ Ba 17/3
Arizona (D)
Florida (D, R)
Illinois (D, R)
Northern Marianas, họp đảng (R)
Ohio (D, R)
Thứ Ba 24/3
American Samoa, họp đảng (R)
Chủ Nhật 29/3
Puerto Rico (D)
THÁNG TƯ
Thứ Bảy 4/4
Alaska (D)
Hawaii (D)
Louisiana (D, R)
Wyoming, họp đảng (D)
Thứ Ba 7/4
Wisconsin (D)
Thứ Ba 28/4
Connecticut (D, R)
Delaware (D, R)
Maryland (D, R)
New York (D, R)
Pennsylvania (D, R)
Rhode Island (D, R)
THÁNG NĂM
Thứ Bảy 2/5
Guam caucuses (D)
Kansas (D)
Thứ Ba 5/5
Indiana (D, R)
Thứ Ba12/5
Nebraska (D, R)
West Virginia (D, R)
Thứ Ba19/5
Kentucky (D, R)
Oregon (D, R)
THÁNG SÁU
Thứ Ba 2/6
District of Columbia (D, R)
Montana (D, R)
New Jersey (D, R)
New Mexico (D, R)
South Dakota (D, R)
Thứ Bảy 6/6
Virgin Islands, họp đảng (D)
Chủ Nhật 7/6
Puerto Rico (R)
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51385204

Phản ứng của người Việt tại Mỹ

đối với sự lây lan của virus corona

Hà Vũ
Ngày 5/2 có thêm 73 người tại Hoa lục chết vì virus corona, nâng tổng số tử vong lên thành 563, giới hữu trách y tế Trung Quốc cho biết cùng ngày.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nói trong ngày 5/2 có thêm 3.694 ca nhiễm virus corona được báo cáo trên cả nước, nâng tổng số lên thành 28.018 ca.
Virus corona chủng mới được phát hiện đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Ngoài Trung Quốc đại lục, có ít nhất 150 ca bị nhiễm virus tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có một người chết tại Philippines và một người chết tại Hong Kong.
Tại Mỹ, ca lây nhiễm virus corona đầu tiên được ghi nhận tại tiểu bang Washington khi một người đàn ông 35 tuổi được chẩn đoán dương tính với loại virus này sau khi đi thăm gia đình ở Vũ Hán, Trung Quốc, trở về vào ngày 15/1. Sau 4 ngày ho và sốt, ông quyết định đi khám bệnh tại bệnh viện Quận Snohomish. Ngày 20/1, sau một loạt thử nghiệm, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tuyên bố ông là người đầu tiên ở Mỹ bị nhiễm virus corona.
Tới hôm 24/1, giới chức y tế Mỹ loan báo ca lây nhiễm virus corona thứ hai. Bệnh nhân là một phụ nữ khoảng 60 tuổi từ Trung Quốc trở về Chicago hôm 13/1. Lúc đầu bà không có dấu hiệu đau ốm gì cả nhưng vài ngày sau bà đi khám bệnh vì tình trạng sức khoẻ sa sút.
Ngày 30/1, CDC và cơ quan y tế Illinois xác nhận ca lây nhiễm virus corona từ người sang người đầu tiên trên đất Mỹ. Bệnh nhân mới là chồng của cư dân Chicago trước đây vào ngày 24/1 đã dược CDC xác nhận lây nhiễm virus corona sau khi từ Vũ Hán trở về.
Tới ngày 2/2, giới chức y tế tiểu bang California, nơi có đông cộng đồng gốc Á sinh sống, xác nhận có 11 ca lây nhiễm virus corona mới, trong đó có một phụ nữ bị lây nhiễm ở Quận hạt Santa Clara, và hai ca khác tại Quận hạt San Benito, theo đó người chồng ở Vũ Hán về đã lây bệnh cho vợ.
Tuy tại California đã có trường hợp lây nhiễm virus, nhưng cộng đồng người Việt ở đây dường như vẫn bình thản và vui vẻ đón Tết Canh Tý 2020.
Ông Trương Ngãi Vinh, cựu Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam ở Nam California, cho biết:
“Ở California cũng có bảy, tám trường hợp nhưng mọi người vẫn bình tĩnh, không có lo vì họ nghĩ rằng chính phủ Hoa Kỳ đã chuẩn bị, đã lo lắng mọi sự nếu dịch này phát triển mạnh. Do đó chợ búa, sinh hoạt vẫn bình thường.”
Vì tin tưởng vào chính phủ Mỹ như vậy nên hiếm có người mang khẩu trang đi ra đường, ông Vinh nói.
“Ngày hôm qua có một người đi vào Costco mang khẩu trang thì mọi người nhìn sợ lắm. Cuối cùng có một cặp vợ chồng Việt Nam nhìn người đeo khẩu trang và nói ‘Có bà Tàu nhiễm virus.” Họ chạy đi coi, mẹ con xanh mặt hết. Nhưng người đó cũng là người Việt Nam,” ông kể.
Ông Chính Đàm, chủ nhân doanh nghiệp Hột Vịt lộn Long An ở Quận Cam, nơi tập trung đông đảo người Việt tại Nam California, chia sẻ với VOA:
“Tôi thấy ở đây vẫn sinh hoạt bình thường, đâu có gì đâu. Vẫn đi hội chợ sinh viên, hội chợ cộng đồng, hội chợ phố Tàu cancel, nhưng quận Cam mình thoải mái, không có bị gì hết.”
Tuy nhiên, trong tình trạng virus corona lây lan nhanh chóng hiện nay, ông Vinh đã khuyên bạn bè mình chớ nên đến những nơi đông người, nhất là những khu phố có nhiều người Hoa, vì e rằng họ vừa về quê ăn Tết rồi trở lại Mỹ.
“Ở Los Angeles đây thôi chứ không xa, tôi có người bạn lên lấy hoa về thì họ nói Chinatown vắng hơn nhiều so với bình thường, vắng chừng 30 đến 40%. Họ cũng sợ. Tôi cũng khuyên bạn bè không nên đến những chỗ đông người. Có một số người dự định đi về Việt Nam cũng đã cancel vé máy bay đi về Việt Nam, ” ông Vinh cho biết thêm.
Ông Phục Thái, một cư dân khác cũng ở Quận Cam, cho biết một số tổ chức tại Quận Cam cũng lo ngại về sự lây lan của virus nếu tập trung đông người.
“Tuần trước đáng lẽ Chủ Nhật có tiệc Tân niên của Quốc Gia Hành Chánh nhưng phải cancel dời lại dịp khác vì có khuyến cáo là không nên hội họp đông đúc lúc này,” ông Thái cho hay.
Khu vực thủ đô nước Mỹ và các vùng lân cận chưa có trường hợp nào được xác nhận nhiễm virus corona dù có báo cáo một vài ca nghi nhiễm.
Tại tiểu bang Virginia sát thủ đô Washington DC, trường đại học George Mason hôm 31/1 tuyên bố một sinh viên cư ngụ bên ngoài ký túc xá của trường có kết quả thử nghiệm âm tính đối với virus corona. Hai người khác cư ngụ tại miền trung Virginia cũng âm tính đối với virus corona.
Không thấy cư dân thủ đô và các vùng phụ cận mang khẩu trang khi đi ra ngoài. Tuy nhiên, tất cả các tiệm thuốc tại vùng này đều không còn khẩu trang để bán. Theo thăm dò của VOA, hầu hết khẩu trang được mua để gởi về Châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Việt Nam, những nơi đang thiếu khẩu trang hay khẩu trang kém chất lượng.
https://www.voatiengviet.com/a/ph%E1%BA%A3n-%E1%BB%A9ng-c%E1%BB%A7a-ng%C6%B0%E1%BB%9Bi-vi%E1%BB%87t-t%E1%BA%A1i-m%E1%BB%B9-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-s%E1%BB%B1-l%C3%A2y-lan-c%E1%BB%A7a-virus-corona/5276037.html

Khoảng 350 người Hoa Kỳ được di tản từ Vũ Hán

đến căn cứ không quân California

Tin từ California – Vào hôm thứ tư (5 tháng 2), khoảng 350 người Mỹ di tản khỏi thành phố Vũ Hán, tâm điểm của dịch coronavirus, đã hạ cánh tại căn cứ không quân Travis tại tiểu bang Califoria. Đây là nỗ lực mới nhất của Hoa Kỳ để đưa công dân của họ ra khỏi Vũ Hán. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã thuê 2 máy bay để thực hiện nhiệm vụ di tản nói trên, và hành khách sẽ được cách ly trong 14 ngày sau khi hạ cánh.
Ngũ Giác Đài cho biết, một trong hai chiếc máy bay sẽ tiếp tục bay đến Trạm không quân thủy quân lục chiến Miramar ở San Diego sau khi tiếp nhiên liệu, và sẽ đến Miramar trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 9 giờ sáng theo giờ Thái Bình Dương. Bên cạnh hai chiếc máy bay trên, Bộ Ngoại Giao cho biết họ sẽ điều động thêm nhiều chuyến bay vào thứ năm (ngày 6 tháng 2) nhưng không công bố chi tiết. Hiện nay, Hoa Kỳ và các quốc gia khác đang tìm cách di tản công dân của họ khỏi Trung Cộng, nơi coronavirus đang lây lan với tốc độ chóng mặt và giết chết 490 người. Trong đó, hai trường hợp tử vong đã xảy ra ở các nước ngoài Trung Cộng. Cho đến nay, các viên chức y tế đã báo cáo 11 trường hợp được xác nhận dương tính với coronavirus tại Hoa Kỳ, bao gồm hai trường hợp lây truyền từ người sang người.
Trước đó vào ngày 31 tháng 1, chính quyền Tổng Thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng, đồng thời công bố các biện pháp cấm những người ngoại quốc từng đến thăm Trung Cộng trong thời gian gần đây nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/khoang-350-nguoi-hoa-ky-duoc-di-tan-tu-vu-han-den-can-cu-khong-quan-california/

Hoa Kỳ bố trí vũ khí nguyên tử hạng nhẹ

phóng từ tàu ngầm

Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ ba (4/2), Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Hải quân trang bị một đầu đạn hỏa tiễn đạn đạo hạng nhẹ phóng từ tàu ngầm mà Ngũ Giác Đài tin là cần thiết để ngăn chặn những kẻ thù như Nga, nhưng các nhà phê bình cho rằng hành động này sẽ hạ thấp giới hạn sử dụng vũ khí nguyên tử.
Theo Reuters, vũ khí nguyên tử hạng nhẹ, dù vẫn có sức công phá lớn, có sức mạnh dưới 20 kiloton. Quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima, vào tháng 8 năm 1945, có sức nổ tương tự. Một tài liệu năm 2018 của Ngũ Giác Đài kêu gọi quân đội mở rộng khả năng nguyên tử hạng nhẹ, cho biết Hoa Kỳ sẽ sửa đổi một số lượng nhỏ đầu đạn hỏa tiễn đạn đạo phóng từ tàu ngầm với các lựa chọn hạng nhẹ.
Những người ủng hộ kiểm soát vũ khí và một số nhà lập pháp lập luận rằng những vũ khí hạng nhẹ này làm giảm giới hạn khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử và có thể khiến xung đột nguyên tử dễ xảy ra hơn. Hoa Kỳ vốn có vũ khí nguyên tử hạng nhẹ phóng từ trên không, và các nhà phê bình cho rằng lượng vũ khí này đã là đủ.
Lập luận cho những vũ khí này là những quả bom nguyên tử lớn hơn mạnh đến mức chúng sẽ không bao giờ được sử dụng, nghĩa là chúng không phải là một biện pháp răn đe hiệu quả. Các viên chức quân sự cho biết, với sức mạnh và sức công phá thấp hơn, vũ khí hạng nhẹ sẽ có khả năng được sử dụng nhiều hơn, đóng vai trò là công cụ răn đe hiệu quả. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-bo-tri-vu-khi-nguyen-tu-hang-nhe-phong-tu-tau-ngam/

Báo Mỹ: chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump

 tưởng điên rồ, nhưng hiệu quả

Vanessa Đỗ
Vào ngày 3/2, nhà sử học quân sự Victor Davis Hanson đã có bài bình luận trên tờ Chicago Tribune về chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump. Ông Hanson cho rằng chính sách đối ngoại của Tổng thống trông có vẻ điên rồ nhưng đã mang lại lợi ích cho nước Mỹ.
Theo ông Hanson, trong chiến dịch vận động bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016, ứng cử viên Donald Trump đã kêu gọi Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về kiểu “thương mại ăn cướp”. Lúc đó, các nhà quan sát cho rằng kế hoạch của ông thật điên rồ và nguy hiểm.
Vào thời điểm đó, Washington cho rằng một Bắc Kinh đang lên ngôi gần như được hưởng quyền bá chủ thế giới. Chính sách thuế quan và phân cực của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc được cho là điều tồi tệ nhất mà một tổng thống Mỹ có thể làm.
Tuy nhiên, bốn năm sau, cả hai đảng của Hoa Kỳ đã đạt được sự đồng thuận khi cho rằng Trung Quốc đã vi phạm các chuẩn mực quốc tế và là mối đe dọa đối với Mỹ cả về kinh tế và chiến lược.
Các trại cải tạo Trung Quốc, đàn áp các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông và bí mật về sự bùng phát virus corona chết người là những bằng chứng cho thế giới thấy rằng Trung Quốc giờ đã trở thành một quốc gia nguy hiểm đối với cộng đồng quốc tế, ông Hanson nhận định.
Ngoài Trung Quốc, Tổng thống Trump đã cùng các quốc gia Ả Rập thành lập một liên minh chống Iran nhằm ngăn chặn các chương trình nghị sự hạt nhân và khủng bố của nước này. Vào ngày 28/1, ông Trump công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông, trong đó đề xuất giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel và Palestine.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận Iran, căng thẳng leo thang tiếp sau vụ chính quyền của Tổng thống Trump giết chết tướng hàng đầu của Iran, tướng Qassem Soleimani.
Các điều chỉnh ở Trung Đông của Tổng thống Trump nhận được ít sự ủng hộ trong lưỡng đảng Hoa kỳ. Nhưng gần đây, một số quốc gia châu Âu đã bắt đầu đồng ý rằng Iran cần nhiều biện pháp trừng phạt hơn, rằng thế giới sẽ tốt hơn khi Soleimani ra đi và Bờ Tây không phải là trung tâm của hòa bình khu vực, ông Hanson bình luận.
Gần đây, số các quốc gia ủng hộ Iran, chống Tây phương chỉ còn rất ít. Israel và một số quốc gia Ả Rập là những đồng minh bất thành văn chống lại Iran. Và bản thân Iran dường như suy yếu hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử cận đại.
Theo ông Hanson, hiện nay, thay vì yêu cầu Mỹ rời khỏi khu vực, nhiều quốc gia Trung Đông có vẻ mong muốn có thêm sự hiện diện của Mỹ tại đây.
Về châu Âu, ông Hanson cho rằng, trong 20 năm qua, phần lớn người Mỹ cho rằng châu Âu ngày càng đi ngược lại trào lưu dân chủ. Liên minh châu Âu không biên giới dường như đã từng là phương thuốc cho tất cả các thảm họa trong thế kỷ 20 của châu Âu. Do đó, các tổng thống Mỹ đã không làm được gì nhiều khi các quốc gia EU thường đạt được thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ, thường là kết quả của các khoản phí, thuế quan và tiền phạt bất đối xứng. Người Mỹ cũng đã không lên tiếng nhiều khi các quốc gia NATO ở châu Âu thường xuyên chậm trễ trong các cam kết chi tiêu quốc phòng.
Nhưng theo ông Hanson, đến thời Tổng thống Trump mọi chuyện đã thay đổi. NATO bây giờ chỉ tồn tại nếu các thành viên của họ giữ lời và thực hiện cam kết chi tiêu quốc phòng của họ. Tổng thống Trump đã buộc các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng đóng góp ngân sách quốc phòng để chia sẻ trách nhiệm với Mỹ.
https://www.dkn.tv/the-gioi/bao-my-chinh-sach-doi-ngoai-cua-tong-thong-trump-tuong-dien-ro-nhung-hieu-qua.html

Mỹ tiếp tục theo dõi Triều Tiên

Mạng lưới theo dõi hoạt động máy bay Aircraft Spots hôm qua phát hiện hai máy bay do thám Mỹ bay qua Hàn Quốc được cho là nhằm tăng cường theo dõi CHDCND Triều Tiên.
Theo đó, máy bay do thám EP-3E đã bay trên bầu trời Hàn Quốc ở độ cao 7.620 m. Chiếc E-8C bay qua bán đảo Triều Tiên ở độ cao 9.448,8 m.
Các máy bay do thám Mỹ được phát hiện bay qua Hàn Quốc trong những tháng gần đây được cho là nhằm đề phòng những hoạt động bất thường của Triều Tiên, theo Yonhap.
Giữa lúc cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ bế tắc, Triều Tiên gần đây tuyên bố sẽ sở hữu “vũ khí chiến lược mới” trong tương lai gần và cảnh báo về “một hành động chấn động”.
http://biendong.net/bi-n-nong/32807-my-tiep-tuc-theo-doi-trieu-tien.html

Mỹ triển khai máy bay không người lái Triton

đến đảo Guam để theo dõi động thái quân sự

của TQ ở Tây Thái Bình Dương

Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự tại khu vực Tây Thái Bình Dương, đã đe dọa trực tiếp lợi ích và an ninh của Mỹ trong khu vực. Hải quân Mỹ đãtuyên bố sẽ triển khai 2 máy bay không người lái tại Guam để tăng cường năng lực kiểm tra giám sát tại Tây Thái Bình Dương và giám sát hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực này.
Theo thông tin trên, hai chiếc MQ-4C Triton đã được điều tới căn cứ không quân Anderson ngày 26/1 nhằm mở rộng khả năng trinh sát và giám sát của quân đội Mỹ trong khu vực. Quân đội Mỹ cho biết, hoạt động triển khai những chiếc MQ-4C Triton “sẽ cho phép cải thiện sự nhận biết về vùng biển” cùng với năng lực đã được khẳng định của những chiếc máy bay tuần thám biển P-8, P-3 và EP-3. Mục tiêu ban đầu của Hải quân Mỹ là từ năm 2016 sẽ bắt đầu triển khai máy bay không người lái Triton cỡ lớn tại Guam. Tuy nhiên, kế hoạch bị dừng lại sau khi có vấn đề phát sinh trong chuyến bay tập.
Máy bay không người lái Triton là phiên bản cải tiến của Global Hawk do hãng Northrop Grumman sản xuất, dài 14,5 m, sải cánh 40 m, có thể bay liên tục hơn 24 giờ với độ cao hơn 16 km, tốc độ 592 km/giờ. Máy bay được trang bị radar có thể quét 360o, bao quát khu vực khoảng 3.700 km. MQ-4C Triton còn có hệ thống quan sát có thể chuyển hình ảnh độ phân giải cao đến các máy bay khác hoặc trung tâm kiểm soát dưới mặt đất.
Trước đó, Hải quân Mỹ (9/2019) cũng đã gửi hai chiếc máy bay không người lái Triton MQ-4C tới Guam, đưa nền tảng giám sát mới vào sâu trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong thời điểm căng thẳng với Trung Quốc và Hải quân Mỹ đang tăng cường tuần tra tự do hàng hải với tàu chiến đi ngang eo biển Đài Loan. Giới chức quốc phòng Mỹ khẳng định, việc triển khai Triton MQ-4C tới Guam theo kế hoạch nâng cao năng lực hoạt động sớm để đánh giá cách thức chúng hoạt động cùng với máy bay Mỹ hoặc liên minh. Trong những năm tới, đội Triton của Hải quân Mỹ sẽ hoạt động tại 5 căn cứ trên thế giới. Ngoài ra, việc để máy bay không người lái đối mặt với máy bay có người lái và tàu thuyền ở khu vực Thái Bình Dương đã trở thành một trong những ưu tiên cao nhất của Hải quân Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo, lắp đặt vũ khí, trong đó có tên lửa đất đối không ở các tiền đồn trên Biển Đông.
Được biết, khi đề nghị cấp ngân sách 2020, Hải quân Mỹ đã xin 3,7 tỷ USD để thực hiện nhiều chương trình drone, trong đó 447 triệu USD dành cho hai máy bay không người lái cỡ lớn có thể tiến hành nhiều hoạt động, từ giám sát tầm xa đến tấn công. Trong không trung, máy bay không người lái Triton đã thể hiện năng lực truyền video chất lượng cao cho các máy bay do thám P-8 và các trạm mặt đất, giúp P-8 có cái nhìn rõ ràng hơn, cho phép loại máy bay săn ngầm này tập trung vào nhiệm vụ chính của chúng. Triton cuối cùng sẽ thay thế các máy bay do thám P-3C già cỗi.
Việc đưa Triton tới Guam diễn ra trong bối cảnh drone tiếp liệu Stingray MQ-25 của Hải quân Mỹ đã bay thử thành công lần đầu tiên tại một cơ sở của Boeing ở Mỹ. Các phi công của Boeing đã điều khiển từ xa Stingray chạy đà, cất cánh và bay theo đường bay vạch sẵn trong suốt hai giờ. Hải quân Mỹ coi Stingray là máy bay tiếp liệu của tương lai, đậu trên các tàu sân bay, đảm nhiệm việc tiếp liệu thay cho các máy bay có người lái trong các nhiệm vụ nguy hiểm.
http://biendong.net/bien-dong/32820-my-trien-khai-may-bay-khong-nguoi-lai-triton-den-dao-guam-de-theo-doi-dong-thai-quan-su-cua-tq-o-tay-thai-binh-duong.html

Cuộc gặp bất ngờ giữa Tổng thống Trump

và ông Guaido tại Nhà Trắng

Triệu Hằng
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gặp chính trị gia đối lập Venezuela Juan Guaidó tại Nhà Trắng vào thứ Tư (5/2).
Cuộc họp bất ngờ tại Phòng Bầu Dục diễn ra một ngày sau khi ông Guaidó đến làm khách của Tổng thống Trump tại sự kiện phát biểu Thông điệp Liên bang vào tối thứ Ba.
“Hôm nay, Tổng thống Donald J. Trump sẽ hoan nghênh Tổng thống lâm thời Juan Guaidó của Cộng hòa Bolivariana Venezuela tới Nhà Trắng”, theo một thông cáo báo chí của Nhà Trắng phát đi chỉ vài giờ trước cuộc họp.
Ông Guaidó cũng gặp Phó Tổng thống Mike Pence hôm thứ Tư tại Washington.
Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Trump đã công nhận ông Guaidó là tổng thống hợp pháp của Venezuela.
Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hôm thứ Ba, Tổng thống Trump nhắc lại rằng chính quyền ông xem Nicolás Maduro là một “nhà độc tài”, “một nhà cai trị bất hợp pháp” và “một bạo chúa đối xử hung bạo với chính nhân dân của ông ta”.
“Nhưng sự kìm kẹp của chế độ chuyên chế Maduro sẽ bị đập tan và vỡ vụn”, Tổng thống Mỹ nói thêm.
https://www.dkn.tv/the-gioi/cuoc-gap-bat-ngo-giua-tong-thong-trump-va-guaido-tai-nha-trang.html

Vodafone loại bỏ Huawei khỏi phần lõi

 trong dự án phát triển mạng 5G châu Âu

Triệu Hằng
Vodafone sẽ loại bỏ công nghệ Huawei khỏi phần lõi của dự án phát triển mạng châu Âu (EU), theo sau quyết định của nước Anh giới hạn vai trò của công ty Trung Quốc trong mạng 5G và theo những nguyên tắc mới của EU về thiết bị, Reuters dẫn lời giám đốc điều hành Nick Read cho biết hôm thứ Tư (5/2).
Chính phủ Anh hồi tháng trước đã cấp cho Huawei một vai trò hạn chế trong các mạng di động mới của nước này, nhưng nay loại trừ hẳn Huawei khỏi phần lõi và áp đặt một giới hạn 35% lên cáp mạng vô tuyến truyền thanh (radio) ít nhạy cảm hơn.
“Bây giờ chúng tôi đã quyết định, do kết quả của từ bộ nguyên tắc mới của EU và quyết định của chính phủ Vương quốc Anh, để loại bỏ Huawei khỏi phần lõi”, Reuters trích lời ông Read nói trong hôm thứ Tư.
Ông Read cho biết, mất khoảng 5 năm để thực hiện việc này với chi phí ước tính khoảng 200 triệu euro (221 triệu đô la).
Ông Read nói, Vodafone sẽ chỉ phải thực hiện các điều chỉnh nhỏ để tuân thủ quy tắc ở Anh, nơi hãng đã không triển khai thiết bị Huawei trong phần lõi của mình.
Vodafone đã sử dụng Huawei trong phần lõi ở Tây Ban Nha và một số thị trường châu Âu nhỏ hơn.
Huawei đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc của Hoa Kỳ rằng thiết bị của họ có khả năng được Bắc Kinh sử dụng để làm gián điệp.
Ngày 29/1, EU đã công bố những chỉ dẫn về phát triển mạng 5G. Tuy không nêu tên cụ thể Huawei, song EU khuyến cáo các nước thành viên hạn chế hoặc cấm những nhà cung cấp 5G tiềm ẩn rủi ro tiếp cận những phần cốt lõi của mạng lưới viễn thông.
https://www.dkn.tv/the-gioi/vodafone-loai-bo-huawei-khoi-phan-loi-trong-du-an-phat-trien-mang-5g-chau-au.html

Mạng 5G: Liên Âu hé cửa cho Hoa Vi,

với nhiều quy định nghiêm ngặt

Trọng Thành
Cuộc chạy đua phát triển hệ thống mạng viễn thông 5G tiếp tục làm nổi rõ bài toán khó mà các nước châu Âu phải đối mặt trong việc cho phép hay không tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi (Huawei), vốn bị nghi ngờ là bàn tay nối dài của chính quyền Bắc Kinh. Ngày 29/01/2020, Ủy Ban Châu Âu ra thông báo chính thức về vấn đề này.
Ủy Ban Châu Âu ra quyết định ra sao về quy chế đầu tư vào mạng viễn thông 5G ?
Bất chấp nhiều sức ép nội bộ cũng như từ bên ngoài, đặc biệt từ phía Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định không công khai loại trừ tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi ra khỏi các hợp đồng xây dựng mạng viễn thông 5G tại châu Âu (điều mà Washington và một số đồng minh như Nhật Bản, Úc…
đã tiến hành, do lo ngại an ninh quốc gia bị đe dọa), tuy nhiên, Bruxelles cũng đặc biệt nhấn mạnh đến các nguy cơ đối với an ninh quốc gia, và đặt ra nhiều rào cản cho sự tham gia của các tập đoàn bị nghi ngờ. Dĩ nhiên là Hoa Vi không bị nêu tên đích danh, nhưng ai cũng hiểu tập đoàn Trung Quốc là đối tượng chủ yếu của mối nghi ngờ này.
Ủy Ban Châu Âu không đưa ra các quy định bắt buộc đối với các nước thành viên, nhưng cung cấp một ”tập hợp các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ về an ninh gắn liền với việc triển khai mạng 5G” và khuyến cáo các quốc gia thành viên ”đánh giá một cách khách quan các nguy cơ” và sử dụng ”các biện pháp giảm nhẹ nguy cơ một cách đúng mức”.
Thách thức kép đối với Liên Âu là : vừa mở cửa thị trường nội địa của khối, để tận dụng tối đa các lợi thế của mạng viễn thông 5G, được coi là đóng ”một vai trò quyết định trong sự phát triển tương lai của nền kinh tế và xã hội kỹ thuật số của châu Âu”, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm giảm thiểu tối đa các nguy cơ đối với an ninh mỗi nước và an ninh toàn khối. Dựa trên ”tập hợp các biện pháp giảm thiểu nguy cơ về an ninh” được Bruxelles cung cấp, mà mỗi quốc gia sẽ tự đưa ra các quyết định, từ ”giới hạn” cho đến ”loại trừ hoàn toàn” một nhà cung cấp ra khỏi thị trường 5G, vì lý do an ninh. Bruxelles đặc biệt nhấn mạnh đến việc, trong trường hợp cần thiết, cần loại trừ một số nhà cung cấp bị coi là ”có nguy cơ cao”, ra khỏi các thành phần căn bản được coi là nhạy cảm, dễ bị tổn thương, như ”các chức năng thuộc về phần trung tâm của mạng 5G”, thường được gọi là ”phần lõi của mạng”.
Cùng với các quy định về bảo đảm giảm thiểu nguy cơ về an ninh, Bruxelles cũng lưu ý các quốc gia thành viên cần xác lập chiến lược để bảo đảm có được đông đảo nhà cung cấp trang thiết bị tham gia vào thị trường mạng viễn thông 5G.
Theo yêu cầu của Bruxelles, các quốc gia thành viên sẽ phải có các biện pháp để thực thi khuyến nghị của Liên Âu trước ngày 20/04/2020.
Tập đoàn Hoa Vi phản ứng ra sao sau quyết định của Ủy Ban Châu Âu ?
Lẽ dĩ nhiên là Hoa Vi hoan nghênh quyết định của Ủy Ban Châu Âu. Sau khi Bruxelles chính thức có văn bản thông báo về vấn đề này, tập đoàn Trung Quốc ra thông điệp ca ngợi Liên Hiệp Châu Âu và trước đó là nước Anh đã hoàn toàn tin tưởng vào Hoa Vi trong việc phát triển mạng viễn thông 5G. Trả lời AFP, phó chủ tịch Hoa Vi Victor Zhang đánh giá là quyết định này cho phép châu Âu phát triển được ”một cơ sở hạ tầng viễn thông tân tiến hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn, thích ứng với tương lai”. Trên thực tế, quyết định của Bruxelles không phải là điều bất ngờ với tập đoàn Trung Quốc.
Trong một cuộc trả lời báo Bỉ L’Echo trước khi Liên Âu ra quyết định, ông Walter Ji, lãnh đạo của Huawei Europe, đã khẳng định tập đoàn này không thể bị loại trừ khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Người đứng đầu Huawei Europe khẳng định với đầy vẻ tự tin : ”Chúng tôi đã có được các quan hệ chặt chẽ và đặt được các nền tảng vững chắc với các đối tác công nghệ khu vực. Công nghệ của chúng tôi rất tân tiến và mang lại nhiều lợi thế về thương mại cho các nhà mạng địa phương. Điều đó (tức quyết định loại trừ) sẽ không xảy ra”.
Tại sao Hoa Vi rất tự tin vào việc châu Âu phải chấp nhận để tập đoàn này tham gia vào thị trường 5G ?
Lợi thế về kinh tế mà Hoa Vi có thể mang lại cho các nước châu Âu là đáng kể, khi để cho Hoa Vi tham gia vào thị trường 5G này. Theo ước tính của GSMA (Hiệp hội các đối tác lớn về điện thoại viễn thông – Le Figaro ngày 7/6/2019), nếu không có Hoa Vi, Liên Âu sẽ phải tốn thêm 55 tỉ euro cho mạng 5G. Hoa Vi cùng với hai tập đoàn cung cấp thiết bị 5G lớn nhất, là Nokia và Ericsson, chiếm đến 80% thị phần châu Âu. Không có sự tham gia của Hoa Vi cũng có thể làm chậm lại việc triển khai mạng 5G tại châu Âu khoảng 18 tháng. Ngoài ra, thiệt hại do việc chậm triển khai 5G có thể khiến châu Âu thiệt hại khoảng 15 tỉ euro vào năm 2025. Tình hình càng thêm phức tạp với châu Âu là có đến 200 nhà cung cấp dịch vụ mạng cho thị trường 300 triệu dân của khối, so với Hoa Kỳ chỉ có 4 nhà cung cấp dịch vụ.
Phản ứng của các tập đoàn cạnh tranh với Hoa Vi sau quyết định của Bruxelles ?
Việc châu Âu ra quyết định về hàng loạt các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh đối với mạng 5G cũng ngay lập tức được các tập đoàn cạnh tranh với Hoa Vi hoan nghênh. Hôm thứ Sáu 31/01, Ericsson ra thông báo ca ngợi ”tiếp cận tổng thể” của Liên Âu về mạng 5G, và khẳng định ủng hộ tiến trình của châu Âu, nhằm bảo đảm một mức độ an ninh cao cho các công dân và doanh nghiệp châu Âu. Nokia cũng ra một thông điệp tương tự.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo là việc Hoa Vi bị giới hạn trong việc tham gia vào thị trường 5G sẽ đặt gánh nặng rất lớn lên hai tập đoàn cung cấp trang thiết bị 5G chủ chốt còn lại. Nokia và Ericsson không dễ đáp ứng được các đòi hỏi của thị trường, như nhận định của nhà phân tích của Assembly Research, ông Matthew Howett. Một số nhà quan sát nói đến một ”món quà tẩm thuốc độc” của châu Âu với Nokia và Ericsson.
Triển vọng cuộc chiến 5G tại châu Âu sẽ ra sao ?
Cuộc chiến giành giật thị trường tại châu Âu giữa Hoa Vi và hai tập đoàn viễn thông châu Âu, Nokia và Ericsson, hiện đang rất cam go. Giữa tháng Giêng 2020, Ericsson cho AFP biết là đã có 79 hợp đồng 5G tại châu Âu, Nokia có được 63. Hồi tháng 12/2020, tập đoàn Trung Quốc cho biết đã có được 65 đơn đặt hàng.
Cuộc chiến giành giật các hợp đồng 5G tại châu Âu hứa hẹn sẽ vẫn quyết liệt trong thời gian tới. Trong lúc Hoa Vi phải đối mặt với nhiều rào cản tại Liên Âu, tập đoàn Trung Quốc  – bị nghi ngờ là tay trong của chính quyền Bắc Kinh này – có được nhiều lợi thế về tài chính. Theo một điều tra, do báo Mỹ Wall Street Journal thực hiện, tập đoàn Trung Quốc, trong thời gian từ năm 2013 đến 2018, nhận được tài trợ từ Nhà nước số tiền gấp đến 17 lần so với tập đoàn đa quốc gia Phần Lan Nokia. Ericsson không hề được tài trợ.
Trong thời gian chờ đợi quyết định của nhiều quốc gia thành viên châu Âu về mạng 5G, tập đoàn Hoa Vi tiếp tục chiến dịch quyến rũ châu Âu. Hôm 04/02, Hoa Vi tuyên bố sẽ bố trí ”nhiều nhà máy” sản xuất các thiết bị 5G trên lãnh thổ châu Âu.
Về phía nhiều nước châu Âu, cuộc cờ 5G với Hoa Vi rõ ràng là chỉ mới bắt đầu. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước khi Ủy Ban Châu Âu ra thông báo chính thức, ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa châu Âu, chính trị gia Pháp Thierry Breton, nhấn mạnh là châu Âu không hề chậm trễ về 5G, về mặt công nghệ, cũng như về phương diện triển khai. Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa cũng lưu ý là châu Âu phải bảo đảm được ”chủ quyền về công nghệ” đối với các mạng viễn thông 5G cũng như về các dữ liệu sẽ lưu hành trên các mạng 5G.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200206-m%E1%BA%A1ng-5g-li%C3%AAn-%C3%A2u-h%C3%A9-c%E1%BB%ADa-cho-hoa-vi

Đức: Thủ hiến Thuringia từ chức

vì nhận phiếu bầu của đảng cực hữu AfD

Tại Đức vừa bùng nổ khủng hoảng đảng phái: Thủ hiến bang Thuringia Thomas Kemmerich từ chức trong vòng 24 giờ sau khi được bầu lên nhờ phiếu của đảng cực hữu AfD.
Đức xem xét cấm Huawei lập mạng 5G
Bà Merkel thảo luận vụ Trịnh Xuân Thanh ở Slovakia
Bức tường Berlin: Cựu Tổng bí thư Đông Đức oán Gorbachev
Đức dựng vở kịch về gia đình tỵ nạn Việt
Chức thủ hiến hay ‘ministerpraesident’ đứng đầu hành pháp của tiểu bang theo thể chế của Cộng hòa Liên bang Đức, được các đảng trong Nghị viện bang bầu ra.
Nhưng sự kiện ông Thomas Kemmerich thuộc đảng Tự do Dân chủ (FDP) lên làm thủ hiến bang miền Đông nước Đức nhờ lá phiếu ủng hộ của đảng cực hữu bài ngoại AfD đã gây chấn động nước Đức.
Nay, vì sức ép của dư luận – một số nơi có biểu tình – và từ chính đảng FDP, ông Kemmerich xin từ chức và nói bang Thuringia cần “bầu cử mới”.
Người biểu tình bên ngoài Nghị viện bang Thuringia ở Erfurt với khẩu hiệu ‘Bọn phát-xít không bao giờ có thể là đối tác’, để lên án hành động của FDP chấp nhận sự ủng hộ của AfD.
Thủ tướng liên bang, bà Angela Merkel nói việc bỏ phiếu của AfD giúp ông Kemmerich lên nắm quyền là “không thể chấp nhận được” và phải “đảo ngược lại”.
Đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) của bà cũng bỏ phiếu ở cấp tiểu bang cho ứng viên Kemmerich.
Bà Merkel nói đây là “một ngày tồi tệ cho nền dân chủ”.
Đây là một ngày tồi tệ cho nền dân chủBà Angela Merkel
Đảng CDU của bà Merkel từng lập liên minh cầm quyền với FDP và một lãnh đạo đảng này, ông Philipp Roesler, người gốc Nam Việt Nam, được phong làm phó thủ tướng.
Lãnh đạo CDU, bà Annegret Kramp-Karrenbauer (kế nhiệm Angela Merkel trong chức vụ đảng) thì tỏ ra cứng rắn hơn và yêu cầu ông Kemmerich từ chức.
Vết nhơ AfD và sự so sánh với đảng của Hitler
Nhưng điều không ai ngờ là chỉ nhờ thêm phiếu của AfD thì ông Kemmerich mới đắc cử hôm thứ Tư.
Dù Thomas Kemmerich bác bỏ chuyện hợp tác với AfD, khi vừa lên làm tân thủ hiến bang ông đã bắt tay với lãnh đạo AfD ở cấp tiểu bang Björn Höcke (xem hình).
Ông Kemmerich nay yêu cầu giải tán nghị viện tiểu bang ở Erfurt.
“Chúng tôi muốn bầu cử lại để tẩy đi vết nhơ là sự ủng hộ của AfD với chức vụ thủ hiến tiểu bang.”
Các nhà bình luận cho vụ việc này là “địa chấn chính trị Đức”.
Một số tờ báo so sánh việc AfD tham gia bầu lên một chức thủ hiến biểu bang với việc đảng Nazi của Adolf Hitler giành quyền qua con đường chính thống, bằng bầu bán trong nghị trường, vào thập niên 1930.
Các đảng phái khác, kể cả FDP cho đến nay tập trung lực lượng quanh quan niệm rằng họ cần tẩy chay AfD, coi đây là đảng phân biệt chủng tộc, không xứng đáng có sự can dự vào chính quyền.
Tuy thế, trên thực tế, đảng này đã giành được không ít sự ủng hộ của cử tri, nhất là các bang thuộc Đông Đức cũ.
Tuy thế, trong bầu cử tiểu bang tháng 10/2019, đảng cực tả Die Linke lại thắng lớn ở Thuringia.
Lãnh đạo địa phương của đảng này, Bodo Ramelow ra tranh chức thủ hiến bang Thuringia cùng ông Thomas Kemmerich.
Thế nhưng ứng viên phe tả thua phiếu chính vì AfD dồn phiếu cho ông Kemmerich, người gốc từ Aachen ở Tây Đức.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51404647

Máy bay trượt khỏi phi đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ,

gãy làm 3 phần

Tin Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ – Vào thứ Tư, 5 tháng 2, một máy bay chở 177 hành khách đã trượt khỏi phi đạo tại một phi trường ở Istanbul, sau đó bốc cháy và gãy làm 3 phần, khi đang hạ cánh trong thời tiết xấu. Nhà chức trách cho biết không ai thiệt mạng trong sự việc, nhưng hàng chục người đã bị thương.
Các hình ảnh trên đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy vài người leo qua một vết nứt lớn trên thân máy bay để thoát ra ngoài, và đứng trên chiếc cánh gần đuôi máy bay. Chiếc Boeing 737 được cai quản bởi hãng hàng không giá rẻ Pegasus của Thổ Nhĩ Kỳ, và vừa từ thành phố  Izmir đến phi trường Sabiha Gokcen ở Istanbul. Chiếc máy bay rõ ràng là đã gặp khó khăn khi hạ cánh trong tình trạng gió mạnh và mưa lớn tại Istanbul. Theo thông báo trên Twitter của Thị Trưởng Istanbul Ali Yerlikaya, 52 người đã bị thương trong sự việc và được đưa đến bệnh viện, nhưng may mắn là không có ai thiệt mạng. Truyền thông cho biết hai phi công, gồm một người Thổ Nhĩ Kỳ và một người Nam Hàn, đã bị thương nặng. Nhà chức trách cho biết máy bay chở 171 hành khách, bao gồm 12 trẻ em, cùng 6 thành viên phi hành đoàn.
Một số hành khách đã tự thoát ra khỏi máy bay, nhưng nhiều người khác bị kẹt bên trong và phải chờ nhân viên cứu hỏa đến giải cứu. Theo truyền thông, chiếc máy bay bị gãy sau khi va đập mạnh xuống phi đạo. Các chuyến bay khác đến khi trường Sabiha Gokcen đã được chuyển hướng đến phi trường chính của Istanbul.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/may-bay-truot-khoi-phi-dao-tai-tho-nhi-ky-gay-lam-3-phan/

Hội thảo dự báo tình hình an ninh châu Á năm 2020:

TQ sẽ không bao giờ từ bỏ hành động áp bức

Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ đã tổ chức Hội thảo dự báo tình hình an ninh châu Á năm 2020. Tại Hội thảo, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ tăng cường điều động lực lượng cảnh sát biển kết hợp dân quân biển đội lốt ngư dân để bắt nạt các quốc gia láng giềng ở Biển Đông.
Tại Hội thảo, giới chuyên gia, học giả cho rằng diễn biến tình hình an ninh châu Á năm 2020 sẽ có nhiều biến động mới, Việt Nam sẽ ngả về Mỹ nhiều nhất trong số các nước châu Á, đồng thời, đây cũng là năm mà Biển Đông là nơi có nguy cơ cao nhất sẽ xảy ra “sự cố” ở châu lục.
Theo bà Amy Searight, Cố vấn cấp cao kiêm Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc CSIS, Việt Nam liên tục có hướng đi tích cực trong hợp tác và đối thoại với Mỹ, cả về ngoại giao và quốc phòng. Trên cơ sở đó, Việt Nam “nổi lên là đối tác chiến lược mới” của Mỹ ở châu Á, dù hai nước có xuất phát điểm thấp do những di sản chiến tranh xảy ra giữa hai nước cách đây nửa thế kỷ. Trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ đang chuẩn bị kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ, quan hệ song phương sẽ có những bước tiến triển tích cực và đây cũng là một dịp thích hợp để lãnh đạo hàng đầu của 2 nước thăm lẫn nhau, có thể đưa quan hệ 2 nước lên một tầm mức cao hơn “nếu Việt Nam sẵn sàng”. Chuyên gia Amy Searight nhận định Mỹ sẽ hoan nghênh ý tưởng nâng cấp quan hệ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược. Trong khi đó, Hà Nội rất thận trọng trong việc cân bằng các mối quan hệ với các đối tác, đặc biệt là Trung Quốc. Vì vậy, họ phải cân đong đo đếm phản ứng bực bội của Trung Quốc. Ngoài ra, bà Amy Searight cho rằng năm 2020 cũng là một năm quan trọng để thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN và là năm bản lề trước Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, Việt Nam đang “tích cực làm việc”, cân nhắc cách thức “đa dạng hóa” quan hệ đối ngoại. Vì vậy, nhiều khả năng là Việt Nam quan tâm đến việc tăng cường quan hệ Việt – Mỹ.
Nhà nghiên cứu Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS nhận định xu thế Việt Nam “ngả” theo Mỹ trong năm 2020 là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động khiêu khích, xâm phạm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông Greg Poling cho rằng Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ vẫn cố gắng duy trì quan hệ “êm ả” với Trung Quốc khi Việt Nam tiến tới có sự chuyển giao lãnh đạo vào năm 2021, năm có đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về diễn biến tình hình Biển Đông, giới chuyên gia cho rằng Biển Đông không chỉ là tác nhân đưa Việt Nam xích lại với Mỹ hơn nữa mà cũng là nơi dễ xảy ra “sự cố” nhất ở châu Á trong năm 2020. Theo chuyên gia Greg Poling, sau 3 năm xây đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo đó, Trung Quốc nay có khả năng triển khai đều đặn các tàu tuần duyên và hải quân, liên tục tiến hành “quấy nhiễu” hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam và Malaysia, cũng như ngăn cản hoạt động đánh bắt cá của các nước, trong khi bảo vệ các tàu cá Trung Quốc. Tình hình đó có sự tham gia của “hàng trăm” cá nhân và tàu thuyền, đổ thêm dầu vào lửa là tinh thần dân tộc, cho nên bất cứai trong số đó cũng có thể là “tia lửa” làm bùng lên đụng độ. Ngoài ra, đa phần giới chuyên gia cũng cho rằng trong năm 2020, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp “ngăn chặn thành công” hoạt động thăm dò dầu khí của các bên tuyên bố chủ quyền khác. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong 18 tháng gần đây, Trung Quốc có sự thay đổi hoàn toàn về cách tiếp cận của họ, đó là đẩy mạnh việc “quấy rối” hoạt động thăm dò tại các lô đã có từ trước, như các dự án của Shell và Rosneft liên doanh với Việt Nam, và cũng có bằng chứng cho thấy Trung Quốc làm điều tương tự với các dự án của Malaysia.
Về khả năng Mỹ sẽ can dự nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông, chuyên gia Poling cho rằng nếu là đụng độ giữa Trung Quốc với Việt Nam, “Mỹ sẽ lên án ồn ào song sẽ không có gì khác nhiều hơn như vậy”. Nhưng nếu “sự cố” xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines, nước đồng minh có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, Washington sẽ có nhiều động lực hơn để giúp đỡ, “có thể là tăng cường các trang thiết bị trên chiến trường, dẫn đến việc Trung Quốc phải rút lui”.
Được biết, quan hệ hợp tác Việt – Mỹ được cải thiện trên nhiều lĩnh vực trong những năm gần đây. Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 451 triệu USD năm 1995 lên đến 52 tỷ USD năm 2016, biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. Trong hợp tác quốc phòng, Việt Nam đã được mời tham gia các cuộc diễn tập hải quân quy mô lớn của Mỹ, trong khi Mỹ chuyển giao nhiều khí tài quân sự và điều các tàu chiến tới thăm Việt Nam. Đại diện Đại sứ quán Mỹ hôm 1/4 cũng đã bàn giao 6 xuồng tuần tra Metal Shark cho Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 Việt Nam tại Khánh Hoà.
Trong những năm gần đây, đã có nhiều tàu hải quân Mỹ cập cảng Cam Ranh của Việt Nam. Trước đó, theo Chương trình Đối tác Thái Bình Dương, nhiều tàu quân sự của Hải Quân Mỹ đã ghé thăm Khánh Hòa, như tàu bệnh viện USNS Mercy của Hải quân Mỹ đã cập cảng Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào tháng 5/2018; tàu vận tải đổ bộ USNS Fall River thăm Cam Ranh vào tháng 5/2017; tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain (DDG 56) lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ do Đoàn Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ do thượng nghị sĩ John McCain dẫn đầu đã cập cảng Cam Ranh vào tháng 6/2017; tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89) lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ cũng ghé thăm Cam Ranh vào tháng 12/2016; đặc biệt, vào năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm tàu USNS Richard E. Byrd khi neo đậu tại Cam Ranh. Mỹ cũng đã tích cực hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực đảm bảo an ninh hàng hải. Mỹ (5/2017) đã bàn giao tàu tuần duyên tải
trọng cao USCGC Morgenthau cho Cảnh sát biển Việt Nam qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA). Mới, đây, phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper đã tuyên bố Mỹ sẽ chuyển giao chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai cho Việt Nam. Việc chuyển giao con tàu này – một trong những lớp tàu lớn nhất trong hạm đội Tuần duyên Mỹ – là biểu tượng cho quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam và sẽ giúp tăng cường thực thi luật hàng hải và khả năng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam.
http://biendong.net/bien-dong/32821-hoi-thao-du-bao-tinh-hinh-an-ninh-chau-a-nam-2020-tq-se-khong-bao-gio-tu-bo-hanh-dong-ap-buc.html

Dịch corona: tử vong tăng,

số ca nhiễm tăng trên du thuyền ngoài khơi Nhật Bản

Thêm 10 người nữa đã thử nghiệm dương tính với virus corona trên tàu du lịch bị cách ly ở ngoài khơi Nhật Bản, các quan chức cho biết hôm thứ Năm, giữa lúc các chuyên gia y tế tăng cường nỗ lực để tìm ra một vắc-xin cho căn bệnh viêm phổi cấp đã gây lo lắng về nguy cơ xảy ra một đại dịch toàn cầu.
Số tử vong ở TQ vượt quá 500 người
Số người chết vì virus corona ở Trung Quốc đại lục đã tăng thêm 73 ca lên tới 563 người, với hơn 28.000 ca nhiễm được xác nhận.
Giới phân tích tài chính đã cắt giảm dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody đơn cử những rủi ro đối với ngành ô tô, cả trong khâu bán và sản xuất.
Nhưng đà phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn kéo dài, với các mức cao kỷ lục vào lúc đóng cửa thị trường Phố Wall tiếp theo sau các dữ liệu kinh tế đáng khích lệ và thông báo của Trung Quốc cắt giảm thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Động thái này được các nhà phân tích coi là nhằm tăng cường niềm tin.
Dịch cúm đã khiến nhiều hành phố và nhà máy ở Trung Quốc bị phong tỏa, làm gián đoạn sự đi lại bằng đường hàng không trên khắp thế giới. Tuần này, dịch cúm từ Vũ Hán lại gây hỗn loạn cho ngành du lịch trên biển bằng du thuyền.
Nhật Bản hiện có 45 ca lây nhiễm virus. Khi chiếc du thuyền Diamond Princess của Carnival cập cảng, khoảng 3.700 hành khách bị cách ly ít nhất hai tuần vì trên tàu có 20 ca lây nhiễm virus. Công tác kiểm dịch vẫn đang được tiến hành.
Tại Hong Kong, một tàu du lịch chở 3.600 hành khách và thủy thủ đã bị cách ly sang ngày thứ nhì để chờ xét nghiệm sau ba trường hợp dương tính với virus corona trên tàu.
Đài Loan đã cấm tàu du lịch quốc tế cập cảng, đảo quốc này có 13 ca nhiễm virus corona.
Một số quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, cấm nhập cảnh đối với du khách đã đến Trung Quốc trong hai tuần trước.
Đường lây nhiễm
Tin tức đề cập tới một điểm nóng virus corona khác xoay quanh một cuộc họp của một công ty tại Singapore vào giữa tháng 1. Ít nhất có ba người nhiễm bệnh sau một hội nghị được tổ chức với sự tham dự của 94 nhân viên nước ngoài, trong đó có một người đến từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, tâm chấn nơi bùng phát dịch cúm viêm hô hấp cấp đợt này.
Nhà chức trách không tiết lộ tên của công ty liên hệ, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đang điều tra trường hợp lây nhiễm này.
Trong khi chờ đợi, Singapore báo cáo 28 trường hợp nhiễm bệnh, một số ca truyền từ người sang người, yếu tố mà theo WHO, có thể báo hiệu một vụ dịch lớn và nghiêm trọng .
Các giới chức y tế tại Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đề ra mục tiêu, là trong vòng mấy tháng tới, tìm ra được một vắc-xin sẵn sàng để thử nghiệm nơi người, nhưng một số nhà bào chế cảnh báo rằng đây là mục tiêu đầy cao vọng, và còn rất nhiều điều phải làm.
Hàng trăm chuyên gia sẽ tụ tập tại Geneve vào hai ngày 11-12 tháng Hai sắp tới để tìm cách đối phó với vụ bột phát virus corona bằng cách đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu tìm thuốc trị và vắc-xin, Tổ chức Y tế Thế giới nói thêm rằng một đoàn công tác do WHO lãnh đạo sẽ đến thăm Trung Quốc.
Đa số những người nhiễm bệnh hồi phục nhanh chóng, nhưng virus corona có thể dẫn tới các bệnh nghiêm trọng về đường hô hấp. Hiện chưa rõ bệnh này nguy hiểm đến tính mạng của con người tới mức nào, vì có nhiều trường hợp không được phát hiện do triệu chứng nhẹ.
Tính cho tới chiều tối thứ Tư ở Trung Quốc khi bản tin này của Reuters được cập nhật, tỉnh Hồ Bắc ghi nhận thêm 70 ca tử vong trong ngày, và 2.987 ca lây nhiễm mới được xác nhận, chiếm hơn 80% các ca lây nhiễm virus corona trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.
Các quan chức y tế ở Bắc Kinh cho hay trên toàn quốc vào ngày thứ Tư 5/2, có 3.694 ca lây nhiễm được báo cáo, đây là ngày đầu tiên trong hơn một tuần con số các ca được báo cáo hàng ngày giảm. Các giới chức Trung Quốc không cho biết lý do.
https://www.voatiengviet.com/a/dich-corona-tu-vong-tang-so-ca-nhiem-tang-tren-du-thuyen-ngoai-khoi-nhat-ban/5276409.html

Virus corona: 20.000 nhân viên y tế Hồng Kông

dọa đồng loạt đình công

Thanh Hà
Bước sang ngày thứ ba, phong trào đình công của nhân viên y tế Hồng Kông gia tăng cường độ. Ngày 06/02/2020, khoảng 20.000 nhân viên y tế Hồng Kông đe dọa bãi công đòi chính quyền đóng cửa toàn bộ biên giới với Hoa Lục ngăn ngừa virus corona.
Sau ca tử vong đầu tiên vì viêm phổi cấp tính do chủng virus corona mới gây nên, báo South China Morning Post cho biết ngày 05/02/2020 đã có gần 5.000 nhân viên y tế bãi công và phong trào gia tăng cường độ vào hôm nay.
Trả lời tổ chức thông tin độc lập Hồng Kông Free Press, một đại diện công đoàn của nhân viên y tế nhấn mạnh là cần “ngăn ngừa virus từ tận gốc rễ, nếu không, ngay cả trong trường hợp nhân sự và trang thiết bị y tế được tăng cường, bệnh viên có thêm phòng cho bệnh nhân, Hồng Kông cũng không thể giải quyết được vấn đề“.
Hồng Kông hiện có một người tử vong, 21 ca bị lây nhiễm, trong đó có những trường hợp nhân viên y tế bị nhiễm virus corona. Vào lúc dịch viêm phổi do virus corona chưa có dấu hiệu thuyên giảm, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông thông báo kể từ ngày Thứ Bảy tới 08/02/2020 tất cả những người từ Hoa Lục đến Hồng Kông đều bị cách ly. Tuyên bố này không xoa dịu được phẫn nộ trong giới y khoa.
Theo hãng tin AP hiện Hồng Kông hiện tại vẫn duy trì hai cửa khẩu với Hoa Lục. Thêm vào đó, trong lúc hàng ngàn người dân Hồng Kông xếp hàng cả ngày lẫn đêm để mua được khẩu trang, thì một nhóm dân biểu Hồng Kông thân Bắc Kinh thông báo rầm rộ về chiến dịch gửi khẩu trang và trang thiết bị y tế đến Vũ Hán để thể hiện tình liên đới với Hoa Lục. Chiến dịch tuyên truyền này của phe thân Bắc Kinh khiến công luận Hồng Kông càng phẫn nộ.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200206-virus-corona-20000-nh%C3%A2n-vi%C3%AAn-y-t%E1%BA%BF-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng

Virus corona : Hãng hàng không Cathay

yêu cầu nhân viên nghỉ không lương

Minh Anh
Ngày 05/02/2020, lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông thông báo thực hiện biện pháp cách ly tất cả những ai đến từ Hoa Lục kể từ thứ Bảy 08/02 tới đây.
Cùng ngày, hãng hàng không Cathay Pacific yêu cầu 27.000 nhân viên nghỉ phép không ăn lương trong vòng ba tuần.
Từ Hồng Kông, thông tín viên đài RFI, Florence de Changy giải thích :
« Trong thông điệp bằng video gởi đến 27.000 nhân viên chiều thứ Tư 05/02, ông Augustus Tang, tân lãnh đạo hãng Cathay Pacific, công ty hàng không hàng đầu của Hồng Kông đã cho rằng tình hình « cũng nghiêm trọng » như trong trận dịch năm 2009.
Thời điểm này bình thường ra là mùa sinh lợi của Năm Mới thì nay trở thành thảm họa. Cathay cắt giảm 90% các chuyến bay với Trung Quốc và 30% với các điểm đến khác. Augustus Tang đề nghị mỗi nhân viên, ở mọi cấp bậc, lấy ba tuần nghỉ, không có lương, trong khoảng giữa tháng Ba và tháng Sáu.
Hơn nữa, lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga thông báo kể từ thứ Bảy này, tất cả những ai đến từ Trung Quốc, 90% chủ yếu là người Hồng Kông, đều sẽ bị cách ly. Hai cảng dành cho các du thuyền cũng bị đóng cửa và 3.600 du khách của chiếc du thuyền đến từ Nhật Bản hiện bị cấm lên bờ do e sợ có một số người mang mầm virus. »
Virus corona : Sòng bạc Macau bị liên lụy
Còn tại Macao, thiên đường sòng bạc châu Á kể từ hôm 05/02 biến thành một thành phố ma. Tất cả các hoạt động kinh doanh như sòng bạc, quán ăn, các phòng mát-xa, các phòng tập thể dục, viện thẩm mỹ, rạp chiếu bóng, các phòng nhảy disco… buộc phải đóng cửa trong vòng 15 ngày. Báo động đỏ đã được khởi động để tránh dịch bệnh lây lan, do vừa phát hiện một ca nhiễm đầu tiên, là một nữ nhân viên của Galaxy, một khách sạn hạng sang ở ngay trung tâm thành phố.
An toàn sức khỏe là chính, nhưng theo nhận định của nhà nghiên cứu Xavier Paulès, Ecole de Hautes Etudes en Sciences Sociales, nếu Macao ngưng hoạt động đó là vì các sòng bạc vắng khách và kinh tế đang bị tác động của virus corona.
Ông giải thích : « Khách chơi không có. Cho vận hành các casino mà không có khách, đây quả thật làm tiêu hao một khoảng chi phí rất tốn kém cho sòng bạc có liên quan. Đương nhiên, nhìn từ Macao, các sòng bạc thất thu làm sụt giảm đáng kể nguồn thu đáng kể cho nền kinh tế của Macao. Điều này có nghĩa là một bộ phận lớn người dân bị thất nghiệp, bởi vì người ta không thể che giấu sự thật, Macao chủ yếu sống nhờ vào ngành công nghiệp đánh bạc ».
Theo nghiệp đoàn các nhân viên sòng bạc, lượng khách chơi lui tới các sòng bạc đã sụt giảm đến 90% kể từ đầu dịch bệnh. Giá trị cổ phiếu các nhóm khách sạn lớn tụt từ 3-5% trên sàn chứng khoán Hồng Kông ngay khi có thông báo tạm đóng cửa các hoạt động tại Macao.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200206-virus-corona-h%C3%A3ng-h%C3%A0ng-kh%C3%B4ng-cathay-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-nh%C3%A2n-vi%C3%AAn-ngh%E1%BB%89-kh%C3%B4ng-l%C6%B0%C6%A1ng

Quan hệ các nước với TQ trong dịch Corona

Trong tuần vừa qua Tung Quốc đã xử lý hơn 400 cán bộ vì dịch Corona, trong đó có việc không sớm công bố thông tin để có biện pháp ngăn chặn dịch.
Hiện nay đã có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận có ca nhiễm virus Corona bắt nguồn và bùng phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Trước tốc độ lây lan nhanh chóng, các nước trên Thế giới luôn phải thực hiện biện pháp cứng rắn với việc nhập cảnh của người Trung Quốc.
Trung Quốc là nước có dân số đông nhất Thế giới, hầu như tất cả các nước đều có quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Nhiều tập đoàn lớn của các cường quốc như Mỹ, Anh, Nhật, Úc.. đều đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh ở Trung Quốc. Quan hệ thương mại của Trung Quốc và các nước ngày càng gia tăng. Thế giới của chúng ta cứ 6 người thì có 1 người là người Trung Quốc. Khách du lịch Trung Quốc chiếm tỉ lệ khá lớn ở nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Âu, Mỹ và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc cũng có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ở các nước, nhiều người Trung Quốc ở nước ngoài.
Vì vậy khi Tổ chức Y tế Thế giới công bố tình trạng khẩn cấp về dịch virus Corona trên toàn cầu thì việc các nước phải hạn chế, có nước tạm dừng việc cho người Trung Quốc nhập cảnh cũng là điều cần phải làm để ngăn dịch.
Tại Trung Quốc, thành phố Vũ Hán cũng bị cô lập. Người Vũ Hán không được di chuyển ra các tỉnh khác, người tỉnh khác không được đi vào Vũ Hán.
Nhiều người Trung Quốc ở các tuyến bay trong nước và quốc tế nhất quyết không đi cùng chuyến bay với người Vũ Hán.
Chính quyền nhiều nước sẵn sàng cung cấp thiết bị, chuyên gia giúp Trung Quốc ngăn chặn và dập dịch. Nhưng chính quyền Trung Quốc không phải chấp nhận tất cả sự trợ giúp của các nước.
Đây là trách nhiệm ngăn dịch của chính quyền các nước trên Thế giới. Những biện pháp ngăn chặn khách du lịch Trung Quốc, người Trung Quốc đến các nước làm việc là điều bất đắc dĩ vì sẽ thiệt hại về
kinh tế, quan hệ chính trị. Ngay các nước là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc như Mỹ, Úc cũng buộc phải cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Trung Quốc.
Thiết tưởng Trung Quốc phải đoàn kết với các nước trong việc chung tay ngăn chặn dịch, nhưng người phát ngôn Hoa Xuân Oánh lại quay lại chỉ trích Mỹ. Quyền đại sự Trung Quốc tại Israel thậm chí còn ví việc Israel hạn chế du khách Trung Quốc như trong lịch sử người theo đạo Do Thái (của Israel) bị Đức Quốc xã diệt chủng. Cách so sánh này là không thể chấp nhận được trong thời đại hiện nay.
http://biendong.net/dam-luan/32833-quan-he-cac-nuoc-voi-tq-trong-dich-corona.html

Từ xuất khẩu gỗ của New Zealand đến thực phẩm

của Hoa Kỳ bị đình trệ bởi dịch coronavirus

Hương Thảo
Các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn virus corona của Trung Quốc tác động đến các hoạt động kinh tế và đang được cảm nhận trên toàn cầu, với các nhà xuất khẩu, khai thác và sản xuất, mọi thứ từ than, gỗ đến thịt và trái cây, đang phải đối mặt với sự chậm trễ và những lô hàng tiềm năng bị hủy bỏ (Reuters ngày 4/2).
Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc được cho là nước có mức tiêu dùng lớn nhất đối với các nguyên liệu thô, nhiên liệu và thực phẩm trên toàn cầu. Nhưng sự kết hợp giữa kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài cùng với sự lây lan nhanh chóng của chủng mới virus corona đã giết chết hàng trăm người, đang gây nhiễu loạn các kênh hậu cần trong và ngoài nước này.
Những ảnh hưởng của nó đối với chuỗi cung ứng toàn cầu đang trải dài đến New Zealand, Hoa Kỳ và hơn thế nữa, gây ảnh hưởng rõ rệt đối với các mặt hàng nhỏ như thực phẩm và lâm sản.
Xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc cũng bị gián đoạn, dẫn đến các vấn đề khác về chuỗi cung ứng. Hyundai Motor cho biết họ sẽ tạm dừng sản xuất tại Hàn Quốc, cơ sở sản xuất lớn nhất của Hyundai Motor, vì thiếu phụ tùng thay thế.
Tại cảng Eastland của Gisborne ở New Zealand, xuất khẩu gỗ tròn sang Trung Quốc – nguồn doanh thu chính của cảng – đã bị tạm dừng cho đến khi có thông báo mới, trong khi các nhân viên lâm nghiệp trên khắp New Zealand đã được thông báo về nhà.
“Ngành công nghiệp đang quay cuồng một chút như dự đoán”, Prue Younger, giám đốc điều hành của Hiệp hội các Nhà thầu Lâm nghiệp cho biết.
Doanh số 300 triệu đô la New Zealand (195 triệu USD) bán tôm hùm hàng năm của New Zealand cho Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các thương nhân cho biết, giá tôm hùm đá địa phương đã giảm gần một nửa khi các nhà xuất khẩu tìm cách giảm hàng tồn kho và ngư dân đã ngừng đánh bắt.
“Đối với các nhà xuất khẩu của New Zealand, thời điểm này thật đáng tiếc vì đây là thời kỳ cao điểm về nhu cầu và giá cả tốt trong dịp Tết”, Giám đốc Điều hành Hội đồng Công nghiệp Tôm hùm đá New Zealand, Mark Edwards nói với cổng thông tin Stuff.
Thiếu lao động
Tắc nghẽn cảng là tác động tổng hợp của một số lệnh phong tỏa quy mô toàn thành phố nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus và điều này ngăn cản mọi người đi làm. Điều đó dẫn đến việc giảm lao động cho tất cả các chức năng cần thiết tại các cảng nhập cảnh điển hình, chẳng hạn như nhân viên hải quan và nhân viên kiểm tra và xử lý hàng hóa.
Ít người làm việc tại các cảng dự kiến ​​sẽ tạo ra sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng và đe dọa sẽ tăng chi phí cho các nhà xuất khẩu nông nghiệp Hoa Kỳ kinh doanh tại Trung Quốc, như nhà chế biến gia cầm Sanderson Farms Inc và Tyson Foods Inc.
Ước tính có khoảng 300 đến 400 container gia cầm đông lạnh hiện đang vận chuyển vào Trung Quốc từ Hoa Kỳ, khoảng 80% trong số đó là chân gà, hoặc bàn chân, Jim Sumner, chủ tịch Hội đồng Xuất khẩu Gia cầm & Trứng Hoa Kỳ cho biết. Đây là một phần trong sự tăng cường cho các nhà xuất khẩu của Hoa Kỳ sau khi ký kết thỏa thuận Giai đoạn 1 của Hoa Kỳ-Trung Quốc. Bắc Kinh vào tháng 11 đã dỡ bỏ lệnh cấm gần năm năm đối với các lô hàng thịt gia cầm của Hoa Kỳ.
“Các lô hàng chân gà đầu tiên của chúng tôi mới bắt đầu đến nơi thì tất cả những điều này xảy ra,” ông Sumner nói. “Số lượng đã được thông quan chỉ là một phần nhỏ nếu so với sản lượng thông quan trong điều kiện bình thường”.
Cả Tyson và Sanderson đều không thể đưa ra bình luận ngay hôm thứ ba.
Cũng có báo cáo về sự thiếu hụt thuyền trưởng cho tàu kéo, có nghĩa là các tàu lớn hiện mất nhiều thời gian hơn bình thường để cập cảng tại một số cảng nhất định. Các quan chức tại một số cảng lớn hơn cho biết họ đã có thể duy trì hoạt động bình thường nhưng các cơ sở cảng nhỏ hơn đang gặp khó khăn. “Cảng và các bến tàu của chúng tôi đang hoạt động bình thường. Nhưng vấn đề thực sự bây giờ là các cảng tiếp nhận ở hạ lưu, chẳng hạn như (xung quanh) Thượng Hải và Ninh Ba,” một giám đốc hậu cần tại cảng Yingkou ở tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc, một trung tâm quặng và quặng sắt lớn, nói.
Những gì chúng tôi nghe được từ báo cáo của họ là họ không có đủ người lái xe tải và thuyền để chuyển hàng hóa ra khỏi cảng bằng đường bộ và đường sông. Vì vậy, họ đang bị tắc nghẽn và muốn chúng tôi giảm tốc độ gửi tàu cho họ. Người quản lý của một công ty hậu cần của nhà nước ở Ninh Ba cho biết, thời gian chờ đợi đã tăng lên ít nhất bốn ngày, để dỡ hàng xà lan trên sông do thiếu hụt nhân sự.
Nhưng một vấn đề thậm chí còn lớn hơn, theo ông, là nhu cầu tiêu dùng yếu do sự phong tỏa lan rộng. “Các thương nhân có nhiệm vụ lấy hàng hóa của họ và bán cho người tiêu dùng, nhưng ngay bây giờ họ không thể bán cho bất kỳ ai. Vì vậy, họ chỉ dự trữ nó tại các cảng, tạo ra ngày càng ít không gian hơn cho hàng hóa tiếp theo vào cảng.”
Các nhà xuất khẩu thận trọng
Các nhà xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp của Hoa Kỳ cho biết một số lô hàng container có thể bị trì hoãn do không chắc chắn về thời gian ân hạn cho việc thông quan, hoặc các khoản phí nợ cho người mua hàng vì sự chậm trễ giao hàng.
Khoảng 20 cảng lớn và hai hãng vận tải nội địa trên khắp Trung Quốc đã giảm hoặc loại bỏ phí trễ hạn và phí tạm giữ đối với các lô hàng container, hàng kềnh càng và tàu dầu cho đến ngày 9/2 để cố gắng duy trì lưu lượng hàng hóa ra thị trường. Mặc dù vậy, các nhà xuất khẩu với thời gian hành trình kéo dài hàng tuần tới Trung Quốc vẫn lo ngại về khả năng trì hoãn kéo dài một khi hàng hóa của họ đến cảng, đặc biệt là thực phẩm có thể bị hỏng.
Giám đốc điều hành Peter Friedmann tại Liên minh Vận tải Nông nghiệp, một cơ quan công nghiệp có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết, “Các hãng vận tải đã kéo dài thời gian ân hạn đến ngày 9/2, nhưng ngoài thời hạn đó, các chủ hàng có thể phải đối mặt với các mức phạt nặng.”
Ông nói thêm rằng phí trễ hạn bình thường đối với các container lạnh – được sử dụng để vận chuyển cá, thịt và trái cây – có thể lên tới 350 đô la mỗi container mỗi ngày, có khả năng dẫn đến tổn thất nặng nề đối với các lô hàng có giá trị thấp, dễ hư hỏng nếu việc trì hoãn thông quan kéo dài.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tu-xuat-khau-go-cua-new-zealand-den-thuc-pham-cua-hoa-ky-bi-dinh-tre-boi-dich-coronavirus.html

Virus corona ‘khuấy đảo’ cả nền kinh tế TQ:

Tốc độ tăng trưởng có thể chỉ còn 4,5%

Trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona tiếp tục bùng phát, Trung Quốc đang chuẩn bị đưa ra những động thái để đối mặt với tốc độ kinh tế tăng trưởng chậm hơn nữa.
Hiện tại, các quan chức của nước này đang đánh giá về việc liệu có nên hạ mục tiêu tăng trưởng cho năm 2020 hay không. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu khí đốt lỏng thuộc sở hữu nhà nước đang cân nhắc để đưa ra thông báo rằng họ không thể đáp ứng nghĩa vụ bắt buộc đối với những đơn giao hàng, đây được gọi là trường hợp bất khả kháng. Ngoài ra, các nhà chức trách ở Bắc Kinh cũng đang kỳ vọng Mỹ sẽ đồng ý nới lỏng thoả thuận thương mại giai đoạn 1.
Theo Bloomberg, 2/3 nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục đình trệ vào tuần này khi một số tỉnh đã thực hiện động thái kéo dài kỳ nghỉ lễ nhằm phần nào ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh do virus corona.
Đây là một số vấn đề mà chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc:
Hạ mục tiêu tăng trưởng GDP
Mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm thường được giới chức Trung Quốc công bố vào tháng 3. Hiện tại, các nhà kinh tế học dự đoán Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng ở khoảng 6% trong năm nay, sau khi mục tiêu của năm 2019 là 6% đến 6,5%. Theo Bloomberg Economics, con số này có thể giảm xuống mức 4,5% trong quý I/2020.
Các quan chức nước này cũng đang cân nhắc về các biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm phát hành thêm trái phiếu chính phủ đặc biệt, nguồn tin thân cận tiết lộ. Ngoài ra, Trung Quốc có thể nâng giới hạn đã đặt ra về tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với GDP.
Virus có thể ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống
Trong cuộc họp được tiến hành vào ngày 3/2, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi các quan chức nhanh chóng phối hợp hành động để ứng phó và kiểm soát dịch bệnh do virus corona, ông cho biết kết quả của quá trình này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định xã hội của Trung Quốc.
Ông Tập phát biểu trong cuộc họp rằng nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân, sự ổn định của xã hội và quá trình mở cửa đất nước. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi giới chức tiến tới việc đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong năm nay và thúc đẩy sự ổn định của chi tiêu người tiêu dùng.
Đây là cuộc họp thứ hai của các nhà lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc, nhằm xử lý khủng hoảng do dịch bệnh lây lan trong thời gian gần đây.
Nhu cầu tiêu thụ dầu, khí đốt sụt giảm
Hiện tại, lượng tiêu thụ dầu ở Trung Quốc – nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất và nhà mua LNG (khí tự nhiên hoá lỏng) lớn thứ hai thế giới, ước tính đã giảm 20%. Điều này khiến các nhà sản xuất nhiên liệu phải cắt giảm sản lượng và tìm cách hoãn giao một số lô hàng. Nhu cầu đối với khí đốt sụt giảm cũng khiến các bên mua phải cân nhắc về việc hoãn giao hàng để ứng phó với tình trạng lượng hàng tồn kho lớn.
Các nhà nhập khẩu LNG bao gồm Tổng công ty Dầu khí Ngoài Khơi Trung Quốc (CNOOC) hiện vẫn đang đánh giá tác động đối với lượng tiêu thụ và chưa đưa ra quyết định liệu có đưa ra tuyên bố như trên hay không, nguồn tin thân cận tiết lộ. Công ty này có thể sẽ đưa ra tuyên bố về trường hợp bất khả kháng khi họ không thể đáp ứng các nghĩa vụ bắt buộc (contractual obligation) vì nguyên nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
CNOOC và PetroChina đã bắt đầu soạn thảo các tài liệu cần thiết để đưa ra tuyên bố, trong trường hợp họ đưa ra quyết định chính thức. Sinopec cũng đang cân nhắc về quyết định tương tự.
Thương chiến với Mỹ
Hồi tháng trước, Mỹ và Trung Quốc đã ký kết thoả thuận thương mại giai đoạn 1, các điều khoản dự kiến có hiệu lực vào tháng 2. Trong đó, một điều khoản có nội dung rằng các quốc gia sẽ cân nhắc “trong trường hợp xảy ra thảm hoạ tự nhiên hoặc sự kiện không thể lường trước”, để trì hoãn hoặc không tuân theo thoả thuận. Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có đưa ra yêu cầu đối với trường hợp này hay chưa, nhưng nguồn tin thân cận cho biết nước này đã có kế hoạch thực hiện vào một thời điểm nào đó.
Người phát ngôn của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer vẫn chưa nhận được yêu cầu từ phía Trung Quốc để thảo luận về cam kết mua nông sản của quốc gia này. Bộ Thương mại Trung Quốc chưa phản hồi về vấn đề này.
Ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, nền kinh tế Trung Quốc đã đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm chạp, khi nhu cầu trong nước giảm sút, tình trạng vỡ nợ liên tiếp xảy ra và chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang. Năm ngoái, tăng trưởng GDP đạt mức 6,1%, tốc độ thấp nhất trong 3 thập kỷ nhưng vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu của chính quyền ông Tập.
Trong một kịch bản có thể xảy ra, dựa vào tình hình hiện tại, dịch bệnh do virus corona có thể khiến tăng trưởng GDP quý I/2020 của Trung Quốc giảm xuống mức 4,5% so với năm trước, theo ước tính của Bloomberg Economics. Hầu hết các tỉnh của Trung Quốc cho biết từ trước khi dịch bệnh lan rộng, họ đã dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại vào năm 2020, với 22 trong số 31 tỉnh, thành phố, khu tự trị lớn cắt giảm mục tiêu tăng trưởng kể từ ngày 21/1.
Theo đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thực hiện những bước đi cụ thể đầu tiên để thúc đẩy nền kinh tế, hỗ trợ thị trường khi dịch bệnh đang hoành hành. Hôm 2/2, PBOC quyết định bơm 1200 tỷ CNY (174 tỷ USD) vào hệ thống tài chính, đồng thời hạ lãi suất đi vay đối với các quỹ để đảm bảo thanh khoản.
http://biendong.net/doc-bao-viet/32834-virus-corona-khuay-dao-ca-nen-kinh-te-tq-toc-do-tang-truong-co-the-chi-con-4-5.html

Dịch viêm phổi Vũ Hán

khiến nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào bế tắc

Hải Lam
Ảnh hưởng từ dịch viêm phổi đến nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thể xác định. Tuy nhiên, theo CNN, một số nhà kinh tế dự đoán tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm hai điểm phần trăm trong quý này, khiến phần lớn nền kinh tế đất nước rơi vào bế tắc. Sự sụt giảm này có nghĩa là Trung Quốc có thể mất tới 62 tỷ USD.
Trung Quốc hiện không đủ khả năng chống lại sự sụt giảm này. Mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm ngoái ở mức thấp nhất trong gần ba thập niên, trong khi Trung Quốc đang phải đối mặt với nợ gia tăng và sự ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.
Hiện tại, Bắc Kinh đang giành nhiều nguồn lực để ngăn chặn dịch virus corona tàn phá nền kinh tế. Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách đã thực hiện một số biện pháp để giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch viêm phổi.
Chính quyền trung ương và địa phương đã phân bổ 12,6 tỷ USD cho đến nay để chi cho điều trị y tế và mua sắm các thiết bị.
Các ngân hàng lớn đã cắt giảm lãi suất cho các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân trong các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất từ dịch bệnh. Ngoài ra, ngân hàng Trung Quốc cho biết họ sẽ cho phép người dân ở Vũ Hán và các thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc được hoãn trả các khoản vay trong vài tháng nếu nguồn thu nhập của họ bị gián đoạn.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương của đất nước, cho biết sẽ đảm bảo có đủ thanh khoản trên thị trường tài chính khi họ mở cửa trở lại vào hôm 3/2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 10 ngày. Ngân hàng này đã quyết định bơm 1.200 tỷ NDT (174 tỷ USD) vào hệ thống tài chính.
Dự đoán của giới chuyên gia
Theo nhà kinh tế học Trung Quốc Zhang Ming, chính phủ Trung Quốc sẽ phải có những động thái mạnh mẽ hơn nữa để ngăn nền kinh tế sụt giảm hơn nữa. Ông dự đoán, mức tăng trưởng kinh tế của đất nước sẽ giảm xuống 5% trong quý I, với giả định dịch bệnh kéo dài đến cuối tháng 3. Ông mô tả rằng đó là kịch bản lạc quan nhất và ông không đưa ra thêm bất kỳ dự báo nào khác trong trường hợp dịch bệnh kéo dài hơn nữa.
Chuyên gia Zhang cho biết, chính phủ có thể cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho ngành y tế và đào tạo việc làm. Ông cũng hy vọng chính quyền địa phương sẽ chi nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng. Bằng cách thúc đẩy hoạt động kinh tế và tạo việc làm, các thành phố có thể bù đắp được các điểm yếu trong đầu tư tư nhân vào bất động sản và sản xuất.
Ông Zhang nói thêm, ngân hàng trung ương cũng cần cắt giảm lãi suất để ổn định nền kinh tế. Theo ông, các biện pháp như vậy có thể giúp mức tăng trưởng phục hồi trong quý tới và đẩy tăng trưởng GDP của năm lên khoảng 5,7%. Mặc dù thấp hơn mức tăng trưởng 6,1% của năm ngoái, nhưng đây là con số mà nhiều nhà phân tích dự đoán.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác có cái nhìn không mấy lạc quan. Các nhà phân tích tại Nomura tin rằng mức tăng trưởng có thể giảm ít nhất hai điểm phần trăm trong quý đầu tiên. Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của chính quyền Bắc Kinh hôm 31/1 trích dẫn thông tin từ những người trong ngành nói rằng dịch viêm phổi có thể khiến GDP giảm hai điểm phần trăm trong quý này. Những nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn virus corona lây lan bằng cách kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và yêu cầu các nhà máy phải đóng cửa có thể “ảnh hưởng nghiêm trọng ngành sản xuất của quốc gia và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Virus corona ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc hơn cả dịch SARS
Ông Zhang và các nhà phân tích khác cho rằng dịch virus corona ảnh hưởng đến kinh tế thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả dịch SARS gần hai thập niên trước.
Có thể thấy ngành du lịch Trung Quốc bị ảnh hưởng ngay lập tức vì dịch bệnh. Ngành công nghiệp du lịch trị giá hàng chục tỷ USD đã lao đao khi chính quyền trung ương ra lệnh phong tỏa các thành phố lớn như một nỗ lực ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan. Các công ty du lịch, khách sạn và hãng hàng không lớn phải hoàn tiền cho khách, trong khi một số hãng hàng không đã tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.
Các nhà sản xuất phim Tết cùng nhiều hệ thống rạp chiếu ở Trung Quốc cũng thất thu khi một loạt phim bom tấn không được chiếu.
Sự lây lan của virus corona có nguy cơ tăng tỷ lệ thất nghiệp. Chuyên gia Zhang cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc có thể đạt mức cao kỷ lục trong những tháng tới. Thị trường việc làm Trung Quốc vốn đã bất ổn. Ngành công nghiệp có truyền thống tạo nhiều công ăn việc làm như công nghệ đã tổn thương nghiêm trọng vì thương chiến.
290 triệu công nhân nhập cư là nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất. Nhiều người trong số họ đến từ nông thôn, lên thành phố để làm thuê như xây dựng, phục vụ bàn, giao hàng, bảo vệ… Nhưng vì nhiều nhà máy và doanh nghiệp vẫn chưa hoạt động trở lại, nên hàng triệu công nhân khó có thể tìm được việc làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hơn 10 triệu công nhân nhập cư từ tỉnh Hồ Bắc có thể còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử vì mọi người xung quanh lo sợ những công nhân này sẽ lan truyền virus.
Chuyên gia Zhang nói thêm dịch viêm phổi cũng có thể khiến hàng tiêu dùng đắt hơn. Ngân sách đã bị thắt chặt vì nợ gia tăng, và một cuộc khủng hoảng thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào năm ngoái đã khiến giá thịt tăng vọt. Ngoài ra, Tân Hoa Xã cho biết, giá rau đã tăng lên khi mọi người đổ xô đi mua nhu yếu phẩm cơ bản trong đợt bùng phát virus corona.
Những thách thức khác
Đối phó với dịch viêm phổi sẽ khiến một số vấn đề khác của Trung Quốc trở nên khó giải quyết hơn, trong đó có cuộc thương chiến với Hoa Kỳ.
Theo thỏa thuận giai đoạn một được ký vào đầu tháng 1, Bắc Kinh đã đồng ý mua 200 tỷ USD hàng hóa của Hoa Kỳ trong hai năm tới. Các nhà phân tích nói rằng việc giảm nhu cầu tiêu dùng nội địa ở Trung Quốc sẽ khiến nước này gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu đó. Nếu dịch bệnh làm suy yếu sức mua của người dân nhiều hơn nữa, mục tiêu đó sẽ nằm ngoài khả năng hơn nữa.
Ngoài ra, Washington vẫn đang áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ không leo thang nếu Bắc Kinh “tạm thời” không thể thực hiện được cam kết mua hàng của Mỹ như đã thỏa thuận vì dịch viêm phổi.
Ông Ken Cheung, chiến lược gia về thị trường ngoại hối châu Á tại ngân hàng Mizuho Bank cho biết, năm 2020, ông Donald Trump sẽ bước vào cuộc đua tổng thống nhiệm kỳ 2 và việc leo thang căng thẳng thương mại trong tình trạng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ông.
https://www.dkn.tv/the-gioi/dich-viem-phoi-vu-han-khien-nen-kinh-te-trung-quoc-dang-roi-vao-be-tac.html

Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Uông Dương:

Tình hình tại eo biển Đài Loan

sẽ phức tạp và nghiệt ngã hơn

Ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan, Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố đe dọa sử dụng mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ mô hình “Một quốc gia, hai chế độ”, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm của Bắc Kinh trong việc “thống nhất” lãnh thổ.
Phát biểu tại cuộc họp với các quan chức văn phòng các vấn đề Đài Loan, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Uông Dương (19/01) cho biết: “Tình hình tại eo biển Đài Loan sẽ phức tạp và nghiệt ngã hơn. Chúng ta phải duy trì nguyên tắc Một Trung Quốc và kiên quyết phản đối, ngăn chặn các hoạt động đòi độc lập của Đài Loan dưới mọi hình thức”. Ông Uông Dương khẳng định, Trung Quốc vẫn ủng hộ việc “thống nhất” đảo Đài Loan một cách hòa bình nhưng phải theo mô hình “Một quốc gia, hai chế độ” và Bắc Kinh sẽ nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy trao đổi qua eo biển, tăng cường phát triển chung và bảo đảm sự thịnh vượng của Đài Loan; nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ đưa ra những điều kiện tốt hơn để thu hút thanh niên Đài Loan đến học tập và làm việc tại Trung Quốc đại lục.
Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (13/1) cũng đã đưa ra một phát ngôn cứng rắn sau khi bà Thái Anh Văn tái đắc cử lãnh đạo Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh rằng không thay đổi quan điểm về “Một Trung Quốc”. Theo ông Vương Nghị, “những kẻ ly khai sẽ phải chịu số phận diệt vong và để lại mùi hôi thối bốc lên trong một vạn năm”; đồng thời tiếp tục khẳng định rằng, nguyên tắc “Một Trung Quốc” từ lâu đã công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc đại lục và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Sự đồng thuận về nguyên tắc “Một Trung Quốc” vẫn sẽ không thể bị thay đổi một chút nào chỉ vì một cuộc bầu cử địa phương tại Đài Loan, và sẽ không thể bị lung lay vì những phát ngôn và hành động sai lầm của một số chính trị gia phương Tây. Bộ Ngoại giao Trung Quốc (12/1) cũng đã tuyên bố nhấn mạnh “dù có chuyện gì thay đổi với tình hình nội bộ ở Đài Loan thì thực tế cơ bản rằng chỉ có một nước Trung Quốc trên thế giới và Đài Loan là một phần của Trung Quốc sẽ không thay đổi”; tái khẳng định “sự đồng thuận phổ quát của cộng đồng quốc tế tôn trọng nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’ cũng sẽ không thay đổi”. Bắc Kinh hy vọng thế giới ủng hộ người dân Trung Quốc phản đối các hoạt động ly khai và “hiện thực hóa việc thống nhất đất nước”. Trong thông báo tương tự, Người phát
ngôn Văn phòng phụ trách các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc Mã Hiểu Quang nhấn mạnh mô hình “một quốc gia, hai chế độ” và Trung Quốc “kiên quyết phản đối các hành động và ý đồ ly khai vì ‘Đài Loan độc lập’ dưới bất cứ hình thức nào”. Ông Mã Hiểu Quang cũng cho biết bất kỳ hoạt động ủng hộ độc lập nào muốn tách hòn đảo khỏi đại lục sẽ không được dung thứ và “chúng tôi kiên quyết lên án và chống lại các hình thức hoạt động đòi độc lập và ly khai khác nhau của Đài Loan nhằm duy trì hòa bình và ổn định chung ở eo biển Đài Loan. Bà Thái Anh Văn đã dung túng cho phong trào ủng hộ độc lập ở Đài Loan, và làm thiệt hại các hoạt động trao đổi, hợp tác xuyên eo biển bằng cách từ chối chấp nhận nguyên tắc Một Trung Quốc”; đồng thời nhấn mạnh “Đài Loan là một phần thiêng liêng và không thể tách rời của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ người nào, tổ chức chính trị sử dụng bất kỳ phương pháp nào để phá vỡ bất kỳ phần nào của Trung Quốc”.
Tuyên bố của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Uông Dương được đưa ra một tuần sau khi bà Thái Anh Văn đã tái đắc cử lãnh đạo Đài Loan trong một cuộc bầu cử mà bà giành chiến thắng áp đảo với ước tính ít nhất 57% số phiếu bầu, trong khi ông Hàn Quốc Du nhận 38% số phiếu và ông Tống Sở Du của đảng Thân dân nhận được 4% số phiếu bầu. Ngoài ra, đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) của bà Thái Anh Văn cũng giành được đa số trong cơ quan lập pháp Đài Loan với 62 trên 113 ghế, trong khi đó Quốc dân đảng chỉ có khoảng 38 ghế. Giới phân tích cho rằng việc bà Thái Anh Văn tái đắc cử có khả năng làm leo thang căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc, khi quan hệ chính thức giữa hai bờ đã bị đình trệ từ khi bà nhậm chức nhiệm kỳ đầu vào năm 2016, cũng như vì chính sách cứng rắn của bà đối với Bắc Kinh. Thêm vào đó, với sự ủng hộ của các cử tri, bà Thái sẽ được tiếp thêm sức mạnh trong nỗ lực bảo vệ Đài Loan trước áp lực từ Bắc Kinh.
Trước những động thái đe dọa của Trung Quốc, Đài Loan đã có những biện pháp đáp trả mạnh mẽ. Trong bài phát biểu sau khi giành thắng lợi, bà Thái Anh Văn cho biết Trung Quốc rằng nước này hãy từ bỏ việc đe dọa để lấy lại hòn đảo bằng vũ lực. Theo Tổng thống Đài Loan, “hòa bình có nghĩa là Trung Quốc phải từ bỏ các mối đe dọa vũ lực chống lại Đài Loan”; đồng thời bày tỏ hy vọng rằng chính quyền Bắc Kinh hiểu rằng Đài Loan dân chủ và chính phủ được bầu cử dân chủ của Đài Bắc, sẽ không nhượng bộ trước các đe dọa và hành động hăm dọa”. Không những vậy, Thủy quân lục chiến thuộc Lực lượng phòng vệ Đài Loan (16/1) đã tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn vào ngày, như là một phần các hoạt động quân sự sau bầu cử, nhằm thể hiện sự ủng hộ với nhà lãnh đạo Thái Anh Văn vừa tái đắc cử. Cuộc tập trận tập trung vào kịch bản vô hiệu hóa mối đe dọa từ các nhóm tấn công nhỏ, sử dụng vũ khí cá nhân và chiến đấu tay đôi với kẻ thù giả định. Trước đó vài ngày, Lực lượng phòng vệ Đài Loan cũng tổ chức cuộc tập trận có sự tham gia của không quân. Lực lượng này vừa trải qua đợt nâng cấp lớn, thông qua việc mua lại phiên bản mới nhất của gia đình tiêm kích F-16 và một số công nghệ tiên tiến khác của Mỹ.
http://biendong.net/bien-dong/32823-uy-vien-thuong-vu-bo-chinh-tri-trung-quoc-uong-duong-tinh-hinh-tai-eo-bien-dai-loan-se-phuc-tap-va-nghiet-nga-hon.html

‘Hãy cứu chúng tôi!’: Lời cầu xin tuyệt vọng

của người dân Vũ Hán trong thành phố bị phong tỏa

Epoch Times | Quý Khải biên dịch
Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã buộc phải tăng nhanh số lượng ca nhiễm coronavirus được xác nhận và số ca tử vong ở Vũ Hán dưới áp lực dữ dội từ cộng đồng, tình hình thực sự của đại dịch và tình trạng các bệnh nhân ở Vũ Hán còn tồi tệ hơn nhiều so với các báo cáo chính thức.
The Epoch Times, một tờ nhật báo có trụ sở ở New York (Mỹ), đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn và điều tra với các bệnh nhân và gia đình trong trận đại dịch hiện đang tàn phá Trung Quốc hiện nay. Kết quả các cuộc điều tra này cho thấy các bệnh nhân ở Vũ Hán và gia đình họ hiện đang lâm vào tình cảnh tuyệt vọng do tình trạng lây nhiễm chéo của bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới ở Vũ Hán, bên cạnh sự khủng hoảng do bản thân tình trạng phong tỏa toàn thành phố gây ra.
Ngày 26/1, ĐCSTQ bắt đầu một vòng kiểm duyệt mới theo sau một chiến dịch kéo dài hai tháng hòng che giấu tình hình dịch bệnh và bắt giữ các cư dân mạng dám tiết lộ nội tình thực tế bên trong vùng dịch.
Chính quyền đã đe dọa bắt giữ và kết án những người phát tán “các tin đồn về bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới”, theo một tuyên bố trên mạng xã hội WeChat và một thông báo lưu hành của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) và sở an ninh công cộng.
WeChat, nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc, đã chủ động ngăn chặn bất kỳ thông tin nào về virus corona không tương thích với các báo cáo chính thức từ phía chính quyền. Mạng xã hội này thậm chí còn yêu cầu tất cả cư dân mạng đăng thông báo kêu gọi sự hỗ trợ trên nền tảng này phải xác thực bằng tên thật; nếu không các tin nhắn sẽ bị xóa.
Đối với đại đa số những người dựa vào các phương tiện truyền thông như WeChat để có được thông tin bên ngoài luồng tuyên truyền chính thức của chính phủ, điều này chẳng khác nào việc tước đi quyền được tiếp cận cuối cùng đối với tình huống chân thực của dịch bệnh đang hoành hành.
Động thái kiểm duyệt như vậy thậm chí còn nguy hiểm hơn cả việc phong tỏa thành phố Vũ Hán, bởi điều đó có nghĩa là nhiều người Trung Quốc (có thể) đã bị nhiễm virus corona chủng mới sẽ không chỉ bị buộc phải ngồi nhà chờ chết trong tình cảnh thiếu vắng sự chăm sóc y tế và thuốc men, mà thậm chí những nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của họ để tự cứu mình cũng có thể sẽ bị chính quyền dập tắt.
Ngày 28/1, thời điểm trước khi chính quyền Trung Quốc đẩy mạnh các nỗ lực dập tắt tự do ngôn luận, tờ The Epoch Times đã phỏng vấn và ghi lại các yêu cầu được trợ giúp của người dân Vũ Hán trên mạng xã hội.
Người dân Vũ Hán: ‘Chúng tôi không có lối thoát’
Trao đổi với The Epoch Times, cô Sun, với bí danh “Jacky-gaga”, tâm sự:
“Gia đình tôi có bốn người, sống ở huyện Tống Khẩu thuộc Vũ Hán. Mẹ tôi hiện đã 50 tuổi rồi. Bà bị sốt và đã đến Bệnh viện Nhân dân Đông Tây Hồ ở Vũ Hán để khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà mắc chứng viêm phổi do chủng virus corona mới. Lúc đầu các bác sĩ đưa mẹ tôi đi cách ly, nhưng bệnh viện không còn giường bệnh. Tình trạng của mẹ tôi trở nên trầm trọng, bà cần được cứu chữa, và chúng tôi đang kêu gọi cộng đồng giúp đỡ”.
Cần phải chờ xem liệu việc phong tỏa Vũ Hán có phải là một biện pháp hiệu quả để ngăn chặn đại dịch hay không, nhưng nhiều người dân trong thành phố bị nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ bị nhiễm bệnh đang đối mặt với tình cảnh khó khăn.
Cô Sun đã điện cho trung tâm dịch vụ cộng đồng và Ủy ban Y tế địa phương, nhưng không nhận được sự trợ giúp. “Có những chiếc xe (cấp cứu) sẵn có trong trung tâm dịch vụ cộng đồng, nhưng họ không điều xe đến để hỗ trợ chở bệnh nhân đi khám bệnh. Chúng tôi phải trả một mức giá khá cao để thuê một chiếc taxi không giấy phép (taxi lậu!) để đưa mẹ tôi đến một bệnh viện gần nhất do chính phủ chỉ định, Bệnh viện Nhân dân Đông Tây Hồ”.
“Vũ Hán đã bị phong tỏa và giao thông đã bị cắt đứt, vì vậy chúng tôi không thể đến được bệnh viện nào ở xa hơn. Bên cạnh đó, có quy định là các bệnh viện không được nhận bệnh nhân từ các huyện khác (bệnh viện trái tuyến!), vì vậy chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đến bệnh viện lân cận”.
“Bệnh viện Đông Tây Hồ hiện không có giường nằm, nên họ đã gọi xe cứu thương để đưa mẹ tôi đến bệnh viện Thái Khang”.
Tuy nhiên, có xe cứu thương dường như cũng không mang lại bất kỳ hy vọng nào cho bệnh nhân hoặc gia đình họ. “Xe cứu thương chỉ để đưa người bệnh đến bệnh viện”, cô Sun nói. “Ngay cả sau khi chúng tôi đến Bệnh viện Thái Khang, cũng không có giải pháp nào. Chúng tôi vẫn phải xếp hàng chờ đợi. Bệnh viện Thái Khang hiện cũng không còn giường bệnh. Bệnh viện từ chối tiếp nhận mẹ tôi nên chúng tôi đành phải trở về nhà”.
“Nhiều người đã bị nhiễm bệnh, xe cứu thương đã quá tải”, cô Sun nói với tờ The Epoch Times. Cô cho biết cư dân mạng nói với cô rằng họ chỉ có thể lên mạng để cầu cứu sự giúp đỡ, hy vọng các phương tiện truyền thông sẽ can thiệp và thu hút sự chú ý của chính quyền.
“Tôi đã phải đăng một tin nhắn cầu cứu trên WeChat. Tôi đã để lại số điện thoại của mình”, cô Sun nói trong sự bất lực. “Chúng tôi không có lối thoát”.
‘Tôi cầu xin chính phủ hãy đến bắt tôi nếu điều đó có thể cứu sống cha mẹ’
“Tôi cầu xin mọi người hãy bảo ai đó báo cảnh sát rằng tôi đang phát tán tin đồn, có như thế thì cảnh sát mới đến bắt tôi, và chính phủ sẽ lùng sục tìm tôi, và như vậy cha mẹ tôi mới có thể được cứu sống. Xin hãy cứu cha mẹ tôi” – đây là đoạn chat trên WeChat của cô Lin, người mang bí danh “cây giống ở Taihe 18” hôm 28/1.
Cô Lin, người đã được xác minh danh tính bằng tên thật trên WeChat, đã đăng một tin nhắn lúc 1:48 chiều cùng ngày, cho biết, “Đây là tình cảnh Vũ Hán hiện nay. Cuối cùng, xe cứu thương đã đưa (cha tôi) đến bệnh viện, nhưng bệnh viện thậm chí không có đủ túi thở oxy. (Bệnh nhân) chỉ có thể được đặt
nằm trên mặt đất trong khoa ngoại trú. Cha tôi sắp chết rồi. Ông bị viêm phổi nặng do virus, suy hô hấp, và tiểu đường cấp tính. Mẹ tôi cũng bị chẩn đoán viêm phổi do loại virus này một tuần trước. Tôi không biết họ có thể qua nổi không”.
Hồi 9:16 tối, cô đã đăng trên dòng trạng thái rằng:
“Cho đến nay, cha tôi vẫn phải nằm ở khoa ngoại trú, và không được cho ăn gì. Tình hình ông càng ngày càng tệ. Tôi thật sự không biết phải làm gì nữa”.
Sáng sớm ngày 29/1, cô tiếp tục đăng tin nhắn từ bệnh viện, “12:40 sáng, tôi vẫn không thể chợp mắt. Tôi liên tục gọi điện thoại dựa theo các số mà mọi người đã cung cấp cho tôi và làm bất cứ điều gì có thể. Nhưng vẫn không có lối thoát. Cha mẹ tôi vẫn đang nằm trong khoa ngoại trú”.
Kể từ ngày 26/1, cô Yu, với bí danh “một chai nước muối soda”, đã lên WeChat kêu gọi sự giúp đỡ cho cha mình, người đã nhiễm chủng virus Vũ Hán.
Ngày 27/1, một cư dân mạng đã sử dụng tên thật để đăng trên WeChat dòng tin sau:
“Sau khi ngủ thiếp đi một lúc, tôi cảm thấy hơi sốt trong người. Có người hàng xóm nào sẵn lòng chia sẻ một ít thuốc men, túi thở oxy và nhiệt kế không? Tôi đã gọi 110 (số cảnh sát địa phương) và họ bảo tôi gọi đến trung tâm dịch vụ cộng đồng. Tôi gọi 120 (số khẩn cấp) để kết nối đến một bệnh viện. Trung tâm dịch vụ cộng đồng cũng đã báo cáo tình hình của tôi. Tôi không có lối thoát nào khác. Tôi chỉ có thể trông chờ, chờ đợi bệnh viện đến đưa tôi đi. Cha tôi không thể ra khỏi giường bây giờ”.
“Nếu bất cứ ai nghĩ rằng tôi đang phát tán tin đồn, tôi hy vọng bạn có thể nhanh chóng báo cảnh sát để chính quyền trung ương đến bắt tôi”.
Hồi 4:11 chiều ngày 27/1 tại Vũ Hán, một cư dân mạng khác đang xếp hàng chờ đến lượt khám tại bệnh viện đã đăng lên mạng dòng trạng thái sau:
“Sau khi xe cấp cứu đưa (ông) đến bệnh viện, ông chỉ có thể được đặt nằm trên mặt đất. Cha tôi sắp chết. Tôi không biết giờ ai có thể cứu ông”..
Ba tiếng rưỡi sau, anh này tiếp tục đăng tải dòng trạng thái sau: “Hai chiếc xe mà tôi nhìn thấy nhiều nhất hôm nay, có một chiếc màu đen còn chiếc kia màu trắng (xe tang?) Cha tôi đang ngồi ở lối đi. Tôi không biết ông ấy có thể cầm cự được bao lâu”.
Anh đã viết những dòng chữ này trong nỗi tuyệt vọng:
“Tôi cầu xin mọi người bảo ai đó hãy báo cảnh sát rằng tôi đang phát tán tin đồn. Tôi cầu xin cảnh sát và chính quyền đến lùng bắt tôi. Chỉ khi đó cha tôi mới có thể được cứu. Tôi có cung cấp chi tiết (địa chỉ) của tôi trên WeChat. Mọi người xin hãy cứu cha tôi”.
‘Chúng tôi chỉ có thể ngồi nhà chờ chết’
Hu Weili, một giáo viên tại thành phố Hàng Châu, đã trở lại Vũ Hán năm nay để ăn Tết với cha mẹ. Tuy nhiên, cô không bao giờ ngờ được rằng dịch virus Vũ Hán, mà chính phủ đã mô tả là “có thể phòng ngừa được, có thể kiểm soát được và có thể chữa trị được” lại biến thành một thảm họa tử thần tước đoạt đi tính mạng của rất nhiều người chỉ trong nháy mắt như vậy.
Xát muối thêm vào nỗi tuyệt vọng của cô, cha cô đã bị nhiễm virus corona trong bệnh viện, nhưng không có nơi nào để điều trị, và hầu hết những người trưởng thành trong gia đình cô hiện đang bị nghi nhiễm. Gia đình cô không thể làm gì hơn ngoài việc ngồi ở nhà chờ chết.
Cô đã viết trong một bài đăng yêu cầu sự trợ giúp trên tài khoản Weibo của mình:
“Cha tôi bắt đầu chạy thận vào tháng 12 năm ngoái. Ngày 18/1, cha tôi trở về sau khi chạy thận tại Bệnh viện Puren và lên cơn sốt. Chiều ngày 27/1, cha tôi được chẩn đoán mắc chủng virus corona mới, nhưng bây giờ cha tôi ở nhà và không có ai chăm sóc ông”.
“Hiện tôi đã bị sốt trong ba ngày, mẹ tôi cũng bị sốt, và chị dâu tôi cũng vậy. Chúng tôi không có ai chăm sóc … chúng tôi không thể đi ra ngoài [vì lệnh giới nghiêm] … chúng tôi chỉ có thể ngồi ở nhà chờ chết mà thôi”.
Cô Hu đã phải lên mạng kêu cứu:
“[Chính phủ] chỉ đơn giản không quan tâm. Ngay cả bệnh nhân đã bị chẩn đoán lây nhiễm còn bị bỏ lại không được điều trị! Nhà tôi có ba đứa trẻ nhỏ! Làm sao gia đình tôi có thể sống được? Làm sao chúng tôi có thể sống nổi? Xin hãy giúp chúng tôi! Số điện thoại của tôi là 13606717635”.
Trên thực tế, cô Hu Weili không phải trường hợp cá biệt. Gia đình bà Yu ở Vũ Hán cũng đang lâm vào tình cảnh tuyệt vọng tương tự. Về cơ bản, họ đã được chính quyền yêu cầu ‘ngồi ở nhà và chờ chết’.
Ngày 27/1, những đứa con của bà Yu đã đăng một lời kêu gọi trợ giúp trên các trang mạng xã hội ở nước ngoài, với nội dung như sau:
“Mẹ tôi mắc chứng viêm phổi Vũ Hán do virus corona và bệnh viện đã che giấu căn bệnh của bà. Bà đã nằm trên giường liên tục trong 12 ngày do sốt cao. Giám đốc trung tâm cộng đồng do chính quyền chỉ
định đã thông báo ông ta không thể thu xếp được giường bệnh và đề nghị bà ở nhà chờ chết. Cha tôi cũng bị nhiễm bệnh và phải chăm sóc mẹ tôi. Họ không có thuốc men, không có thức ăn, và không được điều trị. Xin hãy giúp đỡ họ!”
“Chính quyền của ĐCSTQ đã thể hiện sự coi thường đối với sinh mạng của người dân bằng cách phong tỏa thành phố mà không cung cấp thực phẩm và thuốc men cho họ”.
“Chúng tôi hiện đang bị dồn vào chân tường”.
Hứng chịu đòn tấn công trên mạng của ‘đội quân 50 xu’
Trải nghiệm của gia đình cô Jiawei từ Vũ Hán thậm chí còn ‘lạnh gáy’ hơn.
Một cư dân mạng có bí danh là “bánh bao nhỏ Jiawei” đã đăng tải trên mạng ngày 24/1 rằng dì và em gái của cô đã bị nghi ngờ nhiễm virus Vũ Hán.
Lúc đầu, họ lên cơn sốt và đến bệnh viện. Bệnh nhân được phát hiện bị lây nhiễm chéo trong khi xếp hàng.
“Tôi không thể làm được gì. Tôi được gửi về nhà vào đêm đầu tiên. Ngày hôm sau, dì tôi đã không thể cầm cự được nữa, anh rể tôi đã khóc và cầu xin bệnh viện trước khi họ chịu tiếp nhận bà, nhưng đã quá muộn rồi. Hai ngày sau, bà qua đời”.
“Hiện tại bệnh viện vẫn không chịu tiếp nhận em gái tôi. Em ấy cũng sợ phải đến viện, vì ở đó không có sự kiểm dịch hay cách ly nào cả”.
Ở phần cuối đoạn hội thoại, cô Jiawei nói một cách cay đắng, “Có thể kiểm soát được một cách rộng rãi ư? Không thể lây nhiễm từ người sang người ư? … (Chính quyền này) không ngừng che giấu sự thật. Có bao nhiêu sinh mạng vô tội đã bị mất!”
“Thường dân như chúng ta thì có thể làm được gì? Không nhìn thấy bất cứ một trách nhiệm nào [của chính quyền]. Nếu một người chết, người đó sẽ cứ thế mà chết thôi. Liệu chính phủ có thể chi trả cho mạng sống người dân được không đây?!”
Người thân của cư dân mạng này, với bí danh “em gái Shan là người hùng rất mạnh mẽ” đã bình luận dưới bài đăng rằng di thể của dì Lôi vẫn được đặt trên giường trong bệnh viện Hán Khẩu.
Bệnh viện đã từ chối di chuyển di thể đến nhà xác, và yêu cầu các gia đình khử trùng thi thể và tự liên lạc với một nhà tang lễ, và họ đã làm theo. Nhưng phải đến 11 giờ sáng ngày 24/1, nhà tang lễ mới cho xe đến, bởi vì nhà tang lễ này chỉ có một chiếc xe có thể khử trùng. Chiếc xe đã chở các di thể của toàn thành phố, từ bệnh viện sang bệnh viện khác.
Sau khi gia đình Jiawei vạch trần sự thật về dịch bệnh Vũ Hán trên các trang mạng xã hội, họ đã bị tấn công bởi đội quân 50 cent (một nhóm các tay bình luận viên được chính quyền thuê, đóng vai trò một đội quân tuyên truyền trên mạng, mỗi tin nhắn được trả 50 cent).
Cuối cùng, một người bạn cùng lớp với “Bánh Bao Nhỏ Jiawei” đã phải liên lạc với một người nổi tiếng trên mạng Internet, một người có tinh thần công đạo.
Sau khi cung cấp bằng chứng để xác thực danh tính của gia đình, người nổi tiếng này đã lên tiếng kêu gọi sự chú ý của công chúng trên các trang mạng xã hội, và có lẽ nghĩa cử này đã phần nào giúp được cô Jiawei, ít nhất trong việc khôi phục lại thanh danh của mình.
https://www.dkn.tv/the-gioi/hay-cuu-chung-toi-loi-keu-cuu-tuyet-vong-cua-nguoi-dan-vu-han-trong-thanh-pho-bi-phong-toa.html

Việt Nam không nằm trong danh sách hơn 20 nước

 giúp Trung Quốc trong đợt dịch virus corona hiện nay

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 5 tháng 2 thông báo có hơn 20 quốc gia hỗ trợ về các nguồn y tế cho Trung Quốc trong công cuộc phòng chống dịch bệnh do virus corona nCoV gây nên; tuy nhiên trong danh sách này không có Việt Nam.
Tân Hoa Xã loan tin dẫn lời Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tại cuộc họp báo trực tuyến. Theo đó danh sách các nước hỗ trợ cho Trung Quốc gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Kazakhstan, Pakistan, Đức, Anh, Pháp, Italia, Hungary, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Algeria, Ai Cập, Australia, New Zealand, và Trinidad & Tobago.
Cũng theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì có một số nước khác bày tỏ mong muốn hỗ trợ cũng như người dân tại nhiều quốc gia khác cũng đã hỗ trợ theo nhiều phương thức khác nhau.
Bà Hoa Xuân Oánh bày tỏ hoan nghênh và tri ân sự thông cảm, nâng đỡ, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
Vào cuối tháng 1 vừa qua, thủ tướng chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, cùng Thường trực Chính phủ Hà Nội quyết định viện trợ bằng hàng hóa, vật dụng y tế trị giá khoảng nửa triệu đô la Mỹ cho Trung Quốc. Mục tiêu được nói rõ nhằm chia sẽ với chính phủ và nhân dân Trung Quốc đang phải đối mặt với dịch cúm virus conona xuất phát từ thành phố Vũ Hán và lan rộng ra cả Hoa Lục và thế giới.
Tính đến ngày 6 tháng 2, đã có 563 người chết vì virus corona chủng mới. Hầu hết đều ở Trung Quốc, chỉ có 2 trường hợp tử vong ngoài Hoa Lục: 1 ở Hong Kong và 1 ở Philippines.
Tổng cộng các ca lây nhiễm ở Trung Quốc tính đến ngày 6 tháng 2 là hơn 28 ngàn trường hợp. Đa phần ở thành phố Vũ Hán và vùng phụ cận.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-not-sino-helper-02062020080018.html

Hồ Bắc có thêm 70 người chết vì virus corona

Tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tâm điểm đợt bùng phát virus corona, ngày 5/2 báo cáo thêm 70 ca tử vong và thêm 2.987 trường hợp bị nhiễm virus, giới hữu trách cho biết cùng ngày.
Như vậy, tổng số người chết tại Hồ Bắc vì virus corona, tính tới cuối ngày 5/2, giờ địa phương, là 549, tổng số ca bị nhiễm là 19.665.
Hồ Bắc đã bị cô lập gần hai tuần nay, các sân bay và trạm xe lửa đều đóng cửa, đường sá bị phong tỏa. Virus corona đầu tiên được xác nhận ở thủ phủ Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc và người ta tin rằng xuất phát từ một chợ hải sản trong thành phố.
Số tử vong ngày 5/2 cao hơn 65 ca thiệt mạng báo cáo ngày hôm trước dù số ca nhiễm mới có giảm chút ít (ngày 5/2 có 2.987 ca nhiễm mới, ngày 4/2 có 3.156 người bị nhiễm.)
Cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe của tỉnh đang bị áp lực nặng nề vì dịch bệnh do virus corona gây ra.
Khoảng 14.314 người vẫn đang còn điều trị, tính tới ngày 5/2. Trong số này có 2.328 người đang trong tình trạng nguy kịch.
https://www.voatiengviet.com/a/h%E1%BB%93-b%E1%BA%AFc-c%C3%B3-th%C3%AAm-70-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%BFt-v%C3%AC-virus-corona-/5275595.html

Hơn 28.000 ca nhiễm bệnh và 565 người chết

do virus corona trên toàn cầu

Dương Minh
Tính đến ngày 6/2, số người chết do bệnh viêm phổi cấp từ virus corona mới đã lên đến con số 565 trong khi số người nhiễm bệnh đã tăng lên 28.340 ca.
Như vậy, chỉ sau 1 ngày, số người tử vong đã tăng 72 trường hợp và thêm gần 4.000 ca nhiễm bệnh mới, theo SCMP. Đồng thời, trên thế giới đã có 1.124 ca phục hồi sức khoẻ sau khi bị nhiễm bệnh.
Tại Trung Quốc, cả số lượng những ca nhiễm mới được xác nhận và các trường hợp nguy kịch đều tăng trong những ngày gần đây.
Trong ngày 4/2, có gần 4.000 ca nhiễm mới trên toàn quốc, bao gồm 3.156 trường hợp ở tỉnh Hồ Bắc. Đây là sự gia tăng so với 3.235 trường hợp nhiễm mới được ghi nhận một ngày trước đó, trong khi chỉ có 2.829 ca nhiễm mới vào ngày 2/2.
Tổng số, tỉnh này đã có 549 người chết (chiếm 97%) và 19.665 ca nhiễm bệnh (chiếm 71% tổng số).  Trong các ca nhiễm mới, 1.766 trường hợp xảy ra tại Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, nơi được cho là khởi nguồn của virus corona với các ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận.
Ủy ban y tế Hồ Bắc nói họ hiện vẫn còn 14.314 người đang được chữa trị với 2.328 ca trong tình trạng nghiêm trọng.
Số ca nhiễm bệnh và tử vong do virus corona theo ngày. (Nguồn: Vnexpress)
Dù vậy, với thói quen che giấu thông tin của chính quyền Trung Quốc, con số thực tế có thể cao hơn nhiều lần. Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Hồng Kông dự đoán rằng có đến 75.815 người ở thành phố Vũ Hán đã nhiễm loại virus nguy hiểm này.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng số liệu chính thức nhìn chung chỉ phản ánh các trường hợp bệnh nhân nhập viện. Trong khi đó, nhiều trường hợp nhiễm bệnh và tử vong ở nhà có thể không được thống kê đầy đủ.
Nhiều nước, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã sơ tán công dân khỏi Vũ Hán, hạn chế nhập cảnh với khách Trung Quốc hoặc người từng đến Trung Quốc đại lục gần đây. Hong Kong từ ngày 8/2 cách ly tất cả khách đến từ Trung Quốc đại lục trong 14 ngày.
Virus corona ở bên ngoài Trung Quốc
Ngoài Trung Quốc, 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có người bị nhiễm virus corona mới là:
Hồng Kông: 21 ca
Thái Lan: 25 ca
Macau: 10 ca
Úc: 14 ca
Singapore: 28 ca
Đài Loan: 13 ca
Mỹ: 12 ca
Nhật Bản: 45 ca
Hàn Quốc: 23 ca
Malaysia: 12 ca
Pháp: 6 ca
Các tiểu vương quốc Ả rập: 5 ca
Việt Nam: 10 ca
Campuchia: 1 ca
Canada: 5 ca
Đức: 12 ca
Nepal: 1 ca
Sri Lanka: 1 ca
Phần Lan: 1 ca
Ấn Độ: 3 ca
Philippines: 2 ca
Italy: 2 ca
Nga: 2 ca
Anh: 2 ca
Tây Ban Nha: 1 ca
Thuỵ Điển: 1 ca
Bỉ: 1 ca
Tổng số có 259 trường hợp nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc tính đến ngày 6/2. Hai trường hợp tử vong ngoài Trung Quốc đại lục là một người đàn ông Vũ Hán tại Philippines và một người đàn ông tại Hong Kong.
Sau một ngày, Nhật Bản xác nhận thêm hơn 10 bệnh nhân nhiễm virus corona, khiến nước này có đến 45 trường hợp nhiễm bệnh, cao nhất ngoài Trung Quốc. Tiếp theo là Singapore với 28 ca và Thái Lan là 25 ca nhiễm bệnh.
Singapore hủy các hoạt động tập thể ở trường học
Bộ Giáo dục (MOE) và Bộ Phát triển Gia đình và Xã Hội (MSF) Singapore ra tuyên bố chung, yêu cầu trường học tạm hủy các cuộc hội họp, hội trại, lễ kỷ niệm hay các hoạt động tập thể khác, theo Straits Times.
Quy định này ảnh hưởng trường tiểu học, trung học, trường giáo dục đặc biệt, cao đẳng và Học viện Millennia (trường dự bị đại học). Giờ ra chơi ở các trường cũng được xếp so le. Trường có thể tiếp tục tổ chức hoạt động ngoại khóa, sau giờ học nhưng phải giới hạn ở nhóm nhỏ.
Đối với các trường mầm non, Singapore sẽ có biện pháp phòng ngừa. Những hoạt động theo nhóm lớn ở trường mầm non, bao gồm hội họp, các chuyến du ngoạn, tham quan thực địa, bị tạm hủy bỏ. Trường tiếp tục kiểm tra sức khỏe, đo nhiệt độ cho tất cả trẻ, nhân viên, khách đến thăm với tần suất lớn hơn.
Trong khi đó, 336 trường học ở Hàn Quốc tạm dừng hoạt động hoặc lùi ngày bắt đầu học kỳ mới vì lo sợ virus corona lây lan. Nước này hiện có 19 ca dương tính với 2019-nCoV.
Việt Nam có 10 trường hợp nhiễm bệnh
Sau một ngày, Việt Nam không phát hiện thêm trường hợp mới nhiễm virus corona.
Đến ngày 5/2, Việt Nam có 10 người mắc nCoV. Trong đó, 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi); 5 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán (1 người đã khỏi và được xuất viện); 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc; 1 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán.
Bệnh nhân thứ 10 tại Việt Nam là nữ công nhân, 42 tuổi, sinh sống xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Cô là người nhà của nữ bệnh nhân 23 tuổi – thành viên trong đoàn công nhân 8 người đi tập huấn ở Vũ Hán, Trung Quốc, về nước ngày 17/1.
Hà Nội đang chuẩn bị cách ly 950 người Việt Nam trở về từ vùng có dịch virus corona trong vòng 14 ngày để phòng ngừa lây lan dịch bệnh.
https://www.dkn.tv/the-gioi/so-nguoi-tu-vong-do-virus-corona-cap-nhat.html

Dịch corona: Nghi ngờ Tencent tiết lộ

số liệu thật cao gấp 10 lần công bố

Minh Hòa
Báo Taiwan News hôm 5/2 cho biết tập đoàn công nghệ Tencent của Trung Quốc trong tuần qua có thể đã vô tình tiết lộ số lượng thật sự về các trường hợp lây nhiễm và tử vong vì virus corona. Những con số này cao hơn nhiều so với mức công bố của chính quyền Trung Quốc.
Vào tối 1/2, Tencent đăng trên trang web của mình một bài thông tin có tiêu đề “Theo dõi tình hình dịch bệnh”, trong đó cho thấy số ca nhiễm corona được xác nhận ở Trung Quốc là 154.023, gấp 10 lần con số mà chính quyền công bố vào thời điểm đó. Trang web này cũng liệt kê số ca nghi ngờ bị nhiễm là 79.808 người, cao gấp 4 lần con số công bố.
Tencent ngày 1/2 công bố số liệu về dịch corona, từ trái sang phải là “số ca nhiễm toàn quốc được xác nhận”, “số ca bị nghi có nhiễm”, “số ca bình phục” và “số người chết” (ảnh chụp màn hình từ Taiwan News).
Trong khi đó, số ca được chữa khỏi chỉ ở mức 269, thấp hơn đáng kể so với mức công bố là 300. Điều đáng lo ngại nhất là số người chết được liệt kê là 24.589, cao hơn rất nhiều so với con số 304 mà chính quyền công bố vào ngày hôm đó.
Tuy nhiên, một lát sau, Tencent đã thay đổi các con số để phản ánh số liệu “chính thức” của chính phủ ngày hôm đó.
Tencent nhanh chóng thay đổi số liệu về dịch corona theo công bố chính thức của chính quyền Trung Quốc (ảnh chụp màn hình Taiwan News).
Taiwan News cho biết, cư dân mạng nhận thấy rằng Tencent đã có ít nhất 3 lần đăng những con số cực kỳ cao, sau đó nhanh chóng hạ chúng xuống theo các số liệu thống kê được chính phủ phê duyệt.
Điều này khiến một số cư dân mạng suy đoán rằng Tencent có hai bộ dữ liệu, một là dữ liệu thực và hai là dữ liệu “đã được xử lý”.
Động thái sửa đổi số liệu của Tencent được phát hiện trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc bị nghi ngờ đang tìm cách che giấu mức độ nghiêm trọng thực sự của tình hình dịch virus corona.
Tờ Daily Mail đưa tin chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc công bố số liệu thấp hơn thực tế và đàn áp những người cố gắng tiết lộ sự thật.
Trang báo News.com.au của Australia cho biết, nhiều thông tin được tiết lộ từ bên trong thành phố Vũ Hán – tiêu điểm của dịch virus corona – đã làm dấy lên nghi ngờ về độ chính xác của các số liệu chính thức.
Giáo sư David Hui-Shu-choeng của Đại học Hồng Kông nói với SCMP rằng, số liệu chính thức có thể chỉ là “phần đỉnh của tảng băng” vì nó chỉ phản ánh những người đang ở trong bệnh viện. Theo các nguồn tin, nhiều bệnh nhân nhiễm corona không được tiếp cận với chăm sóc y tế và đã chết bên ngoài bệnh viện.
Taiwan News cho biết, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các bộ dụng cụ xét nghiệm cũng dẫn đến số ca được chẩn đoán nhiễm virus và tử vong thấp hơn. Ngoài ra, có tin cho biết các bác sĩ được lệnh phải báo cáo các nguyên nhân tử vong khác thay vì corona, để giữ cho số người tử vong ở mức thấp một cách giả tạo.
Tính đến 6/2, John Hopkins CSSE thống kê đã có 28.264 người nhiễm corona được xác nhận trên khắp thế giới, trong đó 28.007 người ở Trung Quốc và 10 người ở Việt Nam. Cũng theo thống kê này, số người tử vong là 565 người và số người bình phục là 1.219 người.
https://www.dkn.tv/the-gioi/dich-corona-nghi-ngo-tencent-tiet-lo-so-lieu-that-cao-gap-10-lan-cong-bo.html

Ngoài virus corona, liệu Trung Quốc

có “xuất khẩu” thêm cúm gia cầm H5N1?

Đức Tâm
Tại Trung Quốc, Virus cúm gia cầm H5N1 tái xuất hiện ở tỉnh Hồ Nam (Hunan), gần với Vũ Hán, Hồ Bắc, tâm dịch virus corona. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước láng giềng Trung Quốc như Việt Nam đang phải đối mặt với virus corona, rất lo ngại : Liệu virus H5N1 có tràn từ Trung Quốc sang hay không
Năm ngoái, Trung Quốc đã đối mặt với dịch cúm heo châu Phi, phải tiêu hủy hơn 100 triệu con heo và làm tăng vọt giá thực phẩm trong nước. Từ hơn một tháng qua, Trung Quốc gần như bị tê liệt vì dịch bệnh virus corona, hàng chục triệu người bị cách ly, hàng trăm ca tử vong và hàng chục nghìn người nhiễm bệnh, hàng trăm trường hợp bị lây nhiễm ở nhiều quốc gia, nhiều nước « đóng cửa » với Trung Quốc. Giờ đây, tại Trung Quốc lại tái xuất hiện virus cúm gia cầm H5N1 tại tỉnh Hồ Nam (Hunan), gần với Vũ Hán, Hồ Bắc, tâm dịch virus corona. Đang phải đối phó với virus corona, nhiều nước, đặc biệt là láng giềng Trung Quốc, như Việt Nam tỏ ra rất lo ngại : Nguy cơ virus H5N1 tràn từ Trung Quốc sang ra sao? Các biện pháp phòng ngừa mà Việt Nam và Úc vừa đưa ra đã phần nào trả lời câu hỏi này.
Năm 1996, lần đầu tiên Trung Quốc loan tin phát hiện virus cúm gia cầm trong một trang trại nuôi vịt. Thế nhưng, nhiều năm sau, hàng trăm người bị lây nhiễm dịch bệnh này tại hơn một chục quốc gia ở châu Á, châu Âu và Trung Đông. Từ năm 2003 dịch cúm gia cầm H5N1 đã làm 455 người tử vong trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng rất khó « xóa sổ » được loại virus này vì dịch bệnh đã lây lan sang Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam. Tại những nước này, virus cúm gia cầm đã lây lan sang các loại súc vật khác như heo, vịt trời…
Cho đến lúc này, cúm gia cầm mới tái xuất hiện tại một tỉnh của Trung Quốc và chưa thu hút sự chú ý của công luận. Vào lúc Bắc Kinh đang tập trung sức người và phương tiện để chống chọi với dịch bệnh virus corona, chỉ cần một sự thiếu cẩn trọng, tác trách là đủ để tái bùng phát dịch virus H5N1. Mọi người chỉ còn biết hy vọng là Trung Quốc sẽ sớm dập tắt được ổ dịch ở Hồ Nam và không để virus cúm gia cầm lây lan ra các tỉnh khác của Trung Quốc và các nước trên thế giới như khủng hoảng dịch hồi năm 2003.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200206-ngo%C3%A0i-virus-corona-li%E1%BB%87u-trung-qu%E1%BB%91c-c%C3%B3-xu%E1%BA%A5t-kh%E1%BA%A9u-th%C3%AAm-c%C3%BAm-g%C3%A0-h5n1

Trung Quốc chỉ trích

Australia cấm du hành vì virus corona

Phil Mercer
Đại sứ Trung Quốc tại Canberra chỉ trích Australia cấm du hành vì dịch bệnh do virus corona gây ra. Australia không cho nhập cảnh tất cả người nước ngoài nào đến từ Trung Quốc đại lục trong vòng 14 ngày gần nhất. Một cậu bé 8 tuổi cư ngụ tại tiểu bang Queensland trở thành bệnh nhân thứ 13 tại Australia được xác nhận đã nhiễm virus. Hai người Australia nằm trong số 10 người thử nghiệm dương tính đối với virus trên tàu du lịch Diamond Princess ở Yokohama, Nhật Bản.
Hơn 100.000 sinh viên Trung Quốc sẽ không bắt đầu được các lớp học tại các trường Cao đẳng và Đại học Australia vì lệnh cấm du hành được đưa ra để ngăn sự lây lan của virus corona. Họ sẽ không tham dự được các lớp trong tuần lễ khai giảng của học kỳ này và thay vào đó sẽ học trên mạng ở nhà. Hạn chế này khiến cho 70 sinh viên Trung Quốc bị giữ tại các phi trường Australia vào cuối tuần và visa bị huỷ bỏ.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc nói những người du hành không được cảnh báo sớm, nhiều người đã lên máy bay khi lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 1/2.
Ông Wang Xining, phát ngôn viên tòa đại sứ Trung Quốc ở Canberra, nói:
“Chúng tôi không hài long về tình hình này vì các sinh viên không được báo trước về những hạn chế.”
Sinh viên quốc tế là nguồn lợi xuất khẩu lớn thứ ba của Australia, và các giới chức giáo dục hy vọng là lệnh cấm sẽ sớm được dỡ bỏ. Việc này tuỳ thuộc vào lúc nào việc lây lan virus corona trên toàn cầu có thể chậm lại và cuối cùng ngưng hẳn.
Hàng chục người Australia được không vận khỏi trung tâm dịch bệnh ở Vũ Hán, Trung Quốc, vẫn còn được cách ly trên đảo Christmas ở Ấn Độ Dương.
Một nhóm người New Zealand, và những người nước ngoài khác trong đó có công dân Anh, Australia, Papua New Guinea và Samoa cũng đã được không vận khỏi Vũ Hán trên chuyến bay 12 giờ đến Auckland và được cô lập trong hai tuần.
WHO đã công bố vụ bùng phát virus corona là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Những ca nhiễm virus nhẹ có thể gây ra những triệu chứng như bị cảm, trong khi bị nhiễm trùng nặng có thể gây nên sưng phổi, hư thận và chết.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-qu%E1%BB%91c-ch%E1%BB%89-tr%C3%ADch-australia-c%E1%BA%A5m-du-h%C3%A0nh-v%C3%AC-virus-corona-/5276000.html

Thái Lan hủy dự án đào sông Mê-Kông

do Trung Cộng khởi xướng

Tin Bangkok, Thái Lan – Chính phủ Thái Lan đã ngừng một dự án đào sông Mê-kông do Trung Cộng khởi xướng, sau khi dự án này bị phản đối bởi người dân địa phương và các tổ chức môi trường, theo phát ngôn viên chính phủ cho biết hôm thứ Tư, 5 tháng 2. Trung Cộng bắt đầu dự án đào sông Mê-kông vào năm 2001 để mở đường cho các tàu thuyền lớn chở hàng từ tỉnh Vân Nam, vốn nằm trong nội địa nước này, xuống các cảng ở Thái Lan, Lào, và phần còn lại của Đông Nam Á.
Những nhà hoạt động và các cộng đồng Thái Lan sống dọc theo sông Mê-kông đã phản đối dự án, do lo ngại dự án sẽ phá hoại môi trường và chỉ làm lợi cho riêng Trung Cộng. Nội các Thái Lan đã đồng ý hủy dự án đào sông trong cuộc họp hàng tuần vào thứ Ba. Nữ phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan, bà Trisulee Trisaranakul, nói rằng nhiều cộng đồng lo ngại dự án sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, trong khi Trung Cộng cũng không có ngân sách để giải quyết tình huống này, do đó, Bangkok quyết định đình chỉ dự án. Tuy nhiên, bà Trisulee thêm rằng, dự án chưa bị hủy bỏ hoàn toàn, mà chỉ đang được đánh giá lại các ảnh hưởng về môi trường và xã hội.
Một văn bản của nội các Thái Lan nói Trung Cộng vào năm ngoái đã thông báo cho các nước dọc sông Mê-kông rằng Bắc Kinh không có ý định theo đuổi dự án, tuy nhiên, việc đào sông vẫn đang tiếp tục tại Lào và Myanmar. Sông Mê-kông bắt nguồn từ Trung Cộng và chảy qua 5 nước Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/thai-lan-huy-du-an-dao-song-me-kong-do-trung-cong-khoi-xuong/

Virus corona khiến cặp đôi tổ chức đám cưới ‘qua mạng’

Tổ chức đám cưới không phải là một việc đơn giản và không phải lúc nào mọi thứ cũng theo đúng kế hoạch, nhưng khi dịch virus corona vẫn tiếp tục gia tăng, một đám cưới ở Singapore đã phải tiến hành mà không có cô dâu chú rể.
Cặp vợ chồng người Singapore Joseph Yew và vợ Kang Ting vừa mới trở về từ Trung Quốc vài ngày trước đám cưới.
Khi nhiều vị khách bày tỏ lo lắng về việc tham dự, cặp đôi đã tìm ra cách để xoa dịu nỗi sợ hãi của họ.
Cô dâu và chú rể sẽ không xuất hiện mà thay vào đó sẽ chiếu video livestream từ một nơi khác và sẽ phát lên máy chiếu trong phòng ăn có các khách mời.
Cặp vợ chồng nâng ly chúc mừng hoàn toàn qua livestream trong lúc sự thích thú của các khách mời ngồi ở sảnh cưới đang theo dõi màn hình.
Virus corona: ‘Rút giấy phép các nhà thuốc tăng giá khẩu trang là sai luật’
Virus corona: Mối lo đầu năm Chuột từ bên kia Đại dương
TQ thừa nhận ‘thiếu sót’ trong ứng phó với virus corona
Bác sĩ TQ tìm cách cảnh báo về virus bị cảnh sát đe dọa
Virus corona đã giết chết hơn 500 người ở Trung Quốc và đã lan sang khoảng hai chục quốc gia.
Singapore đã báo cáo 28 trường hợp bị nhiễm bệnh cho đến thời điểm hiện tại và trở thành quốc gia có số ca nhiễm virus cao thứ hai ngoài Trung Quốc, sau Nhật Bản.
‘Không có lựa chọn nào khác’
Vào 24/1, anh Yew và cô Kang, có gốc gác ở tỉnh Hồ Nam đã bay về để đón Tết Nguyên đán cùng gia đình.
Tỉnh Hồ Nam giáp Hồ Bắc, chính là nơi virus corona bùng phát.
Anh Yew nói với BBC rằng họ không có cảm giác hoảng loạn khi họ quay trở lại Hồ Nam, nhất là khi khu vực họ đến thăm là vùng nông thôn hẻo lánh.
Họ trở về Singapore vào 30/1, để chuẩn bị cho đám cưới chuẩn bị diễn ra vào ngày 2/2 tại khách sạn M, một khách sạn ở trung tâm Singapore.
Cặp đôi thực ra đã kết hôn ở Trung Quốc vào tháng 10, nhưng đám cưới thứ hai này là một bữa tiệc tối hoành tráng, được tổ chức cho tất cả gia đình và bạn bè của anh Yew, những người không thể đến Trung Quốc.
Nhưng khi các khách mời phát hiện ra cặp đôi vừa trở về từ Trung Quốc, họ bắt đầu lo lắng.
“Một số người trong số họ nói rằng họ sẽ không đến”, chú rể nói.
“Chúng tôi muốn hoãn đám cưới nhưng khách sạn không đồng ý. Họ nói rằng mọi thứ đã được sắp xếp và không thể thương lượng lại. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành đám cưới như ban đầu.”
“Chúng tôi đã nói với các khách mời rằng chúng tôi sẽ phát video livestream… một số người đã bị sốc,” anh Yew nói. “Tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi ở đó, bầu không khí sẽ khác. Mọi người sẽ cảnh giác.
“Bố mẹ tôi ban đầu không [vui vì điều đó] nhưng cuối cùng họ đã đồng ý.”
Cha mẹ của cô Kang cũng không thể tham dự đám cưới vì lệnh hạn chế đi lại trong bối cảnh lo ngại virus lây lan.
Cuối cùng, chỉ có 110 trong số 190 khách tham gia.
“Chúng tôi cảm ơn các vị khách đã đến và bảo họ thưởng thức bữa tối”, Yew nói trên màn hình máy chiếu.
Khách sạn cũng giao rượu sâm banh đến phòng cặp đôi.
“Chúng tôi không buồn nhưng hơi thất vọng,”Y ew nói về đám cưới của mình.
“Tôi nghĩ rằng không có lựa chọn nào khác nên [tôi có] không hối tiếc.”
Yvette Tan đưa tin.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51395875

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.