VNTB – EVFTA: một số tù nhân chính trị sẽ được thả?
Monday, January 20, 2020
5:57:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
20/1/2020
Phạm Kiên
(VNTB) – Động thái ‘trả tự do tù nhân chính trị’ (nếu có) thì đó chỉ là một cử chỉ thiện chí nhằm ‘ghi điểm’, chứ chưa phải là một động thái để thể hiện ‘cam kết nhân quyền’ từ phía nhà nước Việt Nam.
Chuyện hai ông Tiến sĩ
Một doanh nhân, hay kể cả một nhà hoạt động quyền con người nếu ủng hộ EVFTA nên coi đó là chuyện bình thường.
Thực tế, hầu như tất cả đều ủng hộ EVFTA, ngay cả với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng.
Đến nay vẫn còn nhiều người hiểu không hết quan điểm của ông Phạm Chí Dũng, đặt ông vào bên phản đối, và Tiến sĩ Nguyễn Quang A là bên ủng hộ.
Tuy nhiên, sự thật là cả hai ông đều bày tỏ một quan điểm chung nhất, ủng hộ EVFTA. Điểm khác nhau duy nhất diễn ra vào ngày 21-01, Tiến sĩ Dũng đòi hỏi ‘hoãn’ (chứ không phải chống hay phản đối) cho đến khi Việt Nam thực hiện các cam kết nhân quyền, trong khi Tiến sĩ A tiếp tục ủng hộ ký để có ràng buộc (hoặc chế tài) cho nhân quyền Việt Nam về sau.
Hai vị Tiến sĩ có lý lẽ của chính họ, và thực tiễn sẽ là thẩm phán tốt nhất để phán xét quan điểm của họ là đúng hay sai.
Ghi điểm và cam kết nhân quyền
Có sự thật mà ít người, rất ít người ở Việt Nam, kể cả giới hoạt động nhận ra. Rằng, đã có những khuyến cáo hoặc tư vấn của Nghị viên EU, báo cáo viên thường trực EVFTA về ‘thả tù nhân chính trị’ để tạo điểm tốt trước khi Hiệp định được chuẩn thuận bước cuối cùng vào ngày 21 tháng 01 Tây. Và đã có một danh sách ‘tù nhân chính trị’ được liệt kê để trả tự do, từ trước thời điểm tháng 11 năm 2019.
Nhưng động thái ‘trả tự do tù nhân chính trị’ chỉ là một cử chỉ thiện chí nhằm ‘ghi điểm’, chứ chưa phải là một động thái để thể hiện ‘cam kết nhân quyền’ từ phía nhà nước Việt Nam.
Động thái cam kết quan trọng mà phía nhà nước Việt Nam nếu có phải là đảm bảo các giám sát chặt chẽ trong thực hiện các quy định trong thỏa thuận. Trong số đó, là thành lập nhóm cố vấn trong nước (DAGs), bao gồm xã hội dân sự độc lập.
Câu trả lời là làm sao để có được một nhóm cố vấn như vậy khi mà các hội đoàn dân sự độc lập được thành lập từ năm 2014 đã và đang bị triệt tiêu dần!? Hay là sau khi triệt tiêu hết, thì sẽ xuất hiện những hội đoàn dân sự độc lập hình thức để làm nên những báo cáo, giám sát vô hiệu tiến trình thực hiện EVFTA của Việt Nam?
Điều thứ hai liên quan đến mốc thời gian hay chế tài ràng buộc nào trong trường hợp Việt Nam không phê chuẩn một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đến nay vẫn chưa có. Tuy nhiên, yếu tố thứ hai này có thể sớm được Việt Nam đáp ứng nhằm tỏ thiện chí, căn cứ văn bản mà ông Vũ Anh Quang, đại sứ tại EU đề cập gửi cho EU, ông cam kết sẽ có nhiều thông tin chi tiết hơn về quyền lao động trong lần kế tiếp.
Văn bản gồm bốn trang, nêu những thành tựu nhân quyền nhưng không đề cập đến tù nhân chính trị.
Việt Nam có thể đáp ứng một phần yêu cầu về ‘ràng buộc cam kết phê chuẩn các tiêu chuẩn ILO’ mà ông Chủ tịch Thương mại EU, Bernd Lange trong lá thư tháng 12 năm 2019 gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Điều này sẽ làm an lòng EU trong bối cảnh vụ bắt giữ ông Phạm Chí Dũng và sự kiện Đồng Tâm gây nổi sóng không ít Nghị viên EU. Và Bộ trưởng Thương mại Việt Nam, Trần Tuấn Anh sẽ cung cấp điều này trong cuộc họp tuần này.
Như vậy, nếu EVFTA được thông qua thì Việt Nam sẽ có ít nhất hai ‘hành động thiện chí’ sau.
(1) Một số tù nhân chính trị sẽ được trả tự do (có thể tập trung vào tù nhân được các dân biểu bảo trợ);
(2) Xuất hiện mốc thời gian rõ ràng trong cam kết chuẩn thuận Công ước ILO.
* Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả
0 comments