Tin khắp nơi – 02/01/2019
Thursday, January 2, 2020
3:50:00 PM
//
- Slider
,
Tin Khắp nơi
Ký thoả thuận giai đoạn I,
ông Trump thắng hay lùi trước TQ?
Ông Robert Spalding, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson, chuẩn tướng đã nghỉ hưu của Không quân Mỹ, bình luận với BBC News Tiếng Việt về thỏa thuận thương mại giai đoạn một Mỹ – Trung và những gì Hoa Kỳ cần làm để “xây dựng sự đồng thuận mới,” nhằm bảo vệ nền dân chủ thế giới trước “cuộc chiến không giới hạn” của Trung Quốc.Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà ông gọi là ‘đặc biệt’ với Trung Quốc vào ngày 15/1 tới. Đồng thời, hai gã khổng lồ về kinh tế này chuẩn bị bước vào thương thảo giai đoạn hai của thoả thuận, mở đầu bằng chuyến đi của ông Trump tới Bắc Kinh.
Chiến tranh thương mại: VN ‘cần dứt khoát thoát Trung’
Mỹ mua đèn Giáng sinh Trung Quốc “made in Vietnam”
Thương mại: Ông Donald Trump đe dọa Việt Nam
Chiến thắng hay bước lùi?
Những chi tiết của thoả thuận bán phần này không được công bố, còn nội dung chính được loan thì hầu như chưa giải quyết được gì các mối quan ngại thực sự của Hoa Kỳ (cộng với phần còn lại của thế giới) đối với các hoạt động thương mại của Trung Quốc.
Bởi thế, bà Jennifer Hillman, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ và cũng là một cựu quan chức thương mại, từng cho rằng đây chỉ như một thoả thuận mua và bán.
Vậy, việc ký thoả thuận giai đoạn một có phải là chiến thắng của ông Trump?
Ông Robert Spalding – nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson, và là chuẩn tướng đã nghỉ hưu của Không quân Mỹ, cựu Giám đốc Hoạch định Chiến lược của Nhà Trắng – trả lời câu hỏi của BBC News Tiếng Việt trong cuộc phỏng vấn qua email rằng, việc xác định đây là chiến thắng cho Hoa Kỳ hay không còn phụ thuộc vào việc Trung Quốc có thực sự tuân thủ thỏa thuận.
Bằng không, thoả thuận này chỉ gây ra sự chậm trễ trong việc áp các sắc thuế lên hàng hoá Trung Quốc như Hoa Kỳ đã trù tính mà thôi, theo ông Spalding.
Thời gian qua, truyền thông đã đưa tin về những gì Trung Quốc cam kết sẽ thực hiện trong thoả thuận giai đoạn một nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ.
Một số thông tin nói rằng, trong thỏa thuận lần này, vấn đề trên chưa đi đến thống nhất, nhưng những người khác lại cho rằng, vấn đề đã được bàn thảo và Trung Quốc đã đưa ra cam kết cải thiện.
Vậy quyền sở hữu trí tuệ có được đưa ra vào thoả thuận giai đoạn một hay không?
Ông Spalding cho hay, trong thoả thuận lần này có đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như đưa ra điều khoản nhằm bảo vệ các công ty nước ngoài trước với yêu cầu của Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, ông không nắm được chi tiết cụ thể.
Trong bài viết “Trump đã thua trong cuộc chiến mâụ dịch như thế nào,” tờ thời báo New York viết rằng “Chính quyền Trump hầu như chẳng đạt được gì so với mục tiêu mà họ đặt ra; về cơ bản họ tuyên bố giành chiến thắng trong khi thực sự là đang rút lui.”
Bình luận về quan điểm này, ông Robert Spalding cho rằng, “Tôi không nghĩ rằng chính quyền Trump cho rằng việc đàm phán với Trung Quốc dừng lại ở đây. Bởi vậy, tuyên bố như vậy là quá sớm.”
Thương chiến chỉ là bước đi ban đầu
Ông Robert Spalding nhấn mạnh, bằng việc khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, “Hoa Kỳ đã thành công trong việc buộc Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán để đối thoại về những thách thức mà Trung Quốc đặt ra với hệ thống dân chủ trên thế giới qua quá trình toàn cầu hóa và Internet.”
Tuy nhiên, theo ông Spalding, Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến “không giới hạn” hay “cuộc chiến vô hình” xâm nhập tất cả các khía cạnh của xã hội Mỹ.
Trong cuốn sách “Stealth War: How China Took Over While America’s Elite Slept,” (tạm dịch là: Cuộc chiến vô hình: Trung Quốc chiến quyền kiểm soát khi những tinh anh Hoa Kỳ chìm trong giấc ngủ) xuất bản tháng 10/2019, ông Robert Spalding từng viết rằng, Hoa Kỳ và thế giới dân chủ “có ba năm để hành động.”
Theo ông, nếu Hoa Kỳ thất bại trong việc thoát ra khỏi mạng lưới phức tạp của các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc; nếu Hoa Kỳ không điều chỉnh đầu tư, giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng; cũng như nếu nước này không bảo vệ được công dân của mình, bảo đảm quyền riêng tư của dữ liệu cá nhân hay thất bại trong ngăn chặn các khoản tài trợ chính trị từ nước ngoài thì chính Hoa Kỳ “sẽ trở thành con mồi cho chính sách của Trung Quốc và cuối cùng, sẽ đánh mất đi quyền tự do của chúng ta.”
Cũng trong cuốn sách trên, ông Spalding cũng cho rằng có bốn vấn đề căn bản mà Chính phủ Mỹ cần xem xét để vãn hồi trật tự.
Thứ nhất, khôi phục mối liên kết giữa các nguyên tắc thương mại tự do và dân chủ, bằng việc áp dụng các quy tắc.
Hoa Kỳ có thể đơn phương hành động nếu cần và liên kết hành động với các đồng minh khi có thể, từ chối những đối tác vi phạm các nguyên tắc này tiếp cận với xã hội và nền kinh tế của Hoa Kỳ hoặc trực tiếp trừng phạt những bên muốn lạm dụng các nguyên tắc này.
Thứ hai, làm cho nước Mỹ hùng cường trở lại bằng cách tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng quốc gia, thiết lập các ưu thế về quân sự, bảo đảm an ninh biên giới và giành lại quyền kiểm soát tương lai tài chính của Hoa Kỳ.
Ba là, chính phủ phải tăng cường hỗ trợ những nỗ lực đổi mới trong kỷ nguyên số. Chính phủ phải có khả năng phát hiện các hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ, vi phạm bản quyền và gian lận tài chính… Chính phủ cũng phải làm việc chặt chẽ với khu vực tư nhân để bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế và an ninh của các cơ sở sản xuất.
Cuối cùng, xây dựng lại trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc hỗ trợ các quyền tự do căn bản.
Điều thiết yếu là chúng ta phải đấu tranh cho các nguyên tắc dân chủ, nhân quyền, pháp trị, tự do dân sự và thương mại tự do. Chúng ta phải chiến đấu cho tương lai của chính chúng ta.Robert Spalding, Nhà nghiên cứu cấp cao, Chuẩn tướng Không quân (đã nghỉ hưu)
Khi đặt cuộc chiến thương mại vào trong tổng thể của những nỗ lực này, ông Spalding nhấn mạnh với BBC News Tiếng Việt rằng, “Cuộc chiến thương mại chỉ là một bộ phận trong những nỗ lực nhằm “xây dựng sự đồng thuận mới” nhằm bảo vệ nền dân chủ trong một thế giới kết nối qua Internet và quá trình toàn cầu hóa.
Cuộc chiến kế tiếp của Mỹ và Trung Quốc
Chiến tranh thương mại: Trung Quốc nên nhận thua cuộc?
Chiến tranh thương mại và chuyện hai nước TQ
Từ đó, theo ông Spalding, “các vấn đề về an ninh quốc gia cũng phải được nhìn nhận lại qua lăng kính mới, một khi trật tự dân chủ tự do được xây dựng lại.”
Ông Spalding cũng nhấn mạnh với BBC News Tiếng Việt rằng: “Điều bắt buộc là chúng ta phải đấu tranh cho các nguyên tắc dân chủ, nhân quyền, pháp trị, tự do dân sự và thương mại tự do. Chúng ta phải chiến đấu cho tương lai của chính chúng ta. Cách tốt nhất để làm điều đó là các chính phủ dân chủ phải đoàn kết để bảo vệ các quyền và tự do cho công dân của mình.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50970919
Ngoại trưởng Mỹ hoãn tới Ukraine,
tập trung vào tình hình ở Iraq
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 1/1 hoãn chuyến thăm tới Ukraine để có thể tập trung vào tình hình ở Iraq, sau khi những người biểu tình tấn công đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, theo Reuters.Những người hậu thuẫn các nhóm bán quân sự Iraq được Iran hậu thuẫn đã tấn công đại sứ quán Mỹ và ném gạch đá trong hai ngày biểu tình.
Họ đã rút lui hôm 1/1 sau khi Washington triển khai thêm binh sĩ và đe dọa trả đũa Tehran.
XEM THÊM:
Mỹ tái khẳng định ‘ủng hộ Việt Nam vững mạnh và độc lập’
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong một thông cáo rằng ông Pompeo hoãn chuyến công du tới Ukraine, Belarus, Kazakhstan, Uzbekistan và Đảo Síp “vì Ngoại trưởng cần phải ở Washington để tiếp tục theo dõi tình hình tiếp diễn ở Iraq và đảm bảo an toàn và an ninh của người Mỹ ở Trung Đông”.
Tối 31/12, ông Pompeo nói trên kên truyền hình Fox rằng chuyến thăm Ukraine vẫn diễn ra.
Ông Pompeo dự kiến tái khẳng định sự hậu thuẫn của Mỹ cho Ukraine trong chuyến thăm cấp cao nhất của quan chức Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump bị Hạ viện Mỹ bỏ phiếu luận tội vì việc xử lý quan hệ với Ukraine.
https://www.voatiengviet.com/a/ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-m%E1%BB%B9-ho%C3%A3n-t%E1%BB%9Bi-ukraine-t%E1%BA%ADp-trung-v%C3%A0o-t%C3%ACnh-h%C3%ACnh-%E1%BB%9F-iraq/5228370.html
Nord Stream 2 : Mỹ vất vả chen chân
vào thị trường khí đốt châu Âu
Minh AnhCuộc chiến kinh tế và địa chính trị giữa Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và Nga xung quanh dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 tăng thêm một nấc. Ngày 20/12/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh trừng phạt những công ty châu Âu nào tham gia dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, nối liền Nga với châu Âu. Liên Hiệp Châu Âu, đứng đầu là Đức cùng với Nga cùng lên tiếng phản đối quyết định này của Mỹ.
Liên Hiệp Châu Âu : « Tù nhân » khí đốt của Nga ?
Nord Stream 2 là một dự án xây dựng đường ống xuất khẩu khí ga tự nhiên, đi từ Nga sang Đức, chạy ngầm dưới biển Baltic. Tổng chi phí cho công trình là khoảng 10 tỷ euro mà tập đoàn Gazprom của Nga là chủ đầu tư chính. Ngoài ra còn có sự tham gia của năm tập đoàn châu Âu, trong đó có hai hãng của Đức và một hãng của Pháp là Engie.
Thế nhưng, từ vài năm nay, Nord Stream 2 là tâm điểm chỉ trích của Mỹ. Với sắc lệnh ngày 20/12/2019, tổng thống Mỹ biến « lời dọa » mà Thượng Viện Mỹ thông qua cách nay hơn hai năm, ngày 15/06/2017, thành hiện thực. Theo đó, Hoa Kỳ có thể trừng phạt, nghiêm cấm các ngân hàng và cấm dự đấu thầu các dự án tại Mỹ những doanh nghiệp châu Âu nào có tham gia vào việc xây dựng đường ống dẫn Nord Stream II.
Tại thượng đỉnh NATO ở Bruxelles cách nay một năm rưỡi, ngày 11-12/07/2018, nguyên thủ Mỹ không kiệm lời chỉ trích nước Đức là « tù nhân của Nga ». Chuyên gia Angélique Palle*, trong một chương trình phát thanh của France Culture ngày 14/02/2019 có giải thích rõ vì sao Hoa Kỳ can thiệp sâu vào dự án đường ống dẫn khí này.
« Trong vụ việc này, Mỹ có một lợi ích kép. Trước tiên, họ không muốn nhìn thấy các đối tác châu Âu ngày càng phụ thuộc vào Nga. Thứ đến, bản thân Mỹ còn là quốc gia xuất khẩu khí đốt. Khí đá phiến nổi tiếng của Mỹ bắt đầu xuất hiện tại các cảng biển châu Âu dưới dạng khí ga tự nhiên hóa lỏng (GNL).
Hiện tại, mức tiêu thụ khí này tại châu Âu còn quá thấp, chưa tới 3%. Dù vậy, mức nhập khẩu bắt đầu tăng dần vào cuối năm 2018. Người Mỹ bắt đầu đánh tiếng muốn bán loại khí đốt này nhiều hơn cho châu Âu. Nói một cách khác, muốn trở thành một nhà cung cấp khác thay thế Nga. »
Về điểm này, Francis Perrin, chuyên gia Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS với đài truyền hình TV 5 ngày 21/12/2019 có lưu ý thêm thị phần của Gazprom tại châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ là đã khá cao (35% thị trường năng lượng).
« Nếu như Nord Stream 2 được đưa vào hoạt động trong những tháng sắp tới và nếu như Nga hoàn thành một đường ống dẫn khác – Turk Stream, đi từ Nga, xuyên qua Hắc Hải, đến Thổ Nhĩ Kỳ, qua Hy Lạp rồi dừng lại ở châu Âu, điều này sẽ cho phép Nga bán được nhiều khí ga hơn cho châu Âu, tăng thêm thị phần tại thị trường khí ga châu Âu. Đây cũng chính là điểm khiến Washington e sợ. Những dự án này sẽ cho phép Nga gia tăng khả năng gây ảnh hưởng đối với Liên Hiệp Châu Âu bằng cách sử dụng khí đốt như là một vũ khí địa chính trị. »
Nord Stream 2 : Đường ống dẫn khí của mọi sự bất đồng
Quan điểm này của chính quyền Donald Trump cũng được một số nước châu Âu tán đồng. Bản thân dự án Nord Stream 2 ngay từ đầu đã gây chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu. Mười ba nước thành viên trong khối phản đối mạnh mẽ công trình xây dựng Nord Stream 2. Bruxelles phải mất đến 14 tháng để thuyết phục các nước trong khối chấp nhận dự án, chính thức được thông qua vào ngày 12/02/2019. Nhà nghiên cứu Angélique Palle cho biết rõ những điểm bất đồng trong dự án này.
« Quả thật có một sự bất đồng sâu sắc xung quanh đường ống dẫn khí này vì hai lý do. Thứ nhất là về mặt kinh tế. Vấn đề ở đây là muốn biết xem nước nào là điểm tập trung khí đốt để phân phối lại. Ba Lan cũng ngấp nghé và phản đối Đức về điểm này. Đó là vấn đề kinh tế, chuyện nội bộ trong khối Liên Hiệp Châu Âu.
Rồi còn có khía cạnh ngoài Liên Hiệp nữa, tức là vấn đề đa dạng hóa nguồn cung. Liên Hiệp Châu Âu vốn dĩ đã lệ thuộc rất nhiều vào Nga, chiếm đến 35% thị phần và những nước phản đối dự án, trong đó có Ba Lan, nhấn mạnh đến yếu tố là sự lệ thuộc vào Nga đã tăng dần trước khi có dự án và sự lệ thuộc này sẽ gây hại cho việc trung chuyển khí đốt qua ngả Ukraina, tức là làm suy yếu vị thế của Ukraina đối với Nga. »
Quả thật, một khi hoàn thành và được đưa vào hoạt động, Nord Stream 2 có thể làm biến đổi sâu sắc thế cân bằng địa chính trị tại châu Âu.
« Việc trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu ban đầu do Ukraina đảm trách. Trong những năm 2000, đã có khoảng 140 tỷ m3 khí đốt đi qua ngả Ukraina để đến châu Âu. Đầu những năm 2000, chính các cuộc tranh chấp về khí đốt giữa Nga và Ukraina đã có những tác động đến Liên Hiệp Châu Âu dẫn đến việc ngưng cung cấp khí đốt vào mùa đông.
Thế là Nga đưa ra một chiến lược đường vòng mới với việc xây dựng một số đường ống dẫn khí đốt. Ống dẫn Yamal đi qua Ba Lan vận chuyển 33 tỷ m3. Ống dẫn Nord Stream 1 đi xuyên biển Baltic trung chuyển 55 tỷ m3 và giờ đây là Nord Stream 2, cũng có cùng dung lượng 55 tỷ.
Với ba đường ống này, về mặt kỹ thuật, chúng ta có một chọn lựa thay thế Ukraina. Đối với Nga, mục đích có lẽ là nhằm giảm dần phần trung chuyển qua ngả Ukraina trong việc cung cấp khí đốt cho Liên Hiệp Châu Âu và nhất là có thể thương lượng trực tiếp với châu Âu mà không cần đến Ukraina. »
Trừng phạt : Đòn phạt hiệu quả của Mỹ ?
Giờ đây, việc nước Pháp của ông Emmanuel Macron có nhiều dấu hiệu xích lại gần Nga hơn còn làm cho chính quyền Donald Trump thêm cảm thấy bất an. Paris cho rằng Matxcơva là một tác nhân không thể thiếu trong việc xử lý các cuộc xung đột quốc tế lớn như tại Trung Đông, Syria, và cả ở Ukraina… Trong chiều hướng này, nguyên thủ Pháp đã tìm cách đưa Nga trở lại với cuộc chơi quốc tế lớn, nhưng với một số điều kiện. Ngoài ra, tổng thống Pháp còn cho rằng trừng phạt Nga quá tay sẽ bị phản tác dụng. Nước Nga của ông Putin có thể sẽ có những thái độ khắt khe hơn, tiêu cực hơn.
Thế nhưng, theo ông Francis Perrin, Hoa Kỳ, đặc biệt là chính quyền Donald Trump và bộ Ngoại Giao dưới thời Mike Pompeo lại không có cùng cách nhìn, chủ trương có những đường lối cứng rắn trong quan hệ với Nga. « Mỹ cho rằng trước tiên, Matxcơva phải chứng tỏ đáng tin cậy để có thể tái gia nhập trong một số hồ sơ. Trong khi chờ đợi, Hoa Kỳ đáp trả bằng sức mạnh, bằng vũ lực. Nước Mỹ trừng phạt thái độ của Nga trong một số hồ sơ, dưới hình thức các đòn phạt kinh tế ».
Câu hỏi đặt ra : Với sắc lệnh trừng phạt mới này, liệu Hoa Kỳ có thể cản trở việc hoàn tất công trình ống dẫn khí Nord Stream 2 hay không ? Ông Francis Perrin cho rằng đây có thể sẽ là một « vố đau » cho Nga và nhiều doanh nghiệp châu Âu chuyên về xây dựng ống dẫn khí đốt xuyên biển.
« Nhiều doanh nghiệp châu Âu có trụ sở tại Thụy Sĩ và Ý rất có thể sẽ bị trừng phạt theo điều luật này của Mỹ, vừa được thông qua và được tổng thống Mỹ ký. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp đó rất có thể sẽ thấy tài sản của họ ở Mỹ bị phong tỏa. Những hãng này cũng có thể gặp khó khăn trong việc thâm nhập vào lãnh thổ Mỹ vì các lãnh đạo của những tập đoàn này sẽ không được cấp visa thị thực nhập cảnh. Trước một siêu cường hàng đầu, những biện pháp trừng phạt này vốn có khả năng cản trở việc ký kết các hợp đồng có thể trở thành vũ khí răn đe ».
Vẫn theo quan điểm của ông Francis Perrin, bất chấp các áp lực từ Mỹ, Nga vẫn sẽ là quốc gia cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu.
« Nhiều nước Trung và Đông Âu hầu như chỉ có Nga là nhà cung cấp khí đốt chính. Nhìn chung, đối với Liên Hiệp Châu Âu, gồm 28 nước và sắp tới chỉ còn có 27 thành viên, Nga là nhà cung cấp hàng đầu, trước cả Na Uy – quốc gia không là thành viên nhưng rất gần về mặt địa lý với Liên Hiệp Châu Âu và tiếp đến là Algeri. Do vậy, trong những năm sắp tới, Nga vẫn sẽ là nhà cung cấp khí đốt số một cho thị trường châu Âu ».
Quan hệ Nga – Mỹ theo dòng Nord Stream 2
Dẫu sao, quyết định này của Mỹ còn phản ảnh rõ mối quan hệ giữa Washington và Matxcơva hiện nay và trong tương lai. Tuy không hẳn như trong thời « chiến tranh lạnh » xưa kia và đã nguội lạnh dưới thời tổng thống Obama, mối quan hệ này nay thêm phần băng giá. Sức ép từ ngoại trưởng Mike Pompeo, vốn dĩ có thái độ thù địch với Nga và Lầu Năm Góc đang đè nặng lên chính quyền Donald Trump, vốn dĩ có một thái độ nước đôi đối với Nga.
Những nhân vật thân cận trong chính quyền cũng như các định chế chính trị của Hoa Kỳ, kể cả Quốc Hội Mỹ, đều thúc đẩy tổng thống Trump giữ một thái độ cứng rắn với Nga, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, địa chính trị và địa chiến lược. Do vậy, chủ nhân Nhà Trắng hiện nay không còn chọn lựa nào khác đành phải ký sắc lệnh và áp dụng điều luật này.
Chỉ có châu Âu là kẹt giữa đôi đàng, giữa một bên là siêu cường kinh tế – quân sự, một đồng minh an ninh chiến lược và bên kia, là láng giềng gần, to lớn về địa lý, chính trị và quân sự, nhưng lại là đối tác năng lượng quan trọng.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200102-nord-stream-2-m%E1%BB%B9-v%E1%BA%A5t-v%E1%BA%A3-chen-ch%C3%A2n-v%C3%A0o-th%E1%BB%8B-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-kh%C3%AD-%C4%91%E1%BB%91t-ch%C3%A2u-%C3%A2u
Ứng cử viên Tổng Thống đảng dân chủ
Pete Buttigieg huy động hơn 24.7 triệu Mỹ kim
trong tam cá nguyệt cuối năm 2019
Vào thứ tư (ngày 1 tháng 1), nhà quản trị chiến dịch tranh cử Mike Schmuhl cho biết ông Pete Buttigieg đã huy động được hơn 24.7 triệu mỹ kim trong tam cá nguyệt cuối năm 2019. Tổng số tiền gây quỹ trong tam cá nguyện thứ 4 đã đánh dấu sự kết thúc cho một năm gây quỹ thành công của cựu thị trưởng South Bend, và ông đã rời nhiệm sở vào ngày 1 tháng 1.Trước đó, chiến dịch của ông Buttigieg đã huy động được 19.2 triệu mỹ kim vào tam cá nguyệ thứ 3 và 25 triệu mỹ kim vào tam cá nguyệt thứ 2. Sau đợt gây quỹ của tam cá nguyệt thứ 2, chiến dịch của ông Buttigieg nhanh chóng mở rộng hoạt và tiến hành quảng cáo ở Iowa và New Hampshire.
Một số cuộc thăm dò gần đây đã cho the61y rằng ông Buttigieg là ứng cử viên hàng đầu tại các tiểu bang bỏ phiếu sớm nói trên. Trong năm qua, ông Buttigieg đã huy động được hơn 76 triệu mỹ kim. Ông Schmuhl cho biết thêm rằng có đến hơn 733,000 nhà tài trợ đã đóng góp cho chiến dịch, với hơn 2 triệu lượt quyên góp.
Theo ông Schmul, mỗi lượt đóng góp trung bình trong tam cá nguyệt thứ 4 là 33 mỹ kim và chiến dịch này có gần 326,000 nhà tài trợ. Với số tiền 76 triệu mỹ kim nhận được trong năm, chiến dịch của ông Buttigieg đã tăng nhóm nhân viên lên hơn 500 người trên toàn quốc và hiện có 65 văn phòng tại các tiểu bang bỏ phiếu sớm.
Trong suốt cả năm, cựu thị trưởng đã tham dự các buổi gây quỹ trong đó những người tham gia đóng góp một khoản tiền lớn. (BBT)
https://www.sbtn.tv/ung-cu-vien-tong-thong-dang-dan-chu-pete-buttigieg-huy-dong-hon-24-7-trieu-my-kim-trong-tam-ca-nguyet-cuoi-nam-2019/
Chiến dịch tái tranh cử của TT Trump
quyên góp được 46 triệu đô la
Chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump hôm 2/1 tuyên bố họ đã huy động được 46 triệu đô la trong ba tháng tính tới ngày 31/12, trong khi hai đối thủ bên Đảng Dân chủ đã phá vỡ kỷ lục gây quỹ trước đó của họ.Ban vận động tranh cử của ông Trump cho biết tổng số tiền họ quyên góp được trong quý 4 là tốt nhất trong chu kỳ 2020 tính đến nay, vượt hơn mức cao nhất trước đó là 41 triệu đô la. Chiến dịch kết thúc trong năm 2019 với hơn 102 triệu đô la quyên góp được.
“Ngân quỹ tranh cử của tổng thống và đội ngũ ủng hộ ông ở cơ sở sẽ làm cho chiến dịch tái tranh cử của ông trở thành sức mạnh càn quét không gì ngăn nổi”, viên quản lý chiến dịch Trump 2020, ông Brad Parscale, nói trong một tuyên bố.
Trong khi đó, trong cuộc đua giành đề cử bên Đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và doanh nhân Andrew Yang đều vượt hơn thành tích gây quỹ tốt nhất của họtrước đó trong quý IV, các ban vận động của họ cho biết hôm 2/1.
Chiến dịch của Sanders cho biết ông đã huy động được 34,5 triệu đô la, tăng hơn 9 triệu đô la so với quý ba của mình và gần gấp đôi mức mà ông đã huy động trong quý hai năm ngoái.
Tổng số tiền mà thượng nghị sĩ bang Vermont vận động được trong ba tháng cuối năm 2019 cao hơn bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào khác của Đảng Dân chủ trong một quý trong khuôn khổ cuộc bầu cử này.
Ban vận động của ông cho biết 34,5 triệu đô la trong số đó là của 1,8 triệu khoản đóng góp cá nhân, với một nửa được huy động chỉ trong tháng 12. Khoản quyên góp trung bình là 18,53 đô la.
Trước thông báo này, ban vận động của ông Sanders đã gửi một thông báo tới những người ủng hộ cho biết họ đã đạt được mốc 5 triệu khoản đóng góp cá nhân – con số mà chiến dịch tranh cử của ông trước đó trong năm 2016 không làm được mãi cho đến ngày Siêu Thứ Ba, tức là ngày mà có nhiều tiểu bang bầu cử sơ bộ nhất.
Trong khi đó, chiến dịch của ứng cử viên Yang hôm 2/1 cho biết rằng ông đã vận động được hơn 16,5 triệu đô la trong quý 4, vượt qua mức tốt nhất của ông trước đó trong quý ba là 10 triệu đô la. Ban vận động này cho biết ngày gây quỹ cao nhất của họ là 31/1 khi các nhà tài trợ góp hơn 1,3 triệu đô la.
Khoản quyên góp trung bình là 30 đô la, chiến dịch của ông Yang cho biết.
Ban vận động của một ứng cử viên Dân chủ khác, ông Pete Buttigieg, hôm 1/1 nói rằng họ đã có được 24,7 triệu đô la tiền quyên góp trong quý cuối cùng của năm 2019, chỉ thấp hơn một chút so với mức 24,8 triệu đô la trong quý hai.
https://www.voatiengviet.com/a/chi%E1%BA%BFn-d%E1%BB%8Bch-t%C3%A1i-tranh-c%E1%BB%AD-c%E1%BB%A7a-tt-trump-quy%C3%AAn-g%C3%B3p-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-46-tri%E1%BB%87u-%C4%91%C3%B4-la/5229465.html
Ông Giuliani sẵn sàng ra khai chứng
trong phiên xử luận tội TT Trump
Ông Rudy Giuliani, luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, nói rằng ông sẽ ra khai chứng tại phiên xử luận tội tổng thống sắp tới và sẽ làm hết sức để chứng minh mình vô tội, theo bản tin tiếng Anh của VOA.Tin cho hay, ông Giuliani nói như vậy với các phóng viên khi tới dự tiệc đón năm mới tại khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Trump ở Florida.
Ông Giuliani được coi là một nhân vật chính trong nỗ lực thúc ép Ukraine mở cuộc điều tra được cho là có lợi cho ông Trump về mặt chính trị.
Theo bản tin tiếng Anh của VOA, ông Giuliani không phải là một trong các luật sư đứng ra bào chữa cho Tổng thống Trump trong phiên xử chưa được ấn định thời gian tại Thượng viện Mỹ.
XEM THÊM:
Ông Biden: ‘Sẽ không ra khai chứng’ tại phiên tòa luận tội của Thượng viện
Ông Trump đối mặt với hai điều khoản luận tội được phần lớn các dân biểu thuộc phe Dân chủ, vốn kiểm soát Hạ viện Mỹ, bỏ phiếu thông qua tháng trước.
Tổng thống Trump bị cáo buộc lạm dụng chức vụ vì được cho là thúc ép Kiev mở một cuộc điều tra ông Joe Biden, một trong những ứng viên hàng đầu của phe Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, cũng như cản trở Quốc hội vì đã ngăn cản cuộc điều tra liên quan tới Ukraine của cơ quan lập pháp này.
Hiện chưa có ngày giờ ấn định cho phiên xử luận tội Tổng thống Trump vì Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi, vẫn chưa chuyển các điều khoản luận tội cho Thượng viện cho tới khi nào bà nắm được cách thức phiên xử được tiến hành một cách công bằng, theo bản tin tiếng Anh của VOA.
https://www.voatiengviet.com/a/%C3%B4ng-giuliani-s%E1%BA%B5n-s%C3%A0ng-ra-khai-ch%E1%BB%A9ng-trong-phi%C3%AAn-x%E1%BB%AD-lu%E1%BA%ADn-t%E1%BB%99i-tt-trump/5229240.html
Mặc dù trải qua tháng 12 nhiều mưa,
nhưng với mùa Đông khô hạn
có nghĩa là nguy cơ cháy rừng sẽ sớm trở lại
Miền Nam California vừa trải qua tháng 12 nhiều mưa nhất trong gần một thập niên, dập tắt các đám cháy rừng nguy hiểm vẫn còn sót lại vào mùa thu. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng tình trạng cháy rừng có thể trở lại vào tháng tư.Một loạt các cơn bão lang mưa đến tiểu bang trong vài tháng qua dường như là một phần của xu hướng thời tiết nguy hiểm, với một mùa thu nóng bức và những đám cháy dữ dội do gió thổi. Sự thay đổi đột ngột xảy ra khi một hệ thống áp suất cao phía đông Thái Bình Dương đổ bộ về phía tây vào cuối tháng 11. Chính hệ thống áp suất cao này đã mang đến lượng mưa cần thiết cho tiểu bang California trong những tháng qua.
Tuy nhiên, nhà khí tượng học Casey Oswant tại Cơ Quan Thời Tiết Quốc Gia cho biết tình trạng thời tiết lý tưởng nhất vẫn là khi mưa xuất hiện điều đặn chứ không phải chỉ trong những cơn bão dữ dội.
Bà Oswant cho biết những đợt mưa lớn như vậy thường gây ra lũ lụt, đặc biệt là ở khu vực Quận Cam và Los Angeles vì có rất nhiều công trình và vỉa hè ngăn nước ngấm xuống mặt đất. Tuy nhiên, hệ thống áp suất Thái Bình Dương nói trên sẽ sớm di chuyển về phía đông và do đó, các nhà dự báo cho rằng mùa đông tại California sẽ khô hơn bình thường. (BBT)
https://www.sbtn.tv/mac-du-trai-qua-thang-12-nhieu-mua-nhung-voi-mua-dong-kho-han-co-nghia-la-nguy-co-chay-rung-se-som-tro-lai/
Video nghiệp dư
giúp giữ nghi phạm bắt cóc ở New York
Cảnh sát New York mới bắt một người đàn ông sau khi xuất hiện một đoạn video cho thấy ông này tìm cách bắt cóc một người phụ nữ trên tàu điện ngầm, theo AP.Ông Sonny Alloway, 48 tuổi, bị truy tố tội bắt giữ trái phép vì đưa người phụ nữ ra khỏi đoàn tàu số 6 hôm 29/12 ở Bronx.
Một đoạn video đăng trên mạng xã hội cho thấy ông Alloway, vốn mặc đồ màu đỏ từ đầu tới chân, nói chuyện với nạn nhân trước khi đưa bà ra khỏi đoàn tàu tại ga Morrison Avenue-Soundview.
Theo AP, người phụ nữ ngủ gần một người đàn ông trên đoàn tàu khi nó dừng lại và ông Alloway bế người phụ nữ này và đưa bà ra khỏi toa tàu.
Nạn nhân nhanh chóng chạy thoát và chạy trở lại toa tàu. Đoạn video ngắn kết thúc bằng việc ông Alloway bỏ đi.
Một đoạn video thứ hai, cũng đăng trên mạng xã hội mà sau đó đã bị xóa đi, cho thấy ông Alloway bị đấm đá ở vỉa hè bởi một nhóm chiều 30/12 mà AP nói là dường như đã nhận ra nghi can từ đoạn video ban đầu.
Nghi can trốn chạy tại một cửa hàng ở góc phố, nơi một người tại đó báo lên chính quyền. Cảnh sát bắt ông Alloway ít lâu sau đó.
Theo AP, hiện chưa rõ ông Alloway có luật sư đại diện không.
https://www.voatiengviet.com/a/video-nghi%E1%BB%87p-d%C6%B0-gi%C3%BAp-gi%E1%BB%AF-nghi-ph%E1%BA%A1m-b%E1%BA%AFt-c%C3%B3c-%E1%BB%9F-new-york/5228345.html
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lo ngại
Bắc Triều Tiên thử hạt nhân trở lại
Anh VũNgay sau Bình Nhưỡng thông báo hủy bỏ quyết định ngừng thử vũ khí hạt nhân, hôm qua, 01/01/2020, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres đã tỏ ý « quan ngại sâu sắc » trước khả năng Bắc Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa liên lục địa và hạt nhân.
Không đọc thông điệp đầu năm mới như các năm trước, nhưng lãnh đạo Kim Jong Un, thông qua KCNA, hãng tin chính thức của Bình Nhưỡng, để thông báo rằng Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục lại chương trình phát triển hạt nhân và trong tương lai gần nước này sẽ có loại « vũ khí chiến lược mới ».
Thông cáo của phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc, Stéphane Duarric phát đi hôm qua viết : « Tổng thư ký rất mong các vụ thử không được tiến hành trở lại, trên tinh thần tôn trọng các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An… Không phổ biến vũ khí hạt nhân luôn là nền tảng của an ninh thế giới và cần phải được duy trì ».
Trong khi đó, Washington lại phản ứng khá mềm mỏng rằng « nếu chủ tịch Kim phủ nhận những cam kết với tổng thống Trump thì đó là điều vô cùng thất vọng », ngoại trưởng Mike Pompeo trả lời kênh truyền hình Fox.
Còn bộ Thống Nhất Hàn Quốc thì khẳng định một vụ thử vũ khí chiến lược của Bắc Triều Tiên sẽ « không giúp gì cho các cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân ».
Hồi tháng 4/2018, Bắc Triều Tiên thông báo sẽ ngừng các vụ thử vũ khí và hạt nhân. Quyết định này đã mở ra tiến trình hòa hoãn và đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Sau gần hai năm, các cuộc đàm phán Mỹ-Triều Tiên về giải trừ hạt nhân bế tắc. Từ nhiều tháng qua, Bình Nhưỡng liên tục đòi giảm nhẹ các lệnh trừng phạt của quốc tế vì chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Nhưng chính quyền Trump không chấp nhận, đòi Bắc Triều Tiên phải có hành động cụ thể hơn.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200102-t%E1%BB%95ng-th%C6%B0-k%C3%BD-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-lo-ng%E1%BA%A1i-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-th%E1%BB%AD-h%E1%BA%A1t-nh%C3%A2n-tr%E1%BB%9F-l%E1%BA%A1i
Trí tuệ nhân tạo vượt trội bác sỹ
trong chẩn đoán ung thư vú
Fergus WalshPhóng viên Y tếCác thiết bị thông minh đang được thử nghiệm trong các bệnh viện đã cho kết quả rất hứa hẹn.
Trí tuệ nhân tạo (AI) chính xác hơn các bác sỹ trong chuẩn đoán ung thư vú khi đọc hình ảnh X-quang tuyến vú, một nghiên cứu trên tạp chí Nature cho hay.
Một nhóm quốc tế, bao gồm các nhà nghiên cứu từ Google Health và Imperial College London, đã thiết kế một mô hình máy tính đọc các hình ảnh quang tuyến của gần 29.000 phụ nữ.
Thuật toán này đã cho kết quả chính xác vượt trội so với sáu bác sỹ đọc X-quang.
Ăn đậu nành có hại cho sức khoẻ phụ nữ không?
Anh quốc thụt lùi trong điều trị chăm sóc ung thư
Vì sao Trung Quốc đang từ chối đẻ mổ?
AI cũng hoạt động tốt như hai bác sỹ cùng hợp tác làm việc nhau.
Không giống con người, AI không biết mỏi mệt. Các chuyên gia nói nó có thể cải thiện việc phát hiện ung thư vú.
AI tốt thế nào?
Hệ thống AI hiện nay của y tế Anh quốc sử dụng hai bác sỹ X-quang để phân tích hình ảnh chụp tuyến vú của mỗi phụ nữ. Trong trường hợp giữa họ có sự bất đồng trong việc đọc kết quả, điều này hiếm khi xảy ra, một bác sỹ thứ ba sẽ đánh giá các hình ảnh này.
Trong nghiên cứu, một mô hình AI tiếp nhận các hình ảnh X-quang tuyến vú ẩn danh, do đó không xác định được danh tính người phụ nữ là chủ nhân của những hình ảnh này.
Không giống như các chuyên gia là con người – vốn đã tiếp cận với lịch sử bệnh lý của bệnh nhân – AI chỉ căn cứ vào kết quả chụp nhũ ảnh (mammogram).
Các kết quả cho thấy, AI cho kết quả tốt như hệ thống đọc hình ảnh X-quang hai lượt của hai bác sỹ hiện nay.
Và thực tế là nó vượt trội một bác sỹ trong chẩn đoán ung thư vú.
Sử dụng AI cũng giảm được 1,2% kết quả chẩn đoán dương tính giả so với một bác sỹ .
Và giảm được 2,7% kết quả âm tính giả – nghĩa là khi ung thứ vú không bị phát hiện.
Dominic King từ Google Health nói: “Nhóm của tôi thực sự tự hào vì các kết quả này, nó cho thấy rằng chúng tôi đang đi đúng hướng trong phát triển một công cụ giúp các bác sỹ phát hiện ung thư với các kết quả chính xác hơn.”
Hầu hết các hình ảnh chụp nhũ quang đến từ bộ dữ liệu mà Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh Quốc OPTIMAM (Cancer Research UK’s OPTIMAM) thu thập từ Bệnh viện St George ở London, Trung tâm Vú Jarvis ở Guidford và Bệnh viện Addenbrooke ở Cambridge.
Phải mất hơn một thập kỷ để đào tạo một bác sỹ và chuyên gia để trở thành một bác sỹ đọc hình ảnh X-quang, có khả năng phân tích hình ảnh chụp quang tuyến vú.
Đọc hình ảnh X-quang là một công việc quan trọng nhưng mất rất nhiều thời gian, và hiện ước tính thiếu tới hơn 1.000 bác sỹ đọc X-quang ở Anh.
AI sẽ thay thế con người?
Không. Con người cần để thiết kế và đào tạo các mô hình trí thông minh nhân tạo.
Đây mới chỉ là một nghiên cứu, và hệ thống AI vẫn chưa được sử dụng rộng rãi ở các phòng khám.
Ngay cả khi nó được sử dụng rộng rãi, ít nhất vẫn cần có một bác sỹ đọc X-quang để làm nhiệm vụ chẩn đoán.
Nhưng AI có thể được sử dụng để đáp ứng nhu cầu cần hai bác sỹ để đọc hai lần một hình ảnh X-quang, giảm áp lực và khối lượng công việc cho họ – các nhà nghiên cứu cho hay.
Giáo sư Ara Darzi, đồng tác giả và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư hoàng gia Anh quốc, nói với BBC: “Kết quả này vượt quá mong đợi của tôi. Nó sẽ có tác động đáng kể trong cải thiện chất lượng chẩn đoán, và giải phóng sức lao động cho các bác sỹ X-quang để họ có thể làm những việc quan trọng hơn.”
Phụ nữ trong độ tuổi 50 đến 70 ở Anh được mời chụp nhũ ảnh ba năm một lần, còn những phụ nữ lớn tuổi hơn có thể yêu cầu để được chụp.
Cuối cùng, việc sử dụng AI có thể đẩy nhanh tốc độ chẩn đoán, bởi hình ảnh có thể được phân tích trong vài giây bằng thuật toán máy tính.
Sara Hiom, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Ung thư sớm của CRUK, nói với BBC: “Đây là kết quả nghiên cứu ban đầu đầy hứa hẹn cho thấy việc chẩn đoán hình ảnh có thể chính xác và hiệu quả hơn trong tương lai. Và điều này có nghĩa bệnh nhân bớt phải chờ đợi và bớt lo lắng hơn, mang lại kết quả tốt đẹp hơn.”
Helen Edwards, từ Surrey, bị chẩn đoán ung thứ vú khi 44 tuổi, trước khi bà bước vào độ tuổi được mời đi chụp nhũ ảnh.
Bà được yêu cầu phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, và đã khỏi bệnh ung thư hơn một thập kỷ qua.
Bà là một bệnh nhân đại diện cho ủy ban CRUK – những người đã phải quyết định có cấp phép cho Google Health để sử dụng các dữ liệu ung thư vú ẩn danh hay không.
Helen nói với BBC: “Ban đầu tôi hơi lo ngại về cái mà Google có thể làm với các dữ liệu, nhưng danh tính chủ nhân của các dữ liệu này đã bị lược bỏ.”
“Về lâu dài việc này chỉ có lợi cho phụ nữ.
“Các máy móc trí tuệ nhân tạo không mệt mỏi… Chúng có thể làm việc 24/7 trong khi con người thì không thể, do đó nếu kết hợp cả hai thì đó là một ý tưởng tuyệt vời.”
Theo dõi Fergus trên Twitter.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50969626
Trong làn sóng đình công, vũ nữ ba lê Pháp cũng ra phố
Phạm Cao PhongGửi tới BBC News Tiếng Việt từ ParisTôi trở lại Paris hai ngày trước lễ Giáng sinh. Không khí căng thẳng do các chấn động xã hội nhận thấy ngay khi đặt chân xuống sân bay Charles de Gaulle.
Tôi uống đến cốc vang nóng ướp quế và cam tươi thứ hai, món đồ uống đặc biệt của mùa Noel, để đợi bạn lên đón đi cả tiếng trước mà vẫn chưa tới.
Quãng đường chạy xe từ sân bay về Paris kẹt cứng. Chiều ngược lại cũng tương tự. Các phương tiện công cộng nối liền cảng hàng không như các các hãng RER, RATP và SNCF, đều không hoạt động, chỉ có phương tiện duy nhất hoạt động là xe tác xi, nhưng để giải tỏa được lượng khách khổng lồ là cả một vấn đề. Hàng năm có đến 72 triệu lượt du khách đến Pháp qua cửa khẩu này.
Đình công là món ăn khó nuốt trôi của những người phải sống ở các vùng ngoại ô xa, hoặc các tỉnh khi có như cầu đến thủ đô nước Pháp. Paris vốn đỡ bị ảnh hưởng hơn vì trước đó các tuyến xe điện ngầm vẫn chạy cầm chừng những ngày các nghiệp đoàn thổ lộ cơ bắp với chính phủ.
Pháp tê liệt vì biểu tình chống ông Macron
Trời mưa Paris vĩnh biệt Jacques Chirac
Nhưng lần này mọi chuyện trở nên tệ hơn, người dân bị bắt chẹt vì 14 trong tổng số 16 tuyến metro đóng cửa hoàn toàn, chỉ có 2 tuyến số 1 và số 14 do được tự động hóa, không cần nhân viên lái tầu là duy trì được hoạt động.
Các nhà ga tầu cao tốc, tàu liên tỉnh giảm nhịp độ đưa đón khách, thậm chí hủy chuyến hoàn toàn làm nhiều quần thể văn hóa, giải trí, buôn bán vệ tinh xung quanh phải đóng cửa, ảnh hưởng lớn đến nhịp sống vốn chạy chung với quỹ đạo của ngành giao thông chuyên chở.
Cuộc đình công diễn ra từ ngày 5/12/2019 theo kêu gọi của các nghiệp đoàn (CGT, FO, CFE-CGS, FSU, SNCF) trên quy mô toàn quốc để gây sức ép đối với chính phủ là đòn đánh phủ đầu, mang tính răn đe về dự án cải tổ hưu trí thiết lập một hệ thống phổ quát, thay thế cho 42 chế độ hưu trí chuyên ngành hiện nay tại Pháp.
Chế độ phúc lợi làm các chính phủ đau đầu
Bảo hiểm xã hội và hưu bổng tại Pháp được đánh giá nhân đạo và tốt nhất thế giới. Đơn cử, hai vợ chồng về hưu, một trong hai người mất sớm, thì người phối ngẫu vẫn được nhận một phần hưu bổng của người đã mất đến trọn đời.
Những người phụ nữ đơn thân nuôi con, người di dân, gia đình đông con đều có phúc lợi xã hội giúp đỡ. Những khu nhà HLM cho thuê giá rẻ được xây dựng bắt buộc tại mỗi quận cho người có thu nhập thấp thuê chỉ bằng 1/3 mức giá thị trường.
Những người chây ỳ không chịu trả tiền nhà, vẫn được ở miễn phí trong ba tháng mùa đông, luật pháp che chở họ không bị đuổi ra đường. Nhiều gia đình nhập cư lợi dụng ưu ái của quỹ bảo hiểm chưa từng một ngày đi làm, hoặc đi làm một thời gian ngắn lại nghỉ nhận trợ cấp thất nghiệp, hoặc đi làm chui, không đóng thuế…
Tuổi thọ của người dân ngày càng cao. Chế độ khám chữa bệnh tại các bệnh viện công tốt, chi phí điều trị, chăm sóc bệnh nhân gần như cho không…
Những phúc lợi xã hội được đảm bảo và hào phóng dẫn đến việc lạm dụng, vô tình khuyến khích sự chây lười, ăn không ngồi rồi của lớp người quen ăn bám, ỷ lại. Hậu quả số người đi làm không đủ gánh những chi tiêu hàng năm ngày một dầy kể trên.
Hàm Nghi – người nghệ sĩ và những mối tình trắc ẩn
Pháp đóng trường ENA để xoa dịu lòng dân
Nhiệm kỳ tổng thống nào cũng đau đầu với ngân sách hưu trí chiếm đến nay 13,7% GDP, thu không đủ để chi.
Việc tồn động nhiều bất cập với 42 quỹ hưu trí khác nhau, gộp trong ba chế độ chính:
1. Chế độ cơ bản cho khu vực tư nhân, nông nghiệp
2. Chế độ công chức gồm nhân viên nhà nước, giáo viên, nhân viên y tế…
3. Chế độ đặc biệt cho khoảng 300.000 người trong ngành đường sắt SNCF, RATP, điện lực EDF, Ngân hàng trung ương Pháp, Nhà hát Paris, Cảnh sát, phi công, lính cứu hỏa…
Việc chia nhỏ các quỹ lương kéo theo việc nuôi bộ máy công chức cồng kềnh để theo dõi và trả hưu cho mỗi đối tượng.
Đứng đầu thế giới về đình công
Tính từ năm 1947 đến nay, không năm nào nước Pháp không có đình công, biểu tình. Pháp đứng đầu thế giới về kỷ lục đáng buồn này.
Những cằn nhằn, thất vọng của người lao động thể hiện sự đối thoại xã hội thất bại giữa chính phủ với các nghiệp đoàn dẫn đến các cuộc xuống đường. Đấy cũng như một nét đặc trưng rất Pháp.
Đã nhiều đời chính phủ, tổng thống Pháp đều nhận thấy chỉ nên có một quỹ hưu phổ quát chung cho mọi ngành nghề và phải tái cân đối quỹ này. Nhưng mỗi lần nêu ý định cải cách đều vấp phải sự chống đối mãnh liệt của người dân và các đảng phái kèn cựa nhau đá sau lưng.
Các chính phủ tiền nhiệm đưa ra dự luật cải cách biết trước họ đứng trước viễn cảnh mất phiếu trong các kỳ bầu cử nên vừa làm vừa run, đùn từ tổng thống này đến tổng thống khác.
Họ thường có xu hướng đẩy một bộ trưởng có màu sắc cánh tả ra phụ trách vấn đề giao thông công cộng, vì hợp với mầu của các nghiệp đoàn vốn nhiều ước mơ xã hội chủ nghĩa.
Song lá bài này cũng chẳng vuốt ve được các nghiệp đoàn vốn dầy dạn và nhiều khi vô trách nhiệm trước hiện tình kinh tế.
Năm 1995, họ đã lật đổ được thủ tướng Alain Juppé sau ba tuần Tổng bãi công. Giáng sinh 1986 đầu năm 1987, ngành vận tải, hỏa Pháp đình công dài nhất đến 28 ngày, họ cũng đã đạt được nhiều bước lùi của chính phủ.
Tháng 11/2013, phong trào ‘mũ nồi đỏ’ của nông dân Bretagne cũng xuống đường chống thuế’ môi trường xanh’(Ecotaxe) đánh vào xe vận tải nông phẩm thi hành theo thỏa thuận với Châu Âu đã được Quốc hội biểu quyết, dự tính mang lại khoảng 1,5 tỷ euro cho ngân sách hàng năm. Chính phủ của đảng xã hội cũng phải lùi bước. Trong khi đó, cũng áp thuế tương tự đã diễn ra tại Đức từ 10 năm trước.
Bài toán hệ thống lương hưu cho chính phủ Macron
Cải cách hệ thống hưu trí, xóa bỏ bất công giữa các chế độ là một trong những lời hứa khi tranh cử của tổng thống Emmanuel Macron.
Tóm tắt như sau :
1. Tính trợ cấp hưu trí theo điểm đóng góp
2. Kéo dài thời gian làm việc và đóng tiền vào qũy hưu với chế độ thưởng-phạt nếu nghỉ hưu trước ‘tuổi cân đối’ 64, dù tuổi nghỉ hưu theo luật định là 62.
3. Bỏ đặc quyền đặc lợi của một số ngành nghề…như lái xe lửa được về hưu ở tuổi 50 hay 55 năm sau khi làm việc liên tục 25 năm, nhận hưu bổng tới 2636 euro. RATP dịch vụ công lĩnh đến 3705 euro. Trong khi các ngành nghề khác về hưu ở tuổi 62 tuổi với thời gian đóng góp 41 năm. Một người làm nông nghiệp cả đời lao động khi về hưu chỉ được nhận 900 euro.
Riêng bù lỗ cho quỹ hưu của công ty SNCF là 3,2 tỷ euro mỗi năm là một trong những mục đích nhắm tới của cuộc cải cách lần này.
Tình hình kinh tế hiện nay không còn cho phép kéo dài mãi tình trạng đó. Vì vậy phát biểu trên đài truyền hình ngay sau ngày bãi công đầu tiên, thủ tướng Edouard Philippe muốn thuyết phục dư luận:
“Công dân Pháp biết rằng 42 chế độ hưu trí khác nhau như hiện nay không thể kéo dài mãi. Họ biết rằng một ngày nào đó phải từ bỏ những chế độ đặc biệt. Họ cũng hiểu rằng dần dần, chúng ta phải làm việc lâu hơn.
Câu hỏi được đặt ra đối với những thay đổi này như sau: Liệu chúng ta muốn tiến hành một cách đột ngột, trong cấp bách hay chúng ta muốn áp dụng một cách hợp lý, từng bước, không bất ngờ trong khi chúng ta có thời gian. Và dĩ nhiên, chính phủ và phe đa số lựa chọn cách thứ hai.”
Song dự án cải cách hưu bổng mà chính phủ đưa ra còn nhiều điểm chưa rõ ràng hay thiếu thuyết phục. Chẳng hạn lấy độ tuổi chung được nghỉ hưu là 64, có phải hợp lý với những độ tuổi khác nhau bắt đầu bước vào thị trường lao động? So với ở Đức là 67, thoạt nhìn có phần còn ưu ái. Nhưng với việc quy định số năm đóng góp chung là 41 có phần bình đẳng hơn.
Các ngành như cảnh sát, phi công, lính cứu hỏa luôn luôn tiềm ẩn nguy hiểm trong nghề nghiệp cũng vậy.
Nghệ sỹ ballet cũng xuống đường
Ngày Giáng Sinh 24/12/2019, 40 vũ nữ đã biểu diễn trước thềm đá của nhà hát Opera de Paris dưới cái lạnh 9°C bản ‘Hồ Thiên Nga’ để đồng hành với người tham gia biểu tình. Chế độ đặc biệt nghỉ hưu dành cho họ đã được vua Louis XIV ấn định vào năm 1698, với độ tuổi 42.
Cuộc bãi công của các nghệ sĩ đã làm đình hoãn đến 45 xuất diễn, làm thiệt hại cho doanh thu 8 triệu euros.
Đến hôm nay thì sau ‘Hồ Thiên Nga’, ‘Carmen’, ‘Faust’, ‘Roméo và Juliette’ (tên các vở diễn) của nhà hát Opera Bastille cũng xuống đường. Doanh thu lại mất thêm 12 triệu.
Họ có lý không khi lao động nghệ thuật cho bộ môn có độ khó, đòi hỏi bền bỉ tập luyện, dễ bị chấn thương và sắc đẹp tàn phai ngay từ những năm ở tuổi 40 còn phải trưng ra sự héo mòn ở tuổi 64?
Cuộc đình công đã giáng một đòn nặng vào nền kinh tế Pháp mới vừa chớm khởi sắc trở lại.
Cộng với thiệt hại do phong trào ‘Áo Vàng’ diễn ra thường xuyên vào các thứ bảy từ ngày 17/11/2018 ước tính lên đến 18 tỷ euro chưa khắc phục hết, cộng với cuộc xuống đường bãi công lần này riêng công ty SNCF dự tính mất thêm nửa tỷ euro, chưa tính các dịch vụ mua sắm, du lịch thất thu đến 70%. Nợ công của Pháp lần thứ hai trong lịch sử đương đại là 100% GDP trong tháng 12/2019.
Viễn cảnh nào cho đình công trong năm mới?
Bước sang năm mới, cả hai bên đều không ai chịu nhường ai. Trong bài diễn văn cuối năm 31/12/2019, tổng thống Emmanuel Macron, một lần nữa khẳng định đi đến cùng công cuộc cải cách, bất chấp các cuộc đình công trong ngành chuyên chở công cộng kéo dài từ 28 ngày qua.
Ông nói:
“Chương trình cải cách mà tôi cam kết trước quý vị và đang được chính phủ đảm trách sẽ được thực thi đến cùng. Xin đừng nhầm lẫn. Tôi đã lắng nghe về chủ đề này. Điều quan trọng đây còn là cốt lõi của bản sắc Pháp. Nỗi lo sợ, sự lo lắng đang hiện rõ. Nhưng tôi còn nghe cả những lời dối trá và gian xảo. Sự hòa dịu phải vượt trên đối đầu. Nhưng hòa dịu không có nghĩa là thoái lui. Chúng ta tôn trọng cả những điểm bất đồng. Tại sao? Chính là cho quý vị. Và các tổ chức nghiệp đoàn, giới chủ cũng muốn như vậy.
Tôi mong đợi chính phủ thủ tướng Edouard Philippe sẽ nhanh chóng tìm ra được một hướng đi, một đồng thuận trong sự tôn trọng các nguyên tắc mà tôi vừa nhắc đến.”
Viễn cảnh cho một lối thoát trong danh dự dành cho cả hai bên chưa ai nghĩ sẽ ra sao.
Tình hình hiện nay không giống như năm 1995. Các loại hình mới như làm việc từ nhà qua Internet ‘working-net’, các dịch vụ đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng đi chung xe cộ, sử dụng xe đạp, đã làm áp lực đường phố giảm xuống.
Người dân chán ngán sự ngưng trệ đang quay ra phản đối bãi công. Các thành viên đình công không có lương gần một tháng, nhiều người đã phải quay lại làm việc do gánh nặng gia đình dù bị la hét, tẩy chay của đồng nghiệp.
Nên dù có thể kéo dài thêm một thời gian, nhưng phần thua đã có dấu hiệu nghiêng về phía những người chống đổi cải cách.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của nhà báo tự do Cao Phong Phạm, hiện đang sống ở Paris.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50972319
Avenue Montaigne :
Phố nghệ sĩ và những thương hiệu nổi tiếng
Thu HằngCả con đường hơn 600 mét trắng một mầu tuyết. Đi dọc đại lộ Montaigne (avenue Montaigne, quận 8, Paris) trong những ngày cuối năm, người ta có cảm giác như lạc vào khu rừng đầy tuyết trắng, lung linh trong màn đêm nhờ những dây đèn nhỏ xinh được khéo léo đan vào từng cành cây khô cằn.
Trước khi trở thành đại lộ thời thượng nhất thế giới, đây là con phố nguy hiểm, ít người qua lại vào thế kỷ 18-19. Robert Panhard, chủ tịch CLB Xe hơi Pháp (Automobile Club de France), kể lại với tạp chí Le Point (20/09/2012) : « Năm 1908, khi ông tôi Hippolyte muốn rời phố Royale để đến sống ở quảng trường François-Ier, bố của ông nói rằng quá nguy hiểm ! Thời cụ còn trẻ, vào khoảng năm 1850, con phố được đặt tên là phố Góa phụ (allée des Veuves) vì mang tiếng xấu và hay xảy ra các vụ giết người ».
Ngoài tên gọi phố Góa phụ, phố Than Thở (allée des Soupirs), rồi phố Montaigne (allée Montaigne) vào năm 1850, tên chính thức « Avenue Montaigne » được đặt vào năm 1852 để ghi danh nhà triết học lừng danh của Pháp (1533-1592).
Nơi thử nghiệm phong cách kiến trúc mới
Théâtre des Champs-Elysées (Nhà hát Champs-Elysées), khánh thành ngày 30/03/1913, đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của con phố. Henry Van de Velde, anh em nhà Perret, Antoine Bourdelle và Maurice Denis tham gia thiết kế và thi công nhà hát hoàn toàn bằng bê tông cốt thép đầu tiên ở Paris, đánh dấu thời kỳ rực rỡ của phong cách Nghệ thuật Mới (Art Nouveau).
Ông Jean-Loup Roubert, kiến trúc sư trưởng các công trình dân sự và cung điện quốc gia, giải thích trong chương trình Des Racines et Des Ailes của đài France 3 (05/12/2012) :
« Mặt tiền của công trình làm toàn từ đá cẩm thạch, khó mà không nhận ra được. Công trình được làm bằng bê tông cốt thép sau đó được lát đá mầu ghi. Rất tuyệt vời, người ta chưa từng làm công trình nào như thế này. Đó là công trình đầu tiên có mặt tiền phẳng, trái ngược với mặt tiền của những nhà hát trước đây.
Đồng thời, vì Auguste Perret theo trường phái cổ điển, ông đã mời người bạn là Bourdelle, một nghệ sĩ điêu khắc, cả hai đã cũng nhau thiết kế mặt tiền này. Kiến trúc sư và nhà điêu khắc đã thống nhất là làm thế nào đều có bóng của ánh sáng bất kể vào giờ nào nào, dù là ban ngày hay tối. Tiếp theo, mầu mạ vàng của các khung cửa sổ mang lại vẻ lịch lãm cho nhà hát ».
Khác với mặt tiền có vẻ giản dị với những bức điêu khắc mô tả lĩnh vực hoạt động của nhà hát (múa, nhạc, kịch), ba phòng biểu diễn bên trong mang đậm phong cách cổ điển kiểu Ý. Ghế fauteil mạ vàng, bọc nhung đỏ. Sân khấu và khán đài được thiết kế một cách khoa học, mỗi hàng ghế chỉ chênh nhau nửa đầu người tạo cảm giác gần gũi giữa nghệ sĩ và khán giả. Mái vòm được họa sĩ Maurice Denis vẽ, khối đèn hiện đại bằng thủy tinh và kim loại, được gắn chính giữa mái vòm, là sản phẩm của nhà Baguès Paris nổi tiếng. Kiến trúc sư Jean-Loup Roubert cho biết thêm :
« Với bốn cặp cột song song, ở trong bốn góc khán phòng, những cột này không chỉ gánh trọng lực của khán phòng mà của cả toàn bộ nhà hát. Lần đầu tiên trong khán phòng có những ô ban công 8-10 mét mà không có cột chống, nhờ vậy mà khán giả có thể bao quát được toàn bộ mà tầm nhìn không bị chắn ».
Vào cuối thập niên 1960, nhà hát suýt bị biến thành xưởng sản xuất nước hoa trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nhờ bộ trưởng Văn Hóa André Malraux thời đó, tòa nhà được xếp hạng và được Quỹ kí gửi (Caisse des dépôts) mua lại với thời hạn 6 tháng nhưng cho đến nay vẫn thuộc sở hữu của tổ chức tài chính công này. Đến cuối những năm 1980, tòa nhà rộng 13.000 m2 được trùng tu lại hoàn toàn.
Chưa đầy một tháng sau lễ khánh thành Nhà hát Champs-Elysées, đến lượt khách sạn sang trọng Plaza Athénée chính thức mở cửa ngày 20/04/1913 ở số 25 avenue Montaigne, làm nơi trú chân của khán giả thượng lưu đến từ khắp nơi trên thế giới vào mùa biểu diễn của Nhà hát Champs-Elysées. Cả tòa nhà được thiết kế theo phong cách kiến trúc Haussann, đặc trưng của Paris. Mặt tiền được lát đá, cùng với những ô ban công nhỏ xinh nhô ra ngoài, nổi bật với mái che đỏ.
Từ 24 năm nay, người dân Paris và du khách có thể chiêm ngưỡng « Những cây thông Noel của các nhà thiết kế » (Les Sapins de Noel des créateurs), một triển lãm do hiệp hội cùng tên và Comité Montaigne tổ chức tại Plaza Athénée. Có 20 nhà thiết kế tham gia cuộc triển lãm năm 2019, từ ngày 22 đến 25/11. Tác phẩm của họ được bán đấu giá ngày 26/11 và số tiền được chuyển cho một hiệp hội, năm 2019 được trao cho công trình nghiên cứu chống bệnh ung thư.
Dior mở đường cho Avenue Montaigne trở thành phố thời trang
Christian Dior là người tiên phong mở cửa hiệu ở đại lộ Montaigne vào năm 1947. Nhà thiết kế người Pháp muốn thu hút giới khách hàng tiềm năng giầu có thường lui tới khách sạn Plaza Athénée và Nhà hát Champs-Elysées. Ông Philippe Le Moult, giám đốc quan hệ thể chế của thương hiệu Dior, giải thích (chương trình Des Racines et Des Ailes) :
« Ông chọn đại lộ Montaigne tại vì khi thành lập thương hiệu, Christian Dior muốn thiết kế trang phục cho những phụ nữ sang trọng nhất thế giới, trong đó có nhiều người trú ở khách sạn Athénée, gần như nằm ngay đối diện số 30 đại lộ Montaigne. Thế là ông thuê toàn bộ tòa nhà tư nhân này. Nhưng cần nhắc lại là biệt thự đã được xây năm 1865, theo yêu cầu của con trai hoàng đế Napoléon I với nữ bá tước Ba Lan Marie Walewsca.
Christian Dior rất yêu giai đoạn thế kỷ 18 và ông cũng rất nhạy cảm với phong cách kiến trúc không xa hoa, không phô trương. Ông bị thu hút với tất cả những gì tinh tế. Có thể nói đó là lý do tại sao ông lại có cảm tình ngay với tòa biệt thự nhỏ xinh, đậm chất Paris này ».
Trình diễn thời trang là ý tưởng của Christian Dior. Buổi trình diễn đầu tiên của nhà thiết kế được tổ chức ngay trên tầng 1 của tòa nhà. Sau đó, Christian Dior thường xuyên tổ chức trình diễn thời trang và chụp hình ở khách sạn Plaza Athénée. Đổi lại, ông thiết kế miễn phí nhiều mẫu mã cho khách sạn. Ông Philippe Le Moult cho biết tiếp :
« Vào đầu năm 1947, sau Thế Chiến II, trong khi người dân bị hạn chế chi tiêu rất nhiều, ví dụ như cần phải có tem phiếu để mua vài mét vải, thì những cuộc trình diễn thời trang của Dior, trong bầu không khí ảm đảm đó, đã mang lại điều gì đó xa hoa, với những chiếc chân váy dài thể hiện cho sự trở lại của nữ tính, của lịch lãm, và đó là những điều đó được phụ nữ Pháp trông đợi ».
Theo bước Christian Dior, nhiều nhà thiết kế khác đã mở cửa hàng ở đại lộ Montaigne, biến khu phố trở thành một trong ba cạnh của Tam giác Vàng (Triangle d’Or) huyền thoại về thời trang và thời thượng (cùng với đại lộ Champs-Elysées, George V).
Đại lộ Montaigne trở thành khu vực sáng tạo của giới thiết kế thời trang với ít nhất 70 thương hiệu nổi tiếng, nơi gặp gỡ của những nhân vật nổi tiếng, của giới thượng lưu và là một điểm du lịch ít nhất một lần phải đặt chân đến khi tới Paris. Cứ vào Chủ Nhật tháng 12 hàng năm, nhiều cửa hiệu mở cửa cho công chúng để người dân Paris và du khách có thể khám phá vẻ đẹp và bí ẩn của thương hiệu.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200103-avenue-montaigne-pho-nghe-si-va-nhung-thuong-hieu-noi-tieng
Áo: Đảng Xanh và đảng trung hữu ÖVP
liên minh cầm quyền
Trọng NghĩaNgoại trừ đột biến bất ngờ vào giờ chót, sắp tới đây nước Áo sẽ có một liên minh trung hữu và sinh thái lãnh đạo. Đảng trung hữu OeVP theo đường lối bảo thủ của thủ tướng mãn nhiệm Sebastian Kurz, vào tối hôm qua, 01/01/2020 đã đồng ý thành lập chính phủ liên hiệp với đảng Xanh, khép lại môt cuộc đàm phán gay go kéo dài gần 3 tháng.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 29/9/2019, đảng của ông Kurz giành chiến thắng nhưng chỉ được 37,5% phiếu bầu, do đó phải tìm kiếm một đối tác liên minh để có đa số tại Hạ Viện. Về phần mình đảng Xanh về thứ 4 với 13,9% phiếu bầu.
Đây là một liên minh chưa từng thấy tại nước Áo, kết hợp hai đảng chính trị có lập trường hoàn toàn khác nhau chỉ mới cách nay ba tháng. Đối với một số quan sát viên, liên minh này đã cho phép tránh được việc phe cực hữu trở lại nắm quyền tại Vienna như trong trường hợp chính phủ tiền nhiệm cũng của thủ tướng Kurz.
Từ thủ đô nước Áo, thông tín viên RFI Chistian Filitz phân tích :
Sau khi liên minh với đảng cực hữu FPÖ bị tan vỡ hồi tháng Năm vừa qua, cựu và có lẽ cũng là tân thủ tướng bảo thủ Sebastian Kurz, sẽ cầm quyền cùng với đảng Xanh. Ông gần như phải dung hòa hai thái cực, giữa đảng ÖVP trung hữu của ông với một đảng môi trường bên cánh tả.
Do vậy mà đã có 3 tháng đàm phán được mô tả là khó khăn để dẫn đến một chương trình hành động của tân chính phủ, một chương trình vẫn phải được đại hội toàn quốc của đảng Xanh phê chuẩn vào thứ Bảy tới đây.
Cho dù đã có những tiếng nói vang lên tố cáo một số điểm nhất định trong thỏa thuận liên hiệp, chẳng hạn như trong các vấn đề xã hội và di cư, dự kiến các đại biểu đảng Xanh sẽ tán thành kinh nghiệm tham chính chưa từng có này, nhất là khi đảng này có được một siêu bộ về môi trường, giao thông, năng lượng, công nghệ và phát minh kỹ thuật. Đó là chưa kể đến các bộ khác như bộ Tư Pháp, Xã Hội và Văn Hóa.
Về phần phe bảo thủ, đảng của ông Kurz vẫn giành quyền kiểm soát chính sách kinh tế và nhất là chính sách nhập cư rất khắt khe của họ, vốn bị phe sinh thái cực lực đả kích. Phe bảo thủ cũng nắm các bộ then chốt như Ngoại Giao, Quốc Phòng, và Nội Vụ.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200102-%C3%A1o-%C4%91%E1%BA%A3ng-xanh-v%C3%A0-%C4%91%E1%BA%A3ng-trung-h%E1%BB%AFu-%C3%B6vp-s%E1%BA%BD-li%C3%AAn-minh-c%E1%BA%A7m-quy%E1%BB%81n
Hợp tác quân sự Nga – Trung và khả năng tuần tra chung
giữa hai nước ở Biển Đông
Quan hệ hai nước Nga – Trung những năm qua, đã được đẩy lên đến mức như lãnh đạo hai nước này ca ngợi là “tốt đẹp chưa từng có” do những chia sẻ và tương hỗ về chiến lược. Các hoạt động hợp tác quân sự giữa hai nước được thường xuyên tổ chức, trong đó có cả các cuộc tập trận, tuần tra chung trên không và trên biển. Nhưng, theo các nhà phân tích chiến lược nhận xét, quan hệ giữa hai nước trên dù có “mặn mà” tới đâu thì cũng không thể trở thành đồng minh khi mà bản chất của mối quan hệ này chỉ là sự lợi dụng lẫn nhau cho tham vọng của mỗi nước. Vừa qua, ông Aleksandr Anatolievich Khramchikhin – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chính trị – quân sự Nga, đã có bài phân tích sâu về triển vọng hợp tác quân sự Nga – Trung và đưa ra đánh giá về khả năng hai nước này tiến hành tuần tra chung hải quân và không quân trên Biển Đông như họ đã từng thực hiện trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông hồi tháng 7/2019.Trước hết là về hợp tác quân sự giữa hai nước trong thời gian qua
Tháng 10/1993, Bộ Quốc phòng hai nước Nga và Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự. Đáng chú ý là trong nội dung thỏa thuận này không đề cập đến việc hai bên tiến hành các cuộc tập trận chung, cho dù trong 26 năm qua, đặc biệt là từ năm 2005 đến nay, hàng chục cuộc tập trận chung đã được tiến hành. Thỏa thuận hợp tác trên chủ yếu hướng đến việc phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự. Vào thời điểm đó, Trung Quốc sẵn sàng chi nhiều tiền để sở hữu những công nghệ quân sự mới nhất của Nga.
Tháng 12/2005, hai bên đã thông qua kế hoạch hợp tác cho năm tiếp theo. Theo đó, danh sách các hình thức hợp tác quân sự từng bước được mở rộng; thỏa thuận bổ sung về những vấn đề riêng biệt cũng đã được hai bên ký kết, trong đó có quy chế về sự hiện diện quân đội tại các vùng lãnh thổ của nhau có hiệu lực từ năm 2007. Đến năm 2017, theo sáng kiến của Moskva, hai bên đã ký kết lộ trình hợp tác quân sự đến năm 2020.
Đến nay, hai bên vẫn chưa hình thành các thủ tục pháp lý cần thiết mang tính ràng buộc cho các hình thức hợp tác mới, như tập trận chung quy mô lớn, tham vấn về các vấn đề chiến lược và phòng thủ tên lửa, cũng như các dự án phát triển vũ khí chung. Tuy nhiên, điều này không có ý nghĩa đáng kể vì hợp
tác quân sự Trung – Nga phần lớn chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền và khuếch trương hình ảnh, đồng thời kích thích sự chú ý của Mỹ. Với Moskva hay Bắc Kinh, mối quan hệ với Mỹ luôn quan trọng hơn quan hệ Trung – Nga. Liên minh tiềm tàng Nga – Trung hay Trung – Nga đều nhằm mục đích gián tiếp tạo áp lực đối với Mỹ để đạt được nhượng bộ nào đó từ phía nước này trong những vấn đề cụ thể. Do đó, cả hai bên (Nga, Trung), đặc biệt là Trung Quốc, thường xuyên nhấn mạnh rằng quan hệ giữa họ không mang tính chất liên minh quân sự và không hướng đến việc chống lại nước thứ 3.
Năm 2014, sau sự kiện Crimea, giữa Nga và phương Tây, đứng đầu là Mỹ, bắt đầu xuất hiện sự đối đầu quân sự – chính trị gay gắt. Ngay sau đó, Moskva bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến việc thành lập một liên minh thực tế với Bắc Kinh. Đặc biệt, chính Moskva đã nêu sáng kiến về lộ trình hợp tác quân sự mới. Tuy nhiên, Bắc Kinh không có bất kỳ sự ủng hộ hay hỗ trợ thực tế nào dành cho Moskva trong 3 năm đầu kể từ năm 2014. Đến năm 2017, sau khi Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, quan hệ Trung – Mỹ bắt đầu xấu đi và Bắc Kinh mới thể hiện sự chú ý nhất định tới sáng kiến của Nga và lên tiếng ủng hộ những vấn đề riêng biệt mà Moskva mong muốn. Cũng từ đó, Bắc Kinh mới thực sự quan tâm đến khả năng liên minh quân sự – chính trị với Nga.
Về lôgích, không thể tránh khỏi việc hình thành một cơ chế cho các hình thức hợp tác quân sự Trung – Nga như tập trận chung hải quân, phòng không, tham gia các cuộc tập trận chiến lược của nhau, nhưng đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có Quân đội Trung Quốc tham gia tập trận tại Nga, trường hợp ngược lại chưa xảy ra. Hai bên cũng dự tính lên kế hoạch chiến lược chung cho những hình thức hợp tác khác như tuần tra chung không quân, tuần tra chung bằng tàu chiến trên biển, phòng thủ tên lửa, xây dựng hệ thống định vị chung và phát triển bộ tiêu chuẩn chung về quân sự (có thể tương tự với NATO nhưng quy mô hẹp hơn).
Mặc dù vậy, hợp tác quân sự Nga – Trung vẫn tồn tại những hạn chế thực sự, trong đó vấn đề cốt yếu nhất vẫn là thiếu niềm tin lẫn nhau. Ngoài ra, Trung Quốc hoàn toàn không muốn vì lợi ích chung với Nga mà tranh cãi với các nước châu Âu, còn Nga không muốn vì lợi ích của Trung Quốc mà xung đột với các nước châu Á có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Do vậy, có thể thấy đối thủ chung duy nhất với liên minh quân sự tiềm năng Trung – Nga là Mỹ, và có thể là cả Nhật Bản. Trung Quốc và Nga buộc phải xác định rõ ràng mục tiêu hợp tác quân sự giữa họ là Mỹ và Nhật Bản, chứ không phải các nước châu Âu và châu Á khác. Tuy nhiên, việc định hình quan hệ hợp tác cũng không mang tính tuyệt đối vì ngay cả Moskva và Bắc Kinh cũng hoàn toàn không muốn bất đồng gay gắt với Mỹ và Nhật Bản.
Có hai vấn đề nổi lên trong hợp tác quân sự giữa hai nước trong thời gian qua khi lực lượng không quân của hai nước đã thực hiện tuần tra chung, mặc dù hoạt động tuần tra đó không mang nhiều ý nghĩa về mặt quân sự. Đó là:
Vấn đề thứ nhất, một trong những hình thức hợp tác mới giữa hai nước Nga – Trung cần được đánh giá toàn diện là tuần tra chung bằng máy bay chiến đấu mà mới đây hai nước đã tiến hành ở vùng Viễn Đông, gây ra nhiều ồn ào trong dư luận.
Vấn đề thứ hai, dưới góc nhìn của các chuyên gia quân sự, cuộc tuần tra chung Nga – Trung bằng máy bay ném bom và máy bay cảnh báo tầm xa diễn ra trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông cuối tháng 7/2019 vừa qua cũng hoàn toàn không có ý nghĩa gì về mặt quân sự. Bởi vì, các máy bay ném bom Tu-95MS và máy bay cảnh báo tầm xa A-50 của Nga, cũng như các máy bay ném bom H6K của Trung Quốc trong trường hợp chiến tranh thực tế xảy ra không có khả năng hành động độc lập trong không phận trên vùng biển quốc tế, đặc biệt là ở khu vực gần lãnh thổ đối phương mà không có lực lượng tiêm kích đủ mạnh bảo vệ. Máy bay Tu-95MS có phương tiện tác chiến điện tử mạnh, có thể gây nhiễu tên lửa đối không của đối phương, nhưng chúng có thể bị bắn hạ không mấy khó khăn bằng súng máy của máy bay tiêm kích đối phương, đặc biệt là bắn vào động cơ. Máy bay Tu-95MS và H-6K được ví là các thùng chứa tên lửa vì chúng mang theo số lượng lớn các tên lửa tầm xa có thể trang bị đầu đạn hạt nhân. Trong tác chiến, chúng sẽ phóng tên lửa hoặc từ vùng không phận của nước mình, hoặc từ vùng trung lập, nhưng cách xa lãnh thổ đối phương và phải được tiêm kích bảo vệ. Ví dụ, nếu Nga thực hiện tấn công bằng tên lửa vào Nhật Bản, thì họ sẽ lựa chọn phương án phóng tên lửa từ bên trong lãnh thổ nước mình. Còn nếu tấn công vào Hawai hay Guam, thì họ sẽ phải phóng tên lửa từ lãnh thổ một nước trung lập. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, các máy bay Nga sẽ không bao giờ sử dụng đường bay như đã phô diễn trong cuộc tuần tra mới đây với Không quân Trung Quốc.
Như vậy, các cuộc tuần tra vừa qua chỉ mang ý nghĩa biểu tượng chính trị, chính xác hơn là chỉ có tính tuyên truyền, phô trương lực lượng là chủ yếu. Cũng chưa rõ là Nga và Trung Quốc cố ý hay chỉ tình cờ khi đi vào Vùng nhận dạng phòng không mà phía Hàn Quốc tuyên bố là của họ, nhưng điều này cũng không quan trọng. Có thể nói, hiệu ứng tuyên truyền đã đạt được, đặc biệt khi tính đến phản ứng từ phía
Hàn Quốc và Nhật Bản. Cũng không rõ liệu Moskva và Bắc Kinh có tính đến hiệu ứng như trên với Seoul hay không. Và cũng không hiểu liệu họ có đạt được hiệu ứng cần thiết với Washington, đối tượng chính của cuộc tuần tra mang tính phô trương này hay không, nhưng rõ ràng là không có phản ứng nào đáng kể từ phía Mỹ.
Hoàn toàn có khả năng là cuộc tuần tra tiếp theo sẽ được thực hiện xung quanh Nhật Bản (các máy bay Nga đã thực hiện các đường bay này nhiều lần). Vấn đề ở đây là các máy bay H-6K sẽ không đủ khả năng hoạt động ở tầm bay như vậy (H-6K tầm bay 6.000km, trong khi Tu-95MS là 10.300km). Không loại trừ khả năng các bên sẽ tiến hành tiếp dầu cho H-6K tại một trong các sân bay của Nga ở vùng Viễn Đông. Điều này cũng sẽ góp phần tạo hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ hơn.
Cũng có khả năng hai bên sẽ thực hiện chuyến bay chung và cho các máy bay của mình cùng ném bom về phía Guam. Về lý thuyết, cũng không thể loại trừ chuyến bay chung của Nga và Trung Quốc quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng một chuyến bay như vậy sẽ mang tính can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Không rõ liệu Moskva có cần thiết phải hành động như vậy hay không cho dù chính Bắc Kinh mời họ can thiệp. Mặc dù Moskva không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, nhưng quan hệ kinh tế vẫn diễn ra bình thường và Moskva chẳng có lý do gì lại muốn tấn công Đài Loan. Trong khi đó, Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan bằng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa không đối đất từ bên trong lãnh thổ của mình, chứ không thể phó mặc sự an toàn của các máy bay ném bom H-6K trước các máy bay tiêm kích của đối phương. Do vậy, Đài Loan có thể không phải là mục tiêu chính của chuyến bay tuần tra chung vừa diễn ra trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông. Mục tiêu chính của cuộc tuần tra chung trước hết là Mỹ, tiếp theo là Nhật Bản; hoàn toàn không có nước thứ ba nào khác được tính đến.
Tiếp theo, các cuộc tuần tra chung ở vùng lãnh hải gần Nam Cực và Đại Tây Dương cũng là thiếu thực tế, bởi các máy bay ném bom của Trung Quốc không thể đáp ứng mục tiêu này. Ngày càng có nhiều người nghi ngờ rằng, Moskva sẵn sàng đi xa hơn trong hợp tác quân sự với Trung Quốc theo hướng này. Tuy nhiên, Trung Quốc không dễ gì lựa chọn tiến hành một cuộc tuần tra chung với Nga ở Đại Tây Dương vì điều này sẽ là hành động khiêu khích trực tiếp đối với các nước Tây Âu – đối tác thương mại quan trọng nhất của Bắc Kinh, đồng thời là điểm kết thúc của “Con đường tơ lụa” hiện đại mà Trung Quốc đang muốn xây dựng. Một cuộc phô trương lực lượng một cách vô nghĩa sẽ không thể đánh đổi bằng một dự án tham vọng thế kỷ mà Bắc Kinh đang cố đạt được.
Thứ hai, về khả năng tiến hành tuần tra bằng tàu chiến trên Biển Đông của hai nước Nga – Trung
Các cuộc tuần tra chung của các máy bay Nga – Trung trên Biển Đông về lý thuyết là có thể xảy ra, nhưng thực tế lại càng ít khả thi hơn so với cuộc tuần tra quanh Đài Loan. Cuộc tuần tra như vậy hoàn toàn khác với cuộc tập trận phối hợp hải quân năm 2016 và nó sẽ khẳng định rằng, Moskva đứng về phía Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp chủ quyền xung quanh Biển Đông – điều mà Moskva đến nay vẫn cố tránh. Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, Moskva không có ý muốn, dù là nhỏ nhoi, tranh cãi với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam – đồng minh lâu năm nhất của họ ở khu vực.
Khả năng cao là Hải quân Trung Quốc và Nga có thể tiến hành các cuộc tuần tra chung (không phải tập trận chung) ở Tây Ấn Độ Dương. Lực lượng hải quân của hai nước hiện đang tiến hành sứ mệnh chống cướp biển trong khu vực, nhưng là hành động độc lập. Về lý thuyết, không có gì cản trở họ cùng tiến hành các sứ mệnh chung này. Tuy nhiên, nếu xét đến tần suất hoạt động thấp của cướp biển Somali thì việc phô trương lực lượng thái quá giữa hai cường quốc hàng đầu cũng là không cần thiết. Do đó, hoạt động tuần tra chung nếu có diễn ra cũng chỉ nhằm đạt mục tiêu chính trị, chưa kể nó có thể truyền đi thông điệp khó hiểu với các đối tác truyền thống của hai nước ở vịnh Persia và các khu vực lân cận.
Một cuộc tuần tra chung bằng tàu chiến tại biển Nhật Bản và biển Hoa Đông là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, ít có khả năng một cuộc tuần tra chung như vậy sẽ được tiến hành tại Biển Đông hoặc các vùng biển gần châu Âu vì những lý do như đã phân tích ở trên. Ngoài ra, cần phải nhớ rằng, năm 2015, Hải quân Nga và Trung Quốc đã tiến hành tập trận chung ở biển Địa Trung Hải, nhưng sau đó các tàu chiến Trung Quốc cũng tham gia cuộc tập trận tương tự tại vùng biển này với các nước thành viên Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cùng trong năm này, các tàu chiến Trung Quốc đã tham gia tập trận chung với Nga ở Kronstadt, bên vịnh Phần Lan, nhưng sau đó các tàu chiến này lại rẽ vào cảng Helsky và Riga để thực hiện các chuyến thăm hữu nghị. Năm 2017, tàu chiến Trung Quốc đã tham gia tập trận chung với tàu chiến các nước Italia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải. Như vậy, Trung Quốc đã chứng tỏ rằng, họ sẽ không bao giờ thực hiện bất kỳ cuộc tập trận chung nào với Nga nhằm mục đích chống lại các nước châu Âu. Trong khi đó, quan hệ của Trung Quốc với các nước EU không hề xấu như quan hệ của Nga với EU.
Có thể khẳng định rằng, cuộc tuần tra chung dù là hải quân hay không quân hoàn toàn không có ý nghĩa về mặt quân sự, mà chỉ mang tính chính trị thuần túy. Lý do cho cách ứng xử của Moskva và Bắc Kinh là các quyết định chính trị cũng sẽ chịu sự chi phối của lợi ích chính trị của các bên. Lợi ích này không phải lúc nào cũng tương đồng và sẽ trở thành yếu tố hạn chế việc tiến hành các hoạt động tương tự trong tương lai.
Dự báo, hợp tác quân sự Nga – Trung trong thời gian tới sẽ được hoạch định kỹ lưỡng hơn về mặt pháp lý và mang tính ràng buộc. Tuy nhiên, sẽ khó có thể triển khai các hình thức hợp tác mới ngoài những gì đã có. Không có gì nghi ngờ về tính chất của sự hợp tác này là vẫn nặng về tuyên truyền, phô trương hình ảnh là chính. Hai bên có thể tiến hành các hoạt động nhắm đến các hiệu ứng bề nổi, nhưng sẽ không có ý nghĩa thực tế. Vì thế, xuất phát từ nhiều lý do của cả hai bên, nhất là Nga, nên khả năng việc Nga sẽ phối hợp với Trung Quốc để tuần tra chung ở Biển Đông là khó có thể xảy ra, dù rằng điều này là việc Trung Quốc rất mong muốn nhằm lôi kéo Nga trong việc ủng hộ các chính sách và hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/32418-hop-tac-quan-su-nga-trung-va-kha-nang-tuan-tra-chung-giua-hai-nuoc-o-bien-dong.html
Iran sắp tập trận chung trên biển với Nga, TQ
Lực lượng vũ trang của Iran sẽ tổ chức một đợt diễn tập hàng hải trong 4 ngày cùng Nga và Trung Quốc ở vùng biển phía bắc Ấn Độ dương, một phát ngôn viên của Iran cho biết.Chiến dịch bắt đầu từ thứ Bảy tuần này sẽ là cuộc diễn tập ba bên lần đầu tiên diễn ra khi Tehran muốn thúc đẩy hợp tác quân sự với Bắc Kinh và Mátxcơva trong bối cảnh phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có từ Washington. Các chuyến thăm của hải quân Trung Quốc và Nga đến Iran cũng gia tăng trong những năm gần đây.
Phát ngôn viên quân đội Iran, Tướng Abolfazl Shekarchi, cho biết chiến dịch diễn tập chung nhằm bảo đảm an ninh khu vực, diễn ra trên khu vực phía bắc Ấn Độ dương và mở rộng đến biển Oman. Cuộc diễn tập được cho là để đáp trả đợt tập trận gần đây của Mỹ cũng đồng minh khu vực là Ả-rập Xê-út mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Vùng Vịnh, bao gồm các vụ tấn công vào tàu chở dầu và vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào nhà máy dầu của Ả-rập Xê-út, Mỹ đã cử thêm lực lượng đến khu vực và triển khai thêm hệ thống phòng thủ tên lửa đến Ả-rập Xê-út.
Washington cáo buộc Iran gây ra vụ tấn công nhà máy dầu và một giếng dầu của Ả-rập Xê-út hồi tháng 9, khiến giá dầu thế giới tăng với tỷ lệ cao nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Dù phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen nhận trách nhiệm tấn công, Ả-rập Xê-út nói rằng hành động đó “không có gì phải nghi ngờ rằng cuộc tấn công được Iran hậu thuẫn”.
Iran bác bỏ và cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công trả đũa nào nhằm vào họ cũng sẽ dẫn tới “chiến tranh tổng lực”. Trong khi đó, Iran cũng bắt đầu làm giàu urani vượt khỏi giới hạn đề ra trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà họ nhất trí với các cường quốc thế giới nhưng Mỹ đơn phương rút ra.
Năm 2017, Iran tiến hành một cuộc diễn tập hàng hải chung với Trung quốc gần eo biển Hormuz chiến lược trên vịnh Ba Tư, nơi gần 1/3 lượng dầu thế giới tiêu thụ được vận chuyển qua.
http://biendong.net/doc-bao-viet/32355-iran-sap-tap-tran-chung-tren-bien-voi-nga-tq.html
Dân quân được Iran hậu thuẫn
rút khỏi đại sứ quán Mỹ ở Baghdad
Tình hình tại đại sứ quán Mỹ ở Baghdad hôm 2/1 đã lắng dịu hơn sau khi các nhóm bán quân sự được Iran hậu thuẫn rút đi, kết thúc hai ngày biểu tình phản đối các cuộc không kích của Mỹ nhắm vào một nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn.Các cuộc không kích nhắm vào nhóm Kataeb Hezbollah ở Iraq và Syria được thực hiện để đáp trả việc giết hại một nhân viên hợp đồng Mỹ trong một cuộc tấn công bằng rocket trước đó.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cáo buộc thủ lĩnh của Kataeb Hezbollah và những người khác mà ông gọi là “khủng bố” vì đã dàn dựng cuộc tấn công vào đại sứ quán ở Baghdad.
XEM THÊM:
Ngoại trưởng Mỹ hoãn tới Ukraine, tập trung vào tình hình ở Iraq
Các dịch vụ về lãnh sự đã bị đình chỉ và Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo công dân Hoa Kỳ tránh xa khu vực đại sứ quán.
Đặc sứ của Mỹ về Iran Brian Hook hôm 1/1 nói với kênh truyền hình CNN rằng “các nhà ngoại giao vẫn an toàn và đại sứ quán cũng vậy”.
Trong khi đó, lãnh tụ tối cao của Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei, lên án các cuộc tấn công của Mỹ trong một bài phát biểu trên truyền hình nhà nước.
Ông Khamenei tuyên bố rằng Tehran không dính líu tới các cuộc biểu tình ở Baghdad và lên án lời đe dọa đầu năm mới của Tổng thống Trump rằng Iran “sẽ phải trả giá đắt”.
https://www.voatiengviet.com/a/d%C3%A2n-qu%C3%A2n-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-iran-h%E1%BA%ADu-thu%E1%BA%ABn-r%C3%BAt-kh%E1%BB%8Fi-%C4%91%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A9-qu%C3%A1n-m%E1%BB%B9-%E1%BB%9F-baghdad/5229159.html
Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị đưa quân vào Libya
giúp chính phủ Tripoli
Anh VũHôm nay, 02/01/2020, Nghị Viện Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thảo luận để thông qua nghị quyết cho phép triển khai quân đội sang Libya.
Đây là bước tiếp theo, sau thỏa thuận quân sự được tổng thống Recep Tayyip Erdogan ký với thủ tướng Libya Fayez El-Sarraj hồi cuối tháng 11/2019 nhằm tăng cường ủng hộ chính phủ tại Tripoli đối phó với cuộc tấn công của thống chế Khalifa Hafta, đang kiểm soát phần đông của Libya và được nhiều nước phương Tây cũng như Ả Rập hậu thuẫn.
Thông tín viên RFI tại Istanbul, Anne Andlauer tường trình :
Nghị quyết đưa ra thảo luận để bỏ phiếu tại Nghị Viện Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay đã mô tả cuộc tấn công chống chính phủ đoàn kết dân tộc Libya ở thủ đô Tripoli là mối đe dọa các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng Địa Trung Hải và Bắc Phi.
Cũng vì lý do đó mà tổng thống Recep Tayyip Erdogan biện minh trước người dân Thổ về ý định triển khai quân tại Libya, trên bộ, trên biển và trên không nếu cần thiết, theo nguyên văn lời của nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Libya là thách thức tầm khu vực. Không có chuyện bỏ trận địa về quân sự cũng như ngoại giao cho những nước mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là đối thủ và những nước chọn ủng hộ lực lượng của Khalifa Haftar. Nêu tên các nước như Ai Cập và nhất là Ả Rập Xê Út, cách đây ít hôm, ông Erdogan nói : Họ đến Libya để làm cái gì ?.
Việc vươn rộng sức mạnh Thổ Nhĩ Kỳ ra bên ngoài còn nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế và chiến lược lớn. Ankara lẽ ra sẽ không bao giờ ký được thỏa thuận hợp tác quân sự với chính phủ hiện nay tại Tripoli, nếu chính phủ này không đồng ý ký cùng lúc một thỏa thuận về hàng hải.
Hiệp định đó cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có quyền lợi trong một vùng rộng lớn ở phía đông Địa Trung Hải, nơi có nguồn dầu khí dồi dào nhưng đang có tranh chấp với các nước Hy Lạp, Ai Cập, Chypre và Israel.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200102-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-chu%E1%BA%A9n-b%E1%BB%8B-%C4%91%C6%B0a-qu%C3%A2n-v%C3%A0o-libya-gi%C3%BAp-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-tripoli
Trốn khỏi Nhật Bản,
ông Carlos Ghosn nay bị Interpol truy nã
Lebanon đã nhận được “thông báo đỏ” từ Interpol, theo đó yêu cầu bắt giữ cựu sếp Nissan vừa đào tẩu, ông Carlos Ghosn.Yêu cầu đã được các lực lượng an ninh nội vụ của Lebanon nhận vào hôm thứ Năm và vẫn chưa qua trình tự tòa án, hãng tin Reuters tường thuật.
Ông Ghosn, người đang phải đối diện với phiên xử tại Nhật Bản với các cáo buộc sai phạm tài chính, đã tới Beirut vào ngày cuối năm, 31/12/2019.
Nhật đau đầu phi vụ cựu sếp Nissan bỏ trốn
Cựu chủ tịch Nissan trốn khỏi Nhật đến Lebanon
Nhật Bản chính thức khởi tố cựu chủ tịch Nissan
Tin tức nói chiếc phi cơ riêng đưa ông đào thoát đầu tiên đã đáp xuống Istanbul, khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ nay mở cuộc điều tra.
Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, bảy vụ bắt giữ đã được tiến hành liên quan tới vụ việc, gồm bốn phi công, một quan chức quản lý công ty vận tải và hai nhân viên sân bay.
“Thông báo đỏ” của Interpol là văn bàn đòi cảnh sát trên toàn thế giới phải bắt giữ tạm thời một người đang chờ bị dẫn độ, trao nộp hoặc phải chịu một hành động pháp lý nào khác tương tự thế.
Tuy nhiên, Lebanon không có hiệp định dẫn độ với Nhật Bản.
Doanh nhân bỏ trốn mang các quốc tịch Pháp, Lebanon và Brazil, và đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực ngân hàng và bất động sản tại Lebanon.
Pháp nói sẽ không dẫn độ nếu như ông Ghosn tới Pháp.
Ông Ghosn hồi tháng Tư năm ngoái đã nộp 1 tỷ yen (gần 9 triệu đô la Mỹ) thế chân để được tại ngoại hầu tra ở Nhật, trước khi diễn ra phiên xử.
Khi tới Lebanon ông nói ông đã “thoát khỏi sự bất công và đàn áp chính trị”.
Kết quả điều tra mới nhất
Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, chiếc phi cơ tư nhân chở ông Ghosn đã hạ cánh tại sân bay Ataturk của Istanbul vào lúc 05:30 (02:30 GMT) hôm thứ Hai, sau khi ra khỏi Nhật từ sân bay Kansai ở Osaka.
Trang tin Hurriyet dẫn lời các quan chức Bộ Nội vụ nước này nói cảnh sát biên phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã không được thông báo về việc ông Ghosn có mặt trên chiếc phi cơ, và ông không hề được ghi nhận là đã vào hoặc ra khỏi nước này.
Tuy nhiên, hiện chưa có lời bình luận chính thức nào về vụ việc.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Agnès Pannier-Runacher nói ông Ghosn “không nên lẩn tránh hệ thống tư pháp Nhật”, nhưng nói thêm rằng “Pháp không bao giờ dẫn độ công dân của mình.”
Ông Ghosn, người cũng từng là sếp của hãng sản xuất xe hơi Pháp Renault, đã bị điều tra tại Pháp nhưng không có cáo buộc nào được đưa ra đối với ông.
Hành trình đào tẩu
Truyền thông Pháp và Nhật nói rằng có thể có một cuốn hộ chiếu thứ tư, là cuốn mà ông Ghosn có thể đã dùng để vào Lebanon.
Ba cuốn hộ chiếu khác, gồm hộ chiếu Brazil, Pháp và Lebanon, đã được nộp cho nhóm luật sư của ông ở Nhật, những người nói rằng họ vẫn giữ chúng khi ông rời khỏi Nhật.
Các tường thuật nói rằng có thể ông vẫn sở hữu hợp pháp cuốn hộ chiếu thứ tư, là cuốn ông dùng khi đi lại ở trong nước Nhật.
Tuy nhiên, nó lẽ ra phải nằm trong một hộp khóa kín, và các luật sư của ông lẽ ra phải có mã code hộp đó.
Không có hồ sơ nào cho thấy ông Ghosn đã rời khỏi Nhật, cho nên các nhà điều tra tin rằng ông đi bằng cách bất hợp pháp.
Reuters hôm thứ Năm dẫn các nguồn thân cận với ông Ghosn, nói ông quyết định bỏ chạy sau khi biết rằng phiên tòa xử ông bị hoãn cho tới tháng 4/2021.
Tin tức nói ông cũng bị “căng thẳng” do bị cấm liên lạc với vợ, bà Carole hiện đang ở Lebanon.
Có các tường thuật nói ông Ghosn đã trốn thoát bằng cách trốn vào một thùng đựng đàn, tuy nhiên vợ ông nói rằng đó là chuyện “tưởng tượng”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50973511
Vụ Carlos Ghosn trốn chạy:
Interpol vào cuộc, Thổ Nhĩ Kỳ mở điều tra
Trọng NghĩaSự kiện cựu lãnh đạo tập đoàn Renault-Nissan Carlos Ghosn bất ngờ trốn khỏi Nhật Bản, nơi ông bị quản chế, để bay về Liban hôm 30/12/2019 qua ngã Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp tục gây chấn động.
Cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol hôm nay 02/01/2020 chính thức nhập cuộc, ban hành lệnh truy nã quốc tế, trong lúc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã cho mở điều tra về vụ phi cơ riêng của ông Ghosn đã quá cảnh Istanbul trên đường từ Nhật bay về Liban.
Theo bộ trưởng Tư Pháp Liban, nước ông vừa nhận được thông báo truy nã quốc tế do cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol ban hành, nhắm vào ông Carlos Ghosn. Bộ phận công tố Liban vào sáng sớm hôm nay 02/01 đã nhận được lệnh truy nã quốc tế của Interpol, còn gọi là Thông Báo Đỏ, về trường hợp ông Ghosn.
Thông Báo Đỏ là yêu cầu của Interpol đối với các cơ quan chấp pháp trên toàn thế giới, đề nghị các nước truy tầm một kẻ chạy trốn đang bị một hay nhiều quốc gia truy nã.
Việc chính quyền Liban bắt giữ ông Ghosn được cho là ít có khả năng xẩy ra. Một nguồn tin từ phủ tổng thống Liban ngay từ đầu đã xác định với hãng tin Pháp AFP rằng nhân vật này đã nhập cảnh Liban “một cách hợp pháp”, với một hộ chiếu Pháp và một thẻ căn cước Liban.
Carlos Ghosn có ba quốc tịch : Pháp, Liban và Brazil.
Thổ Nhĩ Kỳ điều tra vụ phi cơ chở ông Ghosn quá cảnh Istanbul
Theo đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ NTV ngày 02/01/2019, cảnh sát nước này mở cuộc điều tra về vụ cựu lãnh đạo tập đoàn Renault Nissan đã quá cảnh Istanbul trên đường trốn từ Nhật Bản qua Liban. Nhiều người đã bị câu lưu trong khuôn khổ cuộc điều tra.
Riêng tại Nhật Bản, cuộc điều tra về vụ chạy trốn cũng tăng tốc. Các công tố viên vào hôm nay đã khám soát ngôi nhà ông Ghosn cư ngụ tại Tokyo sau khi ông vi phạm lệnh quản chế và bỏ trốn về Liban. Truyền thông Nhật Bản đã chiếu cảnh các nhân viên điều tra tiến vào ngôi nhà được dùng là nơi cư trú thứ ba của ông Ghosn tại Tokyo kể từ khi ông bị bắt lần đầu cách đây một năm. Cả ba nơi cư trú của đương sự đều bị khám soát.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200102-v%E1%BB%A5-carlos-ghosn-%C4%91%C3%A0o-tho%C3%A1t-interpol-v%C3%A0o-cu%E1%BB%99c-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-m%E1%BB%9F-%C4%91i%E1%BB%81u-tra
Nhật làm luật xài linh kiện nội địa,
chống ảnh hưởng của TQ
Tokyo đang lên kế hoạch đề xuất dự luật khuyến khích công ty nước này dùng linh kiện nội địa trong các thiết bị công nghệ cao, nhằm tăng sức cạnh tranh, và chống ảnh hưởng của Trung Quốc ở các dự án liên quan tới an ninh.Thông tin do tờ Yomiuri Shimbun đưa ngày 1-1, khẳng định Chính phủ Nhật nhiều khả năng sẽ giới thiệu dự luật này tại phiên họp thường kỳ của cơ quan lập pháp nước này.
Nhật báo Yomiuri không đề cập tới việc tờ báo đã lấy tin từ đâu, nhưng cho biết chính phủ đang muốn luật trên có hiệu lực vào mùa hè năm nay.
Tờ báo nói chính quyền Tokyo đang dự định ra những điều khoản ưu đãi ban đầu với việc giới thiệu thiết bị viễn thông 5G và máy bay không người lái.
Dự luật trên được biết sẽ cho công ty tư nhân nộp đơn xin trợ cấp thuế hoặc viện trợ từ chính phủ, khi xây dựng, lắp đặt thiết bị công nghệ cao. Đơn sẽ được đánh giá dựa trên các yếu tố gồm an toàn, khả năng cung ứng và cạnh tranh quốc tế.
Đây là động thái có thể khiến Trung Quốc phải chú ý. Trước đây Bắc Kinh từng khẳng định những quy định hạn chế đối với công nghệ Trung Quốc có thể sẽ làm tổn hại quan hệ song phương.
Đầu năm nay, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm cấp nhà nước. Nếu chuyến thăm diễn ra như dự kiến, đây được xem là thời điểm để ông Abe khôi phục mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, vốn nguội lạnh từ ngày ông Abe lãnh đạo Nhật năm 2012.
Câu chuyện về công nghệ Trung Quốc cũng là tâm điểm trên chính trường thế giới trong năm 2019, với việc Công ty Huawei bị Mỹ đưa vào tầm ngắm vì lý do an ninh. Washington đã liên tục kêu gọi các đồng minh cùng tẩy chay công nghệ của Huawei.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/32401-nhat-lam-luat-xai-linh-kien-noi-dia-chong-anh-huong-cua-tq.html
Tổng tham mưu trưởng QĐ Đài Loan chết
trong tai nạn trực thăng
Tổng tham mưu trưởng quân đội Đài Loan, tướng Thẩm Nhất Minh (Shen Yi-ming), nằm trong số tám người thiệt mạng khi chiếc máy bay trực thăng quân sự chở ông và 12 người khác gặp sự cố, phải hạ cánh khẩn cấp ở khu vực đồi núi, giới chức Đài Loan cho biết.Chiếc Black Hawk đang chở tướng Thẩm Nhất Minh và 12 người khác đến một căn cứ quân sự ở phía đông bắc Đài Loan thì buộc phải hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu gần thủ đô Đài Bắc hôm 2/01/2020.
Đại tướng Thẩm là Tổng tham mưu trưởng, chịu trách nhiệm giám sát hệ thống phòng thủ của Đài Loan trước Trung Quốc.
Sinh năm 1957, ông từng tốt nghiệp Học viện Không quân (Air War College – AWC) ở Hoa Kỳ và làm tư lệnh không quân Đài Loan trước khi lên làm Tổng tham mưu trưởng.
Các báo cáo trước đó cho hay, một số người đã được tìm thấy vẫn còn sống, còn những người khác “bị mắc kẹt dưới những mảnh vỡ của trực thăng”.
Đài Loan diễn tập ‘chống quân xâm lược’
Lãnh đạo Đài Loan từ chối đề nghị thống nhất của Trung Quốc
Đài Loan: Hàn Quốc Du và Thái Anh Văn tranh chức tổng thống
Chỉ 3% người Đài Loan muốn ‘về với Trung Quốc’
Nhiều sĩ quan cao cấp
Theo truyền thông Đài Loan, một số sĩ quan cao cấp khác cũng có mặt trên trực thăng.
Máy bay trực thăng cất cánh từ căn cứ không quân Tùng Sơn ở Đài Bắc lúc 07:54 giờ địa phương (23:54 GMT), đến một căn cứ quân sự tại Dong’ao ở quận Nghi Lan (Yilan) để thị sát, Focus Taiwan cho biết.
Máy bay đã hạ cánh khẩn cấp sau khi mất liên lạc với các cơ quan hàng không lúc 08:22, Bộ Quốc phòng cho biết.
Cùng có mặt trên chiếc trực thăng với đại tướng Thẩm Nhất Minh còn có thiếu tướng Vu Thân Văn, Phó chủ nhiệm Cục Chiến tranh Chính trị, thiếu tướng Hoàng Hựu Dân, Phó Chủ nhiệm Cục Quân giới, Thiếu tướng Tào Tiến Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng phụ trách thông tin điện tử, thiếu tướng Hồng Hồng Quân, và một phóng viên của truyền thông quân đội, ông Trần Ánh Trúc.
Không quân Đài Loan đã gửi thêm hai máy bay trực thăng Black Hawk cùng khoảng 80 binh sĩ đến hiện trường gần Tonghou Creek ở Ô Lai (Wulai), Hãng Thông tấn Trung ương của Đài Loan đưa tin.
Một đội tìm kiếm và cứu hộ đã cố gắng tiếp cận hiện trường nhanh nhất có thể, nhưng gặp khó khăn do địa hình phức tạp, một quan chức nói với BBC.
Hoa Kỳ đã bán 60 máy bay trực thăng UH-60M Black Hawk trong năm 2010. Không rõ liệu chiếc trực thăng gặp sự cố hôm thứ Năm có phải là một trong số đó không.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, người đang nuôi hy vọng tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào ngày 11/1 tới, đã hủy hoạt động vận động tranh cử vào thứ Năm.
Đối thủ chính trị chính của bà Thái là ông Hàn Quốc Du của Quốc Dân Đảng, vốn có quan điểm muốn thắt chặt hơn quan hệ với Trung Quốc.
Bà Thái Anh Văn gần đây đã lên tiếng bác bỏ mô hình “một quốc gia hai chế độ” mà Bắc Kinh nêu ra cho Đài Loan.
Giới quan sát tin rằng, nếu bà Thái Anh Văn thắng cử, Đài Loan sẽ càng xa Trung Quốc và căng thẳng xuyên eo biển Đài Loan có thể gia tăng trong năm nay.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50971229
‘Gương mặt đẹp nhất 2019′ Chu Tử Du
từng phải xin lỗi TQ
Chu Tử Duy, ngôi sao K-pop gốc Đài nhận danh hiệu ‘Mặt đẹp nhất 2019′ chính là người từng phải xin lỗi Trung Quốc vì vẫy cờ Đài Loan.Còn có nghệ danh là Tzuyu, Chu Tử Du, năm nay 20 tuổi, được trang web ở Hoa Kỳ, TC Candler bầu chọn là ‘khuôn mặt đẹp nhất 2019′.
Cô này từng bị dân mạng Trung Quốc lên án khi vẫy cờ Đài Loan trên một show truyền hình ở Hoa Kỳ.
‘Tôi nghe tiếng Việt vang reo ở xứ Đài’
Đại tướng Đài Loan thiệt mạng trong tai nạn trực thăng
Đài Loan trao giải Nhà Đường năm 2018
TQ bỏ phát trực tiếp trận Arsenal-Man City
‘Quá tàn bạo với cô gái trẻ’
Sự việc xảy ra hồi 2016, khi Chu Tử Du mới 16 tuổi, đã thu hút nhiều ý kiến khác nhau ở châu Á.
Một số chính trị gia và người ủng hộ cô ở Đài Loan đã lên tiếng bảo vệ ngôi sao K-pop.
Hình Chu Tử Du còn được các đảng viên Dân Tiến ở Đài Loan đem ra biểu tình để phản đối Trung Quốc.
Dù sống và hoạt động cùng ban nhạc Twice ở Hàn Quốc, Chu Tử Du đã nhanh chóng trở thành đối tượng của thảo luận chính trị ngay kỳ bầu cử lần trước ở Đài Loan năm 2016.
Đầu năm đó, cô tự giới thiệu mình là người Đài Loan và vẫy cờ của Đài Loan trên chương trình truyền hình Hàn Quốc My Little Television.
Ngay lập tức, cô gái bị cộng đồng mạng sử dụng tiếng Hoa từ Đại Lục tấn công.
Chính phủ và nhiều người dân Trung Quốc luôn duy trì quan điểm rằng Đài Loan là một phần của nước họ và người Đài phải là người Trrung Quốc.
Không ít người đã buộc tội Tzuyu “kiếm lợi” từ hoạt động âm nhạc ở Trung Quốc nhưng lại công khai ủng hộ Đài Loan là một nước độc lập.
Vụ việc khiến cổ phiếu của JYP, công ty nắm ban nhạc Twice, bị sụt giảm mạnh.
Họ có nguy cơ bị cắt các hợp đồng nhiều tiền ở Trung Quốc, nước cũng sùng bái nhạc K-pop của Hàn.
Sau đó, trong một động thái bất thường, Chu Tử Du xuất hiện trên YouTube, ra tuyên bố mang tính chính trị rằng “Chỉ có một nước Trung Hoa và tôi là người Trung Quốc”.
“Tôi xin lỗi vì đã gây ra tổn thương cho mọi người, tôi thấy thật nhục nhã.”
Các lãnh đạo công ty JYP cũng đua nhau lên tiếng ủng hộ “Một nước Trung Hoa” và xin lỗi Bắc Kinh công khai.
Video đăng lời xin lỗi của Chu Tử Du nhanh chóng được 3 triệu lượt xem trên YouTube khi đó.
Nhưng cũng có không ít người Hàn và Đài lên tiếng ủng hộ cô gái trẻ.
Ứng viên tổng thống Đài Loan hồi 2016, ông Eric Chu cho rằng việc đối xử với một thiếu nữ như vậy “là quá tàn bạo”.
Năm nay, tin rằng Chu Tử Du được một tạp chí nước ngoài phong tặng danh hiệu “khuôn mặt đẹp nhất 2019″ cũng đến với Đài Loan ngay trước kỳ bầu cử tổng thống vào ngày 11/1/2020 và được các báo xứ Đài đăng tải rộng rãi.
Sau Chu Tử Du, TC Candler phong danh hiệu khuôn mặt đẹp thứ nhì cho người mẫu Israel, Yael Shelbi, và thứ ba cho ca sĩ Thái Lan Lalisa Manoban, người mẫu Pháp Thylane Blondeau, và diễn viên Anh Naomi Scott.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-50973569
Cuộc biểu tình ngày đầu năm mới tại Hong Kong
trở thành bạo loạn
Tin Hong Kong City – Cuộc biểu tình với hàng chục ngàn người tham dự tại Hong Kong vào ngày Năm Mới đã trở thành khung cảnh hỗn loạn, khi cảnh sát bắn hơi cay và vòi rồng vào đám đông, trước khi ra lệnh hủy sự kiện. Cuộc tuần hành ban đầu diễn ra khá ôn hòa, và có cả nhiều gia đình tham dự.Tuy nhiên, bạo động xảy ra sau đó khi một số nhóm biểu tình bắt đầu phá hoại. Tại quận Wanchai, một số người biểu tình đã xịt sơn và đập phá các máy rút tiền của một chi nhánh ngân hàng HSBC, khiến cảnh sát chống bạo động phải can thiệp. Lực lượng an ninh sau đó bắn hơi cay vào đám đông, khiến một số trẻ em òa khóc. Người biểu tình, với một số đeo khẩu trang và mặc áo đen, đã tụ tập và tái lập nhóm, trong lúc cảnh sát chận các con đường để ngăn không cho đám đông hoàn tất cuộc tuần hành khi trời tối dần. Ban tổ chức biểu tình ước tính 1 triệu người đã tham gia, nhưng cảnh sát nói chỉ có 60,000 người xuất hiện vào lúc cao điểm của cuộc tuần hành. Không khí căng thẳng lan rộng tại nhiều quận ở Hong Kong, khi hàng trăm người biểu tình lập rào chắn trên đường sá, đốt lửa, và ném bom xăng vào cảnh sát. Người biểu tình cũng đứng thành hàng nối dài đến cuối các con đường, để chuyền vật dụng hỗ trợ những người ở phía trước, bao gồm cả dù và gạch đá.
Người biểu tình trong thời gian gần đây đã tập trung sự giận dữ của họ vào ngân hàng HSBC, vì cho rằng ngân hàng này có liên quan đến vụ bắt giữ 4 người quyên tiền hỗ trợ biểu tình, và đóng một trương mục HSBC của nhóm quyên tiền này.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cuoc-bieu-tinh-ngay-dau-nam-moi-tai-hong-kong-tro-thanh-bao-loan/
Cảnh sát Hong Kong bắt giữ 400 người biểu tình
vào ngày đầu năm
Cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ khoảng 400 người trong các cuộc biểu tình vào ngày đầu năm sau khi cuộc tuần hành lúc đầu ôn hòa của hàng chục ngàn người đã leo thang thành hỗn loạn và cảnh sát đã bắn hơi cay để giải tán đám đông.Các vụ bắt giữ này đã đưa tổng số người bị bắt giữ lên khoảng 7.000 kể từ khi các cuộc biểu tình ở Hong Kong leo thang vào tháng 6 xung quanh dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, và nó cho thấy rõ sẽ không có bất kỳ tiến triển nào trong khả năng chấm dứt bạo loạn.
Căng thẳng đã dâng cao hôm 1/1 sau khi xảy ra một số vụ bắt giữ tại khu vực quận Loan Tử nơi có nhiều quán bar gần chi nhánh của tập đoàn ngân hàng toàn cầu HSBC vốn là mục tiêu trút giận của người biểu tình trong những tuần gần đây.
Khi ẩu đả nổ ra, đông đảo người biểu tình mặc áo đen đã chạy đến hiện trường trong khi những người khác nắm tay nhau tạo thành chuỗi người để chuyền cho họ các đồ vật cần thiết, trong đó có gạch, buộc cảnh sát phải điều tiếp viện.
Cảnh sát sau đó đã yêu cầu các nhà tổ chức hủy cuộc tuần hành sớm và đám đông biểu tình cuối cùng đã giải tán khi một chiếc xe vòi rồng và hàng chục cảnh sát trang bị đồ chống bạo động tuần tra trên đường vào tối muộn.
Ông Jimmy Sham, một trong những lãnh đạo Mặt trận Nhân quyền Dân sự, cơ quan tổ chức tuần hành, đã chỉ trích quyết định của cảnh sát yêu cầu đám đông giải tán mà thông báo trước gấp như vậy và nói rằng cảnh sát đã bắt giữ bừa bãi người biểu tình.
Cảnh sát nói với truyền thông hôm 2/1 rằng họ đã bắt giữ 420 người trong dịp năm mới, hầu hết là vào ngày đầu năm mới, với 287 người bị bắt trong một lần càn quét về tội tụ tập bất hợp pháp, trong đó có một thiếu niên 12 tuổi.
Cảnh sát cho biết họ chỉ thực hiện các vụ bắt giữ hôm 1/1 sau khi họ đã thông báo cho những người tổ chức tuần hành và cho phép người biểu tình có đủ thời gian để rời đi. Bốn cảnh sát viên đã bị thương trong ngày hôm đó, họ cho biết.
Các nhà tổ chức ước tính có hơn một triệu người đã tham gia vào cuộc tuần hành ngày đầu năm mới. Cảnh sát đưa ra con số 60.000 người vào lúc cao điểm.
Trong nhiều tháng, các cuộc biểu tình đã phát triển thành một phong trào rộng lớn thúc đẩy nền dân chủ đầy đủ tại thành phố do Trung Quốc kiểm soát và yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập về sự tàn bạo của cảnh sát. Cảnh sát quả quyết rằng họ hành động một cách kiềm chế.
Cũng đã xảy ra các vụ bắt giữ vào đêm giao thừa, khi những người biểu tình chiếm giữ một con đường lớn trên bán đảo Cửu Long trong khoảng thời gian ngắn giữa lúc đám đông hàng ngàn người đếm ngược đến thời điểm đầu năm mới dọc theo cảng Victoria.
Một số người phản đối cáo buộc rằng HSBC đã đồng lõa với chính quyền nhằm chống lại các nhà hoạt động đang cố gắng quyên tiền để hỗ trợ chiến dịch của họ. Ngân hàng này đã phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào.
https://www.voatiengviet.com/a/c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t-hong-kong-b%E1%BA%AFt-gi%E1%BB%AF-400-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-v%C3%A0o-ng%C3%A0y-%C4%91%E1%BA%A7u-n%C4%83m/5229124.html
“Hiệp hội bảo vệ các bãi san hô Trung Quốc”:
Chiêu trò mới của Bắc Kinh
hòng đánh lừa cộng đồng quốc tế
Viện Hải dương Nam Hải thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) và Học viện Khoa học Thủy sản Trung Quốc (CAFS) sẽ lập một Hiệp hội bảo vệ các bãi san hô Trung Quốc ở tỉnh Hải Nam nhằm tìm cách “bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái ở Biển Đông”.Theo thông tin trên, Hiệp hội bảo vệ các bãi san hô Trung Quốc ở tỉnh Hải Nam sẽ do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc quản lý nhằm nghiên cứu, đánh giá và tìm kiếm “giải pháp” hạn chế sự xói mòn của san hô ở các bãi chính và lập các khu bảo tồn để bảo vệ 90% san hô của Biển Đông kể từ năm 2030. Trước đó, Bộ Tài nguyên Trung Quốc (1/2019) cho biết nước này đã lập các cơ sở bảo tồn-phục hồi sự tăng trưởng
của san hô ở Đá Chữ Thập, Đá Xubi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là 3 trong 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên quần đảo Trường Sa.
Từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải tạo phi pháp quy mô lớn 7 bãi đá ngầm Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Xu Bi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thành các đảo nhân tạo. Đến giữa năm 2015, Trung Quốc tiếp tục tiến hành cải tạo phi pháp đảo Phú Lâm, Duy Mộng và Quang Hòa (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép năm 1956 và 1974). Trong quá trình cải tạo phi pháp, Trung Quốc đã sử dụng các máy hút bùn công suất lớn, nạo vét các rặng san hô xung quanh để tạo thành các đảo nhân tạo. Sau đó, Trung Quốc đã cho xây dựng nhiều công trình quân sự và dân sự trên các đảo nhân tạo, biến khu vực này thành những căn cứ quân sự kiên cố của Bắc Kinh. Hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc đã phá hủy gần như toàn bộ môi trường sinh thái xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo tính toán của các chuyên gia, Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa đã tàn phá tới 160km2 rạn san hô và phá hủy gần 60km2 san hô vòng ở các khu vực xung quanh. Trong đó hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 14/15 km2; hoạt động nạo vét của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 39/40 km2; hoạt động nạo vét làm bến đỗ, kênh rạch cho tàu thuyền đi lại của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 2/3 km2; hoạt động khai thác trai khổng lồ của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 104/104 km2 san hô. Ông John McManus, Đại học Miami nhận định khoảng 10% diện tích san hô tại quần đảo Trường Sa và 8% diện tích san hô ở Hoàng Sa đã bị xóa sổ hoàn toàn do hoạt động của Trung Quốc gây ra. Theo Giáo sư Edgado Gomez (Philippines) ước tính rằng với mức độ phá hủy san hô hiện tại sẽ khiến các quốc gia ven biển trong khu vực Đông Nam Á phải gánh chịu thiệt hại 5,7 tỷ USD/năm, gây tác động tiêu cực xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, hoạt động khai thác hải sản ồ ạt, bất hợp pháp, mang tính hủy diệt của ngư dân Trung Quốc ở các cùng chồng lấn trong khu vực Biển Đông đã gây ra suy giảm hệ sinh thái biển và nguy cơ tuyệt chủng của một số loài. Theo tài liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C. (Mỹ) công bố tháng 9/2017, tổng lượng cá ở Biển Đông đã suy giảm khoảng 70-95% kể từ những năm 1950 và tỷ lệ đánh bắt đã giảm 66-75% trong 20 năm qua; hiện ở Biển Đông có thể chỉ còn 5% lượng cá so với thập niên 1950 và quá trình phục hồi các nguồn cá ở Biển Đông hiện nay rất thấp.
Ngoài ra, cùng với việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và đưa lượng lớn binh lính ra đồn trú phi pháp ở Biển Đông cũng gián tiếp tác động, phá hủy môi trường sinh thái. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong quá trình Trung Quốc đưa quân ra đồn trú, sinh hoạt đã thải các kim loại nặng, chất ô nhiễm hữu cơ bền (POPs) và nước thải có thể chứa các kim loại nặng hoặc chất ô nhiễm hữu cơ bền trực tiếp ra biển mà không được xử lý gây những tác động rất nghiêm trọng tới môi trường và các hệ sinh thái biển. Không những vậy, việc xây dựng các công trình phi pháp ở Trường Sa và Hoàng Sa của Trung Quốc cũng làm thay đổi trường sóng và dòng chảy tại các khu vực biển gần bờ, tác động xấu tới hệ sinh thái biển cũng như làm thay đổi điều kiện đáy biển và cán cân bùn cát, trực tiếp phá hủy hệ sinh thái biển.
Trước việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, trực tiếp hoặc gián tiếp hủy hoại môi trường sinh thái trong khu vực, các nước Đông Nam Á phải cùng nhau gìn giữ và bảo vệ môi trường ở Biển Đông. Trước tiên, cần thảo luận nghề đánh bắt cá, cụ thể là việc điều hành di cư các đàn cá. Các báo cáo gần đây cho thấy các đàn cá ở Biển Đông đang ở trong điều kiện bấp bênh. Các quốc gia trong khu vực cần có tính minh bạch hơn về các hoạt động khai thác tài nguyên. Mỗi bên đều phải cố gắng hết sức để đảm bảo rằng hệ sinh thái được gìn giữ một cách tốt nhất và được khai thác bền vững. Thứ hai, tạo ra một cơ chế khu vực trong gìn giữ môi trường biển, đây sẽ là phần khó khăn nhất. Tháng 4/2016, trong cuộc họp đầu tiên của nhóm nghiên cứu thuộc Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Philippines, đã có nhiều cuộc thảo luận về bộ quy tắc và quy định trong bảo vệ môi trường biển. Nhóm này nhấn mạnh cần phát triển phương pháp tổng hợp trong điều hành các hoạt động thương mại và hành nghề trên biển. Đây không phải là lần đầu các quốc gia trong khu vực phối hợp cùng nhau vì lợi ích của các sinh vật biển.
Nhìn chung, việc môi trường sinh thái ở Biển Đông bị hủy hoại và tàn phá chủ yếu là do các hoạt động phi pháp của Trung Quốc gây ra. Nước này cần chấm dứt ngay lập tức những hành vi gây nguy hại đối với môi trường sinh thái, cũng như xâm chiếm biển đảo của nước khác.
http://biendong.net/bien-dong/32426-hiep-hoi-bao-ve-cac-bai-san-ho-trung-quoc-chieu-tro-moi-cua-bac-kinh-hong-danh-lua-cong-dong-quoc-te.html
Đại sứ TQ: Mỹ muốn có thỏa thuận tốt,
đừng xen vào Đài Loan
Đại sứ Thôi Thiên Khải khẳng định không có vấn đề gì với chuyện Bắc Kinh tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung, nhưng Mỹ cũng phải tôn trọng nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’ liên quan tới vấn đề Đài Loan.“Về phần chúng tôi, chúng tôi luôn tuân thủ cam kết của mình. Chúng tôi sẽ luôn thực hiện những gì mình đã hứa. Không có vấn đề gì với chuyện đó” – Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải, khẳng định khi trả lời phỏng vấn Đài CGTN (phiên bản quốc tế của Đài truyền hình quốc gia CCTV của Trung Quốc) hôm 28-12.
Tuyên bố của ông Thôi Thiên Khải được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán những chi tiết cuối cùng để tiến tới ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ký thỏa thuận, trong khi phía Bắc Kinh chưa xác nhận.
Đại sứ Thôi Thiên Khải cho biết hai đội đàm phán của Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận “bằng thái độ nghiêm túc thật sự” và cho thấy “thiện ý”. “Nếu có bất kỳ khác biệt hay vấn đề gì, hai bên nên hợp tác chặt chẽ với nhau để giải quyết” – ông kêu gọi.
Tuy nhiên, khi đề cập tới việc Trung Quốc sẽ tuân thủ cam kết trong thỏa thuận thương mại, Đại sứ Thôi Thiên Khải đã lồng vào đó trách nhiệm của Mỹ, trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục cáo buộc Washington can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
“Chúng tôi phải nói rõ rằng cuộc bầu cử ở Đài Loan chỉ là một cuộc bầu cử địa phương của tỉnh Đài Loan của Trung Quốc. Về phần Mỹ, Mỹ đã đưa ra những cam kết với chính sách ‘Một Trung Quốc’ trong 3 tuyên bố chung Mỹ – Trung. Và tôi chỉ hi vọng họ sẽ tuân thủ cam kết của mình” – ông Thôi lập luận.
Đại sứ Trung Quốc nêu: “Hàm ý của nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’ vô cùng rõ ràng: Chỉ có một Trung Quốc trên thế giới này. Cả Đài Loan và đại lục đều là một phần của Trung Quốc. Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc không được phép chia cắt”.
Tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc không tái diễn các hành động đe dọa Đài Loan giữa lúc vùng lãnh thổ này chuẩn bị có cuộc bầu cử quan trọng vào ngày 11-1-2020, sau khi Trung Quốc điều tàu sân bay tự đóng đầu tiên là tàu Sơn Đông đi qua eo biển Đài Loan.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Thôi Thiên Khải cũng đề cập tới những thách thức chính trị và kinh tế trong mối quan hệ Mỹ – Trung và kêu gọi cùng hợp tác để tìm ra giải pháp. “Sức mạnh thật sự của mối quan hệ này nằm ở khả năng của chúng ta trong việc vượt qua mọi vấn đề” – ông Thôi cho biết.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ còn chỉ trích những người có quan điểm “diều hâu” ở Washington liên tục vẽ vời về một cuộc chiến tranh lạnh mới, cách ly Trung Quốc về kinh tế.
“Thật sự thiếu trách nhiệm khi thảo luận hay thậm chí ủng hộ một cuộc chiến tranh lạnh mới, chiến tranh công nghệ – khoa học giữa hai quốc gia. Đây là hành vi rất thiếu trách nhiệm” – ông Thôi Thiên Khải tuyên bố.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/32363-dai-su-tq-my-muon-co-thoa-thuan-tot-dung-xen-vao-dai-loan.html
Liệu TQ có lên thống trị trong 10 năm tới?
Thập niên 2010 đủ dài để các học giả phương Tây đánh giá toàn diện hiện tượng Trung Quốc trỗi dậy. Dù muốn dù không, quốc gia hơn tỉ dân này sẽ tiếp tục mang một tầm ảnh hưởng lớn trong 10 năm tới.Vào khoảng năm 2010, Trung Quốc bắt đầu thay đổi cái nhìn của thế giới về họ theo một cách rất khác. Trước cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, phương Tây nhìn quốc gia này như… một đứa trẻ còn hôi sữa.
Cú sập tài chính đã thay đổi mọi thứ.
Trước đó người ta cứ đinh ninh không sớm thì muộn kinh tế Trung Quốc sẽ vỡ tan nát. Nhưng điều đó đã không (hoặc chưa) xảy ra, thay vào đó khủng hoảng lại nổ ra ở phương Tây, gây nên biết bao hậu quả đối với sự ổn định và cả lòng tự tôn của khối này.
Suốt 10 năm qua, Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, mới là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Năm 2014, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Mỹ tính theo sức mua tương đương – trở thành lớn nhất thế giới.
Mặc dù tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm xuống mức 6,2% hiện tại, họ vẫn là một trong những nền kinh tế tăng nhanh nhất thế giới. So với năm 2010, nền kinh tế Trung Quốc ngày nay đã phình to ra gấp đôi.
Đây là câu chuyện về một hiện tượng lột xác kinh tế gây kinh ngạc nhất trong lịch sử nhân loại.
Có lẽ vì thế không có gì là lạ khi phương Tây cảm thấy khó chấp nhận điều đó, biểu hiện qua đủ cung bậc cảm xúc họ thể hiện, từ chối bỏ, lên án cho đến tán dương, thán phục…; tất nhiên gam màu tiêu cực vẫn là chủ đạo.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã gây ra một cuộc khủng hoảng hiện sinh ở Mỹ và châu Âu, dự báo sẽ kéo dài cho đến hết thế kỷ này. Phương Tây đang trong quá trình bị thay thế toàn diện, và đến một lúc nào đó họ không thể kháng cự lại nữa.
Hiện tượng “Trung Quốc vươn lên” nằm trong số những biến động tầm cỡ thế giới vốn rất hiếm trong lịch sử. Mãi đến thập niên vừa qua, phương Tây mới bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của nó.
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại. Cách đây 5 năm thôi, không nói 10 năm làm gì, Trung Quốc vẫn bị coi thường là một công xưởng sản xuất giá rẻ. Phương Tây tin rằng quốc gia này chỉ biết bắt chước chứ không thể nào với tới tầm cỡ phát minh và năng lực của họ.
Nhưng Trung Quốc đã chứng minh điều ngược lại. Thâm Quyến trở thành đối thủ đáng gờm của Thung lũng Silicon – trong khi Huawei, Tencent và Alibaba bắt đầu đứng ngang đẳng cấp với Microsoft, Google, Facebook và Amazon ở một số lĩnh vực và tự tin vươn ra cạnh tranh tầm toàn cầu.
Làm hàng nhái đã xưa rồi, các công ty Trung Quốc bây giờ tung ra hàng loạt phát minh tầm cỡ. Họ chiếm đến đến gần một nửa số bằng sáng chế của thế giới trong năm 2019. Chắc không cần phải ngạc nhiên nữa.
Trong hơn 40 năm qua, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ khá êm đềm. Bình yên chỉ kết thúc từ ngày ông Donald Trump đắc cử tổng thống.
Tuy nhiên, thái độ căng thẳng của ông dành cho Bắc Kinh không mang tính cá nhân hay bất ngờ, đó là tâm trạng chung của 2 chính đảng lớn nhất của Mỹ.
Người Mỹ xem Trung Quốc là mối đe dọa đối với vị thế thống trị toàn cầu của họ. Nỗi sợ này càng lớn hơn khi Bắc Kinh không ngừng mở rộng sức ảnh hưởng trên trường quốc tế, tiêu biểu là sáng kiến Vành đai, con đường và sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB).
Thái độ miễn cưỡng của Mỹ trong việc chống đỡ hệ thống quốc tế do chính nước này dựng lên – qua cách Tổng thống Trump xem nhẹ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và NATO – đánh dấu sự rút lui của cường quốc này.
Một cách rõ ràng, cuộc chiến thương mại ông Trump phát động với Trung Quốc vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Cuộc chiến công nghệ cũng vậy: Huawei sẽ chiến thắng với hạ tầng 5G trên phần lớn thế giới, mà có thể bao gồm cả châu Âu.
Quan hệ Mỹ – Trung Quốc đang tiếp tục xấu đi và bắt đầu trông giống một cuộc chiến tranh lạnh mới. Thập niên tiếp theo sẽ tiếp tục chứng kiến sự phân rã của hệ thống quốc tế với phương Tây là hạt nhân, cùng với sự lớn mạnh hơn của các định chế thân Trung Quốc.
Đây là một quá trình không cân bằng, khó dự đoán và sẽ có lúc căng thẳng nhưng cuối cùng không ai có thể ngăn được nó.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32403-lieu-tq-co-len-thong-tri-trong-10-nam-toi.html
Năm 2019, TQ chính là nhân tố
thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông!
Theo tiết lộ của một quan chức cấp cao Trung Quốc vào tháng 11/2018, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được thỏa thuận là sẽ hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong vòng 3 năm, bắt đầu từ năm 2019. Điều đó nhen lên một tia hy vọng về triển vọng giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, mới đây Trung Quốc lại đưa ra một số điều kiện đối với tiến trình đàm phán COC nhằm giúp Bắc Kinh ngăn chặn các đối thủ và các quốc gia khác bên ngoài khu vực tiếp cận những vùng biển tranh chấp. Đề xuất trên không chỉ vấp phải sự phản đối của các nước ASEAN, nhất là những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, mà còn bị các nước lớn khác như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Pháp… phản đối. Đặc biệt, mặc dù COC đang được đàm phán, nhưng trong khoảng thời gian từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019, Trung Quốc đã ngang ngược đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng biển Việt Nam để tiến hành hoạt độngthăm dò, khiến tình hình khu vực Biển Đông đang lắng dịu đột nhiên căng thẳng. Trở thành nguyên cớ khiến cho hầu hết các nước lớn bên ngoài can dự.
Đầu tiên, những gì Trung Quốc đề cập đến COC và triển vọng hoàn thành bộ quy tắc này đã vấp ngay phải sự nhạy cảm của người Mỹ. Ngày 18/11/2019, tại Bangkok/TháiLan, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ Mark Esper khi đến dự hội nghị với các nước ASEAN đã cho rằng, ASEAN phải đảm bảo COC không bị Trung Quốc “thao túng” nhằm “hợp thức hóa hành vi quá đáng và yêu sách hàng hải phi pháp của nước này, cũng như lẩn tránh các cam kết mà Trung Quốc đã thống nhất”. Khi đến thăm Philippines một ngày sau đó (19/11/2019), ông chủ Lầu Năm Góc tiếp tục nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều phải tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế và chúng tôi nghĩ, Trung Quốc cũng phải tôn trọng những điều này”. Ông M.Esper cũng đề nghị các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông cần khẳng định mạnh mẽ hơn quyền chủ quyền của mình để cùng đưa Trung Quốc “về con đường đúng”. Còn Tư lệnh Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mỹ Philip S.Davidson, hôm 24/11/2019 phát biểu tại Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax ở Canada, đã lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc nhiều năm qua không ngừng cải tạo, quân sự hóa các thực thể chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, khiến cho khu vực này có nhiều diễn biến vô cùng phức tạp. Bên cạnh đó, khi đề cập đến COC mà ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán, ông Davidson cảnh báo, ASEAN cần phải đảm bảo rằng, COC ra đời sẽ không làm hạn chế quyền tự do hàng hải, hoạt động thương mại và chương trình tập trận của các nước trong khu vực. Theo ông S.Davidson: “Trong những năm qua, Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông và tăng cường năng lực ở đó. Bây giờ, Trung Quốc lại muốn có được bộ quy tắc ứng xử giữa họ và ASEAN để tạo điều kiện có lợi nhất cho các hoạt động của Bắc Kinh ở vùng biển này, đây là điều đòi hỏi các nước ASEAN phải hết sức cảnh giác”, đồng thời ông tuyên bố: “Mỹ, Canada, New Zealand, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ tiếp tục cho tàu, thuyền đi qua Biển Đông và tham gia tập trận quân sự ở đó”.
Tiếp theo, tại tuyên bố chung sau cuộc Đối thoại 2+2 giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước Nhật Bản và Ấn Độ được tổ chức ở New Delhi hôm 30/11/2019, hai bên đã nhấn mạnh rằng, COC không được làm phương hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan ở Biển Đông, cũng như các quyền tự do của tất cả các quốc gia chiểu theo luật pháp quốc tế.Với tuyên bố trên, các bộ trưởng đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh, nhấn mạnh “tự do hàng hải và hàng không cũng như thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông, khu vực trung tâm của một cuộc xung đột leo thang giữa Trung Quốc và các nước láng giềng biển ở Đông Nam Á”. Hai bên cũng nhấn mạnh COC phải “hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và đảm bảo tự do hàng hải”.
Không thể phủ nhận, COC và tiến trình đàm phán ký kết COC đang được tất cả các nước trong và ngoài khu vực quan tâm, hy vọng sẽ là giải pháp tốt cho vấn đề Biển Đông, cớ sao bộ quy tắc còn đang đàm phán đã khiến cả Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản phải “nhảy cẫng” lên như vậy. Căn nguyên của nó không đâu xa, chính là do các nước trên đã phát hiện ra rằng, Trung Quốc đang muốn dùng COC để ngăn chặn quốc tế can thiệp vào vấn đề Biển Đông.
Đó là gần đây, Trung Quốc đang tăng cường gây sức ép để ASEAN nhất trí về một COC mà ở đó bộ quy tắc này sẽ hạn chế Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia khác ngoài khu vực tham gia hợp tác an ninh hàng hải với các quốc gia Đông Nam Á, cũng như khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Tờ The Nikkei của Nhật Bản cho biết, dự thảo COC mới nhất đã xuất hiện những nội dung hạn chế các quốc gia thành viên phát triển hàng hải và diễn tập quân sự chung với các công ty và quốc gia bên ngoài khu vực. Những công ty hay quốc gia này có thể bị yêu cầu phải có được sự chấp thuận của Trung Quốc mới được tiến hành hợp tác quân sự với các nước ASEAN. Thông tin này trùng khớp với những nội dung được một số quan chức ngoại giao Philippines công bố hồi tháng 9/2019. Theo đó, Trung Quốc có ba yêu cầu cơ bản về COC: Không đưa UNCLOS vào trong đàm phán COC; các nước ASEAN muốn tập trận quân sự chung với các nước bên ngoài khu vực phải được sự đồng ý của Trung Quốc; các nước có tranh chấp với Trung Quốc không được hợp tác khai thác tài nguyên với các nước bên ngoài khu vực.
Nếu Trung Quốc thành công trong việc đưa tất cả các điều khoản do nước này đề xuất vào COC, các quốc gia ASEAN có thể sẽ phải được Bắc Kinh phê chuẩn khi muốn tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung ở Biển Đông với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác ngoài khu vực. Điều này cũng có thể gây khó khăn cho công ty ONGC Videsh của Ấn Độ và các thực thể tương tự của các quốc gia khác trong việc tiếp tục thăm dò dầu mỏ và các tài nguyên khác trong và xung quanh vùng biển tranh chấp.
Đánh giá yêu sách trên của Bắc Kinh, nhiều nhà quan sát khẳng định, ASEAN không thể chấp nhận các điều kiện đó, vì chúng sẽ vô hiệu hóa phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) năm 2016. Các điều kiện này cũng sẽ xóa bỏ ảnh hưởng của Mỹ và đồng minh đối với khu vực.Bên cạnh đó, dự thảo COC không nói rõ liệu bộ quy tắc này có tính ràng buộc pháp lý hay không, cũng như có bất kỳ cơ chế nào nhằm ngăn chặn tranh chấpnếu xảy ra. Một quan chức Nhật Bản cho rằng: “Mục tiêu của Trung Quốc là trói buộc ASEAN vào những quy định có lợi cho Bắc Kinh và loại bỏ hoặc hạn chế ảnh hưởng từ bên ngoài về Biển Đông”.
Trong khi các điều kiện mà Trung Quốc đưa ra để đàm phán về COC còn đang bị cộng đồng quốc tế phản đối rầm rầm, thì trên thực địa, Bắc Kinh lại ngang nhiên đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính trong khoảng thời gian từ đầu tháng 7 đến tháng 10/2019, hành động trên chẳng khác gì Trung Quốc coi các nước lớn ngoài khu vực “không bằng con tép”, buộc họ phải “xắn tay áo” lên.
Đối với Mỹ, trên thực địa, Người phát ngôn của Hạm đội 7 Mỹ, bà Reann Mommsen cho biết, ngày 20/11/2019, chiến hạm USS Gabrielle Giffords đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Namnhưng bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép.Cùng ngày, tàu USS Montgomery của Hải quân Mỹ cũng đã thực hiện hành trình đi qua quần đảo Hoàng Sa nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.Theo bà Mommsen: “Những nhiệm vụ này được tiến hành dựa trên luật pháp quốc tế và thể hiện cam kết của Mỹ đối với việc duy trì quyền lợi, quyền tự do cũng như quyền sử dụng vùng biển và vùng trời được đảm bảo cho tất cả các quốc gia”.
Việc Mỹ triển khai hai tàu tác chiến duyên hải là USS Gabrielle Giffords và USS Montgomery đến Biển Đông cho thấy, Mỹ có dấu hiệu thay đổi chiến lược ở Biển Đông. Tờ báo SCMP của Trung Quốc cho rằng, Mỹ đi bước đi này là nhằm tăng cường sức mạnh tiến công ở Biển Đông, nơi Trung Quốc ngày càng gia tăng quân sự hóa. Trong khi đó, báo IBT Times nhận xét, động thái triển khai hai tàu tác chiến duyên hải là một sự phô diễn sức mạnh rất rõ ràng của Mỹ đối với Trung Quốc.
Điều đáng lưu ý là, phần lớn tàu chiến mà Mỹ triển khai tuần tra ở Biển Đông lâu nay là tàu khu trục và tàu tuần dương, đều có trang bị tên lửa. So với những tàu này thì USS Gabrielle Giffords và USS Montgomery lại có những lợi thế đặc biệt – theo nhận xét trong một báo cáo của tổ chức Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCS-SSPI) thuộc Viện Nghiên cứu Hải dương của Đại học Bắc Kinh.
Cũng theo đánh giá của SCS-SSPI, khả năng di chuyển ở khu vực nước nông giúp các tàu tác chiến duyên hải Mỹ thực hiện tốt các chiến dịch trinh sát ở các khu vực đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Tốc độ di chuyển của tàu có thể lên đến 50 hải lý (gần 100km/h), là một lợi thế khi thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải. Đặc biệt, tàu USS Gabrielle Giffords vốn được trang bị tên lửa chống tàu tiên tiến có thể tham gia vào các chiến dịch của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ. Đầu tháng 10/2019, tàu USS Gabrielle Giffords đã phóng thử một tên lửa tàng hình có tầm bắn 185km – vụ thử tên lửa tàng hình đầu tiên ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, theo SCS-SSPI, việc triển khai hai tàu tác chiến duyên hải này cho thấy, Mỹ có dấu hiệu chuyển chiến lược từ quan sát và ngăn chặn sang tăng cường khả năng tiến công ở Biển Đông bằng cách chủ động tìm kiếm, phát hiện và ngăn chặn nguy cơ bị tiến công quân sự và chuẩn bị cho khả năng có xung đột quân sự.
Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Song Zhongping (Hồng Công), hai tàu tác chiến duyên hải Gabrielle Giffords và Montgomery chưa đủ sức đe dọa đáng kể các đảo, đá Trung Quốc đang chiếm giữ và kiểm soát trái phép ở Biển Đông, vì các tàu này thiếu khả năng tàng hình và lại nhỏ, yếu. Ông Songcho rằng, để đối phó, Trung Quốc có thể tăng cường thêm tên lửa mặt đất và tên lửa phóng từ tàu cũng như máy bay, thậm chí triển khai cả tàu sân bay. Tất nhiên, Hải quân Mỹ thừa hiểu vấn đề này và thực tế cho thấy, Washington có thể sẽ huy động thêm nguồn lực khi Trung Quốc không có ý hoặc không có thiện chí giảm leo thang “không thể chấp nhận” ở khu vực.
Trên mặt trận ngoại giao, phát biểu tại Manila/Philippinesngày 19/11/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ M.Esperkêu gọi: “Chúng ta có phận sự thể hiện quan điểm công khai và khẳng định chủ quyền và nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp”.Ông M.Esper đã có chuyến thăm Philippines sau khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng tại Bangkok/Thái Lan vào ngày 18/11/2019. Ông cho biết, hầu hết những quốc gia tới tham gia cuộc họp này đều “rất quan ngại về yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông và Bắc Kinh thiếu đi sự tuân thủ đối với luật pháp và quy chuẩn quốc tế”. Theo ông M.Esper: “Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và các quốc gia
đồng lòng hành động là cách tốt nhất để gửi thông điệp nhằm buộc Trung Quốc đi theo con đường đúng đắn”.
Ông M.Esper tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra đảm bảo “tự do hàng hải” trong vùng biển có tranh chấp chủ quyền để đảm bảo rằng, Trung Quốc hiểu được Washington “không từ chối nỗ lực bởi bất cứ quốc gia nào nhằm dùng sự cưỡng ép và đe dọa để đạt được lợi ích quốc gia bằng cách lấy đi từ nước khác”.Ông cũng chỉ ra việc Trung Quốc “sử dụng lực lượng dân quân biển để xua đuổi các thủy thủ và ngư dân Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam, đồng thời triển khai lực lượng hải cảnh để ngăn Việt Nam khoan dầu và khí tự nhiên ở ngoài khơi bờ biển của họ”. Bộ trưởng M.Esper khẳng định: “Thông qua những hành động khiêu khích liên tục để khẳng định yêu sách đường chín đoạn, Bắc Kinh đã cản trở các nước thành viên ASEAN trong việc tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng có thể tái tạo trị giá hơn 2,5 nghìn tỷ USD, đồng thời góp phần gây ra sự bất ổn và gia tăng nguy cơ xung đột. Hành vi này trái ngược hoàn toàn với trật tự dựa trên luật lệ mà tất cả các nước đã cùng nhau xây dựng trong hơn 70 năm qua”.
Ngày 20/11/2019, khi đến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ M.Esper đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong chính sách của Washington, đồng thời khẳng định cam kết không thay đổi đối với khu vực này.Ông M.Esper cho biết: “Mỹ là quốc gia nằm trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Washington có lợi ích chiến lược và kinh tế lâu dài ở khu vực và có sự cam kết đối với sự ổn định và thịnh vượng ở đây. Thông qua hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác, Mỹ sẽ cạnh tranh quyết liệt để thúc đẩy tầm nhìn của mình và chống lại những nỗ lực nhằm hạn chế quyền tự chủ và tự do lựa chọn”.
Bộ trưởng M.Esper lưu ý, tầm nhìn bao trùm của Mỹ mở rộng đến tất cả các nước, bao gồm cả Trung Quốc. Washington sẽ theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, hướng đến kết quả với Bắc Kinh và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác và điểm tương đồng vì lợi ích chung. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không ngại ngần “vạch mặt chỉ tên” và chống lại những hành vi cưỡng ép khi phát hiện ra điều này.Ông M.Esper chỉ rõ: “Các nước Đông Nam Á đang chịu đựng sự cưỡng ép và dọa nạt thông qua nhiều cách thức, trực tiếp thách thức những nền tảng cơ bản của một trật tự dựa trên luật lệ, rộng mở và tự do. Những gì chúng ta đang chứng kiến ở Biển Đông là một ví dụ tiêu biểu cho hành vi ứng xử này. Thời kỳ hòa bình lâu dài đã tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các quốc gia châu Á đang phải nhường chỗ cho một phong cách ứng xử kiểu Trung Quốc, vi phạm quyền chủ quyền của các nước khác”.
Có cùng quan điểm với Bộ trưởng Quốc phòng M.Esper, Đô đốc Davidson khẳng định: “Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Họ cũng đang hoạt động trên toàn cầu, bao gồm các khu vực xung quanh Nam Mỹ, châu Âu và châu Phi. Việc triển khai hải quân trên toàn cầu của Trung Quốc trong 30 tháng qua còn nhiều hơn 30 năm trước đó”.Ông Davidsoncho biết thêm, Trung Quốc cũng đang phát triển và khai thác các tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu âm tiên tiến. Để đáp trả, Mỹ sẽ tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa và phát triển các vũ khí chính xác cao như một biện pháp răn đe. Ông kết luận: “Tự do và việc đảm bảo trật tự quốc tế là những điều đáng để bảo vệ”.
Đối với Pháp, vào lúc Trung Quốc lên tiếng cảnh cáo Mỹ phải dừng việc phô trương sức mạnh tại Biển Đông, phát biểu tại Ấn Độ ngày 18/11/2019, Đô đốc Christophe Prazuck – Tư lệnh Hải quân Pháp cho rằng, luật biển quốc tếđang bị đe dọa ở Biển Đông và điều đó đã thúc đẩy Pháp thường xuyên đến Biển Đông vì muốn “cổ vũ” cho quyền tự do hàng hải.
Tư lệnh Hải quân Pháp cũng khẳng định, với tư cách là một quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nước Pháp không thể lơ là đối với khu vực Biển Đông khi luật biển quốc tế tại khu vực này đang bị đe dọa. Đô đốc C.Prazuck thừa nhận rằng, Trung Quốc đang bành trướng sự hiện diện quân sự trong khu vực, nhưng Pháp cũng là một tác nhân có quyết tâm phát huy một trật tự trên cơ sở tôn trọng luật lệ quốc tế tại Biển Đông.
Giải thích về các hoạt động của chiến hạm Pháp trong khu vực, Tư lệnh Hải quân Pháp cho rằng: “Có nhiều cách hành xử khác nhau ở Biển Đông. Trước hết, tại sao chúng tôi lại đến đó 6, 7 lần trong năm? Đó là vì luật biển quốc tế bị đe dọa trong khu vực này. Chúng tôi không muốn can dự vào tình hình khu vực liên quan đến các đảo, nhưng chúng tôi đến đó và sẽ tiếp tục bằng hành động của mìnhđể hậu thuẫn cho việc thực thi quyền tự do hàng hải”. Đô đốc C.Prazukkhẳng định, dù nước Pháp ở xa Biển Đông, nhưng rõ ràng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một ưu tiên của Paris. Hải quân Phápđang tiến tới việc cùng phối hợp với Hải quân Ấn Độ để tổ chức tuần tra chung kể từ năm 2020.
Như vậy có thể thấy rằng, trong khi tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN chưa có giải pháp hữu hiệu, tiến trình đàm phán COC vẫn đang mờ mịt thì những hoạt động phi pháp của Trung Quốc đã khiến các nước lớn ngoài khu vực quan ngại và buộc phải can dự vào đây để ngăn
chặn ý đồ biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc, nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải theo đúng quy định của luật pháp quốc tế. Biển Đông rõ ràng đang ngày càng bị quốc tế hóa và sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hơn khi Bắc Kinh chưa từ bỏ tham vọng chủ quyền theo yêu sách “đường chín khúc” – một yêu sách phi lý cả về pháp lý quốc tế và thực tiễn.
http://biendong.net/bien-dong/32417-nam-2019-tq-chinh-la-nhan-to-thuc-day-quoc-te-hoa-van-de-bien-dong.html
Cơ chế tham vấn song phương
Malaysia – TQ về Biển Đông sẽ đi tới đâu
Vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, do những phức tạp đan xen, chồng chất của nó, khiến các nước có liên quan trong nhiều năm qua phải đau đầu tìm mọi biện pháp cả song phương và đa phương để giải quyết, nhằm hạn chế xung đột, duy trì hòa bình và ổn định cho khu vực. Tuy nhiên, chưa giải pháp nào được tất cả các bên ưng ý, ngoại trừ triển vọng về một Bộ quy tắc ứng xử cho các bên ở Biển Đông (COC) đang được kỳ vọng. Vừa qua, Malaysia và Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông. Tương lai của cơ chế này không khác biệt so với các cơ chế song phương liên quan trước đó, nhưng nó đang làm dấy lên những nghi ngại liên quan đến vấn đề Biển Đông mà hai bên có yêu sách.Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Malaysia tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông tại những khu vực biển và đáy biển trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước này. Khu vực này bao gồm một thềm lục địa mở rộng mà Việt Nam cũng gửi hồ sơ đăng ký chung với Malaysia lên Liên Hợp Quốc năm 2009. Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền đối với 12 đảo đá, rặng san hô và bãi cạn ở quần đảo Trường Sa và hiện đang chiếm đóng 5 thực thể ở đây. Malaysia đã thiết lập các tiền đồn ở 5 thực thể này và thường xuyên tiến hành hoạt động tuần tra, giám sát do các lực lượng vũ trang Malaysia và Cơ quan thực thi biển đảm nhiệm. Trong số 5 thực thể này có Đá Hoa Lau (Swallow Reef), nơi Hải quân Hoàng gia Malaysia duy trì sự hiện diện, đồng thời đã biến Đá này thành một đảo nhân tạo với một khu nghỉ dưỡng. Thậm chí, nước này còn dự tính đổi tên vùng biển của mình thành biển Raya Malaysia và không công nhận “đường chín khúc” do Trung Quốc tự vẽ ra.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Greg Poling – Giám đốc Tổ chức “Sáng kiến minh bạch biển châu Á”, Trung Quốc đã phản đối hầu hết yêu sách chủ quyền của Malaysia vì cho rằng nó thuộc phạm vi cái gọi là “đường chín khúc” mà Trung Quốc yêu sách.
Năm 1971, Malaysia cùng với Indonesia, Philippines, Thái Lan và Singapore đã ký Tuyên bố về khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN) nhằm quyết tâm giữ khu vực Đông Nam Á trung lập, không chịu bất kỳ sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài dưới bất cứ hình thức nào, tích cực thúc đẩy tầm nhìn này ở ASEAN.
Là nước có tới 24,6% dân số có nguồn gốc từ người Hoa, Malaysia có mối quan hệ thương mại rất bền chặt với Trung Quốc. Những năm gần đây, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, Bắc Kinh đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào các cơ sở hạ tầng tại Malaysia. Năm 2019, hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Lâu nay, quan hệ Malaysia – Trung Quốc nhìn chung là phát triển tốt đẹp. Trong vấn đề Biển Đông, cùng với Thái Lan, Malaysia theo đuổi cách tiếp cận an toàn. Tuy nhiên, gần đây Malaysia đã có bước “chuyển hướng” trong quan hệ với Trung Quốc. Cụ thể:
Tháng 8/2018, sau khi trở lại nắm quyền ở Malaysia, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã hủy bỏ ba dự án đường ống dẫn dầu và khí gas do Trung Quốc là chủ đầu tư; rà soát lại Dự án đường sắt Bờ Đông thuộc khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và con đường”. Đây có thể coi là “cú sốc” khiến Bắc Kinh không ngừng tác động để gần một năm sau đó, tức là vào tháng 7/2019, Malaysia nối lại dự án nhưng cắt giảm một phần ba chi phí.
Đầu tháng 9/2019, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã công bố một “Khuôn khổ hướng dẫn” mới cho chính sách đối ngoại của Malaysia, nhấn mạnh, chính phủ nước này sẽ kiên định lập trường không liên kết với các cường quốc lớn, đồng thời tuyên bố các kế hoạch dẫn dắt quá trình thúc đẩy hợp tác ở thế giới Hồi giáo là một phần của “Khuôn khổ” này. Thủ tướng Mahathir cho rằng, không một nước nào được tiến hành các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, đồng thời cần biến vùng biển này thành một khu vực hòa bình, hữu nghị và hợp tác thương mại. Trong “Khuôn khổ” có đoạn viết: “Về cơ bản, Biển Đông là một vùng biển hợp tác, kết nối, xây dựng cộng đồng và không có xung đột hay đối đầu. Điều này phù hợp với tinh thần ZOPFAN. Malaysia sẽ tích cực thúc đẩy tầm nhìn này ở ASEAN”.
Trong khi đó, tình hình Biển Đông thời gian gần đây lại cho thấy, khu vực này vẫn có nhiều diễn biến rất phức tạp. Trung Quốc vẫn cho tàu khảo sát xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Theo chuyên gia Joseph Liow Chin Yong, thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, phản ứng của Trung Quốc đối với các yêu sách của Malaysia ở Biển Đông từ trước đến nay ít biến động hơn, nó không giống như phản ứng của Bắc Kinh đối với Việt Nam và Philippines. Tuy nhiên, ông Joseph Liow Chin Yong lưu ý: “Tàu thuyền Trung Quốc đang tuần tra hướng về phía nam Biển Đông ngày càng nhiều hơn. Các tàu thuyền này dường như đã xuất hiện ngoài khơi bờ biển phía đông của Malaysia, thậm chí cả tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia Petronas cũng quan ngại về các hoạt động của tàu thuyền Trung Quốc khi chúng xuất hiện gần khu vực các cơ sở khai thác dầu của họ ở ngoài khơi”.Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu khi trình bày về Sách trắng quốc phòng đầu tiên của nước này trước Quốc hội Malaysia hôm 02/12/2019 đã cho biết, các “tàu chính phủ” của một cường quốc (ám chỉ Trung Quốc) đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Malaysia tại vùng biển phía đông bang Sabah và Sarawak. Lực lượng chức năng Malaysia cũng đã nhiều lần “chạm mặt” tàu Hải cảnh Trung Quốc tuần tra và neo đậu trong vùng biển thuộc chủ quyền nước này theo luật quốc tế.
Trở lại bước “chuyển hướng” mới trong quan hệ Malaysia – Trung Quốc, cùng với quyết định nêu trên của Thủ tướng Malaysia, ngày 12/09/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia thăm Trung Quốc, sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mahathir Mohamad gần hai tuần. Trong chuyến thăm này, Trung Quốc đã đề xuất và được Malaysia nhất trí về việc thiết lập cơ chế đối thoại song phương, tuyên bố lập “một nền tảng mới cho đối thoại và hợp tác” về những vấn đề biển, do Bộ Ngoại giao của hai nước chủ trì. Tuy nhiên, các nguồn thạo tin về cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng khẳng định, cơ chế song phương này không phải là nền tảng thảo luận về những yêu sách ở Biển Đông. Các nguồn tin này còn cho biết: “Malaysia kiên định với lập trường rằng, cách duy nhất để giải quyết bất kỳ tranh chấp nào ở Biển Đông là thông qua ASEAN”.
Việc Malaysia thiết lập cơ chế tham vấn song phương với Trung Quốc về Biển Đông có thể coi là một bước “chuyển hướng” mới trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, từ đây có hai câu hỏi đặt ra là:
Thứ nhất, cơ chế tham vấn song phương Malaysia – Trung Quốc sẽ đi tới đâu?
Giới chuyên gia nhận định, cơ chế này khó có thể tạo ra bất kỳ bước đột phá nào tiến tới giải quyết tranh chấp Biển Đông, nhưng nó phản ánh biện pháp mà Trung Quốc ưa dùng là đối thoại song phương. Năm 2016, Bắc Kinh đã ký với Manila cơ chế đối thoại song phương sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền. Cho đến nay, cơ chế này vẫn dừng lại ở nhận thức chính trị vốn có lợi đối với lãnh đạo của cả hai bên, trong khi đó, Trung Quốc ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn, khó thỏa hiệp hay nhượng bộ các tuyên bố chủ quyền của họ so với thời điểm mà Tổng thống Duterte mới lên nắm quyền. Ông GregPoling lập luận: “Điều này cũng có thể xảy ra tương tự đối với trường hợp của Malaysia trong bối cảnh tàu thuyền của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc có hành động đe dọa các hoạt động khai thác dầu mỏ của Malaysia”.
Nhìn chung, cơ chế tham vấn song phương Malaysia – Trung Quốc về hàng hải sẽ khó có tiến triển. Malaysia khẳng định cơ chế trên không phải là nền tảng để thảo luận về các yêu sách lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông, không trở thành các cuộc đàm phán song phương về Biển Đông. Do vậy, cơ chế này chỉ là một diễn đàn để hai bên thảo luận, nó sẽ không đưa lại kết quả thực chất nào. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mahathir Mohamad, Malaysia hiểu rõ rằng, giờ đây nước này đang có nhiều “đòn bẩy” hơn đối với Trung Quốc và đàm phán song phương chỉ khiến Malaysia rơi vào thế bất lợi mà thôi. Vì vậy, Malaysia vẫn nhất quán quan điểm thông qua ASEAN mới là con đường duy nhất để giải quyết bất kỳ tranh chấp nào ở Biển Đông. Cơ chế này không nên bị đánh đồng thành các cuộc đàm phán song phương về Biển Đông. Bản thân Ngoại trưởng Trung Quốc cũng khẳng định trong cuộc họp báo với người đồng cấp Malaysia rằng, Trung Quốc cùng các nước ven Biển Đông cam kết tiếp tục xử lý thỏa đáng vấn đề Biển Đông!
Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, cơ chế tham vấn song phương với Malaysia là “một cơ chế tham vấn về các vấn đề hàng hải, một cấu trúc mới để đối thoại và hợp tác cho cả hai bên”. Cơ chế này có hai mục tiêu chính: giải quyết tranh chấp, giải quyết các vấn đề chủ quyền; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như đánh bắt cá và an ninh. Nếu cơ chế này vận hành tốt, nó có thể giúp Trung Quốc giải quyết nhiều vấn đề với các nước khác trong khu vực. Như vậy, có thể nói, khi các cơ chế tham vấn song phương giữa Trung Quốc với Philippines, Brunei đều chưa có kết quả, thì cơ chế đối thoại về Biển Đông giữa Trung Quốc với Malaysia cũng khó đạt được một tiến bộ nào.
Thứ hai, cơ chế này sẽ có tác động gì tới khu vực.
Tuy cơ chế tham vấn song phương với Malaysia không giải quyết được vấn đề tranh chấp (do Bắc Kinh không thực tâm), nhưng Trung Quốc vẫn lập cơ chế này nhằm hai mục tiêu:
Một là, Trung Quốc muốn chứng tỏ thành công bước đầu và sẽ kiên trì áp dụng chiến thuật “chia để trị” với các nước láng giềng nhỏ hơn, cụ thể là các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn luôn muốn tranh chấp ở Biển Đông chỉ có thể được giải quyết thông qua các cuộc thảo luận song phương riêng biệt giữa họ và từng bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Năm 2016, Trung Quốc đã cùng Philippines thiết lập cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông, bàn thảo khai thác chung. Riêng về vấn đề khai thác chung, nhiều chuyên gia nhận định: “Nếu mô hình hợp tác khai thác chung dầu khí giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông thành công thì Trung Quốc có thể gây sức ép đối với các quốc gia khác như Việt Nam hay Malaysia chấp nhận mô hình tương tự. Nếu trường hợp đó xảy ra thì Trung Quốc có thể áp đặt một số quy tắc hợp tác khai thác chung lên các quốc gia trong khu vực theo ý đồ của mình”. Tiếp đó, Bắc Kinh lôi kéo Brunei và nay cùng Malaysia lập cơ chế tham vấn song phương về các vấn đề hàng hải. Như vậy, trong số các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc đã cam kết đàm phán song phương với 3 nước. Chiến thuật ưu tiên đàm phán với từng nước riêng rẽ, để khi các nước nhóm họp, sẽ không cần thảo luận mà chỉ cần thừa nhận những gì Bắc Kinh đã đặt trên bàn đàm phán sẽ được Trung Quốc tiếp tục sử dụng.
Hai là, sự kiện này tiếp tục chia rẽ và làm suy yếu ASEAN. Có thể thấy, chưa bao giờ quan điểm về vấn đề Biển Đông trong nội bộ ASEAN lại lỏng lẻo như bây giờ và đây sẽ là điểm có lợi cho Trung Quốc. Hầu như các nước ASEAN bị Trung Quốc thuyết phục rằng, Biển Đông chỉ là công việc giữa Bắc Kinh với các nước có đòi hỏi chủ quyền, các nước khác không cần can thiệp. Việc Trung Quốc “lôi kéo” được Malaysia thiết lập cơ chế đàm phán song phương về Biển Đông có thể làm cho ASEAN thêm nao núng. Một số thành viên ASEAN đang đối mặt với những bất ổn chính trị và thách thức về kinh tế ở những mức độ khác nhau khiến họ không có quan điểm độc lập về vấn đề Biển Đông. Chưa kể giữa một số nước ASEAN tồn tại một số vấn đề lịch sử, sự yếu kém, vay nợ và lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế, khiến họ không thể công khai thể hiện quan điểm hoặc bị chi phối trong phần lớn các vấn đề liên quan. Trong khi đó, quan hệ Trung Quốc – ASEAN đã trở thành “trò chơi” có người thắng kẻ thua. Đối với Trung Quốc, Biển Đông và khu vực đã trở thành vấn đề địa – chính trị không thể thương lượng. Trung Quốc công khai tỏ thái độ “khó chịu” khi có nước không ủng hộ hoặc trung lập trong vấn đề Biển Đông, trong khi các quốc gia có yêu sách chủ quyền lẽ ra cần đoàn kết, thống nhất hành động, thì nay 3 nước đã lần lượt lập cơ chế tham vấn song phương với Trung Quốc.
Việc Malaysia lập cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông diễn ra trong bối cảnh từ đầu tháng 7/2019, Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính. Với việc không chấp nhận “gác tranh chấp, cùng khai thác” tại những vùng biển không thực sự có tranh chấp với Bắc Kinh, Việt Nam sẽ còn phải đối phó lâu dài, thường xuyên với việc xâm phạm chủ quyền, thậm chí phải chịu đựng sự khiêu khích ở mức cao hơn, tần suất lớn hơn. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải kiên quyết, kiên trì, không nản chí, lơ là mất cảnh giác, không mắc mưu các “chiêu trò” của Bắc Kinh, đồng thời tích cực chủ động xây dựng các phương án phù hợp để chủ động bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của đất nước.
http://biendong.net/bien-dong/32419-co-che-tham-van-song-phuong-malaysia-tq-ve-bien-dong-se-di-toi-dau.html
Lũ lụt lớn ở Jakarta, 26 người thiệt mạng
Hàng chục ngàn người ở thủ đô Jakarta của Indonesia đã được sơ tán hôm 2/1 sau khi lũ quét và sạt lở đất đã làm 26 người thiệt mạng trong lúc xảy ra những trận mưa lớn nhất trong hơn 20 năm qua và dự báo sẽ còn nhiều đợt lũ lụt nữa, giới chức cho biết.Trận lũ lụt này, nằm trong số gây thương vong lớn nhất trong nhiều năm, đã gây ra hỗn loạn tại một số khu vực của thành phố lớn nhất Đông Nam Á với các tuyến tàu bị chặn và mất điện ở một số khu vực. Một phần của Jakarta và các thị trấn lân cận đã ngập lụt sau khi có mưa lớn hôm 31/12 và vào những giờ đầu tiên của năm mới.
Số liệu của Bộ Các vấn đề Xã hội cho thấy 26 người đã thiệt mạng trong trận lụt, tăng từ con số 21 người trước đó.
Tính đến sáng 2/1, hơn 62.000 người đã được sơ tán chỉ riêng ở Jakarta, người phát ngôn của cơ quan giảm nhẹ thiên tai, ông Agus Wibowo, cho biết, mặc dù sau đó trong ngày ông nói với kênh tin tức Metro TV rằng số người di tản đã giảm xuống còn khoảng 35.000 người.
Lượng mưa tại một sân bay ở Đông Jakarta đo được ở mức 377 mm vào đầu ngày 1/1, mức cao nhất hàng ngày trong các trận lụt lớn kể từ ít nhất là năm 1996, theo Cơ quan Khí tượng, Địa chất và Địa vật lý Indonesia (BMKG).
Tổng thống Joko Widodo nói với các phóng viên rằng cần ưu tiên các biện pháp sơ tán và an toàn và kêu gọi sự phối hợp nhiều hơn giữa chính quyền thành phố và chính quyền trung ương.
Trên trang Twitter của mình, ông Widodo nói lụt lội như vậy là do chậm trễ trong các dự án cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ lụt. Ông cho biết một số dự án đã bị trì hoãn kể từ năm 2017 do khó khăn trong thu hồi đất.
Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết chính quyền đã triển khai hàng trăm máy bơm để hút nước từ các khu dân cư trên toàn thủ đô để giúp cho một số người có thể trở về nhà.
Cơ quan Giảm thiểu thiên tai cho biết trên trang Twitter của mình rằng mực nước đã sụt xuống ở một vài khu vực bị ảnh hưởng và trưng ra những hình ảnh những con đường ngập trong bùn và đầy rác.
Tuy nhiên, giới chức cảnh báo người dân cần cảnh giác vì ‘thời tiết cực đoan’ dự kiến sẽ tiếp tục cho đến ngày 7/1.
Ông Dwikorita Karnawati, người đứng đầu BMKG nói với các phóng viên rằng mưa lớn có thể tiếp tục cho đến giữa tháng 2.
https://www.voatiengviet.com/a/l%C5%A9-l%E1%BB%A5t-l%E1%BB%9Bn-%E1%BB%9F-jakarta-26-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-thi%E1%BB%87t-m%E1%BA%A1ng/5229247.html
Cháy rừng ở Úc
khiến dân phải sơ tán và số người chết tăng
Hàng ngàn người phải hủy kỳ nghỉ và chạy khỏi một vùng “sơ tán du lịch” rộng lớn ở Úc, giữa bối cảnh có dự báo về tình trạng cháy rừng sẽ còn dữ dội trong những ngày tới.Kể từ tháng 9, cháy rừng ở Úc đã khiến ít nhất 18 người thiệt mạng và tàn phá hơn 1.200 ngôi nhà.
Khủng hoảng tiếp tục gia tăng trong tuần này, khi những đám cháy tiếp tục càn quét các cộng đồng ở hai tiểu bang New South Wales (NSW) và Victoria.
Các cuộc sơ tán mới nhất ở bờ biển phía Nam của tiểu bang NSW được gọi là “cuộc sơ tán lớn nhất tại khu vực này từ trước đến nay”.
Vào thứ Năm, hàng dài xe hơi kẹt cứng trên cao tốc từ Sydney đi Canberra. Phần nhiều trong số họ là những người phải đột ngột huỷ kỳ nghỉ cuối tuần.
Truyền thông địa phương đăng tải hình ảnh xe hơi phải đợi hàng tiếng đồng hồ để đổ xăng tại thị trấn Batemans Bay, trong khi nhiên liệu đang được vận chuyển đến khu vực này để bù đắp nguồn cung đang cạn kiệt.
Sydney vẫn bắn pháo bông đón Năm Mới
Úc chống đỡ các đám cháy rừng
Tình trạng khẩn cấp vì cháy rừng ở Úc
Nhiều con đường vẫn đóng do liên tục bị hỏa hoạn và các mối nguy hiểm khác, chẳng hạn như nguy cơ cây bị đổ.
Mặc dù mức độ nguy hiểm của tình hình đã hạ xuống một chút, giới hữu trách vẫn lo ngại về một đợt cháy rừng nữa sẽ bùng phát vào thứ Bảy và điều này sẽ đe dọa cuộc sống và nhà cửa của người dân lần nữa.
“Nếu quý vị đang đi nghỉ… quý vị cần phải rời khu vực này trước thứ Bảy,” dịch vụ cứu hỏa vùng quê NSW cảnh báo, ý muốn nói đến vùng bờ biển dài 260km.
Chính phủ tiểu bang NSW cảnh báo rằng, tình hình có khả năng trở nên “tồi tệ,” chí ít là như đêm giao thừa, khi hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy.
Các công nhân đang dọn đường, khôi phục điện lưới và kiểm soát không cho các đám cháy lan rộng bằng cách cố ý gây cháy tại một số điểm nhằm ngăn đám cháy tiến về một hướng nhất định.
Bộ trưởng Giao thông tiểu bang NSW Andrew Constance kêu gọi tài xế chạy chậm giữa làn khói dày.
Trong một cuộc phỏng vấn với Cơ quan Truyền thông Úc ABC, ông cho biết thêm rằng, ông cũng có những người bạn bị mất nhà cửa do hỏa hoạn.
Các vụ hỏa hoạn trong tuần này đã phá hủy ít nhất 381 ngôi nhà ở NSW và 43 ở Victoria, các quan chức nói rằng, con số này dự kiến sẽ còn tăng lên.
Bảy người thiệt mạng do cháy rừng ở NSW gồm:
Hai người được tìm thấy trong hai chiếc xe vào sáng thứ Tư
Hai cha con ở lại để bảo vệ nhà và trang trại của họ
Một người tình nguyện cứu hỏa 28 tuổi thiệt mạng khi gió lật chiếc xe cứu hỏa
Người thân của Mick Roberts, một người Victoria 67 tuổi, bị mất tích kể từ hôm thứ Hai, xác nhận rằng ông đã thiệt mạng trong nhà ở Buchan, East Gippsland.
“Một ngày (đầu) năm mới rất buồn, nhưng chúng tôi là một gia đình gắn bó với nhau. Và chúng tôi sẽ không bao giờ quên người chú Mick đáng kính của tôi”, Leah Parson, cháu gái của ông viết trên Facebook.
Điều gì đang xảy ra ở các vùng khác?
Hai khu vực của tiểu bang Tây Úc phải đối mặt với nguy cơ hỏa hoạn thảm khốc vào thứ Năm; còn một phần của tiểu bang Nam Úc dự kiến sẽ đối mặt tình trạng cháy rừng nguy hiểm vào thứ Sáu.
ABC loan tin rằng, các vụ cháy rừng đã khiến tuyến đường cao tốc dài 330km ở Tây Úc bị đóng, giao thông tắc nghẽn.
Vào thứ Năm, khói đã khiến chất lượng không khí của Canberra được xếp hạng thấp nhất trong các thành phố lớn trên toàn cầu, theo nhóm AirVisual có trụ sở tại Thụy Sĩ.
Bưu điện Úc đã đình chỉ giao hàng đến khu vực này “cho đến khi có thông báo mới”.
Tại thị trấn Mallacoota, tiểu bang Victoria – nơi hàng ngàn người phải chạy ra bãi biển vào thứ Ba – một chiếc thuyền hải quân dự kiến bắt đầu sơ tán những người bị cô lập tại đây.
Vào thứ Tư, các thuyền cảnh sát đã mang 1,6 tấn nước, thực phẩm, vật tư y tế tới thị trấn này.
Các sở cứu hỏa ở Victoria và NSW cảnh báo, họ không thể tiếp cận một số người ở vùng sâu vùng xa.
Hôm thứ Năm, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã lặp lại lời kêu gọi mọi người đừng hoảng sợ và tin tưởng vào các nhân viên cấp cứu.
“Tôi hiểu nỗi sợ hãi, cũng như sự thất vọng đối với nhiều người, nhưng đây là một thảm họa tự nhiên. Và thảm họa này được ứng phó một cách tốt nhất thông qua việc phối hợp các biện pháp cứu hộ như những gì chúng ta đang chứng kiến,” ông nói trong một cuộc họp báo.
Các nhà khí tượng học cho biết, hiện tượng thời tiết lưỡng cực ở Ấn Độ Dương, là nguyên chính đằng sau sức nóng cực độ ở Úc.
Tuy nhiên, nhiều vùng của Úc vốn đã ở trong tình hình khô hạn, một số vùng khô hạn trong nhiều năm qua. Và chính điều này đã khiến cho các đám cháy lan ra dễ dàng hơn.
Khói từ đám cháy hôm thứ Tư đã có thể nhìn thấy từ đảo Nam của New Zealand, cách đó hơn 2.000 km, nơi các đám mây màu cam phủ kín bầu trời.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50969858
Hàng ngàn con gấu túi có nguy cơ thiệt mạng
trong các vụ cháy rừng ở Úc
Tin từ PERTH, Úc – Nhiều người lo sợ rằng hàng ngàn con gấu túi có thể đã thiệt mạng trong khu vực bị tàn phá do cháy rừng ở phía bắc Sydney, làm giảm số lượng thú có túi biểu tượng của Úc, trong khi nguy cơ hỏa hoạn gia tăng vào hôm thứ Bảy (28/12) ở miền đông nước này khi nhiệt độ tăng cao.Theo tin từ AP, khu vực Mid-North Coast của New South Wales là nơi có tới 28,000 con gấu túi, nhưng những vụ cháy rừng ở khu vực này trong những tháng gần đây làm giảm đáng kể số lượng cá thể. Gấu túi có nguồn gốc từ Úc và là một trong những động vật được yêu thích nhất của đất nước, nhưng chúng bị đe dọa do tình trạng mất môi trường sống.
Những hình ảnh được chia sẻ chụp cảnh gấu túi uống nước sau khi được giải cứu khỏi đám cháy lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày gần đây. Khoảng năm triệu ha đất bị đốt cháy trên toàn quốc trong cuộc khủng hoảng cháy rừng này, với chín người thiệt mạng và hơn 1,000 ngôi nhà bị phá hủy.
Nguy hiểm cháy rừng ở New South Wales và Lãnh thổ thủ đô Úc được nâng cấp lên mức nghiêm trọng vào hôm thứ Bảy, khi nhiệt độ cao dần gia tăng trong khu vực. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hang-ngan-con-gau-tui-co-nguy-co-thiet-mang-trong-cac-vu-chay-rung-o-uc/
0 comments